Soạn giả Nguyễn Phương: Nghệ sĩ “khổng lồ” trên sân khấu Thủ Đô xưa ​​​​​​​

Nghệ sĩ “khổng lồ” trên sân khấu Thủ Đô xưa
Soạn giả Nguyễn Phương


Nhân viết tưởngniệm cố nghệ sĩ Ngọc Hương, vợ của ông bầu Thu An đoàn hát Hương Mùa Thu, tôi nhớ đến anh nghệ sĩ “khổng lồ” của đoàn hát Thủ Đô – Ba Bản, sau khi đoàn Thủ Đô rã, anh đi hát cho đoàn Hương Mùa Thu của bầu Thu An.


Anh Khổng Lồ va Bo Bo Hoàng

Năm 1960, ông bầu Ba Bản, chủ hãng dĩa Hoành Sơn thành lập đoàn hát Thủ Đô với kỳ vọng thay đổi bộ mặt sân khấu cải lương bằng cách cải tiến phong cách trang trí sân khấu, dàn cảnh, sử dụng ánh sáng sân khấu, y phục diễm lệ và chăm sóc cốt truyện tuồng tích, văn chương và bài bản cổ nhạc. Tuồng khai trương đoàn Thủ Đô – Ba Bản là tuồngdã sử Tiếng Trống Sang Canh của soạn giả Thu An. Trong tuồng này có một lớp diễn cho “Người Khổng Lồ” trong vai đao phủ thủ, chuyên chặt đầu những kẻ chống lại bạo chúa Lê Long Đỉnh.

“Người khổng lồ” tên Nguyễn văn Dữ, sanh năm 1935, tại quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cùng quê với ông bầu Ba Bản và soạn giả Thu An. Anh Nguyễn văn Dữ người khổng lồ cao 2 thước 20, bàn chân dài gần bốn tấc. Y phục, giày, vớ, nón và mọi đồ dùng cá nhân của người khổng lồ được ông Ba Bản đặt làm riêng cho anh đúng theo kích thước và sự cần dùng của người khổng lồ. Dù không phát âm rõ ràng, giọng nói ồ ề, không ca được bài bản cổ nhạc nhưng nghệ sĩ Người Khổng Lồ lại là yếu tố thu hút khán giả rất mạnh cho đoàn hát Thủ Đô.

Trong tuồng Tiếng Trống Sang Canh, nữ nghệ sĩ Ngọc Hương thủ vai Quốc Hương, bị ông thầy chàm (danh hài Ba Vân thủ diễn) cho uống độc dược theo lịnh vua Lê Long Đỉnh nên bị lở loét như bịnh phong cùi. Nhờ em bé Bo Bo (nữ nghệ sĩ trẻ Thanh Hoàng, con của cua rơ Lê Thành Các thủ diễn) đem thuốc giải độc cho Quốc Hương nên mới bị người khổng lồ bắt, xách ngang eo ếch, đem đi chặt đầu. Người khổng lồ tay xách cây đao bản lớn hơn hai tất, dài một thước năm mươi phân, tay kia nắm ngang eo ếch của Bo Bo, giơ lên cao, đi ngang trước tấm décor fixe, dừng lại hướng về khán giả, giọng nói ồ ề: “Chống vua, ta giết!” “Chống vua thì chết”.., nói xong, xách ngang eo ếch Bo Bo đi vô. Thanh Hoàng nổi danh nhờ vai Bo Bo nên cô đổi tên nghệ sĩ Thanh Hoàng thành tên Bo Bo Hoàng, Người Khổng lồ Nguyễn Văn Dữ thành tên Đao phủ thủ Dữ.

Năm 1963, gánh hát Thủ Đô -Ba Bản rã. Người khổng lồ trở về quê ở Ba Tri.


Soạn giả Thu An và người vợ chung thủy của ông, nữ nghệ sĩ Ngọc Hương.

Năm 1964, soạn giả Thu An lập gánh Hương Mùa Thu , nữ diễn viên có: Ngọc Hương, Bạch Lê, Ngọc Lan, Bo Bo Hoàng, Thanh Như Nguyệt, Thanh Hồng; nam diễn viên có: Thanh Hải, Út Hiền, Hề Minh, Hề Bảy Xê, Minh Hải, Chí Thanh và người Khổng lồ Nguyễn Văn Dữ.

