Hoàng Long Hải, HỌ HỒ Ở NƯỚC TA

Hoàng Long Hải

HỌ HỒ Ở NƯỚC TA

Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu thì nở ra dòng liu điu./

1
Chim bay trên trời chim còn có tổ
Cháu nội nói: "Ông nội, khi mình vô quốc tịch, người ta cho mình đổi tên họ. Cháu nghĩ cần thì mình nên đổi tên, không nên đổi họ."
- "Đúng." Ông nội trả lời. "Người Châu Âu đến Mỹ cũng vậy. Thành ra, nhiều khi chỉ cần nghe cái họ, mình biết nguồn gốc: Gốc Anh Cát Lợi, gốc Pháp, Đức....
- "Không ông nội à. Cháu có học một lớp, tụi nó toàn tên là Smith. Thằng thì Church Smith, thằng thì Bridge Smith, thằng thì Hill Smith... kỳ ghê.
- "Kỳ gì đâu. Đó là những thằng Mỹ "lưu linh lạc địa". Bên Châu Âu, sau những biến cố trọng đại, loạn ly, đói khổ... như sau các trận Thế Giới Chiến Tranh chẳng hạn. Dân Châu Âu bò qua Mỹ kiếm ăn. Cháu đọc "Giờ Thứ hai mươi lăm" thì rõ. Thằng Moritz chẳng hạn, hai bàn tay trắng, tính qua Mỹ kiếm ít tiền rồi lại về quê cũ cưới vợ."
- "Ông nội giải thích sao về hiện tượng trên, nhiều thằng tên là Smith?"
- "Hồi xưa, đầu thế kỷ hai mươi chớ đâu xa. Tàu thủy bên Châu Âu đến cảng Nữu Ước, có quan thuế xét cho lên bờ, nhập vào Mỹ, chỉ cần cho quan thuế biết mình có một số tiền là được. Chẳng cần giấy tờ gì cả."
- "Ông nội nói sao. Cháu chưa rõ.
- "Ví dụ khi qua cửa Quan thuế, trình cho họ thấy mình có một số tiền, ít nhất bằng số tiền Quan Thuế yêu cầu, chứng minh mình có thể sống được bao nhiêu ngày đó, khi chưa có việc làm. Chỉ có vậy thôi. Không cần giấy tờ gì cả."
- "Vậy những cái tên Smith?"
- "Di dân bên Châu Âu qua, đủ hạng, phần đông khố ách áo ôm, tha phương cầu thực, bỏ nhà ra đi có một mình, dốt, không biết tiếng Anh, tiếng u gì cả. Kiếm được việc ở địa phương, hoặc theo các đoàn xe ngựa đi về miền viễn Tây, đi đào vàng, đi từng đàn, từng lũ... Rồi tụ họp nhau lập xóm, lập làng, như người ta thường thấy trong phim Western vậy. Họ có tên Đức, vì gốc Đức, tên Áo vì gốc Áo... Nhiều cái tên khó đọc, mà ngay chính họ cũng không biết chữ, không biết viết tên mình như thế nào, nên khi ai hỏi tới, cứ nói mẹ cái tên Mỹ Smith cho xong, tên nầy phổ thông ở Mỹ, ai ai cũng Smith cả. Đến khi có một dịp nào đó, bầu cử chẳng hạn, phải làm giấy tờ, danh sách, thì phải khai với chính quyền họ và tên. Tên thì có rồi: Smith, nhưng họ là chi, giống như Lục Vân Tiên hỏi Kiều Nguyệt Nga vậy: "Quê đâu tên họ là chi? Khuê môn phận gái việc gì tới đây?" Mấy anh Smith bối rối không biết mình lấy họ gì?

Người phỏng vấn hỏi: "Vậy thì nhà anh ở đâu?". "Tui ở gần cầu". "Vậy thì tên họ là Bridge Smith". "Tui ở gần nhà thờ". "Vậy thì tên họ là Church Smith". "Tui ở gần nhà máy". "Vậy thì Mill Smith." Dễ dàng thôi."

Cháu nội nói: "Cháu có cảm tưởng như có cái gì buồn cười, mai mỉa."
- "Chớ gì. Đây là câu chuyện hài, người Canada chê người Mỹ." Tôi nói.
- "Người Canada tự hào về nguồn gốc của họ hơn, thượng lưu, trí thức, cao cấp hơn người Mỹ?"
- "Có gì khác?"
- "Có chứ. Khi Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai nổ ra, dân Anh, Dân Pháp chạy giặc qua Canada nhiều lắm. Họ thuộc hạng giàu có, học thức. Ngay chính ở nước họ, họ cũng đã ở giai cấp trên của xã hội bên đó rồi, nên họ coi thường người Mỹ, nguồn gốc không như họ.
- "So với di dân bây giờ, ông nội thấy sao?"
- "Thấy sao hả? Cũng vậy thôi. Ông nội lớn lên trong cảnh nghèo. Cha ông nội đi kháng chiến mà qua đời, anh cả ông nội vì chống Tây mà bị Tây thủ tiêu, chị Cả ông nội chạy tản cư bệnh mà chết. Thành ra một mình bà cố xoay xở nuôi sáu đứa con. Bà cố thường tự an ủi bằng câu "Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời."
        
2
Có tên không họ, có họ không tên
- "Cháu biết không, người Việt mình ban đầu, khi mới xuống định cư ở lưu vực sông Nhị Hà, cũng chỉ có tên mà không có họ." Tôi nói.
- "Có phải đó là văn hóa thời cổ."
- "Ông nội có xem một "clip", có một "làng Thượng" nào đó, gần đường 9 với Lao Bảo, sát biên giới Lào/ Việt. Làng  nầy thuộc người "Tà Ôi" hay "Vân Kiều" gì đó. Mọi người trong làng chỉ có tên, không có họ. Khi cán bộ Việt Cộng đến hoạt động, cần có tên họ, Việt Cộng khuyến dụ dân làng "nên lấy họ của bác". Dân làng nghe theo, thành ra ai cũng họ Hồ cả. Cả làng đều họ Hồ.
- "Ông nội nói người Lạc Việt ngày xưa không có họ?".
- "Ngay cả một số người Tàu ở bên Tàu cũng vậy." Tôi nói.
- "Vậy sao bây giờ ai cũng có họ?"
- "Bởi vì khi Tàu qua cai trị, lập sổ sách gì đó, buộc người dân phải có họ. Có hai hạng người, để ông nội giải thích: "Thứ nhứt là những người Tàu di dân, đi theo người Tàu sang Việt Nam cai trị, làm ăn, rồi định cư ở nước ta. Theo phong tục Tầu, họ có cả tên lẫn họ. Thành phần thứ hai, là những người Lạc Việt không có họ thì phải mượn họ của người Tàu mà khai báo. Thành ra, gần như hầu hết họ của người Việt ta ngày nay, có họ Tàu do vay mượn họ của người Tàu."
- "Họ Hoàng của mình thì sao?"
- "Dựa theo lịch sử như nói như ở  trên, họ Hoàng cũng có hai trường hợp. Một là họ Hoàng từ bên Tàu mang sang qua Việt Nam. Hai là, tổ tiên chúng ta là người Lạc Việt chính cống, không có họ nên mượn họ Hoàng của người Tàu.
- "Thành ra những nhân vật trong lịch sử Tàu như Hoàng Cái, Hoàng Đình Công... có thể là tổ tiên chúng ta, mà cũng không hẳn. Có thể ông bà chúng ta ngày xưa, không có họ nên mượn cái họ Hoàng của người Tàu.
- "Các sắc tộc ở vùng cao thì sao?"
- "Những sắc tộc ở gần biên giới Hoa/ Việt thì chung một giống cả. Ví dụ người Hmong, bên kia biên giới Tàu cũng có, bên phía ta cũng có, bên Lào cũng có. Xa hơn một chút về phía Nam, "người miền núi", như người Mường Hòa Bình, Mường Thanh Hóa... chính họ là người Lạc Việt. Khi người Tàu xâm lăng, cai trị người Lạc Việt, họ không chịu sống dưới ách đô hộ của người Tàu, bèn kéo nhau lên rừng mà ở.
- "Họ cũng không có họ?"
- "Có lẽ hồi mới lên rừng định cư mà thôi. Về sau, do tình hình xã hội, chính trị, họ cũng phải kiếm tìm đâu đó một cái họ mà ghép với cái tên của mình".
- "Ông nội cho một ví dụ được không?"
- "Được chứ. Nhà thơ Huy Cận chẳng hạn. Gốc gác ông là "người Mường Thanh Hóa." Họ Cù là họ kiếm đâu đó, thành ra Cù Huy Cận, dòng dõi bà Cù thị hay ai đó, "Cù léc" cũng không chừng." Tôi nói đùa.
Tôi nói tiếp: "Họ Hoàng mình xuất phát từ bên Tàu hay từ người Lạc Việt gánh thêm cái họ Tàu thì ông nội không biết, gốc gác ở làng nào, tỉnh nào cũng không biết. Gia phả chỉ nói năm 1558, khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam,  đem theo binh lính, quan quyền, bà con họ hàng, dân chúng... thì trong số đó có một người đàn bà có 4 người con trai. Người mẹ và tất cả 4 người con trai đều biết nghề rèn. Chúa cần người có nghề rèn để rèn binh khí hay dụng cụ nông nghiệp... cho Chúa. Bốn người con trai sau nầy trở thành 4 người trưởng của 4 nhánh: Như, Văn, Đăng, Thế của họ Hoàng. Bốn người nầy cùng xây một ngôi chùa cho bà Mẹ. Đó là Chùa Hiền Lương ở làng Hiền Lương. Chùa có bốn trăm năm tuổi, còn nguyên trạng, có thể trở thành di tích Quốc Gia.

3
Ngộ ở pên Tàu...
- "Ông nội nói rộng ra các họ khác".
- "Không cần có thống kê, người ta biết họ lớn nhất của người Việt là họ Nguyễn, khoảng một phần ba dân số. Thứ đến là họ Lê, họ Trần. Còn các họ khác như họ Hoàng, họ Hồ, họ Phan, họ Võ, - ngoài Bắc thì gọi là Vũ - thì sĩ số sàn sàn ngang nhau. Một ít là họ Tàu, mới sang Việt Nam thời "Phản Thanh phục Minh" như họ Lữ, - của ông tướng Lữ Lan - tức Lữ Mộng Lan -, họ Châu, họ Hồng còn gọi là Cung như ông Cung Giũ Nguyên, Hồng Giũ Châu, họ Mạc như Mạc Cửu, họ Lâm như thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát... Họ Mạc của ông Mạc Cửu với họ Mạc của ông Mạc Đăng Dung có cùng gốc gác với nhau không thì chính cô ca sĩ Mạc Thủy ở Hà Nội hay Mạc Thị Bưởi chắc chi đã biết.

Mấy ông mà ông nội kể tên đều là những người có tiếng tăm hồi trước. Một số tha phương cầu thực như họ Quách - Quách Đàm; họ Diệp như ông cố của Tyler Diệp, họ Quan có khi là Quang, họ Ôn. Như Quách Đàm, khi mới qua Việt Nam, hai đầu gánh đựng hai cái bồ "chai ve bán không". Vậy mà sau nầy giàu có đến ức triệu, bỏ tiền xây Chợ Lớn mới.

Đặc biệt, một số hải tặc, nổi tiếng trong vùng "Quần đảo Hải Tặc"  hồi mấy thế kỷ trước, gốc ở đảo Hải Nam bên Tàu, sau khi giải nghệ, không dám về cố quốc, định cư ở Miền Tây Nam Bộ, phần nhiều ở Rạch Giá, Hà Tiên. Họ có họ Phan, họ Dương, lấy vợ Miên, đẻ ra người Miên lai Tàu, dân địa phương gọi là "đầu gà đít vịt", nhiều cô đẹp lắm.

Cũng có một vài trường hợp, giàu có, đem tiền qua Việt Nam làm ăn như hai họ Phan ở Quảng Trị và Huế. Một họ Phan gốc Hải Nàm, một họ Phan gốc Quảng Đông.

Nói chung, người Tàu sang Việt Nam vì chạy loạn chính trị, di cư vì sinh kế, di cư để kinh doanh sang nước ta đông lắm. Dần dần, họ bị "Việt hóa", thành người Việt Nam, nếu cho về Tàu, chắc họ cũng không về, trở thành những người Việt Nam chống Tàu, làm vua, làm quan to ở nước ta, nắm lấy nền kinh tế của nước ta, ở địa phương cũng như ở trung ương, cả làm vua nữa. Ở Nam bộ, mỗi xã, một ấp nhỏ, cũng có một tiệm hay quán "chạp phô" của người Tàu.

