• ĐIỂM TIN ngày 9 tháng 4, 2020
Ca nhiễm mới ở Hoa Kỳ giảm bớt
Ca nhiễm mới Covid-19 tại Đông Nam Á tăng mạnh
Reuters đưa tin, ông Achmad Yurianto, một quan chức trong Bộ Y tế Indonesia hôm nay thông báo nước này có thêm 336 trường hợp mới nhiễm Covid-19, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát vào tháng trước. Ông Yurianto cũng xác nhận 40 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số lên 280. Hiện Indonesia có 3.293 ca nhiễm, trong đó 252 người đã phục hồi.Malaysia ghi nhận 109 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 4.228. Số ca tử vong cũng tăng thêm 2, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 67.
Philippines xác nhận thêm 206 ca nhiễm và 21 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm tại Philippines là 4.076, trong đó 203 người đã tử vong. Hiện Philippines là nước chịu ảnh hưởng nhất vì dịch bệnh tại Đông Nam Á.
Thái Lan báo cáo 54 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Hai nạn nhân tử vong gồm một người Pháp, 74 tuổi và một người Thái, 84 tuổi. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 2.423, trong đó 32 ca tử vong.
Giới chức y tế Singaporecùng ngày báo cáo thêm 142 ca nhiễm nCoV, mức tăng cao nhất từ khi xuất hiện dịch, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 1.623. Trong số các ca nhiễm mới, 55 ca liên quan đến các cụm dịch đã biết, 13 ca lây từ người đã nhiễm nCoV, hai ca nhập khẩu và 72 ca chưa rõ nguồn lây. Singapore đã ghi nhận 6 ca tử vong.
Tính hữu hiệu của “mô hình” Singapore được ca ngợi là hữu hiệu trong việc chống Covid-19 lây lan đang cho thấy những dấu hiệu không được lạc quan. Ngay cả trước khi số người bị nhiễm tăng vọt những ngày qua – 66 ca nhiễm mới ngày thứ Hai, 06/04 và 106 một hôm sau, Singapore đã quyết định cứng rắn hơn trong chiến lược chống virus: Đóng cửa tất cả những cửa hiệu, thương xá, nhà hàng. Và lần đầu tiên trường học buộc phải đóng kể từ 08/04.
Chính quyền Singapore cảnh báo là làn sóng chấn động của dịch bệnh có thể kéo dài đến năm 2021. Vào hôm thứ Hai 06/04, số ca nhiễm tính từ đầu khủng hoảng tại Singapore lên đến 1.381 người với 6 ca tử vong.
Theo những quan sát viên về y tế, “làn sóng” lây nhiễm thứ hai này dâng lên khắp vùng Đông Nam Á, nhưng sẽ không nghiêm trọng như ở Châu Âu hay Mỹ trong tháng 2 và tháng 3.
Kịch bản đau lòng trên toàn thế giới
Bệnh viện quá tải vì COVID-19:
Ai được ưu tiên điều trị trước?
Xác người được đưa ra xe đông lạnh bên ngoài Bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn, New York, hôm 6/4 giữa lúc dịch COVID-19 hoành hành ở tâm chấn của nước Mỹ.
(VOA) Một y tá mắc bệnh hen suyễn, một cụ ông bị ung thư và một người vô gia cư không có gia đình, tất cả đều đang lên cơn sốt do nhiễm virus corona. Họ đang cố gắng để thở, và một máy trợ thở có thể cứu sống họ. Nhưng ai được ưu tiên dùng khi không có đủ máy cho tất cả mọi người?
Các nhân viên y tế đang lo sợ về viễn cảnh tồi tệ này trong lúc các bệnh viện ở Mỹ chuẩn bị cho một sự gia tăng được dự đoán về số lượng bệnh nhân cần máy thở và các nguồn lực khác, mà có thể sắp bị thiếu hụt trầm trọng.
Điều đó có nghĩa là phải lục lại các sách vở trước đây mà họ chưa bao giờ phải viện tới về cách phân bổ nguồn lực hạn chế một cách công bằng trong trường hợp khẩn cấp.