Tuồng khai trương “Tiếng Nhạc Rừng Xanh”hát ở rạp Nguyễn văn Hảo một tuần lễ, sau đó đoàn Hương Mùa Thu mở chuyến lưu diễn, trạm đầu tiên là tỉnh Bến Tre để Thu An đón anh khổng lồ Nguyễn Văn Dữ theo đoàn hát. Đoàn Hương Mùa Thu lưu diễn các quận ở Cù Lao Minh, Cù Lao Bảo, huyện Ba Tri, huyện Mõ Cày, huyện Thạnh Phú, và đến các vùng ven biển quận Khâu Băng, bờ biển Ba Tri…Nơi nào khán giả cũng đến thật đông để xem anh khổng lồ hát cải lương, người khổng lồ múa đao, người khổng lồ dê gái. Trong tuồng Tiếng Nhạc Rừng Xanh, anh Khổng Lồ trong vai chúa tể rừng xanh ra lệnh cho hai cận tướng Hề Minh(ốm tong teo) và hề Bảy Xê (mập bụng tròn vo) đi bắt Công nương Kiều Mỹ Dung (Ngọc Hương) về làmáp trại phu nhơn. Kiều Mỹ Dung thấy mặt chúa tể khổng lồ, kinh sợ sắp ngất xỉu. Hề Minh nhỏ con, cái mỏ chu nhọn hoắc và hề Bảy Xê, mập, lùn, cái miệng cười toe toét, cả hai dạy cho ông khổng lồ cách tỏ tình dịu dàng để đừng gây kinh động công nương Kiều Mỹ Dung. Lớp diễn này tạo cười cho khán giả.Khi người khổng lồ khóc ồ ồ lên vì thất tình, cho đến khi dũng sĩ Thanh Hải đến đánh đuổi gã khổng lồ để cứu Công Nương thì tuồng hát mới vàochính mạch: Tình yêu kỳ diệu giữa Công Nương Kiều Mỹ Dung và dũng sĩ rừng xanh Thanh Hải.

Ở tỉnh Bến Tre, đợt lưu diễn đầu tiên, Đoàn Hương Mùa Thu hát ăn khách quá sự dự liệu của ông bầu Thu An. Với sự hiện diện của anh nghệ sĩ khổng lồ, bất cứ đến rạp hát nào, quận nào, chỉ trong hai hôm đầu là vé bán sạch trọn cả tuần đó. Đến khi định hát ở miền Trung thì Thu An quyết định cho anh kép khổng lồ nghỉ việc. Lý do rất đơn giản, đoàn hátkhông giải quyết được việc chuyên chở anh Khổng Lồ ra các tỉnh miền Trung. Một mình anh khổng lồ ngồi đã chiếm hai phần ba chiếc camion chở cảnh trí. Cái đầu của anh ló ra khỏi cái mui xe camion.Đường ra miền Trung nhiều đèo nhiều hố bên đường núi, việc chuyên chở anh khổng lồ theo không bảo đảm an toàn.

Nhớ lại khi hát ở huyện Mỏ Cày, đoàn hát trú ngụ nơi lẫm lúa bên kia sông, bên này sông là rạp hát, mỗi ngày vào giờ tập tuồng và mỗi chiều trước khi đoàn mở màn hát, hàng chục cảnh sát ở huyện phải khó khăn giải tán số khán giả đứng trên cầu gỗ bắt qua sông Mỏ Cày. Dân hiếu kỳ đứng nghẹt hai đầu cầu khi anh khổng lồ đi đến giữa cầu. Anh không đi tới qua rạp hát được mà cũng không có đường trở lại lẫm lúa, nơi anh ở. Khi anh khổng lồ đến giữa cầu thì dân ở hai bên đầu cầu tràn lên, chen nhau để tới gần anh, rờ tay, mó chân, kéo áo anh, tặng trái cam trái chuối, Anh tên Dữ mà hiền khô, ai làm gì trêu ghẹo anh, anh cũng chỉ cười trừ nhưng cảnh sát sợ sập cầu, thổi tu huýt giải tán dân như giải tán một cuộc biểu tình vĩ đại, thật là vất vả.

Có địa phương đòi đoàn hát phải đóng thêm tiền mướn cảnh sát để tăng cường giữ trật tự. Có nơi chủ rạp không cho anh khổng lồ ngủ trong rạp vì sợ dân hiếu kỳ tràn vô làm gãy ghế trong rạp hát. Mà mướn nhà dân cho anh ở cũng không phải dễ. Nhà lá ở thôn quê, mái thấp, anh không chun vô nhà được. Con nít thấy anh là khóc ré lên. Khó khăn này chỉ mới kể đến việc ăn, ở của anh khổng lồ nơi đoàn hát đến. Còn nhiều khó khăn nguy hiểm khi đoàn hát di chuyển. Nếu đi ghe trên sông, rạch, anh Dữ ngồi yên thì tốt, khi anh trở mình thì ghe chuyển động như sắp chìm. Khi có gió to sóng lớn, ghe lắc lư, anh lắc theo thì sức nặng của anh có thể kéo cho ghe nghiêng hẳn và chìm ghe là cái chắc. Lợi bất cập hại, ông bầu Thu An đành phải xa anh thần tài khổng lồ của anh.

