Hoàng Chính, , Mùa Giáng Sinh Xưa

Hoàng Chính



Mùa Giáng Sinh Xưa
Bao nhiêu năm tháng qua đi, tôi vẫn nhớ hoài mùa Giáng Sinh xưa,
khi tôi mười sáu tuổi, cái thời phép lạ còn xảy ra, một đôi lần.


“Con có thực lòng tin không?”
Mỗi lần tôi kỳ kèo với Chúa qua cha xứ, vị đại diện của ngài trong cái khung xứ đạo ở trần gian, thì cha xứ lại hỏi tôi câu ấy, và bao giờ tôi cũng quả quyết, “Thưa cha, có. Nhưng Chúa không nhận lời con.”
“Vì đức tin của con còn yếu.”
“Đức tin của con mạnh hơn bao giờ hết.” Tôi nói, chắc như những nhát búa quân lính La mã đóng vào cổ tay Chúa gần hai ngàn năm trước.
“Chúa chỉ lắng nghe những lời nguyện cầu chính đáng.”
Tôi nắm chặt cổ áo mình, “Lời cầu xin của con vô cùng chính đáng.”
“Chúa sẽ nhận lời.”
Tôi buông cổ áo mình ra, “Thưa cha, con phải chờ bao lâu?”
“Nhiều khi Chúa thử thách con người đến năm, mười năm.”
“Chúa ơi!” Tôi lại nắm chặt cổ áo và rên lên khe khẽ. Chắc cha xứ nghe được. Cũng may mà cha xứ không nói Chúa đôi khi thử thách cả một đời người. Tôi cố săm soi, nhìn qua tấm màn mỏng ngăn đôi phòng giải tội nhưng chỉ thấy lờ mờ một đầu tóc bạc phơ. Tôi hình dung những nếp nhăn trên vừng trán rộng giãn ra, đôi mắt mệt mỏi sau lớp kính cận dày nhướng lên, và lằn môi khô đang vạch một khóe cười nhân hậu.
“Con đừng lo. Bao giờ Chúa cũng lắng nghe những lời cầu nguyện chân thành và cuối cùng Chúa sẽ nhận lời.”
“Lúc đó muộn mất rồi!” Tôi thở than như đứa bé xa nhà chờ hoài một cánh thư không bao giờ gửi đến.
“Con cầu xin điều gì?” Giọng cha xứ trầm, đục.
Tôi lúng túng, “Thưa cha... thưa cha...”
“Hãy xin thì sẽ được.” Cha xứ gỡ rối cho tôi. “Lời dạy của Chúa, con còn nhớ không?”
“Vâng, con nhớ.” Tôi nhanh nhảu.
“Vậy thì con xưng tội đi.”
Mười lăm tuổi, tôi không còn phá phách, nghịch ngợm trèo lên mái nhà cha xứ, bắt mấy con chim sẻ nhỏ. Không tinh quái dán chữ bậy bạ lên lưng áo bạn bè. Không trốn lễ, đi chơi, tụ tập trong hẻm chia nhau điếu thuốc lá đầu lọc lấy trộm được của bố. Không đi nói dối cha về nói dối chú như lũ bạn cùng trang lứa. Tôi chỉ có một tội, cái tội kéo tôi xuống hỏa ngục nếu không được thứ tha.
“Xưng tội đi con.” Cha xứ nhắc.
“Con đã rước mình thánh Chúa khi chưa xưng tội.”
Cha xứ bàng hoàng, “Sao vậy con?”
“Vì...” tôi bối rối.
“Vì sao?”
“Con... quên.”
Phép lạ. Đức tin chở được núi. Có ai tin chuyện đó không? Riêng tôi, tôi tin. Mặc dù chưa bao giờ thấy chuyện núi non đổi dời. Niềm tin ấy trọn vẹn như bông hoa nở đầy mùa xuân chín. Trái tim tôi là cả một khoảng xanh bao la của mùa xuân. Và một lần kia niềm tin nở hoa rực rỡ trong không gian, nồng nàn hương sắc. Thảm cỏ mùa xuân, rụt rè những bước chân. Người ấy. Nguồn suối mộng mơ. Cội rễ của yêu thương. Buổi tối hôm lễ Giáng Sinh, tôi chờ hoài ở gác chuông nhà thờ xứ đạo. Tiếng chuông ngân nga. Đêm an bình. Chúa giáng trần trong băng giá năm xưa. Hạnh phúc có giáng sinh trong máng cỏ lòng tôi đêm tràn đầy ân sủng này không?
