Bảng “kiểm điểm” năm ngàn chữ của một ông vua
Lời Nói Đầu:
Các ông “lãnh đạo đất nước”, có ông nào tự thấy mình sai? Stalin, Mao Trạch Đông…và cả ông Hồ Chí Minh khi nào cũng thấy mình đúng. Đó là phía Cộng Sản. Còn bên phía gọi là Tự Do, Dân Chủ, ông Bill Clinton cãi lấy được là “không quan hệ gì tới người đàn bà đó cả”. Còn như Trump, nay nói vầy, mai nói khác. Thiên hạ không biết đâu mà tin!
Vậy mà cách đây hơn hai trăm năm, một ông vua Việt Nam, đem hết cái đúng - đúng thì nói ít – cái sai – sai thì nói nhiều – dàn trải trên một tấm bia đá, dài năm ngàn chữ, cho thiên hạ đọc, biết, không những hồi đó mà đến bây giờ, và cả chục, cả trăm đời sau nữa.
Phải là một người can đảm lắm mới làm được như thế. Phải là một người trung thực lắm, mới viết được như thế. Chẳng qua vua Tự Đức có cái gì? Ông chỉ có cái “TÂM” mà thôi. Chữ “TÂM” là chữ cao quí nhứt trong bộ tự điển gần mười ngàn chữ của tiếng nước ta?
Vua nước ta như thế! Dân tộc Việt Nam như thế, không lý phải cúi đầu làm nô lệ cho ngoại bang hoài hay sao, hết Tàu, tới Tây, đến Mỹ… nay lại đến phiên thằng Tàu lăm le trở lại cai trị dân ta nữa hay sao???!!!
Bây giờ là chiều ba mươi Tết ở Mỹ. Bên Việt Nam là sáng mùng một Tết. Đây là giờ phút thiêng liêng của một năm. Tôi đem chuyện vua Tự Đức viết “Khiêm Cung Ký” để hầu quí độc giả. Quí bạn đọc có phiền tôi thì cho tôi xin lỗi vậy./
hoànglonghải
Hồi còn đi học, một hôm, chủ nhựt, tôi “đi chơi” Khiêm Lăng. Ai đi Khiêm Lăng cũng thường ghé vào “bi đình” dù có đọc được bản chữ Hán khắc trên đó hay không. Tôi cũng vậy, đọc không ra chữ nào, cũng ghé vào bi đình, tò mò vì cái bia to quá.
Hôm đi coi bia xong, buổi chiều, ngồi ăn cơm với ông chú họ, nói chuyện về cái bia ở lăng Tự Đức, ông bảo:
-“Đá Thanh đó! Đá Thanh nổi tiếng đẹp.”
Sợ tôi chưa hiểu, một lúc sau, ông nói thêm: “Đá Thanh là đá từ Thanh Hoa đưa vào!”
Tôi nói: “Vận chuyển những tảng đá to như thế, cũng giống như Kim Tự Tháp bên Ai Cập.”
Nói như thế, tôi như ngầm hỏi ông chú về cách vận chuyển như thế nào. Hiểu ý tôi, ông bảo:
-“Người ta làm bè mà đưa đi.”
Có thể tại Thanh Hóa, lấy đá xong, người ta đóng bè rồi cho xuống sông. - sông Lam? - đi dọc theo bờ biển mà vào cửa Thuận An. Từ Thuận An, đi ngược sông Hương, tới Vạn Niên thì đá được kéo lên lăng Tự Đức.
-“Phần lớn các lăng cháu đã đi thăm”, - tôi nói -, “ngoại trừ lăng Gia Long, nằm giữa vùng núi Thiên Thọ trùng điệp, có nhiều công trình xây dựng bằng gạch đá hơn bằng gỗ, còn như các lăng khác, hầu như bằng gỗ cả. Thành ra, cái bia đá của lăng Tự Đức, hơi có vẻ đặc biệt. Người ta tò mò, một phần, cũng vì vậy.”
-“Đó là cái khác nhau giữa văn minh của Ta với Tây. Của ta là “văn minh mềm”. Bên Tây, các công trình có tính cách lâu dài thường xây bằng đá gạch, nên người ta gọi là “văn minh cứng”. Tâm tính người Tây cứng, người Á Châu thì mềm. Thành ra, châu Á, châu Âu có những cái không hợp nhau.”
-“Năm ngoái, học với ông Khán, khi giảng về Voltaire, ông có nói tới Rydyard Kipling. “Tây là Tây, Đông là Đông. Đông/ Tây không bao giờ gặp nhau.”
(Năm Đệ Nhị, tôi học Pháp Văn với ông Nguyễn Khán. Ông là bạn thân với ông chú tôi).
Ông chú tôi cười: “Với Tây phương, có những điều mình nên theo họ. Có những điều không nên theo. Từ trong căn bản, họ khác mình.”
-“Như tôn giáo chẳng hạn!” Tôi nói thêm.
Ông chú tôi không nói gì!
Một lúc sau, ông bảo:
-“Khiêm Cung Ký” cũng là một cách “xưng tội” đấy, giống như bên Thiên Chúa Giáo.”
-“Nhưng vua Tự Đức xưng tội với Tổ Tiên, với Dân Tộc, với ông Trời. Ông ta đâu có xưng tội với ông cha nhà thờ?” Tôi cãi.
-“Bên đó, người ta rất trọng các ông linh mục. Tín đồ không đến thẳng với chúa Giê-Su được, nên phải qua các ông cha.” Chú tôi giải thích.
Tôi có một “đống” bạn học theo đạo Thiên Chúa nhưng không hề biết điều nầy.
Đá bia lăng Tự Đức cao khoảng 4 thước Tây, khắc đầy chữ cả hai mặt trước, sau.
-“Thông thường, ông vua đời sau làm bia cho ông vua đời trước, chẳng hạn như vua Minh Mạng “dựng” bia cho vua cha là Gia Long, hoặc vua con Thiệu Trị “dựng” bia cho vua cha là Minh Mạng. Nội dung của tấm bia thì thường ca ngợi công lao, đức độ ông vua trước.” Khi nói lên ý đó xong, ông chú tôi cười:
-“Không lý con nói xấu cha! Ngoài đời người ta còn chưa làm được như vậy, huống chi đây là bia của vua chúa, để lại cho nhiều đời sau.”
Tôi hỏi:
-“Ông Tự Đức không có con. Có phải mấy ông con nuôi soạn bia cho vua?”
-“Không! Chính ông soạn bia cho ông. Đây là một bài bia hay nhứt, cảm động nhứt, coi như tâm sự của ông Tự Đức.”
-“Trong lịch sử văn học, những người có trình độ thường có tâm sự buồn mà không biết tỏ bày cùng ai. Ông Tự Đức còn may. Ít ra, ông có tấm bia để gởi gắm tâm sự vô đó, còn hơn Đinh Hùng“Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ!”
Ông chú hỏi, như có ý thăm dò kiến thức của tôi: “Ai?”
-“Ông Nguyễn Trãi đó chú. “Chiếc thuyền lơ lững bên sông, Biết đem tâm sự ngõ cùng ai hay!” Cụ Nguyễn Du cũng vậy chú à! “Oan kia theo mãi với tình, Một mình mình biết, một mình mình hay!” Bữa hôm linh mục Krass giảng Kiều, ông đọc câu đó mà còn ngọng, khiến ai nấy đều cười. Một ông Tây, lại là linh mục, mà “mê” Kiều, buồn cười thiệt! Vậy mới là la!”
-“Người ta là người thường, dù quan to đến mấy cũng là người thường. Còn ông Tự Đức là thiên tử, ông đem cái tâm sự của ông mà dàn trải ra trên bia cho thiên hạ đọc, cho thiên hạ biết, không những đời nầy mà cả tr ăm, cả chục đời sau, ai cũng đọc, ai cũng biết cái xấu cái tốt của mình, kể ra, ông là người can đảm và thành thật. Chắc chi người đời ai có cơ hội như ông mà dám làm. Người ta thương ông, cảm phục ông là vì vậy. Ông vua, hay ông tổng thống, hay ông chủ tịch nước, có mấy ai mà làm được vậy.”
Nghe ông chú giải thích, tôi bỗng thấy ngậm ngùi. Ông chú tôi, hình như cũng cảm khái về những điều ông vừa nói, cũng hiểu tâm trạng tôi nên không nói gì thêm, cho đến khi ăn xong.
