Trần Kiêm Đoàn, NẺO ĐẠO VÀO THƠ

Trần Kiêm Đoàn

NẺO ĐẠO VÀO THƠ


 

Có bao nhiêu người yêu thơ, làm thơ và đọc thơ thì có bấy nhiêu lối nghĩ về thơ. Lối nghĩ, cách nhìn và mức độ cảm xúc về thơ được nói lên thành lời là “định nghĩa” về thơ. Thơ cũng như tình yêu; tần số rung động, bản chất cá nhân, hoàn cảnh riêng và căn cơ biệt nghiệp vốn đã không ai giống ai thì dẫu là ca dao tục ngữ cũng riêng một góc trời, không có hai sự rung động kết tụ bởi tâm cảm riêng tư xuất hiện hay diễn đạt giống nhau như khuôn đúc! Thơ là sự khai sinh độc đáo của suối nguồn cảm xúc nên tâm thức thế nào thì làm ra thơ ra thế ấy. Ngay cả thời Thịnh Đường ở Trung Hoa, thơ ca phát tiết như suối nguồn bất tận, thi sĩ xuất hiện nhiều đến nỗi nhân gian cạn cả giấy mực giấy mực đề thơ. Trào lưu thơ xuất hiện thiên hình vạn trạng nhưng tựu trung cũng chỉ có ba hình thức thơ ca là thanh thi, thường thi và tục thi. Thanh thi gần với đạo (thi = ngôn + tự). Chữ nghĩa đề thơ phát xuất từ cõi tâm không rỗng lặng cửa chùa vẫn được cho là thanh tú nhất. Thi sĩ cửa chùa càng vô tâm (đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền – TNT), càng kiệm lời (thể Haiku), càng bất chấp (khuynh hướng Đạo Nguyên)… thì thơ càng lắng đọng (Quán Tự Tại) và lan tỏa tới vùng trời không biên giới (Vô Tận Ý)!
 
Từ thuở bình minh của ngôn ngữ, khái niệm thơ là lời tự tình trau chuốt, là nét nhân văn trang điểm cho cách diễn đạt thanh tao đầy cảm xúc trong xã hội cổ sơ qua hình thức Kinh Thi ở Trung Hoa hay ca dao tục ngữ xứ Việt mình. Xã hội càng tiến lên với những nhu cầu quan hệ, chinh phục đa dạng và phong phú hơn thì thơ là sự trổ hoa của dáng vẻ đời sống tinh thần và tâm linh thanh khiết. Sự xuất hiện sớm nhất của các hình thái thi ca tâm linh là cổ thư Vệ Đà ở Ấn Độ, Kinh Thi, Đạo Đức Kinh; thơ Thiền ở Trung Hoa, Nhật Bản.
 
Các thiền sư vào thơ qua nẻo đạo nên tiếng thơ thường lắng đọng một cách hồn nhiên mà thăm thẳm diệu lý đến… tự tại, an nhiên như tự tình hơi thở với cảm xúc độc sáng thi ca. Hương thiền đến với vô ngôn và vị thiền chan hòa với tâm hư rỗng lặng nên dáng vẻ thơ thiền vượt ra ngoài giới hạn của lý tính nhân sinh:
 
Chớ nghĩ Xuân tàn hoa rụng hết;
Hôm qua sân trước một cành mai…
 
(Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận;
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…)
Mãn Giác Thiền sư.
 
Đã có biết bao nhiêu tác phẩm thiên hạ danh văn nói về thơ Thiền nhưng thảy đều là những chiếc áo choàng mây bay lộng gió bởi Thiền – tự thể tánh thi ca – là bất trụ ngôn từ, chẳng dựa vào chữ nghĩa hay bất cứ hồng nhan sơn hà đại địa nào cả mà là một sự giao hòa tuyệt đối giữa “ta và em”… ngã - pháp viên dung… Chớ tưởng em già tàn nhan sắc. Gặp em nhìn ánh mắt vẫn long lanh.
 
