Những bài viết tiêu biểu của nhà văn Trọng Đạt

Những bài viết tiêu biểu
của nhà văn Trọng Đạt

CHIẾN SĨ

Người Chiến Sĩ dũng cảm thà chết vinh còn hơn sống nhục

Trọng Đạt

Hồi sau trận Tết Mậu Thân, 1968, một người bạn cho tôi mượn cuốn truyện Tình Yêu Cao Thượng của một ông văn sĩ nổi tiếng thời ấy, ông cũng là nhà báo nổi tiếng, một nhà văn chống Cộng... Anh bạn đưa cuốn truyện cho tôi bảo:

- Này đọc đi!

Tôi đọc một tối là xong, mấy hôm sau tôi đưa sách trả anh bạn rồi bảo :

- Hình như không đứng đắn anh a!

Anh bạn cười đáp:

- Truyện này cũng nổi tiếng đấy nhá, anh không thích thì thôi!

Mấy năm sau, cơ quan của tôi gửi tôi đi thụ huấn một khóa huấn luyện Quân sự tại trường Bộ binh Thủ Ðức, khoảng bốn tháng nhà trường lại mời một ông văn nhân, ký giả nổi tiếng để đăng đàn diễn thuyết về các vấn đề thời sự, chính trị cho Sinh viên Sĩ quan nghe. Có lần trường mời một ông ký giả tên tuổi kiêm nghề Luật sư đến diễn thuyết, ông này trước kia là Đại úy Huấn luyện viên của trường, hôm ấy Trung Tướng chỉ huy trưởng chủ tọa. Ông ký giả luật sư thao thao bất tuyệt, ông nói khéo lắm, ông ấy ca ngợi Sinh viên khiến đôi khi họ phải phì cười, mấy người Sinh viên ngồi gần tôi bảo :

- Cái ông nội này Bắc Kỳ có khác, lém mồm lém miệng quá xá!

Khi ông ký giả nói xong đến lượt Sinh viên phát biểu ý kiến, những lời đối đáp giữa Sinh viên và diễn giả rất vui vẻ hào hứng, khi bế mạc Trung Tướng lên diễn đàn cám ơn và ông có đôi lời về hiện tình chính trị đất nước :

- Những cuộc biểu tình đòi hòa bình của Sinh viên Học sinh tại Sài Gòn hiện nay rất là thiếu ý thức, bây giờ có kẻ nó vác gậy gộc đến nhà mình nó đánh mình mà cứ đòi hòa bình thì thử hỏi làm thế nào cho có hòa bình, chẳng qua chỉ làm lợi cho kẻ địch!

Buổi nói chuyện vui vẻ, hào hứng, từ ông Trung tướng, diễn giả đến Sinh viên ai nấy đều trình bầy rõ ràng mạch lạc các vấn đề.

Khoảng bốn năm tháng sau, nhà trường lại mời một nhà báo về diễn thuyết về hiện tình chính trị đất nước, lại chính là ông tác giả cuốn Tình Yêu Cao Thượng, hôm ấy Ðại Tá chỉ huy phó chủ tọa, sau lời giới thiệu của ông chỉ huy phó, ông diễn giả mở đầu :

- Tôi mới xuất bản mấy cuốn sách về hòa bình, chính trị, nhưng tôi viết hơi cao, ở đây tôi chỉ nói đại cương mấy vấn đề dễ hiểu thôi vì các bạn tập tành mệt nhọc, không nói dông dài làm chi nhiều...

Giọng ông yếu đuối nghe thều thào, ông nói không lưu loát như diễn giả kỳ trước, mấy người Sinh viên ngồi sau tôi than phiền :

- Gớm cái ông nội này Bắc kỳ mà nói chán quá ! nhà văn gì mà nói lè nhè nghe chán quá !

Ông nói không lôi cuốn được người nghe như ông luật sư bốn tháng trước đây, nhiều người ngủ gà ngủ gật, khi bài nói chuyện chấm dứt, có một Sinh viên đứng lên phát biểu ý kiến về hiện tình chính trị, ông Sinh viên này nói cũng lẩm cẩm quá khiến nhiều người thở dài :

- Gớm cái ông nội Sinh viên này hỏi vớ vẩn quá !

Buổi nói chuyện kết thúc, ông chỉ huy phó lên cám ơn :

- Tôi xin thay mặt nhà trường cám ơn nhà văn đã cho chúng tôi được nghe một buổi nói chuyện rất hào hứng...

Ông chỉ huy phó nói vắn tắt quá không hay bằng ông Trung Tướng nói lần trước, buổi nói chuyện chẳng có gì là hào hứng.

Ðúng là quả đất tròn, gần mười năm sau tôi lại gặp ông văn sĩ trong trại tù “cải tạo” Xuyên Mộc. Chúng tôi ở Long Thành được bốn năm thì chuyển trại đến đây giữa một khu rừng âm thuộc tỉnh Bà Rịa, đây là một trong những trại hắc ám ghê gớm nhất của miền Nam, rập khuôn theo miền Bắc. Nhập trại được vài ngày họ đưa chúng tôi lên Hội trường nghe cán bộ nói chuyện, anh cán bộ trẻ nói về án tù mới, về nội qui và có nói về ông văn sĩ, cán bộ nói :

- Sau khi ở đủ ba năm anh ấy bảo trại phải thả anh ấy về vì án tù đã hết, anh ấy gọi tất cả các cán bộ bằng anh hết. “Ban giám thị” trả lời anh ấy rằng “chưa có lệnh của Bộ nội vụ chúng tôi chưa thả được”, thế là anh ấy tuyệt thực, được một ngày anh ấy xin nước uống, “ban giám thị” bảo “nước uống cũng là của trại”, không thể cho anh ấy được. Hôm sau anh ấy đầu hàng “Ban giám thị”, chấm dứt tuyệt thực.

Tôi nhớ ra ông văn sĩ mà trước đây tôi không có cảm tình gì mấy, nhưng thoạt nghe “cán bộ” nói về thái độ thách đố bạo lực về khí phách anh hùng của ông, tôi cảm phục ngay vì từ ngày vào tù đến nay tôi chưa thấy ai có tinh thần bất khuất như ông, người ta thường nói: nước rặt mới biết cá thối, cháy nhà mới ra mặt chuột... vào tù mới biết người anh hùng, kẻ tiểu nhân, có nhiều anh đã từng xênh xang mũ cao áo dài nay gặp “cán bộ” thì cúi xuống nịnh bợ để mau được thả về... ít nhất cũng phải có được một người như ông văn sĩ, một người tuy là quá ít nhưng cũng cho chúng tôi có được một niềm tin vững chắc.

Chúng tôi ở nhà một, ông văn sĩ ở nhà hai cách nhau một khoảng đất trống, ông ở trong đội đảng phái phản động tên là Ðội 81, có lẽ vì họ có tám mươi mốt người. Ðội này do một ông cũng là văn sĩ “phản động” làm “đội trưởng”, ông “đội trưởng “này lại chê ông văn sĩ kia không tốt, có thời kỳ làm tay sai “cán bộ” tố giác anh em, nhưng theo tôi thấy đa số anh em trong đội đều nể ông, cảm phục lòng cam đảm của ông. Hầu hết số đội viên là thành phần đảng phái “phản động”, họ là thành phần thấp trong xã hội như thợ thuyền, làm thuê làm mướn, được cái có gan tham gia đảng phái nhưng không có mưu trí nên bị bắt trọn ổ hết.

Một hôm trời mưa rả rích, nhìn qua của sổ sang nhà hai bên kia thấy nhiều người ra hiên tắm mưa, tôi thấy ông văn sĩ ở trần lấy khăn lau người vì trại không cho ông ra ngoài tắm sông, tôi thấy người ông gầy gò khủng khiếp chỉ toàn là xương không có thịt, những giải xương sườn nổi hẳn lên trông thật thê thảm, người thì nói tại ông tuyệt thực, có người nói họ cô lập ông không cho gia đình lên thăm nuôi, không cho bạn tù được tiếp xúc hoặc cho đồ ăn mà chỉ được phát một tí khẩu phần, “Ban giám thị” trại cương quyết loại bỏ tiêu diệt ông vì tội chống đối. Nhìn tấm thân ông tôi thở dài ngao ngán nghĩ đến sự tàn ác của con người: người thật là lang sói với người.

Ðội của chúng tôi gồm khoảng mười người lo về vận chuyển, chúng tôi có ba xe bò để chuyên chở thực phẩm từ khu ngoài vào khu trong, có khi chở cát, gạch cho thợ xây cất. Một hôm tôi được cán bộ giao nhiệm vụ nấu nước uống cho anh em ngay ngoài cổng trại, tôi xuống sông múc nước đổ vào cái nồi lớn, bắc lên mấy cục gạch rồi kiếm củi khô nhóm lửa. Anh “cán bộ” có vẻ tử tế với tôi, hay lại trò truyện, nhưng tôi luôn tự nhủ :

- Anh tốt với tôi thì tôi cám ơn, nhưng cái biên giới giữa tôi và anh nó đã quá rõ ràng !

Hôm ấy tôi nấu nước ngay ngoài cổng trại, anh em trong đội đẩy xe đi ngang chỗ tôi đùa cợt vì thấy tôi được “cán bộ” cho làm việc thoải mái. Bỗng nhiên tôi thấy ông văn sĩ đứng ngay ở cửa trại nói nho nhỏ :

- Báo cáo cán bộ, tôi lên Ban giám thị.

Anh cán bộ trẻ hạch sách :

- Bỏ kính xuống !

Trên nguyên tắc mỗi lần báo cáo phải bỏ kính, họ muốn kẻ bại trận phải thần phục kẻ chiến thắng và cũng để hạ nhục người ta đến cùng, ông văn sĩ đã bỏ kính xuống, nhưng anh cán bộ vẫn chưa tha :

- Báo cáo lại.

Ông văn sĩ phải báo cáo một lần nữa rồi mới được ra, tôi thấy ông gầy và yếu kinh khủng, ông đứng như không vững có lẽ chỉ một cơn gió mạnh cũng đủ xô ngã con người gầy ốm như que củi ấy. Nhưng trong tấm thân hình gầy khô đét ấy tôi như trông thấy cái sức mạnh ghê gớm của một tinh thần bất khuất dám chống lại bạo lực đê hèn. Tấm thân gầy gò yếu đuối ấy gợi cho tôi sự thương hại thì ít nhưng sự kính phục thì nhiều, một tấm thân mảnh khảnh gió thổi cũng bay và trong tay không một tấc sắt đã làm cho kẻ thù phải kiêng nể, sợ hãi nên chúng đã nghĩ đến cách sát hại ông. Tôi nhìn theo ông run lẩy bẩy bước đi trong lòng xúc động và hãnh diện, ít nhất cũng phải có những người khí phách can đảm như ông đã dám đem tấm thân yếu đuối như sên để chống bạo lực.

Khi nhìn ông tôi cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm hãnh diện cho người Quốc Gia, không phải ai cũng được như ông, một kẻ anh hùng mạt lộ nhưng vẫn hiên ngang bất khuất và chống lại sự tàn ác của con người đến cùng, tấm thân yếu đuối ấy có cái sức mạnh của một Chiến Sĩ dũng cảm, trước kia ông là một chiến sĩ văn hóa với ngòi bút sắc bén đã khiến kẻ thù phải xếp vào hạng nguy hiểm đem đi giam giữ. Và bây giờ ông cũng vẫn là người Chiến Sĩ, Chiến Sĩ của lẽ phải, công bằng, ông đã lấy lý trí, chân lý, công lý... để chống lại bạo lực đê hèn.

Ông ấy lên văn phòng “Ban giám thị” chừng nửa giờ sau lại đến cổng trại “báo cáo cán bộ xin vào trại”, anh cán bộ gác cổng vẫn hạch sách :

- Nói lớn lên, nghe không rõ!

Tội nghiệp ông ấy cứ phải báo cáo đi báo cáo lại :

- Báo cáo cán bộ cho tôi được vào trại.

Mãi rồi anh cán bộ cũng phải cho ông ấy vào trại vì chẳng lẽ lại cho ông ấy về nhà với vợ con !

Qua hình ảnh của ông tôi bỗng nhiên nghĩ đến sự tàn ác của con người, của những ý thức hệ khác nhau đã khiến cho con người đối với nhau như thú vật, họ không coi ông ấy là con người nhưng là con gà con vịt cần phải hạ thủ thanh toán cho khuất mắt. Tôi vừa đun nước vừa nhìn theo người Chiến Sĩ đang lững thững đi qua sân trại về nhà hai, tôi biết chắc ông chẳng còn sống được bao lâu và có lẽ chính ông cũng biết vậy, nhìn ông đi ngang qua trước mặt, tôi tự nhiên cảm thấy một nỗi buồn man mác vì biết rằng chỉ một ngày rất gần đây một linh hồn sẽ lìa khỏi thể xác!

Khoảng vài tuần sau, một hôm làm việc cách hàng rào trại chừng mấy chục thước, chúng tôi nhìn vào trại thấy hai anh tù hình sự khiêng một cái xác người có phủ mền trên cái băng ca, tôi đoán là có người mới chết.

