• Vấn Đề Kinh Tế
Gián đoạn nguồn cung cấp nghiêm trọng
có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của toàn cầu hóa
Các chính phủ và doanh nghiệp đang phải học những bài học nặng nề do virus Corona Vũ Hán lây lan nhanh chóng gây ra gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu.
Việc đóng cửa liên quan đến virus Corona Vũ Hán, nguyên nhân gây bệnh COVID-19, đã khiến cho nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế toàn cầu khác phải dừng lại.
Các công ty Mỹ phụ thuộc vào nguồn cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với việc gián đoạn chưa từng có trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Và những công ty có đầu vào phụ tùng và vật liệu dựa phần lớn hoặc chỉ dựa vào các nhà máy sản xuất ở Trung Cộng là những đối tượng bị tác động nhiều nhất.
Nhà nước Trung Cộng đã yêu cầu đóng cửa nhà máy ở hầu hết các tỉnh của họ vào tháng 2, và các công ty Hoa Kỳ đã cảm nhận được những tác động này. Theo một cuộc khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng được thực hiện vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của gần 75% các công ty Mỹ.
Ngoài ra, có rất ít các hình thức vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển để đưa sản phẩm đến Hoa Kỳ, thêm vào đó là sự chậm trễ giao hàng.
Cuộc khủng hoảng đã khiến Tổng thống Donald Trump kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng vào ngày 20/3, điều này sẽ tăng tốc và mở rộng việc cung cấp sản phẩm từ cơ sở công nghiệp Mỹ, nếu cần. Đạo luật thời Chiến tranh Triều Tiên sẽ buộc một số công ty Mỹ phải sản xuất các hàng hóa đang thiếu hụt như mặt nạ y tế, máy thở, găng tay, gạc thử nghiệm và các trang thiết bị thiết yếu khác.
Ông Robert Atkinson, nhà sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Đổi mới Sáng tạo và Công nghệ Thông tin (ITIF), cho biết: “Đại dịch virus Corona sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về toàn cầu hóa nói chung, và Trung Cộng nói riêng”.
“Tôi nghĩ rằng những ngày mà mọi người thật sự cho rằng chỉ có một thị trường toàn cầu thống nhất mà tất cả chúng ta có thể tin tưởng - những ngày đó đã qua rồi. Sẽ có một số hậu quả từ sự việc này, và tôi nghĩ rằng Trung Cộng cuối cùng sẽ phải trả giá”.
ITIF từ lâu đã chỉ trích Bắc Kinh trong việc thực hiện các chính sách “đổi mới mang màu sắc chủ nghĩa trọng thương”, bao gồm các khoản trợ cấp lớn của chính phủ, gián điệp công nghiệp, trộm cắp mạng, liên doanh ép buộc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, và mua lại các công ty nước ngoài để giành được các công nghệ nhạy cảm.
Những chính sách này đã thúc đẩy đổi mới ở Trung Cộng , nhưng lại là cái giá rất đắt cho sự đổi mới ở các nền kinh tế phương Tây, ông Atkinson nói.
Toàn cầu hóa - sức mạnh kinh tế hùng cường nhất đã định hình thế giới trong hai thập kỷ qua - hiện đang nhường chỗ cho một trật tự thế giới mới. Cảm xúc bài xích chống lại toàn cầu hóa trong vài năm qua, đặc biệt là ở các nước phát triển, đã dẫn đến sự hồi sinh toàn cầu của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ. Điều đó đánh dấu một sự thay đổi cơ bản trong trật tự thương mại toàn cầu.
Ông Atkinson cho biết cuộc thương chiến và sự bùng phát virus Corona Vũ Hán đã khiến các công ty Mỹ thậm chí còn lo ngại hơn về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và sự phụ thuộc vào Trung Cộng . Giờ đây, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang thúc đẩy để tạo ra những chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng hơn.