&
Vậy mà mãi đến hơn năm năm sau, tôi mới hiểu rõ hơn nội dung “Khiêm Cung Ký” qua bản dịch của ông Bửu Kế, đăng trên tạp chí “Đại Học” của viện Đại Học Huế. Bấy giờ ông Bửu Kế làm “Quản Thủ Thư Viện” của Thư Viện Đại Học/ Huế.
Có thể tóm tắt những ý chính trong “Khiêm Cung Ký” như sau:
Mở đầu, nhà vua bàn tới lẽ trời đất. “Mưa thuận gió hòa” thì thiên hạ yên vui. Cũng có khi “Lại như núi cao, biển sâu, vàng bền, đá cứng đều là những vật trác tuyệt nhưng cũng không thể không lo đến đổ nát, cạn khô, hao mòn tan vỡ, huống hồ con người?”.
Về con người: dù có sống già, dù chết trẻ thì chết là điều không ai tránh được. Nhà vua viết: “Sống chết đối với con người là việc lớn nhưng cũng là việc bình thường.”
Có điều lạ, chưa đi học, chưa biết chữ mà Hồng Nhậm đã hay “vẽ” chữ “Trạng”. Đối với người xưa, trạng là “to” lắm, tài ba bậc nhứt thiên hạ, chữ nghĩa bậc nhứt thiên hạ, mà nói “dốc”, nói khoác cũng là nhứt thiên hạ. “Nói trạng” – nói như ông trạng - là thành ngữ người Huế thường dùng. Trạng chỉ kém ông vua mà thôi. Điều nầy cho thấy Hồng Nhậm muốn là người giỏi nhứt thiên hạ, chỉ sau thiên tử. Bằng với thiên tử là muốn ngang với ông vua, là muốn cướp ngôi vua. Vậy có nghĩa cái tham vọng của Nhậm lớn lắm.
Sau khi nói một chút về cá tính của mình, nhà vua nói về công ơn cha mẹ. Đối với người Huế, chốn vua quan, chọn Nho giáo làm trọng thì chữ “Hiếu” là lớn lắm. Lăng vua Minh Mạng, tên chữ là Hiếu Lăng. Vua Tự Đức gọi Minh Mạng bằng “ông nội” (nội tổ). Chữ Hiếu nầy cũng có nghĩa như thế. Bà Từ Dụ (Dũ) nổi tiếng là bậc “mẫu nghi thiên hạ”, dạy con rất nghiêm, mà Tự Đức cũng nổi tiếng là một ông vua rất có hiếu. Ở Huế, người ta còn kể câu chuyện vua Tự Đức một lần, khi biết mình có lỗi bèn nằm lên sập, đặt cây roi lên đít, chờ cho mẹ đánh. Vậy thì, đức hạnh và cách dạy con của người Mẹ không ảnh hưởng đến người con hay sao? “Khiêm Cung Ký” không mang một chút “linh hồn” nào của bà Từ Dũ hay sao?!
Trong “Khiêm Cung Ký”, nhà vua không ca ngợi hay kể công của mình khi làm vua mà lại nói rằng ông luôn tự thấy hổ thẹn, dằn vặt vì chưa làm gì được nhiều cho dân, cho nước, cứ sợ rằng ông không kham nỗi trọng trách được giao. Nhà vua tự xét
“hay thẹn thùng”, “vụng về”, “khí huyết vốn yếu đuối”, “rất đỗi mông muội” “rất đỗi run sợ” “chứ mình ta thì chẳng làm được gì”, “càng về sau ta càng bị chê bai phỉ báng”…
Viêc tranh ngôi giữa ông và Hồng Bảo, anh cả, ông cho là chuyện “nồi da xáo thịt”, tự trách mình, tự hỏi: “hay ta vì bọn nhỏ nhen mà ta bị mê hoặc? Sao ta vội vàng đến nỗi tự quyết đoán như vậy?” Ông tự trách: “Nhất thời cũng khó mà giãi bày hết được, trăm năm đã có sử xanh, ta nỡ nào!”
Cũng có thể người ta nghĩ rằng nhà vua là người thành thật, bởi vì lên nối ngôi là điều ông ta rất sợ: “Nghe tuyên triệu mà hồn bất phụ thể, kíp theo sứ vào chầu, tất cả đều là bổn phận, đương nhiên ta chẳng từng để ý, chỉ mong có ngày sức khoẻ Hoàng khảo (tức Thiệu Trị) chóng ổn để được nghe dạy bảo dài lâu, nào ngờ trời chẳng đoái thương vội giao cho kẻ nhỏ mọn nầy công việc lớn lao và khó khăn. Than ôi, đau đớn thay!”
Nhưng khi đã ngồi trên ngai vàng rồi, vua Tự Đức biết làm sao hơn khi mệnh cha đã giao, tư cách Hồng Bảo thì kém cõi, lòng trung với dân, với nước thì không có. Trong một bức thư của Galy cho biết Hồng Bảo đã cấu kết với các giáo sĩ phương Tây, ông hứa sẽ biến nước Nam thành một “vương quốc Thiên chúa giáo” nếu họ chịu giúp ông, rồi Hồng Bảo chuẩn bị đi Tân-gia-ba để cầu cứu người Anh.
Vua Tự Đức cũng rất đau lòng khi để các tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp khiến Tự Đức: “Chỉ còn biết nhìn nhau mà nuốt nước mắt, đành đắc tội với tông miếu và thiên hạ”.
Đoạn sau đây, Tự Đức tự xét về việc thương thuyết với Pháp để chuộc ba tỉnh Miền Đông Nam Phần: “Để thôi mệt nhọc, nhân giặc cầu hòa ta đành phải sai sứ cùng chúng hội ước, các bậc lão nho lương thần đều bùi ngùi xin đi, chẳng hiểu sao lại quá dễ dãi trong lúc thương thuyết mà trở về, các triều trước đã gian nan để mở đất họp dân, bỗng nhiên một sớm thảy giao cho địch, họ đã chọn lấy cái họa nhỏ, dùng cái chết để khỏi nhục mệnh vua, quả như thế chăng?”.
Tuy có trách cứ Sứ Bộ Phan Thanh Giản, nhà vua vẫn tự cho là lỗi ở ông: “Không sáng suốt trong việc biết người ấy là tội của ta, dùng người không đúng chỗ cũng là tội của ta, hàng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả.”
Nhà nghiên cứu Văn hóa Huế Nguyễn Trọng Hoạt, nhận định “Khiêm Cung Ký” như sau:
Mọi người, nhất là những người gánh vác trọng trách trước đất nước thường khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm, Tự Đức cũng không ngoại lệ. Nhưng tự kiểm điểm nghiêm khắc và nhận lấy trách nhiệm trước lịch sử là một việc không phải ai cũng làm được, nhất là khi người ấy đang ở trên ngôi cao quyền lực. Vậy mà gần 150 năm trước, vua Tự Đức đã làm được; hơn thế, ông cho khắc điều ấy vào bia đá để lại đời sau.”
“Ôi, nếu bỏ mà có công tất mất là có tội, nếu mất mà chưa cho là tội, thì bỏ sao gọi là công? Hai điều ấy chắc có thể phân biệt được. Kẻ kia làm mất mà ta có thể thu lại được mới gọi là công, huống hồ kẻ kia làm mất ta lại hùa theo mà bỏ luôn, ôi, công sao? Sao trái đến như vậy mà gọi là trí? Dối trá như thế mà cho là công?... Nhưng không sáng suốt trong việc biết người là tội của ta, dùng người không đúng chỗ là tội của ta, hàng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả”.
Giải thích về cái lăng của mình, Tự Đức viết:
“Ôi! Khiêm là kính là nhường, có chỗ mà không ở, uốn mình xuống ngang với một ai là mang chịu ô nhục và tội lỗi như thể còn gì mà không nhường, không uốn mình, lại năng công đức gì mà chẳng khiêm? Vả chăng ta vốn quen giản dị, địa vị tuy ở chốn nhà vàng mà lòng thường như người áo vải. Trừ những buổi thiết triều phải dùng y phục đẹp đẽ, ngoài ra không có gì là lộng lẫy, tức cũng có nghĩa là có địa vị mà chẳng ở. Thêm vào đó, từ ngày xây cát cung này có lần sét đánh điện Hòa khiêm, dân đấy loan làm mê hoặc lòng người, xâm phạm đến đế khuyết, trời trách người oán bỗng dưng xảy đến, lòng ta còn lẽ nào mà chẳng dám chẳng khiêm? Trước sau chỉ biết một điều là kinh sợ, hết lòng lo nghĩ may ra gìn giữ vãn hồi trong muôn một thì khiêm kia há dám chẳng thực lòng hay sao? Cho nên hết thảy đều lấy tên là Khiêm, ấy cũng là tùy theo cảm xúc, như là để tự cảnh tỉnh răn đe, tự chê trách vậy. Không phải như Ngu Khê (26), không ngu mà chịu tiếng là ngu thì hơi đâu mà hỏi nó có thuận với tên ấy không? Ta không dám mong thế nào là bớt là thêm, là hại là phúc để dùng hay để tránh cái chữ khiêm ấy.”
