KIỀU MỸ DUYÊN, NHÀ SÁCH TÚ QUỲNH GIÃ TỪ ĐỒNG HƯƠNG

NHÀ SÁCH TÚ QUỲNH
GIÃ TỪ ĐỒNG HƯƠNG

KIỀU MỸ DUYÊN



Nhà sách Tú Quỳnh tại số 9581 Bolsa AveWestminsterCA 92683, trong khu Bolsa Mini Mall, là nhà sách đầu tiên của người Việt tị nạn tại nước Mỹ.

       Phan Hoàng Yến, chủ nhân nhà sách Tú Quỳnh, khuôn mặt buồn hiu hắt đi tới đi lui, niềm nở với khách hàng, nhưng không nở nổi nụ cười. Bình thường thì Yến hay cười với khách hàng, bây giờ thì nụ cười biến mất, có ai cười được khi cơ sở thương mại đã hơn 41 năm sắp đóng cửa vì không buôn bán được, trả tiền cho chủ phố đều đặn mà tiền thì không vào. Chồng Yến, ông Đặng Văn Thạnh, chiến sĩ của Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân đã ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Yến đã gầy, bây giờ gầy thêm, giọng nói ngày xưa nhỏ nhẹ, bây giờ gần như nói không ra tiếng. Khách hàng của nhà sách Tú Quỳnh đều là người lớn tuổi, độc giả đã từng gắn bó với tiệm sách này từ mấy chục năm qua, có nhiều người ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
       Từ khi tiệm sách sắp đóng cửa, chỉ mở cửa ngày thứ bảy và chúa nhật, đợi đến cuối tháng 12/2020 thì dẹp tiệm luôn. Tôi thường đến mua sách để tặng bằng hữu, những quyển sách tôi chọn lựa là sách triết học về Phật Giáo, Công Giáo, Phật Giáo Tây Tạng, và những quyển sách xuất sắc của những nhà văn nổi tiếng từ mấy chục năm nay.
       Yến tâm sự:
       - Chị em mình quen mấy chục năm rồi phải không chị? Ngày xưa chị hay vào Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân làm phóng sự.
       Tôi gật đầu và nói:
       - Chị nhớ ngày xưa khi chiến sĩ Biệt Động Quân định cư ở Hoa Kỳ, ngừng lại ở tiểu bang Cali, ông Thạnh thường đãi tiệc và mời một số bằng hữu, anh em Biệt Động Quân đến tham dự. Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân đến quận Cam, vợ chồng ông Thạnh và anh em gia đình Biệt Động Quân đón tiếp mọi người ân cần, niềm nở.                                                                                                                                         
       Và từ đó, bất cứ chiến sĩ Biệt Động Quân nào về Orange County thì cũng được các anh Biệt Động Quân và gia đình Biệt Động Quân đón tiếp một cách long trọng.
      
