Truyện Haji của Dazai Osamu, Quỳnh Chi dịch; XẤU HỔ

XẤU HỔ    

 Nguyên tác Haji của Dazai Osamu, Quỳnh Chi dịch




Cô Kikuko ơi, tôi đã bị một phen xấu hổ. Xấu hổ quá đi mất. Nói là thẹn đỏ cả mặt như muốn bốc lửa là còn nhẹ quá. Hay muốn lăn trên cỏ mà gào lên thật to, cũng còn chưa đủ để diễn tả đâu. Đoạn kể về nàng Tamar đáng thương trong sách Cựu ước Samuel quyển hạ viết rằng ” Tamar rắc tro trên đầu, xé tay áo, tay ôm đầu vừa gào thét vừa bỏ đi”. Một người con gái khả ái khi hổ thẹn quá không sao chịu nổi, thì như muốn bôi tro trát trấu lên đầu lên mặt mà khóc thật đấy. Tôi hiểu được tâm trạng ấy của nàng Tamar.
Cô Kikuko ơi, quả đúng như lời cô. Tiểu thuyết gia là hạng người tồi tệ. Ồ không, họ là quỷ dữ ấy. Kinh khủng lắm. Tôi đã bị một phen xấu hổ quá đi mất, cô Kikuko ạ. Có một chuyện mà lâu nay tôi vẫn còn giữ kín chưa kể cho cô nghe, đó là tôi đã âm thầm viết thư cho nhà văn Toda, rồi cuối cùng đến gặp ông, để bị một phen xấu hổ quá đi mất. Thật là vô duyên cô ạ! 

Để tôi kể đầu đuôi câu chuyện cho cô nghe nhé. Đó là vào đầu tháng 9, tôi đã viết cho ông Toda một lá thư lời lẽ thật kiểu cách như thế này.
“Xin chào ông, tuy biết là đường đột nhưng tôi vẫn xin được viết lá thư này gửi đến ông. Tôi chắc rằng tiểu thuyết của ông không có độc giả nào thuộc phái nữ đọc cả. Phụ nữ thường đọc những sách nào được quảng cáo khắp nơi. Phụ nữ thường không có thị hiếu riêng. Họ đọc vì cái hư danh vô nghĩa, thiên hạ đọc cả nên mình cũng đọc, thế thôi. Họ hết lòng kính nể những ai làm ra vẻ ta đây hiểu biết. Chung qui là họ đã hời hợt mà coi trọng những triết lý vớ vẩn. Nói khí không phải, chứ thưa ông, ông không có một tí triết lý nào cả. Hình như ông cũng không phải là người học cao hiểu rộng. Tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết của ông là từ mùa hè năm ngoái. Chắc là tôi đã đọc hầu hết các tác phẩm của ông rồi đấy. Vì thế, chẳng đợi đến lúc gặp ông, tôi đã biết hết từ tình cảnh, đến cốt cách dung mạo của ông. Theo tôi thì điều chắc chắn là ông không có được một nữ độc giả nào cả.

Ông đã tự khai ra chẳng chút che đậy về nỗi bần hàn, tính bủn xỉn, hay cãi cọ vì những điều vặt vãnh với vợ, cái tật sỗ sàng khiếm nhã, lại thêm dung mạo xấu xí, người ngợm bẩn thỉu, nào gặm chân bạch tuộc nhắm với rượu đế mà quậy phá rồi nằm lăn ra ngủ dưới đất, nợ như tổ đỉa, rồi còn bao nhiêu điều nhục nhã, toàn là những chuyện kinh tởm. Như thế là không được. Theo bản năng tự nhiên, phái nữ sùng bái sự tinh khiết. Đọc tiểu thuyết của ông, dù tôi có đôi chút thấy tội nghiệp cho ông, nhưng thấy viết là đỉnh đầu đã trọc lóc, hay là răng đã long cả ra, thì quả là quá tệ, đến phải bật cười ngao ngán. Xin lỗi ông. Vì ông làm cho người ta phải khinh khi. Lại thêm, ông còn đến những nơi sa đọa, nói ra cũng ngượng miệng, có đàn bà …đấy là gì. Đấy là yếu tố quyết định, khiến ngay cả đến tôi, có lúc cũng phải vừa đọc vừa bịt mũi. Tất cả phụ nữ, không sót một ai, đều phải cau mày khinh bỉ ông, cũng là điều đương nhiên thôi.