Chiều hôm ấy khi tắm sông xong, chúng tôi vào trại được biết ông ấy đã lìa đời. Trong đội 81 có nhiều người cảm phục ông, thương xót ông. Một số người lấy những miếng vải đen bé tí lén lút khâu dưới vạt áo để tang ông, một người Chiến Sĩ dũng cảm thà chết vinh còn hơn sống nhục, một cái chết anh hùng, một tấm gương sáng cho chúng tôi, cho toàn thể tù nhân của trại giam Xuyên Mộc.
Khoảng một năm rưỡi sau tôi được thả về, một người bạn cho tôi biết đài phát thanh BBC Luân Ðôn mới nói về ông văn sĩ ấy, họ nói ông ta tuyệt thực cho đến chết.
 Trọng Ðạt (16/01/2016)

Chú thích của Saigon Weekly: người  văn sĩ trong truyện là nhà văn Nguyễn Mạnh Côn

Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam dưới cái nhìn Xã Hội Chủ Nghĩa

 (Hình: trái Nhất Linh – phải Khái Hưng)
Văn chương há phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.
(Tú Xương)


Chúng tôi nhận được cuốn Thạch Lam, Về tác giả và tác phẩm do một người bạn về thăm quê hương tặng, sách dầy 500 trang, khổ lớn, nhà xuất bản Giáo dục, sách gồm trên 70 bài viết về Thạch Lam. Khoảng một phần tư là những bài viết từ thập niên 39, 40 tại Hà Nội và tại Sài Gòn trước 1975, ba phần tư là những bài viết trong nước đa số ở thập niên 90. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên Thạch Lam có thể được dư luận chú ý và ca ngợi nhiều đến thế, nhất là dư luận trong nước.


Ngày nay trong nước người ta đã đánh giá lại Tự Lực văn đoàn trong bài Thạch Lam Với Quê Hương Sáng Tác của Ðinh QuangTốn (Thạch Lam, Văn Chương Và Cái Ðẹp, NXB Hội Văn Hà Nội, 1994)

“Gần đây kỷ niệm 82 năm sinh và 50 năm mất của Thạch Lam, chúng tôi lại về phố huyện Cẩm Giàng. Phần nhiều những người chúng tôi hỏi chuyện đều có biết nhà văn Thạch Lam quê ở đây. Những mặc cảm về giòng họ Nguyễn Tường cũng không còn nặng nề. Nhìn chung mọi người kể chuyện với thái độ khách quan, kể cả những cán bộ kháng chiến cũ. Họ đã “bước qua lời nguyền”để nhìn lịch sử một cách công bằng với tư duy đổi mới, đánh giá đúng con người với những đóng góp và những hạn chế của họ với lịch sử. Riêng đối với Thạch Lam, được họ nhắc đến với thái độ cảm tình”.

Như vậy theo tinh thần tư duy đổi mới, họ được nhìn lịch sử một cách công bằng hơn và đánh giá lại một giai đoạn đã qua của nền văn chương Việt Nam. Nhưng trên thực tế chúng tôi thấy nhiều nhà phê bình trong nước có khuynh hướng đánh giá rất cao Thạch Lam, coi ông như một ngôi sao sáng chói nhất của Tự Lực văn đoàn thí dụ như Lê Dục Tú nhận xét dưới đây.

 
(Hình: Thạch Lam)
“Nhưng về phía độc giả Thạch Lam cũng hiểu một tình trạng có thực: đó là sự tồn tại của hai hạng người: một hạng chỉ cốt xem truyện để giải trí và hạng thứ hai thực sự là biết thưởng thức. Khác với một số nhà văn đương thời, Thạch Lam đã dũng cảm phục vụ hạng độc giả thứ hai để rồi phải chịu một thiệt thòi là sách của ông đã không tránh khỏi bị quên lãng trong một thời điểm nào đó. Song chỉ một thời gian sau đó, bạn đọc đã nhận ra được vẻ đẹp đích thực của văn chương ông và thừa nhận ông là “người có tài” và “viết hay hơn cả” trong Tự Lực văn đoàn”.
(Thạch Lam, Người Ði Tìm Cái Ðẹp Trong Cuộc Ðời Và Trong Văn Chương).
Hoăc như Nguyễn Phúc trong Quan Niệm Văn Chương Của Thạch Lam, Vị Nghệ Thuật Hay Vị Nhân Sinh (Thạch Lam,Văn Chương Và Cái Ðẹp, NXB Hội văn Hà Nội 1994)

“Nét đặc trưng của văn tài Thạch Lam trước hết thể hiện ở chỗ: Là thành viên chủ chốt của một văn đoàn vẫn được nhất trí coi là “lãng mạn”nhưng toàn bộ sáng tác của ông lại không chịu nằm gọn trong cái tên gọi đó, các nhà nghiên cứu văn học đã dụng công đi tìm những khái quát thích hợp, như “khuynh hướng nghiêng về bình dân với sự đồng cảm chân thành” “bút pháp tả thực tỉnh táo”… song xem ra vẫn chưa tìm được danh xưng nào vừa ý. Quả là một đời văn tuy ngắn ngủi nhưng lại có một tầm vóc “ngoại cỡ”.

Ông này lại đánh giá văn nghiệp Thạch lam cao hơn ông kia một bậc: ngoại hạng, quá cỡ. Chúng tôi lại xin dẫn chứng một số nhận xét khác.
Hà Văn Ðức (Thế Giới Nhân Vật Thạch Lam, Văn Học Việt Nam 1900-1945, NXB Giáo dục 1997). Cho thấy lối viết Khái Hưng, Nhất Linh không thực như Thạch Lam khi so sánh các nhà văn đồng nghiệp với nhau ấy dưới đây.

“Ngòi bút của Thạch Lam tỏ ra trân trọng khi viết về những mặt tốt đẹp ớ người lao động. Trong tác phẩm của những nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Khái Hưng, dân quê hiện ra như một đám người ngờ nghệch dốt nát, bản năng (Vọi, Trống Mái). Thạch Lam không chấp nhận cách gán cho nhân vật của mình “những đức tính và tật xấu mà người dân quê không thực có”. Ông nhìn thấy những niềm vui bình dị, những ước mơ nho nhỏ, những đức tính đẹp tiềm ẩn trong họ”.

Theo chúng tôi nghĩ cá nhân anh Vọi không thể coi là đại diện cho đám dân quê, cái ngờ nghệch của anh Vọi chỉ là trường hợp cá biệt không có tính cách biểu tượng, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.
Chúng tôi xin trích dẫn tiếp vài nhận định khác, dưới đây Phong Lê trong bài Thạch Lam Trong Tự Lực văn đoàn (cuốn Văn Chương Và Cái Ðẹp).

“Sự sống lại những giá trị văn học tiền chiến trong đó Tự Lực văn đoàn là hiện tượng ta đang chứng kiến, nhưng tôi không tin tất cả những gì thuộc Tự Lực văn đoàn sản sinh ra đều cần được khôi phục lại. Nhiều giá trị mà Tự Lực văn đoàn xây dựng được đã bị thời đại vượt qua, có bộ phận đã bị vượt qua ngay từ trước 1945. Còn Thạch Lam thì tôi vững tin ở sự tồn tại. Nếu không là tất cả thì cũng là phần lớn những gì ông đã viết”.

Nghĩa là theo Lê Phong toàn bộ văn nghiệp của Tự Lực văn đoàn chỉ riêng có Thạch Lam là có giá trị vượt thời gian còn lại đều lỗi thời và bị đào thải.
Dưới đây là nhận xét của Trần Ngọc Dung trong bài Phong Cách Truyện Ngắn Thạch Lam (cuốn Văn Chương Và Cái Ðẹp).

“Các nhà tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, cũng tỏ ra quan tâm đến nhân dân lao động. Qua các trang viết không phải họ không hiểu được những nỗi thống khổ của người dân nghèo thành thị hay nông dân lao động, nhưng tình cảm không sâu sắc, nhiều khi không tránh được thái độï khinh bạc của những trí thức trưởng giả đối với những đám người “vô học” “dốt nát”, “hủ lậu”, “bẩn thỉu”(Trống Mái, Dưới Ánh Trăng . . .của Khái Hưng. Tối Tăm, Một Kiếp Người, Chàng Nông Phu, Ðầu Ðường Xó Chợ… của Nhất Linh, Bùn Lầy Nước Ðọng của Hoàng Ðạo), nhân vật chủ yếu và lý tưởng của họ nói chung thuộc tầng lớp giầu sang, có học thức cao trong xã hội cũ (Hiền trong Trống Mái, Hạc, Bảo trong Gia Ðình của Khái Hưng, Duy, Thơ trong Con Ðường Sáng của Hoàng Ðạo, Dũng, Loan trong Ðôi Bạn của Nhất Linh). Còn Thạch Lam lại xây dựng cho mình một thế giới nhân vật khác. Ông lặng lẽ hướng ngòi bút về phía những người nghèo khổ với tấm lòng trắc ẩn thương xót chân thành”.

Trần Ngọc Dung chỉ công nhận Thạch Lam là người thực sự tôn thờ nhân bản trong Tự Lực văn đoàn, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.
Một cách tổng quát chúng tôi xin thu gọn những ý kiến đánh giá cao Thạch Lam của các nhà phê bình trên đây như sau:

-Thạch Lam là người viết hay hơn cả trong Tự Lực văn đoàn.
-Thạch Lam là nhà văn ngoại cỡ, ngoại hạng.
-Thạch Lam là người mô tả dân quê bằng những nét chân thực nhất, các nhà văn khác của văn đoàn như Khái Hưng gán cho dân quê những cá tính mà họ không có.
-Chỉ có văn chương Thạch Lam là tồn tại, giá trị văn chương của các tác giả khác trong văn đoàn đều đã lỗi thời, đã bị thời đại vượt qua.
-Chỉ có Thạch Lam là thực sự tôn thờ nhân bản, các cây bút khác của văn đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Ðạo. . nhìn người nghèo bằng cặp mắt khinh bạc.


Như quí vị độc giả đều đã biết theo dư luận của các nhà phê bình và dư luận độc giả, Khái Hưng và Nhất Linh đã và đang được coi như có sự nghiệp văn chương lớn nhất trong Tự Lực văn đoàn và cũng có thể của cả nền văn chương Viêt Nam. Theo dư luận chung, Thạch Lam đã được coi như nhân vật số ba của văn đoàn. Nay theo các nhà phê bình trong nước, thứ tự ấy cần phải được định giá lại nghĩa là Thạch Lam phải là cây viết sáng giá nhất của Tự Lực văn đoàn và Khái Hưng, Nhất Linh đương nhiên phải bị hạ bệ đưa xuống dưới chưa biết xếp vào đâu.

Các nhà phê bình có quyền đánh giá, định giá, khen chê một tác phẩm hoặc cả một công trình văn học, họ cũng có quyền định giá lại toàn bộ văn chương của một văn đoàn song không có nghĩa là ý kiến chung, dư luận chung của độc giả bị loại bỏ bởi vì người đọc cũng là một lực lượng phê bình đáng kể mà ta không thể phủ nhận hay loại bỏ một cách dễ dàng. Ðiều chúng tôi muốn nói ở đây là các nhà phê bình không thể bắt đám đông độc giả phải tuân theo sự lượng giá của họ trên thực tế, độc giả vẫn là độc giả, nhà phê bình vẫn là nhà phê bình.

Các nhà phê bình Tây phương từ hơn nửa thế kỷ nay đã không ngớt lời ca ngợi ngọn bút thần sầu quỉ khốc của Dostoievsky, nhà văn hào Nga thế kỷ 19, nổi tiếng về kỹ thuật mô tả tâm lý nhân vật. Người ta bảo ông ấy là nhà văn hào vĩ đại nhất của nhân loại từ trước tới nay, văn chương của ông ấy cho đến nay vẫn còn mới không bị rơi vào cổ điển, có người cho ông là triết gia sâu sắc, kẻ nói ông là nhà phân tâm học đại tài… thậm chí có người còn so sánh tư tưởng của ông với thuyết tương đối của nhà bác học Einstein nữa…Nhưng trên thực tế số độc giả của Dostoievsky tương đối ít thôi, nhiều người lại bảo đọc sách của ông họ không hiểu ông ấy nói cái gì, cũng có nhiều người thích và khen lấy khen để văn Dostoievsky tuyệt diệu nhưng trong số này nhiều người không biết nó hay ở chỗ nào cả.


Và như vậy phải chăng các nhà phê bình chuyên nghiệp không thể lái độc giả theo ý mình vì độc giả cũng là một lực lượng phê bình đáng kể. Trở lại vị trí của Thạch Lam trong Tự Lực văn đoàn chúng tôi xin được đánh giá theo dư luận chung như sau.
Theo dư luận chung Khái Hưng vẫn được coi là tác giả lớn nhất không những của Tự Lực văn đoàn mà của cả nền văn chương Việt Nam. Theo Phạm Thế Ngũ (Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, cuốn 3), Khái Hưng là cột trụ của Tự Lực văn đoàn, sáng tác của ông trong văn đoàn dồi dào cả về phẩm lẫn lượng. Theo Nguyễn Vỹ, người đã gặp Nhất Linh ở Sài Gòn 1952 (Kỷ Vật Cuối Cùng, Phượng Hoàng, Cali 1997) Nhất Linh cho biết trong thời kỳ sáng tác cho Tự Lực văn đoàn ông thường đưa bản thảo cho Khái Hưng sửa, cuốn nào Khái Hưng sửa nhiều thì lấy tên cả hai người, cũng có cuốn do Khái Hưng sửa nhiều nhưng vẫn để tên Nhất Linh có nghĩa là Nhất Linh tự nhận tài năng của mình thua kém Khái Hưng.

Chúng tôi mới được tiếp xúc với cụ Nguyễn Thạch Kiên, nhà văn, đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng, cụ cho biết Khái Hưng là người đã khuyến khích và nâng đỡ Thạch Lam. Tiểu thuyềt luận đề của Nhất Linh bị Phạm Thế Ngũ chỉ trích nặng nề trong khi Khái Hưng không thấy bị chỉ trích, ta có thể coi Khái Hưng như cây viết suất sắc nhất của văn đoàn. Nhất Linh là người đóng góp nhiều nhất cho công cuộc cải cách xã hội, vì công lao của ông với cách mạng xã hội quá lớn nên trên thực tế người ta vẫn thường xếp ông ngang hàng với Khái Hưng.

Và như vậy dư luận chung từ trước đến nay đã xếp hạng Nhất Linh, Khái Hưng như ngôi sao sáng của văn đoàn dĩ nhiên Thạch Lam, Hoàng Ðạo sẽ đứng hạng ba, hạng tư . Ta thử so sánh toàn bộ văn nghiệp của Thạch Lam với Khái Hưng, Nhất Linh để có một kết luận khách quan công bằng hơn.