Ông cho rằng: “Chắc chắn thuế quan của Tổng thống Trump và cuộc thương chiến cũng đã gửi thông điệp đó đến nhiều công ty, và do vậy họ [các công ty] đã sẵn sàng dịch chuyển theo chiều hướng đó. Tôi tin rằng virus Corona sẽ thúc đẩy phong trào này và khuyến khích nhiều công ty coi trọng việc này hơn”.
Rời khỏi Trung Cộng
Trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, năm ngoái, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp hàng đầu của mình xem xét di chuyển 15 - 30% việc sản xuất của họ từ Trung Cộng sang Đông Nam Á.
Quyết định này đã khiến dây chuyền sản xuất AirPods, tai nghe không dây phổ biến của hãng, bắt đầu dịch chuyển từ Trung Cộng sang Việt Nam.
Cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Cộng đã biến thành một mối lợi cho các quốc gia như Việt Nam và Malaysia. Đối với các sản phẩm điện tử và đồ nội thất là những sản phẩm bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Hoa Kỳ, các tập đoàn lớn đã có thể nhanh chóng chuyển sang các nhà sản xuất ở các quốc gia này.
Theo nghiên cứu của Nikkei Asian Review, năm ngoái, ít nhất 50 công ty đa quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan đã công bố kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Cộng để tránh thuế phạt.
Các hãng sản xuất máy tính cá nhân của Mỹ như Hewlett-Packard và Dell, công ty giày dép Skechers, hãng sản xuất giày thể thao và may mặc Brooks Running và hãng sản xuất máy quay video nhỏ GoPro nằm trong số những công ty đó.
Nếu Apple quyết định rời khỏi Trung Cộng , điều đó sẽ có tác động lớn đến rất nhiều công ty, ông Ray Zinn, nhà sáng lập và cựu CEO của Micrel Semiconductors cho biết.
Apple là hãng tiêu thụ điện tử lớn nhất thế giới. Hãng này mua chip, kính, vỏ nhôm, dây cáp, bảng mạch và nhiều sản phẩm khác từ các nhà cung cấp tập trung chủ yếu ở Trung Cộng .
Theo ông Zinn, các hãng lắp ráp iPhone như Foxconn có thể dễ dàng rút khỏi Trung Cộng , nhưng việc di chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sẽ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ có thể dễ dàng gây áp lực lên các công ty như Apple để thay đổi chuỗi cung ứng của họ bằng cách áp thuế, ông chia sẻ với The Epoch Times.
Trung Cộng đánh mất niềm tin
Ông Zinn đã ở tuyến đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, là CEO và chủ tịch của Micrel từ khi hãng thành lập vào năm 1978 cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 2015. Ông tuyên bố đã từng là CEO lâu nhất của một công ty giao dịch công khai ở Thung lũng Silicon.
Trong nhiều thập kỷ, ông đã chứng kiến nhiều công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất của mình sang các nước có chi phí thấp.
“Công ty của tôi không bao giờ đến Trung Cộng ”, ông nói.
“Quay trở lại năm 2000, khi chúng ta có sự cố Y2K và sự bùng nổ dot-com, các giám đốc điều hành của công ty tôi đã có ý muốn chuyển đến Trung Cộng vì những hãng khác cũng đang di chuyển. Tôi nói: 'Không, chúng ta sẽ không đến Trung Cộng ’”.
Ông thừa nhận những sự di chuyển này mang lại lợi ích về chi phí và lợi thế cạnh tranh cho các công ty đó trong ngắn hạn.
“Tuy nhiên, về lâu dài, tôi nghĩ họ sẽ phải trả giá cho điều đó. Tôi đã không muốn công nghệ của chúng tôi bị đánh cắp”, ông nói.
Một sự cố cách đây 15 năm đã khiến ông Zinn mất niềm tin vào Trung Cộng . Ông cho biết năm 2005, các đặc vụ FBI đã tràn vào nhà máy của ông ở San Jose, California, sau khi họ tìm thấy các linh kiện do Micrel sản xuất có trong các thiết bị nổ đang được sử dụng ở Afghanistan và Iraq.
