• ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 8/5
Mỹ - Trung khởi động lại thỏa thuận thương mại
bất chấp đại dịch Covid-19
Ngày 08/05/2020, đại diện Mỹ - Trung Cộng điện đàm bàn về việc thực thi thỏa thuận thương mại sơ khởi. Greg Baker / AFP
Hôm nay 08/05/2020, đại diện hai đoàn đàm phán thương mại Mỹ và Trung Cộng đã có cuộc điện đàm đầu tiên bàn về việc thực thi thỏa thuận thương mại sơ khởi ký hồi đầu năm nhưng đã bị gác lại vì khủng hoảng virus corona.
Trong thông cáo hôm nay, hãng tin chính thức Trung Cộng , Tân Hoa Xã, cho biết phó thủ tướng Lưu Hạc và đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cùng bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin đã nhất trí là Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ hợp tác tạo môi trường thuận lợi để triển khai thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 » ký hồi tháng Giêng. Trong một thông cáo riêng, văn phòng của đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer cũng cho biết Washington và Bắc Kinh hy vọng đáp ứng được các cam kết bất chấp khủng hoảng dịch và hai bên sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết của thỏa thuận.
Sau gần hai năm lao vào cuộc chiến thương mại với những đòn trừng phạt thuế lẫn nhau, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khó khăn lắm mới ký được một thỏa thuận sơ khởi hồi tháng Giêng. Ngay sau đó, dịch Covid-19 bùng lên dữ dội tại Trung Cộng , làm cả nước bị phong tỏa nghiêm ngặt. Theo thỏa thuận sơ khởi, Trung Cộng chấp nhận tăng mức mua sản phẩm Mỹ thêm 200 tỷ đô la so với năm 2017. Thế nhưng, đại dịch đã làm nền kinh tế của Trung Cộng cũng như cả thế giới tê liệt. Bắc Kinh khó có thể thực hiện cam kết trên dù đã cho khởi động lại kinh tế từ đầu tháng Tư, khi cơ bản khống chế được dịch.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh dịch virus corona vẫn đang hoành hành tại Mỹ và là nguồn cơn gây thêm căng thẳng giữa hai nước. Washington và Bắc Kinh trong những ngày qua vẫn tiếp tục khẩu chiến về nguồn gốc đại dịch. Theo Hoa Kỳ, chính Trung Cộng đã để Covid-19 lây lan khắp thế giới như hiện nay. Tổng thống Donald Trump dọa sẽ trừng phạt thương mại Trung Cộng vì đại dịch này và thậm chí hủy bỏ thỏa thuận đã ký nếu Trung Cộng không tôn trong cam kết nhập hàng Mỹ.
Trong khi đó, trận dịch Covid- 19 đang kéo nền kinh tế Mỹ ngày càng gần đáy hơn. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tư dự kiến tăng lên đến gần 20%, gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2009. Trước khi có dịch, tổng thống Trump từng rất tự hào về thành tích kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,5%, mức thấp nhất trong 50 năm qua ở Mỹ.
Thượng viện Mỹ không thể đảo ngược
về Nghị quyết Iran của tổng thống Trump
Thượng viện Mỹ không thể đảo ngược quyền phủ quyết của ông Trump về Nghị quyết Iran
Thượng viện Mỹ ngày 7/5 không đạt đủ phiếu để chống lại quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với nghị quyết “hạn chế quyền hạn của Tổng thống về chiến tranh đối với Iran”, theo VOA Việt Ngữ.
Nghị quyết do Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine dẫn đầu, được cả Hạ viện lẫn Thượng viện thông qua, yêu cầu ông Trump không điều động quân đội chống Iran, trừ phi Nghị viện tuyên bố chiến tranh hay cho phép sử dụng quân đội.
Thượng viện do đảng Cộng hòa phe ông Trump chiếm đa số, đã bỏ phiếu bác quyền phủ quyết của Tổng thống với tỷ lệ 49-44, nhưng không đủ 67 phiếu cần có.
Bắc Hàn chỉ trích Nam Hàn tập trận, ca ngợi Trung Cộng chống dịch nCoV
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn KCNA hôm nay (8/5) dẫn lời một đại diện quân đội Bắc Hàn tuyên bố rằng các cuộc tập trận quân sự gần đây của Nam Hàn là một sự khiêu khích nghiêm trọng cần phải phản công.
KCNA cũng đưa tin, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã gửi một thông điệp tới Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình ca ngợi Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. KCNA không nêu khi nào và bằng cách nào thông điệp của ông Kim chuyển tới ông Tập.
Ngoại trưởng Mỹ: Dịch bệnh buộc thế giới thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Cộng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại sự kiện về tự do tôn giáo của Liên hợp quốc
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Năm (7/5) cho biết dịch bệnh Covid-19 đã buộc thế giới trở nên cảnh giác hơn trước các mối đe dọa từ chính quyền Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ), theo The Epoch Times.
“Tôi nghĩ rằng cả thế giới đang thức tỉnh”, ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn trên talkshow “The Steve Gruber Show”.
“Tôi nghĩ rằng họ [các quốc gia khác] đã nhìn thấy những gì Tổng thống Trump đã làm và họ cũng đã thức tỉnh trước thách thức này”, ông Pompeo nói khi đề cập đến lập trường cứng rắn của chính quyền Mỹ đối với Trung Cộng hiện nay.
“Tôi nghĩ rằng cả thế giới giờ có thể thấy rằng chính quyền này, chính quyền độc tài này, là rất khác biệt với chúng ta”.
Những lời nhận xét của vị ngoại trưởng được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng để mắt đến hành vi giấu dịch của Bắc Kinh khiến dịch bệnh tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu. Một lượng ngày càng tăng các nước phương Tây, bao gồm cả trong Liên minh châu Âu, đang yêu cầu một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch.
