• ĐIỂM TIN THẾ GIỚI NGÀY 14 THÁNG 4
Thống đốc New York: Mỹ đã vượt qua đỉnh điểm
Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo, hôm thứ Hai tuyên bố rằng, đối với dịch viêm phổi Vũ Hán, “điều tồi tệ nhất đã qua”.
Tuyên bố của ông Andrew được đưa ra trong bối cảnh các bang khác của Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại với niềm tin rằng đại dịch Covid-19 đã lên tới đỉnh ở Hoa Kỳ và theo quy luật sẽ suy yếu trong thời gian tới, theo AFP.
Ông Andrew cho biết tỷ lệ người nhiễm bệnh nhập viện đã giảm tại New York, điểm nóng nhất của dịch viêm phổi Vũ Hán tại Mỹ. Tuy nhiên người đứng đầu New York cũng cảnh báo rằng dịch bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn nếu các hạn chế áp dụng cho chống dịch được dỡ bỏ quá nhanh.
Các bạng đang có dịch Covid-19 tại Mỹ như New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delkn và Rhode Island đã tổ chức một hội nghị để bàn về kế hoạch mở cửa trở lại.
Thủ tướng Anh đi dạo cùng hôn thê
Theo The Telegraph, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/4 đã cùng hôn thê Carrie Symonds và chó cưng Dilyn đi dạo một đoạn ngắn trong sân của dinh thự Chequers. Họ vừa đoàn tụ sau hai tuần ông Johnson điều trị Covid-19 tại bệnh viện St Thomas, London, và ông đang trong quá trình hồi phục sức khoẻ.Thủ tướng Johnson cũng đã trao đổi với Ngoại trưởng Dominic Raab, người đang lãnh đạo chính phủ thay ông, nhưng không rõ ông có tham gia vào cuộc họp cuối tuần này về việc dỡ bỏ lệnh phong toả hay không.
Ấn Độ kéo dài phong toả
Reuters cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay thông báo gia hạn lệnh phong tỏa đối với 1,3 tỷ dân tới ngày 3/5 trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV ở nước này vượt quá 10.000.“Đến ngày 3/5, mọi người dân Ấn Độ đều phải sống dưới lệnh phong tỏa. Tôi đề nghị người dân cùng ngăn chặn nCoV lây lan sang các khu vực khác”, ông Modi phát biểu trên truyền hình hôm nay.
“Nếu chúng ta chỉ nhìn từ quan điểm kinh tế thì đó có vẻ là một cái giá quá đắt, nhưng so với tính mạng của người Ấn Độ thì không gì có thể so sánh được”, ông Modi tuyên bố.
Theo cập nhật của Worldometers lúc 18h36 (giờ Việt Nam) ngày 14/4, Ấn Độ ghi nhận 10.541 ca nhiễm và 358 người chết do nCoV. Do thiếu thiết bị xét nghiệm và đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế, tỷ lệ xét nghiệm nCov ở Ấn Độ hiện chỉ ở mức 137 ca xét nghiệm/1 triệu dân, so với 15.935 ca/1 triệu dân ở Ý và 8.138 ca/1 triệu dân ở Hoa Kỳ.
Thượng viện Mỹ điều tra những nghi vấn về dịch Vũ Hán – trọng tâm là Trung Cộng và WHO
Các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa
Ủy ban giám sát chính của Thượng viện Mỹ đang bắt đầu một cuộc điều tra rộng rãi về nguồn gốc và phản ứng của các bên trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Chủ tịch Ủy ban Chính phủ và An ninh nội địa Thượng viện ông Ron Johnson cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai (13/4), theo Politico.
Thượng nghị sĩ Johnson cho biết Ủy ban của ông “sẽ tiến hành giám sát toàn bộ vấn đề này”. Ông đã liệt kê một vài yếu tố của cuộc điều tra: Tại sao kho dự trữ quốc gia không được “chuẩn bị tốt hơn”, tại sao các loại thuốc và thiết bị y tế được sản xuất ở nước ngoài, phản ứng của Tổ chức Y tế Thế giới WHO đối với Covid-19 và cách thức virus lan truyền lúc ban đầu.
