Trịnh Khải Hoàng, HỌC THUẬT NGƯ TIỀU CANH MỤC TRONG VĂN HÓA ViệT NAM

Trịnh Khải Hoàng





HỌC THUẬT NGƯ TIỀU CANH MỤC TRONG VĂN HÓA ViệT NAM


       Ngư Tiều Canh Mục, là một phần Văn Hóa thâm ý của những bậc Tiền Nhân Việt Tộc chúng ta. Dĩ nhiên phần học thuật truyền thừa này không dành cho kẻ vô tâm, thiểu trí  nghe qua  như huyền cầm khải tai trâu. Cụ Phan Bội Châu khi viết bộ Chu Dịch đã đề hai chữ “Phàm Lệ”, tức không dành cho hạng phàm phu ít chữ tham đọc, vì tầm trí thức giới hạn sẽ không hiểu thấu ý nghĩa, dễ nhầm lẫn sai lạc mà thôi! Tôi đã cố công truy tìm nhiều tác phẩm văn hóa nổi tiếng của Trung Hoa và không thấy có tác giả nào, tác phẩm nào luận giảng ý nghĩa thâm sâu về Tứ Ông Công Ngư Tiều Canh Mục (Mục hay Độc là bậc Sĩ đọc thư), có chăng chỉ là trình bày quan niệm và ý nghĩa dân gian như thú tiêu dao thanh nhàn và nhận chân rất phiến diện. Do vậy tôi không nghĩ là Ngư Tiều Canh Mục này là văn hóa của người Trung Hoa. Riêng tại Việt Nam ta thì ngay trong kho tàng sách vở, tài liệu học thuật từ khi có chữ viết theo mẫu tự La  Tinh, cũng chưa thấy có tác giả, tác phẩm nào dẫn giảng về học thuật Ngư Tiều Canh Mục hay còn gọi là Tứ Ông Công là tứ bậc Khai Quốc Công Thần của triều đại ? Tôi cố gắng tầm tứ trong biển học bao la và viết trình bày như trong giới hạn bạn hữu thinh văn, dĩ hữu hành thiện đóng góp một chút kiến văn nghĩ là không đến nỗi vô tích sự:

Thiên hạ đồng minh giai học vấn
Nhân tình thông đạt tất văn chương.


      Sự kết hợp biểu tượng Tiên Rồng với đất đai, không gian sinh tồn, của dân tộc được xem như một sự đóng dấu chủ quyền đã có từ lâu đời, thành truyền thống của Dân Tộc Việt. Với cách gọi thật đặc biệt tình cảm, người Việt Nam đã gọi  phần lãnh thổ, biển đảo của Dân Tộc là Tổ Quốc, là Quê Hương với tính cách tình cảm thiết tha, nơi chốn sinh trưởng của bản thân, hay có ý nghĩa sâu xa hơn là Giang Sơn gấm vóc, là Sông Núi không đơn giản chỉ là những hình thể lồi lõm, cao thấp trên mặt đất mà quốc gia nào cũng có. Sông Núi có ngầm chứa mối liên hệ sinh mệnh nằm sâu trong tiềm thức của nòi giống từ ngàn, muôn xưa gắn liền với huyền sử mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân ẩn tàng dấu tích, gốc tộc làm bài học truyền thừa cho con cháu về sau … Do vậy Giang San từ ngữ Nho học hay Sông Núi từ ngữ Việt Nôm chính là Quê Cha – Đất Mẹ là nơi ở của Tiên, là chỗ vùng vẫy của Rồng. Bởi không thấu đáo ý nghĩa ẩn tàng thâm sâu qua sự học “cách vật trí tri” mà vội  xem là huyền hoặc !