Nói chuyện “Khiêm Cung Ký” với một người bạn ở trong nước, chúng tôi dồng ý với ông Nguyễn Trọng Hoạt:
“Sự trung thực của nhà vua được thể hiện trong Khiêm Cung Ký thật đáng trân trọng, đáng để người thời nay, nhất là những công chức suy ngẫm, học tập. Bởi đâu phải công chức nào cũng đủ dũng cảm nhận lấy trách nhiệm cá nhân trước những sai trái do mình trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra.”
Tuy nhiên, tôi không đồng ý với một nhà “nghiên cứu văn hóa Huế” ở trong nước, “Khiêm Cung Ký” là “tâm sự” của vua Tự Đức. Không! “Khiêm Cung Ký” là một cái gì hơn thế: Là lời “trần tình” của nhà vua. Nó cũng không phải là lời thú tội. Xét cho cùng, về “dân tình thế thái”, về “thế nước lòng dân”, dù là ai đó mà không phải Tự Đức trên ngai vàng, cũng không làm được gì tốt hơn.
Còn như bảo đây là lời “tự phê” của nhà vua, như dưới chế độ ở trong nước ngày nay, thì lại tréo ngoe. “Khiêm Cung Ký” của nhà vua là một công việc “mình tự xét mình” một cách trung thực và can đảm. Còn như những bản “tự phê” của một cán bộ cao cấp ở “trung ương” hay một cán bộ quèn ở cơ sở, có bản “tự phê” nào gọi là trung thực?
Bởi vì, từ căn bản, người viết bản tự phê hay lời trần tình của Khiêm Cung Ký hoàn toàn khác biệt nhau. Lời của vua Tự Đức là lời nói của một người mang đậm nét “văn hóa dân tộc”. Còn như bản tự phê, tự nó, đặt căn bản trên “văn hóa vô sản”. Hai điều đó, giống như “hai con đường ngược chiều”?
hoànglonghải
24/ 1/ 2020
(Chiều Ba Mươi Tết năm Kỷ Hợi)
Phụ bản:
Khiêm Cung Ký
(Toàn văn lời “tâm sự” của vua Tự Đức)
Phan Hứa Thụy dịch
(Bản “tự phê bình” của vua Tự Đức -
nói theo cách của Việt Cộng)
Lời người dịch:
Bài Khiêm Cung Ký dài ngót năm nghìn chữ, được chép trên cả hai mặt của một tấm bia có chiều cao đến 4 mét. Có lẽ đây là tấm bia có kích thước đồ sộ nhất trong số bia hiện còn ở nước ta. Đặc biệt Khiêm Cung Ký do vua Tự Đức tự soạn, lý do đơn giản là nhà vua không có con, nghĩa là không có người soạn văn bia cho mình như các vị vua trước đó, nhưng sâu xa hơn là nhà vua muốn “tỏ bày cùng thiên hạ” tâm sự của mình, tâm sự của một ông vua ngồi trên ngai khá lâu trong một tình cảnh hết sức đặc biệt cho nên “không khỏi tiếng thị phi”. Do tầm quan trọng của Khiêm Cung Ký xét trên nhiều bình diện, chúng tôi xin cung cấp bản dịch dưới đây nhằm cùng bạn đọc có dịp hiểu thấu đáo về vua Tự Đức. Để có bản dịch này, chúng tôi có tham khảo thêm bản dịch của cụ Bửu Kế đăng trên tạp chí Đại Học.
Bia Khiêm Cung Ký trong Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng).
(Ảnh: NationalTimes.vn)
Khí trời nhẹ và trong nên được bền lâu, còn gió mây mưa móc không có hình dáng ổn định nên chẳng cần nói đến. Nếu có hình dáng thì tuy lớn như trái đất cũng có khi nứt ra từng mảnh nhỏ, sáng như mặt trời mặt trăng cũng có lúc khuyết xế che khuất âm u… Lại như núi cao, biển sâu, vàng bền, đá cứng đều là những vật trác tuyệt nhưng cũng không thể không lo đến đổ nát, cạn khô, hao mòn tan vỡ, huống hồ con người? Sống chết đối với con người là việc lớn nhưng cũng là việc bình thường. Nhan Hồi (1) chết non, Bành Tổ (2) sống lâu, Bá Di (3) hiền lành, Đạo Chích (4) tàn ác, sống vốn chẳng giống nhau nhưng chết thì không thể không giống nhau được. Bởi vì cái không mất là danh mà cái không thể không mất ấy là thân, đó là lý do vì sao phải gấp lo việc chết! Chôn là cất giấu, nhưng khác với loài cầm thú là ở chỗ lễ nghi và tình cảm mà thôi. Lệ xưa vua lên ngôi liền làm quan tài, hằng năm đem ra sơn một lớp rồi cất, ta nay đâu dám làm trái phép tắc của các đấng tiên vương? Người khỏe còn lo chuyện bất thường huống chi kẻ yếu!
Ta vốn bẩm sinh thể chất yếu đuối, lúc mới sinh ta, mẹ ta ốm đau hằng mấy tháng mới khỏi, vú nuôi ta lại không được cẩn thận sạch sẽ, mẹ ta bảo ban mà chẳng nghe, vì sợ ta bị tối tăm nên mới lên ba đã vội ngăn không cho ta bú nữa, rồi một mình mẹ ta tự tay bồng ẵm lấy. Ta từ đó ốm đau cứ kéo dài và đã từng nguy cấp, mẹ ta sớm chiều ôm ấp hết sức khó nhọc.
Lúc mới biết nói biết đi, ta đã từng cầm than vẽ vào tường, có người lấy làm lạ hỏi, ta trả lời là viết chữ “Trạng”, bởi vì tiến sĩ cập đệ (4b) tục gọi là trạng nguyên (5), ngày nay biết được việc ấy là do mẹ ta kể lại cả.
Lúc bắt đầu chừa tóc (6), mẹ ta bảo ta hãy tìm thầy để học tập, ngay khi đang học vỡ lòng ta đã làm được chúc đối, nhưng ngâm vịnh thì nào đã biết gì đến thanh luật. Cha ta nghiêm nhưng rất hiền từ, kẻ tiểu tử này (7) từ thuở mới sinh đến thời niên thiếu, nhân chỉ một lần vì tính ham chơi bè bạn mà bị đánh roi, nhưng từ đó về sau ta rất kính sợ. Cha ta thường ít bảo ban, mà đã bảo ban ắt ta cố gắng, lúc xem thơ và câu đối ta làm thì người tỏ ra vui vẻ lắm. Một hôm cha ta hỏi đùa các con: Con tên là gì và ý nghĩa của nó ra sao? Mọi người tùy ý mà trả lời, chẳng biết đúng sai thế nào cả. Tiểu từ này cứ y theo những điều đã học mà lý giải, nói: Hồng là nặng nề, lớn lao; Nhậm là gánh vác. Đáp xong cha ta ngoảnh lại cười rồi nói đùa rằng: Gánh gì mà nặng, gánh củi à?
Vua Tự Đức. (Tranh: Wikipedia)
Thái hậu (8) hiền từ nhưng nghiêm, thường ngày người dạy ta cách đi đứng nói năng cho phải phép, chẳng cho chơi lêu lổng, mỗi sáng ra học ở nhà ngoài đến gần trưa mới được vào, nếu có lãng quên lười biếng hay uể oải thì cũng tùy từng tội mà quở mắng. Nếu chưa thuộc bài thì người bắt ngồi học cho đến thuộc mới thôi, bằng không thì tuy có múa hát ngay trước mắt cũng chưa cho xem.
