hoàng hải thủy, THƠ VA SỰ CÙNG KHỔ...

hoàng hải thủy

THƠ VA SỰ CÙNG KHỔ...

Nhất cùng chí thử khởi công thi?
Nguyễn Du

Trong Bắc Hành Tạp Lục, tập thơ làm trong chuyến đi sứ sang Bắc Kinh năm 1813, có bài thơ Nguyễn Du làm về Nhà Thơ Đỗ Phủ:
Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng Mộ
Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,
Thu mãn ngư long hữu sở ty (tư).
Dị đại tương lân không hữu lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?
Trạc đầu cựu chứng y thuyên vị?
Địa hạ vô linh quỷ bối xi.
Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương

Văn chương muôn đời, thầy của muôn đời, Bình sinh tôi vẫn khâm phục. Cây tùng, cây bách đất Lỗi Dương không biết ở đâu, Giữa mùa thu rồng cá cũng thương nhớ. Sống khác đời nhau nên thương nhau chỉ biết rơi lệ, Một đời cùng khổ đến thế phải chăng là vì thơ? Cái chứng lắc đầu cũ chữa đã khỏi chưa? Chớ để dưới đất bọn quỷ nó cười.

Thơ phóng tác:
Thơ muôn đời, người cũng muôn đời,
Kính phục thi nhân dạ chẳng rời.
Lỗi Dương tùng bách tìm đâu thấy,
Bến thu rồng cá nhớ khôn ngơi.
Khốn cùng đến thế thơ làm hại?
Xót thương về trước lệ thầm rơi.
Lắc đầu bệnh cũ còn hay khỏi?
Đừng để Âm Ty quỷ chúng cười.
HHThủy.
Qua Thơ Nguyễn Du ta thấy Đỗ Thiếu Lăng – Đỗ Phủ — bị bệnh Parkinson: đầu lắc lia lịa, có thể hai tay cũng run, và ta thấy Nguyễn Du bội phục Đỗ Phủ, coi Đỗ Phủ là bậc thầy văn chương không những chỉ của ông mà là của muôn đời, suốt một đời Nguyễn Du thán phục Đỗ Phủ. Nguyễn Du làm bài thơ nhớ thương Đỗ Phủ trên đường ông đi sứ sang Bắc Kinh, Trung Quốc năm Quí Dậu – 1813 – Có thể Thi sĩ đi qua vùng Lỗi Dương ở tỉnh Hồ Nam, ông biết ở đấy có mộ Đỗ Phủ nên cảm khái mà làm thơ viếng Đỗ Phủ.

Đỗ Phủ chết trong một con thuyền trên sông Tương. Vì nhà nghèo vợ con ông không đưa ngay được di hài ông về an táng ở quê nhà, phải tạm chôn ông ở Nhạc Châu. Bốn mươi năm sau người cháu của Đỗ Phủ là Đỗ Tư Nghiệp dời hài cốt ông về Yển Sư, táng ở chân núi Thú Dương, Hà Nam. Tuy vậy ở Lỗi Dương vẫn có ngôi mộ giả của Đỗ Phủ, do viên huyện lệnh Lỗi Dương họ Nhiếp xây để kỷ niệm nhà thơ lớn. Người Hoa ngày xưa thường xây những ngôi mộ giả những nhân vật lịch sử họ kính trọng, như Quan Vân Trường có cả trăm ngôi mộ trên khắp nước.

Câu “Thu mãn ngư long hữu sở tư..” lấy ý từ hai câu trong bài Thu Hứng của Đỗ Phủ: “Ngư long tịch mịch thu giang lãnh. Cố quốc bình cư hữu sở tư: Cá rồng lặng lẽ, sông thu lạnh. Nước cũ ngày nao cứ nhớ thương..”