“Ơi, người!” Tôi thầm gọi. Và tôi nài nỉ đấng thiêng liêng cho tôi biết nhà người ấy; cái người tóc thả, vai ngoan.
Những giáo dân ngoan đạo lác đác đi đến giáo đường. Tôi ngoan đạo không mà đến nhà thờ từ khi chưa đổ hồi chuông thứ nhất? Những vì sao lấp lánh trên mảnh lụa đen của đêm tháng Chạp. Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu. Mười lăm tuổi đầu, đã biết gì chuyện yêu đương mà bày đặt mơ tưởng. Nhưng tôi vẫn hát thầm bài thơ phổ nhạc của ai đó. Con quỳ lạy Chúa trên trời. Tờ thư trong túi áo. Đêm nay tôi thực hiện một thí nghiệm quan trọng. Tôi sẽ còn là con chiên của Chúa hay không là do tối hôm nay.
Tôi đã cầu nguyện không biết bao lâu trong giáo đường những sáng lễ tinh mơ, những chiều kinh muộn màng. Tôi gian nan vất vả. Người con gái ngoan đạo ấy có bao giờ nghĩ đến tôi không? Giáo đường, cõi bình an, nơi tôi chìm đắm trong những bài thánh ca du dương, rêu rao những kinh cầu ngợi ca Thượng Đế. Biết rồi Thượng Đế có nghe thấy những lời cầu xin thoang thoảng như trầm hương trong gió?
Người con gái tóc xõa ngang vai. Áo dài trắng đôi tà phủ kín hai bàn chân guốc mộc. Người cung kính đi lên bàn thờ rước mình thánh Chúa. Tôi cuống quýt đi theo. Nhà thờ Công Giáo phân biệt rõ ràng. Nam bên phải, nữ bên trái. Xứ đạo tôi quê mùa, cổ kính. Cha xứ còn sót lại của thời Pháp thuộc. Nam nữ thọ thọ bất thân. Người ấy lên rước bánh thánh, tôi cuống quýt đi theo. Đi lạc cả sang phía đàn bà, hoảng hốt, chạm vào cả đám áo dài trắng tinh khôi. Hương bồ kết lâng lâng, mùi vải mới chập chùng những lời ru.
Tôi bàng hoàng, lâng lâng, khốn khó.
Tiếng ai đó gọi khẽ. Bàn tay sắt nguội kéo lấy tôi. Tôi bừng tỉnh. Bàn tay kéo tôi về bên phải, phía của đàn ông. Bàn tay giúi tôi xuống, đau nhói cái cổ mềm; bàn tay cứng hơn gỗ đá. Tôi quay lại, bắt gặp đôi mắt nghiêm khắc của ông quản già, người coi sóc thiếu nhi trong xứ đạo. Đôi mắt có những đường gân máu nhìn tôi, như nhìn một con chiên đi lạc. Bàn tay ấy ấn tôi xuống bục quỳ chịu lễ. Khi quỳ yên trước bàn thờ, tôi sực nhớ mình chưa xưng tội. Hình ảnh người con gái loáng thoáng trong mắt nhìn.
Người tóc thả thánh thiện, cao xa. Người thiên thần có đôi cánh mềm mênh mang trầm hương dâng hiến. Tôi phạm tội chỉ vì mê một người con gái. Tôi rước mình thánh Chúa khi lòng còn vướng tội trần gian. Ngay từ thuở có trí khôn, tôi đã hiểu rằng phải giữ tâm hồn trong trắng, phải được tha thứ mọi tội lỗi trước khi được phép lên bàn tiệc thiêng liêng. Khi miếng bánh thánh tan mềm trong miệng, tôi thầm cầu xin ơn lành, cho người ấy và cho tôi. Chúa sẽ vì người thùy mị, ngoan hiền mà tha cho tôi cái tội gán ghép hình ảnh một người con gái vào những lời cầu kinh. Và tôi xin Chúa cho tôi quen được người, cho tôi biết nhà cái người tóc thả vai ngoan.
Cái tội rước mình thánh Chúa lúc lòng không trong sạch ấy đâu phải lỗi tại tôi. Vậy nên lúc cha xứ hỏi vì sao, tôi đã chối biến rằng tôi quên.
Sau buổi lễ là phần phát bằng khen cho những thiếu nhi ngoan đạo. Cha xứ gọi cho tôi một cái tên. Ngỡ ngàng tôi biết bao nhiêu. Người áo trắng rụt rè lên nhận tấm bằng khen. Vậy là tôi biết một cái tên. Tên của người ấy. Từ hôm ấy, tôi có cái tên quen cho những kinh nguyện, sớm chiều.