“Tôi cầu nguyện một sự đánh giá công bằng và khả năng tốt của họ khi phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn,” Erik Curren, người có người cha 77 tuổi thiệt mạng trong tháng này vì các biến chứng hô hấp liên quan đến virus sau khi bị nhiễm COVID-19 tại một nhà dưỡng lão ở Florida, nói.
Các kịch bản đau lòng thực sự đang xảy ra ở những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, bao gồm cả Tây Ban Nha, nơi một giới chức viện dưỡng lão cho biết rằng người dân bị bệnh đang chết vì không được nhập viện do bệnh viện có quá nhiều bệnh nhân.
Giống như hầu hết các nơi khác trên thế giới, máy trợ thở cho bệnh nhân đang là nhu cầu cấp bách trên khắp nước Mỹ, do các vấn đề về hô hấp thường gặp ở những người bị bệnh nặng với COVID-19.
Theo Hiệp hội Y học Hồi sức Hoa Kỳ, có khoảng 900.000 bệnh nhân nhiễm virus corona ở Mỹ có thể cần tới các máy trợ thở trong thời gian dịch bệnh. Tuy nhiên theo ước tính của hiệp hội, chỉ có 200.000 máy trợ thở trên cả nước, mà phần nhiều trong số đó đã được sử dụng cho các bệnh nhân khác.
Tại New York, tâm chấn của dịch COVID-19 của nước Mỹ, một bệnh viện ở thành phố đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong do virus corona gây ra chỉ trong một ngày và các quan chức đang thiết lập hàng trăm giường bệnh tại một trung tâm hội nghị trong lúc con số người nhiễm bệnh đã vượt qua mức 30.000 ở thành phố này.
Để chuẩn bị, các quan chức y tế trên cả nước đang xem xét lại các hướng dẫn từ của chính phủ tiểu bang và các nhóm y tế về cách phân bổ nguồn lực hạn chế trong các trường hợp khẩn cấp.
Nguyên tắc chung bao trùm các kế hoạch đó là: Mang lại lợi ích cao nhất cho số lượng người lớn nhất và ưu tiên những người có cơ hội phục hồi tốt nhất. Nhưng chính xác là quyết định thế nào thì còn đầy lo ngại.
Tiến sĩ Douglas White của Đại học Pittsburgh ở Mỹ cho rằng việc tự động loại trừ một số nhóm nhất định khỏi việc tiếp cận máy trợ thở, chẳng hạn như những người mắc bệnh phổi nặng, làm dấy lên các vấn đề về đạo đức. Ông cho biết, nhiều bệnh viện tìm kiếm hướng dẫn về COVID-19 trong những tuần gần đây đã áp dụng chính sách mà ông thay đổi để không có những sự loại trừ như vậy.
Các hướng dẫn được Sở Y tế của tiểu bang New York đưa ra trước đây đã loại trừ một số người bị bệnh nặng không được dùng máy trợ thở khi máy bị hạn chế về số lượng trong các trường hợp khẩn cấp lớn, nhưng lại lưu ý rằng tự động xếp những người cao tuổi vào loại không đủ tiêu chuẩn sẽ là phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các hướng dẫn này lại bổ sung rằng, do “ưu tiên xã hội mạnh mẽ trong việc cứu trẻ em,” thì độ tuổi có thể được xem xét trong việc đưa ra quyết định khi cuộc sống của một đứa trẻ bị đe dọa.
Các khuyến nghị được công bố trong tuần này bởi các hiệp hội y tế của Đức trong việc đối phó với dịch COVID-19 cũng nói rằng tuổi tác không nên là một yếu tố quyết định. Trong số các tình huống mà họ nói rằng không nên cung cấp dịch vụ chăm sóc đặc biệt trong tình trạng thiếu hụt có việc: nếu bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt lâu dài để sống sót.
Một tính toán nghiệt ngã khác mà các chuyên gia cho rằng các bệnh viện có thể đưa ra là quyết định xem bệnh nhân có thể cần giường bệnh hay máy trợ thở trong bao lâu trong lúc máy có thể cứu được bao nhiêu người khác. Điều đó sẽ giúp ngăn chặn trước việc đưa ra một quyết định thậm chí còn tồi tệ hơn, mà nhiều bác sĩ ở Mỹ có thể chưa bao giờ phải đối mặt – là liệu có nên rút máy khỏi bệnh nhân này để cho bệnh nhân khác hay không.
