Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, Áo Mơ Phai

Đọc văn Nguyễn Đình Toàn

Áo Mơ Phai

Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri. Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, để sống với Hà Nội những ngày sắp mất nhưng cũng không bao giờ mất qua hơn 300 trang sách Áo Mơ Phai (Ngô Thế Vinh)

 



Chương một

Hà Nội 1954
Tháng Sáu chưa hết, nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều từ trong văn phòng bước ra tới cửa Tòa Đô Chính, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm.
Cái mặt nước xanh biếc, nhìn qua một lớp sương mới hôm nào đỏ rực như than hồng, vì in bóng những cây phượng vĩ, những cây phượng chỉ bẵng đi mấy bữa chàng quên không để ý đến, lúc nhìn lại đã rụng hết cả hoa lẫn lá, chỉ còn trơ những cành đen đủi in trong bóng yên lặng xuống mặt hồ và bầu trời ẩm đục.
Tháp Rùa, trong ánh sáng còn sót của một ngày, giữa những lớp sóng lăn tăn, trông như đã lún sâu thêm xuống đáy hồ.
Những cây phượng đã rụng hết lá, nhưng những cây khác quanh hồ và bên công viên Chí Linh lá vẫn xanh dày và đan liền cành với nhau.
Cái màu xanh của lá sẫm lại trong mùa Thu kéo dài sang mùa Đông sắp tới, bao giờ cũng làm cho Hà Nội có một vẻ xanh xao và ủ ê.
Cái màu xanh đã thắm lẫn vào sương đục, tản mạn trong không khí, bám trên các lớp rêu phong của gạch ngói, nhập vào linh hồn Hà Nội, trở thành một phần nhan sắc của con gái Hà Nội.
Đó cũng là điều Quang thỉnh thoảng mang nói đùa bỡn với Lan, những lúc chàng muốn che giấu sự xúc động, mỗi khi cảm thấy gần như bị huyễn hoặc bởi cái vẻ đẹp, cái vẻ xanh xao gần như yếu đuối của nàng. Những sớm mai, cùng với mặt trời mới mọc, mặt nàng bỗng rạng một chút màu hồng, những buổi Lan đi học về, mang theo trên mặt cái hơi nóng của những khu phố nắng, hoặc cái vẻ nhợt nhạt của những cơn gió lạnh trong những ngày mùa Đông, sự biến đổi không ngừng của sắc diện nàng theo với thời tiết, khiến Lan đôi lúc trở thành ngơ ngác. Có lẽ Lan không yếu lắm, nhưng chỉ vì nàng thiếu phơi nắng gió, thiếu những hoạt động ngoài trời, nên nàng có vẻ một người thiếu máu. Quang thường bảo với Lan, cô quả thật là cái hàn thử biểu tốt. Lan cười, lắm lúc em cũng muốn tập thể thao cho khỏe mạnh nhưng không dám. Tại sao không? Con gái mà chân tay gân guốc coi sao được?
Quang cũng cười bảo với nàng, dễ gì cô đã tập được đến mức ấy. Lan đề nghị với Quang cho nàng đi bơi thuyền ở Hồ Tây.
Nhưng có điều trái ngược, sau những buổi bơi thuyền không những nàng chẳng có gì khỏe mạnh hơn, ở dưới hồ lên trông nàng lại còn xanh thêm nữa.
Cũng có thể vì Lan mới bắt đầu cái môn chơi này, lại bắt đầu vào đúng mùa Thu, trời đã lạnh, nên nàng không chịu nổi, mặc dầu đó là những trò chơi nàng rất thích và vì vậy, dù có những hôm trời đã khá lạnh, nàng vẫn muốn được đưa đi bơi thuyền như thường.
Thuyền bơi ra giữa hồ, giữa những cơn gió cuốn mặt hồ dậy sóng giống như một góc biển nhỏ, Lan run lẩy bẩy nhưng nhất định không chịu vào bờ. Nàng giục Quang bơi ra xa nữa. Chỉ tới khi những hàng cây trên đường Cổ Ngư nhìn thấy đã lờ mờ trong bóng đêm gần chụp xuống, và tiếng chuông Đền Quan Thánh đổ dồn rung trên mặt hồ, Lan mới hoảng hồn kêu quay thuyền trở lại.
Cái lạnh làm cho da mặt Lan trắng nhợt lẫn với khói sóng và sương.
