lê tất điều, NGƯỜI ĐÀN ÔNG và NĂM ĐỨA CON

lê tất điều

NGƯỜI ĐÀN ÔNG và NĂM ĐỨA CON


Khi đến tạm trú ở ngôi trường tiểu học này ông ta đã có cái nhìn mệt mỏi, dại khờ. Ông sống với năm đứa con còn lại trên một chiếc chiếu rách vuông. Lớp học nhỏ chứa hơn hai chục gia đình, nhân số lên tới trăm người. Sự kèn cựa, xô đẩy luôn luôn xảy ra và cái chiếu thường bị đẩy từ góc này sang góc kia.

Đứa con nhỏ nhất, hai tuổi, đã chết cùng với bà vợ. Đứa con gái sáu tuổi bị thương ở tay, đêm nào cũng rên, khóc. Đứa con trai bốn tuổi bị ốm từ vài ngày nay. Buổi sáng ông ta bồng nó đến trước bàn y tế, đặt tạm ở phòng hiệu trưởng, chờ xin thuốc. Buổi chiều, ông ngồi dỗ cho nó bớt khóc. Ban đêm, khi đứa nhỏ bốn tuổi ngủ chập chờn, đứa sáu tuổi bị thương bắt đầu rên, ông loay hoay rờ trán nó, vuốt ve khoảng tay bị băng bó của nó và thỉnh thoảng cùng khóc với nó.
Ba đứa còn lại suốt ngày nhăn nhó vì đói.
Những ngày trời nắng, đám người tạm trú kéo nhau ra sân đun nấu. Ngày mưa, một số lớn gia đình ở ngoài hiên phải cuộn chiếu, chăn lại. Hiên biến thành cái bếp vĩ đại. Người ta đội nón che mưa để tiếp tục chật vật đun nấu trong nước và khói. Họ nguyền rủa, chửi bới bâng quơ. Họ tiếc những căn nhà vừa bị trận đánh khủng khiếp vừa qua tàn phá. Họ kể cho nhau nghe đã sống bao nhiêu giờ giữa bom đạn và thoát chết trong trường hợp nào. Có khi vừa kể vừa sụt sịt khóc thương những người thân đã khuất.
Ông ta thì suốt ngày lầm lì loay hoay với năm đứa con. Trong cách đi đứng, trong từng cử chỉ nhỏ nhặt, ông tỏ ra là người đàn ông chậm chạp, vụng về, hiền hậu, hơi khờ dại. Đôi mắt đỏ ngầu vì khóc nhiều ít khi nhìn lâu vào một cái gì. Ông trả lời câu hỏi của những người xung quanh như trả lời những con người mờ nhạt trong một giấc mộng.
Ông không kể lể. Hình như cái sự bỗng dưng rơi vào giữa đám người khổ sở, hỗn độn này vẫn còn làm ông ngạc nhiên. Ông đã đưa bà vợ và đứa con nhỏ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Rồi dường như không sao hiểu rõ đựơc một điều gì sau đó.