Chưa thể biết cuộc khủng hoảng ở Mỹ sẽ khủng khiếp đến mức nào. Tuần trước, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của Nhà Trắng về đối phó với virus corona, đã tìm cách làm dịu đi những nỗi sợ hãi, khi lưu ý rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy người dân Mỹ sẽ không có giường bệnh hoặc máy trợ thở khi họ cần. Bà cho biết ngay cả ở New York, vẫn có sẵn giường tại các khu chăm sóc đặc biệt và một số lượng đáng kể máy trợ thở chưa được sử dụng.
Nhưng những gì đang xảy ra ở bên ngoài nước Mỹ lại đang làm các nhân viên y tế trên khắp thế giới phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.
Tại Pháp và Tây Ban Nha, các quan chức bệnh viện và điều dưỡng cho biết những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm virus corona tại các khu dưỡng lão không nhất thiết phải được chăm sóc đặc biệt.
Ở miền bắc nước Ý, bác sĩ Luca Lorini của bệnh viện Giáo hoàng John XXIII ở Bergamo – thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đã so sánh các các bệnh nhân đang được phân loại với những người đang chờ ghép tạng.
Ở Mỹ, số lượng các ca nhiễm tăng nhanh chóng theo cấp số nhân đang tạo ra nỗi lo sợ rằng các bệnh viện có thể sớm bị quá tải.
Chloroquine: Hứa hẹn và nghi vấn?
Tính chất hữu hiệu của liệu pháp dùng Chloroquine để trị bệnh Covid đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt, đặc biệt là những chỉ trích theo đó giáo sư Didier Raoult, người đề xuất ra liệu pháp, đã thiếu trung thực khi cho thử nghiệm cách chữa của mình.
Trên tờ báo kinh tế Pháp, giáo sư Didier Raoult đã đích thân chấp bút bảo vệ phương pháp trị liệu của ông. Les Echos đồng thời điểm lại những liệu pháp khác, ngoài việc dùng chất chloroquine, để trị bệnh do virus corona gây ra.
Vì sao Donald Trump tấn công WHO?
Trên bình diện quốc tế, báo Pháp Les Echos đã rất chú ý đến tấn công mới nhất của tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tổ Chức Y Tế Thế giới WHO, khi ông dọa cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ dành cho định chế Liên Hiệp Quốc này.
Tờ báo Pháp nhắc lại là vào đầu tháng Tư, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ củng cố thêm mối nghi ngờ phổ biến ở Washington là Bắc Kinh không nói thật trên số ca tử vong do virus corona gây nên tại Trung Quốc.
Theo chính quyền Mỹ, những thông tin không đúng thật đã không cho phép các quốc gia khác đánh giá được mức độ dữ dội của đại dịch để chuẩn bị đối phó.
Vấn đề là WHO đã không phủ nhận các số liệu của Bắc Kinh. Và theo ông Donald Trump, WHO còn phản đối quyết định của Washington cấm các chuyến bay đến từ Trung Cộng , điều này cho thấy một sự thiên vị nào đó. Ông Donald Trump còn than phiền về phần đóng góp to lớn của Mỹ cho WHO.
Theo Les Echos, trong năm 2018-2019, ngân sách của WHO là khoảng 4,5 tỷ đô la. WHO nhận đóng góp của các cá nhân giàu có, các nhà hảo tâm, nhưng phần lớn thu nhập đến từ tài trợ của các quốc gia thành viên.
Và trên điểm này, Les Echos cho là ông Trump có lý khi than phiền, vì Mỹ rất hào phóng. Mỗi thành viên, trong số 194 quốc gia, đóng góp cho ngân sách WHO, tùy theo kích thước và mức sống của người dân chứ không phải là dựa trên GDP.