   Kinh qua Lịch Sử hơn 4 000 năm mở nước, dựng nước và bảo vệ Nước Nòi… Những bậc Tiên Hiền Việt đã để lại học thuật Lược Thao cho con cháu về sau giữ lấy mà bảo vệ Nước Nòi. Những học thuật này từ uyên thâm cho giới cao học có tầm tri thức vượt trội hơn phàm nhân như Tiên, và bản lãnh địch nhân như Rồng nhận lấy trọng trách mở nước, dựng nước và bảo vệ Nước  Nòi. Phổ đại cho tầng lớp quần chúng bàng bạc như những biểu tượng văn hóa dân gian, nhưng ẩn tàng và ngầm chứa ý nghĩa, triết lý sâu sắc mà tiền nhân là tác nhân muốn truyền thừa học thuật cho hậu sinh cũng không ngoài tiến trình Sống Còn – Tiếp Nối và Tiến Hóa như Tứ Ông Công truyền thống Ngư – Tiều – Canh – Mục hoặc Ngư Tiều Canh Độc. Tuy chỉ là biểu hiệu như tác phẩm tranh, ảnh, bình phong, nghệ thuật điêu khắc…  bày biện, treo trên tường hay trang trí ở phòng ốc cho có vẻ nghệ thuật, trí thức có tính chất hoài cổ, gốc văn hóa phương Đông. Nhưng đã có mấy ai biết cái hay, cái đẹp và học thuật cao thâm của Tiền Nhân gói ghém trong tác phẩm Tứ Ông Công truyền thống này ? Người cao nhân nhận biết ý nghĩa cao thâm  thì ngã mũ cúi chào, song im lặng và ngoảnh mặt đi không một ai dám có hùng tâm, đởm lược mà kề vai gánh vác:

Trái tim tôi, tòa lâu đài cổ kính
Đứng âm thầm soi bóng nước lung linh
Vài kẻ qua hiểu giá trị cúi đầu
Song kết cuộc không một người dám tậu
Trái tim tôi, quán nghèo gió lọt
Chỉ em nhỏ hiểu và yêu thích
Em không hiểu cái thâm trầm súc tích
Nhưng tâm hồn em cảm kích chuyện thần tiên.
                                            (Vô Đề - Khuyết Danh)


   Chúng ta là người sinh sau, đẻ muộn lệ thường cũng theo đà sống cộng hưởng văn minh, tiện lợi của trào lưu xã hội đang thời như đàn cá trong dòng nước … Có mấy ai quay đầu nhìn lại quá khứ mà tìm tòi qua trang kinh thư bám bụi thời gian để tìm ngọc trong lớp đá dầy hưng phế có cái gì thật tốt đẹp đã giúp cho ông bà, tổ tiên người Việt ta còn được tồn tại, sinh sống cư trú trên mãnh đất Giang Sơn Việt Nam này, trong khi bên cạnh nước Việt ta đã có những quốc gia hùng mạnh một thời như Champa (Chiêm Thành) nay đã không còn trên bản đồ thế giới và dân tộc Champa chỉ còn lại độ hơn trăm ngàn và trở thành một dân tộc thiểu số trên nước Việt. Tất cả vận mệnh nước thịnh suy, mất còn là do “bán tại sơn hà – bán tại nhân” tức nửa phần do địa lý quốc gia, nửa phần do con người mà ra thế sự thôi. Do vậy phần con người mở nước, dựng nước và bảo vệ nước nòi là ở tài năng và trí là học thuật tới phương lược.

NGƯ:
Vì thế mà  biểu tượng của nhà Quân Sự là hình ảnh của Ngư Ông, và chỉ có Ngư Ông vì muốn câu, muốn bắt con cá khi nó còn là con cá Chép chưa vượt Vũ Môn, chưa hóa Long thành Rồng, nên Ngư Ông đã đi qua khắp sông hồ, núi non, đầm rồng , hổ huyệt … Do vậy Ngư Ông am tường tất cả thế địa lý và thuật dụng binh quân sự căn cứ ở thế đất đai, ruộng vườn, sông núi, bình hiểm, yếm trá, nghi thuật, hiển thật mà bày binh trấn giữ, phục kích, tấn công và bảo an vẹn toàn Tổ Quốc. Ngư Ông tâm đắc với thế địa lý và sở học, tài năng quân sự của bản thân và cũng tự biết mình không có chân mệnh Đế Vương, nên Ngư Ông cần tìm Minh Quân khi còn trong dân dã chưa đắc thời làm Vua để Ngư Ông theo phò mà hình thành Vương nghiệp. Do vậy mà Ngư Ông cảm khái:

Giang Hồ tịch mịch vô nhân vấn
Duy hữu ngư ông thức đắc tình
Sông Hồ vắng vẻ không người tìm tới
Chỉ có Ngư Ông được tình vui thú


Ngư Ông trong học thuật Tứ Ông Công là một trong tứ Bậc Khai Quốc Công của Quốc Gia, và là Nhà Quân sự đã lặn lội qua bao sông hồ để tìm người có chân mạng Đế Vương, và Ngư Ông đã tầm tìm được, nên ông tâm đắc và hỷ lạc, khi tay xách cần câu không có lưỡi câu, giỏ đựng cá bên hông không có cá, nhưng vẻ mặt ông cười thỏa chí vì tay đang ôm con cá Chép , Ngư Ông biết chắc và tin tưởng vào tài thao lược Quân Sự của mình để phò làm nên nghiệp Đế Vương cho con cá Chép này sẽ vượt qua Vũ Môn mà thành rồng làm Vua khởi đầu cho công nghiệp Quốc Gia, lập nên một triều đại .

.TIỀU:
   Ở rừng sâu đại ngàn vắng vẻ hiểm trở có ngàn cây cổ thụ và rợ hoang chằng chịt không tỏ lộ lối đi … Duy chỉ có gả Tiều Phu đốn củi là am từng từng địa thế hiểm trở của rừng rậm bạt ngàn, nơi này con sông chạy quanh, nơi kia con suối lớn nhỏ xuyên suốt uốn lượn theo triền lưu trũng sâu cao thấp, chỗ nọ có giống danh mộc thiên niên án ngữ vực sâu, bờ cạn… Người đời lạc bước vào chốn thâm lâm trùng điệp này dễ bị nạn và mất mạng. Duy nhất chỉ có Tiều Phu am tường thế rừng rậm như trong lòng bàn tay. Do vậy Tiều Phu là biểu tượng của Nhà Tình Báo – Gián Điệp vì Tiều Phu là người có biệt tài thông hiểu tình thế, trạng huống chuyển động của rừng rậm mà người thường khó biết, khó đoán ! Khi cần phải đốn hạ cây cổ thụ án ngữ là quân địch thù… Thì Tiều Phu chỉ cần nương theo sức gió bão, chặt một nhát búa là đốn hạ được cây đại thụ. Tình Báo – Gián Điệp là mắt, tai, mũi, miệng, trí quyết toán trong cơ thể và là cơ quan tối quan trọng trong Quốc Gia. Quân thù địch có vạn hùng binh trên trận tiền, nhưng chỉ cần phát hiện, hiểu thấu được bí mật quân cơ của địch thì có thể bày mưu kế hạ địch dễ dàng mà không cần phải tốn hao nhiều sinh lực của quân ta. Vì vậy tối quan trọng trong Binh Thư là chương Thiên Gián và phần việc này không dành cho kẻ phàm phu không có biệt tài và trí thông minh, cao thâm thượng thừa đảm đương đại sự tối mật. 
 

Thâm lâm thiên niên mộc
Phong vũ phạt nhất đao
Rừng sâu cây cổ thụ
Chờ mưa gió đốn một nhát.


Hoặc:
Đại ngàn u tịch nan hành lộ
Rìu ỷ phong vân phạt cổ thụ
Rừng rậm mù mờ không thấy lối đi
Nương thế gió mây chặc cây già.