Về mặt số lượng, văn nghiệp của Thạch Lam so với Khái Hưng, Nhất linh thật là quá khiêm tốn: một truyện dài khoảng 200 trang, ba truyện ngắn được độ 200 trang, một tùy bút khoảng 60 trang, một lý luận văn chương khoảng 70 trang, toàn bộ chỉ hơn 500 trang, dài bằng Xóm Cầu Mới của Nhất Linh hay cuốn Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng. Như vậy nếu muốn xếp hạng Thạch Lam như một ngôi sao sáng chói đứng đầu Tự Lực văn đoàn thì phẩm chất các truyện của ông phải xuất sắc gấp bội Khái Hưng, Nhất linh vì số lượng quá ít oi.

Trên thực tế các tài liệu cho thấy truyện của Thạch Lam khó bán, hoặc bán rất chậm, ngược lại truyện của Khái Hưng, Nhất Linh như Hồn Bướm Mơ Tiên, Gánh Hàng Hoa, Ðoạn Tuyệt… bán chạy như tôm tươi. Lý do gì tác phẩm của Thạch Lam không được hoan nghênh? một điều chắc chắn là nó thiếu khả năng lôi cuốn vì tác giả của nó quá chú trọng vào hiện thực và mô tả nội tâm khiến cho câu chuyện trở lên buồn tẻ. Trong bài nói về cuốn Theo Giòng chúng tôi đã phân tích về tiêu chuẩn nghệ thuật của Thạch Lam, về cái chủ quan của ông trong việc đi tìm cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn chương.

Ông đã nói nhiều lần rằng người nghệ sĩ phải chăm chú vào sự thực, bề trong của con người, hầu như ông đã cho hiện thực, diễn tả tâm lý hướng nội là tiêu chuẩn duy nhất của nghệ thuật và không đếm xỉa gì đến những tiêu chuẩn khác. Thạch Lam chỉ trích những hạng độc giả chỉ chú ý đến cốt truyện mà không màng đến tâm lý nhân vật có đúng hay không, hời hợt hay sâu sắc, nhưng trên thực tế tiêu chuẩn nghệ thuật của một tác phẩm văn chương rất phức tạp chứ không đơn giản như tác giả đã quan niệm.
-Ða số người đọc nếu không nói là tám mươi phần trăm chú trọng về cốt truyện, những cuốn được coi như có giá trị lâu dài vượt thời gian là những cuốn có cốt truyện hay có khả năng lôi cuốn người đọc như Tam Quốc Chí, Nghìn Lẻ Một Ðêm, Hồn Bướm Mơ Tiên chẳng hạn.

-Những tác phẩm có giá trị về lịch sử như Khói Lửa Kinh Thành (LâmNgữ Ðường) Chiến Tranh Và Hoà Bình, Sông Don Thanh Bình (Sholokhov)… đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử.
-Những tác phẩm có giá trị về xã hội như Godfather có thể coi như một tài liệu đầy đủ về xã hội đen.
-Những tác phẩm lãng mạn bay bướm như Anna Karénine, Ðôi Bạn, Cuốn Theo Chiều Gió…
-Những tác phẩm diễn tả được những ý nghĩa, luận đề như Lão Ngư Ông Và Biển Cả của Hemingway ca ngợi tinh thần phấn đấu với số mệnh đến cùng.


Một tác phẩm văn chương hay phải là một tác phẩm cân đối và hoàn chỉnh rung cảm được người thưởng thức qua nhiều tiêu chuẩn nghệ thuật chứ không quá đơn giản như dưới cái nhìn của Thạch Lam. Sách của ông không bán được phần lớn vì buồn nản, tiếng pháp gọi là monotone mặc dù tâm lý nhân vật sâu sắc, hiện thực, tâm lý và hiện thực cũng không cứu vãn được tình thế.

Không đủ khả năng lôi cuốn người đọc mặc nhiên về nghệ thuật cốt truyện phải thua kém Nhất Linh, Khái Hưng và nhất là tính chất lãng mạn, một yếu tố quan trọng để khiến nó đủ khả năng lôi cuốn thì truyện của Thạch Lam cũng không được phong phú cho lắm như ở Khái Hưng, Nhất Linh. Không khí yêu đương lãng mạn trong văn chương Thạch Lam so vói Nhất Linh, Khái Hưng còn thua kém nhiều. Nghệ thuật phải có tính chất đại chúng, phục vụ đám đông chứ không phải làm theo cái ý thích của mình.

Tiểu thuyết, truyện ngắn của Thạch Lam hiện thực được cả những nền nếp phong tục xã hội, những cảnh bần cùng đói khổ của giới người nghèo cùng mạt xã hội nhưng lại không mang những ý nghĩa cách mạng, cải cách xã hội như Ðôi Bạn, Nửa Chừng Xuân, hoặc không nói lên được nhiều về những mặt trái tàn nhẫn của nền luân lý cổ như Lạnh Lùng của Nhất Linh. Thế giới giầu cũng có những cái hay riêng như trong Băn Khoăn của Khái Hưng, không phải chỉ nói về giới nghèo mới là có giá trị cao.

Một tác giả muốn được xếp vào hàng ngoại cỡ chúng tôi nghĩ cần phải có sự toàn diện về nghệ thuật bởi vì một vài tiêu chuẩn riêng thực không đủ để xếp hạng như vậy, tiêu chuẩn nghệ thuật đa dạng và toàn diện, cái mà văn chương của Thạch Lam còn thiếu mặc dù có xuất sắc ở một vài bình diện nào đó.

Ở đây chúng tôi không lạc đề, không chỉ trích những yếu điểm của Thạch Lam để dìm ông xuống và đề cao Khái Hưng, Nhất Linh nhưng vấn đề là chúng ta phải nhìn nghệ thuật bằng cặp mắt khách quan đứng ngoài ảnh hưởng của thành kiến. Chúng tôi đồng ý nhìn nhận Thạch Lam là một nhà văn chuyên về đoản thiên có những nét sâu sắc, độc đáo, người đã đóng góp rất nhiều cho Tự Lực văn đoàn cũng như đã tô điểm những nét đẹp cho nền văn chương Việt Nam nhưng ông vẫn chỉ là một nhân vật số ba của Tự Lực văn đoàn không hơn không kém và địa vị của Khái Hưng, Nhất Linh mà người ta thường gọi là cột trụ của Tự Lực văn đoàn là một sự kiện dĩ nhiên không thể đảo ngược bởi những lý do mà chúng tôi đã diễn đạt ở trên.

Chúng tôi xin trở lại nhận xét của những nhà phê bình trong nuớc về việc thẩm định lại giá trị văn chương của Tự Lực văn đoàn. Theo như nhận xét của Trần Ngọc Dung, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Ðạo chỉ chú trọng tới xã hội trưởng giả, giầu có, ông ngụ ý chỉ trích họ không thực sự quan tâm đến giới bình dân, nhưng đề tài văn chương đâu có thể hạn hẹp vào một khuôn khổ nhất định được. Thiên chức của nhà văn không phải chỉ để ca tụng giới bần cố nông khố rách áo ôm mà nghệ thuật của họ phải được mở rộng ra cho tới tận chân trời đến tất cả mọi khía cạnh của xã hội, con người. Chiến Tranh và Hòa Bình, Anna Karénine… của Léon Tolstoi chỉ diễn tả thế giới của giai cấp quí tộc, ông hoàng bà chúa không ca ngợi nông dân nhưng đã chẳng được dư luận chung xếp vào hàng những công trình văn hóa nhân loại là gì?

Các nhà phê bình khen lấy khen để Thạch Lam như một ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời Tự Lực văn đoàn nhưng họ lại quên chú ý đến một điểm là sách của ông bán không được, chúng ta thử tìm hiểu tại sao? Thạch Lam ca ngợi Dostoievsky như một nhà viết tiểu thuyết có giátrị nhất của thế kỷ và trên hoàn cầu, ông đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Dostoievsky. Chủ đề chính trong các tác phẩm của nhà văn hào này là sự tranh đấu giằng co giữa thiện và ác để làm chủ tâm hồn và đã ảnh hưởng tới Hồn Bướm Mơ Tiên (Khái Hưng), Tháng Ngày Qua, Bắn Vịt Trời (Nhất Linh), Sợi Tóc, Một Cơn Giận (Thạch Lam). Thạch Lam chịu ảnh hưởng Dostoievsky nhiều nhất về thuật tả tâm trạng con người, đó chính là một trong những lý do khiến cho tác phẩm của ông khó bán vì thiếu khả năng lôi cuốn không đáp ứng được sự đòi hỏi của người thưởng thức. Người đọc có nhu cầu của họ, nhà văn viết theo sở thích của mình tức là tự mình tách rời đám đông và dĩ nhiên sẽ bị họ lơ là bỏ rơi không thương không tiếc.

Các nhà phê bình văn học trong nước ca ngợi Thạch Lam là người yêu thương và đi sát với những người nghèo cùng khổ, nhưng sự đi sát của ông có giá trị hơn công cuộc tranh đấu cải cách xã hội của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Ðạo hay không? ï Ðiều mà họ nói nhìn lại lịch sử một cách công bằng phải chăng chỉ là trò LƯU MANH VĂN NGHỆ? nhìn lại lịch sử một cách khách quan như thế phải chăng chỉ là đưa chính trị vào văn chương một cách vô cùng khôn khéo.

Phải chăng việc các ông lên án Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Ðạo vì họ là những người quốc gia chân chính đã can đảm đứng lên chống lại một tập đoàn bịp bợm gian ác trước kia? Phải chăng việc kết án Khái Hưng là khinh bạc dân nghèo để bào chữa cho việc thủ tiêu nhà văn lớn này một cách tàn nhẫn tại bến đò Cựa Gà Nam Ðịnh 1947 mà chứng cớ còn rành rành qua lời tường thuật của các nhân chứng hiện còn sống sót trong cuốn Kỷ Vật Cuối Cùng. Nhìn lịch sử một cách khách quan như các ông chỉ là trò mập mờ đánh lận con đen, giả mù sa mưa hoặc trò tuyên truyền xảo quyệt.

Những ý kiến lệch lạc và sai lầm tận gốc rễ ấy thực không đáng được gọi là phê bình, được viết lên bởi những kẻ đã cố tình bóp méo văn chương, bóp méo sự thật để loại bỏ những tác giả mà họ không đồng quan điểm.
Phê bình văn học đã đóng một vai trò quan trọng không những trong văn học sử mà còn có thể ảnh hưởng tới nền văn hoá lâu dài của cả một dân tộc. Chẳng thế mà người xưa đã quan niệm: làm thầy thuốc mà sai lầm thì giết một người, làm chính trị mà sai lầm thì hại một đời, làm văn hoá mà sai lầm thì hại muôn đời.

 