Khốn cùng chí thử khởi công thi? Vì Đỗ Phủ thơ hay tuyệt thế mà suốt đời nghèo khổ, nghèo đến không nuôi nổi vợ con và thân mình, để đến nỗi một người con nhỏ của ông phải chết vì thiếu ăn, Nguyễn Du đặt câu hỏi: “Ông khổ cùng đến thế phải chăng là vì Thơ? Phải chăng ta có thể quy tôi làm cho ông khổ cung cho Thơ?” Trong quyển Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội ấn hành năm 1988, phần chú thích ghi như sau về câu “Khốn cùng chí thử khởi công thi?”:
— Ý nói: do cảnh nghèo khổ quá mà thành thơ hay như thế chứ có phải vốn sinh ra đã làm thơ hay đâu.
Lời phụ chú ngớ ngẩn. Ý thơ rõ như ban ngày: Ông khổ cùng đến thế phải chăng là tại vì ông làm thơ hay? Đến đây ta phải kể lời luận về Thơ và Sự Cùng Khổ của Người Làm Thơ của Âu Dương Tu:

Bài Tựa tập Thơ Mai Thánh Du
Tôi nghe người đời nói: thi nhân ít người thành đạt mà lắm kẻ khốn cùng. Phải như vay chăng? Chỉ vì là những bài thơ được truyền tụng phần nhiều đều do những người cùng khổ đời xưa làm ra. Phàm kẻ sĩ có điều gì uẩn súc mà không đem thi hành được ở đời, đều muốn phóng lãng ở ngoài cảnh núi gò, sông ben, ngắm hình trạng cá sâu, thảo mộc, gió mây, điểu thú, thường xét cái kỳ quái của những vật ấy, mà trong lòng lại uất tích những ưu tư, căm phẫn, mới phát ra những lời oán hận, chê bai, để than thở cho những kẻ ky thần, quả phụ, mà tả những cái khó nói của nhân tình. Vậy đời càng khốn thì thơ càng hay. Không phải thơ làm cho nguời ta khốn cùng, chính vì có khốn cùng rồi thơ mới hay.
Mai Thánh Du Thi Tập Tự. Âu Dương Tu. Nguyễn Hiến Lê dịch.
Âu Dương Tu nói rõ: “Không phải Thơ làm cho người làm thơ cùng khổ, chính vì người làm thơ có cùng khổ thơ của người đó mới hay.” Nhưng người đời vẫn cứ cho là: Tại ông ấy làm thơ hay quá nên ông ấy cùng khổ. Nguyễn Du, khi thấy Đỗ Phủ thơ hay mà suốt một đời nghèo đói thảm thê, cũng hỏi: Thầy cùng khổ đến thế phải chăng là vì Thơ?

Lý Bạch bị đi đầy, Đỗ Phủ nhớ thương làm bài thơ:
Thiên mạt hoài Lý Bạch
Lương phong khởi thiên mạt
Quân tử ý như hà?
Hồng nhạn kỷ thì đáo?
Giang hồ thu thủy đa.
Văn chương tăng mệnh đạt,
Lị vị hỉ nhân qua.
Ưng cộng oan hồn ngữ
Đầu thi tặng Mịch La.
Cuối trời nhớ Lý Bạch
Gió mát thổi lên ở nơi cuối trời. Ý người quân tử nay thế nào? Hồng nhạn bao giờ tới? Sông hồ đầy nước thu. Văn chương ghen ghét người mệnh đạt – người thành công. Ma qui mừng vì có người đi qua. Muốn cùng hồn oan trò chuyện, ném thơ tặng xuống sông Mịch La.

Đỗ Phủ nhớ Lý Bạch, rồi nhớ Khuất Nguyên tự trầm ở sông Mịch La. Thi sĩ than thở: làm thơ hay như Khuất Nguyên, như Lý Bạch, mà cuộc đời khổ sở. Đó là vì văn chương ghen ghét những người mệnh đạt, văn chương không cho những người làm thơ được thành công trong đời.

Nguyễn Du coi Đỗ Phủ là sư phụ, ông chịu ảnh hưởng Thơ Đỗ Phủ rất nhiều nhưng ông không đồng ý với Đỗ Sư phụ của ông về chuyện “Văn chương tăng mệnh đạt..”, ông bác bỏ cái thuyết ấy trong bài thơ:
Tự Thán
Tam thập hành canh, lục xích thân
Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân.
Bản vô văn tự năng tăng mệnh,
Hà sự càn khôn thác đố nhân?
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.
Hà năng lạc phát qui lâm khứ.
Ngọa thính tùng thanh hưởng bán vân.