Kết quả là Mỹ đóng góp đến 22% trên tổng số tiền tài trợ từ các quốc gia cho WHO, trong lúc đóng góp của Trung Cộng chỉ là 8%, Pháp là 4,8%. Đây quả là một điều không mấy cân xứng khi mà GDP của Trung Cộng , như trong năm 2018, lên đến 25.270 tỷ đô la, trong lúc Mỹ “chỉ” là 20.494 tỷ.
Nhiều nhà máy khẩu trang ở Trung Cộng
không đủ tiêu chuẩn vệ sinh
Một nhà môi giới Trung Cộng đã tiết lộ rằng, các công nhân tại nhiều nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Cộng không đeo đồ bảo hộ hoặc găng tay trong khi xử lý các sản phẩm, đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng sản xuất vật tư y tế ở Trung Cộng .
Ông Trần Quốc Hoa (Chen Guohua – không phải tên thật), một nhà môi giới xuất khẩu khẩu trang sản xuất tại Trung Cộng nói với hãng tin Tech World của Trung Cộng rằng, 60% các nhà máy ở nước này không có môi trường làm việc vô trùng.
Ông cho biết, ông từng đến thăm một nhà máy đầy bụi, nơi các công nhân đang xử lý khẩu trang từ dây chuyền nhà máy bằng tay không và không đeo đồ bảo hộ.
“Ai là người dám sử dụng khẩu trang được sản xuất như thế này? Ai dám đeo nó lên mặt?”, ông đặt câu hỏi.
Ông Trần cho biết, ông từng buôn bán thương mại điện tử và mới đây đã chuyển sang xuất khẩu khẩu trang do nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các khách hàng nước ngoài của mình. Ông nói rằng hầu hết các nhà máy sản xuất khẩu trang ở Trung Cộng ban đầu là các nhà máy dệt hoặc điện tử đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao, vì vậy thiết bị và công nghệ của họ thường không đáp ứng các tiêu chuẩn.
Theo trang Sanyan Blockchain, trang tin tài chính Trung Cộng , trong khoảng thời gian từ 23/1 đến 11/3, gần 5.500 nhà sản xuất khẩu trang đã được mở ra tại Trung Cộng . Theo ông Trần, một số nhà máy đã mua giấy phép sản xuất khẩu trang.
Những tiết lộ được đưa ra trong bối cảnh có nhiều báo cáo về các thiết bị y tế kém chất lượng được sản xuất từ Trung Cộng . Jin Hai, một quan chức hải quan Trung Cộng nói với hãng tin AFP vào ngày 4/4 rằng, Trung Cộng đã xuất khẩu 3,86 tỷ khẩu trang; 37,5 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân; 16.000 máy thở và 2,84 triệu bộ kit xét nghiệm kể từ ngày 1/3. Tuy nhiên, một số quốc gia như Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha… đã phàn nàn về chất lượng các thiết bị y tế do Trung Cộng cung cấp.
Cụ thể, Hà Lan vào ngày 28/3 cho biết họ đã phải thu hồi khoảng 600.000 khẩu trang được Trung Cộng cung cấp. Các quan chức y tế Hà Lan cho biết số khẩu trang này không phù hợp và có bộ lọc bị lỗi.
Tương tự, theo The Telegraph, Vương quốc Anh cho biết họ sẽ yêu cầu Trung Cộng hoàn lại tiền cho hàng triệu bộ kit xét nghiệm kháng thể virus được đặt hàng từ nước này sau khi phát hiện ra các bộ kit xét nghiệm này cho kết quả không chính xác.
Gần đây, có một số video với nội dung nói về tình trạng sản xuất khẩu trang không vệ sinh ở Trung Cộng được lưu hành trên mạng xã hội. Ví như, hôm 30/3, tài khoản Twitter Harry Chen PhD đăng tải một video cho thấy một nam công nhân Trung Cộng trong nhà máy cố tình cầm những chiếc khẩu trang y tế dùng để xuất khẩu chà lên giày của anh ta và nói rằng: “Thế này đã đủ tốt chưa? Những chiếc khẩu trang này dùng để xuất khẩu phải không?”.