Tiễn Bạn

Trọng Đạt

  Tôi đưa bạn Tấn của tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng thấm thoát đã mấy năm qua, hôm ấy vào đầu mùa Xuân, hoa hồng, tường vi, hoa cúc… nở đầy trước vườn. Đời tôi từ hơn mấy chục năm nay đã tiễn đưa ba người bạn biền biệt ra đi.
Ba mươi sáu năm trước, tôi đã tiễn đưa Ninh, người bạn cùng khóa, chúng tôi cùng học tại một trường hành chánh của chính phủ. Ninh cũng cùng lớp với Tấn. Ra trường được hơn một năm, bỗng một hôm tôi được bạn bè cho biết Ninh đứt mạch máu chết. Học chung trường, cùng lớp nhưng tôi và chàng không thân nhau, được biết chàng di cư vào Nam có một mình, ở với người anh bà con, cũng gần như tứ cố vô thân . Khi xác còn quàn tại nhà, mấy người bạn cùng khóa như Sơn, Tịnh đi phúng điếu về bảo:
-Vắng quá, đám ma gì mà vắng hoe!
Hôm tiễn đưa chàng, Tịnh lái xe chở tôi đi, những người bạn đồng học chỉ tiễn Ninh nửa đường rồi quay về. Chúng tôi đưa chàng lên tận nơi trên Gò Vấp, đám táng trông nghèo nàn, đơn sơ quá. Lúc sắp hạ huyệt tôi đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy loáng thoáng hơn mươi người, hầu hết là bạn bè, hàng xóm. Không gian vắng lặng lạ thường, chỉ có tiếng lịch kịch của mấy người phu đang hạ huyệt. Bọn phu chuẩn bị lấp đất chôn thì một bà mặc áo dài màu nâu chạy lại huyệt, tay cầm hòn đất, miệng mếu máo khóc bảo chúng tôi:
-Các anh ơi! Ném cho cậu ấy hòn đất!
Rồi tự nhiên bà ấy khóc um lên:
-Mới hôm nào cậu ấy lại nhà chơi với chú em tôi, thế mà bây giờ cậu ấy… hu. .. hu !! Tội nghiệp cậu ấy!
Tiếng khóc của bà phá tan bầu không khí yên lặng. Mặc dù khi an táng chỉ có một lời khóc của một người hàng xứ, người dưng nước lã, nhưng nó lại cảm động và chân thành hơn là những lời khóc hình thức, những lời ta thường thấy ở nhiều đám khác:
-Ới cha ơi! Biết bao giờ con mới lại được gặp cha
-Ới anh ơi! nỡ nào bỏ em đi cho đành !. . .
Bà mặc áo nâu bật khóc vì đám tang vắng quá, buồn quá. Dù đám ma hay đám cưới, người ta đều thích làm cho to nó mới oai.
Người ta thương tiếc cho Ninh, chàng còn trẻ, chưa vợ chưa con, đời chàng còn tươi như đóa hoa mới nở, đường công danh, hoạn lộ của chàng còn dài, thế mà nay chàng như hoa đã lìa cành…
Thế rồi mười mấy năm sau, tôi tiễn một người bạn tù đến nơi an nghỉ. Đó là một đám ma nghèo nàn, bệ rạc trong một xã hội bần hàn, đói rách.
Nam ở tù cải tạo cùng nhà, cùng trại với tôi, được thả về cùng ngày lại ở gần nhà. Chàng cũng chưa vợ con, ở nhờ ông cụ. Ông cụ khá giả, nhà có vườn tược rộng rãi gần Gò Vấp. Mẹ Nam mất đã lâu, ông cụ có vợ khác, mỗi lần lại chơi chàng nhìn bà mẹ ghẻ nói thầm với tôi:
-Tôi chẳng thèm ngó đến cái mặt!
Sau chàng lại dọn đến ở với người em ở Tân Bình. Ít lâu sau tôi lại chơi, Nam than thở:
– Tôi làm cho tổ hợp được mấy tháng lại hết việc. Ở đây em tôi nó cũng thất nghiệp, nó sống nhờ vợ bán hàng ngoài chợ, tôi cũng ngại quá anh ạ!
Chừng nửa năm sau, thỉnh thoảng tôi lại chơi nhưng ít khi gặp, chàng hay ở nhàbạn bè và ban đêm đi giao bánh ngọt cho các cửa hàng, nghe nói cũng vất vả lắm. Tối tối, đi lại lò bánh lấy hàng, đêm hôm khuya khoắt đạp xe đem đi giao cho các cửa tiệm. Hàng nghìn hàng vạn người cải tạo như Nam, ông chẳng ra ông, thằng cũng chẳng ra thằng, họ phải kéo lê tấm thân tàn ma dại giữa cái xã hội bần hàn đói khổ này, một xã hội đã hạ giá trị con người đến chỗ không còn nhân phẩm, con người chỉ biết chạy quanh để kiếm miếng ăn! quanh năm suốt tháng chỉ biết chạy ngược chạy xuôi, dầm mưa dãi nắng để kiếm cái gì bỏ vào mồm cho khỏi đói, ngoài ra không có gì khác.
Nam đạp xe giao hàng vất vả nhưng cũng chẳng đủ ăn, đủ xài. Có hôm chàng chỉ ăn có một ổ bánh mì, mặc dù bữa đói bữa no nhưng chàng lại tự ái cao, mỗi lần bạn mời ăn cơm chàng cứ chối đây đẩy:
-Không! Tôi vừa đi ăn ngoài tiệm về mà!
Bụng đói cồn cào nhưng chàng vẫn giữ thể diện, Nam ít khi về nhà, ông cu, bà dì ghẻ, chú em, em dâu hờ hững với chàng. Đã thiếu ăn, chàng lại thiếu cả tình thương, đêm đêm sông pha sương gió kiếm ăn, giá lạnh, hơi độc, sương đêm lâu ngày tích tụ làm cho cơ thể chàng suy nhược dần.
Một buổi tối nọ, Nam bị mắc mưa to rồi hoá ra cảm nặng, chàng nghỉ ở nhà bạn hai ngày, bệnh ngày càng nặng, chàng đi xích lô về nhà. Đến tối mê man chẳng còn biết gì, chú em định đưa đi nhà thương nhưng không kịp, chàng vội trút hơi thở trên giường. Một người bạn báo tin cho tôi rồi thở dài kết luận:
-Nguyên do cũng tại vất vả quá, đi đêm đi hôm mãi, khí độc của trời đất nó tụ lại, ăn uống thiếu thốn, cảm một cái là chết chứ có gì đâu!
Hôm đưa đám Nam tôi đến rất sớm, ông cụ thân sinh chàng ngồi khóc vật vã:
– Ới con ơi! từ nay bố mất con rồi! ới con ơi là con ơi!
Ông cụ vật vã thảm thương lắm. Thấy vậy anh bạn tôi lườm, nguýt rồi nói nhỏ với tôi:
-Cụ thương con sao không nuôi nó, không đem nó về ở chung, nó chết rồi mới vật vã!
Bà em dâu bày cỗ ra cúng, lễ vái sì sụp, anh bạn lại lườm, nguýt rồi nói nhỏ với tôi:
-Lúc sống thì không cho ăn, chết rồi mới cúng!
Hai giờ sau chúng tôi đưa chàng lên lò thiêu xác bằng chiếc xe ô tô buýt. Đưa mắt nhìn trước sau, tôi chỉ thấy chừng mười mấy người, nhà nghèo không kèn, không trống, không có đất chôn nên phải thiêu cho rẻ.
Tại lò thiêu, mấy người bạn trò chuyện với nhau về cuộc đời bi thảm của Nam, có người nói:
-Ôi thôi! chết như thế cũng là rảnh nợ đời, cuộc đời ông ấy sao mà bạc bẽo quá!
Đời chàng bạc bẽo thật, Cộng Sản nó bỏ tù chàng gần sáu năm, khi trở về cái xã hội bần hàn đói rách, bà con ruột thịt của chàng nhìn chàng bằng cặp mắt lạnh lùng như gió heo may! Ông cụ, chú em, bà dì ghẻ, em dâu hờ hững với chàng, cuộc đời sao mà bạc như vôi! Họ hờ hững với chàng để gìn giữ cuộc sống của họ giữa cái xã hội vô cùng khó khăn mà con người ta giành giựt, đấm đá nhau chỉ vì miếng ăn. Nam đã chạy ngược chạy xuôi, sông pha sương gió, kiếm ăn thâu đêm suốt sáng nhưng chua chát thay… nó cũng không đủ bỏ vào mồm…
Chúng tôi đưa tiễn Nam đến nơi an nghỉ để giải thoát chàng khỏi cuộc đời bạc bẽo. Thế là chàng đã rảnh cái nợ đời!
Và rồi mười tám năm sau, vào một mùa xuân mấy năm về trước tôi tiễn bạn Tấn của tôi. Người ta thường gọi đùa chàng là Tấn chân gỗ vì có thời chàng việc tại một quận ở miền Nam, Việt Cộng tấn công quận, Tấn bị thương ở chân nhưng giả chết, khi địch vào quận lục soát tưởng là chàng đã chết, chúng quanh quẩn một hồi rồi rút đi. Nhờ giả chết hay quá nên cuộc đời chàng đã kéo dài thêm ba mươi sáu năm nữa cho đến tận mùa xuân năm ấy, dáng đi của chàng trông hơi cà nhắc, cà nhắc một tí, nhưng thoát chết cũng là phước đức rồi!
Tấn cũng học cùng khóa với tôi và Ninh, ra trường có làm chung nhiệm sở chừng hai năm, tôi đi sở khác. Cộng Sản chiếm miền Nam, chúng tôi đi tù cải tạo, lại gặp Tấn trong trại nhưng chàng được về sớm lắm, chắc là có bảo lãnh gì đấy. Cải tạo về, dở ông dở thằng, chàng cũng lăn lộn kiếm sống vất vả mấy năm, bỗng có người quen rủ đi chỉ phải đóng hai cây vàng , thế là hai bố con Tấn đi thoát, thật là phước đức, người ta mất dăm bảy cây không đi được, hồi ấy chàng bán cái xe Honda lấy một cây và thu vét hết trong nhà đánh một ván bài chót.
Vào Mỹ chàng vừa làm vừa học điện tử, vừa gởi tiền về cho vợ con còn ở Việt Nam. Tấn ở Mỹ cả chục năm, bảo lãnh cho vợ con sang thì tôi mới được vào Mỹ.
Hồi ấy tôi lớ ngớ y như chim chích vào rừng! liên lạc được với hội đồng môn cùng trường le que co dăm bảy người, rồi Tấn với tôi lại gặp nhau nơi đất khách. Hồi trước không thân nhưng nay Tấn tỏ ra hết sức ân cần với tôi. Chàng xuống thăm, mời về nhà ăn cơm. Một hôm trời đông giá lạnh, tuyết rơi lả tả, chàng cũng lái xe gần hai chục dặm chở tôi lên nhà ăn uống.
Tôi ở gần Tấn được mấy năm, đang lúc quạnh hiu, bỡ ngỡ, chàng là một niềm an ủi lớn cho tôi. Tôi dọn đi làm ăn ở bang khác mấy năm rồi lại trở về, khi ấy Tấn đi mổ ruột dư, tôi lên thăm chàng, cũng mừng cho chàng thoát chết. Ít lâu sau nhóm bạn hữu lại bảo chàng bị cancer , tưởng là ruột dư nhưng bác sĩ khám phá ra là ung thư, tôi cũng lo cho Tấn vì ung thư thì có mà ông giời cũng không chữa được.
Bạn cùng trường ngày một đông hơn, nay chi hội đồng môn đã được mấy chục người, qua một buổi họp mặt, tôi thấy Tấn sa sút đi nhiều, chàng già hẳn đi, trông phờ phạc bệnh hoạn. Thỉnh thoảng lên thăm Tấn, có lần nói chuyện chàng vỗ nhẹ vào bụng, nét mặt âu sầu bảo tôi:
-Cái bụng tao nó vẫn đau, mỗi lần ăn xong tao lại thấy đau đau, hằng năm mày nên đi khám nghiệm, mới bị thì dễ chữa hơn, mình già rồi, dễ bệnh lắm!
Nói rồi chàng ngồi thừ ra ghế, tôi thấy trong đôi mắt chàng thoáng hiện vẻ lo âu, buồn bã. Chàng đau đớn ít, nhưng lo lắng, buồn rầu thì nhiều vì phải tự chứng kiến cái chết cứ từ từ tiến lại, ung thư có nghĩa là đã trông thấy bóng tử thần. Mặc dù mấy tháng bác sĩ lại khám nghiệm cho chàng, dù phương pháp trị liệu tối tân của xứ văn minh hữu hiệu đến đâu cũng không ngăn nổi bước đi của tử thần. Tôi cũng thương cho Tấn, lo cho chàng nhưng biết làm gì hơn được? cái đau khổ nhất của chàng không phải là cơn đau thể xác, nhưng trước mắt chàng thấy rõ hơn ai hết bóng dáng tử thần cứ từ từ tiến lại.
Tôi rất muốn thăm Tấn nhưng đường lên nhà bạn xa vàkhó đi, phải qua mấy con đại lộ chi chít những xe, chúng chạy ào ào như thác. Tuy vậy, có dịp lên Dallas tôi đều ghé thăm bạn, có lần anh thừ người bảo:
-Cái bụng tao nó vẫn đau, bảo hiểm nó trả tám trăm ngàn rồi mà chả đi đến đâu !
Tôi thấy chàng ta ngày càng suy yếu, tóc bạc hẳn đi, mất hết cả phong độ, căn bệnh quái ác vẫn chưa chịu tha cho anh, nó bắt anh phải sống cho đến chết. Cái căn bệnh kinh hoàng tàn ác ấy không cho con bệnh chết ngay! Nó bắt người ta phải sống trong lo âu khắc khoải, đau đớn dai dẳng cho đến chết, một căn bệnh quái ác và vô cùng tàn nhẫn.
Thấm thoắt bệnh hoạn đã kéo dài bốn, năm năm qua, tự nhiên tôi nghe người bạn bảo ở phổi của Tấn có vết đen, thời kỳ cuối cùng của bệnh ung thư. Chàng đi nằm bệnh viện trị liệu một thời gian lâu, nhưng bác sĩ biết là vô vọng, họ cho Tấn về nhà chờ chết. Hôm tôi lên nhà thăm, thấy chàng vui vẻ, thản nhiên chẳng có vẻ gì cho lo sợ cả, mặc dù phải đeo bình nước tiểu, chàng vẫn tươi cười hỏi thăm tôi mọi chuyện, nào việc làm, nào chi hội đồng môn. Bao nhiêu lo âu, khắc khoải chồng chất bấy lâu nay đã đến lúc bão hòa, một người đã cầm chắc cái chết trong tay không còn biết sợ là cái gì nữa. Tôi chỉ nói chuyện trời mây như ông Kèo, bà Cột sắp cưới vợ, gả chồng cho con, an ủi hoặc lên dây cót tinh thần một người sắp chết chỉ là trò giả dối. Ít lâu sau gia đình xin hãng bảo hiểm cho chàng được vào nằm ở một bệnh viện gần nhà vì vợ con không đủ sức trông coi, họ đồng ý cho.
Một buổi chiều cuối đông, tôi đến thăm Tấn lần chót tại bệnh viện để tỏ chút tình bằng hữu với người bạn tri kỷ lúc sắp ra đi. Đó là một bệnh viện nhỏ, bãi đậu xa vắng tanh vắng ngắt.
Vào đến phòng tôi thấy chàng nằm dài trên giường, mặt hốc hác nhưng tỉnh táo. Bà vợ đưa gương cho chàng soi mặt bảo:
-Này! Ông soi mặt xem có bị méo không?
Bà ta vẫn thản nhiên vui cười mặc dù đã phải khổ sở hầu hạ người chồng bệnh hoạn bấy lâu nay. Cô con gái ngồi cạnh tỏ vẻ u sầu. Tấn tươi cười bảo tôi:
-Mày ơi! Tuần trước tao tưởng tao đi rồi, bạn bè đứng vây quanh, tao thiếp đi, vợ con tao nó khóc, thế mà tao lại tỉnh.
Tôi nghĩ thầm:
-Không đi tuần trước thì tuần sau cũng vậy chứ gì!
Tôi chỉ thăm hỏi bâng quơ vì biết rằng đối với người cầm chắc cái chết trong tay, an ủi cũng chỉ là thừa. Tôi rán ngồi lâu thêm để cố đem lại một chút tình bằng hữu sưởi ấm lòng chàng nay đã nguội lạnh như một đống tro tàn và cũng là để tỏ tình đưa tiễn kẻ ở người đi, biết bao giờ mới gặp lại nhau? Nói chuyện khá lâu, tôi ra về, bãi đậu xe vắng ngắt, trời đã tối đen, đường phố đã lên đèn, những hạt mưa phùn rơi lất phất rơi trên vai tôi. Tôi không ngăn nổi xúc động đang dâng lên trong lòng vì thương bạn và biết rằng chiều nay mình gặp Tấn lần cuối cùng, thế là hết! Tôi bỗng nhớ lại thời tuổi trẻ đã qua… mới ngày nào bạn bè cùng ra trường, chàng còn trẻ đẹp giai, đời tươi như hoa thế mà bây giờ đã mấy chục năm qua! cuộc đời như một giấc mơ thôi.
Mấy tuần sau một người bạn báo tin cho tôi biết Tấn đã qua đời, anh ấy kết luận:
-Ôi thôi, cũng mừng cho ông ấy, vừa khổ cái thân, làm khổ vợ con lại làm phiền xã hội năm sáu năm rồi.
Hôm làm lễ an táng người ta chở xác chàng về ghé thăm nhà rồi mới lên nhà thờ làm lễ đem chôn y như trong phim The Road Home, Đường Về Tổ Ấm của đạo diễn Trương Nghệ Mưu vậy. Tôi đi chung xe với một người bạn đến nhà thờ, lúc ấy họ đang làm lễ, ông cha giảng hay lắm, dẫn thơ Kiều, Nguyễn Công Trứ để nói về đời người, linh hồn bất tử. Cha giảng xong, ca đoàn ở góc bên trái nhà thờ cất tiếng hát vang, các cô học sinh giọng trong và cao lanh lảnh, họ hát rất hay nhưng sao tôi thấy giọng hát ấy buồn thấm thía và lạnh lẽo y như khí lạnh ngoài trời hôm ấy, giọng hát cao vút lên, vô cùng thấm thía khiến tôi sững sờ, bâng khuâng, tê tái. Mỗi lần giọng ca vút lên tôi thấy lòng mình tự nhiên giá lạnh như băng tuyết. Các cô gái trẻ hát rất lâu, giọng hát lanh lảnh vang lên cho đến khi lễ tất.
Gia đình lên cám ơn quan khách rồi mọi người lục đục chuẩn bị lên đường. Hai người nhân viên nhà đòn ăn mặc lịch sư,ï nét mặt nghiêm nghị đẩy cái quan tài đen ngòm xuống phía dưới tiến thẳng về phía tôi, cái quan tài đen ngòm ấy như đâm thẳng vào tôi!… Bà vợ, các con trong bộ tang phục đen, đầu chít khăn trắng sụt sùi lệ ngắn lệ dài.
Khác với những lần tiễn bạn trước đây, bây giờ lần đầu tiên tôi đi đưa ma tại Mỹ. Một đám tang văn minh, toàn những xe hơi bóng loáng, thầm lặng, không có tiếng khóc than, tiếng kèn tiếng trống, nhưng tôi thấy lòng mình tê tái và buồn ra riết. Đoàn xe đi chầm chậm một lúc lâu mới đến tha ma. Lúc hạ huyệt mấy chục người bạn đồng môn xúm xít vây quanh, ai nấy tỏ vẻ tiếc thương cho Tấn. Thấy ông anh Tấn ném mấy bông hồng xuống hố, tôi cũng bắt chước ném theo.
Chỉ trong một cái chớp mắt thôi! Người phu nhà đòn lái xe máy ủi vèo vèo lấp đất.
Thế là hết, chấm dứt một đời người!
Bọn đồng môn ai nấy tê tái, bàng hoàng chứng kiến cái kiếp người phù du, mong manh như một ngọn đèn dầu!
Đánh vèo một cái thế là hết!
Mặc dù Tấn được ra đi trang trọng, văn minh, song tôi thấy sự ra đi ấy gieo vào lòng tôi những cảm giác tê tái, thấm thía và buồn mênh mang như không có bút mực nào mà tả cho siết được.
Tôi trở về nhà vào lúc xế chiều, xuân sang tiết trời ấm áp, mấy khóm hồng, khóm cúc, tường vi nở hoa rực rỡ trước vườn, chim chóc cất tiếng hót líu lô chào mừng mùa xuân trở lại. Cành cây đâm chồi, nảy lộc, báo hiệu sự sống hồi sinh sau những ngày tháng dài của một mùa đông giá lạnh, vạn vật mỹ miều cùng với trăm hoa đua nở trong khoảng không gian đầm ấm.
Nhưng sao tôi tự nhiên thấy lòng buồn rười rượi và chán chường vô tả, thực không bút mực nào mà tả cho siết nỗi lòng của tôi khi ấy. Tại ly hương chăng? tại cuộc đời đã đến lúc xế chiều hay tại những nỗi giá lạnh vô hình của giây phút thiêng liêng sinh ly tử biệt? Khi ấy tôi đang đứng bên những đóa hoa hồng mới nở, tươi đẹp rực rỡ trong gió xuân, một làn gió nhẹ thoảng đưa những bông hoa đỏ thắm và thơm ngát ngả nghiêng như đón chào tôi trở về nhà, năm nay hoa hồng nở đẹp quá, thật là tuyệt vời.
Nhưng sao tiếng ca réo rắt, lạnh lẽo, cao vút của các cô gái hát bài thánh ca vẫn vang dội bên tai tôi, hình ảnh các cô gái ở góc bên trái của thánh đường với giọng ca cao vút, lạnh lùng cho đến lúc này vẫn hiện rõ trong trí tôi cùng với hình ảnh của chiếc quan tài đen ngòm đang lừng lững tiến thẳng về phía tôi. Tất cả như muốn kéo tôi ra xa khỏi khung cảnh trăm hoa đua nở tươi đẹp tuyệt vời cùng với hương thơm ngào ngạt của buổi đầu xuân.
Giọng ca ấy đã khiến tôi thấy hiện lên trong lòng một cảm giác rờn rợn, lạnh lẽo. Nó bao bọc quấn quít lấy tôi và cứ đi theo tôi mãi, tôi muốn dứt nó ra, nhưng khốn thay. . . tôi không thể nào mà dứt nó ra cho được.
 

