• Trúc Giang MN
Chuyện tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn
và ai là tác giả của những bài thơ TTKh
Mở bài
Phong trào thơ mới ra đời sau năm 1930, thi sĩ không còn bị gò bó trong những nguyên tắc phức tạp của thơ Đường, thi sĩ tự do diễn đạt cảm nghĩ và cảm xúc của mình.Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời trong những năm đầu của phong trào thơ mới. Với nghệ thuật diễn đạt truyền cảm, nội dung đượm nét u buồn của một mối tình dang dở, tác giả TTKH đã cuốn hút giới yêu thơ, và ai là người sáng tác những bài thơ TTKH? Nhiều suy đoán khiến cho Hai Sắc Hoa Ti Gôn và TTKH trở thành một huyền thoại.
TTKH đã chìm trong bí ẩn một thời gian rất dài.
Hoa ti gôn, Antigone fleur, do người Pháp mang qua Việt Nam, trồng ở những biệt thự của họ. Hoa thuộc loại dây leo màu trắng và màu hồng, người Miền Nam gọi là bông nho.
Câu chuyện mở đầu
Câu chuyện mở đầu. Chuyện ngắn “Hoa Ti Gôn” của tác giả Thanh Châu được đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 174, xuất bản tại Hà Nội ngày 27-9-1937. Nội dung chuyện ngắn Hoa Ti Gôn kể lại mối tình buồn của một họa sĩ. Họa sĩ Lê Chất.Họa sĩ nầy thường đạp xe đi tìm cảnh đẹp, tình cờ thấy một thiếu nữ với sắc đẹp quyến rũ đứng dưới giàn hoa ti gôn trước nhà. Lê Chất mải mê đứng nhìn người đẹp. Khi sắp bước vào nhà, thiếu nữ phát hiện có người nhìn mình.
Từ đó, ngày nào họa sĩ cũng đạp xe đến biệt thự cũ, nhìn giàn hoa, tìm hình bóng của thiếu nữ đã in sâu vào tâm trí ông.
Lê Chất đã được gặp nàng vài lần thôi. Thế rồi ngôi nhà vắng bóng mỹ nhân, nhưng hình bóng cũ vẫn không phai mờ trong lòng chàng họa sĩ. Một thời gian sau, Lê Chất nổi tiếng, tranh vẽ được ưa chuộng và bán giá cao họa sĩ trở nên giàu có, một hôm, trong một bữa tiệc, tình cờ gặp lại người đẹp dưới giàn hoa ti gôn năm xưa. Người đẹp dưới hoa cho biết tên là Mai Hạnh, chồng là một người có quyền thế và giàu có.
Những ngày sau đó, mối tình lãng mạn đã đến. Mai Hạnh thường đến thăm người họa sĩ. Họ dự định bỏ trốn đi xa, nhưng lại sợ dư luận khinh bỉ, tiếng đời mỉa mai, tiêu đời họa sĩ, nên không thành.
Chuyện tình dang dở dưới giàn hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu truyền cảm hứng để bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời.
Ít lâu sau, bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 179 ngày 30-10-1937. Tác giả là TTKh.
Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn của tác giả TTKh
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hônNhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh long
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi.
Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường
Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha.
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi.
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng
(TTKH)
Thương cảm một cuộc tình dang dở
Giới văn nghệ sĩ thương cảm mối tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn
Ngay khi bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn ra đời, giới nghệ sĩ xôn xao, vừa ngậm ngùi thương cảm cho một cuộc tình dang dở, vừa xót xa cho hoàn cảnh bi đát của người thiếu nữ mà tâm tình không có nơi nương tựa. Đã mất người yêu, mất mối tình đầu đời và mất tình yêu của người chồng. Cô đơn quá:Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
*
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
*
Thi sĩ Jean Leiba (Lê Văn Bái) có những câu thơ đề tặng TTKh:
Anh chép bài thơ tự trái tim
Của người phụ nữ lỡ làng duyên
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ
Yên ủi anh và để tặng em.
(J. Leiba)
Thi sĩ Nguyễn Bính viết bài thơ Dòng Dư Lệ để tặng TTKH
Mở đầu:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Rỏ xuống thành thơ khóc chúc duyên.
Chuyện tình Hai Sắc Hoa Ti Gôn được nhạc sĩ Trần Trịnh phổ nhạc năm 1958, do Hoàng Oanh ngâm thơ và hát, làm não lòng người nghe.
