Huy Thái, Sơ nét tìm hiểu về Niết-bàn


Sơ nét tìm hiểu về
Niết-bàn
涅盤
Nibbāna - Nirvāa
(2024)
***
Nội dung
1. Nhận thức về Niết-bàn.
1.1. Phân tích ngữ nghĩa Niết-bàn.
1.2. Cách hiểu về Niết-bàn trong thực tế.
1) Niết-bàn với cách hiểu thô thiển.
2) Niết-bàn với cách hiểu đúng nghĩa.
3) Tứ đức Niết-bàn.
- Chân thường   - Chân lạc   - Chân ngã   - Chân tịnh
2. Thực hành Niết-bàn.
         Giải trừ Tam độc “Tham-Sân-Si” với Chánh niệm “Duyên khởi”.
2.1. Niết-bàn theo Phật giáo Nam truyền.
                 1) Hữu dư y Niết-bàn.
                 2) Vô dư y Niết-bàn.
2.2. Niết-bàn theo Phật giáo Bắc truyền.
         1) Vô trụ xứ Niết-bàn.
         2) Trụ xứ Niết-bàn.
2.3. Niết-bàn theo đặc trưng tông phái của PGBT.
1) Trung Quán tông.
2) Duy Thức tông.
3) Thiền tông.
Bài đọc thêm.
1. Vài nét về kinh Ðại Bát Niết Bàn.
2. Đức Phật nhập Niết-bàn:  - Lịch sử & Thánh tích.


NBS: Minh Tâm (12/2015, 10/2020, 5/2024)




1. Nhận thức về Niết-bàn.
http://vannghequandoi.com.vn/uploads/news/2012/sen201.jpg
Niết-bàn – Wikipedia tiếng Việt
Nirvana - Wikipedia, the free encyclopedia

        Khái niệm về Niết-bàn thực ra, không phải là sản phẩm riêng của Phật giáo. Kinh Upanishad trong Ấn Độ cổ đại đã sử dụng khái niệm này để chỉ trạng thái hoà nhập của linh hồn cá nhân (Atman) vào với linh hồn vũ trụ (Brahman), của tiểu ngã vào với đại ngã. Ở đây, Niết-bàn được đồng nhất với linh hồn vũ trụ Brahman.
Đến khi Phật giáo xuất hiện, khác với khái niệm Niết-bàn trong Upanishad, nội dung khái niệm của Niết-bàn trong Phật giáo là hệ quả từ nhận thức chân lý khách quan Duyên khởi, là trạng thái tâm vô điều kiện vượt lên các nội kết chấp mắc gây nên phiền não, biểu hiện qua Tam độc Tham Sân Si.
Dưới đây là vài nét chính khảo sát về Niết-bàn được nói đến trong Phật giáo.

1.1. Phân tích ngữ nghĩa Niết-bàn.
Niết-bàn (涅盤;  P: Nibbāna;  S: Nirvāṇa). Trong tiếng Anh thường hay dùng thẳng từ Nirvana hay Perfect Freedom.
        Niết-bàn thông cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền.
1) Niết-bàn được phân tích chung là:
+ Niết (Nib, Nir): Ra khỏi.
+ Bàn: (bāna, vāṇa): Rừng.
Niết bàn do đó được hiểu như là ra khỏi cảnh rừng mê tối, rừng phiền não. 
Niết-bàn được Pháp sư Huyền Trang phân tích Nirvāṇa bao hàm cả vật lý và tâm lý như sau:
 1.  Nir:  Là ra khỏi, ly khai;  vāṇa: Là con đường vòng vèo, quanh quẩn, đổi thay. 
Nirvāṇa là ly khai con đường lẩn quẩn, chuyển dịch (bứt vòng ràng buộc, bị động trong sinh tử luân hồi).
 2.  Nir: Là không;  vāṇa:   hôi tanh, dơ bẩn. 
Nirvāṇa là không hôi tanh, dơ bẩn (thanh tịnh, trong sạch).
 3. Nir:  Là xa lìa, đào thải;  vāṇa: Là rừng rậm.
Nirvāṇa là xa lìa rừng rậm (đào thải những phiền tạp của đời sống). 
Qua các phân tích trên, có thể xem Niết-bàn về khía cạnh tinh thần (tâm) được hiểu chung một nghĩa căn bản, đó là “Sự đoạn tận (vắng mặt) vô minh và phiền não nơi tâm”, hay “Tình trạng ngọn lửa phiền não của nội tâm đã bị dập tắt”. Phiền não (= lậu hoặc) được xem là đồng nghĩa của khổ, là kết quả gây ra từ 3 nguyên nhân chính của động lực thúc đẩy nơi nội tâm, đó là:  Tham – Sân – Si. 
Trong Wiki có chép:
“… thuật ngữ Nirvāṇa được dịch nghĩa là Diệt (), Diệt tận (滅盡), Diệt đ (滅度), Tịch diệt (寂滅), Bất sinh (不生), Viên tịch (圓寂), và vì sự tịch diệt được hiểu là mục đích tối cao trong đạo Phật nên nirvāṇa cũng được dịch ý là Giải thoát (解脫), Vô vi (無爲), An lạc (安樂) …
Như vậy, Niết-bàn trong Phật giáo không phải là một cõi Cực Lạc hay Thiên Đàng hưởng thụ vật chất và có vị trí không-thời gian như ở các tôn giáo khác, mà là trạng thái nội tâm không dính mắc trói buộc, là trạng thái nội tâm không loạn động phiền não, là nội tâm thanh thản và linh hoạt sáng suốt. Theo đó:
- Niết-bàn được xem như trạng thái của vàng ròng đã được tinh luyện từ quặng, nghĩa là kết quả chứng ngộ từ quá trình tu học là bất thối chuyển.
- Phẩm chất của Niết-bàn được xem như bản chất của vàng, cho dù vàng ở bất cứ hình thái nào, nghĩa là Niết-bàn vượt lên mọi không gian và mọi thời gian của vũ trụ. Điều này cho thấy rằng Niết-bàn như là chân lý khách quan của vũ trụ - là chân lý Duyên khởi vậy.