Đi dưới trời mưa cùng đệ tử, trò hỏi:   
- Thầy ơi. Chỉ có mưa rơi và chúng ta, tất cả xung quanh đều mơ hồ, mù mịt, biết trông ngắm vào đâu để làm thơ đây?!
Đạo Nguyên Thiền sư nhẹ nhàng hỏi lại:
-  Hãy tìm quanh ta những gì không phải là thơ vứt đi thì thơ sẽ còn đọng lại.
Hai thầy trò lặng lẽ bước, không có tiếng trả lời. Sư đọc:
 
Just hearing                       
without extra mind
the jewel-like raindrops
dripping from the eaves
are myself.
 
Tạm chuyển ngữ dựa vào bản dịch tiếng Anh trên đây:
 Lắng nghe,
tâm buông thả nhẹ nhàng không bám víu
từng hạt mưa như chuỗi ngọc lưu ly
giọt rơi rơi từ mái hiên bên xối
hiện thân là của chính bản thân tôi
 
Đạo Nguyên (thiền sư Nhật bản Eihei Dogen; 1200-1253)
 
Tâm lắng vào cõi vô niệm vô trú… mưa rơi rơi.
 
Trong khi đó, dòng thơ mưa của Trương Mỹ Dung – một thi sĩ Trung Quốc đồng thời với Đạo Nguyên – được ái mộ viết về mưa:
  Nguyện tương song lệ đề vi vũ
 Minh nhật lưu quân bất xuất thành
                             Trương Mỹ Dung
 
 Sớm mai chàng đã đi chưa
 Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng
                                    Nguyễn Bính dịch
 
Đạo Nguyên và hạt mưa trên mái hiên chỉ là một: Đạo Nguyên là hạt mưa đang rơi, hạt mưa trên mái là Đạo Nguyên, cả hai hóa thành một chuỗi ngọc. Trương Mỹ Dung thấy mưa như nỗi buồn và biến mưa thành nước mắt; nước mắt hóa thân thành dòng sông ngăn chận bước đi của người yêu dấu. Đó là sự khác biệt giữa một bên là một thi nhân tìm đối tượng tạo cảm xúc, thi hứng bên ngoài mình; và một bên là thiền sư hòa mình trọn vẹn với vũ trụ bằng tâm không phân biệt qua từng giọt mưa trên mái am.
 
Thơ Thiền và “thơ thường” không có biên giới phân định của ngôn từ và cảm xúc. Có những vần thơ dùng râm ran chữ nghĩa nhà Thiền nhưng rất… đời thường và ngược lại; có những áng thơ bay lượn trong khái niệm và cảm xúc mênh mông đầy thiền vị nhưng không mặc áo cà sa, quấn vải thụng mà mặc quần jean, áo thun sương nắng hồn nhiên của chàng du tử. Lời thơ, men thơ và ý thơ trong Giấc Mơ Trường Sơn của thiền sư Tuệ Sỹ là một dẫn chứng điển hình.  
 
Thiền trong ý nghĩa tự nhiên và thâm trầm nhất là trạng thái tâm tánh rỗng lặng, như không: “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trần Nhân Tông). Thấy cảnh là cảnh chính nó mà lòng không mảy may xao xác thì đang là thiền chứ hỏi tìm thiền làm chi nữa!
 
Dòng chảy thơ Thiền từ Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản vào Việt Nam từ non hai nghìn năm trước. Văn học Phật giáo đồng hành với dân tộc là thơ, bởi thơ là kinh và kinh vẫn đến với tình tự dân tộc êm đềm như ca dao.
 
Gần đây, rất tình cờ có duyên được đọc một tập thơ thanh thoảng hương vị Thiền làm tôi đắm chìm miên man trong ý nghĩ về một tập thơ Thiền. Tập thơ mang tên Đôi Cánh Vỗ của Uyên Nguyên đột nhiên kéo tôi về tuổi thơ Oanh Vũ của Gia Đình Phật Tử ở Làng quê. Ngày đó và bây giờ Oanh Vũ có bốn bậc cấp: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng, Tung Bay. Đôi cánh vỗ của Uyên Nguyên là bước chuyển mình sau khi mở mắt hay sắp sửa tung bay. Dẫu là bước nào chăng nữa thì cánh chim vẫn đập, vẫn thanh thoát chuyển mình vươn lên trong không gian thiền tịnh. Lời ngỏ cho tập thơ nhè nhẹ như bước chân hài cỏ của một hành giả cửa Thiền từ thuở Em Đi Chùa Hương:
 
