Lê Minh Hà - Nhà Có Phúc



Nhà bác Tín nằm ngay đầu ngõ sát mặt đê nhưng quay lưng lại nhà ông lang Mạch. Nếu không sang nhất thì nhà bác cũng là nhà cao nhất ngõ. Bé như tôi thì phải bò úp bụng vắt chân mới lên được thềm, phải bước qua ba bậc gạch trị xi măng nữa mới vào được trong nhà.

Nhà xây thềm cao, lại theo kiểu kín đáo nhà quê mặt sau trổ cửa sổ bé tí nên đi ngoài ngõ không ai nhìn được vào trong nhà bác Tín. Mà trong đó thì lại có cái để ngó, là đứa cháu gái của bác suốt ngày được đặt nằm trong buồng. Nó bé hơn tôi chừng ba tuổi. Bọn trẻ con chúng tôi đứa lớn thì phải liều lĩnh nhảy lên một cái, túm song cửa gỗ, đứng mớm chân trên toàn những gạch vỡ, mảnh bát chất ở chân tường, bọn bé hơn thì phải chia nhau còng lưng làm ngựa cho đứa khác trèo lên lưng để nhòm vào. Con bé đã hơn ba tuổi người đeo đầy bùa may bằng vải diềm bâu nhuộm điều nhưng đã ngả màu đỏ quạch nằm thẳng cẳng trên cái phản trong buồng, đầu to đùng mắt thô lố. Chúng tôi nhìn nó, nó nhìn chúng tôi, rồi đột nhiên không có gì báo trước, không có đến cả một cái động đậy chân tay, nó ré lên „tiên sư cha nhà chúng mày“, đúng cái câu bà nó đang ngồi sàng sẩy cân đong đầu thềm sẽ ré tiếp. Không cần bác Tín thả cái giần cái sàng rời đống gạo đứng dậy vào buồng nhìn ngó, bọn trẻ con chúng tôi buông cái chấn song con tiện, nhảy xuống chạy trối chết, khối đứa méo mặt sau đó vì rơi bịch xuống lủng củng gạch vỡ mảnh bát mảnh chai. Nhưng vẫn còn hơn bị bác Tín bắt được rồi mách người lớn, thể nào cũng được ăn dăm ba cái roi le mềm mại mà quất vào thì đau thít người.

Thực ra thì bác Tín chưa bắt đứa nào bao giờ, nhưng đứa nào cũng sợ bác. Ngang sợ ông Mạch mà không rõ vì sao. Kể nhìn bề ngoài thì bác Tín rất đẹp gái, ấy là theo quan điểm về nhan sắc đàn bà bây giờ. Trán cao, mũi thẳng, miệng nét, gò má và cằm gọn. Đã lên làm bà nội không phải một lần, bà nội của con bé nằm trong buồng và của những mấy ma trẻ con nữa mà bác vẫn nguyên dáng người son sẻ, không phát phì như tuổi bọn tôi bây giờ do suy giáp vẫn tham ăn, cũng không khô đét mo nang kiểu đàn bà tuổi dày cơ cực bền.

Bây giờ mà có gương mặt như bác Tín í à, thêm đôi cẳng sáo thì thành Top Model là cái chắc, vì rất dễ ăn hình, mà không thành được tốp mô đần thì cũng sẽ không mất tiền đập đi san ủi gọt bào bơm hút xây lắp lại từ cái cằm cho tới ngực bụng như đàn bà con gái có tí tiền của thời nay theo mốt Hàn quốc. Đẹp gái thế mà bác ở một mình từ lúc ngoài hai mươi. Bà bảo người ta nói mẹ Tín tướng sát chồng, nó mới lấy có một chồng không may mà chết chứ có phải có cả đống chồng ở với nó đểu chết đâu.