Cái lạnh, hơi nước, và đất ẩm quanh hồ, bám cả trên hai người, nhất là Lan dù đã lên đến bờ cứ còn chần chờ mãi chưa chịu đi về ngay, thành thử lắm lúc nàng làm cho Quang có cảm tưởng rờn rợn như là nàng bị ma quỷ của khu hồ nhập vào người, tiếng cười của Lan nghe lanh lảnh, hoặc có khi nàng lặng lẽ xếp lại những đồ dùng, quần áo tắm, gió từ dưới hồ thổi lên, vẫn không ngớt làm cho quần áo đầu tóc nàng bay tung, những trận gió mang theo các đám sương nặng trĩu từ rừng cây xanh đặc bên vườn Bách Thảo vẽ những đường răn reo trên mặt sóng, mùi bèo nước, mùi rễ cây thối ủng và xa hơn nữa, hương thơm của những vườn hoa trong khu Ngũ Xã trộn lẫn với nhau, lẫn khuất trong đám sương dầy đặc đến nỗi dường vây kín lấy những dư âm hồi chuông của Đền Quan Thánh vừa đổ xuống, làm cho không tan biến đi được, và khi dư âm của những tiếng chuông đó còn vương vất trên mặt sóng, trong trí tưởng bị huyễn hoặc, và ngay trên mặt da đã nổi gai vì lạnh, vì bị những ảo giác làm cho tê điếng, những tiếng chuông nhỏ hơn, nhưng gần hơn của Chùa Trấn Quốc phía bên kia con đường, bên kia những hàng cây, khuất sau con dốc cao giống như con đê nhỏ, lại chậm rãi gõ vào cái vắng lặng mênh mông đã vây quanh bốn phía, đó là lúc bóng tối đã xóa hết riềm cây xanh mờ của phía bờ hồ xa tít tắp, những âm hưởng cũ còn chưa tan hết, những thanh âm mới đã dội tới ép vào hai bên thái dương, cùng một lúc với mùi trầm hương phẳng phất, trông Lan lúc đó chỉ còn là một cái bóng mơ hồ, nàng cử động, đi lại, cười nói như trong một giấc mơ, đối với Quang và chính Lan hình như cũng có lúc chợt nhận ra như vậy, nàng đang cặm cụi buộc lại những vật dụng trong đó, bỗng ngừng tay ngửng lên nhìn Quang, hai mắt mở to dò hỏi, rồi chợt nhận ra chẳng có gì khác cả, nàng lại cúi xuống tiếp tục công việc. Nàng nói, lúc nãy đã nghe chuông rồi bây giờ lại nghe nữa. Quang bảo, chuông lúc nãy khác bây giờ khác, hai giọng chuông cũng khác mà. Lan cười, thôi về mau lên anh không có tối.
Hai người ra tới cửa Petit Đồ Sơn đã nhìn thấy những ngọn đèn đường cháy sáng trên lối đi lên quần ngựa.
Chùa Trấn Quốc nổi như một hòn đảo nhỏ trên mặt hồ, le lói ánh sáng vàng của những ngọn nến cháy, nhìn thấy sau các cành lá và sương mù, mái chùa đen, thấp, khuất tịch dưới những bóng cây, tất cả dường rung rinh theo từng tiếng mõ trầm, mà chỉ tới lúc đó hai người mới nghe thấy.
Chuyến xe điện cuối cùng đang kéo lê hai cái toa sơn hai màu xanh và vàng ngược lên phía Hàng Đậu.
Lan nói:
- Chạy mau lên anh, mình đạp xe theo chuyến xe đó.
Hai người cùng nhẩy lên xe đạp, đạp vòng con đường Cổ Ngư lại phía Đền Quan Thánh, đuổi theo xe điện.
Qua cửa chùa Lan nói:
- Mai chúng mình lên đây xin một quẻ thẻ.
Quang hỏi Lan:
- Cô muốn cầu cái gì ?
Lan cười:
- Mọi chuyện. Tương Lai, Hạnh Phúc. Liệu có được ở lại đây không hay rồi phải đi hết.
Đó là những ngày người ta xôn xao bàn tán về cuộc chia cắt đất nước có thể xảy ra, những nhà giầu có đã mau chân thu xếp của cải bán lại nhà cửa xuất ngoại, những người khác chờ đợi, nghe ngóng, nhưng thật ra cũng chẳng biết làm chi dù cho có xẩy ra chuyện gì đi nữa. Trận đánh tại Điện Biên Phủ làm giảm bớt đi những tiếng nổ trong những vùng lân cận người ta vẫn nghe thấy, nhưng chính vì thế đêm đêm cái tiếng yên lặng khác thường đó càng tăng thêm vẻ nặng nề, bất trắc.