Mỹ rút giấy phép xuất khẩu khẩu trang không đạt tiêu chuẩn của Trung Cộng
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ngày 7/5 quyết định rút giấy phép xuất khẩu vào Mỹ đối với hàng chục công ty sản xuất khẩu trang ở Trung Cộng , do phát hiện nhiều khẩu trang N95 không đáp ứng tiêu chuẩn lọc 95% hạt mịn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S CDC) liệt kê khẩu trang N95 là trang thiết bị bảo vệ thiết yếu dành riêng cho các nhân viên y tế tuyến đầu Mỹ sử dụng trong cuộc chiến chống Covid-19.
FDA cho biết, qua thử nghiệm, một số khẩu trang N95 từ các công ty Trung Cộng đã không đáp ứng hiệu quả lọc hạt mịn tối thiểu 95% – tiêu chuẩn dẫn đến tên gọi “N95”.
Theo FDA, điều đó có nghĩa là các mẫu sản phẩm này vẫn cho phép nhiều hạt siêu nhỏ đi qua hơn tiêu chuẩn được cấp phép.
Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, sau quyết định của FDA số công ty Trung Cộng được cấp phép bán khẩu trang N95 vào Mỹ giảm từ 86 xuống còn 14.
Nghị sĩ Mỹ muốn đổi tên đường trước
sứ quán Trung Cộng là ‘Lý Văn Lượng’
Các nghị sĩ Mỹ hôm 7/5 đề xuất đổi tên đoạn đường trước đại sứ quán Trung Cộng ở Washington, từ “International Place” (Địa điểm Quốc tế) thành “Li Wenliang Plaza” (Quảng trường Lý Văn Lượng).“Chúng ta sẽ đảm bảo cái tên Lý Văn Lượng không bao giờ bị lãng quên bằng cách đặt cái tên này vĩnh viễn ngoài sứ quán của quốc gia chịu trách nhiệm về cái chết của bác sĩ Lý”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Cộng phát biểu.
Đề xuất này cũng được Thượng nghị sĩ Marco Rubio ủng hộ và đã được trình lên đồng thời ở lưỡng viện.
Lý Văn Lượng là bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Anh là một trong những người đầu tiên cảnh báo trên mạng xã hội về một loại virus đang lây truyền ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, ngay sau đó, cảnh sát đã triệu tập và yêu cầu anh ký vào biên bản thừa nhận “tung tin đồn nhảm” và phải cam kết không được thực hiện thêm bất kỳ hành động “vi phạm pháp luật” nào nữa.
Virus trên sau đó được xác định là virus corona chủng mới, gây ra đại dịch Covid-19. Vào đầu tháng 2/2020, bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời vì chính loại virus này. Cái chết của anh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân trên khắp Trung Cộng . Dù Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Cộng đã tuyên bố việc xử phạt bác sĩ Lý là “không đúng đắn”, cảnh sát Vũ Hán đã xin lỗi và rút lại quyết định khiển trách, chính quyền tỉnh Hồ Bắc truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho bác sĩ Lý, nhưng những động thái này cũng không đủ để làm dịu cơn giận dữ của công chúng.
Đây không phải là lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ đề xuất đổi tên đường trước sứ quán Trung Cộng ở Washington. Năm 2014, các nghị sĩ từng đề nghị đổi tên đường theo Lưu Hiểu Ba, nhà văn đoạt giải Nobel bị Bắc Kinh bỏ tù sau khi kêu gọi cải cách dân chủ. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Hạ viện Mỹ bác bỏ sau khi Tổng thống khi đó là Barack Obama nói rằng, ông sẽ phủ quyết đề xuất này vì mục đích hợp tác với Trung Cộng .
Mỹ sắp ra luật trừng phạt viên chức Trung Cộng
Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Pence trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Hoa Kỳ, ông Mitch McConnell, hôm thứ Năm, nói rằng ông hy vọng Thượng viện sẽ sớm thông qua dự luật kêu gọi chính quyền Trump gia tăng phản ứng trước hành vi đàn áp của Bắc Kinh đối với các sắc dân thiểu số theo đạo Hồi, Reuters đưa tin.
Ông McConnell cho biết dự luật lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đề xuất sẽ thúc giục Tổng thống Trump sử dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với những quan chức Trung Cộng tham gia đàn áp dân. Một nguồn thạo tin của Reuters nói rằng dự luật có thể được bỏ phiếu vào tuần tới.
Dự luật nếu được thông qua sẽ không chỉ chế tài các quan chức Trung Cộng dính líu tới việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương mà còn đối với tất cả các nhóm Hồi giáo khác ở Trung Cộng .
Nhân viên tòa bạch ốc nhiễm nCoV
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã cho kết quả âm tính với virus Vũ Hán sau khi một lính Mỹ làm việc tại Nhà Trắng bị nhiễm loại virus có nguồn gốc từ Trung Cộng , theo Reuters.Trong cuộc họp với thống đốc bang Texas tại Phòng Bầu dục hôm thứ Năm, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông ít liên lạc với người lính bị nhiễm virus Vũ Hán.
Những người làm việc xung quanh tổng thống tại Nhà Trắng được xét nghiệm virus Vũ Hán thường xuyên. Nhưng Reuters cho hay, nhân viên, mật vụ, và khách tới giao dịch không đeo khẩu trang ở văn phòng khu vực phía Tây tòa nhà.
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ thành lập ủy ban đặc biệt ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Cộng
Hạ viện Mỹ
Các dân biểu Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ đã thành lập một ủy ban hôm 7/5 để chống lại mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ), trong bối cảnh vai trò của chính quyền này trong sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 ra toàn cầu đang thu hút sự dò xét của dư luận, theo The Epoch Times.
