TIỆM cho thuê sách một thời của Sài Gòn xưa

TIỆM cho thuê sách
một thời của Sài Gòn xưa
 
Ở Sài Gòn người ta không biết chính xác các tiệm sách mọc lên khi nào, nhưng lại rất chắc chắn các nhà cho thuê sách đã mọc lên từ trước những năm 1975. khi ấy, theo báo Thời Nam phát hành ngày 7 tháng 9 năm 1974 thì ước tính tại Sài Gòn thời điểm ấy có khoảng từ 2 đến 4 ngàn tiệm cho thuê sách.



Văn hóa đọc sách trở thành trào lưu nho nhã thu hút rất nhiều người từ tầng lớp bình dân đến tầng lớp trí thức, mọi người đều có đam mê đọc sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đủ kinh phí để mua sách mới đọc, khi ấy một loại hình kinh doanh mới ra đời – cho thuê sách. Từ những năm trước 1954, cho thuê sách chỉ xuất hiện ở trước các cổng trường. Người thuê sách đọc hôm nay, đến ngày mai lại mang sách trả lại tiệm với giá chỉ vài cắc. Đến năm 1954, trên đường Nguyễn Kim đã mở một tiệm cho thuê sách- đây chính thức trở thành dịch vụ chưa từng có tại vùng này.

Tuy nhiên, tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn có lẽ là tiệm Cảnh Hưng, ở đầu đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), có tới năm tầng lầu chứa sách. Chủ tiệm sách là ông Huỳnh Công Đáng, một người Việt gốc Tàu rất am hiểu về sách. Đến năm 1971, số sách ông cho thuê đã lên tới 20 ngàn cuốn, đủ các thể loại. Cảnh Hưng là nhà cho mướn truyện lớn nhất, nhiều sách nhất Đông Dương kể từ ngày 3 nước Đông Dương Việt-Miên-Lào có nhà cho mướn truyện. Đọc giả muốn thuê sách về đọc thì phải đóng tiền ”thế chân” bằng một nửa giá tiền sách in ở trang bìa, khi đem trả sách, Cảnh Hưng trả lại tiền thế chân, khách chỉ trả tiền thê sách cứ 1 cuốn sách là 1 đồng cho thuê trong 1 ngày.

Nơi đây, dân ghiền đọc sách có thể tìm ra bất cứ quyển sách nào, cho dù đã xa xưa hay khan hiếm trên thị trường. Không đủ khả năng để mua sách mới, mọi người tìm đến những tiệm cho thuê sách với giá cả phải chăng, thích hợp với túi tiền. Cửa tiệm là một ngôi nhà khang trang, được xây lên mấy tầng lầu chỉ để chứa sách. Ông bà chủ ở vào tuổi trung niên, tánh tình vui vẻ, hoạt bát và đặc biệt, cả hai biết rõ vanh vách tựa sách nào nằm ở kệ tủ nào, đang trong tình trạng cho thuê hay vẫn còn đâu đó trên kệ sách.
 
Loại sách nào được ưa thích nhất thời ấy ?
Đó là truyện chưởng Kim Dung. Các bộ truyện của Kim Dung hầu như không có tác giả nào có thể cạnh tranh nổi khi so về số lượng độc giả hâm mộ. Theo tác giả An Phong tường thuật trên báo Thời Nay, riêng bộ bảy tập tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái Đồ Long (sau này dịch tên chính xác là Ỷ thiên đồ long ký) của Kim Dung, tiệm Cảnh Hưng đã mua tới 100 bộ để cho thuê. Riêng các truyện khác như Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, mỗi tựa mua trên 10 bộ. Xếp sau truyện chưởng là loạt tiểu thuyết gián điệp Z.28 của Người Thứ Tám. Xếp sau sách gián điệp, có lẽ khó phân loại cho chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào số lần mướn nhiều thì nhà văn Việt được đọc nhiều nhất là Duyên Anh, rồi đến sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Người Sài Gòn nghiện đọc truyện võ hiệp, nôm na là Truyện Chưởng, những năm 1960-1970, thường đi mướn truyện về đọc, đọc xong mang trả đổi bộ truyện khác, ít người mua cả bộ truyện mới, vì không cần thiết, truyện võ hiệp đọc qua là bỏ, là quên. Mà truyện võ hiệp thường dài 6 tập, 8 tập, 10 tập, ngắn nhất cũng 4 tập. Sài Gòn lại có quá nhiều bộ truyện võ hiệp. Nhà Cảnh Hưng mua từ 20 đến 30 bộ tiểu thuyết mới ra lò, để dành thay thế những bộ cho mướn lâu ngày bị rách, nát, bị xé mất trang. Nhà Cảnh Hưng không chỉ có sách truyện võ hiệp mà có cả những sách văn học đàng hoàng, những ông nhà văn như ông Nguyễn Mạnh Côn đôi khi cần đến quyển sách cũ của ông, có thể đến tìm mua lại bản mới toanh được lưu trữ trong kho sách Cảnh Hưng.