Phiên chợ sớm mai vẫn náo nhiệt mỗi buổi sáng tại khu Chợ Đồng Xuân nhưng người ta đã nhận thấy hiện ra cái vẻ tạm bợ trên vẻ mặt đầy lo âu của những người dân quê gánh đồ ra chợ bán, tất tưởi xếp quang gánh đổ về các khu ngoại ô hoặc đi ngược ra phía Cầu Long Biên trở về Gia Lâm. Cái rét đến sớm hơn mọi năm có lẽ cũng báo hiệu một ngày chẳng lành sắp tới. Buổi hòa nhạc được tổ chức bất ngờ ở vườn hoa Chí Linh một sớm chủ nhật vẫn thu hút một số người đến nghe. Những tiếng hát, tiếng kèn tan loãng vào trong những vạt nắng trong suốt, vượt khỏi các tàn cây bay tuốt lên bầu trời cao vút, bầu trời giống như một nỗi hoang mang chung của người Hà Nội, giọng hát lanh lảnh của Kim Nga, uyên ương chia lìa theo gió sương, những viên sỏi ướt sương trên các lối đi, đang được ánh dương làm khô dần, bên cạnh những trái bàng chín vàng mới rụng hay đã khô trơ những sợi sơ màu nâu sậm, ngồi ở trên một chiếc ghế trong công viên lúc đó, có thể nhìn suốt qua các thân cây trồng trên các lối đi quanh hồ thấy màu sơn đỏ của Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn với những mảnh tường vôi trắng vừa được quét lại và những khóm lá xanh bóng, sáng choang dưới mặt trời, trông như vừa được rửa, xa hơn nữa là những cây liễu dương phơi những chùm lá vàng trong nắng bên cạnh nhà Thủy Tạ.
Phút chốc cả khu hồ sáng rực trong ánh nắng, những hơi sương mỏng manh tan biến mau chóng, màu vôi nám đen của Tháp Rùa hiện ra rõ ràng đến nỗi thoạt trông thấy người ta có cảm tưởng trông thấy cả những mảnh vôi khô cong bong ra khỏi tường, và mặt hồ trong xanh như một con mắt long lanh nước mắt, những ngấn nước chói ánh mặt trời giống như những đồng tiền mới, và bên kia hồ, những biệt thự, những ngôi nhà mái đỏ vừa mới đây còn khuất sau những đám sương chợt hiện ra rạng rỡ, những viên ngói đỏ tươi mà hơi sương đang dần dà bốc đi mỗi lúc như càng lấy thêm được màu son thắm, trên những lối đi quanh hồ, tiếng guốc reo vang như mang cùng một nhịp với những trái tim thiếu nữ, sớm chủ nhật nghỉ học, đi dạo phố, đi thăm bạn, đi lo những công việc nhỏ nhặt trong gia đình, những cặp tình nhân trời mới hừng nắng đã mỏi chân rủ nhau vào ngồi trên những chiếc ghế nhỏ trong mấy quán nước bên bờ hồ, trước những ly nước đá.
Nhìn sâu về phía sau công viên, nhà ngân hàng cao, xây bằng đá xám trông như một pháo đài kiên cố.
Đó là nơi Lan mỗi buổi sáng đi học đều đạp xe ngang qua, con đường sạch sẽ, rộng và quang đãng nhất thành phố, những ngày nghỉ học các cô nữ sinh thường dựa xe trên vỉa hè trèo lên những bực thấp đứng chụp hình, phơi nắng rồi từ đó, ríu rít đi tới nhà bác cổ, ra bờ sông, băng ngược lên nhà hát lớn thành phố, vào mùa sấu trổ bông, hoa sấu rơi lấm tấm trên mặt đường, hoa sấu nhỏ mầu trắng ngà pha lẫn mầu cẩm thạch, thơm mùi thơm của trái nhiều hơn hoa, cái mùi thơm rơn rớt chua vào mùa sấu chín, những trái sấu chín vàng biến dần sang màu đồng đỏ lốm đốm những vết thâm, đó là lúc tất cả hương hoa và chất chua đã biến thành chất ngọt và rụng trên mặt đường, các cô học trò đi qua có thể ngừng xe xuống nhặt bỏ vào trong cặp mang vào lớp học.