Nói về tiệm sách Tú Quỳnh, nếu là một nhà văn, nhà báo, hay thương gia đứng ra mở tiệm sách thì không ai ngạc nhiên, nhưng người mở tiệm sách lại là một chiến sĩ Biệt Động Quân, nhiều người lấy làm lạ? Mới định cư ở Hoa Kỳ, người nào cũng vừa đi làm vừa đi học. Vợ chồng ông Đặng Văn Thạnh có một đàn con nhỏ, vừa đi học, vừa đi làm, vừa chăm sóc con nhỏ, mà định mở tiệm sách. Thật ra 45 năm về trước, sách, nhạc là nhu cầu cần thiết cho mọi người, vì lúc đó chưa có truyền thanh, truyền hình, chỉ có báo Trắng Đen của ông bà Việt Đinh Phương ở Glendale, Los Angeles County và báo Hồn Việt của Nguyễn Hoàng Đoan ở miền Nam Cali. Lúc đó, tôi nghe nói ở một tiệm cafe nào đó, ông mời một số anh em Biệt Động Quân ngồi uống cafe, thì ông Thạnh nói ở đây cần một tiệm sách. Tức khắc anh em hưởng ứng ngay và nói anh em sẽ ủng hộ để nhà sách thành hình. Yến, vợ ông Thạnh yểm trợ chồng một cách tích cực.
       Tú Quỳnh ở trong Mini Mall Bolsa, thành phố Westminster, là nhà sách đầu tiên của người Việt tị nạn tại nước Mỹ.
       Có nhà sách rồi thì có tác giả xuất bản sách, in lại sách cũ, sách mới. Tú Quỳnh bán sách mới, cũ, bán CD, DVD nhạc, truyện sách đủ loại sách: triết, tiểu thuyết, thơ, nhạc, sách học trò, nghiên cứu,... Nhà văn bốn phương trời gởi sách đến miền Nam in và Tú Quỳnh phát hành khắp nơi trên thế giới. Sau này ở Orange County có thêm nhiều nhà sách khác như: Văn Bút, Văn Khoa, Tự Lực, ... nhưng Tú Quỳnh được đồng bào nhớ tới nhiều nhất vì là nhà sách đầu tiên và có sự liên lạc khắp nơi. Có nhiều tác giả in sách ở Đài Loan rồi Tú Quỳnh phát hành.
       Các thư viện của các trường Đại Học Mỹ cũng đến Tú Quỳnh         mua sách. Tôi đã từng gặp một giáo sư đại học UCLA đến đây mua sách, và ông cũng mua Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên mấy thùng. Tú Quỳnh là nơi hội ngộ của những người thích sách, nghiền đọc sách, nhất là các nhà văn đến từ Âu Châu, Úc Châu và nhiều nơi khác. Tú Quỳnh là trung tâm gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ. Đó là lý do lúc ông Đặng Văn Thạnh qua đời, tôi gặp nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, văn nghệ sĩ, bằng hữu thăm viếng và cầu nguyện cho ông.

       Khi ông Thạnh qua đời nhiều người khóc, bởi vì nhiều người chịu ơn ông. Ông giúp đỡ nhiều người, phóng khoáng, hứa điều gì với ai thì làm ngay điều đó. Tôi thăm viếng ông lần cuối cùng ở nhà quàng Costa Mesa. Văn nghệ sĩ đứng sắp hàng tiễn ông lần cuối. Yến, vợ ông, con ông không còn tiếng khóc. Tôi thương Yến vô cùng. Yến là người đàn bà rất hiền, ít nói, chỉ biết cười. Sau ngày ông ra đi cho đến khi tiệm sách đóng cửa, Yến không còn cười nữa. Các con của ông có công ăn việc làm, còn lo cho gia đình riêng. Yến và những người mê sách, thương ông Thạnh chỉ còn ngậm ngùi giã từ tiệm sách Tú Quỳnh.
       Tôi nói với Yến:
       - Chị thương em lắm.
       Rồi tôi lặng yên, không còn điều gì hơn để nói nữa. Yến nói nhỏ nhẹ như hơi thở:
       - Em sẽ buồn lắm vì hàng ngày em không còn ra đây nữa.
       Yến không biết lái xe, đi đâu chồng chở, con chở, hay bạn bè cho quá giang hoặc đi xe bus.
       Yến hiền lành, ít nói, được nhiều người thương. Tôi thường gặp các ca sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà binh có mặt thường trực ở tiệm sách. Sau khi ông Đặng Văn Thạnh ra đi vĩnh viễn thì sự có mặt của những người bạn thường hiện diện ở tiệm sách là niềm an ủi lớn cho Yến, người chủ tiệm còn lại.

       Đại Tá Biệt Động Quân Nguyễn Văn Đương, Thiếu Tá Hồng và nhiều các cấp chỉ huy hay anh em Biệt Động Quân khác thường đến tiệm sách này. Người từ bốn phương Trời tựu họp về đây. Chủ tiệm đã chia lại nửa phần của không gian này cho hội từ thiện Trương Bửu Diệp, vậy mà vẫn còn không đủ tiền để trả cho chủ phố. Người tị nạn khắp nơi trên thế giới về miền Nam Cali đều ghé thăm tiệm sách Tú Quỳnh. Thường du khách mua quà cho người thân của mình khi đến Orange County là sách và đĩa nhạc.

       Tiệm sách Tú Quỳnh cũng là nơi phát hành bút ký Chiến Trường của Kiều Mỹ Duyên là Chinh Chiến Điêu Linh, Phong Thủy và cuộc sống hôm nay, Phong Thủy Bí Quyết để thành công, và Cẩm Nang Phong Thủy áp dụng cho nhà ở và cơ sở thương mại của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Tung đã tái bản nhiều lần.