Khi một vài gia đình tạm trú bắt đầu dọn cơm ra thì thằng con lớn nhất của ông cầm cái chậu nhôm đi đến những chỗ người ta đang ăn uống. Nó chìa cái chậu và lắp bắp mấy câu xin cơm. Những người hiểu rõ hoàn cảnh cha con nó thì trút vào chậu một bát cơm nhỏ. Nhiều người lắc đầu. Đôi khi, nó cũng biết dừng lại kể lể hoàn cảnh gia đình: Trước đây cha mẹ nó có căn nhà thật lớn rộng, ít nhất cũng bằng năm lần lớp học này. Nhà có gác. Tầng trên để ở, tầng dưới bán tạp hóa. Mẹ nó trông coi hết cả việc nhà. Buôn bán, dạy dỗ, đánh mắng lũ con. Bà không chịu nuôi người ở, tự mình đi chợ, thổi cơm, nấu nước, giặt giũ. Cha nó chỉ có việc nằm dài trong cái ghế xích-đu đọc hết tờ báo này đến tờ báo khác hoặc ra cái quán ở đầu đường nhậu nhẹt, đánh cờ. Cha nó không biết làm gì cả, không biết giặt giũ, không biết nấu cơm nên bây giờ nó phải đi xin. Hôm địch tấn công, cả nhà nó nằm nép dưới gầm giường nghe đạn réo súng nổ. Rồi quân địch ùa vào hò hét, chạy rầm rầm ngay trước cửa nhà nó. Một lúc sau máy bay đến và nó tưởng nghe tiếng bom nổ ngay trên nóc nhà... Chiến tranh đã nhai nát căn nhà đẹp cùng với bà mẹ và đứa em út của nó.
Việc kể lể đôi khi cũng kiếm thêm được ít cơm. Nó mang chậu cơm về đặt giữa chiếu và năm cha con ngồi xúm lại ăn. Đứa nhỏ bốn tuổi cũng nhai nhóp nhép được vài miếng. Tất cả thò tay vào chậu mà bốc. Người cha ăn một cách hững hờ, ngơ ngác nên chưa kịp thò tay vào chậu đến lần thứ tư thì lũ con đã vét sạch. Mấy người đàn bà “hàng xóm” đôi khi ngẩn ra nhìn cảnh năm cha con vây quanh chậu cơm. Có người tiện tay nhấc bát canh hay đĩa rau trút sang cho một ít.
Họ nói với nhau bằng giọng thương hại có thoáng chút kiêu hãnh:
- Xẩy tay người đàn bà ra thì thế đó.
Mỗi tuần một lần, ông được chính phủ trợ cấp bốn mươi chín đồng (mỗi ngày bảy đồng). Ông ta giao hết số tiền cho bà lão ở chiếu bên cạnh. Bà lão thổi một nồi cơm đầy cho sáu cha con. Đó là bữa cơm duy nhất trong tuần có thêm vài món ăn.
Vết thương của đứa con gái sáu tuổi được thay băng nhiều lần nhưng vẫn sưng tấy. Bệnh của đứa bốn tuổi càng ngày càng nặng. Ba đêm liền hầu như ông không ngủ, chỉ chập chờn đôi lúc. Hai hôm nữa mới tới ngày được ăn bữa cơm no. Mái tóc dày xù ra, xòa xuống che cả hai tai. Bộ râu mọc rậm làm cho hai bên má ông ta hóp thêm vào. Cả khuôn mặt trơ xương hình như sắp sửa biến thành râu tóc hết cả.

