Tâm Sự Cô Bé Học Dưới Bóng Đèn Đường

Tâm Sự Cô Bé Học Dưới Bóng Đèn Đường


Có ai về ngang qua những cột đèn của một thời xa xưa ấy, xin gom dùm tôi chuỗi thời gian khuất bóng năm nào. Đứa trẻ gầy guộc trong màn đêm đã học bài dưới ánh sáng của những tối sương mù, đã nợ quê hương muôn vạn lời xin lỗi nhớ nhung. Vì ba mươi ba năm trôi qua nơi xứ người với gót chân đầy bụi bám, tôi vẫn chưa dám một lần về thăm đất mẹ quê cha, bởi mặc cảm đã rời nơi chôn nhau cắt rốn tìm cho mình một phương hướng mới để thay đổi phận người. Nhưng trong trái tim tôi vẫn còn nguyên vẹn ảnh hình quê hương thời trẻ dại.

Duyên nghiệp đã ban tặng cho tôi được sinh ra trong một gia đình ưu tú, cha làm chánh sở kiểm soát chi tiêu tài chánh toàn miền Nam và mẹ là người phụ nữ nhân từ đức hạnh. Biết bao người nghèo khổ đã từng sống dưới sự giúp đỡ của bố mẹ tôi, thế mà sau năm 75, họ đấu tố gia đình tôi là tư sản ngụy quân, có con du học nước ngoài để chiếm nhà bố mẹ, rồi đề nghị gia đình tôi đi kinh tế mới giữa lúc tôi còn đang ôm mộng tưởng dựng xây đất nước sau chinh chiến điêu tàn

Mỗi ngày, tôi một cô bé ốm tong teo phải đạp xe mấy lần trên 30 cây số để chuyên chở cả trăm kí khoai mua bán kiếm tiền. Còn có lắm lần phải đi nhặt bao rác khắp nơi. Rồi chờ màn đêm buông phủ, ánh sáng trên cao hắt xuống lấp lóe một góc trời, tôi trầm mặc ngồi dưới ngọn đèn đường mở từng trang vở học bài với đôi mắt quầng thâm, dáng nhỏ cô liêu lạc lõng vẫn quyết tâm mở lối cho tương lai chông chênh xa tít chân trời. Và … tôi cũng đã bước lọt vào ngưỡng cửa đại học lúc bấy giờ.

Là sinh viên phải học tập quân sự, đào hầm chông dự phòng Trung quốc tấn công, tôi từng ngâm thân thể cả ngày dưới lớp sình bùn lầy lội, để đêm về nghe đá thở buồn tê tái khi nghiêng mình nằm trên những mộ bia, nghe thời gian gõ nhịp ưu tư theo dòng đời biến động, để chìm vào giấc ngủ hoang mơ, trái tim còn đầy ấp tư tưởng chung tay xóa đói giảm nghèo, góp phần nào sức lực cho quê hương yêu dấu, dù bố mẹ tôi đang hết sức cố gắng phát triển con đường học vấn cho thế hệ cháu con.
Cuối cùng, tôi cũng đi theo gia đình xuất ngoại với sự bảo lãnh của người chị đang học lấy mảnh bằng Ph.D bên Úc. Mẹ làm nghề buôn bán đất đai, phải ký giấy hiến cho nhà nước 9.000 m đất trước khi cả gia đình rời xa xứ sở.

Rồi một ngày tôi cũng ra đi
Xin từ giả ngọn đèn tri kỷ!
Góc trời nào em còn đứng đợi?
Năm tháng nào kỷ niệm còn ghi?

