Phạm Đức Thân: THỜI GIAN VÀ ĐỒNG HỒ

Phạm Đức Thân

THỜI GIAN VÀ ĐỒNG HỒ
 
http://art2all.net/tho/phamducthan/dongho_prague_1410.jpg
Orloj, đồng hồ thiên văn tại Prague, Tiệp Khắc,
được chế tạo khoảng năm 1410 và vẫn còn hoạt động
 
 Năm hết, tết đến, Xuân lại về. Mọi người hớn hở đón mừng năm mới. Có lẽ chỉ riêng một số người già thất thập như tác giả là cảm thấy chút ngậm ngùi, thời gian qua nhanh quá, quỹ thời gian lại vơi đi một chút. Vậy thời gian là cái gì mà khiến có người vui, kẻ buồn, cũng như biết chạy nhanh chậm, và có thể đong đếm?
 
Thời gian là một phạm trù trừu tượng rộng lớn được bàn luận nhiều. Plato cho rằng thời gian phản ánh vĩnh cửu, là mặt thật của thực thể. Theo Kant thời gian là hình thức tiên nghiệm của cảm nhận mà ta phóng chiếu vào cái nhìn thế giới. Nhà vật lý nghĩ rằng thời gian là một chuỗi liên tục, trừu tượng nhưng đo lường được, có tính đồng nhất, và có thể chia nhỏ thành những đơn vi (vd. giây, phút, ngày, tháng, năm... ) Nó chỉ có một chiều (khác với không gian ba chiều) và theo hướng không thể đảo ngược "quá khứ - tương lai". Thời gian có tính đồng thời, nghĩa là tại một thời điểm nào đó có thể xẩy ra nhiều sự việc cùng lúc.
 
Nhà sinh học Lecomte du Nouy nhận thấy vết thương lành mau hay chậm tùy theo tuổi bệnh nhân, đã nghĩ ra thời gian sinh học, theo đó mỗi cá nhân có một thời gian sinh lý nội tại với đơn vị thời gian cá biệt. Đơn vị này dùng đo thời gian vật lý của thế giới bên ngoài sẽ cho cảm nghiệm càng già ngày tháng càng ngắn.
 
Qua các nhận xét trên ta thấy có lẽ các khái niệm về thời tính (các đặc tính của thời gian), thời điểm, thời lượng.... giúp hiểu rõ thời gian một cách dễ dàng và cụ thể hơn. Đây cũng là khảo hướng của các nhà tâm lý học, hiện tượng học (như Husserl, Heidegger...) cho rằng không có thời gian khách quan tuyệt đối, nhưng chỉ có thời gian chủ quan, tương đối. Thời gian là tương quan giữa người và sự việc mà người cảm nhận. Bài này chú ý đến khía cạnh tâm lý, xã hội, cũng như tổ chức xã hội của thời gian, đồng thời xét xem phát minh dụng cụ đo thời gian là đồng hồ đã tác động trên con người như thế nào.
 
Thời gian có hai hình thức: Thời gian nhất quán bắt nguồn không phải từ ký ức, mà từ các hình thức hoạt động như báo cáo thời sự, tường thuật, lịch sử.... có tính trước sau, theo thứ tự thời gian. Thời gian không nhất quán được giải phóng khỏi thời gian thực, xếp đặt xáo trộn trở thành như trò chơi, xuất hiện trong thi ca, tiểu thuyết hư cấu..
 