“Chúng tôi điều tra ra rằng đó là một nhà phân phối tại Trung Cộng đã thu mua các linh kiện của chúng tôi qua Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó bán chúng cho Iraq. Vì vậy, khi tôi phát hiện ra điều đó, tôi đã không tin tưởng Trung Cộng . Bởi vì các thiết bị nổ này đang giết chết những người lính của chúng ta”, ông nói.
Ông Zinn kêu gọi các công ty khác của Mỹ nên có lương tâm và làm những gì tốt nhất cho đất nước.
Ông chia sẻ: “Tôi thấy rất không đúng nếu các công ty của chúng ta lại làm ăn với một nước có khả năng là kẻ thù của đất nước chúng ta, và không hề quan tâm gì tới lợi ích của đất nước chúng ta”.
Báo cáo của các hãng thông tấn cho thấy Trung Cộng cũng đang đánh mất niềm tin và thiện chí của toàn thế giới thông qua cách họ xử lý sự bùng phát virus Corona Vũ Hán.
Các chuyên gia tin rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể khuyến khích nhiều công ty chuyển sản xuất từ Trung Cộng về Mỹ hơn bằng cách cho họ một thời gian miễn thuế hoặc ưu đãi thuế.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow đã chia sẻ với với các phóng viên hôm 16/3 rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét một kế hoạch cung cấp các ưu đãi cho các công ty Mỹ để đưa sản xuất trở về đất nước.
Nhà Trắng cũng đang chuẩn bị một lệnh hành pháp để giúp di dời các chuỗi cung ứng y tế từ Trung Cộng về Hoa Kỳ trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch.
Chuỗi cung ứng y tế
Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Cộng về các sản phẩm chăm sóc y tế, điều này khiến cho nước Mỹ dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự bùng phát dịch bệnh là một hồi chuông cảnh tỉnh lớn cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh đang làm trầm trọng thêm vấn đề dễ bị tổn thương này.
Trung Cộng là nhà cung cấp chủ yếu các loại thuốc quan trọng, các hoạt chất và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) như khẩu trang, máy thở, áo choàng phẫu thuật và găng tay.
Nhu cầu toàn cầu gia tăng và sản xuất bị chậm lại ở Trung Cộng do virus bùng phát đã gây thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị bảo hộ tại các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ.
Ông Michael Einhorn, chủ tịch của Dealmed Medical Supplies, một đơn vị phân phối nguồn cung vật tư y tế có trụ sở tại New York cho biết: “Ngay bây giờ đang có một cơn ác mộng về hậu cần nghiêm trọng hơn tất cả mọi thứ”.
Trong khi các nhà máy ở Trung Cộng được mở cửa trở lại và hoạt động với 90% công suất, công ty của ông không thể mang sản phẩm về Mỹ đủ nhanh do nhu cầu cao và phải vận chuyển những đơn hàng tồn đọng, ông chia sẻ với The Epoch Times.
“Chúng tôi đang cố gắng đưa các thứ ra khỏi Trung Cộng , nhưng tình hình đang trở nên rất khó khăn”, ông nói.
Dealmed phân phối hơn 25.000 sản phẩm tại New York, New Jersey, Connecticut và Pennsylvania. Và hơn 50% những sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Cộng , ông cho biết.
Do thương chiến, năm ngoái, ông Einhorn đã phải chuyển 35% mối kinh doanh của mình từ Trung Cộng sang Malaysia, Hoa Kỳ và Mexico. Tuy nhiên, ông nói rằng Trung Cộng vẫn là nhà cung cấp quan trọng đối với các sản phẩm PPE như mặt nạ phòng hộ và áo choàng cách ly.
Đại dịch là một bài học rất nghiêm túc đối với Hoa Kỳ, ông nói. “Chúng ta cần chuyển ngành sản xuất y tế trở lại Mỹ”.