Trọng tâm cuộc điều tra sẽ nằm ở WHO và Trung Cộng .
“Liệu có nên cố gắng đưa ra các phương pháp chữa trị khác nhau, các biện pháp điều trị khác nhau cho Covid-19 nói chung”, ông Johnson nhận định. “Chúng ta cần biết vai trò của WHO trong việc cố gắng che đậy dịch bệnh này”.
Thượng nghị sĩ Johnson cũng cho biết ông đã chỉ đạo Thượng nghị sĩ Rick Scott dẫn đầu trong cuộc điều tra WHO, vốn đã hứng chịu chỉ trích không ngừng từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng vì không làm đủ để thu thập thông tin chính xác từ Trung Cộng tại thời điểm ban đầu của dịch bệnh. Hai thượng nghị sĩ đề cập đến cuộc thăm dò vào hôm thứ Hai.
Scott là một nhà phê bình Trung Cộng có tiếng, ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn cá nhân rằng khi bàn đến dịch virus Vũ Hán, “chúng ta không thể tin Đảng Cộng sản Trung Cộng (ĐCSTQ), chúng ta đã biết rằng chúng ta không thể tin WHO vì họ đã lừa dối chúng ta”. Ông cho biết ông sẽ đi sâu tìm hiểu kế hoạch của WHO, thời điểm WHO biết được virus này lây truyền từ người sang người và thời điểm tổ chức này nảy sinh những hoài nghi đầu tiên về báo cáo của Trung Cộng rằng virus này đã được kiềm chế.
“Hãy kiến tạo một tổ chức mới nếu điều này là quan trọng bởi rõ ràng WHO không hoạt động hiệu quả”, ông Scott nói. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đề nghị cắt ngân sách dành cho WHO và đề nghị tổng giám đốc WHO từ chức. Một số phụ tá của Tổng thống Trump cũng đang cân nhắc việc tạo ra một tổ chức thay thế WHO. Tuy vậy, Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn nói rằng ông tin rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tài trợ cho tổ chức này.
Bắc Hàn phóng nhiều tên lửa chống hạm tầm ngắn
Reuters dẫn tin từ Quân đội Nam Hàn cho biết, Bắc Hàn sáng nay đã phóng nhiều tên lửa hành trình chống hạm tầm ngắn ở khu vực bờ biển phía Đông. Ngoài ra, các chiến đấu cơ Sukhoi bay trên khu vực thành phố Wonsan và phóng nhiều tên lửa không đối đất xuống biển.Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn (JSC) cho biết trong thông cáo ngày 14/4 rằng, vụ phóng tên lửa diễn ra vào khoảng 7h và kéo dài trong 40 phút gần thị trấn Muchon, tỉnh Kangwon. Các vật thể này bay khoảng 150 km trước khi rơi xuống biển.
Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày trước ngày kỷ niệm 108 năm ngày sinh của cố chủ tịch Bắc Hàn Kim Nhật Thành (ngày 15/4), và sau kỳ họp của Quốc hội Bắc Hàn vào cuối tuần qua.
WHO hy vọng vẫn có tài trợ từ Mỹ
Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm thứ Hai, đã bày tỏ tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO, bất chấp việc Tổng thống Trump gần đây đã chỉ trích tổ chức này yếu kém trong cách phản ứng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và thiên vị Trung Cộng , theo Reuters.
“Điều mà tôi biết là ông ấy [Tổng thống Trump] ủng hộ và tôi hi vọng rằng tài trợ cho WHO vẫn tiếp tục. Mối quan hệ mà chúng tôi có là rất tốt và chúng tôi hi vọng rằng mối quan hệ này sẽ không thay đổi”, ông Tedros nói.
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết chính quyền Trump đang xem xét lại vấn đề tài trợ cho WHO, nói rằng các tổ chức quốc của Liên Hợp Quốc cần tiền đóng thuế của người dân Mỹ để duy trì hoạt động.