Năm 84 mới đến Úc, tôi cho rằng mình là loại người vừa câm vừa điếc, vì nói không được và nghe ngoại ngữ cũng không xong. Nhìn đám con quá lao nhọc trong việc học hành, bố đau lòng khi hiểu dân Úc học bỏ ra 40 tiếng, còn chị em tôi phải mất 80 đến 100 tiếng mỗi tuần trong thời gian học Uni. Liên tiếp 3 năm, mấy chị em  tôi quay quần cùng nhau học miết trên bàn ăn, ban đêm không dám vào phòng ngủ, mùa đông mà vào phòng ngủ là làm một giấc luôn tới sáng, làm sao còn đủ giờ để học.
Vừa hoàn tất IT ngành Computer Science ở Deakin University, tôi có job ngay ở trường, nhưng cuối tuần vẫn phụ bán bánh mì hoặc đi làm thêm hãng khác mong có tiền giúp đỡ thân nhân còn lưu lại VN.

Lúc vừa sang đây, một mình anh rể đi làm nuôi cả nhà 11 người, để tiết kiệm tiền xe lửa nên bốn chị em tôi theo xe anh từ 7.30 am đến 7.30 pm mới cùng anh trở về. Thời gian đầu còn học Anh văn ở Myer House trên City, sau khi tan học, 4 chị em lang thang tìm mua đồ sales để mỗi năm gởi 300 kg hàng về bà con ngoài Bắc lẫn trong Nam. Đôi lúc mua đồ sales nhiều quá, chị em tôi chia nhau đứng hai đầu canh chừng hàng, rồi chuyển dần từ chợ Victoria về công ty chỗ anh rể làm trên đường Colin St. Người gác cổng cứ cười hoài vì phải đóng mở cửa liên hồi, ông ta chẳng hiểu đám nhà quê này ăn gì mà mua đồ nhiều như vậy.

Bây giờ dạy sinh viên, có người đã làm giám đốc bên Mỹ, bên Anh hay Đức, họ học IT qua Cloud ở trường. Mỗi khi nhớ về dĩ vãng, tôi thường nói với học sinh rằng hiện nay họ có đầy đủ điều kiện và môi trường học thật dễ dàng. Nhưng không bao giờ tôi mặc cảm với những ngày khó nhọc đã trải qua, vì có nhìn thẳng vào đau khổ như uống cạn từng giọt cay giọt đắng trong đời, mới biết cảm thông với nỗi thống khổ của tha nhân. Chính nhờ khổ đau này đã hướng tôi về với đạo, đã cho tôi sức kham nhẫn chịu đựng dẻo dai. Cho tôi thấy bản chất thật của cuộc đời và nhìn ra nguyên nhân sâu xa của nó. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ là duyên, còn nhân là do ở trong tâm mình nhờ có niềm tin như vậy nên tôi biết an nhiên sống chân thiện mỹ, không có thái độ nắm bắt hay phê phán nhị nguyên mới chuyển hóa tận nguồn gốc của nghiệt ngã cơ cầu.
Đạo là lẽ sống hồn nhiên lặng lẽ, trí tuệ và từ bi chỉ hiện diện trong sự tương giao phóng khoáng, một loại tình thương thông cảm vô bờ vô ngã luôn hiện diện muôn đời trong vũ trụ. Khi trái tim bao dung rộng mở thì cho ra hay nhận vào, chối từ hay mời mọc cũng là một hành động vị tha, cho chúng sanh biết sống tỉnh thức trong lành thì họ mới phát huy được chân tánh, mới trở về được với bản nguyên diệu dụng vốn có sẵn trong mỗi con người.

Bố mẹ đã vĩnh viễn xa con để về một phương trời khác. Nhưng bố mẹ ơi, con đã hiểu rồi. Chúng sanh xa nhau chỉ vì trong nhịp sống dạt dào vô tận diệu kỳ này, người ta cứ hòa mình theo thăng trầm vui khổ, họ nào biết những cung điệu muôn màu đó đã dệt nên một bản tình ca rực rỡ hòa đồng, cho tình yêu mãi là sự tương giao lung linh như nắng mới, luôn mang nét thanh tân hiện tại nhiệm mầu từ vô thủy đến vô chung.

Viên Hướng

Viết theo lời kể của một người bạn)
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top