“Sự che giấu của Trung Cộng đã trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng”, Lãnh đạo phe thiểu số Hạ Viện Kevin McCarthy nói trong cuộc họp báo công bố việc thành lập ủy ban. “Vụ giấu dịch lần này giống với mô thức hành vi đe dọa tương đồng mà chúng ta đã thấy ở ĐCSTQ trong nhiều năm – một quan điểm từ lâu đã nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng”.
Dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, ủy ban mới bao gồm các thành viên từ nhiều ủy ban phụ trách giám sát quan hệ với Trung Cộng .
Ủy ban đặc biệt gồm 15 thành viên sẽ xem xét “một loạt các vấn đề liên quan đến Trung Cộng ”, bao gồm các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ tại các tổ chức giáo dục của Mỹ, các mối đe dọa kinh tế, các “nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đạt lợi thế công nghệ”, và việc xử lý dịch bệnh tại đại lục trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, ông McCarthy nói.
“Chúng ta không chỉ phải buộc ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho vai trò của họ đối với sự bùng phát dịch Covid-19 ra toàn cầu, Hoa Kỳ còn phải có hành động quyết liệt để đối phó với chương trình nghị sự ác tính của ĐCSTQ và cạnh tranh tốt hơn với Trung Cộng trên trường thế giới”, ông McCaul nói. Ông nhấn mạnh đây là “vấn đề số một không chỉ trong ngày hôm nay mà còn cho tương lai”.
Đại dịch Covid-19 đã thúc giục Mỹ củng cố lập trường trước chính quyền cộng sản Trung Cộng và gây căng thẳng cho các mối quan hệ song phương, trong đó bao gồm các vấn đề đã có từ lâu như lo ngại về âm mưu thâm nhập giới học thuật, trộm cắp thương mại và tác động lên kinh tế Mỹ.
Đã đến lúc giữ khoảng cách
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mark Green gần đây dự tính trình dự luật hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ chuyển dịch chuỗi cung ứng về nước để cắt giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Cộng .“Bất kỳ nỗ lực giữ khoảng cách nào … đều khôn ngoan đối với chúng tôi, cả từ góc độ kinh tế và góc độ an ninh quốc gia”, ông Green chia sẻ với The Epoch Times trong cuộc phỏng vấn gần đây.
Các nghị sĩ Cộng hòa từ bảy ủy ban Hạ viện cũng đã thúc đẩy một cuộc điều tra vào các khoản đầu tư của Bắc Kinh tại các trường đại học Mỹ, sau những cáo buộc chính quyền Trung Cộng đang chèn ép các nghiên cứu học thuật về nguồn gốc nCov tại các cơ sở này
Mỹ yêu cầu Nam Hàn chia sẻ chi phí quân sự:
Hoa Kỳ đã yêu cầu Nam Hàn chia sẻ 1,3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để duy trì lực lượng quân Mỹ đồn trú trên bán đảo Bắc Hàn, tăng gần 50% so với năm ngoái, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump cho biết thông tin hôm thứ Năm, theo Yonhap.Con số này đã giảm nhiều so với mức 5 tỷ USD mà Hoa Kỳ mong muốn Nam Hàn chia sẻ trong những lần đàm phán trước. Hầu hết khoản tiền mà Mỹ đề nghị Nam Hàn chia sẻ được dùng để trả lương cho hàng ngàn người Hàn đang làm việc cho các đơn vị của quân đội Hoa Kỳ trên bán đảo Bắc Hàn.
Vị quan chức này nói với hãng thông tấn Yonhap rằng đề nghị này của Hoa Kỳ là “đề nghị cuối cùng” và “khá hợp lý”..
Đạn pháo trúng gần sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và Ý tại Libya
Đạn pháo đã trúng gần các đại sứ quán của 2 nước Thổ Nhĩ Kỳ và Ý, tại trung tâm thành phố Tripoli, vào cuối ngày 7/5, các cơ quan ngoại giao này cho biết.Theo Reuters, Liên minh Quốc gia Libya (LNA) của thống chế Khalifa Haftar, căn cứ ở miền đông, đã oanh tạc Tripoli trong nhiều tháng, một phần trong cuộc chiến kéo dài cả năm nhằm đánh chiếm thành phố.
xe lửa Ấn cán chết 14 người ngủ quên trên đường rây
Một đoàn tàu hỏa Ấn Độ đã làm chết 14 lao động nhập cư ngủ quên trên đường ray vào thứ Sáu, khi họ đang trên đường về quê do mất việc làm, cảnh sát Ấn Độ cho biết.Theo Reuters, hàng chục ngàn người từ các thành phố lớn ở Ấn Độ đã đi bộ về nhà sau khi họ bị cho nghỉ việc, trong bối cảnh Ấn Độ đóng cửa chống dịch nCoV từ cuối tháng 3.
Người lái tàu đã cố gắng dừng đoàn tàu chở hàng khi ông phát hiện có người nằm trên đường ray ở bang miền tây Maharashtra, Bộ đường sắt cho biết.
Xiaomi Trung Cộng tăng trưởng ở Tây Âu
Nhà cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi đang thua đối thủ Huawei ở thị trường nội địa Trung Cộng , nhưng đang bắt kịp đối thủ ở Tây Âu, theo dữ liệu từ công ty phân tích thị trường toàn cầu Canalys.Xiaomi hiện chiếm 10% thị trường ở Tây Âu sau khi các lô hàng điện thoại thông minh của hãng tăng 79% so với cùng kỳ quý đầu, là nhà cung cấp duy nhất đạt tăng trưởng trong bối cảnh toàn quốc phong tỏa nhằm khống chế đại dịch, tờ SCMP dẫn nguồn từ Canalys cho biết.