Nhật chi 2,2 tỷ USD
để các công ty Nhật rời Trung Cộng
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Nhật Bản đã dùng 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế để giúp các công ty nước này chuyển nhà máy và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Cộng trong bối cảnh virus corona phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các đối tác thương mại lớn.
Cụ thể, 220 tỷ yên (2 tỷ USD) sẽ được dùng để giúp các công ty chuyển nhà máy sản xuất về Nhật Bản và 23,5 tỷ yên để giúp các công ty muốn chuyển việc sản xuất sang nước khác, theo kế hoạch được đăng trực tuyến.
Căn cứ không quân của Mỹ ở Afghanistan bị tấn công
Căn cứ không quân Mỹ ở Afghanistan hôm nay đã bị 5 tên lửa bắn trúng nhưng không có thương vong, Reuter dẫn lời lực lượng của Afghanistan do NATO lãnh đạo cho biết. Nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công.
“Năm tên lửa đã bắn vào sân bay Bagram vào sáng sớm hôm nay”, lực lượng của Afghanistan do NATO lãnh đạo, còn gọi là lực lượng Resolute Support, cho biết trên Twitter. Đây là căn cứ không quân chính của Mỹ ở Afghanistan, nằm tại phía Bắc thủ đô Kabul.
IS tuyên bố trên mạng xã hội rằng các binh lính của họ đã nhắm mục tiêu tấn công vào một bãi đáp trực thăng tại Bagram.
Vụ tấn công xảy ra vài tuần sau khi phe Taliban và Mỹ đạt được thỏa thuận về việc rút quân đội nước ngoài do Mỹ lãnh đạo ra khỏi Afghanistan. Thỏa thuận này không bao gồm phiến quân IS.
Đài Loan và Đan Mạch hợp tác sản xuất bộ xét nghiệm nhanh virus Vũ Hán trong 12 phút
Ông Filippo Bosco, Giám đốc điều hành và người sáng lập BluSense cùng Phó chủ tịch điều hành BluSense, bà Jessie Sun
Các nhà khoa học cùng kỹ sư từ Đài Loan và Đan Mạch đã hợp tác với nhau để tạo một bộ xét nghiệm nhanh virus Vũ Hán có thể cho kết quả chính xác cao chỉ trong 12 phút.
BluSense Diagnostics, một công ty liên doanh giữa Đài Loan và Đan Mạch hôm 8/4 tuyên bố rằng, họ đã tạo ra bộ xét nghiệm nhanh chỉ trong vòng 12 phút đã phát hiện ra sự hiện diện của Covid-19 ở những người không có triệu chứng chỉ với một giọt máu. Công ty cho biết thử nghiệm này có tỷ lệ chính xác 90% và dự kiến sẽ được sử dụng cho Liên minh châu Âu vào tháng 5 và cho Đài Loan vào tháng 6.
Vào tuần trước, công ty đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng sơ bộ tại bệnh viện Hvidovre, bệnh viện lớn thứ hai ở Đan Mạch và kết quả cho thấy độ chính xác lên tới 90% trong 15 trường hợp được kiểm tra.
Ưu điểm của bộ xét nghiệm này là có thể được thực hiện nhanh chóng, giảm rất nhiều gánh nặng cho các phòng thí nghiệm. Một lợi thế khác là chỉ cần một giọt máu, không yêu cầu tiền xử lý ly tâm.
Filippo Bosco, Giám đốc điều hành và người sáng lập công ty BluSense giải thích rằng, xét nghiệm có thể phát hiện đồng thời cả kháng thể Immunoglobulin M (IgM) và Immunoglobulin G (IgG) để xác định giai đoạn nhiễm bệnh. IgM là kháng thể xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh, rất hiệu quả cho sàng lọc sớm các trường hợp nghi ngờ. Còn IgG xuất hiện ở giai đoạn giữa và cuối của quá trình nhiễm bệnh, nó có thể được sử dụng để xác định xem bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi hay họ có bị nhiễm bệnh hay không.