Hiện Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO. Mỹ đã hỗ trợ WHO hơn 400 triệu đô la vào năm 2019, bằng khoảng 15% ngân sách của tổ chức có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Trung Cộng chỉ hỗ trợ khoảng trên 10 triệu mà thôi.
Nga huy động Quốc phòng để chống dịch
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với các quan chức cấp cao qua video hôm 13/4
Theo cập nhật của Worldometers lúc 6h29 ngày 14/4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 xuất hiện tại 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.922.906 ca nhiễm, trong đó 119.568 người đã tử vong và 443.861 người khỏi bệnh.
Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 586.093 ca nhiễm và 23.592 ca tử vong. New York là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh với hơn 10.000 ca tử vong.
Tây Ban Nha là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới, với 170.099 ca nhiễm và 17.756 ca tử vong. Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu ở trong nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 26/4.
4 vùng dịch lớn tiếp theo ở châu Âu là: Ý, Pháp, Đức, Anh.
Hôm 13/4, Ý báo cáo 566 ca tử vong mới, tăng nhẹ so với một ngày trước đó, nhưng số ca mắc mới giảm và thấp nhất kể từ ngày 7/4.
Trung Cộng , Iran và Hàn Quốc vẫn là 3 vùng dịch lớn nhất châu Á.
Tại Iran, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trong dịch Covid-19 tại Trung Đông, một số quan chức và chuyên gia y tế đã cảnh báo chính phủ về làn sóng dịch thứ hai có thể tấn công mạnh vào Tehran.
Tại Đông Nam Á, số ca nhiễm đã vượt quá 20.000. Malaysia vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 4.683 ca nhiễm, trong đó 76 người đã tử vong. Indonesia là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực.
Việt Nam, Lào, Campuchia, Đông Timor là những nước chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.
Pháp kéo dài lệnh phong tỏa đến 11/5
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 13/4 thông báo kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 11/5 để ngăn dịch Covid-19 lây lan.“Trong bốn tuần tới, các quy tắc phải được tuân thủ”, Reuters dẫn lời ông Macron phát biểu trên truyền hình.
Ông Macron nói thêm, nhờ nỗ lực của người dân, tình hình ở Pháp đã có chuyển biến nhưng đất nước vẫn chưa chiến thắng được dịch bệnh.
Trước đó, Pháp ra lệnh phong tỏa toàn quốc 15 ngày, bắt đầu từ ngày 17/3, nhưng sau đó đã gia hạn đến ngày 15/4.
Anh có thể kéo dài lệnh phong tỏa đến 7/5
The Times đưa tin, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab dự kiến hôm 16/4 sẽ thông báo gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài ít nhất đến ngày 7/5.Bộ Y tế Anh hôm 13/4 thông báo toàn quốc có 11.329 người đã tử vong trong bệnh viện vì dịch Covid-19.
Áo: Hàng nghìn cửa hàng hoạt động trở lại
Hàng nghìn cửa hàng trên khắp nước Áo mở cửa trở lại vào này 14/4 khi quốc gia châu Âu này nới lỏng hạn chế phong tỏa.Tuần trước, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đưa ra kế hoạch nới lỏng hạn chế từng bước. Các cửa hàng dưới 400 mét vuông được mở lại vào ngày 14/4. Các trung tâm mua sắm, cửa hàng lớn hơn và các tiệm làm tóc sẽ được mở lại từ ngày 1/5. Các nhà hàng và khách sạn có thể mở cửa trở lại từ giữa tháng 5.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nước này có giới hạn số người trong cửa hàng và người dân có phải đeo khẩu trang khi mua sắm hay không.
IMF dành 500 triệu USD hỗ trợ chống dịch
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Hai cho biết họ sẽ cung cấp gói cứu trợ ngay lập tức cho 25 quốc gia thành viên để giúp những nước này chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang bùng phát, Reuters đưa tin.“Khoản vay này hướng tới những quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất của chúng ta”, Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai.