Tiểu tử này may nhờ được đùm bọc nuôi nấng, thuở bé học khá sáng, các loại sách vỡ lòng cấp tiểu học thì chỉ cần nửa ngày đã thuộc cả quyển. Được vậy cũng vì quá kính sợ sự giáo huấn nghiêm túc, cho nên là cũng may là ít bị đánh roi. Khi có lỗi nặng tất cũng không tránh khỏi ngọn roi, nhưng đánh xong mẹ ta lại khóc.
Hoàng khảo (9) mỗi khi đi đâu đều dắt ta theo, vườn Thường Mậu vừa mới lập xong cũng cho ta theo cùng ở. Hoàng khảo duyệt xét án mùa thu (10) chẳng dám khinh suất giao cho ai, tự thân viết tấu đến thâu đêm nhưng vẫn sai ta hầu bên cạnh để người đọc cho mà chép.
Năm ấy sắp hết, cha ta mới nhận lãnh ấn ngọc (11) gặp lúc việc hệ trọng, sáng ra chưa kịp gọi ai chỉ riêng gọi ta vào điện Hoàng Phúc để hầu hạ. Năm sau bảo ta ra ở tiềm để (12), sau đổi tên là Thiện Khánh, để tiện việc học tập. Lại năm sau, gặp việc bang giao quan trọng, người lại sung ta vào chức lưu kinh (13), nhưng sau lại sai ta theo xa giá ra Bắc rồi cho cùng tham gia nhiều công việc. Trên đường đi và về, sớm tối ta đều được theo hầu ở ngự dinh. Lại năm sau nữa ta được phong tước Công rồi cho ra ở phủ riêng và cưới vợ, ấy là năm ta đang chí tâm với việc học.
Tuy đã có gia đình nhưng hoàng khảo vẫn cho đòi vào hầu ở hội điện, cho ngồi hầu trong các bữa ăn, ân tứ của người đối với ta rất hậu, có đêm đến khuya khoắt mới được lui ra. Hoặc khi có sắc dụ hay những văn kiện lớn lao người cũng đều sai ta kiểm lại bài của người. Còn như ứng chế phú thơ, ấy là việc thường. Có lần người cho ta hầu cơm, cho cùng ăn, giữa bữa ăn cũng sai buông đũa để ngâm vịnh, lại còn sai bọn cung tần bưng đồ tứ bửu (14) bày ngay chỗ ngồi cho ta lựa lấy mà dùng, ơn mưa móc đến như thế thật không còn nghi ngờ gì nữa, tiểu tử này đâu dám vượt ra ngoài khuôn phép. Làm thơ xong, người lấy chén ngọc sớt đồ ăn ban cho và nói: Con ăn cái này là thừa hưởng phần thưởng ta ban. Có khi đang giữa tiệc rượu có tấu nhạc ca múa như thế cũng bảo ra làm thơ tức sự. Ta vâng lệnh làm một bài dâng lên, người lấy chiếc nhẫn vàng mặt ngọc ban cho rồi nói: Vật này chưa đủ gọi là quý, nay ban cho con với một lời là đừng làm thẹn lây kẻ đã sinh ra con, con nên ghi nhớ! Ta lạy nhận và ghi tạc lời dạy vào tâm cốt. Thật ra lúc ấy ta mới bắt đầu học Tứ thư, kinh Thi kinh Thư hiểu còn chưa trọn, thơ nhiều khi làm chưa nên câu, trong số anh em ta hoặc vì lười biếng, hoặc đang nhỏ, duy ta có phần hiểu biết hơn, may thay ứng đối nhanh nhẹn nên được thương yêu quá đặc biệt. Thật ân đức của bậc cha mẹ không cùng. Thực lòng cái học của ta chưa đến đâu, ruột còn trống không, nhưng từ khi làm hoàng tôn rồi đến hoàng tử, phàm những người được sung vào chức sư phó (15) đều không phải là những bậc cự nho tăm tiếng xứng đáng với sự tuyển chọn mà phần lớn là những ông tú già chỉ kham nổi việc dạy trẻ con, nên có hỏi những câu khó khăn thì họ cũng không lý giải được. Mặt khác vì thấy ta sớm sáng trí, để khỏi liên lụy vì trách nhiệm nên họ cứ lần lữa yên thân với cái hư chức nhàn nhã ấy. Ta cũng khổ là không có nhiều sách, chưa có hiểu biết sâu sắc nên chưa biết lấy sách làm niềm vui mà lấy việc cưỡi ngựa bắn tên làm thú, ấy là do tính khi tuổi trai trẻ. Nhưng rồi sức học tự nhiên ngày càng tấn tới mà chính bản thân ta cũng chẳng nhìn ra được, còn như các việc khen thưởng khác thì khó mà kể hết được. Như việc đi hầu bắn, ta thường bắn trúng, các chú các em ta cùng bọn thị vệ đi theo hầu đều từng chứng kiến. Đến như việc hoàng khảo bảo: Phàm đồ cung tên ngự dụng, thích thứ nào con cứ việc chọn lấy mà tập luyện, những thứ khí giới ấy ngày sau còn biết để cho ai? Có người biết đã ngầm hiểu ý của cha ta.
Một ngày nọ ta theo hầu bắn ở Cấm viên, có thái hậu theo hầu, ta đã bắn bốn cái tên, còn giữ một cái, cha ta ngoảnh lại bảo: Con hãy bắn mũi tên kia đi sao cho trúng đích để an ủi lòng mẹ con. Ta vâng lệnh trương cung nhả tên và may sao được ứng như lời dạy. Lòng thánh nhân vốn rất sâu xa, kẻ hời hợt làm sao hiểu được, ta cũng xem đấy là việc tự nhiên, biết đâu đã có người ghen ghét. Nếu có ai khuyên hãy vào nội các tập tành việc chính, ta thường trả lời đã có anh ta đấy.
Tính ta lại ít nói, hay thẹn thùng, cho nên không phải bạn chí thân, dù là thân cận đại thần gặp nhau lúc vào triều thì cũng ít khi bàn việc quan hay lên mặt như kẻ khác, do đó hầu như ta có rất ít người để giao thiệp nhưng ta vẫn cứ yên vui sống trong lặng lẽ và vụng về ấy.
Khí huyết ta vốn yếu đuối, thân thể thường gầy gò, trong lúc tuổi trẻ đang yên ổn này mà việc nối dõi còn khó có thể an ủi được lòng mong chờ của cha mẹ, thật quá hổ thẹn, nhưng đang buổi đầu ta chưa quan tâm lắm.
Gần đến tuổi trưởng thành, vào tháng sáu bỗng mắc bệnh đậu mùa rất nguy kịch, nhờ cha mẹ hết sức thuốc thang cầu đảo, tháng tám mới khỏi. Thời hạn điều trị chưa xong, vảy trên mặt chưa rụng nhưng vì lòng quá mong nhớ nên gượng bệnh vào chầu, đi và quỳ còn run chân nên được cho miễn lạy, lại ban cho sách Chi Thiện Đường Hội Tập và cha ta còn dạy rằng Tâm pháp và Trị pháp đều ở cả trong đó, con hãy học lấy mà làm theo. Lại triệu vào nội điện cho gặp thái hậu, vừa gặp nước mắt bỗng chảy dài vì đã lâu ngày mới được gặp lại. Lúc rảnh rỗi cha ta thường cho ta đọc lại thơ ngự chế, phỏng theo bài Khánh Vân Ca của Ngu Thuấn (16), noi theo vần trong nguyên tác mà lục soát lại rồi tâu lên, ta được khen thưởng rất hậu, nhân vậy người liền quở các quan nội các về việc kiểm soát không kỹ lưỡng.
Chưa bao lâu, hoàng khảo không được khỏe từ hạ tuần tháng ấy đến hạ tuần tháng chín, ta cùng với anh em, đại thần chầu trực trong cung cấm để hầu thuốc thang và thăm hỏi. Bấy giờ đang là mùa mưa lụt, tuy sức ta chưa bình phục hẳn, ta vẫn lặn lội rét mướt, ngày đêm khăn áo chẳng dám cởi, việc ăn nghỉ đều tiết giảm, mỏi mệt quá thì tựa cột chợp mắt một tí. Bỗng nghe tuyên triệu mà hồn bất phụ thể rồi kíp theo sứ vào chầu, tất cả đều là phận sự, tất nhiên ta chẳng lưu ý gì, chỉ mong có ngày sức khỏe hoàng khảo chóng bình phục để được nghe dạy bảo dài lâu, nào ngờ ý trời chẳng thương đã vội giao cho đứa con mọn này công việc lớn lao và khó khăn. Than ôi đau đớn thay!