Chiến tranh Việt Nam sai lầm

hay rút bỏ Đông Dương là nhầm lẫn?

Trọng Đạt

Nội dung bài này không phải chỉ bàn chuyện đã rồi nhưng mục đích chính để liên hệ quá khứ với hiện tại vì lịch sử như một chuỗi mắt xích ràng buộc nhau chặt chẽ. Chuyện xưa sẽ soi sáng hơn những vấn đề thời sự chính trị đang diễn ra trước mắt chúng ta. Trước hết là:
Chuyện ngày xưa
Ngày 29-4-1975 những người Mỹ cuối cùng đã rời bỏ Việt Nam sau mấy chục năm can thiệp.
Ngay từ những năm đầu thập niên 50 Hoa Kỳ đã viện trợ giúp thực dân Pháp chống phong trào Việt Minh được coi là tay sai Trung Cộng. Họ đã nỗ lực lập vòng đai phòng thủ chống Cộng Sản quốc tế bành trướng mà trước mắt là ngăn chận Trung Hoa đỏ. Người Mỹ chỉ bỏ tiền khi nó mang lợi cho họ.
Sau ngày đất nước chia đôi mấy năm, báo Thế Giới Tự Do tại Sài Gòn có đăng bài diễn văn của Tổng Thống Eisenhower gửi người dân nước Mỹ. Tổng Thống nói nhiều người chỉ trích chính phủ viện trợ cho các nước kém mở mang trên thế giới (như VN) là cho không họ những số tiền kếch sù. TT Eisenhower giải thích như sau: “Nếu chúng ta không viện trợ giúp họ về kinh tế quân sự thì họ sẽ lọt vào tay CS, như thế là chúng ta cho không (CS) bao nhiêu đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thị trường tiêu thụ. Ngoài ra các nước trong thế giới thứ ba sẽ bị xích hóa, khi ấy chúng ta sẽ bị bao bọc bởi biển đỏ và sẽ phải xây một Vạn Lý Trường Thành thứ hai để tự vệ”.
Từ 1956, 1957 Tổng Thống Eisenhower đã giảng giải cho người dân trong nước chính sách “lấy con tép nhử con tôm” của chính phủ, nó là chính sách truyền thống của Hoa Kỳ. CS ngày càng lấn tới, sau khi chiếm được miền Bắc, thập niên 60 họ mở cuộc Nam tiến bằng vũ lực để thanh toán nốt phần còn lại. Những năm giữa thập niên 60 dưới thời Tổng Thống Johnson cuộc chiến ngày càng mở rộng, khốc liệt, mới đầu người dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến với tỷ lệ cao sau dần dần quay lại chống đối mạnh khiến chính phủ vô cùng khó khăn. Năm 1969 Nixon đắc cử Tổng thống lên thay chủ trướng rút quân nhưng không bỏ Đông Dương.
Tháng 2-1972 Nixon sang Tầu bắt tay Mao Trạch Đông người ta tưởng như sẽ thay đổi cả một kỷ nguyên. Tháng 5-1972 Nixon sang Nga ký Hiệp ước tài giảm binh bị (Strategic Arms Limitation Talks) gọi tắt là SALT và bán lúa mì cho Nga đang bị mất mùa. Chỉ trong mấy tháng trời Nixon hòa được cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Khi Nixon sang Tầu, sang Nga để hòa hoãn với họ, ông ta muốn cô lập Bắc Việt khỏi hai cường quốc CS này nhưng không có mục đích bỏ Đông Dương. Đầu năm 1973 Mỹ ký hiệp định Paris rút hết quân về nước và lấy tù binh, thực ra họ đã rút gần hết bắt đầu từ 1969.
Sau ngày 30-4-1975, quân dân VNCH kết án ông Nguyễn Văn Thiệu vì rút bỏ Pleiku giữa tháng 3 đã làm mất nước. Giới quân nhân, ký giả, chính khách… oán hận ông hết năm này sang năm khác. Người Mỹ nhân đó cũng chê trách ông Thiệu lãnh đạo quân sự kém khiến miền nam sụp đổ và lờ luôn trách nhiệm của họ. Khoảng mười năm sau các nhà lãnh đạo chính trị quân sự Việt, Mỹ đã tiết lộ sự thật khiến người ta biết rõ hơn về nguyên do Quốc hội Dân chủ Mỹ cắt viện trợ bức tử đồng minh.
Cho dù binh sĩ VNCH có chiến đấu đến viên đạn cuối cùng thì cũng chỉ giữ được tới tháng 5 hay tháng 6-1975 vì không còn đạn (1) Nửa năm sau khi ký Hiệp định Paris, nhóm phản chiến tại Quốc hội bắt đầu soạn tu chính án cắt mọi ngân khoản cho các cuộc oanh tạc, nỗ lực quân sự của Mỹ (của Hành pháp) tại Đông Dương, họ ép buộc TT Nixon ký thành luật ngày 30-6-1973, có hiệu lực từ giữa tháng 8 cùng năm (2)
Khi Quốc hội ra luật bó tay Tổng Thống Nixon như trên coi như họ đã bỏ VN rồi vì theo Nixon (3) ngoài viện trợ cho VNCH 2 tỷ năm 1973, Mỹ cần yểm trợ bằng không quân. Tác giả George Donelson Moss nói viện trợ của Mỹ cho VNCH hằng năm phải ở mức từ 3 tỷ cho tới 3 tỷ rưỡi vì họ được huấn luyện chiến tranh kiểu Mỹ rất tốn kém, cần nhiều hỏa lực, 2 tỷ một năm sự thực không đủ, vả lại vì viện trợ của các nước CS quốc tế cho BV rất dồi dào (4). Để bức tử miền nam, Quốc hội tiếp tục cắt giảm viện trợ mỗi năm 50% cho chắc ăn (5). Như thế cho dù không có vụ Watergate, dù  Nixon còn tại chức cho tới cuối năm 1975 ông cũng không thể cho oanh tạc B-52 để cứu miền nam vì không có ngân khoản.
Sau khi miền nam VN sụp đổ, nhiều người dân Mỹ chỉ trích Chính phủ sau bao năm can thiệp nay lại để mất Đông Dương, Hành pháp đổ lỗi cho Quốc hội cắt viện trợ bức tử miền nam. Lập pháp nêu lý do chiến tranh Việt Nam là sai lầm bị người dân chống đối nên họ phải hành động.
Năm 1995, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara nói Hoa Kỳ đúng ra phải rút bỏ VN từ 1963, 1964 hay 1965 (6) ông cho là cuộc chiến VN sai lầm.   Tác giả Walter Isaacson nói đúng ra Nixon phải bỏ VN từ 1969 thay vì tới 1973, ông đã làm thiệt mạng thêm 20,000 lính Mỹ. Theo Isaacson chẳng đáng phải hy sinh thêm 20,000 lính Mỹ để giúp miền nam sống thêm 4 năm (7)
Các nhà sử gia, chính khách Mỹ nói thuyết Domino không đúng, chiến tranh VN sai lầm và vì bị người dân chống đối nên Quốc hội phải cắt viện trợ bỏ Đông Dương. Trên thực tế chưa có tài liệu nào cho thấy người dân yêu cầu Quốc hội cắt giảm viện trợ VNCH. Không có tài liệu nào cho thấy người dân yêu cầu Quốc Hội bỏ Đông Dương, họ chỉ đòi chính phủ chấm dứt chiến tranh, đem quân và lấy tù binh về nước. Khi quân đội và tù binh về nước năm 1973, người Mỹ thôi phản kháng vì nguyện vọng của họ đã thỏa mãn, chưa có taì liệu nào cho thấy họ biểu tình chống chiến tranh sau đó. (8). Họ chỉ chống chiến tranh nếu chính phủ đưa quân trở lại Đông Dương nhưng không chống viện trợ quân sự cho VN.
Cho dù người dân hay Hành pháp Cộng hòa, Quốc hội Dân chủ vứt bỏ Đông Dương thì cũng là quyết định của nước Mỹ.
Về nguyên do tại sao họ rút bỏ không phải vì người dân mà vì một lý do rất hiển nhiên mọi người đều thấy. Nixon sang Bắc Kinh tháng hai và và Mạc Tư Khoa tháng năm 1972 đã đánh dấu một kỷ nguyên hòa bình. Trung Cộng sẽ bang giao với Mỹ và từ bỏ mộng xâm lăng bành trướng tại Đông Nam Á để canh tân đất nước, Sô Viết ký Hiệp ước tài giảm binh bị. Hoa Kỳ tin là cả Nga lẫn Tầu chấp nhận sống chung hòa bình lâu dài với Mỹ.
Kissinger mừng rú, Nixon phấn khởi, Quốc hội Dân chủ hí hửng phen này chắc sắp sướng tới nơi rồi: “hai siêu cường thù nghịch Nga -Tầu đã chịu hòa”, nước Mỹ hý hửng nhìn về tương lai. Họ lạc quan tin tưởng từ nay sẽ không còn chiến tranh loạn lạc, thiên hạ thái bình y như thời Nghiêu Thuấn. Nhưng đó là một lỗi lầm tai hại, Cộng Sản chỉ chịu hòa hoãn, thương thuyết khi chúng còn yếu, chờ khi lại sức sẽ ra tay.
Năm 1968 tôi được nghe một anh bộ đội BV hồi chánh nói: Mỹ muốn chiêu hồi Trung Quốc chứ anh Bắc Việt thì nghĩa lý gì và bốn năm sau nó thành sự thật. Hoa Kỳ đã chiêu hồi được Bắc Kinh, đã giải quyết tận gốc thuyết Domino không còn lo sợ CS bành trướng, họ vội quẳng cái miếng xương Đông Dương đi cho kẻ nghèo hèn lượm.
Không hề có nhà sử gia, chính khách Mỹ nào có can đảm nhìn nhận sự thật lịch sử phũ phàng này, đó là một sự kiện chẳng cần lý luận nhiều.
Nếu không hòa được Nga-Hoa năm 1972, nếu CS quốc tế còn đe dọa Đông nam Á, Quốc hội Mỹ có dám cắt viện trợ bỏ Đông Dương khi CSBV tấn công miền nam? Cho dù phong trào phản chiến lên cao họ cũng sẽ dùi cui báng súng đàn áp biểu tình cật lực như họ đã làm thời thập niên 60, an ninh nước Mỹ là trên hết.
 