- "Ai làm vua, ông nội?"
- "Họ Trần, ông Trần Thủ Độ và các ông vua nhà Trần. Công lao các vua Trần chống quân Mông Cổ là lớn lắm, cả thế giới hồi đó điều phục, không riêng gì người Đại Việt.
- "Nguyên Mông là người Mông Cổ, đâu phải người Tầu." Cháu nội nói.
- "Mông hay Tầu gì đều đánh hết. Lê Lợi chống quân Minh cũng vậy. Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh thì "cũng rứa thôi".
- "Nhà Trần gốc bên Tàu?" Cháu nội hỏi.
- "Linh mục Nguyễn Phương giáo sư Đại Học Huế, có giảng cho sinh viên chứng chỉ sử học rằng thì là tổ tiên Trần Thủ Độ từ bên Tàu qua Việt Nam mới có ba đời. Bài giảng của linh mục Phương sau in lại trong tập san Đại Học của Viện Đại Học Huế và tạp chí Bách Khoa.

Gia phả họ Trần do Trần Ích Tắc ghi lại thì thủy tổ họ Trần gốc người Mân Việt, một trong Bách Việt, ở đất Mân bên Tàu, nay thuộc tỉnh Phúc Kiến. Trần Tự Minh là tướng của Tần Thủy Hoàng, sau bỏ Tần Thủy Hoàng di cư về phương Nam, theo người Lạc Việt, rồi làm tướng cho An Dương Vương. Con cháu nối dõi, làm vua, làm quan ở nước ta.
- "Nay còn ai?" Cháu nội hỏi.
- "Còn ai thì không biết. Nhiều họ Trần còn gia phả, có họ Trần thì không. Trước 1975, ở Miền Nam có chủ trương nghiên cứu gia phả thành một ngành gọi là "Gia Phả Học". Ngành nầy rất kỵ với "Chủ Nghĩa Mác" nên từ khi Quân của "Bác"  chiến thắng ở miền Nam thì đề tài nầy không còn nghe nói tới nữa.

4
"Chàng về Hồ thiếp cũng về Hồ,
Chàng về Hồ Hán, thiếp về Hồ Tây."

- "Họ Hồ ở nước ta có gì khác không?"
- "Thời nhà Trần với Trần Thủ Độ, các vua Trần và "Đức Thánh Trần". Còn như về sau, cũng có người danh tiếng, nhưng không được như đời Trần nữa. Họ Hồ thì khác, kéo nhau nhiều đời, liên hệ với nhau, sách sử còn ghi."
- "Cũng gốc bên Tàu?" Cháu nội hỏi.
- "Thủy tổ họ Hồ ở nước ta là Hồ Hưng Dật, thuộc bộ tộc Lạc Việt tỉnh Triết Giang bên Tàu, đổ trạng nguyên, sang làm thái thú Diễn Châu, vào đời Hậu Hán. Đồng thời có ông Đinh Công Trứ, thân sinh Đinh Bộ Lĩnh làm thứ sử Hoan Châu.

Mấy trăm năm sau, họ Hồ  nầy phiêu tán cả. Có một người hậu duệ Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm, làm con nuôi nhà Lê Huấn, nên họ Hồ đổi sang họ Lê là Lê Liêm. Cháu bốn đời Lê Liêm là Lê Quý Ly, người cướp ngôi nhà Trần. Lê Quý Ly lấy lại họ cũ của mình là Hồ Quý Ly. Vì họ Hồ gốc ở nước Ngu bên Tàu, nên Hồ Quý Ly đổi  tên nước là Đại Ngu. Đại Ngu không phải là "ngu lắm", "ngu vĩ đại" như "đảng vĩ đại" mà có nghĩa là nước Ngu vĩ đại ở đất Đại Việt. Nó cũng có nghĩa là Hồ Quý Ly còn nhớ cái "gốc Tàu" của mình, còn muốn đem cái "hơi hay cái mùi Tầu" mà trùm lên đầu người Lạc Việt. Như thế thì người Đại Việt ủng hộ cha con Hồ Quý Ly thế nào được. Hồ Quý Ly khôn ở đâu không rõ, nhưng trong việc đặt tên nước như thế nầy, có thể ông ta không khôn, tức là NGU đấy.

Quý Ly có hai người cô làm cung phi trong cung vua Trần, nhớ đó mà Quý Ly làm quan cho nhà Trần, lên tới chức tể tướng. Năm 1400, Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lên làm vua. Được một năm, bắt chước nhà Trần, ông trao ngai vàng lại cho con là Hồ Hán Thương, lên làm thái thượng hoàng. Dù vậy, ông vẫn nắm giữ quyền hành.

Ba cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đều là người tài giỏi cả:
- Hồ Quý Ly có tư tưởng cải cách: Thi cử thêm môn toán học. Ông là người đầu tiên có sáng kiến làm bạc bằng giấy, khác với thời đó, tiền đúc bằng đồng.
- Hồ Nguyên Trừng là anh, nhưng không được làm vua vì mẹ ông thuộc hạng bình dân. Hồ Hán Thương lên nối ngôi vì mẹ ông nầy là công chúa.

Khi Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần, tôn thất nhà Trần có người chạy sang Tàu cầu cứu, xin Tầu đem quân qua diệt nhà Hồ. Ấy là "cõng rắn cắn gà nhà". Bọn Tàu "láng giếng hữu nghị" chỉ chờ có chừng đó, bèn sai Trương Phụ, Mộc Thạnh đem quân qua "Phù Trần diệt Hồ". Ba cha con Hồ Quý Ly cùng nhau lo chống giặc, nhưng bấy giờ dân chúng còn nhớ nhà Trần nên "Giặc ngoài xâm lăng, toàn dân hớn hở". Lời kêu gọi của cha con họ Hồ không mấy người nghe, ca dao có câu:

         Chàng về Hồ, thiếp cũng về Hồ,
    Chàng về Hồ Hán, thiếp về hồ Tây.

Hồ Tây tượng trưng cho dân tộc vì đó là nơi hai chị ̣em bà Trưng tự vẫn, - Hồ Lãng Bạc - chung quanh hồ Tây có nhiều di tích lịch sử. Thiếp về "hồ Tây" là về với đất nước, dân tộc, còn "chàng về Hồ Hán" là về với Hồ Hán Thương, là về với cha con nhà Hồ, là những người cướp ngôi nhà Trần. Cướp ngôi vua là cướp nước, nói theo quan điểm "Trung quân ái quốc" của người xưa".

Hồ Nguyên Trừng tài giỏi hơn. Ông được vua nhà Minh trọng dụng, lập được nhiều công trạng, được vua Minh cho làm "thượng thư bộ Công". Bộ Công tương tự như Bộ Xây Dựng.

Ba cha con Hồ Quý Ly xây "Thành Nhà Hồ" ở Thanh Hóa, nay di ích vẫn còn, được nhiều người khen ngợi.

5
Lòng dân ở đâu?
Thành Nhà Hồ, còn được gọi là Tây Đô, Tây Kinh, ở Thanh Hóa, được xây trong vòng ba tháng là xong, được cha con Hồ Quý Ly dùng để chống quân Minh, vì tình hình lúc đó quân Minh sẵn sàng xâm lược Đại Việt. Thành được xây bằng đá và đất, nhưng đặc sắc hơn cả là thành được trồng tre để làm hàng rào ngăn giặc. Ở nước ta, mỗi làng được trồng tre chung quanh làng, vừa làm hàng rào ngăn ngừa trộm cắp, giặc giã và cả quân xâm lược. Làng với những hàng tre chung quanh vừa là thành lũy về an ninh, chống giặc... lại cũng là một "hàng rào" bảo vệ văn hóa làng xã, phong tục tập quán và cả luật pháp của làng. "Phép vua thua lệ làng" có ý nghĩa là như thế. Cha con họ Hồ thấy được cái "tinh hoa" của lũy tre làng như thế nên đã cho trồng tre làm hàng rào ở "Thành Nhà Hồ" để chống quân Tàu.

Cha con Hồ Quý Ly chuẩn bị chống quân Minh rất kỹ, tuyển mộ, huấn luyện thêm binh lính, xây đắp thành lũy, Tây Đô và thành Đa Bang, đóng cọc trên sông... Nhưng thất bại là vì sao? Không phải vì quân Minh đông hơn, tài giỏi hơn. Binh lính giỏi không cốt ở đông mà cốt ở tinh nhuệ và tinh thần.

Khi Hồ Quí Ly họp các tướng để bàn việc nên đánh hay nên hòa, Hồ Nguyên Trừng, lúc đó làm tể tướng nói: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi".  Bấy giờ vì người dân không theo nhà Hồ, nên Hồ Nguyên Trừng mới nói "sợ lòng dân không theo...". Yếu tố "nhân dân" là quan trọng nhất. Đó là yếu tố khiến nhà Hồ thất bại, không chống nỗi sự xâm lăng của quân Minh. Quân Minh cũng biết yếu tố "lòng dân" nên mới mượn danh nghĩa "Phù Trần diệt Hồ" để xâm lăng nước ta. Dân chúng nhiều người còn ngu dại nên không cùng nhà Hồ chống giặc Minh, mà còn "rước voi về giày mả tổ."

Nhân Dân là yếu  tố quan trọng trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa... của một dân tộc./

6
"Tay cắt tay sao nỡ,
ruột cắt ruột sao đành"

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Ban đầu, thế lực chưa đủ mạnh, Nguyên Hoàng chưa dám ra mặt chống Chúa Trịnh ở Đằng Ngoài. Tới khi công nghiệp đã vững rồi, Chúa Nguyễn nghe lời của Đào Duy Từ, trả lại sắc cho vua Lê, ra mặt chống nhau với Chúa Trịnh.

Năm 1630, Chúa Nguyễn cho quan ra Bắc, dâng vua Lê chúa Trịnh. Vật phẩn đặt trên một cá mâm đồng hai đáy. Sau khi sứ về Nam rồi, chúa Trịnh mới phát hiện cá mâm có hai đáy. Gở cái đáy ra thì thấy có một tấm thiệp viết:

      “Mâu phi vô dịch
      Mịch phi kiến tích
      Ái lạc tâm trường
      Lực lai tương địch”.

Không ai hiểu là gì, bèn nhờ Trạng Bùng - (Phùng Khắc Khoan) giải thích cho. Trạng Bùng xem xong bèn nói đó là bốn câu thơ ngụ ý nói: "Dư bất nhuận sắc", có nghĩa là ta không nhận sắc. Nghĩa bóng là không chịu thần phục Bắc Hà nữa.

Vậy là hai bên đánh nhau, tất cả gồm 7 trận, kéo dài khoảng 150 năm. Có khi quân Bắc Hà đánh vô tới Quảng Bình, cũng có khi quân Nam Hà đánh ra tới Nghệ An. Khi đánh ra Bắc, Chúa Nguyễn thường cho lùa dân vùng bị chiếm đóng vô Nam Hà khai khẩn những vùng đất còn bỏ hoang. Tình trạng trong Nam bấy giờ, đất rộng người thưa, cần có dân khai khẩn trồng trọt...

(trích): Một tài liệu lịch sử ghi:

Lúc bấy giờ ở huyện Phù Ly, đất Quy Nhơn có người tên là Nguyễn Nhạc khởi binh (…). Nguyên ông tổ 4 đời của Nguyễn Nhạc là họ Hồ cùng một tổ với Hồ Quý Ly ngày trước, người ở huyện Hưng Nguyên, đất Nghệ An, gặp lúc chúa Trịnh, chúa Nguyễn đánh nhau, bị bắt đem vào ở ấp Tây Sơn thuộc đất Quy Nhơn. Đến đời ông thân sinh là Hồ Phi Phúc dời nhà sang ở ấp Kiên Thành, nay là làng Phú Lạc, huyện Tuy Viễn, sinh được 3 người con: trưởng là Nhạc, thứ là Lữ, thứ ba là Huệ”. (hết trích)

Nguyễn Huệ hay Hồ Thơm, chính là vua Quang Trung, cháu bốn đời của Hồ Phi Khanh là người đến định cư ở Quy Nhơn.

Tại sao phải lấy họ Nguyễn?

Người ta thường nói "đất trong Nam là đất Chúa Nguyễn". Nhờ các chúa mà đất Nam Hà càng ngày càng phát triển, dân cư ngày càng đông đúc, trù phú... Ai ai cũng thấy mình mang ơn Chúa. Vì vậy, anh em nhà Tây Sơn mới đổi qua họ Nguyễn để thu phục lòng dân.