Tuổi đang trẻ lại mới tập làm việc chính, chưa hiểu thấu đáo hết việc xưa người nay, nên chi rất đỗi mông muội, rất đỗi run sợ, âu lo e không kham nổi. Lại nhân chị ta là công chúa Diên Phước chẳng may qua đời, sợ mẹ ta quá đỗi đau lòng nên ta hết sức an ủi và khuyên giải.
Thể chất vốn yếu đuối mà cùng một lúc bao nhiêu chuyện dồn dập khiến bệnh cũ tái phát dữ dội, đến nỗi đã mấy phen nguy khốn. Nhờ hoàng tổ hoàng khảo ta, đức trạch quá sâu dày với mọi người, trong có hoàng thái hậu sắp đặt cung vi, ngoài có các cựu đại thần đức độ sửa sang việc triều quận, đồng lòng giúp rập, kính vâng noi theo nếp cũ, trong mười năm may không có lỗi gì to tát.
Bia Khiêm Cung Ký nơi có khắc lời của vua Tự Đức. (Ảnh: TuanDao)
Tuy có bao giờ mà không nghĩ việc nuôi con là khó nhọc, nhưng bất đắc dĩ phải theo công luận làm cho rõ nghĩa lớn và tất cả đều vì xã tắc, lại nhớ tới câu ca lúa vải (17) thật hết sức hổ thẹn và đau xót. Lỗi của Chu Công mà không có Mạnh Tử thì ai tha thứ cho (18)? Lòng ta có như thế không? Hay ta vì bọn nhỏ nhen mà ta bị mê hoặc? Sao ta vội vàng đến nỗi tự quyết đoán như vậy, nhất thời cũng khó giãi bày hết được, trăm năm còn có sử xanh, ta nỡ nào! Đại khái sau việc xảy ra mới bàn đến người, ta không thể không giận bọn hiếu sự về những việc ấy. Cứ xem ngày sau ta uốn mình để làm nên việc đối với bọn mồ côi (19) mà không thể được thì lòng ta cũng có thể tỏ rõ cùng thiên hạ rồi. Còn như việc giặc cướp trong ngoài có lúc làm mê loạn lòng người nhưng rồi cũng yên, ấy là nhờ vào sức mọi người chứ mình ta thì chẳng làm gì được.
Ôi! Dốt nát mà quen sống yên ổn, mông muội mà ở chốn nhà cao cửa rộng chẳng biết phòng bị, tôi tài tướng giỏi cũng đã tàn tạ hơn phân nửa, mấy ai có thể khôi phục lời di huấn về việc canh giữ biên cương của cha ta để giúp ta bước ra khỏi vòng tội lỗi? Trời cao lại trừng phạt nặng nề để răn dạy vua tôi ta. Người Châu Âu xa cách trùng dương ngoài vạn dặm, phong tục chẳng giống nhau, mà nước Pháp vốn là nơi quen biết cũ, bỗng đưa quân lính thuyền bè đến, bỏ tình hòa hiếu mà tìm cách xâm lấn bờ cõi, chúng cậy tàu bền súng tốt giày xéo để hòng nuốt chửng đất Quảng Nam, phá phách đất Gia Định. Đất bắc vốn ưa làm loạn nhân thể cũng nổi lên. Hưởng thái bình đã lâu ngày, dân không biết chiến đấu, canh thành giữ chốt nào được mấy người? khiến đất nước đầy trộm cướp, trong gian ngoài giặc, chúng lén lút câu kết với nhau ngày càng tràn lan, chúng đến đâu thì tàn hại như gió bão, thử hỏi biết cùng ai để bảo vệ bờ cõi của ta huống chi là việc bảo vệ dân ta? Bất đắc dĩ phải đánh qua loa cho xong chuyện nhưng dân thì ngày càng quấy nhiễu. Để thôi mệt nhọc, nhân giặc cầu hòa ta đành phải sai sứ cùng chúng hội ước, những nhà nho lão thành, những đại thần uy vọng đều lấy làm bùi ngùi và xin đi, rồi chẳng hiểu sao lại quá dễ dãi trong việc thương thuyết mà trở về. Các triều đã dày công khó nhọc mở mang đất đai tụ họp dân chúng, bỗng nhiên một sớm thảy giao cho địch, họ đã chọn lấy cái họa nhỏ nên đã dùng cái chết để khỏi nhục mạng vua (20), quả như thế chăng? Khiến ta cùng với một bề tôi thân cận (21) chẳng làm sao hơn, chỉ còn biết nhìn nhau mà nuốt nước mắt, đành đắc tội với tông miếu và thiên hạ. Kẻ mất chẳng hoàn thành được ý chí và sự nghiệp; người còn thì đằng đẵng xót thương lo lắng không sao khuây được. Đó là cái dẫn đến chỗ thảm khốc. Nếu cho rằng đành bỏ cái đã mất để lo xoay xở cái nguy mới hiện ra, thật không làm như thế thì làm sao giữ được việc đã qua? Than ôi, nếu bỏ là có công tất mất là có tội, nếu mất mà chưa cho là tội thì sao bỏ lại gọi là công? Hai điều ấy chắc có thể phân biệt được. Kẻ kia làm mất nay ta thu lại được mới nên gọi là công, huống hồ kẻ kia làm mất, ta lại hùa theo mà bỏ luôn, ôi công sao? Sao có thể lo lường trái đến vậy mà cho là trí, dối trá như vậy mà cho là công? Những kẻ bàn luận riêng tư còn cho như thế, nên họ chối bỏ chẳng đoái nghĩ gì đến nước nhà, thế nên chẳng lạ gì họ ngày càng uể oải, trốn tránh, do đó chính sự ngày càng phiền phức, không biết lòng người có từng thổn thức đau đớn hay không? Nhưng không sáng suốt trong việc biết người ấy là tội của ta, dùng người không đúng chỗ cũng là tội của ta, hằng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả, bất đắc dĩ phải thuận theo quyền mà hành động, những mong được một phút nghỉ ngơi nhưng thiên hạ từ đó bắt đầu sinh ra lắm chuyện…
Nhớ lại thời ấy, tin từ chiến trường gửi về vội vàng, tới tấp, công việc trọng yếu lại cần kíp, ngày đêm ăn nghỉ mất cả điều hòa, như điên cuồng, như mê loạn, đến nay nỗi kinh hoàng ấy còn chưa định tính, nên tật bệnh ngày một tăng, rồi chẳng may có một phen quá nặng đã chết đi sống lại, từ đó đầu choáng, mắt hoa, chân yếu, bụng ứ, những hư chứng thảy đều xuất hiện, nên việc tế tự không thể thân hành, việc triều chính không thể cần mẫn được. Vì vậy càng về sau ta càng bị chê bai phỉ báng. Thực lòng ta sợ một mai kia bỗng đuối sức mà không được như loài cáo thì quả là hổ thẹn, nên bèn sai quan thái sứ chuẩn bị xem đất, được chỗ đất rộng ở làng Dương Xuân thượng, đình thần sau khi xem xét lại cũng cho là xứng đáng. Bởi vì theo các nhà thuật sĩ mà làm thế, chứ với ta ta đâu quan tâm đến. Lại cho rằng năm ấy là năm Giáp Tý, tháng ấy là tháng Bính Tý đều thích hợp với việc thi công, ta đã suy nghĩ rồi làm theo. Rồi mỗi người một việc, ai lo việc nấy, cố gắng hết sức, chỗ đáng cao đắp cho cao, nơi đáng thấp đào cho thấp, mở mang đo đạc, chặt phá tảng đá lùm cây, rồi thành trì, cung điện, lầu gác, đình viện, nhà mát, hành lang, hồ đảo… dần dần hiện ra đúng vị trí và xứng hợp với nhau. Chính giữa là ngôi nhà vĩnh viễn của ta, xây theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, không xây lăng đắp nấm, chỉ dành một đám đất bằng, làm tường thấp, ngày sau chắc bắt chước Bá Lăng (22) dùng ngói để lợp.