Người khổng lồ Nguyễn Văn Dữ được tặng cho một ngôi nhà lá, nóc cao, cửa rộng, ba công vườn dừa và hai công vườn cam, quít ở huyện Ba Tri, anh không theo đoàn Hương Mùa Thu nữa.

Trong lịch sử sân khấu cải lương, diễn viên lùn, mập hay thật cao, ốm thì không phải ít nhưng to con như anh khổng lồ Nguyễn văn Dữ thì chỉ có một mình anh. Nhắc đến diễn viên khổng lồ Nguyễn Văn Dữ như là khẳng định tính cách tự do kinh doanh dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, những nghệ sĩ buộc phải là chiến sĩ tuyên truyền, phải hát những bài hát theo đúng đường lối chính trị của đảng. Anh Dữ giọng nói ồ ề khó nghe, không ca, không hát được, không đủ tiêu chuẩn một chiến sĩ tuyên truyền, không thể nào theo đoàn hát Hương Mùa Thu như anh đã được theo.

Năm 2000, tôi về thăm quê hương, gặp hai soạn giả Thu An và Kiên Giang, biết gánh Hương Mùa Thu rã, hàn huyên tâm sự, tôi nói: “Thu An xưa nay nổi tiếng là một ông bầu nhiều phù phép. Gặp khó khăn trở ngại nào, anh cũng có cách vượt qua. Còn nhớ năm 1964, đoàn Hương Mùa Thu mới khai trương giữa nhiều gánh hát đại ban như Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chưởng, Kim Chung, Dạ Lý Hương, anh đã có diễn viên khổng lồ Nguyễn văn Dữ là một chiêu bài ăn khách một cách kinh thiên động địa. Năm 1966, đoàn Hương Mùa Thu đang hát ở Quảng Ngãi, bị bão lụt, di chuyển khó khăn, lại không có đất để trình diễn, hơn nửa tháng trời đói lạnh, vậy mà anh vẫn đưa Hương Mùa Thu vượt qua được tai trời ách nước. Đoàn lấy lại được phong độ, hát đông khách như ngày mới thành lập. Năm 1968 Tết Mậu Thân, súng nổ đầy trời, dân tình khổ sở, giới nghiêm trong toàn miền Nam không hát được ban đêm trong vài ba tháng, nhiều đoàn hát nhỏ và bực trung bị rã gánh, vậy mà đoàn Hương Mùa Thu vẫn tồn tại, hát cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau tháng 4 năm 1975, tất cả các đoàn hát cải lương của toàn miền Nam bị giải tán, riêng đoàn Hương Mùa Thu được phép thành lập lại. Các đoàn hát cải lương tập thể mới thành lập được cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin đưa xuống làm Trưởng đoàn. Riêng Hương Mùa Thu thì Trưởng đoàn hay Bầu gánh cũng là ông soạn giả Thu An. Đoàn Hương Mùa Thu được ưu đãi mà sao đến năm 1990 anh lại cho rã gánh, cho Minh Phụng mướn xác gánh để lập thành đoàn hát Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng?”

Ông bầu Thu An trầm ngâm rất lâu, dường như không dám nói sự thật, nhưng sau cùng anh cũng nói như trút một gánh nặng đang đè trong tâm trí: “Anh Nguyễn Phương cũng biết: Gánh hát cải lương đối với tôi, với Ngọc Hương và cả những người trong gia đình chúng tôi, đó là lẽ sống! Bao nhiêu tâm huyết, tiền của, cả gia đình tôi đều bỏ ra để thực hiện ước mơ làm sống mạnh đoàn Hương Mùa Thu, bằng chứng là tôi đã bán đi dãy phố lầu đúc 12 căn, bán luôn cái villa nhà của vợ chồng tôi đang ở để lấy tiền bù lỗ, vực dậy gánh hát. Kết quả là dù làm gì, dùng mánh khóe nào, gánh hát cũng đến kết quả là phải chịu tan rã thôi. Sự thật thì báo Sân Khấu của Thành Phố cũng đã nhiều lần đề cập rồi nhưng không ai giải quyết, đưa đến tình trạng sân khấu cải lương bế tắc, xuống dốc thảm hại như hiện nay.