Trong khi ở Nam Hà họ Hồ càng ngày càng phát triển thì ở Bắc Hà cũng nổi lên một danh sĩ họ Hồ. Đó là một người đàn bà, nổi tiếng làm thơ Nôm, văn học sử còn gọi là "Bà Chúa thơ Nôm". Đó là Hồ Xuân Hương.

Bà sinh năm 1772  ở Nghệ An, có tài liệu nói ở Thăng Long, qua đời năm 1822, cũng ở Thăng Long. Trước khi bà sanh 1 năm - (1771) thì nhà anh em nhà Tây Sơn nổi lên ở ấp Tây Sơn, nay thuộc Bình Định. Cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn với Nguyễn Ánh kéo dài 31 năm, khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua năm 1802. Bà mất năm 1822 là năm Minh Mạng nối ngôi cha được 1 năm. Do đó, thời còn nhỏ và thanh xuân, bà sống rong cảnh giặc giã, ly loạn...


7
"Thương người xa xứ..."
Tù Côn Đảo mấy năm, ông Hồ Hữu Tường được tha về, sau khi Ngô triều sụp đổ. Ông là một nhà văn, một nhà văn hóa, một nhà hoạt động cách mạng theo cánh Trotsky - (Đệ Tứ Quốc Tế) - nổi tiếng ở miền Nam nhiều năm, kể từ khi ông du học ở Pháp về. Những năm 1945/ 46 ông không bị cánh Đệ Tam - (nổi tiếng là Trần Văn Giàu) - giết, như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Văn Ngà... cũng là may cho ông.

Sau khi tù Côn Đảo về, ông lại hoạt động trong lãnh vực văn nghệ, văn hóa, giáo dục... Ông được mời làm giáo sư diễn giảng Đại Học Huế. Ông viết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng hay và lạ. Truyện ngắn "Con thằn lằn chọn nghiệp" được coi là truyện ngắn hay nhất từ trước tới nay. Khoảng những năm 1964, 65, 66...sinh viên, học sinh, thanh niên Huế rất ngưỡng mộ ông. Ông cùng với con là Hồ Xích Tử - con đỏ "vùi con đỏ xuống hầm tai vạ" - (Bình Ngô Đại Cáo) - sau đổi là Hồ Xích Tú, đều là dân biểu thời Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng trong thời gian nói trên, ông cho biết ông là "hậu duệ vua Quang Trung". Báo chí hồi đó có bức hí họa, vẽ ông ngồi trên con ngựa gỗ, - thứ đồ chơi của trẻ con -, miệng ông nói: "Ta là hậu duệ vua Quang Trung đây", có lẽ để chọc quê ông Hồ Hữu Tường. Quê ông ở Cái Răng Cần Thơ, thuộc nhà nông. Đọc "Thằng Thuộc, con nhà nông", hồi ký của ông thì rõ.

Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh chạy dài không biết bao nhiêu bận, khi Vĩnh Long, khi Sadec, khi Cà Mau... Không ít lần Nguyễn Ánh chạy tuốt ra Phú Quốc, Côn Đảo... Lần cuối chạy tuốt qua Xiêm La - Thái Lan bây giờ - Ông để lại cung phi, mỹ nữ ở Nha Mân - Sadec - Con cháu họ ngày nay cũng còn đẹp:

      Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
      Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân,
      Giả bộ giăng câu lên xuông mấy lần
      Ở xa thì nhớ, lại gần thì run.

Không chỉ ở Nha Mân, Nguyễn Ánh còn để lại Thới Bình một "mớ" nữa. Chuyện gái đẹp nầy, có dịp sẽ nói sau.

- "Còn binh lính Gia Long thì sao?
Họ không theo kịp Chúa, đành ở lại, "tự giải ngũ", làm người dân thường, sống đời dân sự, làm ruộng, dựng nhà, cưới vợ...

Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, hiệu là Gia Long, ông không còn nghĩ tới những người ông đã bỏ rơi, hồi hai mươi năm trước, khi ông chạy qua Xiêm La. Người ông "ngó" tới bây giờ là những người từng theo Tây Sơn. Ông phải ngăn ngừa họ, trả thù họ, trừng trị họ... Thế là những người từng theo Tây Sơn, trốn vào Nam, làm lưu dân nơi đất khách quê người. Nơi vùng đất mới, họ gặp kè thù cũ, là những người bị Nguyễn Ánh bỏ lại khi ông ta "tẩu quốc". Những kẻ thù cũ gặp nhau, không những không thù không oán nhau mà lại thương yêu nhau, bởi vì họ cùng một gốc: tha hương. (không theo Chủ Nghĩa Mác, Chủ Nghĩa Hận Thù/ "cách mạng")

Rồng chầu ngoài Huế - (Huế, kinh đô, đã có vua trên ngai vàng.)
Ngựa tế Đồng Nai - (Con ngựa chạy chậm rãi, đưa quan đi.             Việc cai trị đã ổn định.)
Nước sông xanh ao lại chảy hoài - (Nước cứ trôi, dòng đời cứ                              trôi, người còn lưu lạc...)
Thương người xa xứ lạc loài tới đây - (Người cũ - binh lính Nguyễn Ánh ngày trước, tới trước, đời                                                     sống nay đã ổn định, thương những lưu dân                   mới tới sau - binh lính nhà Tây Sơn chạy                     vào Nam, sợ bị trả thù.)

Trong viễn tượng đó, tổ tiên họ Hồ của ông Hồ Hữu Tường, có từ Qui Nhơn chạy trốn vào Cái Răng cũng không phải là điều lạ.

8
Từ Hồ ra Nguyễn.

Hồ Sĩ Tạo, 1841/1907, quê ở làng Lai Nhã, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đậu giải nguyên - tức là đậu đầu - trường Nghệ, là danh sĩ đất Hoan/ Diễn Châu. Không rõ lý do tại sao, Hồ Sĩ Tạo không vào kinh đô thi Hội, ra làm quan một thời gian rồi xin về. Hồ Sĩ Tạo là người tài hoa. Xứ Nghệ  có câu: "Văn Giao, phú Tạo, thơ Thành", có nghĩa là văn hay thì có Nguyễn Văn Giao, phú hay thì có Hồ Sĩ Tạo, thơ hay thì có Nguyễn Nguyên Thành. Cả ba đều là dân Nghệ An. Ông giỏi đàn hát, thích vui chơi. Khi đã có vợ rồi, ông gian díu với cô Hà Thị Hy, lớn hơn ông 6 tuổi, con ông Hà Văn Cẩn. Hà Thị Hy thường gọi là Cô Đèn, vì cô ca đã hay mà lại múa đèn rất giỏi. Khi cô Đèn có bầu, ông Tạo lập mưu gả cô Đèn cho ông già Nguyễn Sinh Nhậm, 70 tuổi, góa vợ, người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, cùng tỉnh. Mấy tháng sau cô Đèn sinh ra một con trai, đặt tên theo cha hờ là Nguyễn Sinh Sắc, - sau đổi thành Nguyễn Sinh Huy -. Huy là cha của Nguyễn Sinh Cung - thường gọi là Cuông -, còn có tên là Nguyễn Tất Thành, tức là Hồ Chí Minh, cán bộ Cộng Sản Đông Phương Bộ, thuộc Đệ Tam Quốc Tế, nói rõ hơn là "đệ tử" của Stalin.

Nguyễn Sinh Sắc, lấy theo tên "cha hờ" là Nguyễn Sinh Nhậm. Tuy nhiên, thực tế, ông là con rơi của Hồ Sĩ Tạo. Người đời cũng nói, sau khi về nước lãnh đạo việc "cướp chính quyền" năm 1945, Nguyễn Sinh Cung lấy lại họ Hồ - Hồ Chí Minh -, họ cũ của ông ta là vì vậy. Ông Sắc được 1 tuổi thì mẹ chết. Ông Nhậm cũng về chầu Diêm Vương luôn. Ông Sắc ở với con trai trưởng của ông Nhậm là Nguyễn Sinh Thuyết, bị bà vợ ông Thuyết đay nghiến hoài vì "có bà con máu mũ chi mô". Cụ Hoàng Xuân Đường thấy tội nghiệp, đem về nuôi, dạy dỗ cho, sau gả con gái cho. Người con gái nầy tên là Hoàng Thị Loan, mẹ "bác Hồ". Ba qua đời ở Huế, khi ông Sắc chưa được làm quan, lưu lạc về Phú Vang/ Thừa Thiên, dạy chữ Nho, độ nhật.

Nguyễn Sinh Sắc, đậu vớt "phó bảng" năm 1901. Và mang ơn ông Ngô Đình Khả.

- "Ngô Đình Khả là người theo Tây, tại sao ông Nguyễn Sinh Sắc lại mang ơn ông ta?" Cháu nội hỏi.
- "Câu chuyện hơi dài dòng, để từ từ ông nội kể."
- "Đời vua Tự Đức, vua cho gọi cụ Vũ Văn Giáp, quê ở Phong Lâm, Bắc kỳ vào Huế để lo việc đóng giày dép cho vua và hoàng gi, vì nghề nầy là nghề truyền thống của gia đình cụ. Để có vật liệu: da trâu bò, vua cho cụ một vùng ruộng lớn ở phía Tây/ Bắc kinh thành Huế, bên kia sông Kẻ Vạn,  để cụ Giáp nuôi trâu bò lấy da. Vùng nầy, người Huế thường gọi là "Trại Bò" hay "Trại Trâu". Cụ Vũ Văn Giáp là người quảng giao, lại nhờ sẵn phương tiện ăn ở, ông thường giúp các sĩ tử về kinh đô thi cử, các người sắp được bổ ra làm quan hay các quan nhỏ ... Ông Nguyễn Sinh Sắc, nhà không giàu có gì, khi về Huế, thường ghé lại cư trú ở Trại Bò của ông Vũ Văn Giáp, xin "tạm trú tạm vắng" mà chẳng xin phép Công An gì cả."
- "Hồi đó làm gì có Công An, ông nội."
- "Chế độ phong kiến mà, vua quan còn ngây thơ, ngu dốt, nên chưa biết cách "bảo vệ nhân dân."
- "Bảo vệ gì, kiểm soát, kềm kẹp nhân dân chứ." Cháu nội cằn nhằn.
- "Cháu không sống dưới chế độ Cộng Sản. Sao rành thế. Hoan nghênh cháu. Hiện giờ, người dân ở trong nước thì chẳng biết mẹ gì cả." Tôi nói.
- "Về nước, cháu thấy người nghèo thì lo ăn tối mặt tối mày, còn người giàu lo chơi."
- "Lại hoan hô cháu nội một lần nữa."
- "Có lẽ người ta ngưỡng mộ tài ba của ông Hồ Sĩ Tạo, cũng như ông Nguyễn Sinh Sắc từng ghé lại tạm trú tại "Trại Bò" của cụ Võ Văn Giáp, với lại con trai cụ Giáp là ông Võ Bá Hạp, cũng là một sĩ phu, thi đậu mà không ra làm quan, vì làm quan với triều đình cũng có nghĩa là làm quan cho Tây. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc thi hỏng, cụ Vũ Văn Giáp thương tình nói giúp với ông Ngô Đình Khả, bấy giờ là thượng thư Bộ Lễ, coi việc thi cử, cũng như ông Cao Xuân Dục, chánh chủ khảo. Hai ông nầy nể lời cụ Giáp, bèn xét lại kết quả khoa thi năm đó, cho ông Sắc đậu phó bảng, đậu vớt. Trong khoa thi nầy, cụ Phan Chu Trinh cũng hỏng. May nhờ vớt ông Nguyễn Sinh Sắc, nên phải vớt luôn cụ Phan Chu Trinh.

Sau đây là kết quả trích "Hoàng Triều Khoa Bảng Lục" tài liệu của cụ Cao Xuân Dục.