Người năng nổ hoạt động, quan tâm lấp đầy mỗi phút trong ngày càng nhiều công việc càng tốt. Luôn cảm thấy thời gian trôi nhanh không kịp cho mình làm thêm. Đừng phí thời gian. Thời giờ là tiền bạc. Ngược lại người chậm chạp, lười biếng không hề sợ mất thời gian, cứ tà tà với thời gian lãng đãng. Người thâm trầm suy ngẫm về thế giới và lặng lẽ phát triển bản ngã theo năm tháng. Người thích huyền bí cố gắng siêu việt thời gian bình thường bằng ma túy để có kinh nghiệm sống cả năm trong chỉ vài giờ. Người bị tâm thần cảm thấy thời gian chán ngấy và phải giết thời gian; hoặc là phí thời gian bằng trì hoãn liên tục để rồi cuối cúng lại hà tiện thời gian qua vội vàng thực hiện. Ai chờ đợi mới chục phút mà chả cảm thấy như cả giờ. Các tác phong trên cho thấy người ta cảm nhận thời gian rất chủ quan và khác nhau rất nhiều. Trong ý nghĩa đó, có thể bảo chúng ta là thời gian, sống thời gian, vì có thế mới cảm nhận được hiện tại và liên kết với quá khứ cũng như tương lai.
 
Vậy cái gì là cảm nghiệm chủ quan tức thì nhất đối với thời gian? Đó là dòng chẩy cuộc sống, cảm nghiệm như là một sinh lực tự phát, biểu hiện trong các lối nói "dòng ý thức " " đà sống". Dòng chẩy này liên tục, tồn tại tự thân, độc lập với chuỗi các sự việc đang diễn biến đồng thời với nó. Chỉ người bị trầm cảm nặng mới cảm nghiệm bất thường rằng thời gian quá chậm, dòng chảy như ngưng trệ, có khi khựng lại hoặc đảo ngược.
 
Thời gian được cảm nghiệm như dòng chẩy với một tốc độ. Tốc độ này không phải là nhịp hoạt động tư riêng của mỗi cá nhân (thường không đổi dù về già, và có tính di truyền). Cũng không phải là nhận biết về thời lượng (từ thời điểm này tới thời điểm khác). Cảm giác về tốc độ thời gian là một nhân tố đặc thù trải qua thăng trầm như hình cánh cung trong suốt đời người. Với người trẻ, thời gian hình như chảy chậm hơn nhiều so với người lớn; và tốc độ thời gian có vẻ như gia tăng khi càng về già, khiến người già thường than thở thời gian qua mau quá. Có hai giai đoạn trong đời tốc độ thời gian hình như tăng nhanh: một là từ dậy thì đến 22-24 tuổi; hai là từ non nửa đời người còn lại về sau.
 
Tốc độ thời gian cũng bị thay đổi theo hoàn cảnh. Người đang lo âu, buồn rầu, chán nản, thương tiếc cảm thấy thời gian chạy chậm, nhưng lúc hạnh phúc, vui vẻ, hứng khởi thì lại thấy sao đi quá nhanh (trừ trường hợp tác dụng của thuốc phiện, ma túy hồn lâng lâng sảng khoái lãng đãng trong thời gian thật chậm). Người tâm thần phân liệt cảm thấy thời gian hiện tại như cố định, có ảo tưởng mình là bất tử, điều mà người bình thường không sao hiểu được. Người khùng chưa tới mức điên, thấy thời gian qua nhanh, giống như người già. Nhưng nếu già mà trầm cảm thì lại thấy thời gian thật là chậm.
 
Dòng thời gian được cấu tạo tự động thành chuỗi một chiều "quá khứ- hiện tại- tương lai". Hiện tại là "bây giờ hằng hữu"; quá khứ là "vừa rời đi" nhưng vẫn còn đọng trong ký ức; tương lai là "sẽ đến" còn mở rộng để tiên liệu, hoạch định. Chúng được cảm nghiệm khác nhau tùy tâm thái chủ quan mỗi người.
 
Hiện tại không giống cái sát-na (chữ mượn của Phật giáo) là đơn vị nhỏ nhất của thời gian vật lý. Cũng không phải là "chốc lát" có tính chất tâm sinh lý, là thời gian tối thiểu cần thiết để cảm nhận phân biệt hai xúc tác.
 