Putin cấm quân nhân Nga sử dụng smartphone
Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hôm thứ Tư cấm các thành viên của lực lượng vũ trang Nga sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Theo Fox News, đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc tiết lộ bí mật quân sự của chính phủ Nga.Nga cũng có một luật tương tự cấm những người làm việc cho quân đội sử dụng các thiết bị có thể kết nối Internet.
Những người phục vụ trong quân đội Nga đã được cảnh báo trong quá khứ về việc chia sẻ thông tin trực tuyến và các bài đăng trên mạng xã hội. Fox News cho hay, trong những năm gần đây, các hoạt động quân sự của Nga ở Syria và miền đông Ukraine đã vô tình bị lộ thông qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ấn Độ: Rò rỉ khí gas, ít nhất 11 người thiệt mạng
Ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng trăm người phải nhập viện sau vụ rò rỉ khí gas vào đêm thứ Năm tại một nhà máy hóa chất ở miền đông Ấn Độ, chính quyền địa phương cho biết thông tin, theo AFP.Vụ việc xảy ra ở ngội ô Visakhapatnam, một thành phố cảng ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ. AFP cho hay, số người chết có thể chưa dừng lại ở con số mà quan chức địa phương nói.
Vụ tai nạn xảy ra sau khi khí gas rò rỉ từ các bồn chứa tại một khu phức hợp thuộc sở hữu của công ty LG Chem, Nam Hàn, đang ngưng hoạt động do lệnh phong tỏa chống dịch viêm phổi Vũ Hán.
Đang thử nghiệm thuốc HIV để điều trị Covid-19
Một bác sĩ bệnh truyền nhiễm ở Toronto đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc kháng virus điều trị HIV cho bệnh nhân Covid-19, theo Reuters.
Một loại thuốc tổng hợp gọi là lopinavir/ritonavir dùng để ngăn chặn HIV phát triển thành AIDS – hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Darrell Tan – bác sĩ tại Bệnh viện St. Michael ở Toronto (Canada) – là trưởng nhóm thí nghiệm.
“Loại thuốc này có khả năng chặn đứng protease, nó chống virus bằng cách chặn đứng hoạt động của một loại enzyme mà virus cần để sinh trưởng – một phần quan trọng trong vòng đời virus”, Bác sĩ Tan nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Bằng cách chặn nó, ta chặn khả năng tự sao chép của virus. HIV là một ví dụ về một loại virus mà protease đóng vai trò rất quan trọng đối với vòng đời của nó, và virus corona chủng mới này cũng vậy”.
Ông Tan cho biết các nghiên cứu trước đó cho thấy loại thuốc này có một vài tác dụng đối với virus corona chủng mới trong ống nghiệm.
Quy mô nghiên cứu gồm khoảng 1.220 người và có thể thu được kết quả sớm nhất vào giữa tháng Bảy.
Hồ sơ dữ liệu của Viện Virus học Vũ Hán đã bị sửa đổi
Khi tình báo phương Tây tiếp tục điều tra việc xử lý COVID-19 của Trung Cộng khi dịch bệnh này lan rộng khắp tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12/2019, thì một bằng chứng mới nổi lên cho thấy Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ) cũng tham gia vào một sự che đậy về những gì đang diễn ra.Viện Virus học Vũ Hán (WIV) - nơi đang tiến hành các thí nghiệm gây tranh cãi về việc lây truyền virus corona từ dơi sang người - đã sửa đổi cơ sở dữ liệu của họ trong một nỗ lực để tách phòng thí nghiệm khỏi ổ dịch.
Phóng viên Miranda Devine của New York Post, viện dẫn một nhà phân tích tình báo Anh, cho biết: “Vài ngày trước khi khu chợ ẩm ướt Vũ Hán bị tẩy trắng, những người tố giác đã bị trừng phạt và các mẫu virus bị phá hủy. Một người nào đó tại Viện Virus học Vũ Hán đã kiểm duyệt cơ sở dữ liệu virus của viện này trong một nỗ lực để tách phòng thí nghiệm khỏi một ổ dịch virus Corona mới mà sẽ trở thành đại dịch toàn cầu”.
Đáng chú ý, sự thay đổi dữ liệu xảy ra 2 ngày trước khi giải trình tự gen của phòng thí nghiệm được báo cáo bởi Ủy ban Y tế và Sức khỏe của tỉnh Hồ Bắc để tiêu hủy các mẫu bệnh mới và che giấu thông tin.
Theo báo cáo, những thay đổi dữ liệu được tiến hành vào tối ngày 30/12 là đáng kể. Việc này xảy ra một ngày trước khi ĐCSTQ thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về sự bùng phát dịch bệnh với một loạt các trường hợp viêm phổi ở Vũ Hán.
Người kết nối với cơ sở dữ liệu chính không ai khác chính là Tiến sĩ Shi Zhengli - hay còn được gọi là “người đàn bà dơi”. Bà Shi từng thực hiện các thí nghiệm gây tranh cãi, bao gồm cả việc tạo ra một virus corona tinh tinh có thể lây nhiễm cho con người.
Theo báo cáo, bà Shi đang ở Thượng Hải để dự một hội nghị khi bà được triệu tập trở lại Vũ Hán để đối phó với dịch bệnh đã được phát hiện ở 2 bệnh nhân viêm phổi. Trong khi trên chuyến tàu đêm trở về Vũ Hán, cơ sở dữ liệu đã bị thay đổi.
Hầu hết các thay đổi là việc xóa các từ khóa về “động vật hoang dã”. Điều này rất quan trọng, bởi vì các nhà nghiên cứu y tế toàn cầu nói rằng virus đã nhảy từ dơi sang người thông qua một động vật hoang dã trung gian khác - “liên kết bị thiếu” trong chuỗi lây truyền COVID-19.