Tiến sĩ:
Nguyễn Đình Tuân
Ngô Đức Kế
Nguyễn Viết Thông
Nguyễn Đình Điển
Trần Văn Thống
Lê Ngải
Nguyễn Duy Tích
Nguyễn Văn Tính
Nguyễn Văn Bân

Phó bảng:
Nghiêm Châu Tuệ
Vũ Tuân
Nguyễn Đình Hiến
Lê Đình Xán
Hoàng Đại Bỉnh
Đỗ Dương Thanh
Vũ Vĩ
Nguyễn Mậu Hoán
Phạm Ngọc Thụy
Nguyễn Xuân Thưởng
Nguyễn Sinh Huy
Nguyễn Duy Thiện
Phan Chu Trinh

Sau khi được đậu vớt, năm 1901, ông Sắc cũng không làm quan, xin về quê ở Nghệ An, làng Kim Liên, tục gọi là "làng Sen", tức là làng của ông Nguyễn Sinh Nhậm. Ở Huế, người ta nói ông Sắc cũng muốn theo giới sĩ phu thời bấy giờ, như cụ Võ Bá Hạp, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bộ Châu, thi đậu là đề lấy cái tiếng, còn như bổ ra làm quan, thì không ai muốn cả. Chính cụ Phan Bội Châu từng nói: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ”, nghĩa là “Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn”.

Mãi đến năm 1905, ông về kinh đô, xin được bổ nhậm. Ông làm "thừa biện bộ Lễ". Người ta cũng nói nhà ông Sắc nghèo muốn được ra làm quan để qua cơn đói kém, không thể như các nhà cách mạng khác đươc."

Cháu nội nói: "Có lần ông nội nói, ở Huế, ông nội biết cái nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc từng ở với vợ con, tức là nhà ông Hồ Chí Minh ở với cha khi ông còn niên thiếu."
- "Ngôi nhà nầy là nhà gạch, không rõ xây năm nào. Thời đó là nhà ông Nguyễn Sinh Sắc ở, gần "ngã tư Anh Danh", sau nầy là ngã tư Đinh Bộ Lĩnh/ Mai Thúc Loan, đối diện với nhà của Mệ Sen. Mệ Sen, tên thật là Lương Linh, con gái, một trong 23 con gái của vua Thành Thái. Bà nầy đẹp, bặt thiệp".
- "Ông nội thấy bà nầy lần nào chưa?"
- "Trước 1945, Mệ Sen làm thông ngôn cho Khâm Sứ Huế. Mệ "nói tiếng Tây như "đầm". Thời Ngô Đình Diệm, Mệ làm Trưởng Phòng Du Lịch Huế. Gọi là trưởng phòng nhưng Mệ làm việc chỉ có một mình. Bọn học trò như ông nội, muốn nhìn Mệ, - vì nghe đồn Mệ đẹp lắm -, thì tới Phòng Du Lịch xin tài liệu hướng dẫn thăm các lăng tẩm/ Huế. Mệ phát tận tay nên thấy Mệ rõ lắm. Mệ không chồng, không con. Mệ ở với một cháu gái, con vua Duy Tân, gọi Mệ bằng o. Cô nầy còn đẹp hơn Mệ. Nhiều thằng bạn của ông nội làm cái đuôi dài, đạp xe đạp, chạy theo. Vui lắm.
- "Ông nội nói vui lắm là ông nội có chạy theo."
- "Mất công, không hy vọng thì chạy theo làm gì mất công. Chị ̣ của Mệ, "Công Chúa thứ 18" là vợ ông Đốc Hy. Ông "đốc tờ" nầy anh bà con với mẹ của ông nội. Ông Đốc Hy, ông nội gọi bằng "cậu", dân Quảng Trị, nhưng "Mệ 18" không bao giờ chịu về Quảng Trị. Công chúa "hạ giá" mà. Còn "Mệ 16" là vợ luật sư Vương Quang Nhường, người Gò Công, từng làm tổng trưởng thời "Đức Quốc Trưởng".
- "Ông nội nói, ông nội từng vô cái nhà hồi xưa ông Nguyễn Sinh  Huy ở?
- "Số là như thế nầy. Ngôi nhà nầy, hồi ông nội ở Huế là "Hạt Thủy Lâm/ Huế, bên cạnh ngã tư ông nội mới nó. Sau lưng nhà là một cây "bao-báp" - tiếng Tây là "baobab" -, khá cao nhưng gãy ngang đọt vì trận bão năm 1952. Có đứa bạn ông nội lại bảo rằng không phải thế. Vì loại cây nầy là loại thân có nhiều nước, cao koảng năm, bảy thước là không cao hơn được, nhánh tỏa ra như bị gãy ngang đọt. Ông nội theo thằng bạn, bố nó làm việc  ở hạt nầy, vào coi cho biết. Nhưng ông nội biết thêm một điều khác, cũng hay.
- "Cái gì hay ông nội?"
- "Khi các ông cha cố đến Việt Nam, cũng như Tây thực dân, họ mang theo một số giống, đem trổng ở Việt Nam, sau nầy phát triển ra. Hột cao su, hột cà phê từ Brasil về Việt Nam, cây "bao báp" từ Châu Phi, hay cây phượng từ Madagascar.
- "Cây phượng ở các sân trường"?
- "Chính nó đấy. "Phương thắm ơi, phượng thắm rơi đầy" là do công của mấy ông "cha Cố Tây râu ria xồm xoàm."


9  
"Đi về sao chẳng về đi..." Đào Tiềm
- "Khi nào thì ông Nguyễn Sinh Huy ra làm quan?"
- "Năm 1905 ông được bổ làm "Thừa Biện Bộ Lễ", là bộ do ông Ngô Đình Khả làm thượng thư. Tới năm 1909 ông được bổ làm "Tri Huyện Bình Khê" ở Bình Định.
- "Cũng do ông Ngô Đình Khả?" Cháu nội hỏi.
- "Không. Năm 1907 vua Thành Thái bị Tây "hạ bệ", lấy cớ ông nầy bị bịnh điên."
- "Điên thật?"
- "Điên đâu. Chỉ lấy cớ mà thôi. Khi nào có dịp, ông nội kể cho nghe, vạch cho cháu thấy thêm một số Đại Việt Gian ở Huế. Vua Thành Thái bị truất ngôi, ông Ngô Đình Khả "rơi" theo.
- "Tại sao?"
- "Để có dịp nói nghe chơi, "rửa mặt" cho ông Ngô Đình Khả. Bấy giờ vua Duy Tân ở ngôi. Ông nội không rõ do đâu, ông Nguyễn Sinh Huy được bổ đi tri huyện Bình Khê, chưa được một năm, ông bị cách chức."
- "Người ta nói ông ta đánh chết dân."
- "Không phải ông ta mà chính là "Để lính đánh chết dân trong khi ông ta say rượu." Ác như thế, vô trách nhiệm như thế chớ có là "nhà yêu nước" gì đâu. Dân Bình Khê thưa về tới Kinh Đô Huế. Vua Duy Tân cho gọi về, điều ta. Đọc tờ trình, vua phê: "trãm giam hậu", nghĩa là xử tử, nhưng chưa thi hành ngay, chờ gì đó, v.v...
- "Chờ tiền???"
- "Nói bậy. Triều đình Huế chớ có phải "Bộ Chính Trị" ở Hà Nội đâu. Nhờ vậy mà ông Nguyễn Sinh Huy thoát chết."
- "Nhờ ai ông nội."
- "Ba ông: Ông Cao Xuân Dục, người đã vớt cho ông Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng; Hồ Đắc Trung, người sau nầy làm vụ án Vua Duy Tân khởi nghĩa, năm 1916, và Đào Tấn, ông tổ hát bội Việt Nam. Nhờ ba ông nầy xin với vua Duy Tân, án ông Nguyễn Sinh Huy được vua phê lại: "Phạt một trăm trượng, cách chức, đuổi về".
- "Đánh một trăm trượng thì "tan da nát thịt" còn gì nữa mà đuổi về."
- "Người ta có cách cháu à."
- "Cách gì, ông nội giải thích được không?"
- "Người ta làm như thế nầy. Tội nhân nằm trên sập, người xử phạt cầm cây gậy, đầu chúc xuống. Khi đánh, đầu gậy đụng vào sập kêu đánh cộp, nhưng không đụng vào đít người bị phạt. Đánh xong một trăm trượng, người bị phạt... khỏe re, không can gì hết."
- "Rồi ông Huy có về quê không?"
- "Mặt mũi nào mà về. Ở quê, ai không biết ông Huy nhờ quan trên mới đậu phó bảng. Vậy mà không lo làm quan, lo rượu chè nên mới ra nông nỗi. Vậy là ông Huy đi về phương Nam, lưu lạc ở quê người. Ông làm nghề chấm tử vi, thầy thuốc Bắc ở Chợ Bến Thành/ Saigon.  
- "Còn các con ông thì sao?
- "Về quê. Sau khi ông Nguyễn Sinh Huy đi Nam rồi. Con gái lớn là Nguyễn Thị Thanh theo cha, lo phụng dưỡng cho cha. Được một thời gian, bà về quê. Ông Cả Khiêm, tức Nguyễn Sinh Khiêm, ở lại Huế một thời gian, rồi cũng về quê. Năm 1945, khi Việt Minh bắt giam ông Võ Như Nguyện, con trai nhà cách mạng Võ Bá Hạp, cháu nội cụ Vũ Văn Giáp, nhằm lúc ông Cả Khiêm đang có mặt ở Huế, bèn can thiệp để thả ông Nguyện ra. Ông Khiêm cho rằng những người trong gia đình Cụ Giáp cần phải được tôn trong tuyệt đối. Lần đó, ông Nguyện được thả. Khi ông Nguyện bị bắt lần thứ hai, Việt Minh biết ông Hồ là một "chiến sĩ Vô Sản" nên lời nói của ông Khiêm không còn được tôn trọng nữa. Ông Nguyện phải trốn tù mới thoát khỏi lưỡi mã tấu của Việt Minh Huế.
- "Còn ông Hồ Chí Minh?"
- "Khi ông Huy còn ở Huế, ông Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Sinh Cung - tức Cuông - tức Nguyễn Tất Thành - lúc đó mới học xong lớp Ba ở trường Pháp Nam, trường ở phía ngoài cửa Đông Ba, nhờ "tập ấm" được cho vô học "Pháp Việt Học Đường", là trường do Ngô Đình Khả, theo lệnh vua Thành Thái, can thiệp với Tây mà lập ra. Phe Tây thì muốn đào tạo tay sai, phe vua thì muốn các quan phải nói được tiếng Tây để khỏi bị "thông ngôn" xỏ mũi, dịch bậy, như trường hợp ông Bửu Lân được lên ngồi trên ngai vàng."

- "Vậy ông Hồ Chí Minh có học trường Quốc Học?"
- "Chuyện tào lao. Người ta hay "tán bậy". Theo ông nội biết, ông Hồ Chí Minh có tên học ở "Pháp Tự Học Đường" là tên tiên khởi của trường Quốc Học, nhưng chưa học thì gặp gia biến. So ra như thế nầy: Năm 1909, ông Huy bổ tri huyện, năm 1911, "anh" Nguyễn Tất Thành xuống tàu Latouche Tréville đi Tây, chưa kể thời gian mấy tháng ông Hồ ghé lại Phan Thiết, dạy học ở trường Dục Thanh, thì "ông Hồ Chí Minh học Quốc Học khi mô"?
- "Ông Hồ cũng có làm thầy giáo?"
- "Học lực ông Hồ lúc đó là Lớp Ba trường Pháp Nam. Trường nầy là một trường tư. Ông ta dạy được cái gì, dạy ai, khi học hành "rứa" đó."
- "Có điều nầy đáng nói. Phong trào Đông Du lên cao từ năm 1905. Tới 1910 thì xẹp dần, vì Tây Nhựt bàn nhau làm ăn như thế nào đó, Nhựt bèn đuổi "du học sinh" Việt Nam ra khỏi Nhựt. Thầy trò Cụ Phan ôm khăn gói qua Tàu. Người ta có vài câu hỏi:

- Một là, năm 1905 và vài ba năm sau đó, khi ông Huy đang làm quan ở Huế, sao không cho cậu Cung theo Phong Trào Đông Du như những người yêu nước. Như vậy, sao có thể gọi cha con ông Nguyễn Sinh Huy là người yêu nước được?
- Thứ hai, khi vào Saigòn, cậu Nguyễn Tất Thành không đi Nhựt, vì Phong Trào Đông Du đã xuống nên ông phải đi Tây. Qua Tây, ông làm đơn xin Tây xét lại cho cha, bị cách chức, xin phục hồi cho cha làm quan trở lại. Ông lại làm đơn xin vô học Trường Thuộc Địa, trường đào tạo tay sai cho Tây. Vậy là người yêu nước hay sao?"
- "Rồi ông đi Tây là xong."
- "Ông Hồ Chí Minh là người có tham vọng dữ lắm. Không theo Tư Bản đựợc, ông theo Vô Sản. Con đường nào làm cho đời ông "đi lên" thì ông đi.
- "Có chuyện nầy vui..."
- "Ông nội kể đi..." Cháu nội khuyến khích ông nội.
- "Sau khi thấy theo Tư Bản không xong, ông Hồ Chí Minh bèn theo Cộng Sản. Ông ta "đá đít" mấy cụ Phan Chu Trinh, luật sư Phan Văn Trường, sinh viên Nguyễn Thế Truyền, mấy ông nầy từng giúp đỡ, nuôi cơm ông Hồ Chí Minh khi ông mới tới Pháp. Mấy ông nầy cũng giận, bèn viết thư về cho ông Nguyễn Sinh Huy lúc ấy đang hành nghề thuốc Bắc ở Chợ Bến Thành, nói rằng "Cậu Thành con bác nay theo Cộng Sản tam vô..." Theo Hoàng Văn Chì kể lại trong "Từ Thực Dân đến Cộng Sản", nhân một dịp nào đó, Nguyễn Tất Thành về Saigon. Cha con gặp nhau, hàn huyên chưa được bao lăm thì ông bố hỏi con về việc theo Cộng Sản. Ông con xác nhận, rồi cha con cãi nhau một trận. Ông con chê ông cha là "hủ nho", như ông con từng chê cụ Phan Chu Trinh như thế. Vậy là ông cha đùng đùng mắng chưởi, cầm cây chổi lông gà đánh ông con. Ông con chạy xuống thang gác... Và từ đó, ông con không còn gặp lại cha mà cũng từ rảy luôn gia đình, anh chị... Khi ông Hồ về Hà Nội làm chủ tịch chính phủ lâm thời, ông Cả Khiêm cũng như bà Thanh ra thăm ông Hồ một lần rồi thôi. Từ đó cho đến khi họ qua đời, anh chị em không bao giờ gặp nhau lần thứ hai nữa. "Cán bộ Cộng Sản Quốc tế" thì phải sợ "Ông Xít-Ta-Lin" chớ. 