Hiện tại được cảm nhận như là một phần nhất định của thời lượng, chỉ có thể cảm mà không xác định được. Có người phân biệt hiện tại thành "ngay bây giờ" ví như đỉnh núi, và "hiện tại đúng nghĩa" ví như cao nguyên, để cho thấy cụ thể thời lượng khác nhau của chúng. Người bình thường sống hiện tại là nhận biết hoạt động của mình, cũng như động cơ tiềm ẩn bên trong của chúng. Hiện tại sống, là một hành động, một trạng huống khá phức tạp mà ta nắm bắt được qua nhận thức cho dù nó phức tạp và ít nhiều lâu mau. Nhờ hoạt động "hiện tại hóa" này mà trí óc liên kết được với quá khứ và tương lai.
 
Tương lai "mở" theo nghĩa: mặc dù mọi sự không chắc chắn (trừ chắc chắn chết nhưng không biết ngày nào) nhưng có thể hoạch định hợp lý phóng chiếu vào tương lai với hy vọng sẽ có kết quả. Người tâm thần hay trầm cảm không hoạch định được vì tương lai của họ trống rỗng hoặc bị chặn lại.
 
Quá khứ là cái "bỏ lại đằng sau" nhưng vẫn còn là thực thể sống động, vì có thể tiếp cận, đánh giá, và biến đổi. Tiếp cận hồi ức có thể đúng sai ít nhiều so với thật sự; và người có học đa số thường nhớ đúng hơn người ít học. Đánh giá quá khứ có thể tiêu cưc, làm xấu hổ hoặc ám ảnh bởi chuyện đã qua, nhưng cũng có thể tích cực, làm cầu nối bắc vào hoach định tương lai. Riêng với người bị bệnh hoang tưởng, quá khứ không phải cố định khép lại, mà được họ mở ra với những biến đổi do họ hoang tưởng.
 
Tuy phân biệt quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng ta cảm nghiệm chúng qua một cấu trúc gồm nhiều giai đoạn với các vùng cảm nghiệm tương ứng. (Các giai đoạn này là thời gian cảm nghiệm, chứ không phải thời gian vật lý khách quan.).
 
- quá khứ xa: vùng của lãng quên
- quá khứ vừa: vùng của hối hận, thương tiếc
- quá khứ gần: vùng của ăn năn, ân hận
- hiện tại
- tương lai gần: vùng của chờ đợi, hoạt động
- tương lai vừa: vùng của ước muốn, hy vọng
- tương lai xa: vùng của cầu nguyện, tích đức
 
Bình thường là như thế, nhưng trong trường hợp khó khăn như lưu đầy, thất nghiệp lâu dài.... người ta không thể cảm nhận được tương lai vừa, và dòng thời gian như bị hụt hẫng giữa hiện tại và tương lai, khiến không thể hoạch định tương lai.
 
Cái cảm nghiệm gọi là "ý nghĩa cuộc sống" liên hệ chặt chẽ với thời gian cảm nghiệm. Nhìn về tương lai là để tiếp tục, gặt hái kết quả, có khi để sửa sai quá khứ và hiện tại, Vd. trả nợ, thành đạt, sống tốt hơn, vui hưởng... Những người tâm thần bất bình thường cảm thấy tương lai trống rỗng hoặc tắc nghẽn thì nhất định sẽ thấy cuộc đời vô vị, không còn ý nghĩa. Cảm nhận thời gian bị lêch lạc sẽ làm ý nghĩa cuộc sống bị biến dạng.
 
Có người đã tổng kết cảm nhận thời gian trong cuộc đời như sau: 1 tuổi sống trong hiện tại, 3 tuổi biết có những giờ đều đặn trong ngày; 4 tuổi biết hôm nay, và 5 tuổi biết thêm hôm qua và ngày mai; 8 tuổi đếm từng tuần, và nghĩ là bất tận; 15 tuổi đơn vị đếm là tháng và 20 tuổi đơn vị là năm; 40 tuổi đơn vị là chục năm. Liên quan đến thời gian, có thể phân biệt: người hướng ngoại nhìn về tương lai nhiều hơn người hướng nội thích dựa vào quá khứ. Về cá tính, người hướng ngoại thường cởi mở, vui vẻ với mọi người; người hướng nội khép kín, suy tư, ít giao thiệp.
 