 
.CANH:
   Trong muôn ngàn người tài hoa địch quốc có tầm lãnh đạo Chính Trị - Quân Sự - Văn Hóa … Nhưng hiếm có được người tài Kinh Tế và chính Kinh Tế - Thương Mãi là kho lương là Quốc Khố để nuôi Triều Đình, nuôi Quân, nuôi Dân… Dân có giàu, Nước có mạnh thực ở Kinh Tế - Thương Mãi và biểu tượng của giới này là ông Canh, bao hàm nghĩa Nhà Nông và dân Việt  sinh sống rất hài hoà với nhau trong xã hội “Nhà Nông”, đa số canh tác và thu hoạch hoa mầu từ trên ruộng vườn, đất đai, con sông ngắn dài, con lạch nông cạn,… và chính bằng sự lam lũ siêng năng cần cù mộc mạc đơn giản trong đơn vị nhỏ là gia đình, lớn hơn là xã hội với buôn bán sinh lợi nhuận, tiến tới tích hợp, kinh doanh, thương mãi vượt qua địa phương, quốc gia mà hình thành quốc sách Thương Mãi – Kinh Tế. Trong lịch sử thời Xuân Thu Chiến Quốc gần 500 năm trước Công Nguyên triều đại Nhà Tần – Tần Thủy Hoàng rất thịnh vượng, hùng mạnh  vì người dân nước Tần đã có thông thương, buôn bán với người Trung Đông - Ấn Độ và Tây Phương gọi là dân Thương tức Thương Mãi và sau này các sử gia gọi là nhà Khương Tần là từ viết và nói theo thổ âm địa phương không chuẩn xác. Do vậy biểu tượng Canh trong Tứ Ông Công: Ngư Tiều Canh Mục là bậc Quốc Công của Nước Nòi:

Xuân Hạ Thu Đông tích cốc phòng cơ
Tế thế phù quân an dân hộ quốc.


.MỤC hay ĐỘC:
   Đã có vị Minh Quân là biểu tượng con cá Chép vì chỉ có loài cá Chép mới vượt Vũ Môn mà hóa Long, tức Ngư Ông đã tầm tìm được vị Vua khi thời chưa tới và còn trong dân dã. Có minh Quân tất phải có lương Tướng và hạng Tướng Công : Quân Sự là Ngư Ông, Tình Báo là Tiều Phu, Kinh Tế là Ông Canh và nay cần phải có Sĩ Phu địch quốc là Mục hay Độc thư là người Trí Lược có tài thiết kế Chính Lược, Kế Sách để thi hành và đây là bậc Quân Sư tối quan trọng của triều đình. Hàm chứa ẩn nghĩa trong biểu tượng của cậu bé thảnh thơi ngồi trên lưng trâu trên cánh đồng an bình xanh cỏ, tay cầm quyển sách mãi mê chăm chú đọc, không để tâm tới ngoại cảnh, mặc trâu cứ nhỡn nhơ rong duỗi sáng chiều… Tuy tự thân hãy còn tấm bé nhưng bản chất kẻ hàn Sĩ đã hơn người, lại có điều kiện hoàn cảnh an lạc để đọc Thư làm sở học rồi minh văn, kiến quốc mà thành bậc Công Thần Khai Quốc phù Vua dựng nên cơ nghiệp. Người đời sau có câu nói để chỉ bậc Sĩ độc thư:

Độc thư hàn sĩ lập công kiến quốc
Mưu lược kỳ thư tài tại chưởng trung.
Người hàn sĩ có công dựng nước
Mưu trí sách lược như trong lòng bàn tay.


   Nếu hiểu biết là đường sáng, hiểu biết tới đâu sống tới đó, hiểu biết là kim chỉ nam, hướng dẫn ta tới đạt được tận thiện mỹ về cách xử thế và hành tàng và để vươn lên trong cuộc sống cạnh tranh sinh tồn này. Vì ý nghĩ hiểu biết bất kể môn học hướng thượng nào cũng đều cần thiết và hữu dụng. Nếu học thuật có giá trị của tiền nhân Việt lưu lại hậu thế cho chúng ta, trong khi chúng ta vì vô tri bất mộ và bỏ qua thì có phải là vô tình hay hạng tục nhân giá áo túi cơm ?

(Trịnh Khải Hoàng – mùa Đông  California)














 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top