10
"Về Miền Tây, có ai về Miền Tây"
Sau khi ông Hồ Chí Minh trở thành cán bộ Cộng Sản, Mật Thám Tây không thể không theo dõi "bố" ông Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Sinh Cung, tức Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, nhắm bộ không ở Saigon được, ông Nguyễn Sinh Sắc, tức Huy, lưu lạc về Miền Tây. Nói rõ hơn là về Sadec, tiếp tục làm nghề "thầy Thuốc Bắc" là chính, nghề phụ là "chấm tử vi", "xem tướng" độ nhựt. Bấy giờ cô con gái lớn, Nguyễn Thị Thanh, không theo cha phụng dưỡng nữa. Ông già Sắc một thân một mình đất khách quê người.

Do một sự tình cờ nào đó, ông chữa lành bệnh cho một cô gái - Tôi tìm không ra tên người con gái nầy, chịu làm vợ ông để "trả ơn cứu tử".  Người nầy lấy ông Sắc đẻ cho ông một cậu con trai, rồi thôi. Có lẽ hồi nầy ông Cụ Sắc cũng già rồi, tuy chưa già ngoắt cần câu. Ông mất ở Sadec năm 1929, lúc mới 67 tuổ. Người con trai của ông Sắc đẻ ở Sadec, tên là Vương Chí Nghĩa. Ông Sắc cũng sợ Tây. Từ họ Nguyễn, gốc là họ Hồ, đổi sang họ Vương cho Mật Thám Tây khỏi "để ý". Ông Vương Chí Nghĩa sinh 7 người con, 2 trai, 5 gái, một người tên là Vương Chí Hùng, người em tên là Vương Chí Việt, nay là ông Thầy Tu - có người nói ông Thầy Tu nầy ăn mặn, có bồ nhí, tu hành gì đâu! - Gọi là Thầy Chùa chắc đúng hơn vì ông có chùa - Chùa Phật Quang - ở Núi Dinh, vũng Tàu. Tên ông thầy chùa nầy là Thích Chân Quang. Ai muốn biết rõ hơn về ông Thầy Chùa nầy, nên hỏi "Ca sĩ Ngọc Mai".

Sau năm 1975, ông Thầy Chùa Thích Chân Quang có về Nghệ An để tìm lại cái gốc họ Hồ của ông. Có điều lạ, ông Chân Quang không về làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mà ông về thăm họ Hồ ở làng Lai Nhã, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Quỳnh Đôi là nơi chính thức vì ở đây có nhiều lăng mộ, đền thờ họ Hồ.


11
"Ơn qua nghĩa lại"
Năm 1956, bỗng nhiên quận trưởng Cao Lãnh, Sadec được lệnh xây mộ cho ông Nguyễn Sinh Sắc, chết năm 1929. Đây là ngôi mộ đất, cỏ mọc xanh, có người chăm sóc, nhưng chỉ qua loa, sơ sài...
Được lệnh cấp trên thì ông quận trưởng, dân sự, không phải quân nhân, thi hành, xây cất, sơn phết, chụp hình, "trình thượng cấp". Ông không thắc mắc, mặc dù ông cũng biết đây là mộ cha của ông Hồ Chí Minh ở ngoài Bắc.
Nhưng một số người Huế thì biết tại sao lại có lệnh xây lăng cho thân sinh ông Hồ Chí Minh ở Sadec. Đây không phải là một việc "xã giao" giữa hai "top" địch thủ Nam/ Bắc Việt Nam. Nhưng chính năm 1956, sau khi "vững ngôi cửu ngũ", theo phong tục của người Việt Nam, gia đình ông Diệm, nhất là do ở chính ở ông ta, Ngô Đình Diệm, qua "Cậu Cẩn", lo chỉnh đốn mồ mả ông bà, mà từ bao lâu nay, vì chiến tranh, thất tán cả. Điều đáng lo, cha con ông Ngô Đình Khôi, bị Việt Minh giết năm 1945, chết ngày tháng nào, chôn ở đâu, không biết rõ, chỉ nghe nói ở Ga Hiền Sĩ, - đâu phải ngay ga Hiền Sĩ mà rừng Hắc Thú gần đó, nhưng không rõ địa điểm nơi chôn, không có mồ mả, nói chi bia mộ. Những người làm Việt Minh hồi đó, có liên can đến việc giết ông Khôi, nay không còn ai, chết hay "tập kết" ra Bắc rồi.

Tập kết rồi?
Vậy là phải nhờ người ngoài Bắc. Ngoài đó thì có ai hơn Hồ Chính Minh, một thời Ngô gia/ Hồ gia có mối quan hệ chặt chẽ, là thời gian ông Nguyễn Sinh Sắc ở Huế: thi cử, làm quan. Vậy nên có người gặp ông Hồ Chí Minh xin giúp đỡ. Ông Hồ Chí Minh bí mật cho người về Nam, tới ngay chỗ giết rồi chôn 3 người: Hai cha con ông Ngô Đình Khôi và ông Phạm Quỳnh.

Ông chú họ tôi, nơi tôi làm precepteur, - giáo tại gia - thuộc "Đảng Cụ Ngô" - là những người từng là học trò Cụ Phan ở Bến Ngự, từng là những người "theo phò" chí sĩ Ngô Đình Diệm từ thời Nhựt thuộc, đứng đầu là ông Võ Như Nguyện, con trai nhà cách mạng Võ Bá Hạp, trả lời câu tôi hỏi do đâu mà tìm ra nơi chôn cất cha con ông Tổng Đốc, - Ngô Đình Khôi làm tổng đốc Quảng Nam, nổi tiếng ác.

Ông chú tôi cười: "Nếu người ta biết việc cha con Nguyễn Sinh Sắc mang ơn ông nội ông Võ Như Nguyện như thế nào thì có chi phải thắc mắc việc họ giúp nhau. Họ là người biết điều cả, "ơn qua nghĩa lại".

12
Con người kiệt xuất...
Sau 30 tháng Tư, Dân biểu và "nhà Văn Hóa", - như cách gọi của giới hoạt động văn hóa, văn nghệ Miền Nam trước 1975 -, Hồ Hữu Tường ngồi tù Việt Cộng mấy năm. Khi ông gần chết, vì chính sách "khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà Nước", ông được tha ra khỏi trường Cải Tạo, xe đưa ông về tới đầu ngõ thì ông trút hơi thở cuối cùng. Gia đình lo chôn cất, "Đảng và Nhà Nước" đỡ tốn cái hòm.

Trong tất cả những người họ Hồ ở nước ta, kể từ Hồ Hưng Dật, cho đến thế hệ sau cùng mà ông nội được biết như Hồ Xích Tú, con trai, Hồ Tài Huệ Tâm, con gái ông, chỉ có ông Tường là con người kiệt xuất. Ông là người xuất sắc trong nhiều lãnh vực: Nhà cách mạng, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà báo, nhà giáo dục, nhà văn, tù nhân...
Không ở lãnh vực nào mà ông không "nhứt thiên hạ".

Ông bị đày Côn Đảo tới hai lần, một lần thời Pháp thuộc và một lần thời Diệm/ Nhu. Đúng ra, Diệm /Nhu cho ông cái án tử hình, nhưng giới trí thức Pháp, nhất là Albert Camus, thủ tướng Nehru của Ấn Độ, có thư yêu cầu với anh em Diệm/ Nhu nên ông khỏi phải chui đầu vào cái máy chém của ông Đội Phước, như Ba Cụt. Người ta gọi ông là người tù muôn thuở, vì không có thuở nào mà ông không vào ngồi nhà đá: Thời Tây, thời Diệm, thời Cộng Sản. Không thời nào mà ông không được "hưởng". Có anh bạn tù trẻ hỏi ông: "Tại sao thời nào bác cũng ở tù bác biết không?" Hồ Hữu Tường nói: "Mày giải thích cho tao coi". Anh tù trẻ trả lời: "Bởi vì tên bác là "Hữu Tường" nên thời nào bác cũng "hưởng tù". Ông Tường cười: "Mày nói có lý đấy".

Theo quan điểm của nhiều người ở miền Nam trước đây, họ coi ông là một nhà cách mạng, không riêng gì hoạt động chống Pháp đòi/ giành độc lập từ khi ông còn du học ở Pháp, cho đến thời gian sau đó, khi ông đã về lại Việt Nam, cũng như trong lãnh vực tư tưởng về văn hóa, trung lập, chủ trương "Minh Đạo"... không còn coi chủ nghĩa Marx là cứu cánh như những nhà cách mạng thuộc cánh Đệ Tam, mê muội mà theo Cộng Sản như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, v.v...

Ông có nhiều hoạt động chính trị, từng tham chính, chủ trương trung lập Việt Nam và Đông Dương, trước cả khi Ông Hoàng Sihanouk thực hiện trung lập cho Kampuchia.
 Ông cũng là một nhà văn hóa, kinh tế với nhiều sách, báo bàn về văn hoá, kinh tế, chính trị...
Ông là một nhà "Lập Thuyết" kiệt xuất trong nhiều lãnh vực về chính trị, kinh tế và xã hội.

Mặc dù đi sau "Trại Ruộng" của Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) một trăm năm, nhưng "Minh Đạo" của ông Hồ Hữu Tường vượt xa "Ấp Chiến Lược" của ông Ngô Đình Nhu nhiều mặt. Trong Minh Đạo, Hồ Hữu Tường kết hợp các tinh hoa của văn minh nhân loại thành con đường mới để xã hội để xây dựng xã hội. Đó là những cái mà ông Hồ Hữu Tường gọi là "Văn minh Khoa Học Kỹ Thuật" Tây Phương, "Văn Minh Chính Ủy" của Marx, và "Văn Hóa Phật Giáo" của người Việt Nam, không phải trong kinh Phật.

Nhìn một cách tổng quát, "Minh Đạo" của Hồ Hữu Tường mang tính cách một "Chủ Nghĩa Xã Hội" đặt căn bản trên Dân Tộc và Đạo Pháp của tình hình nước ta trước hiểm họa Cộng Sản và con đường đi tới của dân tộc Việt Nam.

Làm Việc ở Cái Sắn một năm, vào thăm "Dinh Điền Cái Sắn", tôi "lội" từ Kinh A cho tới Kinh 5, kinh 6/ Rọc-Bà-Ke, từ Thạnh Tây qua tới "Đồng Chó Ngáp"/ Huệ Đức của An Giang, tôi "ngộ" ra cái Dinh Điền, Khu Trù Mật... của tổng thống Ngô Đình Diệm. Có nhiều cái "rất hay" của ông Diệm và nhiều cái "rất dở" của giáo hội La Mã ở nước ta, vì thiếu cái "tính Dân Tộc" như trong Minh Đạo. Phải chi Giáo Hội Thiên Chúa từ bỏ cái tham vọng muốn mở rộng "đất Chúa", "ruộng Chúa" (mỗi một nhà thờ là một địa chủ), "quân Chúa" (mỗi một người lính là một người giương cao Thập Tự Giá đi giết quân thù như trong "Thập Tự Chinh"), "dân Chúa", ai ai cũng phải xưng tội như Cộng Sản bắt làm "kiểm Điểm", để "về với Dân Tộc" thì sự thành công của Dinh Điền, Khu Trù Mật sẽ cao hơn.