Thật ra mặt khác, sau nhiều thí nghiệm phức tạp của vật lý lượng tử, các nhà
vũ trụ học cũng đi đến kết luận: không có thời gian độc lập riêng rẽ với đời sống, giống như các triết gia thường nói khi chết (không có sự sống) người sẽ tự động vào cõi vĩnh hằng (không có thời gian). Ý niệm quá khứ và tương lai chỉ là một cách ghi nhận của quá khứ so với hiện tại (ngay hiện tại cũng chỉ là một xung động điện thần kinh của não bộ). Thời gian không phải là một thực thể.

 
Tới đây sự thật rõ ràng là con người cảm nhận thời gian khác nhau tùy cá tính, hoàn cảnh, đưa tới vui buồn khác nhau. Và thời gian tâm lý này có vẻ co dãn không thể đo lường được; trong khi với thời gian vật lý con người đã phát minh ra đồng hồ để đo thời gian. Ích lợi của đồng hồ dễ nhận ra, nhưng mặt tiêu cực của nó không phải ai cũng nhìn thấy.
 
Quan niệm về thời gian trong xã hội xưa và nay hết sức khác nhau. Người thời trước coi thời gian biểu hiện trong chu kỳ hoạt động của thiên nhiên, thay đổi từ ngày sang đêm, từ mùa này sang mùa khác. Dân du mục và nông dân đo ngày bằng mặt trời mọc và lặn, đo năm bằng mùa gieo trồng và mùa gặt hái, phân biệt mùa nhờ lá rụng và băng tan. Nông dân làm việc theo thời tiết và thời vụ. Thợ thủ công cũng làm thấy đủ hoặc xong là nghỉ.
 
Thời gian là thay đổi của thiên nhiên, ít ai quan tâm đến độ chính xác của ngày tháng mùa năm... Một vài nền văn minh cũng nghĩ ra cách đo thời gian, vd. cái cốc hình giống số 8 với nước hoặc cát giỏ từ phần trên xuống phần dưới; đèn hoặc nến đốt và từ phần chưa cháy còn lại của dầu hoặc sáp có thể suy ra giờ. Riêng cái sundial (thiết bị chỉ giờ gồm một mặt giống mặt đồng hồ và một kim, bóng của kim di chuyển theo chuyển động của mặt trời) thì chỉ dùng được khi trời nắng. Tất cả chỉ phỏng chừng, không chính xác, và hoạt động tốt hay xấu còn tùy thuộc người có trách vụ.
 
Sau đó vào thế kỷ XI đồng hồ xuất hiện như một thiết bị rung chuông cách từng quãng thời gian, tại tu viện để báo cho nội trú biết giờ học, cầu nguyện, ăn, ngủ.... Tuy nhiên tới thế kỷ XIII đồng hồ đích thực mới ra đời. Và thế kỷ XIV bắt đầu thấy nhiều đồng hồ tô điểm cho nhà thờ, dinh thự.
 
Những đồng hồ này hoạt động nhờ quả cân và cũng không chính xác.
 

Phải đến thế kỷ XVI mới có đồng hồ tin cậy được, đầu tiên là ở Hampton Court, Anh quốc, năm 1540. Tuy nhiên chúng chỉ có kim giờ, độ chính xác không cao. Các nhà toán học đã nghĩ đến kim phút và kim giây từ thế kỷ XIV, nhưng phải chờ đến phát minh quả lắc năm 1657 mới thêm được kim phút, và thế kỷ XVIII thêm được kim giây. Hai thế kỷ này là lúc tư bản đang nở rộ, và họ lợi dụng ngay phát minh đồng hồ để trục lợi.
 