Trước đây, bà Shi thường tự hào rằng cơ sở dữ liệu virus dơi của mình là duy nhất bởi vì nó bao gồm dữ liệu về các biến thể virus ở các động vật hoang dã khác.
Có phải cơ sở dữ liệu của bà đã bị kiểm duyệt để tránh những sự dò xét các thông tin tham khảo về việc truyền virus chéo giữa các loài động vật hoang dã?
Tiêu đề của cơ sở dữ liệu đã được thay đổi vào tối hôm đó từ “Cơ sở dữ liệu mầm bệnh virus lây truyền qua động vật hoang dã” thành “cơ sở dữ liệu về mầm bệnh virus lây truyền qua dơi và loài gặm nhấm”.
“Động vật hoang dã” đã được thay thế bằng “dơi và loài gặm nhấm” hoặc “dơi và chuột” ít nhất 10 lần trong cơ sở dữ liệu của WIV. Ngoài ra, một tham chiếu đến “trung gian chân đốt” (vector arthropod) cũng đã bị xóa.
Các từ khóa có thể tạo điều kiện cho các tìm kiếm có khả năng kết nối cơ sở dữ liệu với ổ dịch cũng bị xóa như “các mẫu động vật hoang dã”, “dữ liệu mầm bệnh virus”, “các bệnh truyền nhiễm mới nổi” và “các loài lây nhiễm chéo”.
Nhà phân tích tình báo Anh, người đã phát hiện ra những thay đổi dữ liệu này, cho biết: “Có vẻ như là một nỗ lực vội vã, không nhất quán để phân tách phòng thí nghiệm khỏi ổ dịch bằng cách đổi từ khóa. Có một điều kỳ lạ là việc này được làm chỉ trong vài giờ sau khi được sự bùng phát của virus Corona mới được thông báo”.
Ông nói thêm: “Nếu WIV đã tìm thấy liên kết bị thiếu giữa virus dơi RaTG13 và SARS-CoV-2 [coronavirus gây ra COVID-19] thông qua một động vật gian, thì liên kết này đã có trong cơ sở dữ liệu của bà Shi”.
Trung Cộng di tản tù nhân Duy Ngô Nhĩ
Các tù nhân người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ bị chuyển tới những vùng khác nhau của Trung Cộng theo chương trình sắp xếp việc làm vốn bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19, theo SCMP.Chính phủ Trung Cộng lại tiếp tục kế hoạch bố trí việc làm cho hàng chục nghìn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sau khi họ đã hoàn thành chương trình “giáo dục” bắt buộc tại các trại “cải tạo” tại Tân Cương, theo SCMP.
Kế hoạch nêu trên, bao gồm hạn ngạch về số người mà các tỉnh sẽ nhận, được thông qua lần cuối cùng vào năm ngoái nhưng bị gián đoạn do sự bùng phát của COVID-19.
Các nhà phê bình nói rằng những trại này là một phần của các biện pháp được thiết kế để xóa bỏ bản sắc dân tộc và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số Hồi giáo khác, theo đó yêu cầu tất cả mọi người phải tham gia chương trình “giáo dục lại.”
Tuy vậy, Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích và nói các trại giam mang đến cho người Duy Ngô Nhĩ có cơ hội đào tạo nghề mà họ cần để tìm được công việc tốt hơn, đồng thời giúp họ tránh xa khỏi ảnh hưởng của trào lưu chính thống cấp tiến.
Hiện nay khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chính phủ Trung Cộng lại tiến hành việc sắp xếp việc làm cho những tỉnh nhận “lao động người Tân Cương.”
SCMP nói họ biết ít nhất 19 tỉnh thành đã được giao chỉ tiêu thuê người thiểu số Hồi giáo, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ đã “tốt nghiệp” từ các trại cải tạo.
Từ tháng Hai, khi con số nhiễm bệnh bắt đầu hạ xuống hàng ngày bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trung Cộng đã bắt đầu đưa lao động người Duy Ngô Nhĩ tới nơi làm việc mới.
Một bức ảnh chụp hồi tháng Hai cho thấy hàng nghìn thanh niên Duy Ngô Nhĩ, tất cả đều đeo khẩu trang và với những bông hoa lụa đỏ khổng lồ đeo trước ngực bị đưa đi làm việc tại các nhà máy ở bên ngoài thành phố quê hương của họ.
Vào khoảng cuối tháng Hai, chỉ riêng Tân Cương đã “tạo công ăn việc làm” cho hơn 60.000 người Duy Ngô Nhĩ “tốt nghiệp” từ các trại này. Vài nghìn người khác được đưa tới làm việc tại các tỉnh khác.
Nhiều người đang làm việc tại các nhà máy sản xuất đồ chơi và quần áo.
Các nguồn tin nói với SCMP rằng thành phố Thâm Quyến ở miền nam – trung tâm sản xuất công nghệ cao của Trung Cộng – năm ngoái đã xác định mục tiêu tái định cư cho 50.000 người Duy Ngô Nhĩ. Thành phố được phép làm điều này thành nhiều đợt, với 15.000 đến 20.000 người được sắp xếp vào giai đoạn đầu tiên.
Shaoguan, một thành phố kém phát triển hơn của tỉnh Quảng Đông, cũng được yêu cầu tiếp nhận thêm từ 30.000 đến 50.000 công nhân Duy Ngô Nhĩ.
Tại tỉnh Phúc Kiến, một nguồn tin chính phủ cũng nói họ được yêu cầu thuê “hàng chục nghìn công nhân Duy Ngô Nhĩ.”