Chung quy chỉ tại cái gò má thanh cao. Chồng bác mê bác lắm, nhà chồng cũng phải gật vì ngoài cái nhan sắc rực rỡ lạnh lùng không theo thẩm mỹ số đông đàn ông Việt một thời bác Tín còn được tiếng là cực kì giỏi dắn. Giỏi dắn kiểu đó, làng quê Việt một thời không có nhiều. Nghe nói từ lúc mười lăm mười sáu bác Tín đã nửa ăn xin nửa ăn vạ bà mẹ để mượn vốn, đầu tiên làm gánh hàng xén, sau bỏ mối ở các chợ phiên. Thời cả làng lao đao vì Pháp dồn dân chiếm đất xây lô cốt, bác vẫn tểnh tềnh tênh với đôi quang thúng nhóng nhánh sặc sỡ những kim chỉ lược gương khuy cúc dải rút bấc đèn và trăm thứ bà dằn mà cứ nhìn là người ta thấy cần. Chồng bác mát mặt với cả họ nhờ vợ. Tiếc là chẳng được bao lâu thì bác Tín giai ốm rồi chết. Chồng chết, kháng chiến thành công, bác Tín quảy gánh trở về làng, tay dắt theo thằng con bốn tuổi là anh Tín. Các bà ngồi với nhau sờ lần quá khứ, bảo chẳng biết con mẹ Tín nó làm cách nào mà qua được mấy kì thậm khổ, khổ vì chồng mất sớm quá, khổ vì nhà chồng bị quy sai thành phần chẳng nhờ cậy gì được lúc cần nhờ cậy nhất, khổ vì có độc mụn con, và khổ vì người ta bảo cái gò má ấy…

Không biết bác Tín từng khổ nhục thế nào, chỉ nhớ là hồi tôi theo bà về sơ tán ở làng thì xóm tôi ở còn khối nhà mái gianh tường trát dứng. Thế mà bác Tín đã xây được cái nhà ngói năm gian to vật ngay đầu ngõ, nuôi được con giai học hết lớp bảy ra làm ủy ban xã và cưới được con dâu đẹp gái nhất làng là chị Vì cho anh Tín. Anh Tín làm ở ủy ban xã thật đấy nhưng tôi cũng chả biết bác Tín có phải là xã viên hợp tác xã không, vì chả khi nào thấy bác xắn quần cấy hái gánh gồng giống hầu như tất cả phận đàn bà làng khi đó. Nhà bác cũng không có cây rơm đầu hồi bếp để nấu nướng hay cho trâu bò ăn tháng rét. Tại vì bác làm hàng xáo, nhà lúc nào cũng sẵn trấu, một năm đôi ba lần chợ phiên đầu cầu anh Tín gọi người chở cho xe cải tiến củi về là đủ cho chuyện bếp núc.

Bác Tín không làm hàng xáo theo thời vụ mà làm quanh năm, thành nghề. Thềm nhà bác đặt cái cối xay bà khen là tốt nhất xóm, giằng kéo đằm tay, nêm đều, thóc tróc vỏ mà gạo không gãy. Trên thềm nom lủng củng mà thật ra là xếp đâu vào đấy những nong nia, thúng mủng, giần sàng. Trong nhà, ba gian rộng rãi cũng toàn thúng chồng cao chồng thấp, mùa đông ấm sực hơi gạo hơi cám, mùa hè thì ngốt ngát hết cả người. Từ dưới dốc bến đi lên, bước dịch chân xuôi bờ đê hai ba bước rồi ghé mắt nhìn nghiêng thềm nhà bác Tín rất hay thấy bác ngay giữa mùa đông cũng chỉ một cái yếm trắng đang kéo cái giằng xay, không xay thì ngồi sàng, rồi trấu đi đằng trấu xuống bếp, gạo vun vào thúng chồng đôi gánh tới nhà ông Lâm Bũm giã nhờ, gạo giã được rồi lại gánh về ngồi giần. Chẳng đồng áng gì mà hai ống quần bác Tín lúc nào cũng vặn hình cái móng trâu vo quá gối, bạc phếch vì bụi cám.