Đồng hồ là máy then chốt tiêu biểu của thời đại kỹ nghệ máy móc, có ảnh hưởng sâu rộng về phương diện kỹ thuật cũng như xã hội.
 
Về mặt kỹ thuật, đồng hồ là máy tự động đầu tiên, không phải nhờ đến sức kéo của người hay thú, gió hoặc nước, và được đại chúng đón nhận, trở thành thiết bị gia dụng quan trọng. Nghề làm đồng hồ phát triển và là nơi học tập kỹ năng (qua kỹ thuật tinh xảo của đồng hồ) để từ đó có thể phát minh, sản xuất các máy móc phức tạp khác phục vụ cách mạnh kỹ nghệ đang phát triển.
 
Về mặt xã hội, đồng hồ là phương tiện để tổ chức, đưa vào khuôn phép lực lượng nhân công sao cho có hiệu xuất tối đa, có lợi thật nhiều cho chủ nhân. Thời gian trừu tượng, xưa nay bao nhà tư tưởng đã bàn luận để xác định nó mà không thành công, thì bây giờ trở thành cụ thể, nhìn thấy rõ ràng trên cái mặt đồng hồ. Thời gian có thể đo lường, đong đếm, trở thành một món hàng hóa có thể trao đổi mua bán .Người ta mất ý niệm thời lượng, mà chỉ chú trọng đến số giờ làm.
 
Chủ nhân thường hết sức nhạy bén với thời gian. Thời gian tiêu biểu sức lao động của nhân viên, trở thành hầu như một nguyên liệu thô của kỹ nghệ. Cho nên thời giờ là tiền bạc. Kẻng báo, chuông báo, máy bấm giờ là thiết bị không thể thiếu trong bất cứ chỗ làm việc nào. Đời sống bị đồng hồ khống chế. Nó ra lệnh làm, nó bắt phải nghỉ. Người trở nên nô lệ của đồng hồ.
 
Thật ra người đã biến thành như cái đồng hồ, hoạt động đều đặn liên tục theo một nhịp khác hẳn nhịp sống của con người tự nhiên. Bữa ăn vội vã; phương tiện di chuyển đông đảo, chen chúc trong giờ cao điểm; phải cố gắng thu xếp để theo đúng thời khóa biểu.... tất cả những căng thẳng này làm hại sức khỏe, xáo trộn tiêu hóa, tâm thần bất an, kéo dài khiến tổn thọ. Cuộc sống hối hả còn được cổ võ bằng nhắc nhở: không được phí thời gian vì đó là một tội. Và đúng giờ được tôn là một đức tính cao quý, chậm trễ sẽ bị khinh miệt.
 
Ngày nay, với kỹ thuật tiến bộ, đồng hồ không những khống chế mà còn bủa vây con người. Nhìn chung quanh đâu đâu cũng thấy đồng hồ, có trên phone, tv, tủ lạnh, bếp lò, nồi cơm điện, xe hơi, ngoài đường....đúng như xưa Trang Tử đã nói: thường thì vật chất điều khiển con người hơn là con người điều khiển vật chất.
 
Thời gian máy móc nên trở về nhiệm vụ chính của nó là một phương tiện để quy chiếu, điều hợp hoạt động. Người cũng nên lấy lại thăng bằng cuộc sống bằng cách thoát ly khỏi khống chế của đồng hồ nói riêng và kỹ thuật nói chung. Phải chăng đây là một hy vọng hão huyền, bởi vì các cám dỗ kỹ thuật thì rất mạnh, khó cưỡng lại được? Cứ nhìn trường hợp iphone, smartphone... Người ta trở thành nghiện, lúc nào cũng dán mắt vào nó, và ngày càng ngụp lặn trong mê muội kỹ thuật đến độ vô cảm, thấy người nguy cấp không lo cứu mà lo chụp hình! Văn minh tiến bộ không khéo sử dụng sẽ mang lại tai hại!  

 Phạm Đức Thân

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top