Đó là lần thứ nhất Chúa nhận của tôi một nửa lời nguyện cầu. Phép lạ đầu đời, năm tôi mười lăm tuổi.
Sau hôm ấy, tôi tin vào phép lạ. Tôi tìm trong Kinh Thánh những đoạn nói về đức tin, về phép lạ. Hãy về đi, em con sẽ sống lại. Chuyện kể trong Kinh Thánh. Xóm nhỏ, như xóm đạo của tôi. Người phụ nữ vật vã bên quan tài đứa em trai. Nghe tin Chúa đang rao giảng tin mừng trong thị trấn, chị tất tả đến xin cho em mình sống lại. Chúa bảo em con sẽ sống lại. Chị lắc đầu con biết em con sẽ sống lại ngày tận thế. Người thiếu phụ cũng ngoan đạo như tôi, bởi chị biết trong ngày phán xét ấy, mọi người đều sống lại, cả tôi và, để nhìn lại những gì mình đã dành dụm hay phung phí trong cuộc đời. Niềm tin của người thiếu phụ đã giúp người em trai chết đã ba ngày, sống lại. Năn nỉ hoài, Chúa cũng phải xiêu lòng. Người thiếu phụ trong Kinh Thánh ngày xưa đã nghe lời Chúa nhắn nhủ, đã tin, và đã được. Hãy tin thì sẽ được. Xưa nay tôi chẳng cầu xin điều gì. Nhưng lễ Giáng Sinh năm ấy, tôi xin Chúa một phép lạ nhỏ nhoi. Không như việc làm kẻ chết sống lại, hay cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi. Tôi chỉ xin có được người ấy như một người yêu bé nhỏ trong đời.
Và cả năm trời tôi ngoan đạo, có ai biết chăng cũng nhờ hình bóng một người con gái.
Tôi không biết nhà người ấy. Mười lăm tuổi, tôi không đủ gan dạ đi theo một người con gái lúc tan lễ. Xứ đạo nhỏ bé. Tuổi mười lăm, tôi biết sợ tiếng xì xào thường bò lan theo những ngõ quanh khuất nẻo hai bên viền dầy khóm cây dâm bụt hay loài hoa cứt lợn (có phải đó là tên thật của loài hoa nhỏ như những vẩy móng tay, đủ mầu sắc, thời còn nhỏ chúng tôi hay kết vào nhau thành vương miện?) Tôi ngại những cái gật đầu, những cái nháy mắt đầy ẩn ý, tôi thù những câu chua chát, mỉa mai bò lan trên môi mép dân gian. Thế nên tôi chỉ biết viết tên người ấy lên đầu mỗi trang vở học, lên cuối mỗi chương cuốn kinh bổn tôi nâng niu. Đêm Giáng Sinh năm ấy, tôi cầu xin một phép lạ: cho tôi quen người ấy trước khi tôi người ta quen bất kỳ đứa con trai nào khác.
Đêm Thánh. Chuông giáo đường ngân nga. Tôi đứng bên ngoài khung gió, trên những bậc xi măng cứng lạnh, tờ thư xếp vuông vắn nhét trong ngực áo trái. Ở đó, trái tim đập những nhịp sôi nổi. Lễ nửa đêm xong, tôi sẽ theo người ta, nhất định thế. Theo cho tới một khúc quanh vắng vẻ, nơi cây bàng cằn cỗi như người lực điền già nua gân guốc, vươn những ngón tay khẳng khiu lên bầu trời ru lũ ve sầu ỉ ôi suốt những ngày mùa hạ. Nơi ấy, tôi sẽ trao lá thư cho người con gái. Tôi sẽ lì lợm; (trời ơi, tôi có dám lì với người ấy không!) sẽ nằm vạ trên đường nếu nàng không chịu nhận thư.
Vậy mà cuối cùng tôi cũng không trao được tờ thư cho người mình thầm thương. Mười lăm tuổi. Học đệ tứ, biết gì chuyện yêu đương. Tôi chỉ dám dùng chữ “thương” khi nghĩ tới người ấy. Trời ơi, tôi thương nàng; thương đến độ dối cha, dối mẹ. Lễ xong, tôi chờ miệt mài ở những bậc thang ngoài cửa nhà thờ. Người ấy còn thì thầm bên hang đá. Cầu nguyện gì thế nhỉ. Có tôi trong những kinh nguyện ấy không?
