Truyện Ngắn Phùng Nhân: Chị Tôi

Truyện Ngắn Phùng Nhân




Chị Hai tôi là chị lớn con đầu lòng, nên cha má tôi rất nhờ khi chị mới bắt đầu ở tuổi 15, với lứa tuổi đó mà chị làm lụng cần cù như người đã lớn. Ngoài đức hạnh của một người con gái ra, chị còn gỉỏi giang về mọi mặt. Tới mùa cấy, thì chị rất siêng năng. Tới mùa lúa, thì chị lo gặt hái suốt mấy tháng ở ngoài đồng. Khi nào rảnh rang thì chị đi thụt cá kèo, lịch, cua, cá lúc nào trong nhà cũng ăn không hết. Má tôi lâu lâu cũng có bưng ra chợ Ngoài bán để kiếm tiền về chi dụng trong nhà.

Nhưng chính cái siêng năng giỏi dắn đó, mà chị tôi phải đi lấy chồng sớm khi tuổi mới 18 chưa biết được mùi vị tình yêu. Ngày xưa; cách nay chừng sáu - bảy chục năm ông bà cha mẹ của mình dựng vợ gả chồng cho con. Họ thường cậy nhờ người mai mối, khi thấy trong làng, trong xóm hoặc ở xa cách làng có đứa con gái nào hiền hậu giỏi giang, thì họ nhờ một người bà con, hay một người quen có uy tín, rồi bắn tiếng để xin một ngày coi mắt…

Thế là chi Hai tôi được ông Bộ Muôn nhà cũng ở gần đó cách 2 con giồng, đi lại nói với cha má tôi để cho người tới “coi mắt”. Người ta mà ông Bộ Muôn nói sau nầy là anh rể của tôi tên là Trần Văn Hiệp ở dưới xã Giồng Kiến, cách làng Lộc Thuận của tôi cũng một đổi đường. Nếu đi băng ngang qua cánh đồng, thì đừờng xa chỉ chừng hơn 3 cây số. Nhưng phải lội qua con rạch Chà Đò, kinh Thôn Tựu rồi mới tới triền giồng. Đó là một cuộc đất nằm cheo leo trên con giồng đất cát, từ nơi lộ đá chạy ra tới ngoài sông Ba Lai. Hằng đêm có tiếng sóng bổ gành, từ nơi cửa biển vọng về trong những đêm khuya làm cho trẻ con sợ hãi…

Ngày chị Hai tôi bị người ta coi mắt. Cha má tôi cũng có mời bà con nội ngoại tới uống nước trà, sau đó để nhận dạng “thằng nhỏ” đó luôn. Tội nghiệp cho chị tôi, trước đó hai ngày cha má tôi bắt phải ở nhà lo tắm gội nước tro mắm cho sạch sẽ (tro được đốt bằng cây mắm), rồi xức dầu dừa cho mái tóc mượt mà. Thay vào cái áo bà ba, với cái quần lảnh sa teng bóng láng. Đó là tất cả gia tài của một đời người con gái, mà chị tôi đã chịu cực dãi gió dầm sương mới mua sắm được bộ đồ nầy. Hôm nay là ngày trọng đại, nên chị phải mặc vào cho nó tươm tất để người ta coi. Chớ còn ngày thường thì chị cất ở trong giường hộc, có bộc thêm mấy viên lông nảo xông hơi để phòng ngừa con dán cắn.

Ngày họ đàng trai đến coi mắt chị tôi. Tôi cũng có mặt ở nhà, vì hôm đó là ngày chủ nhựt. Tôi thấy anh chàng thanh niên nầy gương mặt hơi khờ, mái tóc dợn oăn, tướng tá to con và khỏe mạnh. Chị tôi thì lo đi sút bình trà nấu nước, sau đó thì ngồi trên bộ ván gõ nhà sau. Mọi cử chỉ của chị rất vụng về của thời con gái. Thời khắc quan trọng đã đến. Cha tôi cất tiếng gọi vào trong:
- Con Hai đâu rồi. Bưng nước ra đãi khách…
Chị tôi rón rén tay xách bình trà, mà chưn bước đi lính quýnh. Cặp mắt ngó ngay về phía trước mà không dám nhìn ai. Không biết chị tôi có dám lén nhìn “người ta” đang coi mắt mình, hay là chị chỉ cúi đầu chào rồi quay trở xuống.