1.2. Cách hiểu về Niết-bàn trong thực tế:
Trong thực tế, tùy theo căn trí của hành giả mà Niết-bàn có thể hiểu như sau:

1) Niết-bàn với cách hiểu thô thiển:  
Niết-bàn được hiểu như là một vị trí địa lý có điều kiện sống sung sướng, được thêu dệt tưởng tượng như hình ảnh của một “Thiên đàng”. Hình ảnh và khái niệm sung sướng không tách rời hình ảnh và khái niệm đau khổ đối đãi.  Tất cả các khái niệm và hiểu biết này hoàn toàn mang tính chủ quan.
Trong kinh Đại Bát Niết-bàn (THPG TPHCM tập 1, 1994, tr.122-181 – Bản bắc Phạn) viết:
"Trong Niết-bàn không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú, lạnh, nóng, gió, mưa, sanh, già, bệnh, chết, 25 cõi ... Niết-bàn như vậy là chỗ Như Lai ở thường không biến đổi".
Trong kinh Nāgasena (Milida-Panhā) cũngviết:
"Không có nơi nào nhìn về hướng Tây, hướng Nam, hướng Đông, hướng Bắc, phía trên, phía dưới hay phía ngoài mà có thể nói là Niết-bàn... Như lửa, không phải được tích trữ một nơi đặc biệt nào, nhưng khi hợp đủ điều kiện thì lửa phát sinh. Cũng thế ấy ta không thể nói là Niết-bàn ở đâu nhưng khi đạo đủ duyên đầy thì quả Niết-bàn được thành tựu.
Lời của đức Phật cũng như giải thích của ngài Nāgasenna cho ta thấy Niết-bàn không phải là không gian thực, tức là một nơi chốn nào đó, không phải là một cảnh trời nào đó.

2) Niết-bàn với cách hiểu đúng nghĩa:  
Niết-bàn được hiểu như là trạng thái nội tâm thăng hoa một cách tự nhiên các khái niệm đối đãi giả hợp, do từ sự chứng nghiệm chân lý Duyên khởi, mà không phải dụng công.  Với sự thấy biết này, Niết-bàn còn có tên gọi là Thực tại tối hậu.
Trong kinh Pháp Môn Căn Bản (Mūlapariyāya Sutta), thuộc Trung Bộ kinh có chép:
Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, nên Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: "Niết-bàn là của ta" - không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri Niết-bàn.
Như cách lập ngôn của kinh Kim Cương, nhằm chỉ ra tính phương tiện của Niết-bàn, để không phải dính mắc vào đó: “Niết-bàn, tức chẳng phải Niết-bàn, ấy mới thật là Niết-bàn
3) Tứ đức Niết-bàn:
Trong kinh Niết-bàn có nói đến 4 thấu suốt đặc trưng cho 4 phẩm hạnh cao thượng, biểu hiện nơi bậc giác ngộ, đó là Tứ đức Niết-bàn (四德涅盤)  hay Tứ đức Ba-la-mật  (四德波羅蜜).
Những ai có bốn đức này được xem là đắc Đại Bát Niết-bàn (大般涅槃:  Niết-bàn trọn vẹn, có ý nghĩa như Vô dư y Niết-bàn).
Tứ đức Niết-bàn (E: The four Nirvana virtues) thường được nói gọn là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nói đủ là Chân thường, Chân lạc, Chân ngã, Chân tịnh. Chữ “Chân” nơi đây không nhằm phủ bác chối bỏ đối đãi trong thế giới nhị nguyên, mà nhằm cảnh giác và vượt thoát dính mắc vào các đối đãi này, đó là:
1/. Chân thường = Chân thường đức = Thường đức = Thường Ba-la-mật:  Là cách nói vượt thoát cho cặp đối đãi Thường-Vô thường (= Chấp thường-Vô thường)  // Thể của Niết-bàn thường hằng bất biến, không sinh diệt [The Paramita of Permanence (Eternity)].
2/. Chân lạc = Chân lạc đức = Lạc đức = Lạc Ba-la-mật:  Là cách nói vượt thoát cho cặp đối đãi Lạc-Khổ  //  Thể của Niết-bàn tịch diệt vĩnh an [The Paramita of Joy].
3/. Chân ngã = Chân ngã đức = Ngã đức = Ngã Ba-la-mật:  Là cách nói vượt thoát cho cặp đối đãi Ngã-Vô ngã (= Chấp ngã-Vô ngã)  //  Thể của Niết-bàn vượt thoát ý niệm về Ngã (cái Ta) [The Paramita of Personality (Soul)].
5/. Chân tịnh = Chân tịnh đức = Tịnh đức = Tịnh Ba-la-mật:  Là cách nói vượt thoát cho cặp đối đãi Tịnh-Động (loạn động)  //  Thể của Niết-bàn giải thoát khỏi mọi cấu nhiễm [The Paramita of Purity].
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật bảo: “Tất cả phàm phu vì mê Nghiệp (= chướng Nghiệp) chẳng thanh tịnh nên chẳng có Niết-bàn. Như Lai với tuệ Nghiệp (= thanh tịnh Nghiệp) nên gọi là Đại định, là Đại Niết-bàn”.
Nhận xét về Niết-bàn, Sir Edwin Arnorl nói rằng:
Nếu có ai dạy Niết-bàn là chấm dứt, hãy nói rằng họ đã dối lừa. Nếu có ai dạy Niết-bàn đang sống đó, hãy nói rằng họ đã sai lầm. Không biết điều này.
- Về phương diện siêu hình Niết-bàn là sự giải thoát khỏi khổ đau.
- Về phương diện tâm lý, Niết-bàn là tiêu diệt lòng ích kỷ.
- Về phương diện đạo đức, Niết-bàn là diệt bỏ tham-sân-si.
[“If any teach Nirvana is to cease, say unto such they lie, if any teach Nirvana is to leave, say unto such they err, not knowing this. From a metaphysical stanpoint Nirvana is deliverance from suffering. From a psychological standpoint Nirvana is the eradication of egoism. From an ethical standpoint Nirvana is destruction of lust, hatred, and ignoranca" (The Light of Asia or The Great Renunciation By Sir Edwin Arnorl London 1948, tr. 153)]
VIDEO
- Niết Bàn là gì? – HT Từ Thông
- Đại Niết Bàn là gì? - HT Từ Thông
- Thế Nào Là NIẾT BÀN - Thích Nhất Hạnh
- Niết Bàn Là Vắng Mặt Của Vô Minh - Thích Nhất Hạnh
- Niết Bàn là gì? - HT Pháp Tông
- Niết Bàn là gì? Niết Bàn ở đâu? | HT Viên Minh
- Vấn đáp: Niết Bàn là gì ? Niết Bàn ở đâu ? | TT. Thích Nhật Từ
- Đức Phật đi về đâu khi nhập Niết Bàn ? | TT. Thích Nhật Từ
- NIẾT BÀN Ở ĐÂU? NI SƯ HƯƠNG NHŨ 