Những mạch núi chạy từ xa tới gần gọi là Dẫn khiêm, Lao khiêm, Đạo khiêm, Long khiêm, Cư khiêm, Lý khiêm. Gò bên phải có tường bao quanh, trổ một cái cửa có lầu gọi là Khiêm cung môn. Điện phía trường gọi là Hòa khiêm, là nơi thờ phụng hương khói về sau; điện phía sau gọi là Lương khiêm là nơi nghỉ ngơi vui chơi. Phía đông của điện ấy là Minh khiêm đường dùng làm nơi nghe tấu nhạc, phía tây là Ôn khiêm đường dùng làm nơi cất giữ đồ ngự phục. Trong và ngoài cửa cung dựng bốn ngôi nhà ngang gọi là Công khiêm, Cung khiêm, Lễ khiêm và Pháp khiêm, là chỗ dành cho các quan túc trực. Sau hai điện ấy, dựng bốn viện gọi là Tùng khiêm, Dung khiêm, Y khiêm và Trì khiêm, là nơi ở của các phi tần theo hầu. Tiếp phía sau điện có một cái gác nhỏ gọi là Ích khiêm, tuy thấp nhưng đủ để nhìn phong cảnh gần đó. Phía ngoài của cửa trước dựng một cái hành lang gọi là Chí khiêm, hẹp nhưng đủ để thờ cúng các hầu thiếp đã khuất. Chỗ nước ít gọi là ao Tiểu khiêm xây theo hình trăng non, thế hoành chinh cục (23), trước cạn khô, chỉ để chứa nước mưa theo phép ô thanh thuật (24). Chỗ nước lớn gọi là hồ Lưu khiêm quanh co uốn khúc từ phải sang trái sâu và trong, mùa hạ không cạn, mùa thu không tràn vì đây vốn là ruộng sâu mà đào nên, lại xây một cái cống thông ra ruộng bên ngoài để vừa giữ vừa tháo nước. Hồ khi mới làm được một nửa mà đàn cá chi chít không sao kể xiết, không đợi bắt bò vào nuôi bởi vì vị trí ấy rất tiện lợi để đàn cá từ ngoài vào. Phía đầu hồ, vèn bờ đá, có dòng nước từ dưới đất phun lên, xem ở bờ đá ấy không thấy có chỗ hở mà nước lạnh và trong róc rách cứ rót mãi vào hồ ngày đêm không dứt, thực do trời sinh, nghi có mạch nước ngầm nhưng khó thấy rõ được. Nhân vậy bèn dựng một ngôi nhà nửa trên khô nửa dưới nước ở đó, sườn tre lợp tranh đủ che mưa nắng làm chỗ đậu cho hai chiếc thuyền nhỏ cũng gọi là Thuận khiêm và Ôn khiêm. Vào những lúc trăng thanh gió mát, dong thuyền chơi trên mặt hồ, hái hoa quân tử, ca khúc ái liên (25), sảng khoái lâng lâng không còn thêm gì nữa, bởi vì đầy hồ chỉ trồng một thứ hoa ấy. Bên cạnh hồ dựng lên hai nhà mát, một cái hai tầng khá cao và thoáng gọi là Xung khiêm; một cái ba tầng, các tầng thấp và hẹp gọi là Du khiêm, những đêm tháng năm có gió có trăng cũng đủ thú buông câu. Giữa hồ, do tính toán để giảm bớt công việc nên giữ lại đất đá đắp thành một hòn đảo lớn, dựng trên ấy ba ngôi đình nhỏ lấy tên là Nhã khiêm, Tiêu khiêm và Lạc khiêm. Núi đá bao quanh, hoa cỏ râm mát, làm bậc đá, làm động, làm rừng, làm hang, nuôi đủ chim bay thú chạy, mọi vật đều thích nghi với chỗ ở của mình. Trên hồ bắc qua ba chiếc cầu gọi là Tuân khiêm, Tiễn khiêm và Do khiêm để tiện việc qua lại mà cũng để đất nước được nối liền với nhau. Dưới chân núi bên trái, ở đó là Thể khiêm đình, nơi dựng bia làm chỗ tập bắn. Ngang lưng núi là Khiêm trai có hành lang ăn thông với ngôi lầu trên đỉnh núi, ấy là Di khiêm lầu nằm chót vót, hơi cao và thoáng, có thể trông xa được. Chung quanh là la thành được xây chỗ cao chỗ thấp tùy theo hình thế của gò núi nhưng đó đều do tay người làm cả, nhưng chưa bằng nhìn dãy núi ôm quanh bốn mặt, chỗ như bức tường, chỗ như bình phong, không xiên không hở, đây mới là la thành của thiên nhiên vậy. Ngoài có ba cửa là Vu khiêm, Tư khiêm và Thương khiêm trong có sáu cửa là Tất khiêm. Nhu khiêm, Huy khiêm, Năng khiêm, Mục khiêm và Liêm khiêm. Lại tùy sở thích hợp từng nơi từng lại mà làm giàn đậu, luống hoa, hàng cây, luống rau, làm hang động cho nai, đào ao cho cá. Tuy đất núi có vẻ xấu nhưng gieo trồng cũng dễ tốt, chăn nuôi cũng dễ phát triển, cũng có thể do khí đất ở đây khiên ra thế chăng.
Tên chung của nơi ấy gọi là Khiêm cung, sau này ắt gọi là Khiêm lăng. Lại sai làm miếu thờ thần để thờ cúng và ban sắc gọi miếu là Khiêm sơn thần.
Phàm tên gắn liền với nghĩa, không phải chỉ cốt cái tên mà thôi. Tại sao lấy cái Khiêm của ta mà khiến cho núi kia, nước kia, nhà cửa kia đều phải khiêm theo? Chung có khiêm chăng. Vả lại chúng biết gì? Gom lại mà định tên cho như thế thực chúng có chịu chăng? Mà sao ta lại chôn lấy chữ khiêm? Và khiêm ấy quả thực lòng nhân nhượng chăng?
Ôi! Khiêm là kính là nhường, có chỗ mà không ở, uốn mình xuống ngang với một ai là mang chịu ô nhục và tội lỗi như thể còn gì mà không nhường, không uốn mình, lại năng công đức gì mà chẳng khiêm? Vả chăng ta vốn quen giản dị, địa vị tuy ở chốn nhà vàng mà lòng thường như người áo vải. Trừ những buổi thiết triều phải dùng y phục đẹp đẽ, ngoài ra không có gì là lộng lẫy, tức cũng có nghĩa là có địa vị mà chẳng ở. Thêm vào đó, từ ngày xây cát cung này có lần sét đánh điện Hòa khiêm, dân đấy loan làm mê hoặc lòng người, xâm phạm đến đế khuyết, trời trách người oán bỗng dưng xảy đến, lòng ta còn lẽ nào mà chẳng dám chẳng khiêm? Trước sau chỉ biết một điều là kinh sợ, hết lòng lo nghĩ may ra gìn giữ vãn hồi trong muôn một thì khiêm kia há dám chẳng thực lòng hay sao? Cho nên hết thảy đều lấy tên là Khiêm, ấy cũng là tùy theo cảm xúc, như là để tự cảnh tỉnh răn đe, tự chê trách vậy. Không phải như Ngu Khê (26), không ngu mà chịu tiếng là ngu thì hơi đâu mà hỏi nó có thuận với tên ấy không? Ta không dám mong thế nào là bớt là thêm, là hại là phúc để dùng hay để tránh cái chữ khiêm ấy.
Vả lại ta làm cung này vì nghĩ cứ theo lệ thường thì ta phải có miếu riêng, có lăng tẩm, nếu không chuẩn bị trước thì ngày sau tôi con cứ tuân theo phép cũ khó tránh khỏi việc chọn chỗ cách trở xa xôi, phiền hà mệt nhọc, nên thực tình cốt để tiết giảm và thuận lợi. Huống chi nơi này nguồn lại thấp, rất gần với các lăng đời trước, đất nước hiền lành, chẳng phải nơi núi cao cây tốt, rất dễ thi công. Điện vũ tuy nhiều nhưng đặc biệt chỉ có Hoa khiêm, Lương khiêm và Di khiêm là làm bằng gỗ mới, còn lại đều nhặt nhạnh từ những ngôi nhà cũ, đem chỗ nọ bỏ vào chỗ kia mà công việc cũng phải đến ba năm mới xong. Tất cả việc xây cất sửa sang chi dùng kể đến hàng vạn lao phí như thế ta biết làm sao được. Than ôi! Xem câu nói của Thành Tử Cao (27) mà then thay.