Ảo tưởng vĩ đại
Trung Cộng – Hoa Kỳ thiết lập bang giao đầu năm 1979. Mỹ và các nước Tây Âu, Nhật Bản, Đài Loan… đầu tư và giao thương với Hoa Lục ngày càng mạnh hơn. Mỹ vừa tìm được hòa bình lại có thêm một thị trường rộng lớn, được bóc lột khối nhân công rẻ mạt. Thập niên 80 nhờ đầu tư các nước tân tiến, kinh tế Trung Cộng phát triển mạnh, thập niên 90 tỷ lệ tăng trưởng rất cao khoảng 9%. Mỹ tin tưởng nước Tầu với nền kinh tế phồn thịnh, một khi trở nên giầu có sung túc, họ sẽ từ bỏ chế độ độc tài CS, yêu chuộng hòa bình nhưng đó là một nhận định chủ quan sai lạc.
Từ 1992 CS Nga, Đông Âu sụp đổ khiến Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, người Mỹ phấn khởi không còn lo sợ Nga sô đe dọa. Từ 1992 dân số Nga từ 290 triệu tụt xuống còn một nửa (145 triệu) vì 15 nước thuộc địa cũ đòi độc lập tách ra khỏi liên bang. Tổng sản lượng kinh tế Nga từ hạng thứ nhì sau Mỹ hồi 1970 nay tụt xuống hàng thứ 7, thứ 8 (9) . Tin tưởng chế độ CS không còn, bất chiến tự nhiên thành, mấy năm sau McNamara phấn khởi viết hồi ký In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam.
Ông tuyên bố một câu xanh rờn (trang 320) “chiến tranh VN là hoàn toàn sai lầm đáng lý phải rút bỏ từ 1963, 64”. Các nhà sử gia, chính khách Mỹ càng được thể kết án cuộc chiến tốn kém hàng trăm tỷ một cách vô ích, nó đã gây phân hóa trầm trọng cho nước Mỹ. Tác giả Walter Issacson (trong  Kissinger A Biography) cho rằng thuyết Domino sai vì Việt Nam mất vào tay CS năm 1975 nhưng Đông Nam Á vẫn còn nguyên vẹn.
Người Mỹ càng tin tưởng vào hòa bình vĩnh cữu vì nay Trung Cộng chí thú làm ăn, CS Sô viết sụp đổ trở thành nước dân chủ tự do, thiên hạ thái bình không còn binh đao khói lửa. Nhưng ngày vui qua mau, con đường đi chẳng bao giờ bằng phẳng, trời yên bể lặng mãi mà đầy những chông gai sóng to gió lớn.
Tưởng rằng Trung Cộng yêu chuộng hòa bình là một sai lầm lớn, họ chỉ chịu hòa hoãn khi chưa mạnh. Mấy ai học được chữ ngờ, khi kinh tế phát triển, giầu có hơn trước, mới đầu họ dễ chịu một thời gian sau tăng cường quốc phòng và ôm mộng bá quyền bành trướng. Càng giầu họ càng hiếu chiến và hung hãn hơn cả so thời Mao Trạch Đông trước đây. Người ta chỉ trích Mỹ nuôi Trung cộng cho béo để họ thành mối đe dọa Mỹ và cả năm châu.
Năm 2002 Trung Cộng giữ mức ngân sách quốc phòng khoảng 20 tỷ Mỹ kim, mười năm sau 2012 ngân sách tăng lên trên 100 tỷ, khoảng  gấp 5 lần  khiến Mỹ bắt đầu e ngại (10). Nay ngân sách quốc phòng Hoa Lục là 126 tỷ, con số này do họ đưa ra nhưng Mỹ ước lượng 188 tỷ, vào khoảng một phần ba ngân sách quân sự Mỹ. Trung Cộng nay đã tiến lên nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, Tổng sản lượng bằng một nửa Mỹ (9 ngàn tỷ đô), họ công khai chính sách bành trướng tại Biển đông.
Cách đây mấy năm Bắc Kinh vạch một đường lớn có hình lưỡi con bò giữa hải phận quốc tế tại Biển Đông và nhận là hải phận của mình. Họ cấm các nước kể cả Mỹ không được đi qua, các quốc gia trong khu vực lo ngại. Bắc Kinh tiếp tục lấn chiếm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của VN, Phi Luật Tân, xây dựng đảo nhân tạo và ban hành lệnh cấm máy bay trên không phận quốc tế mà họ coi là của mình. Trung Cộng ngày càng lộng hành cho tầu chiến bắt bớ, bắn phá tầu đánh cá các nước trong vùng.
Nay Bắc Kinh muốn chứng tỏ cho Mỹ biết chính họ làm chủ Biển Đông và muốn Mỹ phải từ bỏ vai trò lãnh đạo nơi đây, nói trắng ra họ không còn hòa với Mỹ mà công khai kình địch Mỹ. Mấy năm trước Bắc Kinh tuyên bố đã chế tạo được hỏa tiễn khổng lồ có khả năng bắn chìm hàng không mẫu hạm Mỹ.
Mỹ chuyển trục về Biển đông từ mấy năm nay vì họ có nhiều quyền lợi kinh tế ở đây, một nền văn minh Thái Bình Dương đang đi lên từ mấy thập niên qua. Tình hình Biển đông nay căng thẳng khiến nhiều người lo ngại có thể sẩy ra đụng chạm.
Siêu cường Nga-Hoa đã chịu hòa với Mỹ năm 1972 nay đồng loạt trở mặt. Thời Brezhnev vì mất mùa, kinh tế khó khăn nên Nga phải thương thuyết sống chung hòa bình với Mỹ suốt hai thập niên. Tiếp theo đó là sự tan rã của Sô Viết và CS Đông Âu đầu thập niên 90 khiến người ta tưởng như Nga không bao giờ có thể trở lại vai trò lãnh đạo. Nhưng đó chỉ là nhận định chủ quan sai lạc, McNamara nói chiến tranh trên thế giới giữa các nước và nội chiến sẽ không bao giờ dứt (11)
Sau ngày CS Sô viết tan ra năm 1992, kinh tế Nga suy sụp nặng. Năm 1992 thời Tổng thống Yeltsin (1991-1999) vật giá tăng vọt, thập niên 90 Tổng sản lượng suy giảm chỉ còn một nửa, thất nghiệp dữ dội, lạm phát phi mã khiến bao nhiếu người mất hết tiền tiết kiệm, mười triệu người Nga lâm vào cảnh bần hàn.
Dưới thời Putin (2000-2008) kinh tế trở nên tốt đẹp, lợi tức thực sự tăng hai lần rưỡi, lương tăng gấp ba, thất nghiệp, nghèo nàn giảm một nửa, Tổng thống được người dân ủng hộ. Kinh tế Nga tiến một mạch 8 năm, Tổng sản lượng tăng 600%, Putin đưa nước Nga trở thành siêu cường năng lượng, ông  trợ giúp công nghệ kỹ thuật cao như Quốc phòng, nguyên tử.
Putin lại thắng cử Tổng thống năm 2012 (63.6% số phiếu) và sẽ cầm quyến 6 năm. Trong thời kỳ kinh tế Nga suy thoái ngân sách quốc phòng giảm (hơn ba lần) từ 70 tỷ Mỹ kim năm 1992 tới 20 tỷ năm 1999, nhưng Putin đảo ngược lại, ông gia tăng chi tiêu quân sự từ 20 tỷ năm 2000 lên 70 tỷ năm 2008 và nay tăng lên 90 tỷ, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Cộng (12)
Ngày 21-2-2014 Quốc hội Ukraine lật đổ Tổng thống thân Nga Yanukovych và cử TT lâm thời Turchynov lên thay. Mỹ và Tây phương công nhận chính phủ mới, Nga phủ nhận. Hai ngày sau Putin đưa vũ khí lén giúp bọn gốc Nga chiếm bán đảo Crimea, cuối tháng 3 họ tổ chức bầu cử  dưới sự yểm trợ xe tăng để sáp nhập bán đảo này vào Nga. Putin yểm trợ cho bọn gốc Nga gây chiến tranh tại đông Ukraine từ một năm rưỡi qua đã khiến cho hơn 7,000 người thiệt mạng.
Khi bị Tây phương trừng phạt kinh tế, Putin nóng giận tuyên bố Nga là nước duy nhất trên thế giới có thể biến Hoa Kỳ thành tro bụi.
Cũng như Bắc Kinh đang gây sự với Mỹ tại Biển đông nay Moscow ngày càng tỏ thái độ cứng rắn với Hoa Thịnh Đốn vì họ đã mạnh hơn trước về kinh tế, đời sống của người dân đã cao hơn thời Sô Viết rất nhiều. Putin mở rộng quyền lực và lãnh thổ, củng cố quyền kiểm soát bán đảo Crimea, can thiệp quân sự tại Syria như muốn loại bỏ Mỹ ra khỏi vai trò lãnh đạoTrung Đông.
 
Ngựa quen đường cũ
Gần đây ký giả Hà Giang báo Người Việt có phỏng vấn Giáo Sư Mỹ biết nói tiếng Việt Stephen Young. Giáo sư cho biết nay Hoa Kỳ nay đang sợ Trung Quốc và nêu một thí dụ: Bắc Kinh chế tạo được hỏa tiễn loại khổng lồ có khả năng  bắn chìm Hàng không mẫu hạm Mỹ tại Biển đông. Nếu họ bắn một vài trái thì có thể tránh được, nhưng nếu bắn 10 hoặc 20 trái thì khó tránh. GS Stephen Young nói Mỹ đang tìm cách liên minh với VN để chống Trung Quốc, Mỹ cần VN vì họ có biên giới với nước Tầu ở phía nam.
VN có một vị trí chiến lược quan trọng tại Đông Nam Á, nó y như cái bao lơn trông ra Thái Bình Dương. Nay người Mỹ muốn trở lại Cam Ranh, một căn cứ hải quân an toàn tại Biển đông.
Tháng 10 năm 2010 Miến Điện thay đổi quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, chấm dứt chế độ quân phiệt thân Bắc Kinh, Mỹ nỗ lực vận động Miến Điện về phía mình. Để chống lại chính sách bá quyền bành trướng của Bắc Kinh tại Biển đông Mỹ giúp đỡ các nước đồng minh trong khu vực gồm Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore… Họ lập phòng tuyến chống Hoa Lục bành trướng tại Biển đông y như chính sách be bờ ngăn chận CS (Containment) tại đây hơn nửa thế kỷ trước hồi thập niên 50, 60, có khác chăng hồi xưa miền Nam là tiền đồn chống Cộng còn bây giờ VN lại chính là CS.
Từ nhiều năm nay, Mỹ kêu gọi, ve vãn Hà Nội vào liên minh chống Trung Cộng bảo vệ quyền lợi chung nhưng hai bên cứ dập dìu tài tử giai nhân chẳng đi tới thế giới nào. Hà Nội e ngại có diễn tiến hòa bình một khi liên kết với Mỹ sẽ đi tới chỗ Đảng tan rã không còn quyền lực. Mạt cưa mướp đắng gặp nhau, Hà Nội thừa biết cái trò vắt chanh bỏ vỏ của anh bạn hờ đồng minh.
Dù CSVN bị Tầu đỏ chèn ép, hăm dọa tại Biển đông nhưng họ cũng vẫn là CS, Hà Nội chưa muốn liên kết với kẻ cựu thù. Sự hợp tác khó thành vì nó chẳng khác nào cuộc hôn nhân “nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”.
Trước đây người Mỹ kết án chiến tranh VN sai lầm, nay nhiều chính khách cũng chỉ trích chiến tranh Iraq. Kỳ thực cuộc chiến nào cũng đều cần thiết vì muốn hòa bình phải có chiến tranh, cây muốn lặng gió chẳng muốn đừng, muốn ngồi yên nhưng ai người ta để cho anh yên?
McNamara đã nói thế giới sẽ không bao giờ yên, hết cuộc chiến này sẽ có xung đột khác.
Thời mà người ta tưởng như được sống trong một nền hòa bình vĩnh cửu hơn 40 năm trước đây nay còn đâu? Trên thế gian chẳng có gì thoát khỏi vòng cương tòa của luật vô thường.