2. Thực hành Niết-bàn.
Hành giả thực hành Niết-bàn, là đồng nghĩa với thực hành Chân lý Duyên khởi, lấy Duyên khởi (= Vô thường + Vô ngã) làm phương tiện  chuyển hóa nội tâm, dần đến trạng thái thanh tịnh do hình thành khả năng vượt lên mọi mâu thuẫn của các ý niệm – như là những điều kiện ràng buộc một cách cực đoan nơi cuộc sống, là đầu mối dẫn đến đau khổ và bị động trong sinh tử luân hồi.
Khả năng vượt lên mọi mâu thuẫn của các ý niệm được hiểu như là khả năng  thuần hóa những mâu thuẫn và hài hòa cùng chúng nơi hành giả.
Kỳ thực, những khái niệm mâu thuẫn này đều có mối tương quan Nhân-Quả cho nhau, dẫn xuất từ động lực của một nội tâm Tham-Sân-Si, có các đặc điểm chính như sau:
Tham : [P: Lobha;  S: Rāga;  E: Greed].  Tạm chia làm 3 cấp độ.
+ Ưa thích :     (P) Iccha.
+ Ham muốn : (P) Mahiccha.
+ Chiếm đoạt: (P) Papiccha :  Ham muốn tội lỗi.
Sân :  [P: Dosa;  S: Dvea;  E: Hatred].  Tạm chia làm 3 cấp độ.
+ Chê ghét : (P) Arati.
+ Bực tức :   (P) Paṭigha.
+ Thù hận :  (P) Kodha.
Si : [P;S: Moha;  E: Ignorance].  Tạm chia làm 3 cấp độ.
+ Vô minh:  (P) Avijjā; (S) Avidyā:  Không thấy biết lẽ thật.
+ Mê lầm :  (P) Moha :  Nhận thức không đúng lẽ thật.
+ Tà kiến :  (P) Micchā-ditthi:  Chấp thủ cực đoan.
Nói cách khác, hành giả thực hành Niết-bàn chính là thực hành sự quán sát trạng thái Tham-Sân-Si nơi nội tâm luôn thường xuyên xảy ra, và chuyển hóa chúng hướng tới các lợi ích thiết thực, chứ không mất đi cảnh giác buông lung chúng, để chúng dẫn dắt tới các cực đoan tai hại.  Sự cảnh giác này không gì khác hơn chính là Chánh niệm-Tỉnh giác một cách thuần thục, là khả năng giải thoát nơi bậc giác ngộ.
Cụ thể nội dung của Chánh niệm là Chân lý Duyên khởi, với:
Duyên khởi tính = Không tính = Phật tính
        Trong đó:
Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính
Đây là phương tiện giúp hành giả thấu rõ Thật tướng Vô tướng – tức hiện tượng và bản chất của mọi sự vật, nhằm giải trừ Tam độc - Tham-Sân-Si này.
Trong kinh Tương Ưng Bộ IV. Trang 404 nêu rõ: 
Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”.
Trong kinh Tạp A Hàm có chép:
Niết-bàn có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ Nghiệp gây ra từ  ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
Trong kinh Tăng Chi Bộ I, chương IV - phẩm Bánh xe, có ghi:
Này các Tỳ-kheo, trong tất cả pháp, dù là pháp hữu vi hay vô vi, pháp giải thoát ly tham là cao cả nhất. Ấy nghĩa là giải thoát khỏi kiêu mạn, diệt trừ tham, nhổ tận gốc sự chấp thủ, cắt đứt sự tiếp tục, dập tắt khát ái, giải thoát, chấm dứt, Niết-bàn”.
Trong kinh Tương Ưng Bộ III, Thiên Uẩn, Chương II - Tương ưng Rādha có chép:
Đoạn diệt tham ái, này Rādha, là Niết-bàn”.
Tham-Sân-Si truy cho cùng đó là biểu hiện của bản ngã giả ảo đang trói chặt nội tâm. Do đó, Niết-bàn nói cách khác là sự thấy ra sự thật lẽ thật, tức mọi sự vật hiện tượng được phơi bày, mọi giả ảo tự biến mất ví như bóng tối tự mất đi khi có ánh sáng.
Sự thật hay lẽ thật nơi đây chính là chân lý Duyên khởi.
2.1. Thực hành Niết-bàn theo Phật giáo Nam truyền: 
Niết-bàn được mô tả dưới 2 dạng như sau:
         1/. Hữu dư y Niết-bàn (有余依涅槃;  P: Saupādisesa-nibbāna;  S: Sopadhiśeṣa-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn nơi một hành giả hãy còn những ảnh hưởng hoạt động của Ngũ uẩn chi phối, nhưng hành giả vẫn sáng suốt chủ động.
         2/. Vô dư y Niết-bàn (無余依涅槃;  P: Anupādisesa-nibbāna;  S: Anupadhiśeṣa-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn trọn vẹn khi hành giả đã tan rã Ngũ uẩn, không còn bị Ngũ uẩn chi phối. 
Trong kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna sutta) thuộc Trung Bộ kinh, nói về thực tập phép quán “tâm trên tâm”, đức Phật dạy:
Khi tâm có Tham-Sân-Si, chúng ta tuệ tri tâm có Tham-Sân-Si; khi tâm không có Tham-Sân-Si, chúng ta tuệ tri tâm không có Tham-Sân-Si. Khi tâm định tỉnh ta tuệ tri tâm định tỉnh, khi tâm tán loạn ta tuệ tri tâm tán loạn. Chúng ta thường Chánh niệm-Tỉnh giác để thấy biết rõ sự sinh diệt, hiện hành của tâm.