Trần Thiện Thanh soạn nhạc, soạn giả Viễn Châu soạn lời ca vọng cổ, do Bạch Tuyết Hùng Cường trình diễn.
Nhạc sĩ Song Ngọc có bài “Nếu biết tôi lấy chồng”
Bản nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng tựa đề “Dĩ vãng một loài hoa” là hay nhất.
Câu chuyện cũng được dịch ra tiếng Pháp, đăng trên báo Pháp với tựa đề Deux Couleurs de Antigone Fleur, cũng gây xôn xao trong giới sinh viên Việt Nam du học thời đó.
Chuyện Hai Sắc Hoa Ti Gôn cũng là đề tài để người viết chuyện. Sau đây là chuyện khôi hài, bài “Hoa Ti-gôn hai sắc”
Hoa ti-gôn hai sắc
Người ấy thường hay dụ dỗ tôi
Bảo rằng chăn gối phải có đôi
Thuyền anh chỉ có mình em biết
Sào nhổ đi rồi, ôi hỡi ôi .... !! :-))
Người ấy thường hay liếc ngó tôi
Áo cài một nút núi đồi phơi
Ống voi, lưng xệ model mới
Người ấy thường hay ngơ ngẩn ngồi ... :"))
Nếu biết rằng anh Ngựa Hoang rồi
Em dzìa lấy rạ thả trôi sông
Nhử mồi anh đến cho em cỡi
Hổng mát lòng thì cũng ......chạy rông... !!!!!
Tác giả. Mây Lang Thang
Nổi đau khổ của người thiếu nữ với mối tình dang dở
Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Mùa thu được văn nghệ sĩ dùng để tả nổi buồn. Mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh lẽo, mùa thu mát dịu, lá vàng rơi…là nguồn cảm hứng của văn, thi, nhạc sĩ.
Mùa thu là thời gian cảnh vật chuyển mình, lá hoa héo úa, lá vàng rơi. “Từ đấy thu rồi, thu lại thu. Lòng tôi còn giá đến bao giờ”. Do chu kỳ thời gian, thu đến rồi thu đi, hết năm nầy qua năm khác, tấm lòng băng giá của người phụ nữ biết đến bao giờ mới chấm dứt đây?. “Lòng tôi băng giá đến bao giờ”?.
Niềm đau được nhà thơ Xuân Diệu vẽ bằng một bức tranh buồn bã, ảm đạm vô cùng.
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”.
(Đây mùa thu tới của Xuân Diệu)
Không gì đau đớn cho bằng vợ bị người chồng hất hủi.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
*
“Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hởi làm sao lạnh rất nhiều”
(Bài Thơ Thứ Nhất-TTKH)
Câu chuyện tình của TTKh
Gặp nhau
Sau hơn 30 năm chìm trong vòng bí mật, năm 1970, nhà văn Nguyễn Vỹ tiết lộ, Thâm Tâm là bút hiệu của Nguyễn Tuấn Trình. Thâm Tâm làm thơ, Nguyễn Tuấn Trình làm nghề vẽ.Nhà văn Nguyễn Vỹ là bạn của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, kể lại:
“Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình là một thanh niên đẹp trai, y phục lúc nào cũng bảnh bao, có phong độ hào hoa, lịch thiệp.
Một đêm, cả hai chúng tôi ở nhà trọ, nhậu ngà ngà say, Tuấn Trình kể lại cuộc tình của anh với cô Khánh.
Trần Thị Khánh là học trò lớp nhất trường tiểu học Sinh Từ, thi rớt vào trung học nên ở nhà giúp mẹ làm nội trợ. Nhà cô Khánh ở đường Sinh Từ, sát bên cạnh vườn Thanh Giám, nơi thờ Khổng Tử.
Vườn Thanh Giám
Trong nhiều bài viết, có tác giả cho rằng Vườn Thanh là Thanh Hóa, điều đó không đúng.Thanh Giám là một thắng cảnh của Hà Nội, được xây từ thời nhà Lý, Vườn hình chữ nhật, tường bao quanh bằng đá ong, cao hai mét.
Đền thờ ở trong cùng, trước đền có Hồ Tròn, bên cạnh hồ có hai bia đá ghi tên tiến sĩ đời nhà Lê. Trong vườn có cây cổ thụ và nhiều cây kiểng, là nơi yên tĩnh, mát mẻ cũng là nơi các cặp trai gái hẹn hò, tâm sự.