Lăng làm xong, ta thân rước mẹ ta đến thăm, bày đủ yến tiệc, múa hát, lại cho phép quan trong quan ngoài cùng thê thiếp đến dự lễ lạc thành. Đấy cũng là thể theo ý quần thần chứ ta đâu dám bày ra nhiều nghi lễ làm gì. Nhưng ta cũng sẽ bắt chước Tư Không Biểu Thanh (28) dùng đấy làm nơi uống rượu ngâm thơ, không chỉ để dùng làm nơi ăn ở hẩm hút mà thôi. Về sau nhân lễ Thanh minh theo xe lên cáo lăng, tiện đường dừng lại chọn hái lấy những món ngon vật lạ, thơm ngọt tươi béo dâng lên để mẹ ta được vui lòng. Hoặc lúc nóng nực, để trút bỏ nỗi ưu phiền ta cũng tạm đến đây thăm viếng, nhưng trong một năm vài ba bận chẳng còn rảnh thay. Hoặc đang lúc tế Nam giao mà chưa thể thân hành dự tế lễ được thì cũng đứng dậy mà lạy vọng đến, bắt chước chuyện cũ Trúc cung (29) mà tỏ bày chút lòng thành kính.
Lên cao mà nhìn bốn phía thì trước mặt là đàn Nam giao, sau lưng là chùa Linh Mụ đã đủ rõ chí hướng bình sinh của ta rồi. Lúc sống chưa thể bày tỏ hết lòng thành thì khi chết lại được mãi mãi chầu hầu. Bên phải gần Xương lăng (30), bên trái đối diện Văn Miếu đủ để an ủi niềm yêu mến ngưỡng mộ thành thực của ta, để ngày kia hồn phách ta có nơi nương tựa dài lâu thủy chung như nhất. Chung quanh bao nhiêu là mồ mả, cũ mới ngổn ngang, một nửa cố nhân đã mất, lại có những ngôi mộ mà chẳng biết là của bậc công thần danh tướng hay thường dân nằm la liệt như thế. Trèo lên Bắc nam mà trông Hao lý (31), gió hàng dương réo rắt bi thảm suốt đời không thôi, thế thì đời người hấp tấp lo toan để làm gì? Thì cần chi phải chỉ con đường Tân Phong (32) mà những ngậm ngùi!
Điều ta vẫn mãi bùi ngùi là việc học chưa thành, chỉ chưa thỏa, hư danh chẳng xứng với thực tội, thể chất lại yếu đuối không đủ sức đảm đương nhiều việc. Như nay, ngoài thì bờ cõi bị mất chưa giành lại được, trong thì giặc giã hoạn nạn chưa yên, việc nối dõi lại chậm chạp khó khăn, chưa tìm được người kế tục thì biết nương nhờ vào ai để trông coi công việc? Những may trời sinh tinh tốt, lương tri lương năng chưa phải tối tăm, tuy bệnh tật quá nhiều, phẫn uất quá lớn, không khỏi có lúc nóng nảy giận dữ nhưng tất nhiên đều có nguyên nhân cả; nhưng bất cứ việc gì ta cũng khoan hậu, không dám làm càn. Do đó, nắm quyền sinh sát lâu ngày nhưng chưa hề tự chuyên giết lấy một người khi án chưa rõ, cho đến việc vui buốn cũng không bao giờ để lộ ra mặt.
Từ trước đến nay có lẽ ta đau buồn nhất là vào một ngày mùa thu ta hầu bệnh hoàng khảo, bệnh nặng đến mấy lần bị hôn mê, tả hữu hầu hạ đều xa lánh, chỉ mình ta lên giường bệnh thân hành tự đổ thuốc, nước mắt giàn giụa, kêu gào như kẻ cuồng điên, cũng may mà khí dương dần dần hồi phục cho ta kịp hầu hỏi han được một đôi điều. Đến ngày ninh lăng, cầm đầu các hoàng thân đại thần đưa tử cung đến yên nghỉ ở huyền cung, ta gục đầu rất đỗi thương xót, bịn rịn một bên hầu như không còn biết đến thân mình nữa. Các đại thần mời ta ra, ta cũng chẳng biết, đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn phải cầm tay dắt ta ra. Thực mà nói cả đời ta chưa bao giờ đau buồn như lần ấy. Mặt khác, hoặc nghe thấy chuyện của các trung thần hiếu tử thì ta bỗng buồn bã nghẹn ngào đến rơi nước mắt khiến đọc sách cũng không thành tiếng. Ngoài ra, cái mà người đời cho là buồn ta cũng chẳng buồn lắm, cái người đời cho là vui ta cũng chẳng vui lắm. Nay ta ưa đọc sách, khổ nỗi là không được rảnh rang, cho dù chưa thể hiểu rõ, chưa thể nhớ lâu ta cũng chẳng dám lấy lời của người làm lời của mình, không giả dối, không lục lọi đẽo gọt. Nhớ xưa cần chánh điện đại học sĩ Trương Đăng Quế thường nói: Hãy thuận theo số trời. Tuy lời nói chỉ mới hiểu được một nửa nhưng cũng đủ để gọi đó là người tri kỷ bậc nhất trong đời, lời nói của người bạn cũ dễ gì quên được!
Ta thường nói: trải qua các đời vua chẳng thiếu gì người hay kẻ dở, nhưng nếu lấy công danh mà nói thì Hán Văn chẳng bằng Đường Thái (33), nhưng lấy đức độ mà nói thì Đường Thái kém xa Hán Văn, đấy cũng là trời phú cho cả, bản thân ta không sao tự định lấy được. Ta không dám coi nhẹ Đường Thái nhưng …… mong được như Hán Văn, cho nên việc gì cũng cốt điều thật, chăm chút nuôi răn, vun đắp gốc rễ, ấy là điều ta hằng tâm niệm. Ngày đêm phán quyết mọi việc, mắt đọc tay phê còn sức đâu để làm gì nữa, tuy chẳng tránh khỏi thú vui chơi thanh sắc, săn bắn, bài bạc nhưng chẳng qua cũng chỉ là những món tiêu khiển tầm thường chẳng kể làm gì, thực đâu dám làm sâu dân mọt nước, điều ta hằng mong vẫn chưa thực hiện được vì đức ta chưa đủ để cảm hóa thói tục, tài ta chưa đủ để giáo hóa con người. Chí lớn mà hiểu biết ít ỏi, muốn nặng nhưng chỉ được nhẹ. Nhìn xem phong tục thế giới ngày nay như thế nào? Phong tục thế giới không chỉ ở các nước xa xôi chỉ lo giành giật công lợi một cách dối trá, mà đến cả công khanh sĩ thứ của các nước văn minh cũng lắm kẻ tham tàn gian dối, lâu ngày trở thành thói quen, phô bày công mỏng, che giấu tội dày, cam lòng vì lợi bỏ quên nguy lớn, nếu có người nào nước nào cho là lạ thì chúng đều bảo là ngu và dùng lời mỉa mai đáp lại. Thật còn hơn cả thời Xuân thu chiến quốc, dẫu Khổng Mạnh có sống lại cũng chưa chắc đã làm gì được! Ôi cứ xem nước Đại Thanh (34) mà cũng không thể giữ được mình còn nói gì đến các nước khác. Ta nay, trong thì không có niềm vui về đường nối dõi, ngoài thì nhiều việc chưa yên, một mình với biết bao lo âu tội lỗi xảy đến, người sức khỏe bình thường còn chưa kham nổi huống gì ta. Ta chỉ lấy một chữ THÀNH để chế ngự mọi xấu xa, ngoài ra ta còn biết tin vào đâu nữa, chỉ có trời mà thôi. Nhưng cái tin của ta chẳng phải tin vào vận số của trời mà chỉ riêng tin vào đạo lý của trời thì thực ta cũng đã hết lòng rồi vậy, mà khi đã hết lòng thì Khiêm có thể bảo vệ được thái bình. Cho nên ta chẳng dám chẳng khiêm để thực hiện trọn đạo làm người, có được thái hòa chính là do sự thể hiện của Khiêm vậy, ta đâu dám không gắng sức để có thái hòa, để đạo trời thêm sáng?
Thế mới biết Nhu thắng mà Cương cũng thắng mới cân bằng và tồn tại, nhún nhường và chịu nhún nhường, hai điều ấy có mối quan hệ với nhau, không những chúng không trái nhau mà còn thúc đẩy nhau để thành tựu.