Những chiếc áo tím, những tiếng cười trong trẻo, của các thiếu nữ vui đùa với nhau dường như được cái êm ả của sớm mai, sớm mai mà cái lạnh đã làm cho không khí trong hơn, giọng cười như những mũi nhọn xuyên thẳng vào những quãng không mềm dịu, và sương mai cùng với mặt trời vừa tẩm lạnh vừa hơ khô, những tiếng cười dường đang biến thành những giọt ánh sáng bay loang lóng trên mặt bóng của các đám lá trên lưng chừng các hàng cây, và trong những cơn mê hoặc, những thời khắc lạ lùng mà chỉ sống ở Hà Nội người là mới thấy được, những phút mà sự đổi thay của mùa màng và thời tiết đã ảnh hưởng nặng nề đến cảm giác và thần trí, người ta bỗng tưởng như nghe thấy cả mùa Thu cười nói, lớn lên, nồng nàn, óng chuốt cái óng chuốt của những sợi lông măng trên những trái mơ, căng đầy thứ nước ngọt dưới lớp da mỏng của những trái nhót chín, trên những cây lúc lắc, những trái lúc lắc xanh đang bắt đầu cong lên và khô đen lại, nhưng màu đen phần lớn mới chỉ loang hết phân nửa trái, nửa kia vẫn còn giữ nguyên màu xanh, đó cũng là dấu hiệu mùa Thu chưa già, cái nắng rực rỡ mau chóng làm khô không khí, làm cho hơi thở nhẹ hơn, những tia nắng chiếu lọt qua đám lá sồi to bản bắt đầu loang trên các lối đi trong công viên, tiếng hắc tiêu nghe gắt hơn, và các khán giả ngồi nghe buổi hòa nhạc cuối cùng, đã cảm thấy hơi nắng thấm vào trong ngực đang dần dà làm cho ấm.
Lan nói:
- Cứ nghĩ đến lúc phải bỏ Hà Nội em thấy xấu hổ quá.
Quang hỏi:
- Sao vậy ?
Lan nói:
- Một thành phố như thế này...
- Nhưng ai nói với cô là sẽ phải bỏ?
- Không. Cứ tưởng tượng như thế.
- Cô có biết bản nhạc họ đang hòa tấu đó là bản gì không?
- Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước.
- Tại sao lại chơi nhạc Xuân giữa mùa Thu?
- Cho đỡ lạnh, chắc thế.
Lan nói và cười với Quang. Lan cười và Quang nhìn thấy những chiếc răng trắng nõn của nàng kề sát ngay bên má. Hai người nói chuyện thì thầm, vì sợ những người ngồi sát bên cạnh phiền lòng, thành thử dù nghe Lan nói Quang phải tảng lờ như chẳng nghe gì hết, vì cả hai phải làm bộ yên lặng lắng nghe nhạc, Quang không biết Lan có nghe được hết khúc nhạc chăng, nhưng riêng chàng chỉ nghe loáng thoáng từng đoạn nhỏ, Quang nghe rõ nhất những đoạn có tiếng hắc tiêu, hơi thở của Lan pha lẫn nắng làm ấm một bên mặt.
Quang bảo với Lan:
- Nghe hết bản nhạc này chúng ta đi về.
Lan ghé tai Quang bảo:
- Đi, chứ không về.
- Đi đâu, cô muốn đi đâu ?
- Đi chơi. Đi xin thẻ. Anh không nhớ hôm nọ mình đã định đến Quan Thánh xin thẻ à.
- Sao không xin ở Đền Ngọc Sơn.
- Không. Định xin ở đâu thì phải xin ở đó mới linh chứ.
- Thôi được, đâu cũng được.
Lan đề nghị:
- Hay là em xin ở Đền Quan Thánh anh xin ở Đền Ngọc Sơn. Như thế mình sẽ được cả hai thẻ, và sẽ không mất lòng ai cả.
Quang cười:
- Nhưng mà cô sợ mất lòng ai mới được chứ?
Lan đáp:
- Thì mất lòng thần thánh cũng là mất lòng.
Hai người lấy xe đạp để tựa vào nhau trên bãi cỏ đằng sau ghế ngồi, đạp ngược lên phía Hàng Đào.
Lan hỏi:
- Mình lên Đền Quan Thánh trước?