Hồi trước 75, ở Saigòn, Chợ Lớn và Gia định có 39 rạp hát dành cho cải lương. Bây giờ chỉ còn duy nhứt rạp Hưng Đạo, mà rạp Hưng Đạo do đoàn cải lương Trần Hữu Trang quản lý. Trần Hữu Trang có ba đoàn hát, khi nào ba đoàn đó không hát thì mới cho các đoàn hát Tập Thể mướn, Hương Mùa Thu phải thường đi lưu diễn nhưng rạp hát ở tỉnh đã biến thành Trung Tâm Văn Hóa, không có thể thường xuyên cho đoàn hát cải lương mướn. Cải lương phải mướn sân banh, bãi đất nào đó, mướn cà tăng bao quanh làm sân khấu và khán phòng, mướn ghế cho khán giả ngồi, mướn dàn đèn, máy đèn, mướn chỗ cho nghệ sĩ ở, chỗ làm bếp, chỗ vệ sinh. Phải mướn Du kích, Tự Vệ và cảnh sát xã để giữ trật tự… Bãi diễn thì phải trả từ 15 phần trăm đến 20phần trăm tiền thu của một suất hát…

Đó là chưa kể hàng đêm phải cho các cơ quan và chánh quyền địa phương hàng trăm vé ghế thượng hạng để các quan chức địa phương giải trí ! Ở TPHCM thì bao nhiêu rạp hát ngày trước như Quốc Thanh, Cao Đồng Hưng, Lao Động A, Lao Động B, rạp Quốc Tế, rạp Kim Châu, rạp Oscar, rạp Thủ Đô, rạp Long Vân… được biến thành restaurant cho mướn tiệc tùng, đám cưới, hoặc trở thành casino cho cờ bạc, roulette, hoặc làm nhà bán sách hoặc làm trung tâm văn hóa. Không có rạp hát để hát thì các đoàn hát cải lương giống như các người mua bán, không có chợ, không có cửa hàng thì phải đi mua gánh bán bưng, bán hàng rong trên hè phố. Đoàn hát cải lương không rạp hát phải xé lẻ ra đi tấu hài, hát ca khúc hoặc trích đoạn cải lương ở các tụ điểm văn hóa của các phường. Kiểm duyệt tuồng khó khăn, hơn mười mấy năm sau giải phóng, có soạn giả miền Nam nào có được tuồng do hội đồng kiểm duyệt cho phép hát không?

Trước 75, bão tố, lụt lội, mình khéo ngoại giao thì quận trưởng hay tỉnh trưởng là nhà binh, họ cho xăng nhớt, có khi cho vài bao gạo hay cho cả một con bò để cứu đoàn hát qua cơn đói vì không hát được. Tuồng tích thì viết tự do, theo tâm lý và sở thích của khán giả, do đó khi hát thì có khán giả đến xem đông đảo. Còn bây giờ tuồng hát phải sáng tác theo định hướng chính trị. Định hướng đó chưa chắc gì khán giả muốn theo, vậy nên khó mà thu hút khán giả đến xem hát như hồi xưa. Thêm vào đó, khi đi lưu diễn thì mỗi xã, mỗi huyện, mỗi tỉnh mỗi địa phương đều có một ông vua, nhiều ông vua, có luật lệ riêng, thâu tiền rạp, tiền bãi diễn tùy theo ý thích, đó là chưa kể nạn côn đồ, con cháu các cán bộ ở địa phương, xem hát cọp mà dẫn theo mỗi toán vài chục người trong gia đình, bè bạn, vô ngang nhiên chiếm ghế ngồi, gây trở ngại cho đoàn hát và khán giả đã mua vé xem hát mà mất ghế ngồi. Không phải chỉ riêng đoàn Hương Mùa Thu phải rã gánh mà còn các đoàn hát khác cũng phải chịu rã gánh như đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long, Saigon 1, 2, 3, Phước Chung, Kim Cương, Thanh Nga….Còn nhiều nữa, nói chi thêm buồn!”
Tôi hỏi: “Ví dụ có nghệ sĩ khổng lồ như anh Nguyễn Văn Dữ, có thể kéo khán giả đến xem hát như hồi xưa không?”
Kiên Giang cười hề hề: “Nếu có anh khổng lồ Nguyễn văn Dữ đó thì trong thời buổi sau 1975 anh ta đã chết đói nhăn răng ra rồi! Tóm lại lịch sử cải lương miền Nam chỉ có một nghệ sĩ khổng lồ là anh Nguyễn văn Dữ mà thôi !”

Nhớ sân khấu cải lương thời hoàng kim.
Soạn giả Nguyễn Phương
Tháng 12/2017
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top