Bên phía đàng trai ngồi nói chuyện về đồng áng mùa màng đâu chừng một giờ thì xin phép ra về. Trong suốt khoảng thời gian đó, thì chị tôi đi lên châm nước đúng 3 lần, mỗi khi chị bước lên, dường như bên họ nhà trai nhìn chị, như nhìn một món hàng để trả giá sắp mua. Người ta muốn tìm và khám phá ở trong đó, coi có chỗ nào tì vết…
 Không biết người anh rể của tôi sau nầy, có xem kỹ hình tướng của chị tôi không, mà tôi chỉ thấy anh ta đứng nép bên ông Bộ Muôn tỏ ra thẹn thùng mắc cở. Một người thanh niên thời đó đi cưới vợ cho mình, nhưng lại bị gia đình mai mối định đoạt hết trơn, nên vai tuồng của ông mai thật vô cùng quan trọng. Sau mấy ngày đêm cha má tôi bàn tính, rồi vào một đêm vừa đỏ đèn một chút. Cha má tôi kêu chị lại hỏi:
- Cha má thấy chỗ đó cũng được. Thằng đó là con ông Cả Nhiều ở dưới xã Giồng Kiến, gia đình người ta tử tế lo làm ăn, con cái chỉ biết giữ trâu và làm ruộng, chớ không có bạc bài sau nầy chắc cửa nhà của con êm ấm. Cha má định gả con, để có chỗ có nơi yên phận cho rồi…
Chị tôi không nói không rằng, mà chỉ đứng làm thinh. Thấy vậy cha tôi bắt mạch:
- Như vậy là mầy chịu rồi phải hôn? Tao gả…
Chị tôi ngước lên nói:
- Phận làm con. Cha má sở sanh thì có quyền sở định…

Cha má tôi vội mỉm miệng cười. Vì biết đó là một câu nói đầu môi. Chớ trong bụng thì đã chịu. Ngọn đèn dầu toả ánh sáng leo lét quanh nhà, má tôi lại thở ra, dường như bà đang lo cho đời con gái. Mười hai bến nước, biết bến nào đục, bến nào trong để mà gởi phận…
Chị Hai tôi lo đi nhanh xuống nhà dưới, ra nhà sau lo đóng cửa chuồng gà, thăm lại mấy con heo, coi tụi nó có nằm ngũ hay phá chuồng, đó cũng là một việc làm của chị trước khi đi ngũ. Còn tôi thì lo học bài, những bài luận văn, những bài toán tôi giải trong đêm khuya dưới ngọn đèn dầu khi mờ khi tỏ. Từng con muỗi cắn hút no máu mà tôi không hay, đến sáng đi học mới nhìn thấy hai ống chưn nổi đầy mụn đỏ.

Khoản một năm sau Cha Má tôi tổ chức đám cưới cho hai người. Trong thời gian chờ đợi nầy, người anh rể của tôi thỉnh thoảng cũng có đi lên “làm rể”. Anh ta mỗi lần lên, thì xách theo vài kí khoai lang, hoặc tới mùa vỡ vồng khoai lang, thì xách lên chừng nửa bịt đệm dế cơm rất mập, nhứt là mấy con dế mái ngoài cục mỡ trắng phau, nó còn có cái bụng mập lù bò đi không nổi. Mấy khi đó thì chúng tôi xúm lại ngồi lặt đầu, món dế cơm nầy chấy với mỡ hành ăn từ ngày đó đến nay mà tôi còn nhớ. Bây giờ những con dế đó đã bị tuyệt chủng mất rồi, khi con người sanh sản dân số quá đông. Những loài động vật, bò sát năm xưa cũng lần lần biến mất…

