Nguyễn Dư, Đôi điều về  Giám mục BÁ ĐA LỘC

     
Nguyễn Dư

Đôi điều về

Giám mục BÁ ĐA LỘC


Đọc sử ai cũng biết rằng Nguyễn Ánh dẹp được phe Tây Sơn là nhờ có sự giúp đỡ về ngoại giao và quân sự của giám mục Bá Đa Lộc. Sử nhà Nguyễn không đả động gì đến chuyện giám mục Bá Đa Lộc soạn tự điển, làm giàu cho ngôn ngữ, văn học nước ta.
 Mời các bạn cùng ngồi vào bàn... bàn về một cuốn tự điển của giám mục Bá Đa Lộc.
  

Giám mục Bá Đa Lộc, Người đâu tên họ là gì?


 Ngày xưa, Quốc văn giáo khoa thư dạy trẻ con lớp dự-bị rằng:
 - Ông Bá-Đa-Lộc là người Pháp. Ông sang Nam-việt để truyền đạo Thiên-chúa. Đến đấy thì ông gặp vua Gia-long bị nhà Tây-sơn đánh thua, đang phải trốn tránh. Ông thấy nhà vua thế cùng lực tận, ông bèn đi với hoàng-tử Cảnh về bên Pháp cầu cứu, rồi lại sang nước ta giúp vua Gia-long khôi phục lại cơ-nghiệp cũ.

 Ông Bá-Đa-Lộc thủy-chung, đến lúc chết vẫn là một người bạn tận-tâm và một người phò-tá sáng suốt của vua Gia-long: ông theo ngài trong các trận-mạc mà lại là thầy dạy hoàng-thái-tử học nữa.

 Về phần vua Gia-long cũng yêu mến ông lắm, lúc ông mất, ngài làm lễ chôn cất rất trọng thể: nhà vua, các quan, các hoàng-thân, tôn-thất đều đi đưa cả. Lăng ông xây ở gần thành phố Sài-gòn, trong khu vườn mà hồi sinh-thời ông, ông hay chăm nom, trồng-trọt.

 - Bá Đa Lộc, tức Pierre Joseph Georges Pigneaux de Béhaine, giáo sĩ người Pháp tích cực giúp Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn, từng được Nguyễn Ánh uỷ nhiệm đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện năm 1787. Trong tên thánh của Pigneaux có thánh Pierre theo tiếng Latin là Petrus, được Việt Hán hoá thành Bá Đa Lộc, ngoài ra còn Việt hoá trong khẩu ngữ thành Vêrô hay Phêrô (1).

 - Bá Đa Lộc chính tên là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, sinh năm 1741 ở Origny en Thiérache; sau khi tốt nghiệp ở Trường thày dòng của Hội ngoại quốc truyền giáo, ông được phái sang Viễn đông sung vào Giáo đoàn Đàng Trong. Năm 1767, đến Hà-tiên, được cử làm quản đốc Trường Thày Dòng ở Hòn đất (gần Hà tiên). Năm 1770, ông được phong làm Giám mục (Evêque ďAdran). Năm 1771, vị Giám mục khu Đàng Trong là Piguel mất, ông được cử lên thay. Tháng mười năm 1777, ông gặp đức Nguyễn Ánh đương trốn tránh và giúp cho ngài đi lánh nạn ở cù lao Poulo Panjang ở vịnh Tiêm-la. Đến tháng 11 năm ấy, Nguyễn vương lấy lại được thành Gia-định, ông đến ở Tân-triều (gần Biên-hoà) và thường giao thiệp với ngài. Nhưng đến tháng ba năm 1783, thành Gia-định lại mất về quân Tây-sơn, Nguyễn vương phải trốn ra vịnh Tiêm-la, ông cũng phải trốn tránh như ngài. Cuối năm 1784, ông gặp ngài ở cù lao Poulo Panjang; sau khi bàn tính, Nguyễn-vương phái ông đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Năm 1787 ông tới Pháp và kí tờ hiệp ước Versailles. Năm 1789 ông trở lại Gia-định. Từ đấy, ông giúp mưu kế, giữ việc văn thư cho Nguyễn-vương và thường theo ngài đánh trận. Năm 1799, ông theo Nguyễn-vương ra đánh thành Qui-nhơn; đang khi vây thành, ông mắc bệnh mất ngay ở đấy, thọ 58 tuổi (2).

Sách vở của ta, thậm chí cả sách vở của Pháp, ghi chép tên giám mục Bá Đa Lộc không giống nhau.

Đề nghị Ta cùng nhau đi, thăm... sổ sách ngày xưa. Xem ai đúng ai sai.
 