Trọng Đạt

Ghi chú
(1) Cao Văn Viên, Những ngày cuối của VNCH trang 92
(2) Richard Nixon, No More Vietnams trang 180
(3) Sách kể trên trang 189
(4) George Donelson Moss: Vietnam, An American Ordeal trang 388;
BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh. Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
Tổng cộng viện trợ CS quốc tế cho BV: 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí. Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) CSBV đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp 4 lần cuối năm 1974.
(5) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471
(6) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, in 1995 trang 320
(7) Walter Isaacson, Kissinger A Biography trang 484
(8) Những năm 1964, 65 tỷ lệ người ủng hộ chiến tranh cao (từ 60-70%), năm 1966 trên 50%, năm 1967 giảm dưới 50%, năm 1968 dưới 40%, những năm 1969, 70 phản chiến mạnh, năm 1971 28%. (Opposition to the US involvement in the Vietnam war. Wikipedia)
(9) Kinh tế gia Samuelson nói trong cuốn Economics trang 830 (in 1970)
“Thập niên 1970 cũng như thập niên 1960 Tổng sản lượng kinh tế của Nga vào khoảng một nửa Tổng sản lượng Mỹ”
(In the 1970s, as in the 1960s, U.S.S.R real GNP is about one-half  United States real GNP)
Nay TSL Nga (2,000 tỷ) đứng hàng thứ 9 trên thế giới, chỉ bằng gần 1/8 của TSL Mỹ (17 ngàn tỷ); List of countries by GDP (nominal), Wikipedia
(10) Military budget of the People’s Republic of China, Wikipedia
(11) In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam trang 324
(12) Military budget of the Russian Federation, Wikipedia
 

Người Chồng Muôn Thuở:
Một kiệt tác của Dostoyevsky

Trọng Đạt
 
Nhân lần thứ 191 ngày sinh của văn hào Fyodor Dostoievsky (11/11/1821-11/ 11/2012) tôi xin giới thiệu quí vị một tác phẩm nổi tiếng của ông. Vì phạm vi giới hạn của bài viết tôi lựa Người Chồng Muôn Thuở một tiểu thuyết ngắn thay vì đề cập tới những cuốn trường thiên của ông. Mặc dù sáng tác của Dostoievsky có từ trên một thế kỷ, một trăm mấy chục năm qua nhưng nhiều nhà nghiên cứu Tây phương cho rằng văn chương của ông không bị rơi vào tình trạng cổ điển, nó vẫn còn mới lạ, có giá trị vượt thời gian và cả không gian.
Dostoievsky sinh ngày 11/11/1821 tại Mạc tư Khoa, con một bác sĩ, học trung học ở đây, năm 1837 mẹ mất, ông lên Petersburg học ngành kỹ sư, năm 1843 ra trường làm trong ngành một năm thì bỏ việc, chuyển sang viết tiểu thuyết. Năm 1846 ông tham gia một tổ chức chính trị, đọc sách báo cấm, năm 1849 bị bắt với đồng bọn, lãnh án tử hình nhưng được ân xá tại pháp trường chỉ bị kết án bốn năm lao động khổ sai tại Tây Bá Lợi Á, đến 1854 ông được tha nhưng phải thi hành quân dịch tại đây.
Năm 1857, ông lấy vợ (Maria), đến 1859 xuất ngũ về ở miền Tây Nga, năm 1862 ra ngoại quốc lần đầu, một năm sau về nước, năm 1863 ra ngoại quốc lần nữa rồi về Mạc tư Khoa, năm ấy dự đám ma vợ, Maria chết vì ho lao. Năm 1865 anh chết, nợ nần chồng chất Dostoievsky phải lánh ra ngoại quốc trốn nợ, năm 1867 lấy vợ khác (Anna) 22 tuổi. Ông mất ngày 9/2/1881, hưởng thọ 60 tuổi.
Dostoievsky viết được tổng cộng 11 tiểu thuyết trong đó nhiều truyện dài, trường thiên và vài tiểu thuyết ngắn, 17 truyện ngắn. Về mặt số lượng tác phẩm của ông tuy nhiều nhưng trên thực tế chỉ có một số nổi tiếng được chú ý nhiều.
Dostoievsky bắt đầu trước tác từ giữa thập niên 1850 nhưng chỉ những cuốn về sau cùng được chú ý và cũng được coi là những tác phẩm tiêu biểu như : Tội Ác và Hình Phạt (viết 1866), Thằng Ngốc (1868), Quỉ Ám (1872), Anh Em Nhà Karamazov (1880)… Tiểu thuyết ngằn nổi tiếng có : Đánh Bạc (1867), Người Chồng Muôn Thuở (1870)…
Tôi thích tiểu thuyết ngắn của Dostoievsky hơn là những cuốn trường thiên, nó dễ đọc và lý thú hơn. Tiểu thuyết là những truyện (fiction) dài từ vài trăm trang trở lên. Những truyện dài trung bình từ một tới hai trăm trang người Anh, Mỹ gọi là short novel hoặc novella, người Pháp gọi là nouvelle, người mình gọi là truyện vừa, nó dài hơn truyện ngắn và ngắn hơn tiểu thuyết.
Tác phẩm chúng tôi đề cập ở đây Người Chồng Muôn Thuở (The Eternal Husband, người Pháp dịch là L’Eternel mari) viết năm 1870, được in trong cuốn The Short Novel of Dostoievsky, khoảng 140 trang khổ giấy lớn. Những bản dịch khác của truyện này hoặc của nhà xuất bản khác in khổ giấy trung bình khoảng 200 trang.
Xin sơ lược.
“Velchaninov tới Petersburg lo việc kiện tụng, chàng gặp một người đàn ông ăn mặc lịch sự, đầu đội mũ có băng vải đen để tang. Chàng bực mình vì cứ gặp hắn mãi và hắn có vẻ theo dõi chàng hoặc có điều muốn nói.
Rồi hắn tới phòng Velchaninov (xin gọi tắt Velcha), chàng nhận ra hắn, là người bạn cũ cách đây chín năm tại tỉnh T. tên Pavel Pavlovich Trusotsky (xin gọi tắt là Pavel) cho biết vợ hắn Natalya mới chết vì ho lao (hắn để tang). Velchaninov nhớ lại mười năm trước, chàng đến tỉnh T. lo một vụ kiện tụng, đã ở đấy một năm, đã là người yêu của Natalya. Bây giờ nhớ lại chàng xấu hổ vì hồi ấy mình lại yêu bà ta.
Natalya hồi ấy khoảng hai mươi tám tuổi, người gầy gầy không đẹp, người đàn bà này có sự lôi cuốn mãnh liệt khiến những người tình của bà phải mê mệt rồi trở thành nô lệ, hoàn toàn tuân phục nàng và khi nào chán, nàng liệng hắn đi như một đôi giầy cũ mòn gót. Nàng có nhiều nhân tình, người chồng là người tình đầu tiên nhưng sau đám cưới, hắn chỉ là một người chồng, đó là người chồng muôn thuở. Hồi ấy Pavel cỡ ba mươi lăm, có tài sản, Natalya được xã hội nể trọng, mối liên hệ giữa Velcha và nàng tới đỉnh cao thì thì tan vỡ. Nàng có một người tình nhân trẻ măng mới quen, khi Velcha về Petersburg, nàng gửi chàng một bức thư yêu cầu đừng trở lại thành phố T.. đó là chuyện cách đây chín năm.
Hôm sau Velcha tới nhà Pavel, chàng nghe thấy tiếng trẻ con cỡ lên bẩy, lên tám đang khóc, người đàn ông dọa nạt, hành hạ đứa nhỏ. Đó là Pavel đang mắng chửi con gái tên Liza, hắn cho Velcha biết hồi ấy chàng đi khỏi tỉnh T được hơn tám tháng thì vợ hắn sinh Liza. Velcha hiểu ý hắn và biết đó là con của chàng với Natalya. Liza bị Pavel đối sử cay nghiệt, mỗi khi đi đâu hắn khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Velcha bèn đề nghị với Pavel đưa cô bé lại một gia đình giầu có (bạn chàng) cho họ trông nom, họ đông con, vui vẻ tử tế, họ sẽ coi Liza như con. Thế rồi Velcha đưa Liza tới biệt thự nhà người bạn để cô bé khỏi bị Pavel hành hạ.
Cô bé không muốn đi, không muốn ở với người lạ, trong lòng không vừa ý. Tới nơi, Velcha thú thật với bà chủ nhà Liza chính là con mình. Cô bé cho Velcha biết Pavel, bố cô bé định treo cổ tự tử.
Hôm sau Velcha gặp Pavel, hắn say rượu…cho biết Bagautov mới chết (bạn cũ của họ) anh này cũng là tình nhân của Natalya, vợ Pavel. Hắn mượn rượu để mỉa mai chàng, lấy hai ngón tay để trên đầu làm thành hình hai cái sừng ý nói bị Bagautov cắm sừng và cũng có ý sỏ siên Velcha, hắn nói “một kẻ thù đã chết thì tốt, nhưng kẻ thù còn sống càng tốt hơn”
Pavel kè nhè cho biết vợ hắn Natalya có một hộp khảm xà cừ đựng thư tình và hắn đã khám phá nhiều điều mới lạ trong bức thư do nàng viết. Velcha hơi sợ nhưng chàng nhớ lại hồi ấy nàng gửi cho chàng một bức thư và chàng có gửi lại một thư cho chung cho cả hai vợ chồng Pavel, Natalya .. Pavel vẫn say rượu, hắn yêu cầu Velcha hôn hắn rồi nói.
“Anh là bạn tốt nhất của tôi, người bạn cuối cùng”
Hôm sau Velcha chờ Pavel để cùng lại thăm Liza vì chàng đã hứa với cô bé sẽ đưa cha cô (Pavel) lại, Velcha biết hắn muốn dùng Liza để làm phương tiện trả thù chàng vì cô bé chính là con chàng, hắn muốn làm cho cô đau khổ để chàng cũng khổ. Velcha chờ không thấy Pavel lại, đi tìm hắn khắp nơi, gặp hắn đi đưa đám ma, chàng năn nỉ Pavel đi thăm Liza nhưng hắn từ chối, nhất định không đi.
Velcha đến thăm Liza, cô bé bị bệnh, bà chủ nhà cho biết cô bé xấu hổ, mặc cảm bị bố bỏ rơi nên phát bệnh. Cô bé thấy Velcha không đưa cha Pavel lại như đã hứa càng đau đớn hơn khiến bệnh càng tăng. Bác sĩ khám bệnh cho biết đã hơi trễ, bệnh tình của cháu nguy kịch. Velcha đi tìm Pavel để đem hắn lại thăm Liza nhưng hắn say bí tỉ.
Cơn bệnh Liza nặng thêm lên, nóng lạnh cao độ, tới nửa đêm, nó mê man rồi chết đúng mười ngày sau khi đến ở đây. Velcha đau khổ, tìm Pavel báo cho hắn biết Liza đã chết, không có mặt hắn người ta không thể làm đám ma được. Pavel rượu say lúy túy, hắn mượn rượu cho biết Liza là con của anh sĩ quan trẻ chứ không phải con hắn, hắn sỏ siên Velcha. Pavel sai người tới đưa bà chủ nhà ba trăm, một số tiền lớn để lo mai táng và cầu nguyện cho cô bé, hắn lấy cớ bị bệnh không lại được. Velcha như người mất hồn, Liza chưa hiểu biết gì về chàng đã mất, cha con gặp gỡ nhau ngắn ngủi thay, chàng thù hận Pavel chỉ muốn giết hắn cho hả giận.
Velcha đến thăm mộ cô bé ngoài nghĩa địa, lúc ra khỏi đây thì gặp Pavel, hắn cho chàng biết sắp lấy vợ và mời chàng qua thăm nhà gái. Hắn khoe mới có chức tước, lương cao vả lại có tài sản, bây giờ là người “nặng ký”, mới hỏi lấy cô gái thứ năm nhà ông nghị viên, cô này mới mười lăm tuổi. Ông này có tám con gái, cô lớn nhất hai mươi bốn tuổi, ông ta sợ nếu chết thì không ai nuôi được đàn con nên đã có ý gả cho hắn (cô thứ năm). Velcha đồng ý đi với Pavel, hắn bỏ nhiều tiền mua vòng vàng để tặng cô dâu nhỏ hơn hắn vài chục tuổi.
Họ lại biệt thự nhà ông nghị viên, đám con gái ra mắt khách. Pavel tặng cô dâu tương lai một vòng vàng, cô này tên Nadya không muốn nhận, Pavel muốn xỉu vì ngượng. Khách khứa bạn bè của các cô và gia đình ra ngoài vườn vui đùa, họ đố chữ, chơi ú tim. Cô dâu tương lai Nadya khinh bỉ Pavel và có cảm tình với Velcha, cô nài nỉ nhờ chàng trao trả lại cái vòng cho Pavel và sẽ nhờ người nói cho hắn biết cô không muốn thấy mặt hắn nữa. Velcha nhận lời, Nadya khen chàng tử tế và mời lại chơi lần tới, cô gái có nhiều cảm tình với chàng khiến Pavel tức giận và ghen với bạn.
Về tới nhà Pavel đề nghị hai người giải quyết với nhau, năn nỉ Velcha đừng lại nhà Nadya nữa. Hắn cho biết sở dĩ rủ chàng đi theo để thử thách, nay thấy chàng hơn hắn nhiều về mặt chinh phục cảm tình. Hắn nói đã thương yêu Velcha từ lâu, hắn vô nghĩa so với chàng và cảm phục những ý nghĩa cao đẹp của chàng nhưng Velcha không tin hắn, chàng nói đã biết hắn thù ghét mình .
Bỗng một chàng thanh niên trẻ vào gặp hai người, cậu cho biết đã thân Nadya từ lâu, hứa hẹn với nhau và đề nghị Pavel rút lui là hơn. Người thanh niên và Pavel tranh luận hơn thiệt, anh cho biết Nadya đã nhờ người đem trả vòng vàng khi ấy Velcha bèn lấy vòng trả lại. Pavel nhục nhã, hận đời, thù Velcha. Chàng thanh niên khuyên Pavel nên rút lui đừng tốn công tốn của vô ích.
Pavel ngủ trên ghế sofa trong nhà Velcha, chàng lên cơn đau, hôm nọ bị ngộ độc. Pavel thức giấc chạy đi tìm bà chủ chung cư để lấy nước nóng, rồi Pavel cởi áo Velcha đắp miếng vải thấm nước nóng lên chỗ đau, cho chàng uống trà nóng, cơn đau đã dịu đi. Velcha ngủ thiếp đi, chàng mơ thấy trong phòng đầy những người, mơ thấy Pavel dơ nắm tay giận dữ với chàng..
Chàng nghe thấy tiếng chuông reo trong mơ, tỉnh dậy thấy Pavel nhào tới tấn công mình, Velcha đỡ đòn, nắm tay hắn và thấy đau buốt vì cầm phải lưỡi dao cạo. Hắn dùng dao cạo định cắt cổ chàng, Velcha khỏe gấp ba Pavel, quật ngã hắn và trói hắn lại, chàng lấy khăn băng bàn tay chẩy máu rồi đuổi hắn ra khỏi nhà.
Hôm sau Velcha gặp chàng thanh niên, anh ta trao cho chàng một bức thư của Pavel nhờ đưa dùm. Đây là bức thư cũ từ chín năm do Natalya, vợ hắn viết cho chàng nhưng không gửi, còn để trong hộp và bây giờ Pavel trao lại, bức thư nói nàng sắp có con và có thể sẽ trao đứa con lại cho chàng ! Velcha đọc thư xanh mặt.
Hai năm sau Velcha ngồi trên chuyền xe lửa đi Odessa, một thiếu phụ đẹp bị một nhà buôn rượu quấy phá, Velcha can thiệp, bà ta cám ơn và quí trọng chàng, một lúc sau Pavel lại cho biết đó là vợ hắn. Bà ta mời chàng về ở với họ một tháng cho vui, Pavel cũng ra vẻ mời mọc, Velcha không chịu nổi thái độ giả dối ấy và mắng hắn.
“Mày có muốn tao nói cho vợ mày biết mày định cắt cổ tao không? ..và chuyện bé Liza nữa !
Hắn chạy mất”