Quang không nói gì. Chàng yên lặng đạp xe bên cạnh Lan.
Ở Hà Nội các khu phố không xa nhau lắm, nên đi xe đạp trong thành phố là một cái thú. Nhất là về mùa Thu. Trời vẫn nắng đầy nhưng không còn nồng nực. Gió heo may đã thổi về là sẽ ở lại cho đến khi những trận gió lạnh của mùa Đông ào đến cuốn đi mất. Trừ những khu phố như Hàng Ngang, Hàng Đào hay Tràng Tiền, hầu hết các phố khác ở Hà Nội đều có bóng cây che hai bên lề đường. Và đi từ phố này sang phố khác là đi dưới những bóng mát và những xác lá rụng đầy đường, mặc dù những người phu lục lộ sáng nào cũng đã quét đường từ lúc trời còn sớm tinh mơ.
Xe qua Chợ Đông Xuân gặp lúc hai chiếc xe điện tránh nhau, các người đáp xe đổ xuống chợ, vào chợ, tiếng chuông xe điện, chuông xe đạp, kèn xe hơi, cùng một lúc khua lên rộn rã, và từ phía trong chợ tiếng ồn ào bay thoát ra các khe hở trên tường và trên cái nóc cao lợp tôn màu xám, nghe rào rào như tiếng của một tổ ong vĩ đại, các con ong cùng cất cánh bay lên đậu xuống, cái tiếng rào rào đó, người ta còn có thể nghe thấy khi đã ra tới ngõ Hàng Khoai, hay bon theo con đường xe điện lên phía Hàng Đậu.
Ngay đầu chợ phía bên ngoài là một quán cho thuê sách mà Quang là khách hàng quen thuộc khi còn đi học. Ngày đã đi làm rồi nhưng mỗi lúc đi qua tiệm sách này, Quang vẫn thấy nhớ những buổi sáng hay những buổi chiều mưa phùn, chàng đã đứng lân la chọn những buổi sáng hay những buổi chiều mưa phùn, chàng đã đứng lân la chọn những cuốn truyện để thuê, tên những cuốn truyện được ghi trong một cuốn vở học trò dầy cộm, đóng bằng giấy dầu, lựa xem cuốn nào chưa đọc hỏi thuê, chủ tiệm một người đàn ông đứng tuổi, xanh xao, bên cạnh bà vợ mập mạp dò tìm các hộc gỗ, đóng thành kệ xếp sách theo vần, tất cả các cuốn sách cho thuê cũng được chủ nhân bọc thêm một lần giấy dầu ra ngoài bìa, và cuốn nào dày dày một chút sẽ được san làm hai cuốn, các truyện kiếm hiệp thì nhiều hơn mươi mười lăm tập, thường thường các sách đã cho thuê hay được người thuê trả lại, đều được ghi chép rõ ràng trong sổ, nhưng cũng có khi chủ nhân chưa kịp ghi đã có người thuê tiếp, đó là những trường hợp người sau phải chờ đợi giây phút để hai vợ chồng chủ quán phải tìm kiếm loanh quanh trong các kệ trước khi trả lời cho biết là đã có người thuê rồi. Quang là khách hàng thân của quán sách đến nỗi, có khi chàng hỏi thuê một cuốn truyện nào đó, chủ nhân trả lời ngay rằng cuốn đó cậu đọc rồi. Quang đã quên hẳn việc đó, cứ cầm cuốn sách lên xem, và quả nhiên đó là cuốn chàng đã đọc rồi thật, chàng không hiểu làm thế nào hai vợ chồng người chủ quán có thể nhớ hết được các khách hàng như vậy. Hà Nội không thiếu gì những quán cho thuê truyện nhưng chính nhờ trí nhớ đặc biệt đó của hai vợ chồng người chủ quán ở cửa Chợ Đông Xuân, mà một số lớn học trò Hà Nội thích đến đấy thuê truyện.