Thỉnh thoảng bà qua nhà bác Tín, thường có việc chứ không phải là sang chơi. Bà bảo nhà nó làm hàng, chơi bời gì, nó tiếp mình mất việc. Nhưng lần nào mon men theo bà tôi cũng thấy bác Tín chỉ nghe bà dắng tiếng đã vội vã rời cái giằng xay hay đống gạo đang dở tay giần sàng, thả hai ống quần xoe lên tận bẹn khi ngồi, lại tháo cái khăn đen đang chít giũ giũ, vồn vã mời chào. Cũng chỉ với bà thì bác thế, chứ bạn hàng mang thóc tới cho bác đong hay đong gạo đi từ bác, bác Tín cũng cứ nguyên bộ dạng ấy, khăn áo cho tới ống quần toàn cám, ngồi tiếp chuyện nhau.

Có mon men theo bà tôi mới biết lúc bỏ khăn ra tóc bác Tín đen nhánh chẳng có lấy một sợi bạc. Bây giờ nghĩ lại thì đúng là phải thế, hồi đó bác Tín còn trẻ hơn tôi bây giờ phải tới mười mấy tuổi. Thế mà bác Tín đã chôn xong một ông chồng từ hai mươi mấy năm về trước, nuôi được con phương trưởng, xây được nhà, cưới vợ cho con, và nuôi cháu. Bao nhiêu là việc, việc nào cũng đủ là việc của một đời người. Nhưng mà chúng tôi sợ bác không phải vì thế, trẻ con nào đã biết gì, mà vì người lớn nể bác. Trừ nhà tôi dân sơ tán, còn ngoài ra, hầu như nhà nào trong ngõ trong xóm cũng từng phải giật nóng trả lãi bác Tín. Bà bảo mẹ Tín nó giầu nhờ thế chứ không phải chỉ trông vào cái cối xay cối giã, nó biết làm ăn, chỉ có điều…

Mãi mãi về sau này tôi mới hiểu những vang vọng trong khoảng bà im lặng. Nhưng lúc đó, chúng tôi chỉ chờ lúc bác Tín mải việc mà tìm cách nhòm trộm con cháu nội ba tuổi còn nằm không tự đứng được của bác, để nghe nó chửi rồi bác chửi. Còn trước đó, khi chưa có con đầu to ấy, chúng tôi lại có niềm vui nghe bác Tín chửi con giai.
Năm dắt con trở về làng sau khi tây rút, bác Tín đâu như mới hai mươi mốt tuổi. Gái góa một con, bác thôi gồng gánh buôn bán chợ xa chợ gần, chuyển sang nghề hàng xáo, có thì giờ để mắt trông nom thằng con bé. Ai ngờ.

Cái lô cốt vẫn nằm ngay rìa đê đầu xóm. Hàng rào thép gai đã được du kích dọn quang sau hôm mấy đứa trẻ rủ nhau đi cắt cỏ rồi bỏ mạng vì mìn tây gài. Cứ tưởng. Vậy mà chỉ vì một cái kíp mìn.