“Tôi nghe nói đợt đầu tiên gồm vài nghìn người sẽ sớm đến. Chúng tôi đã tiếp nhận chỉ thị chính thức yêu cầu giải quyết việc ăn ở cho họ thật cẩn thận,” nguồn tin nói.
Không có con số thống kế chính thức nào về việc có bao nhiêu người Duy Ngô Nhĩ sẽ được tái định cư tới các tỉnh và vấn đề này hiếm khi được các phương tiện truyền thông của Đại lục báo cáo.
Công nhân Duy Ngô Nhĩ trung bình sẽ kiếm được từ 1.200 đến 4.000 NDT (từ 170 đến 565 USD) một tháng, được chính quyền địa phương cấp nơi ăn ở, theo các báo cáo của truyền thông Trung Cộng .
Tuy nhiên, họ không được rời nơi ở khi chưa được phép.
Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ước tính rằng hơn một triệu người Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại.
Trước những nguy cơ tiềm ẩn của việc tái định cư, Bắc Kinh cố gắng quản lý cẩn thận mọi việc, từ tuyển dụng tới các điều khoản hợp đồng đến quản lý cuộc sống hàng ngày của các công nhân.
Các quan chức địa phương đích thân tới nhà từng công nhân Duy Ngô Nhĩ để đưa họ lên máy bay hay chuyến tàu đã được sắp xếp trước. Khi đến nơi, họ sẽ được đón ngay lập tức và đưa tới các nhà máy đã được ấn định trước cho họ.
Trung Cộng đang đẩy mạnh các thoả thuận bố trí việc làm như vậy trên diện rộng để bù đắp tác động của suy thoái kinh tế sau đại dịch.
Các nguồn tin nói với SCMP rằng thoả thuận bố trí việc làm được chính quyền Tân Cương và các tỉnh khác hoàn tất lần đầu vào năm ngoái.
Mục đích là đảm bảo việc làm cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã hoàn thành việc đào tạo nghề tại các trại cải tạo và giải quyết việc xoá đói nghèo trong khu vực. Đây là một trong những khu vực nghèo nhất của Trung Cộng .
Trong trại họ được đào tạo nhiều loại nghề khác nhau như làm trong nhà máy, bảo trì máy móc và phục vụ phòng khách sạn. Họ cũng phải học tiếng phổ thông, luật pháp Trung Cộng , những giá trị cốt lõi của đảng và giáo dục lòng yêu nước.
Các trại cải tạo khổng lồ ở Tân Cương đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi.
Liên Hợp Quốc ước tính có trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều công dân thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong các trại này, điều mà Bắc Kinh khẳng định là cần thiết để đấu tranh chống khủng bố và Hồi giáo cực đoan.
Người thiểu số Hồi giáo, đặc biệt người Duy Ngô Nhĩ, là mục tiêu của sự phân biệt đối xử tàn bạo ở Trung Cộng và tình hình ngày càng xấu đi sau những cuộc đụng độ hồi năm 2009.
Đầu tháng này, Viện chính sách chiến lược Úc đã công bố một báo cáo nói rằng hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã được chuyển từ Tân Cương tới làm việc trong các nhà máy tại 9 tỉnh thành của Trung Cộng .
Báo cáo xác nhận tổng số 27 nhà máy sản xuất cho 83 thương hiệu, gồm những cái tên quen thuộc như Google, Apple, Microsoft, Mitsubishi, Siemens, Sony, Huawei, Samsung, Nike, Abercrombie&Fitch, Uniqlo, Adidas và Lacoste.
Báo cáo cũng cho biết các công nhân được gửi tới sống trong các khu ký túc tách biệt, phải trải qua các khóa học tiếng phổ thông có tổ chức và huấn luyện tư tưởng ngoài giờ làm việc, đồng thời bị theo dõi liên tục. Họ cũng bị cấm tham gia các hoạt động tôn giáo.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên đã chỉ trích báo cáo trên, nói rằng nó không có “bất kỳ cơ sở thực tế nào.”
Pháp lập chiến lược sản xuất y cụ,
tránh phụ thuộc Trung Cộng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm nhà máy sản xuất khẩu trang Kolmi-Hopen, gần thành phố Angers (phía đông nước Pháp), ngày 31/03/2020. AFP/Loïc Venance
Khan hiếm khẩu trang, thiếu máy trợ thở, nguy cơ thiếu dược chất trong đại dịch Covid-19 toàn cầu cho thấy rõ cấp độ phụ thuộc nguy hiểm của nhiều nước phương Tây vào Trung Cộng . Chính phủ Pháp lên kế hoạch khôi phục sản xuất trên lãnh thổ nhiều lĩnh vực dịch tễ mang tính chiến lược, trong đó có khẩu trang và thuốc, để bảo đảm khả năng tự chủ.
Khoảng 80% dược chất sử dụng tại Pháp và châu Âu đều được sản xuất phần lớn ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Cộng và Ấn Độ. Dịch Covid-19 chỉ khẳng định thêm sự phụ thuộc khủng khiếp của phương Tây vào các nhà cung cấp châu Á kể từ quá trình toàn cầu hóa. Riêng tại Pháp năm 2018 đã ghi nhận 868 báo động căng thẳng hay gián đoạn nguồn cung thuốc, tăng gấp 20 lần so với năm 2008, trong khi cách đây 10-15 năm, Pháp là nhà sản xuất thuốc hàng đầu châu Âu, nhưng hiện chỉ đứng vị trí thứ 4.