Tôi đã phải giấu bè bạn mà đọc tiểu thuyết của ông. Nếu họ biết được là tôi đọc tiểu thuyết của ông, thì chắc là họ sẽ chế riễu, nghi ngờ tư cách của tôi, mà tuyệt giao với tôi mất. Về phần ông, xin ông hãy phản tỉnh một chút. Tuy tôi công nhận rằng ông có vô số khuyết điểm như là ít học, văn chương hạ cấp, hoặc tư cách tồi tệ, thiếu suy nghĩ, đầu óc kém cỏi, nhưng tôi vẫn nhận ra, trên cơ bản, có một nỗi buồn man mác xuyên suốt các tác phẩm của ông. Tôi cảm thấy đáng tiếc cho nỗi buồn ấy. Những người phụ nữ khác thì không hiểu ra điều này.

Như tôi đã nói ở trên, phụ nữ đọc sách đều vì sĩ diện hão. Họ toàn thích loại tiểu thuyết như là tả các cuộc tình có vẻ như của giới thượng lưu ở nơi nghỉ mát, hay có tính cách triết lý; nhưng tôi thì tôi không chỉ thích các loại tiểu thuyết ấy, mà tôi tin rằng tiểu thuyết của ông trên cơ bản có một nỗi buồn riêng, cũng đáng quý. Xin ông đừng tuyệt vọng vì diện mạo xấu xí, hay vì đã làm những điều xằng bậy trong quá khứ, mà hãy trân trọng nỗi buồn chỉ có nơi ông, đồng thời hãy giữ gìn sức khỏe, ngay bây giờ hãy học một chút về triết học hay ngôn ngữ, hãy suy nghĩ sâu xa hơn. Nếu trong tương lai, nỗi buồn của ông có thể chỉnh lại cho có tính cách triết học, thì tiểu thuyết của ông sẽ không bị chế riễu như bây giờ, tư cách của ông cũng sẽ trở nên viên mãn. Đến cái ngày viên mãn ấy, có lẽ tôi sẽ lột bỏ khăn che mặt mà cho ông biết rõ tên tuổi địa chỉ, và sẽ tới gặp ông. Thế nhưng bây giờ thì tôi chỉ định dừng lại ở xa mà gửi tới ông lời cổ vũ. Tôi xin nói cho rõ, đây không phải là thư hâm mộ đâu ạ. Xin ông chớ có làm cái trò hạ tiện, là khoe với vợ rằng ta đây cũng có thư của người hâm mộ gửi tới. Tôi cũng có lòng tự trọng chứ ạ.”


Cô Kikuko ạ, thư tôi viết đại khái như thế. Gọi ông ta bằng “ông”, tôi cũng thấy không ổn làm sao ấy, nhưng gọi bằng “anh” thì ông Toda với tôi cách nhau quá xa về tuổi tác, mà nghe thân mật quá nữa, tôi không thích. Lỡ mà ông Toda đã già đầu mà còn xấu thói, sinh nghĩ ngợi quàng xiên, thì phiền ra. Tôi lại không kính nể ông tới mức gọi ông là “tiên sinh” được, hơn nữa ông Toda không học hành gì cả mà gọi ông bằng “tiên sinh”, theo tôi là không được tự nhiên. Vì vậy, thôi thì gọi là ông, nhưng thật ra cũng kỳ quặc nhỉ. Tuy nhiên, gửi lá thư này đi rồi, tôi không cảm thấy lương tâm cắn rứt điều gì cả. Mà tôi nghĩ rằng mình đã làm một điều hay. Ra tay làm phúc được cho một người đáng thương, là điều khiến mình cảm thấy rất dễ chịu. Nhưng tôi không ghi danh tính hay địa chỉ người gửi trong thư này. Là vì, cũng sợ chứ. Lỡ có người say ăn mặc lôi thôi tìm đến tận nhà, mẹ tôi sẽ kinh ngạc đến dường nào. Không chừng, họ lại còn hăm dọa vòi tiền. Tóm lại, một người lắm tính hư tật xấu như thế thì không biết là sẽ dở trò gì. Tôi chỉ muốn cứ làm kẻ nặc danh mãi.