„May mà không chết. Chứ nếu thằng Tín chết thì không biết mẹ nó sống thế nào, khéo lại phải đi bước nữa như nhà Bèo, phận đàn bà giọt mưa sa! Góa rồi, lại còn điều tiếng tướng sát chồng, có lấy được người nào cũng khó thoát cảnh vơ bèo gạt tép.“ Các bà thầm thào khi vui chuyện. Làng ngày đó gần như chẳng thấy đàn ông con trai ở tuổi anh Tín mà lại khoẻ mạnh đủ chân tay nguyên vẹn thằng bòi như lời ông Lúa bình. Bác Tín chỉ có độc một con nên anh Tín thoát nghĩa vụ quân sự đã đành. Cái chính là bác cũng chẳng cần theo dõi ngăn cản con trai, vì anh Tín có hăng hái theo đòi anh em xin nhập ngũ cũng không bao giờ được cán bộ tuyển quân gật. Là bởi cái gì anh Tín cũng đủ, chỉ thiếu có một mắt. Thời chiến tranh, anh Tín chột nhưng là đàn ông trẻ trai, lại học những lớp bảy, làm ủy ban có công điểm cố định đàng hoàng, nhà chẳng giàu nứt đố đổ vách thì cũng bát ăn bát để, mẹ đang còn khoẻ chân mạnh tay có tiếng là cơ chỉ, không bị điều tiếng gì suốt ngần ấy năm goá bụa, lại không có „giặc bên Ngô“… bao nhiêu là ưu điểm. Thế nên chả cần anh Tín đi tìm hiểu, bác Tín nhìn vào nhà nào có con gái là nhà người ta cũng muốn cho con xây dựng với anh. Nhưng bác Tín không chọn con dâu trong xóm, bác xin cưới chị Vì nhà ở tận đầu làng về làm dâu. Hồi đó tôi chỉ thích lẵng nhẵng theo cô Cẳm nhà ông Lúa hay hát chèo, chỉ thích những kiểu con gái son sẻ tính tình nhẹ nhõm như cô, thấy chị Vì vợ anh Tín áo xanh trứng sáo may kiểu Hồng Công, quần phíp, tóc buộc khăn mùi xoa, nón trắng gắn gương lại còn chằng chỉ xanh xanh đỏ đỏ, chút chít điệu đà hệt con bọ muỗm.

Chị Vì về làm vợ anh Tín có khi là cô dâu sướng nhất làng, nhà đủ ăn, ngày đến bữa không phải trông nồi, đêm có chồng để gác chân không như bao nhiêu gái làng cưới tuần trước tuần sau chồng lên đường đêm nằm nghiến răng thi với thạch sùng. Thế mà động cái là chị Vì dỗi, khơi khơi cắp nón bỏ về bên đẻ. Cứ mỗi lần như thế là bác Tín lại cho anh Tín một bài mắng mỏ than vãn, rồi đến chiều tối là lại tất tưởi đi ngược đê lên đầu làng. Xóm giềng thấy bác vừa đi vừa quài tay đấm đấm lưng là biết ngay bác đi dỗ con dâu về.

Bao nhiêu bận như thế, không một lời gằn hắt, bác Tín chiều chị Vì thay cả phần con trai chiều vợ vì mong có cháu. Chọn dâu, chọn mặt, chọn eo kĩ thế mà mãi chị Vì mới có chửa. Nhưng ba bận chị Vì đẻ là ba bận xóm làng náo loạn, vì đứa trẻ sinh ra là chết ngay. Có lần chị đẻ ngay ở nhà không kịp võng lên trạm xá xã chỗ đầu cầu. Nhà có người sinh mà buồn hơn nhà có người chết, cứ lặng phắc lặng phắc. Lúc tụ với nhau ở chỗ lô cốt nhốt bò, tôi nghe bọn trẻ con xôn xao rằng chị Vì toàn đẻ quái thai. Đứa thì là một búi lông tóc. Đứa thì chỉ có cái đầu cái thân không chân không tay. Đứa không có mũi. Ông bác anh Tín bậm bịch ôm cái bào thai chết rồi ra bờ sông chém thêm một nhát rồi mới thả trôi theo nước, bảo để con ranh con lộn không dám hiện về. Đứa cuối cùng, đầu to mắt trố tới tận ba tuổi không lật không lẫy bò trườn gì được nhưng nằm một chỗ xung quanh treo toàn bùa nói nheo nhẻo, chính là đứa bọn trẻ con chúng tôi hay bám cửa sổ để xem.