Sau cùng người cũng ra về. Áo dài trắng đôi tà vờn bay trong gió. Tôi mắt trước mắt sau. Tôi bồng bềnh trong gió. Tôi thương chiếc áo người ấy đang mặc, thương chiếc bandot người ấy cài trên tóc và thương luôn đôi guốc mộc người ấy xỏ dưới chân. Tôi ghen với chúng và tôi sẵn sàng đổi tất cả mọi thứ để được là áo, khăn, dép guốc của người. Tôi đặt tay lên ngực để biết chắc tờ thư còn trong túi áo (hay để đè nén nỗi xôn xao?) Nhưng Chúa đâu có nghe lời nguyện cầu của tôi. Tan lễ nửa đêm, người ấy về với mẹ và một cô gái nhỏ (cháu hay em?). Cô bé áo hoa vàng tung tăng những bước nhảy lò cò trên sân gạch. Tôi lủi thủi bước đi trong sương lạnh, như một oan hồn chưa thoát cõi trầm luân.

Mùa Giáng Sinh qua đi. Tôi lớn thêm một tuổi. Tay chân như dài ra. Giọng nói trầm hơn. Những sợi lông măng chen nhau mọc dầy quanh mép. Tôi tập tành để râu. Tôi đàn, tôi hát một mình. Và tôi làm thơ vẽ vời chuyện tình với người con gái xứ đạo. Tết đến. Mùa hạ qua. Những ngày hè rong chơi. Chiến tranh ở đâu đó trong những bản tin chiến sự, trong những đoạn phim thời sự trắng đen. Thằng bạn có người anh chết trận. Lá cờ phủ quan tài óng lên cái mầu tê bại cảm quan. Những người lính bồng súng chào. Thằng bạn khác có người anh mất tích. Pleiku, hay Plei-me. Những đồi trà ngát xanh và rừng cà phê trong câu chuyện kể lại xa hút tầm mắt. Tôi bước dần về phía cổng những quân trường. Thằng bạn lớn hơn vài tuổi đi trình diện nhập ngũ. Tôi đặt quê hương vào kinh nguyện. Và tôi vẫn còn người ấy trong những lời cầu xin ăm ắp mộng mơ.
Chúa ơi, làm cách nào để người ấy thương con.
Chiến tranh khốc liệt lắm rồi, tôi làm sao chờ được. Sáng nào tôi cũng ngóng người tóc xõa vai ngoan lên rước mình thánh Chúa. Trang nghiêm, hiền lành như con chiên nhỏ. Tôi bên dưới, bồi hồi chiêm ngưỡng mà mơ tưởng đến những khoảng xanh của trời, những mênh mông của đồng cỏ thênh thang hoa bướm, những hẹn hò ngây ngất, những đưa đón mang mang.
Tôi khám phá thêm một điều; một điều không vui. Người ấy bao giờ cũng đi nhà thờ với mẹ. Tôi mong cho mẹ người ta đau ốm, nằm liệt giường ít lâu. Chả dám mong bà chết (đám tang dù có cả xứ đạo đi đưa, dù có ca đoàn hát cho nghe giờ hạ huyệt, dù có cha xứ vẩy nước thánh, ban phép lành, cũng vẫn là điều không ai mong ước,) chỉ cần bà đau ốm ít hôm. Người ấy đi nhà thờ một mình, tôi sẽ trao cho người tờ thư; tờ thư tôi mang trong người không biết bao lâu (đúng ra là lá thư thứ nhì. Lá thư đầu giấu trong túi áo, mẹ tôi sơ ý đem giặt, chỉ còn lại một cục dính queo vào nhau, nhưng tôi còn giữ đến bây giờ.) Nhưng mẹ của người ta không bao giờ đau ốm. Hơn một năm trời tôi mới chỉ biết được cái tên của người con gái. Đến bao giờ tôi mới cầm được những ngón tay ngoan.
Nên niềm tin vào Thượng Đế của tôi dần phai.
***
“Con có thực lòng tin không?”
“Thưa cha, có. Nhưng Chúa không nhận lời con.”
“Vì đức tin của con còn yếu.”
“Đức tin của con mạnh hơn bao giờ hết.”
“Chúa chỉ lắng nghe những lời cầu xin chính đáng.”
“Lời cầu xin của con vô cùng chính đáng.”
“Chúa sẽ nhận lời.”
“Thưa cha, con phải chờ bao lâu?”
“Nhiều khi Chúa thử thách con người đến năm, mười năm.”
“Chúa ơi!”
“Con đừng lo. Chúa lắng nghe những lời cầu nguyện chân thành và Chúa sẽ nhận lời.”
“Lúc đó muộn mất rồi!”