Thế nên nói Đạo trời cứu giúp xuống kẻ dưới, người quân tử hãy giữ cho trọn đạo (35), do đó nếu không phải là người từng trải nhiều về sự lo âu đau đớn thì làm sao hiểu ta để cùng ta tâm sự và không cùng một cách nghĩ với ta thì sau này khi xem công việc của ta chớ nên bực dọc. Tâm trí đau khổ dằng dặc suốt cả sớm chiều, rồi bỗng dưng như cuồng loạn, nếu không có ân đức thánh nhân thì ai vực ta dậy, nên ta cứ chờ đợi mãi. Chỉ có trời và thánh nhân mới hoàn tất được chí của ta, ta chẳng dám vì không thể làm được mà không làm, không thể giáo hóa được mà không giáo hóa, một ngày cũng hết lòng vì trách nhiệm một ngày.
Nay chép vào đây đều là sự thực cả, chỉ có mình ta chứ nào ai thấu được, ngõ hầu thổ lộ phần nào cái chí của ta cùng thiên hạ. Còn như công việc của ta hay dở thế nào thì đã có ngọn bút của các nhà viết sử, đến như văn vẻ chữ nghĩa thế nào cũng chẳng cần bàn nữa. Ngày sau, may mà gặp người có thế gửi gắm được chí của ta thì ta ắt cho nối dõi, bằng không thì biết lấy ai kế tục, cũng nên lượng thứ cho lòng ta, đừng nên lấy bề ngoài làm trọng.
Nhân đây làm bài minh để tự răn. Minh rằng:
Trên làng Dương Xuân chừ, coi có ngôi nhà ta đấy,
Núi thấp đất hoang vu chừ, biểu lộ sự nhún nhường của ta để tự trách vậy.
Ai đồng lòng với ta để hoàn thành chí ta chừ, ôi mong mà chưa thấy.
Chỉ có trời chứng minh chừ, lòng ta đã có bia đá ấy.
Ngự chế vào tháng 6 niên hiệu Tự Đức thứ 24 (1871), ngự bút vào tháng 4 niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875).
(Phan Hứa Thụy dịch)
(1) Nhan hồi tự Tử Uyên, còn gọi là Nhân Uyên, là một học trò xuất sắc của Khổng Tử, ông chết năm mới 31 tuổi.
(2) Bành Tổ là một nhân vật thời thượng cổ Trung Quốc, tương truyền ông sống trên 800 tuổi.
(3) Bá Di: con vua Cô Trúc, ông từng khuyên Võ Vương đừng đi đánh vua Trụ, Võ Vương không nghe, đánh thắng dựng nên nhà Chu, Bá Di cùng Thúc Tể giận bỏ lên núi Thú Dương rồi không về nữa.
(4) Đạo Chích: tên một kẻ trộm nổi tiếng đời vua Hoàng đế, ăn trộm rất tinh vi, nghe tiếng ai cũng sợ.(4b) Tiến sĩ cập đệ, tục gọi là trạng nguyên chúng tôi ngờ rằng chữ bị sai, xin cứ để theo bản dịch mong bạn đọc chỉ giáo
(5) Trạng nguyên: từ gọi người đứng đàu trong bực tam khôi theo chế độ thi cử thời phong kiến.
(6) Chỉ độ tuổi bắt đầu đi học, vì từ đó mới chừa tóc.
(7) Tiểu tử: tiếng tự vựng của Tự Đức đối với cha mẹ ông.
(8) Thái hậu: đây chỉ mẹ của Tự Đức, tức bà Từ Dũ.
(9) Hoàng khảo: chỉ ca của Tự Đức, tức vua Thiệu Trị.
(10) Án mùa thu: nguyên văn là thu thẩm. Thời nhà Nguyễn, án tử hình từ các tỉnh gửi về thì cứ đến mùa thu bộ Hình mới mang ra xét lại rồi trình lên vua. Do đó án mùa thu ở đây chỉ những án nặng.
(11) Chỉ việc bàn giao ấn ngọc (Ngọc tỉ) của vua Minh Mạng truyền lại.
(12) Tiềm để: Ngôi nhà dành cho Thái Tử ở trước khi lên làm vua.
(13) Lưu kinh: giữ kinh đô. Khi nhà vua đi xa thường cử một người thân tín ở lại kinh thay vua giải quyết mọi việc và giữ gìn kinh đô, đó là chức lưu kinh.
(14) Tử bửu: bốn thứ đồ dùng quý dành cho nhà vua: giấy, bút, mực, nghiên.
(15) Sư phó: từ gọi người dạy cho vua hoặc hoàng tử học.
(16) Khánh vân ca: tên một khúc ca mà quân thần dùng ca ngợi ân đức của vua Thuấn.
(17) Lúa Vải: do chữ đẩu tốc xích bố nghĩa là thúng lúa thước vải. Đây lấy ý từ một bài dân ca đại ý chê Hán Văn Đế và Hoài Nam Vương đều là con của Hán Cao Tổ, hai anh em vì quyền lợi nhỏ nhen mà hại nhau. Đây vua Tự Đức muốn nêu ý anh em bất hòa gây cảnh nồi da xáo thịt.
(18) Tức Chu Công Đản, chú của Thành Vương, Thành Vương lên ngôi nhưng tuổi nhỏ, Chu Công làm nhiếp chính, bọn hoàng thân như Quảng, Thái ghen tị vu cho Chu Công muốn tiếm vị, Chu Công nghe lấy làm sợ nên phải bỏ trốn. ThànhVương biết chuyện cho triệu về, bọn Quản, Thái sợ nên xúi Võ Canh chống lại, Chu Công cầm quân đánh bại được chúng, về sau Mạnh Tử đã hết lời ca tụng Chu Công trong tác phẩm của ông.
(19) Đây chỉ con của Hồng Bảo, người anh cả Tự Đức, vì không được truyền ngôi nên nổi lên chống lại, sau có thể phải xin đầu thú nhưng cũng bị hạ ngục rồi chết trong ngục, con cái ông phải bị đổi qua họ mẹ là họ Đinh.
(20) Chỉ Phan Thanh Giản.
(21) Chỉ Trương Đăng Quế.
(22) Bá lăng: tức lăng của Hán Văn đế ở huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây.
(23) Thuật ngữ của ngành địa lý phong thủy.
(24) Nt
(25) Ái liên: tên một khúc hát diễn tả việc hái hoa sen trên hồ Hoa quân tử đây là hoa sen.
(26) Ngu khê: tên một cái khe ở huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam Trung Quốc.
(27) Thành Tử Cao: một nhân vật thời Xuân Thu, người rất hiền, không bao giờ chặt cây giết vật khi cha mẹ mất ông khóc đến chảy máu mắt, suốt kỳ thọ tang ông sống rấ giản dị.
(28) Tư Không Biểu Thánh: Tư Không, tự Biểu Thánh, người đời Đường đỗ tiến sĩ vào niên hiệu Hàm Thông nhưng gặp thời loạn ông trốn lên núi Trung Điều, ở đây ông dựng ngôi đình lấy tên là Hưu Hưu để cùng bạn bè ngâm thơ uống rượu.
(29) Trúc cung: tên một cung điện bằng tre lá, nơi trai giới của vua đời Hán trong kỳ tế Giao. Tại đây vào ngày tế Giao, buổi sáng nhà vua hướng về phía Đông lạy mặt trời, buổi chiều hướng về phía Tây lạy mặt trăng.
(30) Xương lăng: lăng của vua Thiệu Trị.
(31) Bắc Man: tên núi, còn gọi là Bắc Sơn thuộc địa phận tỉnh Hà Nam, nơi chôn các vương hậu công khanh thời Đông Hán. Đây chỉ mộ vua. Hao Lý: địa danh ở về phía Nam núi Thái Sơn, tương truyền là nơi tụ họp hồn phách của người đã chết.
(32) Tân Phong: Hán Cao Tổ muốn dựng đô ở Trường An, thái thượng hoàng lại ưa về đất Phong, Hán Cao Tổ bèn cho xây dựng Trường An giống hệt như đất Phong và đặt tên là Tân Phong.
(33) Hán Văn Đế: con Hán Cao Tổ được Chu Bột dẹp loạn họ Lữ rồi lập lên ngôi. Hán Văn hiền từ cần kiệm. Đường Thái tức Đường Thái Tông, tên Lý Thế Dân, ông giỏi cả văn chương lẫn võ nghệ, có công đánh đông dẹp bắc mở mang bờ cõi khiến nhà Đường thêm mạnh.
(34) Đại Thanh: từ gọi nước Trung Quốc thời Mãn Thanh.
(35) Chữ lấy trong kinh dịch
(34) Đại Thanh: từ gọi nước Trung Quốc thời Mãn Thanh.
(35) Chữ lấy trong kinh dịch.