Tuy nhiên, có khi hạnh phúc của người này là nỗi đau của người kia. Giới nhà văn cho là mình đang bị xâm hại quyền lợi. Một nhà văn gọi đích danh nghề cho thuê sách, hay cho mướn sách tùy theo người gọi là “hút máu văn sĩ”. Một nhà văn khác in thẳng lên trang sách đầu tiên của mình, cuốn Giờ ra chơi, hàng chữ “cấm cho thuê”.
 
Biến cố năm 1975 và sự sụp đổ của các tiệm sách cho thuê
Đến năm 1971, ước tính tiệm Cảnh Hưng thu được mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng thời ấy, một số tiền lớn. Các tiệm cho thuê sách tồn tại đến năm 1975 thì chấm dứt. Lúc đó, ngành làm ăn này đã phát triển tới hồi thịnh nhất. Đến chiến dịch thu gom văn hóa phẩm chế độ cũ khoảng tháng 6.1975, các nhà bán lẻ sách và tiệm cho thuê sách của tư nhân ngưng hoạt động, sách bị thu gom.

Biến cố tháng tư năm 1975 đã làm đổi thay mọi thứ. Các cửa hiệu bán sách giáo khoa hay cho thuê sách đều bị đóng cửa và “niêm phong”. Sách báo bị tịch thu và được gom lại chất thành đống giữa lòng đường. Người ta châm lửa và đốt sách. Những trang sách rách bươm bay tản mạn trong buổi trưa nắng buồn tênh. Mấy đứa nhỏ len lén nhặt và giấu vào trong túi áo. Trên báo Tiền Phong ra ngày 24.6.1975 theo tác giả Kim Nguyên cho biết tiệm Cảnh Hưng đã nộp cho đội công tác sinh viên, học sinh Trường Trí Đức 36 ngàn cuốn sách các loại.

Khoảng đầu thập niên 1990, loại hình kinh doanh cho thuê sách hoạt động trở lại và tồn tại cho đến ngày nay nhưng không còn trở lại thời hoàng kim như trước kia nữa.

   

Mãi về sau khi mấy mươi năm vật đổi sao dời, cuộc sống cũng khoác lên một màu áo khác. Các tiệm cho thuê không còn mọc lên nhiều nữa nhưng thấp thoáng đâu đó trên các nẻo đường Sài Gòn người ta lại thấy những cửa tiệm thu mua và bán lại sách báo cũ của một thời rất xa và xưa. Khi bước vào những tiệm sách cũ ấy, ta ngửi được cái mùi ngay ngáy pha chút ẩm mốc bốc lên từ những trang sách đã hoen màu vàng úa và in hằn nét thời gian. Ngó lên mấy bức tường mênh mông những giá sách. Như một phép lạ diệu kỳ, sách báo của chế độ trước đã bị thiêu hủy hầu hết mà hôm nay chúng hiện diện giữa cuộc sống xô bồ, nhan nhãn giữa một Sài Gòn không hoa lệ. Trên “con đường sách” gần nhà thờ Đức Bà có hẳn mấy gian hàng sách báo cũ, lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Lạ lùng hơn, độc giả hôm nay đa số là những em trai, gái còn rất trẻ, là sinh viên hay đã ra đời, đi làm và ở lứa tuổi trên dưới 30. Sách mới không đủ tính hấp dẫn, sách cũ khi được tái bản thường được “biên tập” lại (có nghĩa là bị cắt xén cho hợp thời) để tránh việc “nhạy cảm”, và dễ dàng cho việc xin cấp giấy phép ấn loát cũng như phát hành. Vì những lý do đó, các em đã tìm về nguồn sách báo cũ, để tìm hiểu, để chiêm nghiệm và ít ra, được sống lại một thời của Sài Gòn xưa.

 
Mấy mươi năm sau, khi mân mê trên tay từng trang sách cũ, dòng kỷ niệm như chợt về và đang sống lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Những ngày tháng ấu thơ giữa một miền đất ấm áp dù đã xa xôi nhưng vẫn ngập tràn trong cõi nhớ. Người muôn năm cũ đã khuất xa, bạn bè đứa còn đứa mất, nhưng con đường kỷ niệm sao cứ dài hun hút. Ngập ngừng bước chân trên lối cũ, hàng me tây vẫn bùi ngùi trút lá li ti như tiếc thương những tháng ngày hoa mộng. Thời gian trôi đi có trở lại bao giờ.

Mẫn Nhi


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top