- Sổ hộ tịch của thị xã Origny-en-Thiérache (Aisne) ghi tên đầy đủ của giám mục là Pierre-Joseph-George Pigneau, sinh ngày 2 tháng 11 năm 1741. Cha là George Pigneau. Mẹ là Marie-Louise Nicart. Ông được cha Joseph Nicart rửa tội ngay hôm sau ngày sinh.

Ngày xưa có thói quen gọi Giám mục Bá Đa Lộc là Pigneau de Béhaine. Béhaine là địa danh nơi ông sinh, thuộc thị xã Origny. Tên chính thức của ông không có Béhaine (3).
Tên Pigneau bị nhiều người viết sai thành Pigneaux (có chữ x).
 
Điều sai lầm này sẽ được bàn ở phần sau.

- Brébion (4) nói là Bá Đa Lộc chết vì bịnh kiết lị. Tao-Kim-Hai (3) cho là vì bịnh gan. Ông được chôn cất tại một mảnh vườn nhỏ nằm cạnh nhà riêng tại Tân Sơn Nhứt. Lăng mộ ông (dân gian gọi là Lăng Cha Cả) do Barthélémy thiết kế, vua Gia Long viết văn bia.

 Tháng 8/1861, Lăng Cha Cả được công nhận là di sản quốc gia Pháp.

- Năm Thành Thái thứ 14 (1902), tháng 2, dựng tượng đồng (đặt ở tỉnh Gia Định) của Đông cung Anh Duệ hoàng thái tử và Pigneaux quận công Giám mục Bá Đa Lộc.

- Bá Đa Lộc được vua Gia Long phong tặng danh hiệu Thái tử Thái phó Bi Nhu (Bi Nhu là phiên âm của Pigneau) quận công, thuỵ là Trung Ý. Ông được ban tước Quận công.

Nhưng...

Bài Người Thái Tây sang Đông Pháp trong sách Quốc sử ngâm của Nguyễn Tống San, giáo thụ Ninh Giang, lại chép rằng:
  Giám mục người nước Lãng Sa
  Béhaine, phong tước hiệu là Bá Đa

Chú thích:
 Tước: có 5 tước là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Cha Béhaine được truy phong là Bá hiệu Đa Lộc (5).
 Sai một li đi một dặm. Nguyễn Tống San dắt người đọc đi xa gần nửa vòng trái đất.
     

Nói có sách, mách có chứng...

Điều bất ngờ, đáng ngạc nhiên là... sách "gối đầu giường" năm xưa vẫn còn nằm trước mắt:

- Cái công của Giám mục Bá Đa Lộc trong việc vua Gia-long bình định và thống nhất Nam Bắc thế nào, trong Nam sử đã chép rõ. Ta chỉ cần xét cái ảnh hưởng của ông đối với văn học nước ta thế nào. Cái ảnh hưởng ấy tức là làm cho chữ quốc ngữ do các giáo sĩ người Âu đặt ra về thế kỷ thứ XVII có cái hình thức nhất định như ngày nay.

Cứ theo bộ tự điển của cố Alexandre de Rhodes soạn và in năm 1651 thì chữ quốc ngữ về hạ bán thế kỷ XVII còn có nhiều cách phiên âm khác bây giờ và chưa được hoàn toàn tiện lợi. Theo cố Cadière trong một bài thông cáo đọc ở Hội đồng Khảo cổ Đông Pháp ở Paris (Commission archéologique de ľIndochine) năm 1912 thì các hình thức hiện thời của chữ quốc ngữ chính là do đức cha Bá Đa Lộc đã sửa đổi lại mà thành nhất định. Đức cha có soạn cuốn Tự điển An-nam La-tinh, tuy chưa xong hẳn, nhưng cố Taberd đã kế tiếp công cuộc ấy mà soạn ra cuốn Nam-việt dương-hiệp tự-vựng (Dictionarium annamitico-latinum), in năm 1838. Trong cuốn này, cách viết chữ quốc ngữ giống hệt bây giờ; mỗi tiếng Nam đều có chua kèm chữ nôm: cuốn ấy sẽ là một cuốn sách làm gốc cho các tự điển tiếng Nam sau này (2).