Bên nhà chồng của chị tôi, nghe nói làm ruộng thì nhiều, nhưng bà mẹ chồng rất là khắc nghiệt. Chị tôi phải đi làm quần quật suốt ngày, còn chồng của chị tôi thì quanh năm lo giữ trâu cày ruộng và nuôi vịt tàu đẻ bán trứng. Cơ nghiệp bên ngoài nhìn thì thấy giàu sang, nhưng bên trong cuộc sống cực khổ không cơ man nào kể xiết. Quanh năm suốt tháng không biết đi chợ búa là gì, chỉ biết tới mùa cá rọt đìa tát cạn bắt cá sặc, cá rô, cá lóc cửng, cá thác lác làm mắm tới mấy lu, nên tới bữa cơm thường ăn mắm chưn chấm đọt lang, hoặc ăn mắm sống nhai với ớt sừng trâu chín vừa quáp quáp.  Suốt lứa tuổi thanh xuân của hai người, không biết có khi nào mơ mộng đến một chốn thiên đường hạnh phúc gì hôn, hay ban ngày thì lo làm ruộng ngoài đồng, tối đến thì mê mệt ngủ say như chết.

Tôi nhớ sau đó chừng vài năm, thì chị tôi mang bầu sanh một đứa con trai đầu lồng khỏe mạnh đặt tên Trần Văn Trung. Rồi tới năm 1960 tỉnh Bến Tre nổi dậy, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra đời. Anh Hai tôi là Trần Văn Hiệp không biết bị ai móc nối tuyên truyền, mà anh đành đoạn bỏ nhà “thoát ly” ra rừng chiến đấu. Khi đó chị tôi đang mang bầu, sau nầy sanh đứa con gái đặt tên Trần Thu Hà.
Dòng đời cứ chảy xiết ngang phận người cơ cực. Chị tôi vẫn làm dâu, vẫn nuôi con cho tròn bổn phận. Lâu lâu chị tôi được người ta móc nối với đường dây “giao liên” dẫn đi ra rừng để gặp mặt chồng được vài hôm, thì chị tôi lại mang bầu nữa. Khi sanh thằng bé ra, tôi đặt tên là Trần Vương Vũ. Chắc lúc đó tôi mê phim kiếm hiệp Hồng Kông, nên đặt tên thằng cháu theo những gì mình ưa thích.

Chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt. Anh rể tôi đã tử trận ở huyện Tân Phú Bến Tre năm 1969. Thế là từ đó chị tôi đã trở thành góa bụa. Rồi chiến tranh kết thúc vào ngày 30-4-1975, ba đứa con của chị tôi đã lớn. Tụi nó đã trưởng thành, đứa nào cũng có vợ, có chồng để lập thân. Trong khoản thời gian tranh tối tranh sáng của những năm đầu mới “giải phóng” đất nước. Dân chúng miền Nam phải nhịn đói đi làm, về phần tôi sau một thời gian chịu đựng cũng tính kế vượt biên. Thế là chị Hai tôi dặn. Chừng nào cậu có đi, cho tôi gởi hai vợ chồng thằng Trung đi với. Tôi nhìn chị nói đùa:
- Cha đi làm cách mạng. Con đi bám gót giày Mỹ Ngụy để kiếm ăn. Chị không sợ anh Hai hiện hồn về bẽ cổ hả?
Chị tôi cười hiền rồi nói:
- Ổng mà có linh thiêng, còn phù hộ cho Cậu nữa…
Tôi hỏi lại:
- Trong nhà của chị bây giờ đang treo tấm bằng Liệt Sĩ phải không?
Chị tôi cãi lại:
- Chị treo cái đó là để yên thân. Chớ ngày đêm chị cứ mong cho cậu tìm đường vượt biển, để cho chị gởi gấm nó đi theo. Còn thằng Vũ với Thu Hà ở lại đây rồi từ từ mới tính…
                                                       ***