Năm 1945, ông Hồ từng tham gia việc soạn lại chương trình giáo dục, cải tổ từ chương trình Pháp, tiếp nối công việc của ông Hoàng Xuân Hãn, khi ông Cụ Hãn làm bộ trưởng giáo dục, thời chính phủ Trần Trong Kim, cũng như có lúc ông làm Phó Viện Trưởng viện Đại Học Vạn Hạnh. Nếu ông Minh Châu không phải là một nhà tu hành, có lẽ người ta mời ông Tường ngồi ở cái ghế ấy.

Hồ  Hữu Tường còn là một tiểu thuyết gia.
Đọc ông, qua nhiều tác phẩm, tôi thích nhất là "Phi Lạc sang Tàu", một tiểu thuyết "nói dốc" làm say mê nhiều người, trong đó có bọn trẻ, như tôi, khi tôi đọc cuốn tiểu thuyết năm tôi học lớp Nhứt. Cũng như mọi người, tôi thích cái "nói dốc" của ông Tường, một cách nói dốc vừa vui vừa nhẹ nhàng, vui, mà sâu sắc, không làm mất lòng ai cả, có thể cả Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, những người bị ông Hồ Hữu Tường  đem ra đùa trong truyện.

Truyện ngắn "Con thằn lằn chọn nghiệp" lạ lùng hơn. Truyện được giới văn học quốc tế chọn là một trong 50 truyện ngắn hay nhứt thế giới của thập niên 1950. Thời kỳ nầy, thế giới Tây Phương đang ngó về Đông Phương, càng ngày càng đông, càng mạnh. Người ta yêu thích Krishnamurti, nhưng ông ta là một nhà tu hành, một "orator", hiểu biết về Phật "thiên kinh vạn quyển" vừa khó đọc, khó hiểu". Đọc truyện trên của Hồ Hữu, nó rõ ràng và dễ hiểu hơn. Ai chẳng biết mỗi hành động của chúng ta đều tạo ra một cái nhiệp - Karma - cho bản thân. Chúng ta phải nhận quả của cái nghiệp ấy. Nghiệp ấy, ông Hồ kể trong truyện: Sư Cụ tu đã lâu, có thể sắp thành chánh quả...

(trích)
 ...
"Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am khi am vừa mới dựng lên, và đã từng nghe 999 lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu…. Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn? Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người được giác rồi sẽ hay?
 
          Rồi con thằn lằn quyết định: Phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: Ấy là bò lên bàn Phật, đến dĩa đèn dầu, rán sức mà uống cạn dĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.
 
         Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ: hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình. Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.
 
        Nhưng, sau đó đêm nào cũng vậy, buổi đọc kinh chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào lúc khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.
 
        Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn lên dĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, và mắng rằng:
 
       - Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!
 
       Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình..."

...
(hết trích )

Dĩ nhiên Sư Cụ không thành chánh quả vì mang nghiệp sát sinh. Điều đó không quan trọng, mặc dù trong thâm sâu lòng Sư Cụ là muốn đọc một ngàn thời kinh Di Lặc vì mong muốn nhân loại được sống trong hòa bình, an lạc.
                  
Nhưng trong cái Tâm (kinh Lăng Nghiêm) vẫn còn Dục vọng, còn ham muốn thành Phật nên Sư Cụ không thể thành Phật được. Dục, giống hình con mèo trong chai rượu Dubonnet. Trên nhãn hiệu chai rượu có hình con mèo, trong hình con mèo lại có một con mèo nhỏ hơn, cứ thế mà tiếp tục. Như trong hình học, hai đường song song sẽ gặp nhau ở điểm cuối cùng, nhưng giả tỉ như chúng ta có theo hai đường song song tới cùng đi nữa thì chẳng bao giờ tới được điểm cuối cùng của thiên nhai, để thấy hai đường song song gặp nhau. Muốn đi tới cuối hai đường song song là muốn diệt dục, nhưng muốn đi tới điểm cuối là còn dục, còn muốn... Có phải vì cái muốn đó mà Sư Cụ cầm dùi đánh vào đầu con thằn lằn? Chúng ta, có người không rõ có thấy được tư tưởng ấy của ông Hồ trong truyện ngắn nầy hay không?

Người ta nói Phật Pháp mênh mông. Tôi không ưa "lội" vào trong cái mênh mông đó. Khoa học là những cái gì cụ thể, thấy được, sờ được, tôi yêu thích nó. Còn như khi khoa học thành trừu tượng thì tôi không thể thích được, học được. Có lẽ nhiều người, nhất là người Tây Phương, thích câu chuyện con thằn lằn là vì lý thuyết từu tượng của Phật biến thành thực tiễn. Đó là con thằn lằn, là dĩa dầu đậu phụng hay cái dùi chuông. Tất cả là biểu tượng cho lòng ham muốn thành Phật của Sư Cụ đã đi tu nhưng tu không trọn kiếp.

- "Trong các nhân vật nổi tiếng của họ Hồ, từ trạng nguyên Hồ Hưng Dật, thái thượng hoàng Hồ Quý Ly, Bà Chúa thơ Nôm, vua Quang Trung, Hồ Chí Minh, thì Hồ Hữu Tường là kiệt xuất hơn cả.
- "Ông nội thử so sánh vua Quang Trung với ông Hồ Hữu Tường..
- "So sánh vua Quang Trung với Hồ Hữu Tường, ta thấy họ hơn thua nhau cái gì? Một người đại thành công cho tới khi qua đời. Tuy nhiên, tài năng và cơ hội, thường gọi là "phùng thời", cũng như "Thời thế tạo anh hùng". Nhà Tây Sơn chỉ thua khi không còn vua Quang Trung. Nếu vua Quang Trung sống thêm vài chục năm nữa, Nguyễn Ánh khó có thể lên ngồi lên ngai vàng ở Huế. Còn ông Hữu Tường - người "được" anh thanh niên gọi đùa là "hưởng tù", thất bại rất nhiều lần, ở tù nhiều hơn là "không tù", thường gọi là "Sinh bất phùng thời"... đến nỗi khi ông làm dân biểu, dân biểu Kiều Mộng Thu, báo chí thời đó gọi là "Nàng Kiều lá đổ", "chơi trò du côn" giật đứt xâu chuỗi ông đeo ở ngực, hột chuỗi rơi lẻng xẻng xuống bực thềm hạ viện. Vậy mà ông đứng yên. Ông Tường hèn, nhát gan hay "kính trọng phụ nữ?

Người Việt Nam có khuynh hướng trọng văn khinh võ. "Quan văn thất phẩm đã sang, Quan võ tứ phẩm còn mang gươm hầu". Tôi cũng là người đứng trong câu tục ngữ đó.

Thật ra, vua Quang Trung không chỉ giỏi về võ. Ông là một "minh quân", một nhà cải cách, một người - hiểu biết hay có tài? - xây dựng đất nước. Vua Quang Trung "kiểm soát dân chúng" bằng việc bắt mọi người ai cũng phải có "Thiên Hạ Đại Tín". Ông phá chùa mà không ai cho ông là người "đàn áp tôn giáo" như thời ông Ngô Đình Diệm. Ai muốn đi tu thì phải trãi qua một cuộc thi, một việc chưa từng có trong lịch sử đạo Phật ở nước ta bao giờ, từ xưa cũng như nay. Ông là người cho xây "Phượng Hoàng Trung Đô" chuẩn bị việc cai trị lâu dài... Thế không phải là người "văn võ song toàn", biết suy nghĩ sâu xa, tính chuyện lâu dài hay sao?

Ông Hồ Hữu Tường chưa từng tỏ rõ cái "võ công" của ông tới cỡ nào. Khi ở Pháp, ông chỉ mới từ Marseille lên Paris biểu tình cùng bạn bè trước điện Elisées, được Rosa Luxemburg khen là gan  - Tôi không rõ ông Tường có nói dốc như trong "Phi Lạc sang Tàu" không? - đã bị Tây đuổi xuống tàu về nước. Nhưng một người hai lần ngồi tù Côn Đảo mà còn soạn ra "Minh Đạo" (Trầm tư của một người tù mang tội tử hình) trong khi đang ăn cơm tù thì người đó không thể là người hèn nhát.

Nhìn chung, vua Quang Trung hay ông Hồ Hữu Tường mỗi người một cách. Nói theo cách thông thường thì "không ai giống ai. "Tính chất Nam Bộ" trong con người ông Hồ khá rõ: "Hòa Đồng". Ông lại còn chủ trương tờ báo "Hòa Đồng". Có người phê bình ông Hồ Hữu Tường về điểm nầy khi họ nói rằng "con người có thể Hòa mà không Đồng". Có dịp sẽ nói thêm sau.

Hai ông nầy chỉ có một điểm giống nhau, khỏi phải "da ngựa bọc thây" như trong câu nói của Mã Viện. Vua Quang Trung chết trên giường bệnh, bên cạnh vợ con, còn ông Tường được tha ra khỏi tù khi ông hấp hối, trút hơi thở khi ở đầu con đường xóm đi vào nhà. Nhà nước Cộng Sản khỏi tốn cho ông cái hòm gỗ tạp.

Tôi trích sau đây một bài báo viết về ông Hồ Hữu Tường:

(trích)
Hoạt động từ rất sớm trên báo chí, từ bí mật đến công khai trong một không gian rộng (Pháp và Việt Nam), Hồ Hữu Tường thể hiện rõ vai trò của một trí thức yêu nước dấn thân. Khát vọng đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, tự do và sự tiến bộ xã hội, đã cho ông nghị lực và dũng khí trải qua những ngày tù tội gian nan, nguy hiểm để vẫn còn cảm hứng cầm bút, tiếp tục nói lên tiếng nói của mình. Từ năm 1945, khi chọn hẳn con đường văn hóa, Hồ Hữu Tường có một sức viết đáng ngạc nhiên: tác phẩm của ông dồi dào và đa dạng, vừa có tính đại chúng, lại vừa có tính tư tưởng, vừa rất dân tộc, lại vừa rất hiện đại. Đặc biệt, ông đưa tinh thần “phá chấp” của Phật giáo vào văn chương, nhằm vượt thoát mọi quy phạm thường tình.

Đứng vững trên mảnh đất của dân tộc, tìm hiểu thế giới, không ngừng thao thức về những bước đi và giải pháp cho Việt Nam, Hồ Hữu Tường đã gửi vào trang viết của mình những chọn lựa, phán đoán, gợi ý, tiên cảm mà hôm nay thời gian cho phép chúng ta nhận thấy rõ hơn giá trị của nó.

Để hiểu đời sống xã hội, văn hóa và văn chương Việt Nam, không thể không đọc Hồ Hữu Tường. Tràn đầy cá tính, tự cho mình là “thuyền đi gặp gió ngược”, không ngớt gian nan, Hồ Hữu Tường lại rất liên tài, rất dễ dàng chấp nhận sự khác biệt nơi người khác và đặc biệt luôn tràn đầy lòng biết ơn. Cái chất giễu nhại và phê phán trong trang viết của ông không hề dẫn đến hư vô, chua chát, bi quan, nhằm hoài nghi sự sống, nó tràn đầy tinh thần hy vọng, khoan dung, nó lành mạnh, phả lại sinh lực tự nhiên của muôn loài.
                                                                         
Sài Gòn, 27-9-2016
Nguyễn Thị Thanh Xuân.   
(hết trích)    

Người ta không thể nói ai tài hơn ai, khi mà người ta chưa có cơ hội để thi thố hết tài năng của mình. Lưu Bị ba lần đến cái lều tranh của Khổng Minh để mời ông ra. Khổng Minh không muốn ra vì ông biết nhà Hán đã hết thời rồi. Thế rồi Gia Cát Lượng phải ra, thi thố tài năng, nhưng cuối cùng cũng thúc thủ. Tài Năng và Thời Cơ. Sinh bất phùng thời tức là Trời bắt vậy. Ai làm gì được? !
- "Còn giữa hai ông Hồ? Ông Hồ Chí Minh, so với ông Hồ Hữu Tường, ông nội thấy sao?"
- "Trong di chúc, ông Hồ Chí Minh viết câu nầy:  "...phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê - nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột." Ý thứ hai là: "là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!"