- Giáo sĩ A. de Rhodes đem thứ chữ ấy (chữ quốc ngữ) biên thành một bộ tự điển Dictionnaire Annamite-Portugais-Latin và một quyển giáo lý vấn đáp Catéchisme annamite et latin. Sau đó non hai trăm năm, giám mục ďAdran (đức cha Bá Đa Lộc) sửa sang lại mà thành bộ tự điển Việt ngữ sang La-tinh ngữ, nhưng làm chưa xong thì ông mất. Kế có giám mục Taberd tiếp tục biên thành bộ Dictionnaire Annamitico-Latinum. Xem chữ quốc ngữ trong bộ tự điển ấy giống hệt như chữ quốc ngữ ngày nay, cho nên ta có thể nói rằng thể thức chữ quốc ngữ ngày nay là do hai giám mục ďAdran và Taberd xác định (6).

- Đức cha Bá Đa Lộc mặc dù mắc trở ngại nhiều công việc, nhưng ngài cũng cố gắng biên soạn hai tự điển Việt-La và La-Việt. Hai tự điển này chưa được ấn hành. Đức cha Taberd đã dùng những tài liệu do chính đức cha Bá Đa Lộc để lại, sửa chữa lại rất kỹ càng và đã xuất bản hai tự điển ấy tại Sérampore bên Ấn Độ năm 1838 (7).

 
Chao ôi! Phải thú thật là năm xửa năm xưa lười học, chán ghét môn Việt văn nên hoàn toàn không biết chuyện Giám mục Bá Đa Lộc soạn tự điển. Hôm nay tình cờ đọc sách mới... giật mình. Vội đeo cặp kính lão, lôi mấy quyển sách của ta, của tây ra... để tìm hiểu thêm.
Chuyện Giám mục Bá Đa Lộc soạn tự điển được cố Cadière nêu ra năm 1912 tại Paris. Rất có thể là trong lúc thăm viếng và làm việc tại thư viện của Hội truyền giáo ông đã được xem cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum-1772 của P.J. Pigneaux.

Cuốn tự điển này được Hội Địa lí (Société de Géographie, Paris) trưng bày ngày 10/7/1922, nhân dịp vua Khải Định sang thăm nước Pháp.

 A. Salles và ban biên tập Đô thành hiếu cổ (BAVH, tháng 10-12/1922) viết bài tường thuật. Có mấy tài liệu đáng chú ý:

 (Tài liệu số 1) Tranh chân dung độc nhất của Giám mục Bá Đa Lộc do Maupérin vẽ năm 1787. Tranh của Hội Truyền giáo. Tất cả các tranh chân dung Bá Đa Lộc khác đều là tranh vẽ lại từ tấm tranh này.

 (Tài liệu số 37) Cuốn Giáo lí viết bằng chữ quốc ngữ (soạn năm 1774) của Giám mục Bá Đa Lộc.

 (Tài liệu số 42) Đây là tác phẩm ngôn ngữ học quan trọng của Giám mục Bá Đa Lộc, cuốn Dictionarium Anamitico Latinum, được sao chép năm 1773 từ bản gốc đã bị thiêu huỷ năm 1778 trong vụ cháy Chủng viện Cà Mau. Bản sao này khá chắc chắn (probablement) là đã được Giám mục Taberd dùng để soạn cuốn tự điển của ông, được in tại Serampore năm 1838.

 Lời giới thiệu tài liệu số 42 sai. Bá Đa Lộc chưa bao giờ ở Chủng viện Cà Mau. Người viết đã nhầm lẫn với một thảm hoạ khác:
 - Năm 1778, nhiều bọn cướp ở Cao Mên tràn qua (Hà Tiên), đến đốt khu nhà chung, giết 7 bà phước và 4 học sinh.
 Vì ở Hà Tiên không được yên, Bá Đa Lộc rời tiểu chủng viện đến Tân Triều gần Biên Hoà (7).
 - Tạp chí Ľ Histoire, số 62 (1-3/2014), với chủ đề Nước Việt Nam từ 2000 năm (Le Vietnam depuis 2000 ans), có bài Đất nước của người Việt Nam (Le pays des Viêt du Sud) của Philippe Papin. Bài viết có kèm tranh vẽ Hoàng tử Cảnh của Hội Truyền Giáo, Paris, có ảnh chụp 2 trang cuốn tự điển chép tay Hán-Việt-La Tinh, được ghi là năm 1773, tác giả được gán cho Pigneau de Béhaine (Dictionnaire chinois-annamite-latin, attribué à Pigneau de Béhaine,1773).
 Ph. Papin không quả quyết rằng Bá Đa Lộc là tác giả cuốn tự điển. Phải chăng có điều gì còn cần bàn cãi thêm?
 Sực nhớ mình có tải được cuốn Dictionarium Anamitico Latinum-1772 - P.J. Pigneaux từ kho sách Quán ven đường (Xin có lời cám ơn chủ quán Huỳnh Chiếu Đẳng).
 Đem so sánh (trang 197-198) thì thấy cuốn tự điển của Papin và cuốn mình đang có là một.
 Vậy, xin đem cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum-1772- P.J. Pigneaux ra bàn để tìm hiểu công trình văn học của Bá Đa Lộc.