        2.2. Thực hành Niết-bàn theo Phật giáo Bắc truyền: 
Niết-bàn được mô tả dưới 2 dạng như sau:
         1/. Vô trụ xứ Niết-bàn (無住處涅槃;  S: Apratiṣṭhita-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn khi hành giả đã tri kiến thuần thục Phật tính, nhưng chưa an trụ nơi chính mình, do hãy còn hạnh nguyện độ sinh. 
         2/. Trụ xứ Niết-bàn (住處涅槃;  S: Pratiṣṭhita-nirvāṇa):  Đó là Niết-bàn khi hành giả đã tri kiến thuần thục Phật tính, và hoàn toàn an trụ nơi chính mình. Trụ xứ Niết-bàn còn gọi là Tánh tịnh Niết-bàn (性淨涅槃: thể tánh thanh tịnh nơi Niết-bàn).

2.3. Niết-bàn theo đặc trưng tông phái của Phật giáo Bắc truyền.
1) Duy thức tông.
Theo Duy Thức tông, Niết-bàn và luân hồi không khác, mọi hiện tượng đều không thật tồn tại (= hằng hữu). Đối với tông này thì Niết-bàn xuất hiện khi mọi phân biệt chấm dứt.
Giáo lý Duy Thức tông cho rằng Niết-bàn được phân thành 4 loại gọi là Tứ chủng Niết-bàn 四種涅槃:
1. Tánh tịnh Niết-bàn:  Đó là Chân như tính (= Duyên khởi tính) vốn sẵn có nơi mọi hiện hữu.
2. Hữu dư Niết-bàn:  Chân như (= Chân lý) biểu hiện qua đoạn sạch phiền não nhiễm ô.
3. Vô dư Niết-bàn:  Phiền não nhiễm ô trong tâm đã trừ sạch, thân Ngũ ấm cũng đoạn diệt.
4. Vô trụ xứ Niết-bàn:  Phiền não chướng và Sở tri chướng đều đoạn diệt, chứng đắc trí tuệ thâm sâu, thấy luân hồi và Niết-bàn không khác, giáo hoá chúng sinh mà không dính mắc thế gian.
Trong kinh Lăng-già (S: Laṅkāvatāra sūtra), có  chép như sau (bản dịch Đức ngữ của H.W. Schumann, Chân Nguyên dịch Đức-Việt):
Phải nhận biết luân hồi và Niết-bàn không khác biệt nhau (Laṅkāv 2, p.61).
Bất nhị (不二;  S: advaya) là gì?  Nó có nghĩa là, hình ảnh, dài ngắn, trắng đen xuất phát từ nhị nguyên và không tách rời nhau.
Như trường hợp luân hồi và Niết-bàn, tất cả những sự việc này đều bất nhị. Không có Niết-bàn, (trừ trường hợp) có luân hồi, và không có luân hồi, (trừ trường hợp) có Niết-bàn, bởi vì nguyên nhân hiện hữu của chúng nằm ở chỗ: (Nếu quán sát riêng biệt) Chúng không có định nghĩa. (Laṅkāv 2, p.76)
Tất cả mọi hiện hữu đều không có tự tính, chỉ là ngôn từ của những người (vô minh). Chúng chỉ là sự tưởng tượng (S: kalpanā) và không tồn tại thật sự. Niết-bàn (cũng chỉ) là cơn mộng. Không thể nhận thức được bất cứ cái gì trong luân hồi và không có một cái gì có thể nhập Niết-bàn bao giờ (Laṅkāv 2,146, p.88).
2) Thiền tông.
Theo Thiền tông, Niết-bàn không hề tách rời với thế giới này, là sự trực ngộ được thể tính của Tâm (= Duyên khởi tính; Tâm = Chân lý Duyên khởi), tức thể tính của vạn sự vạn vật.
Theo Thiền tông, thực hiện Niết-bàn tất phải thông qua trí tuệ. Vì thế, Niết-bàn còn được xem là đồng nghĩa với Trí tuệ Ba-la-mật.  Niết-bàn và Trí tuệ chỉ là hai mặt của Chân lý.  Niết-bàn là trạng thái của một hành giả đã khai mở Tuệ giác, đã đạt tri kiến về Tâm (Chân lý Duyên khởi); ngược lại Tuệ giác là hiện thực của một hành giả đã chứng ngộ Niết-bàn.
3) Trung Quán tông.
Theo Trung Quán tông, Niết-bàn nằm trong Không tính (空性;  S: Śūnyatā), đó là sự "chấm dứt cái thiên hình vạn trạng", cái chấm dứt đó là sự vắng bóng của mọi ràng buộc thế gian. Nói cách khác, Niết-bàn là trạng thái không dính mắc vào các khái niệm đối đãi một cách cực đoan.
 Trong Phẩm Quán Niết-bàn (Nirvāṇa-parīkṣā) của Trung Quán Luận, đã chép: 
Bài kệ 1
法空      Nhược nhất thiết pháp không
無生無滅者      Vô sinh vô diệt giả
何斷何所滅      đoạn hà sở diệt
而稱為涅槃      Nhi xưng vi Niết-bàn?
Nếu các pháp đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Có gì đoạn và diệt
Mà gọi là Niết-bàn?

Bài kệ 2
諸法      Nhược chư pháp bất không
則無生無滅      Tắc vô sinh vô diệt
何斷何所滅      Hà đoạn hà sở diệt
而稱為涅槃      Nhi xưng vi Niết-bàn?
Nếu các pháp chẳng không
Thì không sinh không diệt.
Có gì đoạn và diệt
Mà nói tới Niết-bàn?