- "Vậy thì ông Hồ Hữu Tường, ông Hồ Chí Minh giống nhau thế nào được?  Một người theo chủ nghĩa Quốc Gia, một người theo chủ nghĩa Quốc Tế thì khác nhau hoàn toàn. Thời kỳ Nam Bộ Kháng Chiến, mấy ông "Đệ Tứ Quốc Tế" như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Trần Văn Thạch, Trịnh Hưng Ngẫu... đều bị "Đệ Tam" giết cả thì đủ biết Hồ Hữu Tường, Hồ Chí Minh giống nhau thế nào được! Ông Tường thoát khỏi cái lưỡi mã tấu của ông Hồ Chí Minh là may lắm rồi. Đòi gì nữa. Cháu nên nhớ bộ máy tuyên truyền của Cộng Sản là ghê gớm lắm, bôi lọ cũng dữ, che dấu cũng dữ, nên ông nội không căn cứ trên những tài liệu tuyên truyền để nói về họ. Ông Hồ Chí Minh suốt đời nói láo. Nói láo là bản chất của người Cộng Sản. Tuy nhiên, ông nội nghĩ rằng "di chúc" là bản văn cuối đời nên thường người ta nói thật. Di chúc của ông Hồ Chí Minh, không phải là bản văn tuyên truyền mà chính là lời nói thật. Trong di chúc ông Hồ nói rằng "...phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê - nin và các vị cách mạng đàn anh khác..." Có người đặt câu hỏi: "Tại sao ông Hồ Chí Minh không nói "phòng khi tôi đi gặp vua Hùng, vua Quang Trung, ông Trần Hưng Đạo..." Nói như thế, ông tự xác nhận ông không còn là người Việt Nam nữa. Với Đức Trần Hưng Đạo, ông ta nói:
         "Tôi bác cùng theo nghiệp kiếm cung..."
Ông ta xưng với Đức Thánh Trần là tôi, gọi Đức Trần Hưng Đạo bằng bác. Nói vậy, nghe có thuận lỗ tai không?
Hai câu thơ sau, chính Hồ Chí Minh chê Đức Trần Hưng Đạo và tự cao về mình, về ông ta:
         "Bác đưa một nước qua nô lệ,
         Tôi dẫn năm châu đến đại đồng.

"Bác" chỉ là một lãnh tụ cấp quốc gia, cứu một nước khỏi bị nô lệ. Còn tôi, (Hồ Chí Minh), là một lãnh tụ cấp quốc tế, dẫn dắt thế giới tới Thế Giới Đại Đồng, là chủ nghĩa Cộng Sản.

Ông Hồ Hữu Tường thông minh, nhìn xa thấy rộng hơn ông Hồ Chí Minh: Năm 1939, ông Hồ Hữu Tường từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản vì ông biết chủ nghĩa ấy là ảo tưởng, không như ông Hồ Chí Minh, mê muội Cộng Sản cho đến cuối đời. Nói sơ vậy chớ "sự nghiệp Cộng Sản" của ông Hồ Chí Minh thì lớn lắm, cũng như "Sự nghiệp Quốc Gia"  của ông Hồ Hữu Tường là một rừng - Rừng tư tưởng.

13
Còn ai nữa?
Hồ Học Lãm
 Hồ Học Lãm là một nhà cách mạng Việt Nam, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mẹ ông từng theo Phong Trào Cần Vương, khi vua Hàm Nghi "xuống chiếu Cần Vương" khi nhà vua lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp ở vùng thượng du Nghệ Tĩnh. Bác ruột của ông làm án sát tỉnh Nam Định, bị quân Pháp giết khi ông cùng binh lính triều đình chống giữ thành Nam Định khi Tây đánh tỉnh nầy.

Ông theo phong trào Đông Du, học trường Chấn Võ ở Nhật, cùng khóa với Tưởng Giới Thạch.

Sau khi bị Nhật đuổi ra khỏi nước, ông qua Tàu học quân sự ở trường sĩ quan Bảo Định, lại cùng khóa với Tưởng. Ông tham gia cuộc Cách Mạng Tân Hợi. Sau khi Tưởng cầm quyền ở Trung Hoa, ông trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội của Tưởng.

Hồ Tùng Mậu thành lập An Nam Cộng Sản Đảng ở HồngKông, mời ông gia nhập nhưng ông từ chối vì ông là đảng viên Quốc Dân Đảng Tàu. Tuy nhiên ông vẫn hết lòng giúp đỡ các nhà cách mạng ViệtNam đang hoạt động bên Tàu, không phân biệt họ có là Cộng Sản hay không.

Sau đó, ông gia nhâp Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội của Kỳ Ngoại hầu Cường Để, rồi tham gia Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu.

Ông cũng từng tham gia Phong Trào Việt Minh, nhưng năm 1943, ông qua đời vì bịnh tim lúc mới 60 tuổi./

xxx

Hồ Tùng Mậu
Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, quê ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, cùng quê và cùng họ với Hồ Sĩ Tạo, là nội tổ của Hồ Chí Minh. Ông nhỏ hơn Hồ Chí Minh 6 tuổi. Gia đình ông có nhiều ngưởi bị Tây bỏ tù, giết vì tham gia các phong trào Cần Vương, Phong Trào Văn Thân.
        
Trong khi Nguyễn Tất Thành đi Tây, xin vào học Trường Thuộc Địa để làm việc cho Tây, thì ông Hồ Tùng Mậu vẫn tiếp tục con đường Đông Du, trốn qua Lào, qua Thái Lan, rồi từ đó, đi ngược lên Tàu.
Năm 1923, ông cùng với các nhà cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu như Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái thành lập "Tâm Tâm Xã", tập trung một số thanh niên Việt Nam yêu nước ở bên Tàu, mưu đồ giành độc lập cho đất nước.
Bấy giờ Hồ Chí Minh từ Nga về, dùng "Tâm Tâm Xã" để tổ chức Cộng Sản Đoàn, coi như đám ông Hồ Tùng Mậu lót ổ cho ông Hồ Chí Minh đẻ ra cái ổ Cộng Sản Việt Nam đầu tiên ở bên Tàu. Ông Hồ Tùng Mậu "đỏ" tích cực từ thời gian đó. Không những tham gia tổ chức Cộng Sản đầu tiên, ông còn làm giảng viên các khóa tuyên truyền Cộng Sản cho các thanh niên Việt Nam ở bên đó. Từ Cộng Sản Đoàn, họ cùng Hồ Chí Minh thành lập "Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội"
Cũng do Hồ Chí Minh, ông gia nhập đảng Cộng Sản Tàu nên bị Tàu Tưởng bắt giam nhiều lần. Năm 1929, ông là thành viên chi bộ hải ngoại của An Nam Cộng Sản Đảng, bị Tây đưa ra "tòa án vắng mặt", kết án tử hình. Ông cũng là thành viên trong hội nghị thành lập đảng ngày 3 tháng 2 / 1930 ở Hồng Kông.  
Năm 1931, ông bị Cảnh Sát Anh bắt tại Hồng Kông vì tội "chống phá nhà nước", nhưng được thả vì không đủ chứng cớ.  Đồng thời, bọn Thực Dân Anh ở Hồng Kông cũng ngầm báo cho mật Thám Tây biết, rằng ông sắp đi Thương Hải.
Mật Thám Tây làm y như vụ bọn chúng bắt cụ Phan Bội Châu trước đó 6 năm - 1925 - Ngay khi Hồ Tùng Mậu vừa tới Thượng Hải, Mật Thám Tây bắt cóc, kẹp cổ đưa vào "Tô-Giới Pháp", đưa xuống tàu thủy, đưa về Việt Nam, lập tòa án ở quê hương ông, Nghệ An, xử tử hình, giảm xuống chung  thân, đày qua nhiều nhà tù nổi tiếng độc ác của Tây.
Tháng 3/ 1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được tha về quê, Nghệ An. Thủ tướng Trần Trọng Kim mời ông làm cố vấn, nhưng chính phủ Trần Trọng Kim không phải là chính phủ Cộng Sản, nên ông không tham gia được.    
Sau khi Hồ Chí Minh thành lập chính Phủ Lâm Thời ở Hà Nội, giao ông làm Chính Ủy Khu 4, sau đó làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Kháng Liên Khu IV. Chức vụ sau cùng của ông là "Ủy Viên Dự Khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng".

Ông Thầy của tôi - xem phụ lục - năm 1945, tham gia Vệ Quốc Đoàn - tiền thân quân đội Cộng Sản -, đánh nhau với Tây ở Phalan, phía trên Chépone, gần Savanankhet, trên đường số 9. Bỗng ông được đưa về Nghệ An, ở trong lực lượng quân sự bảo vệ ông Hồ Tùng Mậu, bây giờ đang giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Hành Kháng Liên Khu IV. Ông Hồ Tùng Mậu có một bầy dê, ngày ngày lấy sữa cho ông dùng. Thấy vậy, nhiều người tỏ vẻ bất bình, vì dân chúng bấy giờ đang đói, thiếu gạo, phải ăn khoai sắn. Một hôm ông thầy tôi "lỡ tay" - lỡ tay là do ông nói - bắn chết con dê đực đầu đàn. Thế là không có sữa dê cho "Cụ". Ông Thầy tôi bị điều tra. Ông sợ nên  bỏ trốn về Đồng Hới, vùng Tây chiếm đóng.

"Ngày 23 tháng 7 năm 1951, ông hy sinh trên đường đi vào  Liên Khu IV công tác, do bị máy bay địch Pháp phát hiện và bắn chết tại Phố Còng,  huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.     
Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết của Hồ Tùng Mậu vẫn còn nhiều nghi vấn. Theo sử gia Laura Calkins, có rất nhiều tin đồn xung quanh cái chết của Hồ Tùng Mậu. Một giả thiết đưa ra là Hồ Tùng Mậu tự tử vì trách nhiệm của ông trong vụ nạn đói ở Thanh Hóa. Tình báo của Pháp xác nhận bí mật với quan chức Mỹ rằng ông bị thanh trừng. 
(trích Wikipedi)

xxx

Hồ Tài Huệ Tâm
(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
        
Hồ Tài Huệ Tâm làm giáo sư sử học tại Đại học Harvard, Mỹ. Bà lớn lên ở Sài Gòn, du học Mỹ năm 1966, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ sử học Việt Nam và Trung Quốc ở Đại học Harvard vào năm 1977. Sau đó bà dạy ở trường này từ năm 1980 tới nay.

Hồ Tài Huệ Tâm là con gái của nhà trí thức cách mạng Hồ Hữu Tường, người đã từng tham gia tham gia phong trào Đệ Tứ Quốc tế cùng với các ông Phan Văn TrườngTạ Thu Thâu, và là dân biểu đối lập dưới thời Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam.

Bà nghiên cứu về lịch sử xã hội, nhất là lịch sử miền Nam. Vấn đề lịch sử đầu tiên mà Hồ Tài Huệ Tâm chọn nghiên cứu là phong trào nông dân mà điển hình là sự ra đời của các đạo Hòa Hảo và Cao Đài ở miền Nam Việt Nam: "Hòa Hảo và Cao Đài là phong trào nông dân nhưng có mang tính tôn giáo, là hai hiện tượng rất miền Nam."


14
Hậu quả của chiến tranh
Ai cũng biết chiến tranh để lại nhiều tai hại.
Trước hết, nó làm cho người ta có nhiều thhiên kiến. Ví dụ như khi đọc bài nầy, người ta nghĩ đến ông Hồ Chí Minh, thậm chí người ta còn cho rằng bài nầy viết ra để tán dương ông Hồ Chí Minh. Có khi họ không tiếc lời máng nhiếc tác giả một cách tục tằn. Họ chưởi là bởi họ ghét ông Hồ, người đã gây ra đau khổ cho người Việt Nam, cho gia đình họ hay chính bản thân họ. Nước mất nhà tan là vì ai? Điều đó dễ thông cảm, nhưng chắc chi họ không mượn cái cảnh bát nháo của người Việt hải ngoại để show up. Thứ nầy chì người ta cũng chẳng quan tâm.