Mới đó mà tôi đã định cư trên đất nước Úc Châu nầy hơn 30 năm rồi, còn hai vợ chồng thằng Trung thì định cư bên nước Mỹ. Vì nhờ có lý lịch của ông già vợ là Thượng Sĩ già của quân đội Việt Nam Cộng Hoà Miền Nam. Không biết hai ông sui gia nầy, một ông là phía quốc gia, còn ông kia là Việt Cộng Giải Phóng Miền Nam, khi hai người gặp nhau nơi chính suối. Họ có nói chuyện với nhau hay vẫn thù hằn. Đó là tình cảnh khó xử cho dân tộc Việt Nam, khi trong cùng một gia đình mà chia hai chiến tuyến…
Rồi thằng Trần Vương Vũ cũng tìm cách đi định cư bên nước Anh, do một ông Linh Mục bà con chú bác bên nhà vợ đứng ra bão lãnh. Thế là người anh rể của tôi phải ngồi làm sui gia với hai kẻ cựu thù nơi âm phủ. Những đứa con của anh chị tôi mỗi lúc tụi nó được trưởng thành. Cách nay 7 năm. Tôi có hẹn với thằng Trung về Việt Nam một chuyến. Trước là thăm gia đình nội ngoại. Sau là bao xe đi qua huyện Tân Phú Bến Tre thăm mộ anh rể tôi luôn.

Một Nghỉa Trang lạnh lùng với nhiều dãy mộ nằm im phăng phắc. Từng bó nhang được đốt cháy đỏ rực cấm xuống trước đầu. Tôi hỏi:
- Chị có định bốc mộ anh Hai về chôn nơi nguyên quán không?
Chị tôi chậm nước mắt trả lời:
- Chị đã đi xin nhiều lần. Nhưng ở Huyện Tân Phú người ta không cho…
Tôi nói tiếp:
- Nếu họ không cho, thì mình lén bốc. Thời buổi nầy chỉ cần cho người xếp (chef) ở Nghỉa Trang nầy vài trăm đô Mỹ, thì họ sẽ làm lơ thôi.
Chị tôi phân trần:
- Không dễ đâu Cậu. Rồi về tới địa phương, mình còn phải xây mồ, rước thầy cúng quảy cầu siêu. Tới chừng đó nếu họ làm khó không cho thì biết làm sao!

Nói ra được mấy lời như vậy, thì chị tôi rơi nước mắt. Tôi vổ vai chị nói:
- Cái mà em muốn nói. Đó là mai mốt chị tới tuổi già thì phải làm sao. Không lẽ anh Hai nằm đây, còn chị thì nằm bên làng Lộc Thuận. Chị phải đi xuống huyện Bình Đại khiếu nại với họ. Một là cho chị bốc cốt đem về. Nếu không thì khi chị chết, cho chị qua nằm ở đây gần ảnh mới tròn đạo lý chớ làm người chớ…
Câu chuyện kết thúc ở đó, khi ánh nắng mặt trời nung lửa trên đầu. Phải nói huyện Tân Phú ngày xưa là một vùng giải phóng, còn hôm nay thì vườn tượt cây trái xum xê. Trên đường về tôi biểu người tài xế chạy đi lại tiệm cơm Chí Thành Mỹ Tho ăn luôn thể. Một bữa cơm cũng không sang trọng, chỉ có 3 món đủ dùng. Nhưng dường như chị tôi luôn ăn dè sẽn theo một cái thói quen, mà ngày xưa khi còn làm dâu chị tôi ăn cơm không dám gắp. Nhìn cảnh đó tôi lại lắc đầu, và gắp từng cục cua bỏ vào chén cho chị ăn. Nhưng chị không ăn, rồi nhường lại nói:
- Cậu với thằng Trung hai Cậu cháu lo ăn đi. Chị bây giờ răng cỏ đâu còn, mấy thứ nầy làm sao nhai cho được…

Đó là một câu nói rất thật lòng của một người mẹ goá bụa nuôi nổi ba đứa con. Hôm nay đã trên 80 tuổi rồi thì làm gì còn răng nữa. Tôi nhìn chị tôi, rồi nhớ tới còn biết bao nhiêu bà mẹ khác, suốt một đời đã làm thân cò lặn lội nuôi con. Khi con khôn lớn, tụi nó còn nhớ, hay đã quên như một con chim đã bay cao vào trong rừng rậm, không còn nhớ tới cái tổ ấm ngày nào, được chim mẹ mớm mồi ăn no, rồi dập bọng đái biết chòi, biêt đứng, biết ló đầu ra khỏi ổ để nhìn bầu trời rộng bao la, khi có cơn giông tố thổi về thì chim mẹ xoè đôi cánh ra bảo vệ cho con, mặc dầu trong lúc đó tấm thân chim mẹ đều ướt hết. Đợi khi nào lông cánh mọc vừa đủ cứng, thì chim mẹ dắt tập bay, tập chuyền cành, tập tìm mồi dưới đất. Bao công lao đó có thấm gì, nếu đem so với công lao của chị tôi. Khi phải chống chọi với bao nhiêu sự cám dổ cuả con người, một mình một bóng ru con trong đêm vắng. Lúc con bịnh, là lúc chị tũi thân. Vì trong đêm khuya khoắt chị lũi thũi có một mình, từ cái việc kéo mền đắp cho con, tới việc đè thằng nhỏ ngửa cổ ra cho uống thuốc…