Nhưng cô Kikuko ơi, muốn thế mà không được cô ạ. Tình huống rất xấu đã xảy ra. Chưa đầy một tháng sau, sự tình đưa đẩy khiến tôi, dù muốn dù không, vẫn phải viết cho ông Toda một lá thư nữa. Mà hơn nữa, lần này còn phải viết rõ danh tính và địa chỉ người gửi.


Cô Kikuko ơi, tôi thật là một kẻ đáng thương cô ạ. Cô mà biết nội dung lá thư viết lúc ấy, thì chắc hẳn là cô hiểu qua được sự tình, vì thế tôi sẽ viết ra dưới đây, cô đừng cười tôi nhé.

“Chào ông Toda, tôi ngạc nhiên quá. Làm sao mà ông lại tìm ra được tông tích của tôi thế nhỉ? Vâng, đúng vậy, tôi tên là Kazuko, 23 tuổi và là con gái một giáo sư đại học. Chân tướng của tôi đã bị phơi trần thật lộ liễu. Tôi đã ngơ ngác, ngẩn cả người ra, khi đọc tác phẩm mới trên tạp chí “Thế giới văn học”. Rồi chợt nghĩ, tiểu thuyết gia quả là hạng người mà ta không thể không cẩn thận đề phòng. Tại sao ông biết được về tôi như thế nhỉ Hơn nữa, còn lột trần cả những cảm nghĩ của tôi. Quả là ông đã tiến bộ đến mức kinh dị, khi phóng ra một mũi tên thật cay cú rằng “Cô ấy còn hoang tưởng nhảm nhí nữa.”

Lá thư nặc danh ấy của tôi đã lập tức khơi dậy được nhiệt tình muốn sáng tác nơi ông, thì đối với tôi, đó cũng là điều vui. Thật không ngờ là chỉ nhờ vào sự cổ vũ của một người phụ nữ mà nhà văn cảm thấy hăng hái đến viết được. Nghe đâu là các nhà văn lớn như Hugo, Balzac, cũng nhờ sự bảo bọc ủi an của phụ nữ mà viết được nhiều kiệt tác. Xin ông hãy gắng lên. Thỉnh thoảng tôi sẽ gửi thư cho ông. Trong truyện mới viết lần này, tuy mới chỉ là đôi chút nhưng đã có phân tích tâm lý phụ nữ, quả là một sự tiến bộ. Có vài chỗ còn thật tài tình đáng phục nữa. Tuy thế vẫn còn có chỗ chưa đạt lắm. Tôi là một thiếu nữ còn trẻ, từ nay tôi sẽ cho ông biết nhiều điều về tâm lý phái nữ. Tôi nghĩ ông là nhà văn có triển vọng trong tương lai. Tác phẩm của ông sẽ càng ngày càng khá hơn. Ông hãy đọc sách để hiểu biết về triết học. Người thiếu hiểu biết thì không thể nào trở thành nhà văn lớn được. Nếu gặp khó khăn, xin ông đừng ngại, cứ viết thư cho tôi. Ông đã biết tôi là ai rồi, tôi không giấu mặt nữa vậy. Danh tính và địa chỉ của tôi đúng như đã ghi ngoài bì thư. Ông cứ yên tâm, không phải là tên giả đâu ạ.