Bà Georgieva nói thêm rằng hiện nguồn vốn hỗ trợ đang có khoảng 500 triệu USD, trong đó Anh đóng góp 185 triệu, Nhật hỗ trợ 100 triệu.
Theo Reuters, IMF có kế hoạch tìm kiếm nguồn tài chính khả dụng lên tới 1.4 tỷ USD cho các khoản vay khẩn cấp để chống dịch.
Ukraine: Cháy rừng gần lò Chernobyl
Một vụ cháy rừng lớn ở Ukraine hoành hành trong hơn một tuần qua tại vị trí chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không quá một km, tiềm ẩn nguy cơ phát tán phóng xạ, Greenpeace Russia cảnh báo hôm thứ Hai, trích dẫn hình ảnh từ vệ tinh, theo Reuters.Cơ quan phụ trách các tình huống khẩn cấp của Ukraine (ESS) cho biết họ vẫn đang chiến đấu với đám cháy, tuy nhiên tình hình đã được kiểm soát. ESS cho biết thêm, mức độ phóng xạ gần khu vực có đám cháy vẫn ở trong phạm vi cho phép.
Nhưng Greenpeace Russia nói rằng tình hình tồi tệ hơn những gì chính quyền Ukraine tin, và hình ảnh vệ tinh cho thấy vụ hỏa hoạn lớn hơn một nghìn lần so với những gì họ tuyên bố.
Mỹ: Bão lớn, 30 người thiệt mạng
Vào thứ Hai, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào miền đông nam Hoa Kỳ làm chết 30 người, gây ra lũ lụt, lở đất và mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng tới hơn 1 triệu gia đình và doanh nghiệp, AP đưa tin.Thống đốc bang Mississippi, Tate Reeves, cho biết, cơn bão “dữ dội và tồi tệ hơn bất cứ điều gì chúng tôi từng chứng kiến trong một thập kỷ qua”.
“Chúng tôi đã quen với những cơn lốc xoáy ở Mississippi, nhưng chúng chưa là gì so với cơn bão này”, ông Tate nói.
Kazakhstan phản đối sohu.com nói nước này muốn thành một phần của Trung Cộng
Một góc chụp thủ đô Kazakhstan
Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Kazakhstan hôm nay đã triệu đại sứ Trung Cộng để phản đối một bài báo nói rằng, nước này mong muốn trở thành một phần của Trung Cộng . Được biết bài báo có tiêu đề “Tại sao Kazakhstan mong muốn quay trở về với Trung Cộng ?” được đăng tải trên trang web sohu.com được cho là “trái ngược với tinh thần hợp tác chiến lược toàn diện lâu dài” của quốc gia này và Trung Cộng.
Bài báo kể lại lịch sử của Kazakhstan, nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo của nhiều bộ lạc Kazakhstan đã cam kết trung thành với “Hoàng đế” Trung Cộng .
Bài báo cũng cho rằng Kazakhstan từng là một phần của lãnh thổ Trung Cộng và người Kazakhstan “không phàn nàn quá nhiều” về việc liên tục bị Trung Cộng xâm chiếm. Reuters bình luận, việc Kazakhstan triệu đại sứ Trung Cộng là một động thái bất thường vì hai nước láng giềng này thường tránh chỉ trích lẫn nhau. Bộ Ngoại giao Trung Cộng chưa phản hồi khi được yêu cầu bình luận.
Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích hàng chục nghìn tù nhân
Reuters cho biết, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/3 đã thông qua một dự luật cho phép phóng thích hàng chục nghìn tù nhân để giảm tình trạng tập trung đông đúc trong nhà tù và ngăn dịch Covid-19 lây lan.Đảng Công lý và Phát triển (AK) của Tổng thống Erdogan và đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP) ủng hộ dự luật này. Phó chủ tịch Quốc hội Sureyya Sadi Bilgic cho biết dự luật được thông qua với 279 phiếu thuận và 51 phiếu chống.