Muốn bàn về công trình soạn tự điển của Bá Đa Lộc, thiết tưởng nên theo dõi đời sống của ông trong khoảng 7 năm (1765-1772), từ ngày ông rời nước Pháp đến ngày ông hoàn thành cuốn tự điển.

 Đời sống của Bá Đa Lộc được Alexis Faure kể lại với nhiều chi tiết chính xác (8).

 Alexis Faure được cha Jardinier cho xem tập thư của Bá Đa Lộc viết cho cha mẹ. Tập thư này, trước kia được ông Meniolle (sui gia của ông bà Pigneau) giữ, sau trao lại cho cha Jardinier.

 Cha Jardinier đã từng phụng sự tại nhà thờ Origny-en-Thiérache (nơi sinh của Bá Đa Lộc), sau được đổi đến Vương cung thánh đường Chauny (Notre Dame de Chauny, Aisne).

 Tại Chauny, A. Faure được thấy hai tấm tranh vẽ Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh. Faure không nói gì thêm về 2 tấm tranh này.

 Qua tập thư Bá Đa Lộc viết cho gia đình và qua lời kể của A. Faure, chúng ta được biết:

 - Ông rời Lorient tháng 11 năm 1765, không nói cho gia đình biết.

 - Ông đến Macao ngày 22/9/1766. Định cuối tháng sẽ đi đến nơi làm việc tại Nam kì.

 "Hiện giờ con đang phải học tiếng Việt. Bọn con chỉ có 5 thừa sai người Pháp là Artaud, Morvan, Levavasseur, Halbout (và con). Một người sẽ làm quản lí tu viện (procureur), hai người sẽ sang Tàu, một người đến Bắc kì và con sẽ đến Nam kì. Tại nơi con đến các vụ đàn áp giáo dân đã ngưng từ năm ngoái".

 - 1767, Artaud và Bá Đa Lộc được phái đến đại chủng viện Hòn Đất (thuộc Phú Quốc, đặt dưới quyền cai trị của quan trấn thủ Hà Tiên Mạc Thiên Tích. Hà Tiên là trung tâm thương mại của người Miên, Thái, Việt, Mã Lai, Tàu).

 Đại chủng viện có 43 người.

 "Chủng viện chỉ có mái lợp tranh, bốn phía không có tường. Lúc ăn, gặp cơn gió lớn mọi người phải bưng bát chạy. Ban đêm trời mưa, các chủng sinh phải cuốn chiếu tìm chỗ trú. Chờ hết mưa lại trở về "phòng ngủ" trải chiếu dưới đất ướt mà nằm".

 - Một hôm, có một hoàng tử Xiêm bỏ trốn khỏi đất Miên, chạy sang Hòn Đất, vào trốn trong chủng viện.

 Khoảng mười ngày sau, ngày 8/1/1768, chủng viện bị lính của Mạc Thiên Tích đến cướp phá. Giám đốc (Artaud), phụ tá (Bá Đa Lộc) bị bắt, bị đeo gông (cangue) ngồi tù.

 "Giáo dân đến thăm ai cũng rơi nước mắt... Con bị ốm hơn bốn tháng trời. Hiện giờ đã khỏi" (thư viết từ Hòn Đất, 23/6/1768).

 - Ngày 13/11/1769, bọn cướp Tàu-Miên đến đốt phá chủng viện, giết nhiều chủng sinh. Bá Đa Lộc phải dẫn những người sống sót chạy trốn. Artaud bị bắt trói. 15 ngày sau, ông từ trần.

 - Năm 1770, Bá Đa Lộc lên thay Artaud làm giám đốc chủng viện. Ông quyết định di chuyển chủng viện đến Pondichéry (Ấn Độ).

 Bá Đa Lộc được đức giáo hoàng Clément XIV phong chức Giám Mục Adran, phụ tá Tổng Giám Mục Piguel của giáo xứ Canathe. Nhưng ông còn quá trẻ (29 tuổi) nên phải chờ đến ngày 21/2/1774 mới được làm lễ tấn phong Giám Mục Adran, tại Madras.