Riêng Quang còn cảm thấy thích cái quán sách đó vì đứng ở đấy chàng có thể ngửi mùi vị của khu bán vàng hương và hoa trong chợ, cái mùi mà khi đến đầu Hàng Mã là người ta đã có thể ngửi thấy. Chính ngay ở Phố Hàng Mã vào những ngày rằm mồng một, những người thợ mã đã mang cả hàng ra lề đường trước cửa hàng mình để làm. Mùi hồ, giấy bản, mùi tre ngâm được chẻ mỏng làm khung cho các thoi vàng, phảng phất với mùi trầm hương lưu cửu bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu đời cha con đã tạo thành cái mùi vị đặc biệt của khu phố. Cũng vào những ngày rằm mồng một đó, những người bán hàng rong, quẩy những gánh hàng hoa đến ngả chiếc đòn gánh xuống ngồi lên trên bán hoa, những đóa hoa được hái rời ra, và khi có người mua hoa được gói chung trong các gói bằng lá chuối, những bông hoa tươi luôn luôn được rẩy nước để giữ vẹn vẻ thắm, hương của những đóa hoa đó, của những gánh hàng hoa đó, tẩm lẫn với mùi vàng mã, làm thành cái mùi ngất ngây thường thấy trong các đền miếu. Đứng ở cái quán sách đầu Chợ Đông Xuân, Quang thường bị cái mùi thơm đó huyễn hoặc, một nửa dường như nó muốn làm cho mê đi, một nửa nó gợi lại những kỷ niệm ngày còn bé được theo người lớn đi lễ chùa hat lễ đền. Đó cũng là điều Quang đã có lần mang ra hỏi Lan, đứng ở đây có ngửi thấy mùi gì lạ không. Lan nhăn nhăn cái mũi làm như đánh hơi xem có thấy gì chăng. Sau đó nàng cho rằng nếu đứng ở cổng chợ mà ngửi thì có trăm thứ bà rằn làm sao mà phân biệt được. Quang nói, vậy thì thôi. Lan hỏi, thôi sao được, anh đã hỏi thì anh phải nói cho em biết chứ. Quang cười, cùng đứng ở một nơi cô không thấy tôi nói ra sao được. Và Quang đã nhất định không chịu tiết lộ cho Lan biết cái mùi vị đặc biệt mà khứu giác chàng đã nhận thấy. Quang cũng ngại, bởi vì nếu chàng nói chàng ngửi thấy mùi hoa, nhưng Lan lại cho là nàng ngửi thấy mùi cá kể cũng kỳ.
Nhưng một buổi chiều, khi hai người có việc đi qua quán sách gặp cơn mưa, phải ghé vào trú mưa, nói là trú mưa nhưng thực ra quán hàng chỉ làm chìa ra ngoài một mái hiên rất nhỏ, đứng đó vẫn bị mưa hắt ướt nửa người tuy nhiên vẫn còn hơn đội mưa đi ngoài đường, lúc đó trời đã gần tối, khu chợ vắng vẻ một cách khác thường, Quang và Lan xây lưng ra đường cắm cúi coi những cuốn sách bầy ở trước mặt, lật những số truyện in từng kỳ 16 trang bán hai đồng, những tập truyện của Lý Ngọc Hưng, của Thanh Đình, Quang cũng bảo với Lan tiệm sách đó là thư viện bình dân đầy đủ nhất thành phố, và rằng Lan có thể tìm bất cứ cuốn gì của các tác giả thời danh bấy giờ đều có thể có được. Đó là điều Lan lấy làm thích thú. Nàng cũng bảo có nghe thấy nói đến truyện thuê truyện, nhưng không ngờ lại đủ cả các tiểu thuyết ở đấy. Quang cười bảo với Lan, nếu cô thuê về xem cô còn được đọc trong các truyện đó những lời phê bình thần sầu, quỷ khốc. Lan nói, anh thuê cho em một cuốn coi thử xem.
Đúng vào lúc đó trận mưa bỗng đổ xuống ào ào như thác lũ, hai người phải đứng nép mãi vào phía trong để tránh bị hắt, và chưa kịp nói với người chủ quán đưa cho cuốn sổ ghi những tên truyện. Trong một cơn gió tẩm đầy hơi nước thổi tạt, Lan bỗng bảo với Quang, ủa cái mùi gì lạ quá nhỉ. Cái mùi ấy Quang đã biết từ lâu, nhưng bây giờ Lan mới biết. Nhưng Quang vẫn giả vờ hỏi Lan, mùi gì cơ? Mùi hoa, anh không ngửi thấy à?
Trong cái lạnh lẽo của buổi chiều mưa ẩm, mùi thơm của hương hoa và nhang trầm dường như không thể bay xa được, và do đó trở nên nồng hơn, cuốn quýt trong những hạt bụi nước.
Lan nói:
- A, em nhớ ra rồi. Đây chính là cái mùi mà anh hỏi em hôm nọ phải không?