Từ trong đáy mắt em,
Giữa vô lượng tinh cầu
Muôn vạn chiếc kén tơ
Hóa Thân Đôi Cánh Vỗ
 
Lời phi lộ của tác giả chia sẻ: “Đôi Cánh Vỗ là đôi cánh của con ấu trùng vừa thoát ra khỏi cái kén, chuẩn bị biến thành con bướm ngài. Phải cần một khoảng thời gian luyện tập, làm quen với môi trường mới, con ấu trùng vừa được chuyển hóa sẽ tự vươn mình cất cánh bay vào đời sống của chính nó.” Đôi cánh vỗ của con bướm ngài là biểu tượng của nẻo đạo vào thơ mà hành giả tuy không “nhất bát thiên gia phạn” nhưng đang lên đường “cô thân vạn lý du” hành trì một mình vạn lý quan san trên đường vào thế giới thơ.



Tập thơ với 270 trang, có 5 phần: (1) Đôi cánh vỗ, (2) Niệm khúc, (3) Nắng gọi, (5) Ngọn hải đăng và (6) Phần nhạc phổ thơ. Một nội dung vừa phải cho một tập thơ mang vọng âm và tư tưởng Thiền với hơn 120 bài thơ đủ các thể loại, ghi dấu từng bước đi theo dòng chuyển biến tâm thức và sự hành hoạt kết hợp đôi nếp giao hòa là sống đời và sống đạo. Thiền thức thăng hoa tâm và cảnh khiến nhà thơ chiêm nghiệm nghĩa đời vốn đầy hoa đóm và ảo tướng thực hơn như chính Nó là Nó:
 
Vầng dương soi bóng hạc gầy
Cảo thơm hương lấp vũng lầy bến mê
Âm hao chiếc lá bồ đề
Chân như thấp thoáng nẻo vể gần xa
      
Đạo vị và Thiền vị không nằm êm thấm trong từng câu chữ mà tỏa chiết ra thành men hương thanh tịnh của cuộc sống.
 
Tập thơ Đôi Cánh Vỗ với nghệ thuật phối trí màu sắc, trình bày chương khúc rất dụng công và mỹ thuật cùng kết hợp với kỹ thuật in ấn trang nhã và hiện đại là nét thu hút đầu tiên của tác phẩm.
                                   
Tác giả là một hành giả học Phật kỳ cựu được đứng vào hàng giáo thọ của hội Thiền Tánh Không. Khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật nhất quán với nếp tinh thần và tâm linh đầy thiền vị được biểu hiện tự nhiên và thường tại. Uyên Nguyên đi vào thế giới thi ca qua nẻo đạo; làm thơ nghiêm cẩn mà hồn nhiên như lời tâm niệm chân kinh. Vậy nên, dòng thơ Uyên Nguyên thường là mối rung động và cảm nhận thanh thoát nương theo bản tâm tự tại hơn là nỗi xúc động trào dâng đột biến chơi vơi hoặc vỡ bờ và mất hút theo cảm tính đời thường. Vị thiền “vạn pháp giai thị Phật pháp” thể hiện rất rõ qua đề tài chọn lựa đối tượng đề thơ và ngôn từ diễn cảm. Làm thơ thiền là nghệ thuật “nhìn rõ trăng dưới đáy nước” bởi trăng chỉ hiện khi nước lặng yên và tâm không xao động.
 
Hiện tượng Tu sĩ Minh Tuệ -- bộ hành khất sĩ khổ hạnh -- đi ngang Huế với những cánh sen hồng mà người ái mộ rải trên lối đi khiến tôi nghĩ đến thơ thiền và hào quang trong suốt của sự cô đơn tâm cảnh vô cầu của những hành giả theo Phật. Tôi đọc lại tập thơ Đôi Cánh Vỗ thoảng hương Thiền của Uyên Nguyên và tự nhiên nghĩ về tâm thức Tự Tại rỗng rang mây trắng của Bát Nhã: cả rừng sách còn lại vài trăm chữ; vài trăm chữ còn lại chục chữ và chục chữ rốt lại là Không. Và, tiếng Big Bang của thi ca bắt đầu từ đó.

 California mùa An Cư 2024
Trần Kiêm Đoàn   
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top