Tự than
Ba mươi tuổi, thân sáu thước, Khiếu thông minh khoét đục làm hỏng tính thật của mình.
Vốn không có chuyện văn chương có thể ghét được mệnh đạt.
Cớ gì mà trời đất lại ghen ghét người? Nghiệp võ, nghiệp văn đều không thành, sinh kế khó khăn,
Xuân thu đắp đổi, đầu thêm bạc. Ước sao có thể cắt tóc trở về rừng xưa
Nằm nghe tiếng thông reo ở nửa từng mây!

Thân cao sáu thước, tuổi ba mươi,
Thông minh sai lạc hại cho đời.
Vốn chẳng văn chương nào ghét mệnh,
Có đâu trời đất lại ghen người?
Thư kiếm không thành, sinh kế quẫn,
Xuân thu cứ đến, bạc đầu rồi.
Bao giờ xõa tóc về rừng cũ
Nằm nghe gió thổi lá ngang trời!

Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của Đỗ Phủ, thán phục Đỗ Phủ, nhưng ông không làm nô lệ cho ý thức của Đỗ Phủ. Đỗ Phủ nói: Văn chương ghét mệnh, Nguyễn Du nói: Làm gì có chuyện văn chương ghét mệnh..! Làm gì có chuyện Trời ghen với người ..! Trong Kiều, Nguyễn Du nói:
Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Rõ ràng Thi sĩ nói: “Trời – Tạo Hóa – ghen ghét những người đàn bà đẹp, Trời vì ghen mà làm cho những người đàn bà đẹp phải đau khổ.” Nhưng trong Thơ Thi sĩ lại nói: “Làm gì có chuyện Trời ghen người? Vì cớ gì mà Trời lại ghen người?” Đây không phải là một điều mâu thuẫn trong quan niệm về nhân sinh của Thi sĩ, không phải là Nguyễn Du bất nhất trong quan niệm của ông về đời người. Ý thức của chúng ta rất phức tạp, đa dạng, lúc ta nghĩ thế này, lúc ta nghĩ thế khác. Ý thức và quan niệm của người thơ tài hoa Nguyễn Du tất nhiên là phức tạp hơn người thường.

Thơ có làm cho người làm thơ phải khổ sở không? Viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi, có thể nói tôi suốt một đời yêu thương, gắn bó, sống chết với việc viết truyện – Với tôi Viết là Hạnh Phúc, tôi đã sống để viết, viết để sống và trước 1975 tôi đã sống được với việc viết truyện của tôi. Trước 1975 ở Sàigòn, thủ đô Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi, trong hai mươi năm tôi đã sống để viết và tôi đã viết để sống. Sau 1975 tuy biết viết là tù tội, tôi vẫn viết, dù vậy tôi vẫn không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi:” Thơ có làm cho người làm thơ cùng khổ hay không?” Tôi thấy Nguyễn Du đúng khi Thi sĩ nói:
Chữ tài liền với chữ tai một vần...
Ngu si hưởng thái bình. Người có tài thường gap tai họa. Chuyện đó tôi thấy thường xẩy ra trong đời, nhất là trong thời loạn. Tôi “chịu” câu nói của Âu Dương Tu:
—   Thơ không làm cho người làm thơ cùng khổ, chính vì có cùng khổ Thơ mới hay.

Nguyễn Du sinh năm 1765, mất ngày 16 Tháng Chín, 1820. Đã 180 năm kể từ ngày Tiên sinh tạ thế. Những năm 1981, 1982, trong căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, Sàigòn, tôi phóng dịch khoảng ba mươi bài Thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Những năm ấy trong một bài viết về Thơ Nguyễn Du gửi ra hải ngoại tôi viết:
—   Khi người cháu của Đỗ Phủ đem hài cốt của ông về quê, trên đường đi gap Thi sĩ Nguyên Chẩn. Nguyên Chẩn viết trong bài minh đặt trên mộ Đỗ Phủ:
—   Từ ngày có Thơ không có nhà thơ nào vĩ đại bằng Đỗ Phủ.
 