       Hôm họp báo để giã từ đọc giả, giã từ đồng hương, Yến chỉ lặng lẽ để cho giáo sư Tô Văn Lai, cựu nghị viện Tony Lâm, ông Nguyễn Ngọc Chân, đạo diễn phim Vì Tôi Là Linh Mục, cũng là chiến sĩ Biệt Động Quân, cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt. Hầu hết báo chí truyền hình đều hiện diện, phát biểu ý kiến nói về sự thành lập của nhà sách Tú Quỳnh rất là cảm động.
       Tuần sau, tôi trở lại tiệm sách để mua thêm sách tặng bằng hữu, đồng hương trẻ. Tôi tìm sách chiến tranh của tác giả Phan Nhật Nam, nhưng chỉ còn một cuốn: Đường Trường Xa Xăm ( Nhà xuất bản Tú Quỳnh, CA 1995). Phan Nhật Nam là phóng viên chiến trường, sinh viên Võ Bị Đà Lạt khóa 18, ở tù nhiều năm dưới chế độ Cộng Sản, định cư ở Mỹ theo diện H.O. Ông sáng tác không ngừng nghỉ và cộng tác với đài truyền hình SBTN và nhiều tờ báo khác nhau. Tôi không tìm được sách "Dấu Binh Lửa" của nhà văn Phan Nhật Nam, mà người bạn yêu lính nhờ tìm dùm. Không tìm được sách, tôi gọi hỏi tác giả. Nhà văn Phan Nhật Nam cho biết sách của ông có bán trên Amazon. Nhà văn Phan Nhật Nam đang sống ở Arizona, nhờ tôi tìm dùm sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê và sách của nhà văn Võ Phiến. Nhà văn Phan Nhật Nam yêu cầu tôi chỉ mua sách ở tiệm sách Tú Quỳnh, vì muốn giúp cho Yến. Nghe tôi gọi, Yến mừng lắm, vội soạn ngay sách mà nhà văn Phan Nhật Nam yêu cầu, hẹn thứ bảy Yến mở cửa tiệm sách tôi đến lấy sách.
       Đồng hương đến Tú Quỳnh mua sách không ai nở nụ cười, âm thầm chọn sách, lựa CD, DVD nhạc,... Hầu như không ai nói chuyện với ai, chỉ nói chuyện với bà chủ tiệm khi trả tiền. Trong các khách mua sách, có một người trẻ hỏi:
       - Cô ơi, sao cháu không thấy Chinh Chiến Điêu Linh của cô Kiều Mỹ Duyên và sách Phong Thủy của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Tung vậy?
       Bà chủ trả lời:
       - Chinh Chiến Điêu Linh và Phong Thủy bán hết từ lâu rồi, đâu còn quyển nào?
       Có những quyển sách đã bán hết. Sở dĩ Chinh Chiến Điêu Linh và Phong Thủy không còn nữa vì tái bản nhiều lần. Những tác giả có chương trình trên nhiều đài tivi, radio nên bán qua tivi, radio cũng đủ.
       Đồng hương nào đến tiệm sách Tú Quỳnh, khuôn mặt cũng buồn buồn. Buồn vì họ biết sẽ không còn có cơ hội gặp lại những người yêu sách, thích đọc sách sẽ có mặt ở đây.
       Hiện nay cũng còn những tiệm sách hiện diện ở miền Nam California như Tự Lực ở đường Brookhurst, thành phố Garden Grove; Văn Bút, Văn Khoa, Làng Văn, Phượng Oanh ở đường Bolsa, thành phố Westminster. Ngày xưa, cũng có vài ba nhà sách ở miền Nam Cali bây giờ đã đóng cửa. Mỗi lần nhà sách đóng cửa, sách chưa bán hết không biết sẽ làm sao?
       Một ông chủ nhà sách, sau khi tiệm sách đóng cửa nói với tôi:
       - Bán sách thành bán giấy, khoảng 90 cent/1pound. Đau lòng thật phải không quý đồng hương?
       Tôi nói với ông:
       - Tôi rất lạc quan vì Chinh Chiến Điêu Linh của tôi và Phong Thủy của tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Tung tái bản 26 lần, vẫn có người mua để tặng cho bạn bè. Mỗi lần có tác giả từ bốn phương Trời đến Orange County ra mắt sách, sách đều bán hết, sách bán chạy như tôm tươi. Thư viện quốc gia, thư viện của các thành phố Hoa Kỳ vẫn có sách Việt Nam. Vẫn có người thích đọc sách, cầm quyển sách trên tay đọc vẫn thấy thoải mái hơn đọc trên computer. Vừa đọc sách vừa nghe nhạc vẫn thích hơn nghe người khác đọc sách qua CD.
       Sách vẫn là nhu cầu cần thiết cho những người thích đọc sách, thích mở mang trí tuệ. Người viết sách phải tìm tòi, phải nghiên cứu, phải đem tim, óc của mình ra để viết cho người khác đọc.
       Tôi không phải là nhà văn, tôi là nhà báo, nhà báo như nhà nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh gia đưa máy ảnh lên chụp hình người, cảnh, nhà báo cầm cây bút viết ra những điều mình thấy, mình nghe và có đôi khi diễn tả cảm xúc của mình lúc thấy những cành nghèo khổ, hay sự hy sinh, can đảm, gan lì của người lính ở chiến trường.
       Kiều Mỹ Duyên rất quý mến những người cầm bút nói lến sự thật của cuộc đời hay hư cấu, hay tưởng tượng cũng là sự hy sinh. Người nào viết sách, in sách hay thành lập tiệm sách cũng hy sinh tim óc của mình để làm một việc gì đó mà mình cho là lý tưởng, làm việc gì đó vui hay hữu ích cho người khác cũng là việc làm có lý tưởng.
       Tôi rất quý mến vợ chồng ông Đăng Văn Thạnh, nhưng bây giờ một người đã vĩnh viễn ra đi, một người đàn bà yếu đuối còn lại, Yến. Tôi rất thương Yến, và nhiều người thương Yến, chủ tiệm sách Tú Quỳnh.
                   Tôi nói với Yến:
       - Cuối tháng này em dẹp tiệm, chị sẽ không đến, vì chị không muốn nhìn thấy cái cảnh biệt ly vĩnh viễn. Chị thích khai mạc tiệm sách hơn đến để tiễn đưa dẹp tiệm.
       Cũng như tôi thích đón người thân từ bốn phương Trời về thăm Cali, tôi không thích nhìn nước mắt rơi trên đôi mắt của những người đi hoặc người ở lại.
       Cầu mong cho những cơ sở thương mại được vững bền từ đời ông đến đời cha, đến đời cháu, vì làm việc gì cũng phải để tim óc của mình vào việc đó. Thành công thì vui lắm nhưng thất bại hay bất trắc xảy ra thì... buồn lắm bà con ơi.
       Tôi là người lạc quan thích vui hơn buồn, cho nên tôi thích niềm vui đến với tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho Yến, chủ nhân còn lại của tiệm sách Tú Quỳnh, và tất cả quý đồng hương luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc và may mắn.
       Xin Thượng Đế cho mọi người được thương yêu và bình yên trong cuộc sống hàng ngày.

Orange County, 01/12/2020
Kiều Mỹ Duyên
(kieumyduyen1@yahoo.com)



Tú Quỳnh là thư viện, đủ loại sách, là nơi mọi người có thể đọc lại những quyển sách một thời tuổi thơ.




Kệ trưng bày các băng cassette, VCD, DVD của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng khắp thế giới


Cuộc họp báo giã từ đọc giả ngày 13/10/2020. Kiều Mỹ Duyên, cựu nghị viện Tony Lâm, bà Phan Hoàng Yến, ông Lương Văn Tỷ và giáo sư Tô Văn Lai ngậm ngùi chia tay nhà sách Tú Quỳnh.



                
Tiệm sách Tú Quỳnh là nơi phát hành bút ký Chiến Trường của Kiều Mỹ Duyên là Chinh Chiến Điêu Linh, Phong Thủy và cuộc sống hôm nay của Nguyễn Phúc Vĩnh Tung
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top