 - Năm 1771, Bá Đa Lộc viết từ Pondichéry:
 "Con không còn ở bên Miên. Con đang ở Pondichéry, lo dạy mấy người Tàu, Nam kì, Bắc kì, Pháp, Miên về cách sống của người tu hành".
 "Đời sống của con thay đổi không ngừng kể từ ngày con rời nước Pháp. Những điều con nói với cha mẹ hôm nay cũng không có gì là chắc chắn cho ngày mai vì chính con cũng không biết sẽ làm gì trong tương lai. Làm sao con biết trước được tất cả những điều đã xảy ra trong 6 năm qua".

 - Ngày 21/6/1771 Piguel chết. Bá Đa Lộc được giao phụ trách giáo phận Nam kì và Cao Miên.

 - Ngày 16/9/1774 Bá Đa Lộc tới Macao. Dự tính sẽ ở lại đây 6 tháng. Ngày 14/11/1774, ông viết cho gia đình:
 "Con vừa cho in cuốn Giáo lí (Catéchisme) bằng tiếng Việt. Bạn đồng hành và bạn làm việc của con hiện giờ là 4 cha người Âu và Pháp, 8 chủng sinh người Việt và 1 chủng sinh người Miên".

 - Ngày 12/3/1775, Bá Đa Lộc trở lại Hà Tiên.
 - Năm 1775, "Đức cha Pigneau de Béhaine có đến hành lễ tại họ Chợ Quán" (7).

 - Năm 1776, Bá Đa Lộc bắt đầu liên lạc với Nguyễn Ánh tại Sài Gòn.

 - Tháng 11/1777, Bá Đa Lộc cư trú tại Tân Triều (gần Biên Hoà).

 - 1783, "Vua (Nguyễn Phúc Ánh) nghe tin Bá Đa Lộc ở Cham Bôn (đất Xiêm), sai người đến mời. Bá Đa Lộc là người Phú Lãng Sa, thường qua lại khoảng Chân Lạp và Gia Định, nhân đến yết kiến vua và xin giúp sức" (Đại Nam thực lục).

 - 1787 Bá Đa Lộc đưa Hoàng tử Cảnh sang Pháp...

Nói tóm lại:
 Trong khoảng 5 năm (1767-1772), đời sống của Bá Đa Lộc rất vất vả và bấp bênh. Có lúc chủng viện bị cướp phá, ông bị tù. Đời sống "không biết ngày mai sẽ ra sao". Ngoài các sinh hoạt tôn giáo, ông còn "phải học tiếng Việt" để có thể giảng đạo, nói chuyện với người Việt.

 Mặc dù Bá Đa Lộc chỉ khoe với cha mẹ rằng năm 1774 ông cho in tại Macao cuốn Giáo lí (Catéchisme) bằng tiếng Việt, nhưng Faure vẫn quả quyết rằng:
 
"Bá Đa Lộc chỉ nói in sách Giáo lí (Catéchisme) nhưng theo tôi thì ông còn cho in sách Instructions familières sur les Évangiles des fêtes et dimanches, Traité sur les quatre fins de ľ homme. Hai cuốn này được Bá Đa Lộc dịch sang tiếng Việt. Bộ Méditations của Dupont cũng được Bá Đa Lộc dịch. Tôi rất muốn được đọc mấy cuốn sách này nhưng tiếc rằng không tìm đâu cho ra. Sách được phổ biến rộng rãi tại Nam kì. Thế nào chả có ít cuốn nằm trong kho lưu trữ của các Hội Truyền Giáo".

 - "Đức cha Bá Đa Lộc mặc dù mắc trở ngại nhiều công việc nhưng ngài cũng cố gắng biên soạn hai tự điển Việt-La và La-Việt. Hai tự điển này chưa được ấn hành. Đức cha Taberd đã dùng những tài liệu do chính đức cha Bá Đa Lộc để lại, sửa chữa lại rất kỹ càng và đã xuất bản hai tự điển ấy tại Sérampore bên Ấn Độ năm 1838" (7).
 

Tận tín thư bất như vô thư?


Chuyện giám mục Bá Đa Lộc dịch sách, soạn tự điển nên được xét lại.
     
Đề nghị chúng ta cùng đọc cuốn Dictionarium Anamitico Latinum-1772- P.J. Pigneaux đang hiển thị trên màn hình:
     
1) Trước hết phải công nhận Tự điển này là một Tự điển chữ nôm khá đồ sộ. Tất cả các từ tiếng Việt đều được viết bằng chữ quốc ngữ, chữ nôm, và được dịch sang tiếng La tinh. Các từ gốc được viết bằng bút lông. Nét chữ rất đẹp. Phượng múa rồng bay trông rất sướng mắt.
     