Tình trạng khan hiếm trầm trọng khẩu trang, trang phục bảo hộ y tế tại Pháp có thể thấy qua việc các bệnh viện và bác sĩ tư (cũng tham gia theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid-19) được phân phối “như thời bao cấp” ở Việt Nam. Ở một số vùng dịch căng thẳng, nhiều bệnh viện kêu gọi quyên góp túi đựng rác cỡ lớn để thay trang phục bảo hộ, còn nhân viên không làm việc trong khu vực Covid-19 phải đeo khẩu trang vải do thiếu khẩu trang y tế.
Vào cuối tháng 03/2020, tổng thống Pháp thông báo dành 4 tỉ euro cho ngân sách mua trang thiết bị y tế, trước mắt là từ Trung Cộng , đồng thời ưu tiên phát triển sản xuất trong nước, hoặc ở châu Âu.
Tăng cường “sản xuất trên lãnh thổ quốc gia để giảm mức độ phụ thuộc và tự trang bị được lâu dài” là chiến lược được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 31/03/2020 khi thăm nhà máy Kolmi-Hopen, chuyên cung cấp trang thiết bị y tế (gần thành phố Angers), chiếm đến 3/4 sản lượng khẩu trang sản xuất trong nước. Nguyên thủ Pháp nêu lên một số mục tiêu : tự cung tự cấp nhu cầu khẩu trang trong nước từ giờ đến cuối năm ; đến giữa tháng Năm sẽ sản xuất được 10.000 máy trợ thở các loại (thông qua tổ hợp bốn nhà công nghiệp lớn của Pháp, đứng đầu là tập đoàn Air Liquide)…
Nhà nước kêu gọi… nhưng phải giữ lời hứa
Hiện Pháp chỉ còn bốn nhà máy lớn sản xuất khẩu trang, hoạt động hết công suất, liên tục tuyển thêm nhân viên từ tháng Ba, nhưng mới bảo đảm được công suất 15 triệu chiếc các loại (y tế và FFP2) mỗi tuần, có nghĩa là chỉ cung ứng được một nửa nhu cầu hàng tuần của các bệnh viện tại Pháp.
Hiện tại, do nhu cầu khẩn cấp và với số lượng lớn để phòng chống dịch, Nhà nước hứa mua khẩu trang nhưng liệu sẽ vẫn giữ lời hứa nếu như hết dịch ? Đây là băn khoăn của chính quyền tỉnh Côte d’Armor (phía đông bắc nước Pháp), nơi từng có nhà máy Plaintel sản xuất khẩu trang và phải đóng cửa vào năm 2018. Một cựu giám đốc nhà máy lập dự án khôi phục hoạt động của Plaintel và được chính quyền tỉnh Côte d’Armor và vùng Bretagne ủng hộ, sẵn sàng đầu tư, nhưng với yêu cầu Nhà nước cùng tham gia.
Trả lời đài France 3 Bretagne (05/04), ông Martin Meyrier, phó chủ tịch phụ trách Kinh tế, Hội đồng vùng Bretagne, giải thích : “Khẩu trang sản xuất tại Pháp sẽ luôn đắt hơn so với khẩu trang làm tại châu Á. Ngoại trừ việc cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay dạy cho chúng ta rằng tiêu chí quyết định không phải là giá cả ! Chúng tôi cần một đối tác về lâu dài, không lập lại những gì đã xảy ra ở Plaintel. Cần phải có một đối tác cam kết lâu dài đối với dây chuyền sản xuất khẩu trang”.
Cam kết thu mua lâu dài của Nhà nước là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện dự án cần ít nhất vài tháng để khôi phục cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ mới vì, dù kinh nghiệm còn đó, nhưng nhân viên cũ của nhà máy đã được thuyên chuyển công tác. Ngoài ra, còn phải tính đến nguồn cung cấp nguyên liệu, vẫn thường phụ thuộc vào châu Á.
Sản xuất tại Pháp… chấp nhận chi phí cao
Sản xuất tại Pháp sẽ nâng giá thành của thuốc là điều không tránh khỏi, theo nhận định của ông Olivier Bogillot, chủ tịch tập đoàn dược phẩm Sanofi Pháp, khi trả lời đài BFM TV ngày 20/04. Ông cho rằng người dân Pháp cần được biết thuốc được sản xuất ở đâu và chính phủ nên khuyến khích bằng cách thưởng thêm (bonus) cho những công ty sản xuất trên lãnh thổ Pháp.
Nhà nghiên cứu Pháp Nathalie Coutinet cho rằng “các tập đoàn dược phẩm lớn, trong số đó có rất nhiều tập đoàn kinh doanh có lãi nhất thế giới, đã chuyển sản xuất ra nước ngoài để tăng lợi nhuận, chứ không phải để giảm chi phí. Hệ thống bảo hiểm hoàn trả phần lớn thuốc men”. Nhưng theo ông Olivier Bogillot, một trong những nguyên nhân là do Bảo hiểm Y tế Pháp áp đặt quy định về giá :
“Để tiết kiệm được trong một quãng thời gian, ví dụ một năm, Bảo hiểm xã hội Pháp mỗi năm phải xem xét lại ngân sách và mỗi năm lại phải tiết kiệm, có nghĩa là phải tìm ra được tiền cho hệ thống y tế. Họ cho rằng biện pháp tiết kiệm tốt nhất, đó là hạ giá thuốc và dĩ nhiên quyết định này gây tác động đến công nghiệp. Việc này diễn ra từ 15 năm nay.
Chưa chắc Pháp đã thu hút được các nhà máy sản xuất hoạt chất do có hàng loạt loại thuế về sản xuất, kém hấp dẫn so với các nước Đông và Bắc Âu hoặc nước láng giềng Ý, nơi có truyền thống về ngành hóa, nổi tiếng về giá thành sản xuất thấp và có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mũi nhọn.