Đến một ngày nào đó, khi ông đã hoàn thiện được tư cách của mình rồi, thể nào tôi cũng muốn đến gặp ông. Còn thì từ nay cho đến ngày ấy, xin chịu khó chỉ liên lạc qua thư từ mà thôi. Thật sự là lần này tôi ngạc nhiên quá, ai lại biết đến cả tên của tôi cơ chứ. Chắc hẳn là lá thư ấy của tôi đã khiến ông thấy thú vị quá, nên đã chìa ra cho bè bạn xem, làm ầm cả lên, thế rồi căn cứ vào các thứ như dấu bưu điện trên phong bì mà nhờ chỗ bè bạn ở tòa báo, cuối cùng ông đã dò ra tên tôi, phải không ạ?
Các ông, hễ nhận được thư của phụ nữ là làm ầm cả lên, thật đáng ghét. Làm sao mà ông lại biết tên tôi hay biết được rằng tôi 23 tuổi, xin ông hãy viết thư cho tôi biết. Từ nay ta cứ tiếp tục viết thư cho nhau nhé. Lần tới tôi sẽ viết một lá thư hiền hòa hơn cho ông. Xin ông hãy bảo trọng.”

Cô Kikuko ạ, tôi vừa chép lại bức thư này cho cô mà vừa khóc sướt mướt không biết bao lần. Tưởng chừng như mồ hôi đang toát ra khắp người. Cô có biết không, tôi đã nhầm cô ạ. Lẽ ra tôi đừng viết những lá thư ấy, thì đã không thành chuyện. Ôi, tôi xấu hổ, xấu hổ quá. Cô Kikuko ơi, cô hãy thương cho tình cảnh của tôi. Tôi sẽ kể cho cô nghe hết câu chuyện nhé.

Cô đã đọc truyện ngắn “Thất Thảo” đăng trên tờ Thế Giới Văn Học số ra tháng này chưa ạ? Truyện kể về một cô gái 23 tuổi, vì không dám yêu, vì khinh ghét tình yêu say đắm, cuối cùng đã lấy một ông già 60 tuổi, nhưng rồi cũng không chịu nổi mà tự tử. Câu chuyện tuy trần trụi và u ám nhưng vẫn có cái đặc điểm độc đáo của ông Toda. Tôi đọc mà cứ đinh ninh cho rằng ông lấy tôi làm mẫu cho nhân vật trong truyện. Không hiểu sao, chỉ mới đọc chừng hai ba dòng, tôi đã một mực cho là thế, mà sợ xanh cả mặt. Là vì nhân vật trong truyện cũng tên Kazuko như tôi là gì! Cũng cùng 23 tuổi là gì! Cho đến chi tiết bố là giáo sư đại học, thì cũng giống hệt là gì! Những tình tiết sau đó của truyện thì không phải là chuyện của tôi, nhưng không hiểu sao, tôi cứ đinh ninh cho rằng, nhất định là truyện viết được nhờ gợi ý từ lá thư của tôi chứ chẳng sai. Chính điều này đã làm cho tôi sau đó bị xấu hổ quá đi mất.

Được bốn năm hôm sau, tôi nhận được bưu thiếp của ông Toda, viết như sau.
“Thưa cô, tôi đã nhận được thư của cô. Xin cảm ơn cô đã đọc truyện của tôi. Và đúng là tôi cũng đã đọc lá thư hôm trước của cô. Từ trước đến nay, tôi chưa hề làm điều gì vô lễ, như đưa cho người trong nhà đọc thư của ai khác rồi cười cợt người ta. Tôi cũng không đưa thư nhận được cho bè bạn xem, làm ầm cả lên. Về điều này thì xin cô đừng lo. Ngoài ra, cô bảo khi nào tôi hoàn thiện được tư cách, thì cô sẽ hạ cố mà đến gặp tôi. Nhưng thử hỏi, con người ta có ai tự mình hoàn thiện được tư cách bản thân không nhỉ? ” 
 