2) Tự điển có rất nhiều thành ngữ tiếng Việt và thành ngữ chữ Hán:
- Nói như tách nứa. Duồng gió bẻ măng. Rừng có mạch vách có tai. Biết người biết mặt chẳng biết lòng. Tai bay vạ gởi. Thẳng mực tàu đau lòng gỗ. Miệng còn hôi sữa. Suy đi gẫm lại. Bẻ đồng tiền chiếc đũa. Gởi trấng cho ác. Sửa trắp nâng khăn. Sự đời để mặc người âu, Nghiêng tai giả điếc gặc đầu làm ngơ. Thấy người làm đang ăn, Mình xé chăn làm rớ. Sinh không hề tử dã không, Khó ta ta chịu biếng trông giàu người. Nhật nguyệt kia tuy sáng, Chậu úp nọ khôn soi. Thắp đuốc tìm giàu giàu chẳng thấy, Cầm gươm chém khó khó theo sau. Làm chẳng nên chớ trách trời, Đã vụng múa chớ chê đất lệch. v.v.
     
 - Đa hành ác nghiệp. Nhập giang tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục. Tấn thối lưỡng nan. Bỉ cực thới lai. Thông thiên đạt địa. Càn khôn phú tái. Tạo thiên lập địa. Anh hùng cái thế. Tàng đầu xuất vĩ. Phong điều vũ thuận. Danh hư nan thục. Xuy mao cầu tì. v.v.
     
3) Tự điển có tên Sài Gòn, Thủ Đức, Phú Yên, phủ Triệu Phong là những nơi, cho tới năm 1772, Bá Đa Lộc chưa đặt chân đến. Ngược lại, không có tên Phú quốc, Hà Tiên là nơi ông sống và truyền đạo.
     
4) Tự điển có vài nhân vật khá xa lạ như Lâm Bô, Hoa Đà.
Lâm Bô tức Lâm Hoà Tịnh, ẩn sĩ đời Tống, tên là Bô, thơ hay, chữ tốt, vẽ khéo, tự nói: lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con (mai thê, hạc tử), chớ không màng công danh, phú quý.
      (Tranh Oger (1909) có tấm Lâm Bô phóng hạc).
Hoa Đà là ông thầy giải phẫu có tiếng đời Tam quốc. Tục truyền Quan Công bị tên ở cánh tay, rước Hoa Đà mổ lấy mũi tên ra (9).
     
5) Tự điển có nhiều từ của miền Nam như: Thế giái, thượng giái, đại giái. Huình liên, huình đạo, huình hậu. Cầm quờn, kinh quờn, kướp quờn, v.v. Đồng thời cũng có nhiều từ của miền Bắc như: Anh cả, cá giếc, cá rô, rău giền, canh riêu, mót đái, nhà xí, v.v.
     
6) Đáng chú ý hơn cả là Tự điển có nhiều từ mới:
- Cân thăng bằng (bilance pondere): Một loại cân có hai đĩa, một bên để đồ muốn cân, bên kia để quả cân. Khi cân thì thêm bớt các quả cân cho tới khi hai bên thăng bằng. Món đồ có trọng lượng bằng tổng số các quả cân. Cân thăng bằng của Pháp được đưa vào Nam kì, sớm nhất cũng phải từ sau năm 1862.
- Đua ngựa: Jean Bouchot cho biết: Bày cuộc đua ngựa (tại Sài Gòn), độ đầu ngày 15/8/1864, ngựa bản xứ, người cỡi khăn áo y phục An Nam. Khi thấy có lợi nhiều mới sắp đặt mở trường đua nay còn thấy (10).
André Masson cũng cho biết: Năm 1887, khi lối sống châu Âu đã nảy sinh ở Hà Nội, Cột Cờ nhận một nhiệm vụ mới hoàn toàn hoà bình: khán đài theo dõi các cuộc đua (ngựa). Khu đất phân cách Cột cờ với khu Hoàng cung, ngày nay dùng làm bãi tập và sân thể thao, lúc đó được bố trí làm đường đua (ngựa) dài 1200 mét (11).
- Đánh vần (syllabar vocare): Trẻ con mới đi học phải tập đánh vần chữ quốc ngữ hay chữ Pháp. Chữ nho, chữ nôm "đỡ rắc rối", không phải đánh vần.
     
Nhân tiện, xin đính chính một chuyện nhỏ.

Emile Roucoules kể rằng:
"Ngày 17/2/1859, khi đô đốc Rigault de Genouilly chiếm Sài Gòn, ông đã gặp sẵn tại chỗ một trường chủng viện và một trường học lấy tên trường Bá Đa Lộc do các giáo sĩ Hội truyền giáo nước ngoài (Missions étrangères) thành lập, Bá Đa Lộc là tên của vị giám mục tạo dựng ra trường" (12).
       