Bài kệ 3
涅槃名有      Niết-bàn bất danh hữu
有則死相      Hữu tắc lão tử tướng
終無有有法      Chung vô hữu hữu pháp
於老死相      Ly ư lão tử tướng.
Niết-bàn không phải có
Có là tướng già chết.
Tuyệt không có pháp có
Lìa xa tướng già chết.
Bài kệ 4
涅槃是有      Nhược Niết-bàn thị hữu
涅槃即有為      Niết-bàn tức hữu vi
終無有一法      Chung vô hữu nhất pháp
而是無為者      Nhi thị vô vi giả.
Nếu Niết-bàn là có,
Niết-bàn là hữu vi.
Tuyệt không còn pháp nào
Được gọi vô vi cả.
Bài kệ 5
涅槃是有      Nhược Niết-bàn thị hữu
云何名無受      Vân hà danh vô thọ
無有從受      Vô hữu bất tùng thọ
而名為有法      Nhi danh vi hữu pháp.
Nếu Niết-bàn là có
Sao gọi là vô thọ?
Không gì không từ thọ
Mà được gọi pháp có.

Bài kệ 6
有尚非涅槃      Hữu thượng phi Niết-bàn
何況於無耶      Hà huống ư vô da?
涅槃無有有      Niết-bàn vô hữu hữu
何處當有無      Hà xứ đương hữu vô?
Có còn chẳng Niết-bàn,
Không Niết-bàn sao được?
Niết-bàn không là có,
Tại sao lại là không?

Bài kệ 7
無是涅槃      Nhược vô thị Niết-bàn
云何名      Vân hà danh bất thọ?
未曾有      Vị tằng hữu bất thọ
而名為無法      Nhi danh vi vô pháp.
Nếu Niết-bàn là không
Sao gọi là vô thọ?
Chưa từng có vô thọ
Mà được gọi pháp không.
                         
                          Bài kệ 8
如佛經中      Như Phật kinh trung thuyết
斷有斷非有      Đoạn hữu đoạn phi hữu
是故知涅槃      Thị cố tri Niết-bàn
非有亦非無      Phi hữu diệc phi vô
Như trong kinh Phật nói
Đoạn có và đoạn không
Mà ta biết Niết-bàn
Không có cũng không không

                          Bài kệ 9
謂於有無      Nhược vị ư hữu vô
合為涅槃者      Hợp vi Niết-bàn giả
有無即解      Hữu vô tức giải thoát
是事則      Thị sự tắc bất nhiên.
Nếu gộp cả có không
Mà thành ra Niết-bàn
Có không là giải thoát
Điều này thật vô lý.                    

                          Bài kệ 10
謂於有無      Nhược vị ư hữu vô
合為涅槃者      Hợp vi Niết-bàn giả
涅槃非無受      Niết bàn phi vô thọ
是二從受生      Thị nhị tùng thọ sinh.
Nếu gộp cả có không
Mà có được Niết-bàn,
Niết bàn chẳng vô thọ
Cả hai do thọ sinh.
                          Bài kệ 11
有無共合成      Hữu vô cộng hợp thành
云何名涅槃      Vân hà danh Niết-bàn
涅槃名無為      Niết-bàn danh vô vi
有無是有為      Hữu vô thị hữu vi.
Khi gộp có, không lại
Làm sao gọi Niết-bàn?
Niết-bàn là vô vi
Có, không là hữu vi.

                          Bài kệ 12
有無二事共      Hữu vô nhị sự cộng
云何是涅槃      Vân hà thị Niết-bàn
是二同處      Thị nhị bất đồng xứ
如明暗不俱      Như minh ám bất câu.
Hợp hai cái ấy lại
Làm sao có Niết-bàn?
Hai cái không cộng trú
Như sáng tối không chung.

                          Bài kệ 13
非有非無      Nhược phi hữu phi vô
名之為涅槃      Danh chi vi Niết-bàn
此非有非無      Thử phi hữu phi vô
以何而分別      Dĩ hà nhi phân biệt?
Cái chẳng có chẳng không
Mà gọi là Niết-bàn,
Chẳng có chẳng không ấy,
Làm sao mà phân biệt?

                          Bài kệ 14
分別非有無      Phân biệt phi hữu vô
如是名涅槃      Như thị danh Niết-bàn
有無成者      Nhược hữu vô thành giả
非有非無成      Phi hữu phi vô thành.
Phân biệt chẳng có không
Mà gọi là Niết-bàn.
Nếu có không thành được
Chẳng có không mới thành.

                          Bài kệ 15
涅槃與世間      Niết-bàn dữ thế gian
無有少分別      Vô hữu thiểu phân biệt
世間與涅槃      Thế gian dữ Niết-bàn
亦無少分別      Diệc vô thiểu phân biệt.
Niết-bàn và thế gian
Không mảy may phân biệt.
Thế gian và Niết-bàn
Không mảy may phân biệt

                          Bài kệ 16
涅槃之實際      Niết-bàn chi thật tế
及與世間際      Cập dữ thế gian tế
如是二際者      Như thị nhị tế giả
無毫釐差別      Vô hào ly sai biệt.
Thật chất của Niết-bàn,
Thật chất của thế gian,
Thật chất hai thứ ấy
Không mảy may sai khác.

                          Bài kệ 17
滅後有無等      Diệt hậu hữu vô đẳng
有邊等常等      Hữu biên đẳng thường đẳng
依涅槃      Chư kiến y Niết-bàn
過去世      Vị lai quá khứ thế.
Diệt rồi có hay không?
Hữu biên thường vân vân.
Kiến khởi từ Niết-bàn
Từ quá khứ vị lai.

                          Bài kệ 18
受諸因      Thọ chư nhân duyên cố
轉生死中      Luân chuyển sinh tử trung
受諸因      Bất thọ chư Nhân Duyên
是名為涅槃      Thị danh vi Niết-bàn.
Tùy thuộc nơi nhân duyên
Luân chuyển trong sinh tử.
Không tùy các Nhân Duyên
Đó gọi là Niết-bàn.

Bài kệ 19
無得亦無至      Vô đắc diệc vô chí
斷亦      Bất đoạn diệc bất thường
生亦      Bất sinh diệc bất diệt
名涅槃      Thị thuyết danh Niết-bàn.
Không đắc cũng không tới
Không đoạn cũng không thường
Không sinh cũng không diệt
Đó gọi là Niết-bàn.