Tiểu thuyết gia quả là khéo mồm khéo miệng. Tôi tức lắm vì đã bị bẽ mặt. Nghĩ ngợi mông lung suốt một ngày trời, sáng hôm sau, tôi bỗng muốn gặp ông Toda. Tôi phải đi gặp ông mới được. Chắc là bây giờ ông ấy đang khổ tâm lắm đấy. Bây giờ mà tôi không đến gặp ông, thì ông sẽ suy sụp mất. Hẳn là ông ấy đang chờ tôi đến. Vì thế tôi sẽ đến gặp ông. Tôi liền tức tốc sửa soạn quần áo để đi. Cô Kikuko ạ, đến thăm một nhà văn nghèo ở khu nhà bình dân thì làm sao có thể ăn mặc sang trọng được, phải không ạ? Không thể nào như thế được. Có một bà trong ban điều hành đoàn thể phụ nữ nọ, đi thăm dân nghèo mà quấn khăn lông chồn quàng cổ nên bị dị nghị đấy là gì. Tôi phải cẩn thận mới được. Cứ theo tiểu thuyết của ông Toda thì ông không có áo kimono, chỉ có mỗi một chiếc áo kép đã lòi cả bông nhồi ở trong ra. Trong nhà thì chiếu lát nền nhà rách bươm cả ra, phải trải báo khắp phòng mà ngồi lên. Nhà người ta khốn đốn thế, mà tôi lại mặc bộ áo đầm màu hồng mới may đến thăm, thì e rằng vô tình làm cho gia đình ông ngượng ngùng tủi thân, thành ra thất lễ với ông. Thế là tôi bèn mặc chiếc váy đồng phục vá đi vá lại thời còn là nữ sinh trung học, với chiếc áo khoác màu vàng mặc khi đi trượt tuyết ngày trước. Chiếc áo này bây giờ thành bé quá, cánh tay áo co cả lên, ngắn đến gần khuỷu tay. Cổ tay áo đã sờn, những sợi len bị đứt thò cả ra, thật là hợp tình hợp cảnh, không chê vào đâu được. Đọc tiểu thuyết của ông, tôi biết hàng năm cứ đến mùa thu là chân ông bị sưng đau đớn lắm, nên tôi đã lấy một chiếc chăn bông trên giường, gói trong chiếc khăn vải buộc lại làm tay nải mà đem theo cho ông. Tôi định khuyên ông nên lấy chăn quấn vào chân mà ngồi làm việc. Tôi giấu mẹ, lén ra khỏi nhà bằng cổng sau. Chắc cô Kikuko cũng biết đấy, tôi có một chiếc răng cửa là răng giả có thể gỡ ra được, nên khi đang đi trên xe điện, tôi đã lén gỡ ra cố tình làm cho có dung mạo thật xấu xí. Vì tôi nhớ, đâu như là răng ông Toda đã lung lay chiếc còn chiếc mất, nên tôi không muốn làm ông phải xấu hổ, định để cho ông cũng nhìn thấy chỗ không đẹp của tôi mà yên tâm. Tôi còn để tóc tai rối bù, thành ra một cô gái thật là nghèo nàn xấu xí. Để an ủi người nghèo yếu thế bần hàn, tôi đã phải để ý từng li từng tí một như thế cô ạ.


Nhà ông Toda ở ngoại ô. Từ trên con tàu tuyến đường liên tỉnh bước xuống, hỏi thăm ở đồn cảnh sát, tôi đã tìm được nhà ông Toda dễ dàng thôi. Cô Kikuko ạ, nhà ông Toda không phải là một căn hộ trong dẫy nhà bình dân. Ngôi nhà tuy nhỏ nhưng vẫn có vẻ khang trang, và là một căn nhà riêng hẳn hoi. Nhà có vườn được chăm sóc đẹp đẽ, có hoa hồng mùa thu đang nở rộ. Tất cả đều làm tôi bất ngờ. Cửa mở ra cho thấy trên mặt tủ giầy có bầy chậu hoa cắm hoa cúc. Bà vợ trông thật nhu mì quý phái bước ra cúi chào. Tôi cứ tưởng là mình đã vào nhầm nhà.