Theo nhận xét của giới phê bình Tây phương, Người Chồng Muôn Thuở được coi như một trong những tác phẩm hoàn chỉnh nhất của Dostoyevsky
-The Eternal Husband, technically perhaps the most accomplished of Dostoyevsky – William J Leather Barow (trong cuốn Fedor Dostoievsky)
- Some critics say this novel ranks among his best works because of its style and structure. Alfred Bem calls it “one of the most complete works by Dostoyevsky in regards to its composition and development” (Wikipedia.)
-The Eternal Husband is one of Dostoevsky’s most refined works,
(Amazone.com)

Mặc dù được nhiều người khen là tuyệt diệu nhưng truyện lại không được chú ý bằng các tác phẩm lớn của tác giả như Tội Ác Và Hình Phạt, Anh Em Nhà Karamazov… vì hồi đó người ta chỉ quí trọng những tác phẩm vĩ đại. Ngày nay nhiều tác phẩm ngắn như Ngư Ông Và Biển Cả của Hemingway và Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch của Solzhenitsyn đã được giải Nobel văn chương năm 1954 và 1970. Đề tài của Dostoievsky thường là án mạng, tiền tài, tình yêu, tội ác… đôi khi pha chút mầu sắc trinh thám. Ông được giới phê bình Tây phương đánh giá là tác giả đi tiên phong ở nghệ thuật diễn tả tâm lý sâu sắc, luận đề chung trong các truyện của ông là cuộc đấu tranh nội tâm giữa thiện và ác. Nhân vật trong Người Chồng Muôn Thủa thuộc giới phong lưu quí tộc hồi đó, có tài sản, ở biệt thự sang trọng, cá tính dị thường. Người chồng Pavel hà tiện, nhiều tính xấu bị xã hội khinh rẻ, Velcha người tình nhân của vợ hắn, thanh lịch dễ thương nhưng thiếu đạo đức, họ là đôi bạn thân và cũng là kẻ thù của nhau. Vợ Pavel chết, anh ta mở hộp thư cũ và khám phá ra sự thật, vợ anh viết thư (nhưng chưa gửi) cho Velcha, nàng cho biết đã có bầu với Velcha và sẽ giao lại đứa con cho chàng
Gặp lại nhau sau 9 năm xa cách, Pavel muốn giao lại cho Velcha đứa con gái tám tuổi Liza vì không phải con mình. Tâm lý Pavel thay đổi luôn luôn có khi nói đã yêu thương bạn, ôm nhau thắm thiết nhưng rồi lại nghĩ đến trả thù. Hắn hành hạ Liza để trả thù, cố tình bỏ rơi khiến cô bé đau buồn phát bệnh chết. Cái chết thảm thương của cô bé được ngòi bút thần sầu của Dostoievsky diễn tả vô cùng bi thiết, não nùng mà ít ai có thể sách kịp.
Đoạn tả lúc Pavel trả thù dùng dao cạo cứa cổ bạn thật ghê rợn thể hiện lối viết của Dostoievsky trong những đề tài nhuốm mầu bạo lực như Tội Ác và Hình Phạt, Anh Em Nhà Karamazov…Tối ấy hắn săn sóc bạn để đánh lạc hướng chờ cho bạn ngủ để giết bạn nhưng bất thành vì anh ta khỏe hơn.
Velcha nghĩ có lẽ hắn không chủ tâm giết mình vì nếu vậy hắn có thể dùng súng mà vì tình cờ thấy dao cạo chàng bỏ quên trên bàn và nẩy sinh ra ý nghĩ sát nhân. Pavel thấy Velcha hơn mình quá nhiều, đi hỏi vợ tại nhà ông nghị viên, anh ta cũng được cô bé Nadya quí mến trong khi hắn bị khinh bỉ, khước từ mặc dù lắm tiền. Hai năm sau đôi bạn lại gặp nhau trên chuyến xe lửa, Pavel có vợ khác, bà này lại có cảm tình với Velcha, chàng thấy bà ta cặp một thanh niên, khi hỏi thì hắn trả lời đó là bà con xa!! cả cuộc đời hắn chỉ là người chồng muôn thủa, bị mọc sừng suốt đời. Cuộc đời Pavel, một ngươi giầu có là một tấn bi kịch, cuộc đời Velcha cũng chẳng khá hơn, đứa con ruột chàng mới gặp lại đã mất đi vĩnh viễn hậu quả của mối hận thù ghê gớm. Vào cuối truyện, chàng ta được thừa hưởng tài sản, yêu đời hơn một chút.
Tác phẩm được mô tả kỹ lưỡng về hận thù, về thú tính xấu xa của con người và cũng diễn tả tấm lòng rộng lượng bao dung như Velcha, chịu đựng bao sự tàn nhẫn của bạn mà vẫn bỏ qua dù đôi lúc giận điên lên chàng muốn giết hắn ngay. Ở Pavel, cái ác đã ngự trị đẩy hắn vào con đường tội lỗi, ở Velcha, cái thiện đã thắng khiến chàng xóa bỏ hận thù, trong nội tâm đôi bạn, sự đấu tranh giữa ông Thánh và con Quỉ đã diễn ra để giành quyền làm chủ. Truyện giống như một vở bi hài kịch, bi kịch trong cái chết thảm thương của bé Liza, hài kịch ở chỗ Pavel suốt đời chỉ là anh chồng bị mọc sừng như một định mệnh.
Nhân vật của Dostoyevsky ở đây mang nhiều cá tính kỳ dị, chính những cá tính ấy đã làm cho tác phẩm có nhiều nét đặc sắc riêng. Kỹ thuật diễn tả đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, khi nói về cái chết của bé Liza chỉ vỏn vẹn một trang sầu thảm, não nùng, cô bé Liza cũng là nhân vật kỳ dị tự ái nghĩ mình bị bỏ rơi nên đau buồn mà chết.
Bố cục sáng sủa hơn các tác phẩm khác của cùng Dostoievsky, các chương mục mang tên và ý nghĩa riêng song phần diễn tả tâm lý nhiều đoạn cầu kỳ khó hiểu cũng như trong nhiều tác phẩm khác. Mặc dù sáng tác từ hơn 140 năm qua nhưng truyện vẫn không bị rơi vào cổ điển vì bút pháp của Dostoievsky vẫn còn mới lạ. Người ta ví văn của ông như một bản đại hòa tấu symphony, đang êm đềm lặng lẽ bỗng kèn trống nổi lên vang dậy như đoạn Pavel dùng dao cạo tấn công người bạn Velcha.
Về Dostoyevsky ta thấy có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều độc giả cho rằng văn chương của ông khó hiểu, dài dòng văn tự, trái lại những người hâm mộ rất say mê đọc tác phẩm của ông . Khi truyện của Dostoievsky mới được xuất bản đã bị các nhà văn đương thời chỉ trích là phóng đại, không thực, kỳ dị. Tolstoi cho rằng tác phẩm của Dostoievsky không có vẻ gì là thực. Các nhà phê bình Tây phương vốn ưa lối văn nhẹ nhàng của Ivan Turgenev, Tolstoi chê bai Dostoievsky thậm tệ như George Moore nói
“Ông ta chỉ là người viết tuồng rẻ tiền pha chút mắm muối tâm lý”
(a cheap melodramatic novelist with psychological sauce)
Sau này người ta thẩm định lại và đánh giá tác phẩm của ông rất cao, các thế hệ nối tiếp đã nghiên cứu văn nghiệp của Dostoievsky và ca ngợi không tiếc lời. Độc giả cũng tìm thấy những cái hay, những giá trị nghệ thuật sâu sắc của văn nghiệp Dostoievsky. Có người cho rằng ông không bị rơi vào cổ điển như Leon Tolstoi. Steimer nói Dostoyevsky ảnh hưởng tới tư tưởng hiện đại nhiều hơn Tolstoi. (theo William J. Leather Barrow trong cuốn Fedor Dostoievsky). Nhiều nhà phê bình mải mê ca ngợi ông tới chỗ “quá đà” như Dostoievky là nhà đại tư tưởng, nhà tâm lý học, nhà triết gia, hoặc nhà văn hào vĩ đại nhất của nhân loại từ xưa đến nay! Cuốn Anh Em Nhà Karamazov đã ảnh hưởng tới nhà phân tâm học Đức Sigmund Freud, tác giả Áo Franz Kafka…
Các nhà nghiên cứu chú trọng tới tư tưởng, triết lý của ông hơn là về văn chương, họ ca ngợi nghệ thuật tả tâm lý nhân vật của Dostoievsky vô cùng sâu sắc. Dostoievsky được “ca tụng quá đà” và trở thành một huyền thoại như William Leather Barrow kết luận thuyết vô định (principle of uncertainty) trong Tội Ác Và Hình Phạt giống như thuyết tương đối của Einstein và có ảnh hưởng tới thuyết này…
Nhân vật do Dostoievsky xây dựng không hiện thực mà mang nhiều cá tính kỳ dị như trong The Gambler, Cờ Bạc (Le Joueur) một chàng thầy giáo dậy kèm tư gia si tình con gái ông chủ nhà, thề nhẩy vào xe lửa nhưng cô cũng không yêu anh, cô lại mê một chàng quí tộc Pháp bạn của cha mình. Trong khi người đẹp ngủ với anh quí tộc Pháp trong phòng, chàng thấy giáo ngủ ngoài cửa để tỏ lòng chung thủy nhưng cô cũng vẫn không yêu anh, một mối tình bỏng cháy, hay một mối tình điên? Trong Anh Em Nhà Karamazov hai bố con cùng mê một ả, đánh nhau giết nhau vì một ả….nhưng nó cũng là những nét đặc sắc riêng hoàn toàn khác biệt với các nhà văn đương thời, được coi như sự đóng góp mới mẻ cho nghệ thuật.
Tôi thích thú các tiểu thuyết ngắn của Dostoievsky như Cờ Bạc, Người Chồng Muôn Thuở hơn các cuốn trường thiên của cùng tác giả như Tội Ác Và Hình Phạt, Thằng Ngốc, Anh Em Nhà Karamazov… Ở tác phẩm ngắn lối viết của ông gọn và hoàn chỉnh, ngược lại truyện dài khó hiểu, phức tạp, viết thừa nhiều, nhiều nhân vật khiến người đọc bối rối.
Tolstoi, Dostoievsky được coi là hai nhà văn hào vĩ đại trên văn đàn thế giới, sự khác biệt nghệ thuật của hai tác giả này chẳng khác nào như nhạc Beethoven khác với Mozart. Nhạc Beethoven có lúc khoan như gió thoảng ngoài, lúc mau sầm sập như trời đổ mưa trong khi Mozart luôn du dương nhẹ nhàng, thanh thoát…
Nêu viết lặng lẽ như Tolstoi, Turgenev hay nhiều tác giả khác có thể Dostoievsky đã bị chìm lắng nhưng ngòi bút thần sầu của ông đã tạo cho mình một địa vị lớn trên văn đàn thế giới. Nhờ sự tạo dựng nhân vật, nội dung kỳ ảo mà tác giả đã đóng góp thật nhiều cho công trình văn hóa chung của nhân loại.
Trọng Đạt

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top