Xem thêm
- Niết bàn là gì - Phatgiao.org.vn
- Phẩm Quán niết bàn – Làng Mai
- Niết Bàn Là Gì ? - Phật Học - THƯ VIỆN HOA SEN
- Khái niệm và bản chất của Niết Bàn - Phatgiao.org.vn

VIDEO
- Giải Thoát và Niết Bàn (Vấn Đáp) - Thầy Thích Pháp Hòa
- Niết Bàn Là Vắng Mặt Của Vô Minh - Thầy Thích Nhất Hạnh
- Ý Nghĩa Niết Bàn Trong Phật Giáo - Thầy Thích Phước Tiến
- Niết Bàn là gì ? Niết Bàn ở đâu ? | TT. Thích Nhật Từ
- Niết Bàn có chấm dứt Luân Hồi Sinh Tử? Thầy Thích Pháp Hòa
- Niết bàn là gì? Ai có thể chứng đắc Niết bàn? | Thích Trúc Thái Minh



Bài đọc thêm.
1. Vài nét về kinh Ðại Bát Niết Bàn.

Mahāparinibbāṇa Sutta - Wikipedia
Kinh Đại Bát Niết Bàn – Wikipedia tiếng Việt
Ðại Bát Niết Bàn (大般涅槃;  P: Mahāpari-nibbāṇa;  S: Mahāpari-nirvāṇa) là bộ kinh được xem là do Phật Thích Ca thuyết giảng những gì đã xảy ra trong ngày tháng cuối cùng của cuộc đời đức Phật tại thế, trước khi nhập diệt. Trên đoạn đường từ núi Linh-thứu đến Câu-thi-na, đức Phật dừng lại tại các làng mạc, đô thị để giảng những bài pháp cuối cùng.
Do vậy kinh này ghi khá đầy đủ lại các giáo lý quan trọng trong một đời giáo hóa, là tinh hoa trong suốt 45 năm thuyết pháp của đức Phật. Tâm nguyện một đời, giáo nghĩa của ba tạng kinh, phương pháp tu chứng, các mối hoài nghi của bảy chúng, đều được đúc kết cô đọng trong bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn.
Trước khi ra đi Ngài vẫn không quên ân cần nhắn nhủ: "Phải lấy giới luật làm thầy, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp cũng bị diệt, các con phải tự thắp đuốc lên mà đi." Ngoài ra cuối kinh còn có nói đến xá lợi Phật được phân chia và phụng thờ ở cõi Diêm Phù Đề như thế nào.
Kinh có hai bản, đó là kinh Niết Bàn của Phật giáo Nam Truyền và kinh Niết Bàn của Phật giáo Bắc Truyền.
1) Kinh Ðại Bát Niết Bàn của Phật giáo Nam Truyền, được tìm thấy trong Kinh Trường Bộ. Bản Việt dịch do Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam dịch từ bản Pali và ấn hành năm 1991.
Lời kinh được truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác, và chỉ được ghi chép lại vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN. Toàn phần kinh Pali được ghi chép vào khoảng thế kỷ thứ 1 trước CN, nhưng vẫn còn tiếp tục được truyền khẩu nhiều năm sau.
2) Kinh Ðại Bát Niết Bàn của Phật giáo Bắc Truyền được dịch sang chữ Hán từ khoảng thế kỷ thứ 3 tới thứ 5 sau CN, dưới những tựa đề khác nhau, bao gồm hai bản:
- Phật Thuyết Phương Ðẳng Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài Dharmaaksa (Đàm Vô Sấm, 265-316), đời Tây Tấn dịch.
- Ðại Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài Pháp Hiển và Buddhabadhra đời Ðông Tấn (317-420) dịch.
Kinh Đại Bát Niết Bàn của Phật giáo Bắc Truyền được xem là phỏng dịch từ tiếng Pali sang tiếng Sanskrit, rồi từ tiếng Sanskrit sang tiếng Hán, nên có nhiều khả năng bị thay đổi với thời gian và không gian. Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng bản kinh Pali gần với các sự kiện lịch sử, xã hội và với giáo lý nguyên thủy của đạo Phật hơn.
Bản Việt dịch do Hòa thượng Thích Trí Tịnh, dịch từ bản Hán văn, dày 1500 trang gồm tất cả 29 phẩm (chương), được phân ra làm hai quyển, quyển 1 từ phẩm 1 đến phẩm thứ 21 và quyển hai từ phẩm 22 đến phẩm 29.
01. Phẩm Tự
02. Phẩm Thuần Đà
03. Phẩm Ai Thán
04. Phẩm Trường Thọ
05. Phẩm Kim Cang Thân
06. Phẩm Danh Tự Công Đức
07. Phẩm Tứ Tướng
08. Phẩm Tứ Y
09. Phẩm Tà Chánh
10. Phẩm Tứ Đế  
11. Phẩm Tứ Đảo
12. Phẩm Như Lai Tánh
13. Phẩm Văn Tự
14. Phẩm Điếu Dụ
15. Phẩm Nguyệt Dụ
16. Phẩm Bồ Tát
17. Phẩm Đại Chúng Vấn
18. Phẩm Hiện Bịnh
19. Phẩm Thánh Hạnh
20. Phẩm Phạm Hạnh   
21. Phẩm Anh Nhị Hạnh
22. Phẩm Quang Minh
23. Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát
24. Phẩm Ca Diếp Bồ Tát
25. Phẩm Kiều Trần Như
26. Phẩm Di Giáo
27. Phẩm Ứng Tận Hường Nguyên
28. Phẩm Trà Tỳ
29. Phẩm Cúng Dường Xá Lợi.
Xem thêm
- Niết bàn kinh – Wikipedia tiếng Việt
- Truong Bo: 16. Kinh Dai Bat Niet Ban
- Nguồn gốc Kinh Đại Bát Niết Bàn - layphat
- Kinh Đại Bát Niết Bàn - Kinh Sanskrit/Hán Tạng - THƯ VIỆN ...