Tôi nhìn thằng Trung, rồi nhìn chị, nhìn lại phận mình để cảm nhận một nỗi xót xa. Mỗi năm ở bên Úc tới ngày giỗ, tôi chỉ thắp nén nhang trên bàn thờ, rồi sau đó gọi điện thoại về nhà người anh. Hỏi mấy đứa cháu có về thắp nhang đầy đủ hôn. Nhưng anh tôi thường nói, năm nay thì có đứa nầy, vắng mặt mấy đứa kia. Thế là nguồn cội lần lần lạt lẽo, trách nhiệm đó thuộc về ai. Nhiều lần tôi thầm hỏi, nhưng không có câu trả lời…

Thấy còn sớm. Tôi biểu người tài xế cho xe chạy một vòng thành phố Mỹ Tho, để cho tôi tìm lại một thời niên thiếu. Khi xe chạy tới đường Hùng Vương làm cho tôi hồi họp, bởi ở đây có quá nhiều kỷ niệm đối với tôi. Đây là Bịnh Viện Đa Khoa Mỹ Tho, còn kia là nhà Bảo Sanh, xích tới một chút nữa là ngôi trường Trung Học Nguyễn Đình Chiễu, còn đối diện với cổng trường là cái sân banh, mà ngày xưa chúng tôi thường đá banh tập dợt sau những buổi chiều. Còn bây giờ họ xây dựng làm Cung Thiếu Nhi, để triển lảm hội hè trong dịp Tết. Tôi phải dụi mắt hết mấy lần để kềm lại cảm xúc trào dâng, rồi nhìn về ngôi trường Trung Học Lê Ngọc Hân, đã một thời làm si mê tụi tôi bỏ ăn mất ngủ.

Tất cả đã thay đổi hoàn toàn, những cây me tàng lá xum xuê bây giờ không còn nữa, mà thay vào đó là những cơn nắng chói chang. Tôi biểu người tài xế dừng lại, để hai cậu cháu tôi nhìn vào ngôi trường Nguyễn Đình Chiễu ngày xưa mà tìm ra cái thuở học trò. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy, mà chỉ thấy những người thợ hồ đang sơn phết lại hàng rào. Một sự thay da đổi thịt, hay là một sự trùng tu mà làm cho ngôi trường mất đi diện mạo trang nghiêm. Tuy màu sơn vàng còn cổ kính như thời mới cất, nhưng họ đã phá bỏ đi tất cả khí tiết của một nhà nho. Tôi nhìn thằng Trung hỏi? Con có muốn chạy xe đi lại ngôi trường Trung Học Kỹ Thuật của con hôn. Thằng nhỏ đáp: Thôi khỏi đi Cậu…

Chiếc xe chạy vòng xuống Chợ Cũ, rẻ trái vào ngôi chùa Vĩnh Tràng, làm cho tôi ngạc nhiên quá đổi. Ngày xưa thâm u sơn cốc bao nhiêu, thì hôm nay là ồn ào đô thị. Mọi sự tôn nghiêm không còn, vì người ta đã phá bỏ miếng đất trống trước cổng chùa để làm cái công viên. Mặc dầu có dựng tượng Phật Thích Ca tốn tới mấy tỷ đồng, nhưng tôi thấy nó càng thêm lố bịch. Bởi hằng ngày, hằng đêm có biết bao nhiêu cặp trai gái hẹn hò nơi đây, thì còn gì là sự trang nghiêm nơi cửa Phật.