Tôi ngại ngùng cất tiếng hỏi:
-Thưa ..có phải đây là nhà của nhà văn Toda không ạ?
-Vâng.
Nụ cười tươi trên khuôn mặt rạng rỡ dịu dàng đáp lại của bà làm tôi hoa cả mắt.
-Thưa bà, tiên sinh có nhà không ạ?

Bất giác, hai tiếng “tiên sinh” đã buột ra khỏi miệng tôi.

Tôi được dẫn vào phòng của nhà văn. Người đàn ông với nét mặt nghiêm nghị ngồi ngay ngắn trước chiếc bàn. Ông ta không mặc áo kép. Áo may bằng vải gì tôi cũng không biết, cổ áo màu xanh đậm bằng loại vải dầy, đai áo màu đen có một sọc trắng. Thư phòng có vẻ như căn phòng dùng cho nghi thức trà đạo. Trên tường phòng khách treo bức liễn viết bài thơ chữ Hán, tôi không đọc được một chữ nào cả. Giỏ hoa đan bằng tre, có cắm một cành dây leo thật đẹp. Cạnh bàn có bao nhiều là sách để chồng chất lên nhau cao ngất.

Thật là hoàn toàn khác. Ông ta cũng không thiếu cái răng nào. Đầu không hói. Gương mặt khôi ngô tuấn tú. Chẳng thấy bẩn mắt ở chỗ nào cả. Tôi lấy làm lạ, không biết làm sao mà con người này có thể uống rượu đế rồi nằm lăn ra ngủ trên mặt đất.  

Tôi lấy lại tinh thần, nói:
-Gặp ông, tôi thấy khác hẳn với những điều đã cảm nhận được từ tiểu thuyết của ông.
-Vậy à.
Ông ta hờ hững đáp, có vẻ như là chẳng chút chú ý đến tôi.
-Ông làm sao mà biết được về tôi thế ạ? Đó là điều mà tôi muốn hỏi- Tôi nói, cố lấy lại phong độ.
-Chuyện gì thế ạ?- Ông ta vẫn thản nhiên như không.
-Tuy tôi đã giấu tên và địa chỉ, nhưng tiên sinh đã tìm ra được đấy là gì. Hôm trước tôi lại vừa mới gửi một lá thư nữa là để hỏi, trước hết là về chuyện ấy, hẳn là tiên sinh đã đọc.
-Lạ nhỉ, tôi không biết gì về cô cả.
Ông ta nhìn thẳng vào mặt tôi, với đôi mắt vẫn trong trẻo, và cười nhạt.
-Thế này thì thật là quá đáng!
Tôi không còn giữ được bình tĩnh.
-Nếu thế thì, hóa ra là ông không hiểu gì về lá thư ấy của tôi, thế mà ông vẫn làm thinh! Ông tàn nhẫn quá! Ông xem tôi như là đồ ngốc chứ gì?

Tôi muốn khóc òa lên. Tôi chỉ mới suy đoán rồi chưa ất giáp gì cả đã đinh ninh tưởng là thế. Sai be sai bét, cô Kikuko ạ! Nói là mặt như bốc ra lửa là còn nhẹ quá. Nói là muốn lăn mình trên cỏ mà gào lên vì hổ thẹn, e rằng cũng chưa đủ để diễn tả.
-Vậy thì ông hãy trả những thư ấy lại cho tôi. Xấu hổ lắm không chịu được. Hãy trả lại tôi.

Ông Toda nghiêm nghị gật đầu. Ông đang giận cũng nên. Ông thấy tôi dở hơi quá, mà ngao ngán cũng không chừng.