VIDEO
- Kinh Đại Bát Niết Bàn-Thiền và Đời Sống kỳ 339-Trường Bộ Kinh
- Vấn đáp: Kinh Đại Bát Niết Bàn và Bát Niết Bàn - TT. Thích Nhật Từ
- Giới Thiệu Kinh Đại Bát Niết Bàn - Thầy Thích Pháp Hòa ( Ngày 28.12.2019 )



2. Đức Phật nhập Niết-bàn.
Nhập Niết-bàn (入涅槃;  E: To pass (enter) into Nirvana) có nghĩa là “Vào Vô dư y Niết-bàn (無余依涅槃;  P: Anupādisesa-nibbāna;  S: Anupadhiśeṣa-nirvāṇa;  E: Nirvana).  Đó là đi vào trạng thái Niết-bàn trọn vẹn khi bậc giác ngộ bắt đầu tan rã Ngũ uẩn, không còn bị Ngũ uẩn chi phối nữa. 
1) Lịch sử Phật nhập Niết-bàn.  
Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian trên 45 năm, Đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Hễ chỗ nào có chân Ngài đến là ánh Đạo vàng bừng tỏa. Ở đâu có ánh Đạo vàng đến, thì tà giáo và ngoại giáo lui xa dần, tan biến như những làn mây, như những bóng tối, tan biến trước bình minh đang lên. Giọng thuyết pháp của Ngài có cái oai lực như tiếng sư tử rống, làm cho cầm thú phải khiếp phục, như tiếng hải triều lên, lấn át tất cả bao nhiêu tiếng tỉ tê của côn trùng, chim chóc.
Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên đất nước Ấn Độ rộng lớn, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn nhỏ thời bấy giờ tại xứ Ấn Độ. Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật Vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 129 dặm.
Một hôm, Ngài gọi ông A Nan đến và bảo rằng: “A Nan ! Đạo Ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay Ta đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay Ta chuyển xe Pháp, và Đạo cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ Ta có thể rời các người mà ra đi. Thân hình Ta, theo luật Vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy Ta còn mến tiếc làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? A Nan ! Trong ba tháng nữa Ta sẽ nhập Niết bàn.
Tin đức Phật sắp vào Niết bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối. 
Trong thời gian ba tháng cuối cùng, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo. Dù thân mang bệnh nhưng Phật vẫn nhận lời xuất gia cho vị đệ tử cuối cùng là ông Tu Bạt Đà La. Sau đó, Phật lại nhiều lần hỏi các đệ tử rằng có còn vấn đề gì cần hỏi nữa không để Phật giải thích luôn. Điều này cho thấy lòng từ của Phật vô cùng vĩ đại, dù đau đớn bởi thân thể nhưng vẫn luôn lo lắng cho mọi người.
Một hôm, Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng cùng các đệ tử đi theo ông. Đến nhà, ông Thuần Đà dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm.
Thụ trai xong, Phật cùng các đệ tử lại từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một khoảng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên trong rừng cây Sa La để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Sa La, đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La đến xin xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.
Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông dủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối.

Sau đây là lời phú chúc của Đức Phật đã để lại trong giờ phút cuối cùng:
Này các con của ta, những lời giáo huấn ta giảng dạy cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Các con hãy gìn giữ cho dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn nào. Như thế cũng như các con đang ở bên cạnh ta trong lúc này.
Các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ nơi nào khác, ngoài các con. Những lời giáo huấn của ta sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con.
Các con hãy kính trọng và hòa hợp lẫn nhau như nước với sữa, hãy cùng tư duy giảng giải cho nhau, và cùng nhau thực hành. Không nên lười biếng hay phí phạm thời giờ trong sự cãi vả xô đẩy lẫn nhau như nước và dầu. Hãy kiểm soát và làm chủ được tâm thức, không để tâm thức bám víu vướng mắc vào các ham muốn thèm khát.
Hỡi các con, giây phút cuối cùng của ta đã gần kề, phút xa lìa giữa ta và các con không còn bao lâu nữa. Tuy nhiên các con không nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Cái sự thực đó, ta đang chứng minh cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con phải hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi bất di, bất dịch ấy. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải nhất định trở thành trường tồn.
Này các con của ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con nên hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và cái chết. Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác Ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi.
Sau khi ta tịch diệt, Giáo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết-bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con thân yêu”.
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết-bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai âm lịch, năm 544 tCN. Rừng cây Sa La tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, vạn vật như chìm lặng trong những giây phút nặng nề của sự chia ly. Các đệ tử tẩm liệm xác thân Ngài vào kim quan và bảy ngày sau, đưa kim quan Ngài vào thành Câu Thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (hỏa thiêu).
Tám vị Quốc Vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tướng dũng đến toan tranh giành Xá Lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra hòa giải, và nhờ thế sự phân chia xá lợi đều được ổn thỏa.
Đức Phật đã nhập Niết-bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt trên 45 năm hoằng pháp, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người ở địa vị có diễm phúc nhất, thế mà Ngài vẫn không màng tưởng đến.
Khi ở trong Đạo, Ngài là người ở địa vị cao tột của Đạo, thế mà Ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả duỗi rong trên mọi nẻo đường gai góc để đưa dắt chúng sanh đến con đường hạnh phúc giải thoát hoàn toàn. Thật ân đức của Phật vô lượng vô biên.
2) Thánh tích Phật nhập Niết-bàn.
Trong Kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn), trước khi nhập diệt, đức Phật đã có lời căn dặn như sau: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sinh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.