Chiếc xe chạy vòng lên cầu Nguyễn Trải, rồi tới chợ Hàng Còng. Ở đây ngày xưa là khu lao động, thụt sâu vô trong con hẻm, là những căn nhà lá nước ngập ẩm thấp quanh năm, còn hôm nay là những căn nhà lầu khang trang tráng lệ. Xen kẻ hàng quán bán thức ăn, còn có cửa hiệu bán hàng “Xách Tay” mới lạ. Sau một hồi tìm hiểu, thì cửa hàng nầy chuyên bán các mặt hàng cao cấp, do du khách hay Việt kiều xách tay từ bên nước Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Anh quốc đem về. Như vậy cũng đủ biết bây giờ người dân Việt Nam họ sành điệu tới bực nào. Một sự ăn chơi không còn thuốc chữa, làm đảo lộn đạo lý kỷ cương. Ăn nhậu cho đến khi hết tiền, rồi đi ăn cắp, ăn trộm chớ không lo làm lụng. Thế hệ đó ngày mai sẽ ra sao, đó là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ... 

Tôi nhìn sâu vào trong con đường Đống Đa, để tìm lại một thời để nhớ. Ở đó có một căn nhà mái tole ọp ẹp. Người chủ là bà Tám Rổ, có nuôi tới mấy thằng “mặt rô”. Tụi nó chỉ lo gác cửa động, dù cho lính hay dân, thằng nào tới đây cũng đều bình đẳng. Tiếng tốt lan truyền, trong số “học trò” chúng tôi, cũng có thằng biết nếm mùi đời từ đó. Rồi đăng lính mặc áo rằn ri, cái dáng thơ sinh học trò ngày xưa biến mất dần trong gió cát…

Khi xe chạy vòng qua con đường Ngô Tùng Châu, chỗ nhà ông đốc phủ Lượng ngày xưa, bây giờ là Đài Phát Thanh Tiền Giang rất là bề thế. Đối diện là con hẽm nhỏ, mà ở trong đó có một căn nhà lá của mấy anh em tôi cư ngụ. Người anh lớn thì đạp xích lô nuôi vợ con sống qua ngày. Cái thời đó tuy sống trong cảnh đạn bom, nhưng con người biết bao dung và đùm bọc. Chớ không phải như bây giờ, họ chỉ biết có đồng tiền, bất kể nghĩa nhân, nên con người dửng dưng với nhau mà sống.
Những ngày Holiday đã hết. Tôi và thằng Trung phải lên đường. Tôi đi về Úc Châu trước nó 1 tuần. Khi Check In hành lý xong, từ trên lầu cao nhìn xuống. Tôi thấy mấy người thân đưa tiển còn đứng nhìn theo, dường như ai nấy còn đang luyến tiếc một điều gì thầm kín trong lòng. Một chuyến đi xa chăng, một bữa ăn trên máy bay nó sang trọng đến cỡ nào, mà trong đời mọi người đều ao ước…

Chị tôi mỗi ngày thêm gìa, bao nhiêu chứng bịnh nó ập đến không tha. Cho đến một hôm mệt quá, con Thu Hà phải bao xe chạy lên nhà thương Triều Châu Sài Gòn xin khám. Bác sĩ ở đây cho biết bị nghẹt hết 3 Veins tim, cần phải mổ thông gấp. Nhưng trước khi mổ phải đóng tiền, thế là ở nhà phải tức tốc gọi điện thoại qua nước Mỹ, nước Anh để cho thằng Trung với thằng Vũ hay mà giải quyết.

Chị Hai tôi là vợ liệt sĩ, nhưng khi bịnh phải chữa bằng tiền đô la do hai đứa con từ bên nước Mỹ nước Anh tiếp tục gởi về. Nếu không có, thì khó sống. Chớ còn ông nhà nước, mà trước kia chồng của chị tôi đã hy sinh cả tánh mạng đi chiến đấu, hôm nay họ chẳng ngó ngàng gì. Sau khi ở nhà thương ra, tôi không biết chị tôi đã “ngộ” ra được điều gì, mà ăn trường chay rồi xin thọ giới với một ông thầy ở chùa Bến Cát. Hằng đêm chị ngồi trì chú tụng kinh, rồi lạy Phật để chờ ngày vãng sinh nơi cực lạc.
Hồi còn trẻ chị đã không dám quyết định một điều gì. Hôm nay lại gìa nua. Chị tin vào Phật pháp. Mỗi lần tôi điện thoại về thăm, chị kể cho tôi nghe những chuyến đi chùa, những chuyến đi làm từ thiện rất là tích cực. Trong thâm tâm của chị dường như chỉ còn có “vãng sanh” ở nơi đất Phật, chớ không thiết sống ở cõi ta bà, cho nên hằng đêm chị lạy tới cả ngàn lạy mà chẳng dám than.