Vì Covid-19 : Người Pháp học cách trồng rau trong nhà
Tại Pháp, thời hạn dỡ bỏ phong tỏa đã gần kề. Trong gần hai tháng qua, các hộ gia đình do buộc phải ở trong nhà lâu hơn dự kiến, đã dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Ngoài các môn giải trí thường thấy như đọc sách, xem phim, nghe nhạc, trò chơi xã hội … người Pháp còn tận dụng thời gian ‘‘phụ trội’’ để học nấu ăn, tự làm khẩu trang hay là học cách trồng rau ở trong nhà.Trong thời gian có lệnh phong tỏa, hầu hết các cửa hàng bán hoa và cây trồng trong nhà đều bị đóng cửa. Một số thương hiệu được phép duy trì hoạt động do có bán thức ăn cho các loài thú nuôi ở trong nhà.
Mãi tới ngày cuối tháng 04/2020, chính phủ Pháp mới ra thông cáo cho phép người dân mua hạt giống, chậu cây hay bồn rau về trồng trong nhà. Biện pháp này bao gồm các loại rau trồng ở ngoài trời đối với những nhà nào có sẵn sân vườn, cũng như các loại rau chủ yếu là rau thơm được trồng trong chậu đặt ở ban công.
Sở dĩ chính phủ Pháp mở rộng định nghĩa, đưa cây và các loại rau trồng vào danh sách nhu yếu phẩm, là vì ngành trồng trọt vốn đã ngưng hoạt động trong thời gian qua, rất cần một luồng dưỡng khí cũng như nhiều ngành kinh tế khác. Cũng cần biết rằng, nước Pháp có khoảng 2.500 công ty chuyên về vườn tược và quyết định ban hành phong tỏa đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành trồng trọt, các tiệm bán hoa, chợ hoa và cây kiểng cũng như các vườn ươm hạt giống.
Tại Pháp, ngành này tuyển dụng khoảng 18.000 nhân viên với hợp đồng dài hạn, chưa kể đến giới nhân công làm việc theo mùa với doanh thu hàng năm lên tới 1,4 tỷ euro. Đối với ngành trồng trọt, thời gian bán hàng quan trọng nhất là vào mùa xuân, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5. Sau một thời gian yêu cầu bộ Nông Nghiệp Pháp can thiệp, ngành trồng trọt đã dễ thở đôi chút vì các cửa hàng bán hoa, rau quả và sắp tới đây là các cửa hàng bán cây ăn trái được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp ‘‘giãn cách xã hội’’ cần thiết.
Các cửa hàng chuyên về ‘‘nghệ thuật làm vườn’’ nhân dịp này cũng mở các dịch vụ hướng dẫn người tiêu dùng các cách thức trồng trọt cơ bản. Khá nhiều người tiêu dùng đặt mua hàng trên mạng rồi được giao hàng tận nhà. Thời gian phong tỏa cũng có lợi cho các công ty cỡ nhỏ và trung bình, như trường hợp của công ty Grénéo gần thành phố Rouen. Doanh nghiệp này khai thác tâm lý dân thành thị để bán cho khách hàng các ‘‘hộp trồng rau’’ có sẵn, bao gồm dụng cụ làm vườn, chậu cây, đất trồng, hạt giống …
Thú vị hơn nữa là các đoạn video hướng dẫn cách trồng những loài rau nào vừa ăn được, vừa ra hoa đẹp chẳng hạn như hoa atisô, hoa mướp, hoa mù tạt, hay là hoa cúc, tầm gửi, hoa me karkadé loại được dùng để làm trà thảo dược. Trong số các loại cây thân thảo có trổ hoa từng được dùng làm rau để nấu ăn và cũng là cây trang trí có loài cardon, vốn rất thông dụng vào thế kỷ 18 tại Pháp nhưng bị lãng quên trong một thời gian dài. Nay cardon bắt đầu phổ biến trong các sân vườn sau khi được khám phá lại. Giống cây này thuộc vào họ cúc nhưng khi trổ hoa lại giống như atisô cho nên còn được gọi là ‘‘atisô dại’’. Khác chăng là hoa cardon có khá nhiều màu như vàng, cam, đỏ, chứ không đơn thuần một màu xanh tím như hoa atisô.
Trên các mạng như Jardiland, Gamm Vert, Delbard, Willems, Bakker hay Truffaut đều có những video hướng dẫn cách trồng rau ở trong nhà, như cà rốt, khoai lang, xà lách, cà chua, bắp cải, tỏi tây, ớt chuông hay ớt sừng …. Tuy nhiên, đó là trường hợp của những hộ gia đình có vườn sau hay sân thượng. Đối với những ai sống trong chung cư thì nên trồng các loại rau thơm như rau bạc hà, lá hẹ, húng tây hay các loại rau dền, rau roquette, ngò tây, lá mù tạt. Các giống này đều không đòi hỏi nhiều ánh nắng và có thể đặt bên khung cửa sổ hay ngoài ban công.
Mạng thông tin "La Boîte à Champignons", đúng như tên gọi của nó, hướng dẫn người tiêu dùng cách trồng nấm trắng và dễ hơn nữa là cách trồng cải diếp xoăn (endive). Bạn có thể mua sẵn rễ endive, có thể được cất giữ hơn một tháng trong tủ lạnh. Đến khi trồng thì bỏ rễ vào hộp, phủ đất hay cát mềm, rồi tưới nước ấm để cho rễ nẩy mầm. Điều quan trọng nhất là endive cần mọc trong bóng tối và nhiệt độ khoảng 15 độ C để giữ nguyên màu trắng sáng cho bắp. Nhà nào có hầm hay garage để cất đồ hay trữ rượu là lý tưởng nhất, vì chỉ cần chưa đầy hai tháng là các hộp rễ sẽ mọc đầy cải diếp xoăn.