Chưa có ông tướng nào mang quân đi chiếm nước người lại cho lập sẵn tại chỗ 2 trường học. Roucoules nói sai. Chuyện xảy ra là:
 "Nhơn lời yêu cầu khẩn thiết của đô đốc De Lagrandière, nên năm 1866 có sáu vị sư huynh sang Sài Gòn do đại sư huynh T.H. Frère Philippe Supérieur des Frères des Ecoles Chrétiennes biệt phái. Qua đến đây thì cách ít lâu sau, nhà Dòng giao cho các vị ấy trông nom trường trung học Collège ďAdran là trường do đức cha Puginier thiết lập từ hai năm trước (1864). Trường này hoạt động cho đến tháng chạp năm 1882 thì đóng cửa vì hội đồng quản hạt Nam kỳ đề nghị ngưng cấp học bổng" (13).
 Trẻ con Nam kì phải học đánh vần chữ quốc ngữ, chữ Pháp từ ngày người Pháp mở trường học. Nghĩa là phải sau năm 1862.
- Cây viết, Ngòi viết (penicilli pars pilosa), hộp ngòi viết: đồ dùng để viết chữ quốc ngữ hay chữ Pháp.
- Cây nho, giàn nho, buồng nho, rượu nho: Nho được trồng thành giàn, cho buồng trái xum xuê.
 Nam kì vốn chỉ có nho dại, trái chua. Người Pháp mang nho sang trồng. Kết quả khả quan. Năm 1878, có nơi thu hoạch tới 3 lần.
Năm 1884, giám mục Puginier cũng chê nho dại quả chua của Bắc kì, ông cho trồng thử tại Kẻ Sở giống nho đưa từ Pháp sang.
Mấy từ mới Cân thăng bằng, Đua ngựa, Đánh vần, Hộp ngòi viết, Giàn nho... đều xuất hiện sau ngày Pháp xâm chiếm Nam kì, nghĩa là sau năm 1862.
Có thể khẳng định rằng Tự điển Dictionarium Anamitico Latinum được biên soạn xong sau năm 1862. Tự điển chắc chắn không phải của P.J. Pigneaux. Tựa đề Dictionarium Anamitico Latinum-1772 P.J. Pigneaux là do người đời sau tự tiện viết thêm vào. Tự điển này cũng không phải tự điển của Taberd, được in năm 1838 tại Ấn Độ.
 "Tự điển Việt-La của đức cha Taberd là một tự điển có giá trị. Nhận thấy nhiều danh từ thường dùng ở Bắc Việt không được kê vào tự điển, nên đức cha Theurel đã cố gắng sửa chữa để làm cho tự điển thêm đầy đủ hơn (...). Cha Lesserteur đã cộng tác vào việc ấn loát quyển tự điển này. In tại Ninh Phú, Kẻ Sở năm 1877" (7).
Dictionarium Anamitico Latinum-1772 P.J. Pigneaux có thể là bản thảo của cuốn tự điển của hai tác giả Taberd-Theurel.
 Giấy khai sinh đầy đủ tên tuổi của sách là:
Dictionarium Anamitico Latinum, par Taberd et Theurel, Ninh Phu, ex-typis Missionis Tunquini occidentalis, 1877.
Xin nhờ vị nào có dịp tiếp xúc hai cuốn tự điển này trong kho lưu trữ của Hội truyền giáo, Paris kiểm chứng giùm.
     