Quang cười bảo:
- Sao bữa đó cô nói không thấy.
Lan cũng cười tiếp:
- Thấy chứ. Nhưng nó lẫn lộn nhiều mùi khác, không rõ ràng như bữa nay. Mới lại...
- Mới lại sao?
- Em cứ ngỡ là mùi thơm mình ngửi thấy đi qua Hàng Mã còn sót lại.
- Cũng có thể chứ.
- Đúng đấy, rõ ràng là mùi thơm này ở chỗ Hàng Mã cũng có mà.
- Thì ở đó người ta cũng bán cùng một thứ với khu chợ này.
- Thế hả?
- Hổm nào chúng mình thứ vào hẳn phía trong xem.
- Sao không vào ngay bây giờ?
- Nhưng chợ sắp vãn rồi. Mình cũng còn phải đi nữa.
- Đã hết mưa đâu mà đi.
Lan nói thế nhưng hai người cũng dẹp ý định vào hẳn dẫy hàng hoa trong chợ để xem bữa đó, và phải chờ đến tuần sau mới làm được việc này. Hàng được bầy trên những kệ gỗ cao, dãy bán hoa thì được xếp trên những bục thấp hơn, và trên lối đi, những người bán hoa rẩy nước hoài đã làm cho ướt, bước đi trong dãy này giấy dính bùn láp nháp, khiến Lan xót đôi giầy mới của mình kêu ca mãi.
Nàng nói:
- Ở xa ngửi khoái hơn. Vào đây nhiều hoa quá thành thử muốn nhức đầu.
Quang bảo:
- Nhưng trông khoái mắt chứ. Cô không thấy những xấp vàng hương kia đẹp sao?
- Đẹp thì có đẹp nhưng khổ thân đôi giầy của em quá.
Bên cạnh những thẻ hương sơn son thiếp vàng, những xấp vàng lá, những thoi vàng hồ có gắn những miếng kính tròn, ánh sáng lóng lánh chiếu rọi từ mảnh gương tròn nhỏ đó làm sáng hẳn sạp hàng, cho nhìn thấy rõ hơn mặt mũi những người bán hàng.
Một cô gái, còn rất trẻ, bằng tuổi Lan, ngồi khuất trong góc một sạp hàng, nhìn Quang và Lan bằng đôi mắt tò mò, hai má cô đỏ hồng, càng đỏ hơn vì màu son của các bao hương và giấy mã ánh lên mặt.
Lan hỏi đùa Quang:
- Anh có muốn lễ bái gì không?
Quang nói:
- Giá có được vợ như cô ấy, chết khỏi làm ma đói.
Lan bảo:
- Nhưng lấy mà chưa chết thì sao?
- Thì cứ làm anh hàng mã cái đã. Nghề này cũng hay đấy chứ. Cô ấy được xông trầm hương suốt ngày thế kia ắt phải thơm lắm.
- Giá cô ấy nghe được thấy anh nói vậy nhỉ.
- Cô thử nhìn xem một người có một lúc hàng trăm chiếc gương quanh mình thế kia dù chẳng phải là người ưa làm đỏm cũng có thể trở nên đẹp, huống hồ...
- Huống hồ sao?
- Huống hồ người lại đẹp sẵn thế kia. Thật là ngàn vàng vây bọc.
- Này, coi chừng, toàn là vàng giấy cả đấy.
- Thì vàng nào chẳng là vàng. Nếu vàng của cô ấy chẳng tiêu được lúc này thì chết tiêu có đi đâu mà thiệt.
- Thật là chí tình, đến như thế mà anh chỉ dám nói với em có uổng đi không.
- Cô đừng lo, tôi cứ khấn khứa rồi cũng đến tai nàng mà.
Chính vào lúc hai anh em còn nói chuyện đùa cợt với nhau đó, cô hàng vàng bỗng dưng cũng nhận ra cái vẻ khác thường có người nói lén mình, mặc dầu hai người đã cố tình đóng kịch với nhau làm như không để ý gì đến nàng cả.
Song khi đứng lại trước cái quán đối diện với quầy hàng của nàng, Lan làm như tình cờ quay lại nhìn người con gái bắt gặp cái nhìn của cô ta nhìn lại mình Lan biết rằng cô đã biết đang bị hai kẻ đứng trước mặt nói lén.
Quang bảo với Lan:
- Thôi đi ra chứ.