Nhiều bầy quạ tối nào cũng bay về ngủ cho nên người Pháp đặt tên là Chùa Quạ (Pagode des Corbeax). Tên chính thức là Đền Khổng Tử (Temple de Confucius).
Nguyễn Tuấn Trình thường đến thăm người cô nhà ở sát Chợ Hôm, ông thấy sáng nào cô Khánh cũng đi chợ ngang qua nhà người cô. Khánh là một thiếu nữ rất đẹp, gây ấn tượng trong tâm trí Tuấn Trình.
Vào khoảng tháng 2 năm 1936. Tuấn Trình 19 tuổi, cô Khánh 17 tuổi. Sau vài tháng theo dõi và tìm cơ hội làm quen, Tuấn Trình gặp mặt và làm quen được với cô Khánh. Lúc đó Tuấn Trình vẽ và viết bài cho tờ báo Bắc Hà, ông gởi báo tặng cô Khánh. Người thiếu nữ 17 tuổi cảm mến người nghệ sĩ tài hoa. Tình yêu chớm nở khi những cành ti gôn trước sân nhà cô Khánh hé nụ.
Lúc đó, Tuấn Trình lấy bút hiệu là Thâm Tâm, làm những bài thơ tỏ tình gởi tặng cô Khánh, nhưng cô gái 17 tuổi dè dặt, theo lễ giáo gia đình nên không ngỏ lời đáp ứng tình yêu tha thiết của Tuấn Trình.
Trong khi những cặp tình nhân trẻ dắt nhau đi du ngoạn những cảnh đẹp hữu tình của Hà Nội, thì Trần Thị Khánh vẫn từ chối lời mời đến nơi hẹn của Thâm Tâm, cô thường nói: “Thầy mẹ em nghiêm lắm. Gia đình em nghiêm lắm”. Cô thường lập đi lập lại câu đó.
Chỉ có hai lần Khánh đến nơi hẹn nhưng không lâu.
Lần thứ nhất. Một đêm trăng ở vườn Thanh Giám, đôi trai gái gặp nhau nhưng cả hai không nói được nhiều. Khánh run sợ. Tuấn Trình bối rối. Tất cả những lời lẽ bay bướm đã sắp sẵn, lúc đó quên hết.
“Thầy mẹ em nghiêm lắm” rồi Khánh chạy về nhà.
Lần thứ hai. Cũng tại vườn Thanh Giám, thái độ của Khánh lạ lùng, khó hiểu, rồi cô buồn bã hỏi: “Anh định bao giờ đến xin thầy mẹ em, cho chúng mình?”.
Chàng thi sĩ bối rối trước câu hỏi bất ngờ, đáp: “Anh chưa nghĩ đến chuyện ấy”.
Có lẽ Tuấn Trình cảm thấy mình chưa đủ điều kiện để được gia đình nhà gái chấp nhận, hoặc chưa đủ điều kiện để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Chỉ vì nghèo.
Hai bên còn viết thơ qua lại với nhau, cho đến một ngày…Tuấn Trình biết được người tình lên xe hoa.
Người tình lên xe hoa
Tuấn Trình biết được chồng của Khánh là một nhà buôn giàu có ở phố Hàng Ngang, 39 tuổi, đẹp trai, góa vợ, không con. Tiệc cưới rất linh đình, rước dâu bằng 10 chiếc xe citroen mới toanh. Cô dâu đeo nữ trang rực rỡ, mặc chiếc áo màu đỏ tươi, lộng lẫy ngồi bên người chồng mặc áo gấm xanh.
Trái với dự doán, Khánh rất hạnh phúc với chồng.
Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình buồn vì mối tình dang dở, mất người yêu, vì thân phận nghệ sĩ nghèo, Tuấn Trình thức suốt đêm làm bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn, ký tên TTKh.
Để giữ bí mật, ông nhờ cô em họ chép lại bài thơ bằng mực tím, nét chữ con gái, bỏ vào bao thơ, dán kín và đem tới tòa soạn tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy.
Theo ông Nguyễn Vỹ thì cô Khánh không biết làm thơ cho nên tất cả những bài thơ tác giả TTKh là do Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình là tác giả.
Huyền thoại. Hai Sắc Hoa Ti Gôn sở dĩ nổi tiếng của thi ca thời đó là do những nhà thơ phụ họa, và được quần chúng yêu thơ phổ biến rộng rãi.