Hôm nay, sau Đỗ Phủ hơn một ngàn năm, viết về Nguyễn Du, tôi viết:
—  Từ ngày Việt Nam có Thơ không có nhà thơ nào tài hoa như Nguyễn Du!
Tôi đã viết những câu trên ở Sàigòn gần hai mươi năm trước – những năm 1981, 1982 — Năm nay 2000, sống ở xứ người, tưởng niệm ngày tháng Nguyễn Du lìa đời, tôi viết:
—  Từ ngày Việt Nam có Thơ không có nhà thơ nào tài hoa bằng Nguyễn Du!
*
1975 đến rồi đi, 1976, 1977 nặng nề, thê thảm tới... Năm mòn, tháng mỏi, thời gian úa... Trong căn nhà không có mùa xuân...tôi giở những quyển sách cũ ra đọc lại.

Đọc nhiều quá, có những lúc tôi đọc cả chục trang để khi buông quyển sách xuống tôi không biết, tôi không nhớ tôi vừa đọc gì – tâm trí cũng như dạ dầy mỗi ngày chỉ chứa đựng, chỉ thâu nhận được một lượng thức ăn nào đó – nhưng vì không có việc gì để làm, tôi cứ nằm đọc sách suốt ngày, suốt đêm; ngày nằm đọc và ngủ lơ mơ, đêm trằn trọc không ngủ được hoặc ngủ thiếp đi trong mệt mỏi rã rời cả hồn và xác.

Những lúc tương đối đỡ khổ nhất trong ngày của tôi là khoảng thời gian từ mười, mười một giờ tối cho đến một, hai giờ sáng, khi cư xá trong có căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi yên ngủ, khi trẻ con không còn tụ tập trước cửa nhà, khi người lớn tạm ngưng những ồn ào, tôi được nằm trong giường, trong mùng, bật ngọn đèn đọc những trang sách cũ, cạnh tay có mấy điếu thuốc lá do tôi vấn lấy; lúc ấy là lúc tôi thấy tôi còn được sống. Một chiều buồn gặp nhau, Mai Thảo nói:
—  Tao chỉ mong đêm tới cho tao được ngủ.

Có những đêm trời Sài Gòn đổ mưa lớn, mưa trút nước ào ào xuống thành phố, tôi bồi hồi nhớ lại những đêm mưa mười, mười lăm năm trước – những năm 1960 – khi ông bố tôi còn sống, vợ chồng tôi đuợc sống chung một nhà với thầy mẹ tôi và các em tôi. Thời gian ấy quốc gia ta thanh bình, tôi làm việc trong tòa soạn nhật báo Sàigònmới, tôi viết tiểu thuyết cho nhật báo Ngôn Luận, các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Phụ Nữ Ngày Mai, những đêm xưa ấy gần như đêm nào tôi cũng đi chơi khuya về – về nhà sớm nhất là mưòi, mười một giờ đêm – tắm, mặc bộ quần áo ngủ thơm mùi nắng, ủi thẳng nếp, vào giường nệm gối trắng tinh với những tập báo Mỹ, Pháp, nằm đọc, hút năm bẩy điếu Lucky, Philip trước khi ngủ, nghe tiếng mưa rơi rào rào trên thành phố, biết rằng cha mẹ, các em, vợ con tôi đang ngủ yên, đang bình an ngay cạnh tôi, tôi trôi vào giấc ngủ êm đềm với niềm tự hào mình bảo vệ được những người thân yêu, ngủ để sáng mai dậy đến tòa soạn làm công việc tôi thích làm như đó là chuyện tự nhiên nhất đời, như suốt đời tôi sẽ an ninh, sẽ êm đềm như thế. Những đêm ấy tôi biết là tôi sung sướng. Những đêm u buồn, tuyệt vọng 1976, 1977 này tôi lại càng thấy những năm 1960, 1961 tôi sống sung sướng, hạnh phúc đến chừng nào.

      HOÀNG HẢI THỦY
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top