Sau 30 năm, dân Ấn Độ nhìn rõ dãy Hy
Mã Lạp Sơn từ khoảng cách xa 200 km
Dãy Hy Mã Lạp Sơn có thể nhìn thấy ở cách xa 200 km
Lần đầu tiên sau 30 năm, người dân bang Punjab, miền bắc Ấn Độ có thể nhìn thấy các đỉnh núi cao vút của dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) từ khoảng cách xa 200 km.
Trước sự hoành hành của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lệnh phong tỏa đất nước hơn 1,3 tỉ dân, đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu, trường học, cấm tụ tập nơi công cộng cũng như ngừng hoạt động các phương tiện giao thông.
Cư dân nói rằng bầu không khí sạch sẽ trong bối cảnh đất nước phong tỏa 21 ngày giúp họ nhìn thấy dãy núi hùng vĩ quanh năm phủ tuyết trắng phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng.
Dãy Himalaya hiện có thể nhìn thấy từ cách xa 200 km
Nhiều người dân địa phương Jalandhar, Punjab, đã phấn khích chia sẻ những hình ảnh của dãy Hy Mã Lạp Sơn mà họ thấy rõ trên mạng xã hội Twitter.
Chính phủ Pháp “theo dấu” bệnh nhân
Chính phủ Pháp khẳng định ứng dụng Stop Covid chỉ được cài đặt trên điện thoại di động một cách tự nguyện. Ảnh minh họa. GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP/File
Báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 09/04/2020 tiếp tục bị virus corona chi phối, với chủ đề nổi bật là dự án của chính phủ Pháp dùng một loại ứng dụng cho điện thoại di động tạm gọi là “Stop Covid” để theo dõi những người nhiễm virus corona trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hai tờ Le Monde và Le Figaro đã đặc biệt dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính cho chủ đề này.
Về dự án dùng ứng dụng Stop-Covid, Le Monde đã loan báo một cách khái quát trong hàng tựa: “Theo dõi bệnh nhân: Những gì mà chính phủ (Pháp) đang nghiên cứu”.
Theo Le Monde, chính phủ Pháp đang xem xét việc sử dụng một ứng dụng “định vị” dùng trên điện thoại thông minh, cho phép giới hữu trách theo dõi những người mắc bệnh Covid-19.
2 tuần phong tỏa vì Covid-19 xóa đi 5 năm tăng trưởng của Pháp
Nhật báo kinh tế Pháp ghi nhận: Theo Ngân Hàng Pháp Quốc (tức là Ngân Hàng Trung Ương Pháp) ngày 08/04/2020, GDP của nước Pháp dự trù tuột giảm 6%. Nguyên nhân đến từ các biện pháp phong tỏa được chính phủ ban hành để chống dịch Covid-19.
Một cách cụ thể, Ngân Hàng Pháp Quốc cho biết là guồng máy sản xuất của Pháp chỉ hoạt động có 32% khả năng của mình, một ước tính rất gần với đánh giá của Viện Thống Kê Insee, nói đến mức 35%. Mức tiêu thụ các hộ gia đình cũng sụt giảm khoảng 30%.
Đối với Les Echos, phải lần ngược về giữa năm 2015 mới thấy GDP sụt giảm đến 6%. Nói cách khác, chỉ hai tuần phong tỏa vừa qua, đã xóa đi gần 5 năm tăng trưởng của nước Pháp. Thiệt hại rất to lớn vì mỗi tuần phong tỏa làm nước Pháp mất đi gần 20 tỷ euro
“Tự do (đang) bị phong tỏa” tại Pháp
Báo Libération đã liệt kê một loạt yếu tố cho thấy tình trạng mất tự do hiện nay: “Đi lại bị hạn chế, tụ tập bị cấm, bị cảnh sát kiểm tra đôi khi một cách tùy tiện, chủ trương theo dõi bằng phương tiện kỹ thuật số...”.
Theo ghi nhận của tờ báo, các biện pháp đặc biệt kể trên, được đưa ra để chiến đấu chống dịch Covid-19, đang khiến giới bảo vệ các quyền tự do lo lắng. Họ sợ rằng tàn dư của các biện pháp phi tự do đó sẽ tiếp tục tồn tại sau khi khủng hoảng được vượt qua.