Khi chị khoe với tôi những điều thầm kín đó, tôi nghe trong máy có tiếng cười. Một tiếng cười mãn nguyện, của một người đã ngộ đạo được cứu vớt từ bến mê. Những lần nói chuyện như vậy, chị cũng có khuyên tôi thôi lo tu đi Cậu. Với tôi hai chữ đi tu thì nghĩ khác. Tu là sửa mình, cho hoàn thiện, hoặc kềm hãm lại thói tánh hung hăng. Chớ không phải là do ăn chay, cho nên những lúc như vậy hai chị em thường hay tranh cãi trong việc tu hành. Tôi thì nóng ruột thường khuyên:
- Chị đã óm rồi, bịnh vừa mới hết. Nếu ăn chay trường thì làm sao chịu nỗi. Ăn một tháng chừng 10 bữa thôi. Phải có chút đỉnh thịt cá mới nuôi sống được con người. Chớ còn thằng Nhựt cháu nội của chị là đứa ngắt ngơ, nó làm sao nấu đồ ăn chay cho được…

Rồi cuộc điện thoại chấm dứt bằng tiếng thở dài, khi chị thấy tôi chẳng biết đường tu, nên thường lo cho tôi sau nầy bị đoạ. Còn tôi thì ngược lại, đang lo cho chị từng ngày. Với thân thể óm yếu bịnh hoạn già nua, liệu ăn mỗi bữa có nửa chén cơm với tương chao làm sao đủ chất dinh dưỡng…

Cũng có lần hai chị em tâm sự. Tôi hỏi chị:
- Chị lạy ai, mà phải lạy cho tới cả ngàn lạy mỗi đêm?
Chị trả lời một cách hồn nhiên:
- Thì chị lạy Phật chớ lạy ai…

Tôi nói tiếp:
- Nhưng Phật có biết chị đang lạy hay không, hay là chị lạy mấy cây nhang cho nó mau tàng, rồi bụi tro rơi lả tả…
Chị tôi không giận, mà chỉ cười trừ. Rồi chị hỏi:
- Sao năm nay có về Việt Nam chơi không?
- Chắc tới tháng năm trời lạnh, em về bển trốn ít bữa…

Chị tôi cúp máy, mà trong tai của tôi còn nghe tiếng nói thật hiền. Tiếng nói của một con người cam phận sống từ bấy lâu nay. Hy sinh tất cả những gì đã có, để nuôi mấy đứa con ăn học nên vóc nên hình. Giờ nầy mỗi đứa ở một phương. Khi chị chết biết tụi nó có về kịp để lo tang chế. Còn tôi thì cơ thể đã già, như một chiếc xe sắp bị bỏ vào cái nghỉa trang xe hư. Chỉ chờ cho mấy người thợ đem cầng cẩu tới cẩu về hãng nấu tan thành sắt vụn.
Một dòng đời, một cuộc sống mới sẽ mở ra. Nhưng trong cuộc tử sanh nầy, đã làm con người thì ai cũng vậy. Tôi cầu mong cho chị tôi được an lạc trong những bài kinh, được yên vui trong những bữa ăn chay dưa muối. Những cái chắp tay cung kính xá lạy trước một ông thầy, cho dầu bất cứ người đó là ai. Hễ chị tôi thấy mặc áo vàng, đầu xuống tóc thì chị tôi cứ lạy. Chớ chị không hề suy nghĩ, coi ông thầy đó là bậc chân tu, hay là đang mượn chiếc áo thầy chùa để đi lường gạt bá tánh ./-

 Phùng Nhân
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top