Vài nét tổng quát về Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình
Tiểu sử Nguyễn Tuấn TrìnhNguyễn Tuấn Trình sanh ngày 12-5-1917 tại Hải Dương. Mất ngày 18-8-1950 tại Cao Bằng (33 tuổi). Ông thuộc gia đình nhà giáo nghèo, đông con, 7 anh chị em.
Học hết tiểu học, ông ở nhà phụ giúp gia đình, đóng sách và nấu bánh kẹo. Khoảng 1936, ông cùng gia đình lên Hà Nội. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phải kiếm sống bằng làm đồ gốm, vẽ tranh ở Bờ Hồ, rồi viết bài đăng báo và làm thơ. Bài của ông được đăng tải trên các báo: Ngày Nay, tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, báo Bắc Hà…
Năm 1946, ông tham gia kháng chiến, nhập ngũ và làm Tổng thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân. (sau là Báo Quân đội Nhân dân). Ngày 18-8-1950, trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên Giới, ông mất sau một cơn bịnh đột ngột. Các đồng chí và người dân mai táng ông ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.
Vợ ông là bà Phạm Thị An (1920-2005- 85 tuổi). Ông có một con trai duy nhất tên Nguyễn Tuấn Khoa.
Vì sao Tâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình giữ bí mật về TTKh?
Có ý kiến cho rằng sở dĩ Nguyễn Tuấn Trình không cho biết sự thật về mối tình với TTKh, là do ông sợ bị bạn bè chê cười và chế giễu vì là người bị người tình đá. Nhưng theo tôi nghĩ thì có hai lý do để Nguyễn Tuấn Trình giữ bí mật chuyện tình và tác giả TTKh.Trước hết, Nguyễn Tuấn Trình muốn giữ hạnh phúc gia đình của người thiếu nữ mà anh yêu, nói ra cũng chẳng có ích lợi gì, chẳng thay đổi được gì. Ván đã đóng thuyền rồi.
Kế đó, cần giữ bí mật để mọi người thương cảm cho người thiếu nữ với mối tình dang dở, đau khổ vì mất người yêu và mất hạnh phúc gia đình.
Người ta thương mến hoàn cảnh của người thiếu nữ, nhưng nếu người phụ nữ đó trở thành nhà thơ đàn ông với bút hiệu Thâm Tâm thì người ta chỉ khen nhà thơ có những bài thơ hay mà thôi. Không có huyền thoại.
Hơn nữa, năm 1946, Tuấn Trình tham gia kháng chiến, giữ chức vụ Tổng thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân. Trong hàng ngũ Việt Minh
thì những bài thơ ủy mị đó không mang quan điểm lập trường đấu tranh giai cấp vô sản, mà nó chỉ là sản phẩm của tiểu tư sản cho nên không còn lưu luyến với những bài thơ trong quá khứ.
Những bài thơ ghi tác giả là TTKh
“Bài Thơ Thứ Nhất” Tiểu Thuyết Thứ Bảy (20-11-1937)
“Đan Áo Cho Chồng” đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm
“Bài Thơ Cuối Cùng” Tiểu Thuyết Thứ Bảy (23-7-1938)
Những bài thơ tác giả Thâm Tâm
Gởi Cho T.T.Kh (Thâm Tâm)
Màu Máu Ti Gôn (Thâm Tâm)
Dang Dở (Thâm Tâm)
Kết luận
Bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn nổi tiếng và trở thành huyền thoại do những bí ẩn bao trùm suốt 30 năm.
Những bài thơ ký tên TTKh xuất hiện rồi biến mất, để lại trong lòng người yêu thơ những câu hỏi mà chưa có câu trả lời trong suốt một thời gian dài.
Chuyện tình người thiếu nữ đau khổ vì mất tất cả, mất mối tình đầu, mất người yêu đầu đời, mất hạnh phúc gia đình vì bị người chồng hất hủi khiến cho người yêu thơ xúc động và thương cảm.
Các nhạc sĩ: Trần Trịnh, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Song Ngọc phổ nhạc bài thơ.
Năm 1970, nhà văn Nguyễn Vỹ tiết lộ: TT là Thâm Tâm, bút hiệu của Nguyễn Tuấn Trình. Kh là người yêu Trần Thị Khánh.
Trên thực tế, Trần Thị Khánh sống rất hạnh phúc với người chồng giàu có.
Trần Thị Khánh không biết là thơ cho nên những bài thơ ký tên TTKh đều do Nguyễn Tuấn Trình là tác giả.
Trúc Giang