Nguồn gốc của một ngộ nhận

 
Năm 1787, Maupérin được mời vẽ chân dung Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh. Tranh được vẽ lại nhiều lần.
 Đặc biệt là trên tranh vẽ Bá Đa Lộc, được triển lãm nhân dịp vua Khải Định sang thăm nước Pháp, được in trong sách của Tao-Kim-Hai, có hàng chữ: Georges-Pierre Pigneaux de Béhaine, Evéq D'Adran du dioc. de Laon. Parti en 1765 (Đi năm 1765), mort le 9 Octobre 1799 (chết ngày 9 tháng 10 năm 1799).
 George có chữ s, Pigneau có chữ x.
 Hai lỗi chính tả so với giấy khai sinh của Bá Đa Lộc. Hai lỗi này cũng cho biết rằng tên Pigneaux (có x) xuất hiện sau ngày Bá Đa Lộc chết. Không biết từ năm nào?
 Louis Malleret, Thanh tra trường Viễn Đông Bác Cổ, viết tiểu sử của Cha Léopold Cadière, cho chúng ta biết:
 "Ngày 4 /12/1910 giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ kí giấy phái cha Cadière đi tra tìm các tài liệu về sự giao thiệp của người Âu với nước An Nam. Nhờ vậy cha Cadière mới được dịp sang Rome, tìm ra bản chép tay cuốn Tự điển Alexandre de Rhodes tại Thư viện Vatican. Cha còn đến thư viện Victor Emmanuel và thư viện Hội truyền giáo ngoại quốc (Paris), tại đây cha Cadière tìm được nhiều thư từ trao đổi của các vị thừa sai, của vua Gia Long trao đổi với các sĩ quan Pháp, những người đã xuống tàu đi theo Giám mục Pigneaux de Béhaine sang giúp Gia Long" (14).
 Rất có thể là trong lúc làm việc tại Hội truyền giáo ngoại quốc (Paris), cha Cadière đã được thấy tấm tranh và cuốn tự điển viết sai tên Pigneau thành Pigneaux. Từ đó tên Pigneaux (có x) được lan truyền tại Việt Nam.
 Theo Dương Quảng Hàm thì cha Cadière là người đưa thông tin về cuốn tự điển của Bá Đa Lộc, được Taberd bổ túc, hoàn thiện.
 Những người bảo vệ ý kiến Bá Đa Lộc soạn tự điển thường dẫn hai bằng chứng:
 - Cuốn tự điển Pigneaux-1772 hay Pigneau de Béhaine,1773.
 - Bức tranh vẽ giám mục Taberd trao tặng cuốn tự điển Việt-La in năm 1838 tại Ấn Độ cho tác giả của nó là Bá Đa Lộc.
 Tranh vẽ này được cha Cadière giới thiệu trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, số tháng10-12/1933.
 Tranh hoàn toàn vẽ theo trí tưởng tượng (Bá Đa Lộc chết năm Taberd được 5 tuổi, dĩ nhiên là hai vị chưa bao giờ gặp nhau). Không có chuyện giám mục Taberd trao cho giám mục Bá Đa Lộc bất kì cuốn sách hay tự điển nào.
 Tấm tranh chỉ mang ý nghĩa tượng trưng như một lời kính tặng, đại khái như ngày nay các tác giả đề tặng ở trang đầu sách. Nhưng cha Cadière đã cố giải thích nội dung tấm tranh để đi đến kết luận là giám mục Bá Đa Lộc là tác giả của cuốn tự điển. Cha Cadière là một học giả được tín nhiệm, được nhiều người phụ hoạ theo.
 Năm 1651, cha Đắc Lộ cho in tại La Mã cuốn Tự điển Việt-Bồ-La và cuốn Giáo lí viết bằng tiếng Việt.
 Năm 1774 giám mục Bá Đa Lộc cho in tại Ma Cao một cuốn Giáo lí viết bằng tiếng Việt.
 Người ta muốn tôn vinh Bá Đa Lộc lên cho bằng hay hơn Đắc Lộ nên đã thêu dệt chuyện Bá Đa Lộc dịch sách, soạn tự điển Việt-Hán-Nôm-La chăng?
 
Nguyễn Dư
Lyon, 6/2023

***
(1)- Cao Tự Thanh, Đại Nam thực lục Chính biên, Đệ lục kỷ Phụ biên, Văn Hoá-Văn Nghệ, 2012, tr. 207.
(2)- Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Xuân Thu, tr. 337.
(3)- Tao-Kim-Hai, Ľ Indochine française depuis Pigneau de Béhaine,
Mame, 1939.
(4)- Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale de ľIndochine française, Société ď Editions, 1935.
(5)- Nguyễn Tống San, Quốc sử ngâm, Thuỵ Ký, 1937, tr. 35.
(6)- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Đông Nam Á tái bản, 1985, tr. 271.
(7)- Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, tập 2, Cứu Thế Tùng Thư, 1965.
(8)- Alexis Faure, Monseigneur Pigneau de Béhaine, évêque ďAdran, Challamel, 1891.
(9)- Diên Hương, Thành ngữ, Điển tích, Phương Lai, 1954.
(10)- Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Văn Hoá, 1997, tr. 108.
(11)- André Masson, Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Lưu Đình Tuân dịch, Hải Phòng, 2003, tr. 65.
(12)- Etienne François Aymonier, Emile Roucoules, Chính sách giáo dục tại Nam kỳ cuối thế kỷ 19, Lại Như Bằng dịch và chú giải, Thế Giới, 2018, tr. 154.
(13)- Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Xuân Thu, tr. 215.
(14)- Léopold Cadière, Croyances et pratiques religieuses des Viêtnamiens, tome III, E.F.E.O., 1992, tr. 10-11.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top