***
 
Buổi tối, ông ngồi co chân trái, đặt đứa con bốn tuổi lên, quạt cho nó ngủ. Đứa sáu tuổi nằm nghiêng đặt cánh tay bị thương lên đùi phải của cha. Khi nó chợt mở mắt rên rỉ thì ông ngừng tay quạt, vuốt nhè nhẹ xung quanh vết thương. Thằng bé bốn tuổi đêm nay không còn khóc nữa. Nó ngủ, mắt hơi hé, thở khò khè yếu ớt. Ông ta tựa lưng vào hai cái va-ly chồng lên nhau của gia đình bên cạnh, ngủ gà ngủ gật. Khoảng bốn giờ sáng ông bừng tỉnh. Đứa bé bốn tuổi đã ỉa, đái ra đầy quần hai cha con từ lúc nào. Ông lúng túng đặt đứa nhỏ xuống chiếu.

Ông kéo quần nó, lau người cho nó rồi thất thểu đi ra khỏi phòng. Đứa nhỏ nằm yên như không còn thở nữa.

Sân trường được soi sáng bằng hai ngọn đèn vàng chao đi chao lại trong gió sớm. Ông mò mẫm đến bên cái máy nước ở cuối sân. Nước lạnh chảy trên tay làm ông rùng mình. Nếu có bà vợ ở bên ông thì nhất định mọi việc đã khác hẳn. Bà biết phải làm gì và không bao giờ lúng túng cả. Bảy đứa con đã gây bao nhiêu khó khăn cho bà trong hơn mười năm bà sống với ông. Chúng nó đã ốm đau, đã dựng hai vợ chồng ông dậy vào nửa đêm. Bà ôm đứa con, ông ngồi kèm bên cạnh trên xe đến bệnh viện. Nhưng rồi, hình như đều nhờ ở bàn tay kỳ diệu tài tình của bà, hoạn nạn lại qua đi. Đứa trẻ trở lại ăn chơi, khỏe mạnh. Bây giờ, bà bỏ đi vĩnh viễn rồi, đứa nhỏ bốn tuổi ốm sắp chết và ông không biết làm gì cả. Từ đứa con thứ ba trở đi, khi chúng còn nhỏ, ít khi ông bế chúng. Ông nhớ mãi cái lần ông bế một đứa và nó đái ra bộ quần áo mới thay của ông. Ông cứ đứng đờ ra tay ôm đứa nhỏ, miệng gọi vợ rối rít. Bà cười, bà chê ông vụng dại. Tiếng nói của bà to và dõng dạc. Tiếng nói có chiều rộng chiếm hết cả căn nhà. Suốt ngày bà đi lên đi xuống trông nom cửa hàng, sai bảo, hò hét lũ trẻ. Bà càng hò hét to thì ông càng được yên ổn nằm dài ở ghế xích đu để đọc báo.

Trong vùng ánh sáng mập mờ ở cuối sân, ông hì hục vò cái quần nhỏ xíu của con cho đến lúc cảm thấy mỏi tay, và nghĩ là nó đã sạch. Ông vớt nước gột rửa đám phân nhầy nhụa trên quần. Ông vớt nước rửa mặt rửa tay. Bộ quần áo duy nhất còn lại của ông đã rách bươm bây giờ ướt sũng.

Khi trở lại phòng, ông giống như một người vừa mặc cả quần áo nhảy xuống hồ nước. Ông run rẩy, lò dò đi giữa đám người nằm ngổn ngang. Bà lão vẫn thổi cơm cho gia đình ông với giá bốn mươi chín đồng mở mắt:
  • Đi đâu sớm thế?
Bà nhìn ống quần rách đôi tới đầu gối của ông và nhỏm dậy:
  • Trời ơi! Quần áo thế kia mà không vá lại!
Ông ta không nói gì lặng lẽ ngồi xuống bên mấy đứa con. Bà lão mở cái hộp vuông, lấy ra cái kim và sợi chỉ đen. Phải mất một lúc lâu bà cụ mới xỏ được đầu sợi chỉ qua lỗ kim:
  • Này. Kim chỉ đây, khâu lại đi.
Ông đón lấy cái kim, nhìn bà cụ đăm đăm như còn thắc mắc. Bà lão dụi mắt lắc đầu nằm xuống.

Co chân lên, ông bắt đầu xỏ mũi kim qua lại trên cái ống quần rách. Vải ướt dính vào chân, tay khiến ông khâu một cách khó khăn. Đứa nhỏ bốn tuổi không còn thở khò khè, nằm lặng ngắt. Ông đánh thức tất cả lũ con dậy và vẫn im lặng tiếp tục ngồi khâu. Một mũi kim đâm sâu vào ngón tay cái, bàn tay giật lên. Ông nhìn đăm đăm ngón tay rồi thản nhiên rút mũi kim ra.

Hai mi mắt sụp xuống che một nửa con ngươi, ông có cái nhìn của một người buồn ngủ. Bây giờ, vẫn tiếp tục khâu, nhưng ông không còn nhìn kim chỉ nữa, ông nhìn ra cửa phòng. Rồi bỗng nhiên, ông nói một câu mà trong hơn mười năm, trong không biết bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều ông đã nói:
  • Thôi! Đừng rỡn nữa! Má tụi bay về rồi kìa.
Đầu tiên, bốn đứa trẻ còn lại mở to bốn đôi mắt ngây thơ hướng về phía cửa phòng, tưởng như cha chúng vừa nói một điều có thật.

Khi đứa con lớn nhất ngơ ngác quay lại nhìn và kinh hãi nhận thấy những nét bất thường trên nụ cười tươi vui của cha thì đứa con gái bị thương sáu tuổi vẫn còn nghển cổ, trông ra ngoài, kiếm tìm mẹ.

LÊ TẤT ĐIỀU
1966 (Tuyển Tập Truyện Ngắn NGƯỜI ĐÁ)

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top