-Tôi sẽ tìm vậy. Vì thư từ đến mỗi ngày không thể mỗi cái mỗi cất giữ lại. Có thể là không còn nữa, nhưng tôi sẽ sai người nhà tìm thử. Nếu tìm thấy thì sẽ gửi cho cô. Hai bức thư phải không ạ?

-Hai bức ạ.

Tôi thấy tủi thân quá.

-Cô bảo truyện của tôi hình như giống chuyện đời của cô, nhưng tôi không bao giờ viết truyện mô phỏng về người thật ngoài đời. Tất cả đều là hư cấu. Vả lại, ngay từ bức thư đầu tiên của cô ấy à, ai mà..
Ông ta nói đến đây bỗng im bặt và cúi mặt xuống.

Tôi là đứa con gái gẫy răng cửa, tồi tàn như con ăn mày. Cổ tay áo quá hẹp thì tuột chỉ. Chiếc váy màu xanh vá víu. Tôi bị khinh rẻ từ đầu đến chân. Nhà văn quả là ác quỷ. Thật là láo khoét! Họ không nghèo mà vẫn giả vờ là cùng cực bần hàn. Diện mạo uy nghi thế, mà lại nói rằng mình xấu xí, để được mọi người rủ lòng thương. Học cao hiểu rộng mà lại vờ vĩnh nói rằng ta đây vô học. Thương vợ thế mà lại than thở rằng vợ chồng cãi nhau như cơm bữa. Chẳng khổ sở gì cả, mà cứ làm ra vẻ ta đây khốn khổ. Tôi đã bị lừa. Tôi lẳng lặng đứng lên, chào ông ta.

-Bệnh của ông thế nào ạ? Ông bị sưng chân ..gì đấy, phải không ạ?
-Tôi khỏe mạnh lắm ạ.

Vì người này mà tôi đã đem cả chăn đến đây. Bây giờ lại đem về. Cô Kikuko ơi, tôi xấu hổ quá, ôm gói chăn đi về được nửa đường thì bật khóc. Tôi gục mặt vào gói chăn mà khóc. Nên bị người tài xế xe hơi quát mắng là ”Đồ dở hơi, đi đứng cho cẩn thận xem nào!”

Hai ba ngày sau, hai lá thư ấy của tôi được đựng trong phong bì, gửi bảo đảm qua đường bưu điện, trả lại cho tôi. Tôi vẫn còn một tia hy vọng mỏng manh. Biết đâu là tiên sinh đã viết vài dòng lời hay ý đẹp mà cứu rỗi cho sự hổ thẹn của tôi. Trong chiếc phong bì to tướng kia, ngoài hai lá thư của tôi, hẳn là còn có cả một bức thư ôn tồn an ủi của tiên sinh. Tôi ôm chặt lấy phong thư ấy, rồi cầu nguyện, đoạn mở ra, nhưng trống trơn! Ngoài hai lá thư của tôi, chẳng có gì nữa. Tôi lại nghĩ, biết đâu như là người ta vẫn tinh nghịch, ông có viết cảm tưởng gì ở mặt sau tờ thư của tôi hay không, nên cẩn thận xem xét cả hai mặt từng trang thư của mình, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy viết gì cả. Sự hổ thẹn này, cô hiểu được chứ. Muốn dội tro từ trên đầu xuống. Tôi đã già xộc đi cả 10 tuổi. Tiểu thuyết gia thật là hạng người chán chết. Là hạng người bỏ đi. Họ toàn viết những điều dối trá. Họ chẳng có chút thi vị nào cả. Họ sống yên ổn trong một gia đình bình thường, lạnh lùng chẳng thèm ra tiễn đứa con gái ăn mặc tồi tàn lại gẫy răng cửa, họ mãi mãi thản nhiên làm ra vẻ người dưng với mình, khiếp thật! Người ta chả bảo như thế là “bịp bợm”, là gì!

(20/10/2019)
Quỳnh Chi dịch Haji của Dazai Osamu
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top