Nói về họ Hồ hay bất cứ họ nào, cũng chỉ là nói chung. Kẻ xấu người tốt thiếu gì. Tôi viết bài nầy, chẳng qua trước hết, là do tôi có cái tội mê sách. Hồi còn học cấp 1, cấp 2, tôi bị mẹ la không ít lần, bởi vì mẹ tôi sợ tôi mê sách mà học dốt, hay bỏ học, có khi đọc quá, bị "tẩu hỏa nhập ma" như hai người con trai của Cụ Ưng Quả, có một người là bạn tôi. Đọc nhiều, dĩ nhiên cũng đọc nhiều tài liệu sách báo nói về họ Hồ.

Thứ hai, họ Hồ có nhiều cái hay, lý thú. Một người đàn bà như Bà Chúa Thơ Nôm, như vua Quang Trung, như ông Hồ Hữu Tường không làm cho chúng ta ngưỡng mộ, muốn biết thêm về họ hay sao?

Trên thực tế, chỉ nói ở nước ta, đâu phải chỉ có một họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Lai Nhã/ Nghệ An. Ở Thừa Thiên, họ Hồ ở làng Chuồn, tức làng An Truyền, Hồ Đắc cũng là một họ lớn, nhiều người làm quan to, danh tiếng, trung với vua, với nước.

"Quảng Trị tui", họ Hồ làng Cổ Thành là một họ lớn, rất nhiều người làm thầy giáo, có mấy ông là thầy dạy anh em tôi.

Rất nhiều làng có người họ Hồ. Mấy năm làm cái công việc "Tìm và Bắt", - không phài "Tìm và Diệt" như lính Mỹ -, tôi biết không ít người Miền Nam, kể từ Vĩ Tuyến 17 xuống tới Cà Mau/ Hà Tiên, đọc trong danh sách, hồ sơ...  không ít người có họ Hồ. Số đông trong họ, có tổ tiên là người theo Chúa Nguyễn vô Nam hồi thế kỳ 16, hoặc chậm hơn, trong thời kỳ nội chiến Trịnh/ Nguyễn, như trường hợp ông Hồ Phi Khanh, tổ bốn đời ông Hồ Thơm, hay tổ tiên "Thằng Thuộc con nhà nông vậy". Không thấy người họ Hồ sang nước ta trong thời kỳ "Phản Thanh phục Minh." Thành phần nầy, "Phục Minh phản Thanh", ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, phần đông họ Mạc (Mạc Cửu), họ Lâm (Đông Hồ Lâm Tấn Phát), họ Quách (Quách Đàm), họ Vương (Vương Hồng Sển), họ Phan (Phan Thanh Giản), họ Mã, (Mã Tuyên), họ Lý (Lý Long Thân)...

Người Việt Nam có nhiều họ, tính ra cũng trên sáu trăm. Nhiều họ cũng nhiều danh tiếng.

Ông sui gia với tôi, họ "Nguyễn Cảnh", gặp nhau sau khi hai chúng tôi đến Mỹ. Ông nói: Họ tui có 18 đời quận vương. Ông ấy không "nổ" đâu, nhưng có lẽ 18 đời quận vương của ông gồm những ai, ông ta cũng mù tịt. Tôi nói: "Ở Saigon có đường Nguyễn Cảnh Chân, ông ta là một "danh nhân lịch sử".

Vì lịch sự, tôi không nói đến câu chuyện sau: Khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ nhất, chúa Trịnh với các quan họp bàn mấy ngày rồi mà vẫn chưa tìm được người cầm quân ra chống nhau với quân Tây Sơn, làm như Nguyễn Huệ là cáo mà hàng tướng lãnh của Chúa Trịnh là gà, như trong câu tục ngữ "Gà phải cáo". Cuối cùng, ông Nguyễn Cảnh Dị phải cầm quân ra trận. Ông Dị vừa đi vừa khóc.  Tính chung, 18 đời là không tính tới ông Nguyễn Bặc, khai quốc công thần đời nhà Đinh, người chống lại việc thái hậu Dương Vân Nga, lấy áo long bào mà mặc cho Lê Hoàn, lấy ngai vàng của con mà trao cho tình nhân. Theo vài tài liệu khi tôi chưa vượt biên, người ta nói có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du nữa đấy. Chưa có gì làm chắc nên tôi chưa có dịp bàn tới đó vậy.

Sau câu chuyện nói với nhau, ông sui gia nói với con: Ba vợ mày còn rành hơn tao. Coi như đó là chuyện vui.

Bài nầy không phải chính sử, như Việt Nam Sử Lược, Việt Sử Toàn Thư... Cũng không phải là huyền sử, như "Huyền sử ca một người mang tên Quốc", hay truyện dã sử mà bọn trẻ con rất mê... Đây là chuyện ông bà kể cho con cháu nghe, như "Mẹ ru con ngủ", không phải để giải trí mà để cho đứa bé từ khi nằm trong nôi, đã biết chuyện ông Phù Đổng "ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà", mà nhớ câu ca dao "Cơm với cà như cha với mẹ" của một xã hội nông nghiệp.

Còn một điều mong ước nữa, những đứa trẻ lớn lên ở Mỹ, học sử Mỹ, đọc sử Việt, do Việt Cộng viết, sẽ thấy Sử Việt Nam là ở đây...

Chỉ vậy thôi, quý độc giả....../

hoànglonghải
viết hồi tháng 1 tháng 2 năm 2024


 
 
Phục lục

Chuyện cũ như thế nầy:
Ông Nguyễn Văn Hai, nguyên là giám đốc Nha Đại Diện Giáo Dục ở Huế, thời "Cậu Cẩn" làm "lãnh chúa miền Trung". Sau khi đậu tiến sĩ toán ở Pháp, ông làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế. Ông từng làm Hiệu trưởng trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công/ Huế. Ông là người cho tôi vào dạy ở trường nầy, nên có nhiều dịp nghe ông chuyện trò.

Cách đây chục năm, tôi từ Mass xuống Yardlands thuộc Pennsylvania thăm ông. Ông đã 90 tuổi, còn tôi, cũng gần 80. Tôi nói với ông vài chuyện chính, tôi kể lại đây:

Đoán biết tâm lý ông, tôi nói: "Thầy không bao giờ được làm viện trưởng viện đại học Huế đâu."

Ông hỏi tại sao "cậu" nói vậy? ("cậu" là tiếng thân mật ông thường gọi các học trò gần gũi của ông).

Tôi nói: "Tại vì Thầy học từ bên Tây về. Ở miền Nam trước đây, muốn làm chức lớn, như viện trưởng viện đại học (có sinh viên - quân chúng - có người ủng hộ), thuộc chính quyền thì phải học bên Mỹ về, do Mỹ đào tạo, là người của Mỹ. Học bên Tây, bên châu Âu sao được."

Tôi hỏi tiếp: "Sau vụ Mậu Thân, thầy bị Cảnh Sát bắt là tại làm sao?"
        
- "Họ sợ sinh viên Huế. Bắt tôi là để dằn mặt sinh viên, phần đông thiên tả. Tôi là người không gần gũi với chính quyền. Cảnh Sát cũng biết người, chỉ giữ tôi trong một phòng có lẽ là phòng làm việc trước đó. Ra vô tự do, chẳng ai hỏi han gì. Được mấy hôm thì họ cho về."
- "Họ không hỏi gì về Ông Trí Quang?"
- "Họ biết tôi mốii  quan hệ giữa tôi và ông Trí Quang thời ông Cẩn còn sống. Tôi là gạch nối giữa ông Trí Quang và ông Cẩn, như anh từng viết trong bài về vụ Đài Phát Thanh/ Huế. Nhưng khi tôi ở Pháp về thì không còn. Lúc nầy có nhiều người "bu" chung quanh ông Trí Quang, còn tôi thì xa ra..."
- "Họ đẩy thầy xa ra?"
- "Sao cậu biết?"
- "Đời mà Thầy. Khi còn ông Cha Thục, ai dám gần ông Trí Quang. Còn bây giờ..." Tô bỏ lững.
- "Khi vụ "bàn thờ xuống đường" xảy ra, Thầy Đức Tâm có đến gặp Thầy?"
- "Ông Trí Quang sai ông Đức Tâm đến gặp tôi."
- "Hỏi gì?" tôi hỏi, vội.
- "Nói như người ta thường nói. Ông Trí Quang ở trên lưng cọp, xuống không được. Có lẽ muốn hỏi ý tôi. Entourage của ông Trí Quang cũng hết kế rồi."
- "Thầy nói gì?" Tôi hỏi.
- "Tôi nói: "Đã nói rồi, không phải là chính trị gia mà làm chính trị."
- "Ông Đức Tâm nói sao?"
- "Ông nổi nóng, nói to với tôi: "Anh không được hỗn với Thầy."
- "Tình hình tới lúc đó mà không có lệnh từ Trung Ương Cục?" Tôi thăm dò.
- "Cậu cho rằng ông Trí Quang là Cộng Sản?"
- "Hồi đó thì không, nhưng bây giờ thì nhiều người nói như thế lắm. Muốn phục hưng "Tinh Thần Ngô Đình Diệm" thì phải bôi đỏ Phật Giáo, nhất là mấy ông lãnh đạo Phật Giáo Miền Trung."
Ông Hai cười, mai mỉa. Ông từng là "Cần Lao gộc" ở miền Trung, nên biết rõ đám "Phục Hưng Tinh Thần Ngô Đình Diệm" nầ...

- "Thầy không thấy cái gì đỏ nơi ông Trí Quang?"
- "Nếu có thì thằng Liên Thành nó đã "diệt" ông Trí Quang năm Mậu Thân rồi. Năm 1966, sau vụ "dẹp bàn thờ" đời Liên Thành bắt đầu lên. Lúc đó nó làm "trưởng ty Cảnh Sát Đặc Biệt" đấy. Quyền hạn trong tay nó, cần hồ sơ, tài liệu gì để "diệt" ai, có khó gì với nó đâu. Sau lưng nó còn Đại Việt, còn quần chúng Huế. Nó không dám. Qua đây nó có muốn nói bậy bạ gì chẳng được. "Gà ăn bạc" mà.
- "Em định viết bài phản bác nó. Người Huế còn biết rõ ông Tráng Cử, huống chi nó. Ông Tráng Cử được làm hiệu trưởng trường Sư Phạm Huế, cũng nhờ Thầy.
- "Bỏ đi. Nó đâu có đáng cho mình đặt ngòi bút xuống."
- "Theo Thầy, ông Trí Quang không phải là Cộng Sản sao?"
- "Cái thế của ông, ông có muốn làm Cộng Sản cũng không được."
- "Chỉ về phía Quốc Gia?
- "Đâu chỉ phía Quốc Gia, cả phía Mỹ, phía Việt Cộng, không phía nào muốn cho ông Trí Quang làm Cộng Sản."
- "Trong bài viết về "Vụ Đài Phát Thanh Huế, em có nói rằng đêm đó, khi vụ đàn áp xảy ra, Xịa bất ngờ. Cả nhà họ Ngô cũng bất ngờ, ông Ngô Đình Thục cũng bất ngờ. Họ không ngờ dân chúng Huế không "dữ" mà "mạnh" quá. Nhưng sau đêm hôm đó, vì phải giúp chính quyền giải quyết xong sự rối loạn ở hai đầu cầu Trường Tiền, về tới chùa Từ Đàm, dù khuya lắm, Xịa cũng đã chờ sẵn ông Trí Quang ở Chùa Từ Đàm rồi. "Xịa" Huế là ai thầy biết đấy chớ. Em cũng biết nữa mà. Cổ thì mang thánh giá mà đi chùa chăm lắm. Vì vậy, cuốc meeting hai hôm sau, người ta thấy ông Trí Quang đổi khác: mềm mỏng, mà giọng điệ thì cương quyết, đòi hỏi thì khiêm nhượng: 5 nguyện vọng. Nguyện vọng thôi mà anh em nhà Ngô nuốt không vô.
- "Còn Cộng Sản?" Tôi hỏi.
- "Thành phần giai cấp như ông Trí Quang thì Cộng Sản đời nào cho vô đảng. Nhưng Cộng Sản thì ở ngay trong chùa của ông Trí Thủ chứ ở đâu. - Ông Đỗ Trung Hiếu, cán bộ Cộng Sản, cháu ông Trí Thủ,  trốn trong chùa của ông Trí Thủ ở Nha Trang chớ đâ, sau 1975 mới xuất đầu lộ diện. Ông Trí Quang hay ông Trí Thủ cũng là một. Lãnh đạo một cuộc đấu tranh to lớn như thế, ông Trí Quang đâu có thể ếch ngồi đáy giếng được.  Bên nầy, bên kia, ông ta cũng cần có tin tức, lập trường, chủ trương... để biết đường mà đi./ (còn nữa... xem sau./ )

Hoàng Long Hải

 







 














 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top