Lan cười:
- Coi bộ thấu tai nàng thật rồi đó.
Quang vội vàng kéo Lan đi:
- Thì tôi đã bảo mà.
Lan lẳng lặng đi theo Quang và hai người đi vòng trở ra ngoài chợ.
Lan nói:
- Làm cái gì mà anh đi như bị ma đuổi thế.
Quang vẫn rảo bước, bảo:
- Tạnh mưa rồi.
Lúc đó chợ cũng bắt đầu vãn. Mọi người đã xếp dọn đồ đạc sửa soạn ra về. Nhiều quán hàng cửa đã đóng. Nhưng trong chợ cái tiếng reo hơi kỳ lạ vẫn còn nghe một cách rõ ràng. Tiếng reo hơi chứ không phải cái tiếng rì rầm của nhiều tiếng động nhỏ họp lại mà nhiều khi đi ở phía ngoài chợ, người ta cứ tưởng như vậy.
Những thanh âm nghe thấy vọng qua quãng đường vắng rộng trước mặt, từ phía trong chợ vắng tới sau lưng, tiếng bánh xe điện lăn trên đường sắt, tiếng nặng nề của những chiếc xe nhà binh chạy ào ào reo trên mặt đường ướt dính, cơn mưa làm cho bầu trời tối sẫm như rớt trong một cơn mê hoảng tất cả được cuốn bay, được cuộn tròn trong những cơn gió đã đủ lạnh để làm rởn gai ốc khắp người.
Quang hỏi Lan:
- Cô có lạnh không?
Lan ngửng lên bầu trời u ám, da mặt nàng thấm hơi nước trông dường xanh hơn. Lan cười một mình, nàng có vẻ nghĩ ngợi không muốn ra đường, nhưng những tiếng động, những hình bóng xe cộ, người đi lại vùn vụt trước mắt, những người đàn bà quang gánh trên vai, nón đội rùm hụp lần lũi đi mau về các ngã, tạo thành một sự thúc đẩy mơ hồ nhưng mạnh mẽ khiến không thể đứng yên, Lan còn có cảm tưởng như cái vẻ gấp gáp, rộn ràng, cái vẻ thoi thóp của buổi chiều dường đã nhận vào nhịp đập của tim làm cho bồi hồi.
Lan nói:
- Cũng hơi lạnh.
Quang bảo:
- Cô muốn đi xe về hay tiếp tục đi bộ.
Lan bước men theo mái hiên chợ lại phía quán sách. Quang cũng đi theo nàng.
Lan nói:
- Việc gì phải đi xe. Lội mưa một lúc cũng được chứ sao.
Họ dừng lại trước quán sách. Quán đã được thu dọn gần xong. Sách đã xếp trong các thùng bọc sắt đẩy xuống dưới gầm kệ, chỉ còn lại một ít trên xạp hàng. Hai vợ chồng người chủ quán đang tiếp tục xếp những cuốn sách cuối cùng đó vào trong chiếc thùng sắt còn lại.
Thấy Quang và Lan trở lại ông ta hỏi:
- Cậu chưa về sao?
Quang nói:
- Chúng tôi vừa vào trong chợ.
Người vợ bảo Lan:
- Cuốn sách cô vừa hỏi chúng tôi đã tìm thấy nhưng bỏ vào trong hòm khóa lại rồi. Nếu cô muốn mai trở lại lấy.
Lan cười bảo:
- Được mà. Mai nếu rảnh chúng tôi sẽ quay lại.
Trời mưa loáng thoáng thế mà dai dẳng không chịu dứt.
Mưa như vậy chưa biết bao giờ mới tạnh, đứng đợi sốt ruột, đi không tránh được ướt, thành thử hai người cứ chần chờ mãi chưa bước xuống đường.
Sau cùng Quang bảo với Lan:
- Mưa thế này chắc không đi bộ được đâu. Chờ chuyến xe điện tới mình leo lên đi cho rồi.
Lan lại ngửa mặt ngó trời bảo:
- Tùy anh.
Vừa nói hai người đã nghe thấy tiếng chuông leng keng của chuyến xe từ phía Hàng Đậu chạy lại.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Mây vẫn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì

(chấm dứt chương 1, quí vị có thể vào để đọc toàn truyện
Áo Mơ Phai - Nguyễn Đình Toàn - Truyện Dài - Vietnamese Ebooks EPUB PDF (vietmessenger.com)



 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top