Sau nó, chị Vì đẻ liền tù tì, bụng lúc nào cũng lúc lắc lặc lè. Lúc tôi còn ở làng chị đã ba năm đôi thêm hai đứa nữa. Bác Tín mừng rỡ lắm. Có lần theo bà qua nhà bác đong tấm về ăn, nghe bác nói với bà:
- Cháu phấn khởi quá dì ạ.
Càng phấn khởi thì bác Tín càng gầy, ngồi sàng sẩy hai cái đầu gối thò ra ống quần đã xoe lên tận bẹn nom lồi lồi lõm lõm hệt củ lạc chưa bóc. Bây giờ có đứa cháu nào khóc mếu bác không còn mau mắn như trước, phải duỗi dần hai cẳng chân, chống tay lên đùi mới đứng dậy được. May cho bác, giờ bọn trẻ trong ngõ cũng lớn, trừ tôi chẳng có việc gì chỉ biết tha thủi một mình, những đứa khác tuổi nào việc ấy hết rồi, chẳng còn hứng thú gì với việc đi nhòm đàn cháu như lợn con của bác nữa. Còn con bé đầu to giờ cũng đã lớn, bê được đầu ra ngồi xua gà cho bà nó ở đầu thềm, cổ áo vẫn đính cái bùa mỗi ngày mỗi bạc nhìn như miếng vá. Mẹ nó, chị Vì hay dỗi thì từ ngày đẻ được những đứa con bình thường cũng đổi tính, chịu thương chịu khó, gồng gánh thoăn thoắt. Giờ bác Tín đau chân chỉ ngồi một chỗ giần sàng, chị Vì bao hết đoạn xay và giã. Chị vẫn chút chít, nhưng giờ áo vá, nách áo mỗi lần chị gánh gạo vừa giã về đều có một mảng sậm màu. Có bận tôi đang lang thang trong vườn nhà ông Lâm Bõm với cái Dặt cái Dìu con bà bé nhà ông, thấy chị đứng víu sợi thừng chăng dọc theo cần cối lấy sức ấn nâng đầu chày, tôi cũng nhảy vào bám lưng chị giúp đỡ, nhưng rồi lại chạy. Cái mùi mồ hôi nách áo chị đàn bà đang tuổi sinh nở mặn mòi phả ngang mặt ngạt hết cả mũi.

Ở cái tuổi nhà quê đàn bà có thể đã sắp lên bà chị Vì theo lệnh bác Tín vẫn đẻ, vì lắm con thế mà mới chỉ tòi ra được một thằng cu giữ giống. Ngày bà cháu tôi về thăm xóm cũ, tạt vào nhà bác Tín, bác vẫn đang ngồi bên đống gạo. Mắt bác giờ mờ. Bác sờ sờ mặt cái sàng bốc bớt trấu ra, rồi vừa chuyện vừa tiếp tục sàng, tay thật dẻo, chốc chốc lại đập đánh độp một cái vào thành sàng. Những hạt gạo xoay tròn, rúc vào nhau, nhảy lên rồi từ từ lọt mặt sàng rơi xuống đống gạo dưới nia, đè lên nhau, vùi vào nhau. Rồi tất cả cũng lại bị xúc tuốt vào cái thúng rồi mang đi đổ vào cối giã, đổi thay gì thì cũng lại phận âm thầm.

Ngày đó làng chưa có máy xay. Bác Tín chị Vì vẫn giữ cho cả nhà ấm no được nhờ cái nghề hàng xáo lấy công làm lãi. Lau những giọt nước mắt sống vào trong ống tay áo, bác Tín bảo bà tôi:
- Cháu phấn khởi lắm dì ạ. Ngày đó dì cháu mình góa bụa khổ quá thể là khổ. Đận thằng Tín nhà cháu nghịch dại tưởng chết theo con. May mà nó chột, có muốn trốn mẹ đi đầu quân cho bằng anh bằng em cũng chẳng ai cho. Giờ vợ vợ con con. Nghĩ thế thì lại thấy một mẹ một con cực khổ trăm bề vẫn còn may hơn khối nhà đẻ được lắm con giai mà lại phải lo làm giỗ hết thằng này tới thằng khác. Thật là nhà cháu phúc bảy mươi đời.

Lê Minh Hà
Berlin

(*) Cùng với các truyện Đắng như là vắng và Tần ngần ngày tháng, đây là một chương rút trong tập “Người làng”, chưa xuất bản.



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top