Cụm Đại Bảo tháp Niết-bàn và chùa Niết-bàn
Câu Thi Na (S: Kuśinagara;  E: Kusinagar) là nơi đức Phật diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn dưới hai tàng cây Sa La. Địa danh này sau được các nhà khảo cổ nhận dạng là Kasia ở quận Deoria của xứ Utta Pradesh, đã trở thành một thánh địa quan trọng để các Phật tử đến chiêm bái đảnh lễ.
Vào thời điểm đó, hàng ngàn tự viện và bảo tháp đã được xây dựng lên chung quanh thánh địa này. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, thánh địa này đã bị hoang phế tàn rụi. Hai ngài Pháp Hiền và Huyền Trang, khi đến chiêm bái thánh địa này, cũng phải thốt lên lời ta thán bi thiết khi nhìn cảnh vật hoang tàn đổ nát của Câu Thi Na.
Qua những cuộc khai quật để tìm lại dấu vết, người ta đào được một số những mảnh vỡ vụn của các tượng Phật, những cột trụ loang lổ. Tuy nhiên, căn cứ trên những dấu hiệu của các di tích còn sót lại đó và những bia ký thì chắc chắn nơi đây là thánh địa nhập Niết-bàn của đức Phật. Ngôi tháp Đại Bát Niết Bàn mà vua A Dục xây cất cũng không thể tìm thấy được nữa và có thể ngôi tháp này đã bị chôn vùi dưới nền tịnh xá Niết-bàn xây dựng ở triều đại Gupta.
Trong số những di tích đó, người ta tìm được một bức tượng Đức Phật trong tư thế nhập Niết bàn. Bức tượng này cũng bị vỡ vụn và đã được nhà điêu khắc Carlleyle khéo léo hàn gắn chạm trỗ lại. Ngôi đại bảo tháp Ramabhar được dựng ngay tại địa điểm làm lễ trà tỳ kim thân Đức Phật và xá lợi Ngài được phân chia ra làm tám phần đồng nhau cho tám vương quốc lớn mạnh nhất thời đó.

Bảo tháp Ramabhar được xây dựng nơi Đức Phật được người Malla cổ đại hỏa táng.
Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, kim thân của Ngài được hỏa táng theo nghi thức tang lễ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Sau lễ hoả táng, để tránh sự xung đột tranh giành xá lợi của đức Phật, bộ tộc Malla tại Kusinagar đã đồng ý chia xá lợi Ngài làm tám phần đều nhau cho tám vị quốc vương trong tám nước xây tháp cúng dường. Bộ tộc Malla cũng xây một bảo tháp tại nơi lễ Trà tỳ của đức Phật để phụng thờ tro than lúc hoả táng còn lại. Ngôi Tháp này hiện nay vẫn còn.
Đến với thánh tích Kusinagar, ngày nay, chúng ta sẽ được chiêm bái hai nơi thiêng liêng nhất: nơi đức Phật nhập Niết bàn (gồm tháp Niết bàn, chùa Niết bàn…) và nơi diễn ra lễ Trà tỳ kim thân của đức Thế Tôn.
1/. Tháp Đại Niết-bàn (Mahaparinirvana Stupa):

Tháp Đại Niết-bàn và Chùa Niết-bàn cùng những phế tích còn lại
Ngôi tháp Niết Bàn to lớn mà chúng ta thấy hiện nay có chiều cao khoảng 45 mét, đường kính khoảng 10 mét. Đấy là một ngôi tháp có màu trắng, xây kín xung quanh, không có cửa ra vào. Tháp được xây trên một nền gạch cao khoảng 2,7 mét; tháp có hình tròn trụ, với mái hình vòm tròn, phía trên vòm tròn ấy được xây một khối hình trụ nhọn dần lên tận đỉnh, hình trụ ấy gồm ba tầng, cao khoảng 5,5 mét.
Nguyên thủy ngôi bảo tháp này được các nhà khảo cổ cho rằng, nó được xây dựng bởi vua Asoka vào thế kỉ thứ 3 trước Tây lịch. Vua Asoka, sau khi từ bỏ đời sống một bạo chúa hung tàn, ông đã quay về với Phật giáo và dùng Chánh pháp để trị dân. Để cho dân chúng toàn cõi Ấn Độ được thấm nhuần công đức, vua Asoka đã thu thập xá lợi của đức Phật trong tám ngôi tháp của tám vị quốc vương thời xưa, chia đều ra tám vạn bốn ngàn phần và xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp trên toàn cõi Ấn để dân chúng được chiêm bái, cúng dường. Bảo tháp Niết Bàn là một trong những ngôi tháp ấy.
2/. Chùa Niết-bàn (Mahaparinirvana temple): 
Bước vào thánh tích Kusinagar nơi đức Phật nhập Niết bàn, hình ảnh to lớn đầu tiên chúng ta diện kiến được là tháp đại Niết Bàn, kế đó là chùa Niết Bàn. Chùa Niết Bàn được xây trước bảo tháp Niết Bàn và có chung một nền móng với ngôi bảo tháp này. Chùa Niết Bàn có một kiến trúc rất riêng so với các loại kiến trúc chùa tháp khác mà chúng ta từng thấy. Ngôi chùa này có chiều ngang dài gần gấp đôi chiều dọc, mái chùa là một hình cong nhọn lên ở giữa, từ xa nhìn đến giống như một hình lăng trụ to lớn, có bốn cửa sổ hình tròn cao lớn gần trên mái trông ra bốn hướng. Trước hành lang chùa có bốn trụ cột sơn màu đỏ rất lớn, chùa được xây dựng để thờ tượng Phật nhập Niết bàn.
3/. Tượng đức Phật nhập Niết-bàn:

Tượng đức Phật nhập Niết Bàn bên trong chùa Niết-bàn
Một trong những bảo vật ý nghĩa nhất tại thánh tích này là tượng đức Phật nhập Niết Bàn. Trong ngôi chùa Niết Bàn chỉ thờ duy nhất pho tượng này. Pho tượng có chiều dài khoảng 6 mét, được đặt trên một bệ đá hình chữ nhật cao khoảng nửa mét và tôn thờ trong chùa Niết Bàn. Tượng nằm nghiên bên hữu, đầu tượng hướng về phương bắc và gối lên tay phải, mặt tượng hướng ra cửa chánh nam, tay trái đặt xuôi trên hông, hai chân song song chồng lên nhau. Pho tượng đã thể hiện đầy đủ các tướng hảo và vẻ đẹp của một đấng Thế Tôn.
VIDEO
- Những miền đất Phật- Ấn Độ tập 4 CÂU THI NA
- Kushinagar | Land of Lord Buddha attained Nirvana
- Tại nơi Đức Phật NHẬP NIẾT BÀN - Thầy Pháp Hòa
- CẬN CẢNH NƠI ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN - DU LỊCH TÂM LINH
- Phật tích Ấn Độ: Kushinagar - Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn Vietnam Journey




 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top