“Con cầu xin điều gì, cha có thể biết được không?”
“Thưa cha... thưa cha...”
“Hãy xin thì sẽ được. Lời dạy của Chúa, con còn nhớ không?”
Cái điệp khúc tôi ca đi ca lại hoài với cha xứ mỗi lần vào quỳ trước tòa giải tội.
***
Tôi mệt mỏi với những lời cầu kinh quen thuộc. Sau mỗi lần thì thầm với cha xứ trong tòa giải tội, tôi lại bước xuống thấp hơn một bậc trong những lời nguyện xin. Tôi chỉ mong được biết nhà người ấy mà không phải lẽo đẽo theo về sau mỗi lần tan lễ. Chúa không nghe lời cầu xin chân thành của những thằng bé mười sáu tuổi. Hay tại tôi không có tiền bỏ vào cái hộp gỗ phía chân tượng Đức Mẹ để làm mặn mòi thêm những lời cầu nguyện trẻ con.
Chủ Nhật đầu mùa Vọng - mùa của mong chờ, mùa thế gian kêu cầu “trời cao hãy đổ sương xuống,” trong những bài thánh ca - tôi trốn lễ, ôm nỗi buồn trẻ con, ngồi chôn trong xó tối con ngõ cụt đầu nhà thờ. Bọn thanh niên tụ tập, những đầu điếu thuốc đỏ rực theo từng hơi rít. Chắc không ai biết có tôi ở đó. Tôi co mình trong bóng tối, mặc tiếng xì xào lọt qua tai.
“Đốt xong, có mười ngàn xài chơi.”
Giọng đàn ông nhừa nhựa, như được tẩm bằng lớp keo lỏng. Mùi thuốc lá thoảng bay trong gió. Tôi bóp miệng chặn cơn ho. Những cái đầu lố nhố cách tôi không tới vài bước chân.
“Tao sợ.”
“Sao phải sợ. Mày canh chừng, tao đốt cho.”
Những ngày tao loạn đã đem lại ít nhiều xáo trộn cho xứ đạo. Bọn đầu trộm đuôi cướp. Những con chiên ghẻ của xóm làng. Chắc lại nghịch ngợm đốt mấy đống lá khô rồi bỏ chạy như vẫn làm.
“Ai thấy thì bỏ mạng!”
Chẳng có gì quan trọng. Bọn ăn không ngồi rồi. Tôi không thèm để ý.
“Đêm Noel mọi người đi lễ nửa đêm hết mẹ nó rồi! Chịu đi, tao chia mày ba ngàn.”
Tiếng bẻ ngón tay rồm rộp.
“Chịu không?”
“Nhà nó ở đâu?”
“Trời ơi, nhà con bé ấy mà mày không biết nữa sao!”
Tai tôi ù đi như lần nghe trái đạn pháo kích nổ bên sân nhà hàng xóm. Mắt tôi hoa đi theo những ngọn đèn lồng đu đưa trong gió. Có được bao nhiêu người con gái trùng tên với người ấy trong xứ đạo của tôi. Tôi lắc đầu, cố xua những ám chướng, yêu ma như những tơ nhện bám đầy trên tóc.
“Nhưng tao không hiểu...”
“Không gả con gái cho nó thì nó đốt nhà, có mẹ gì mà không hiểu.”
“Nhà con bé ấy ở đâu?”
Vậy là tôi biết nhà người ta. Đó là lần Chúa nhận thêm của tôi một nửa lời cầu xin cho tròn cái phép lạ đầu đời, ngày tôi mười sáu tuổi.
Đêm Noel, tôi hăng hái đón đường người ấy, toan báo cái tin chẳng lành. Thấy bóng người con gái, tôi thu hết can đảm xăm xăm đi về phía tà áo trắng vờn bay, có biết đâu cái bà áo già áo gấm đi bên cạnh, trong cái đám đông những con chiên ngoan đạo kia lại là mẹ nàng (trời ơi, người ấy còn đi với mẹ tới bao giờ!) Tôi đứng sựng lại một giây. Con mắt người đàn bà xuyên qua lồng ngực gã thiếu niên. Con mắt cháy lửa địa ngục, nơi những linh hồn tội lỗi bị giam cầm (có tôi trong đó không?) Tôi bủn rủn tay chân. Người ấy líu ríu đi sát vào mẹ. Tôi nhìn vào khoảng trống lấp lánh sao trời. Những vì sao chóng mặt, muốn rụng ra khỏi bức màn đen thẫm mầu của đêm tháng Chạp.
Cách một khoảng xa, tai tôi vẫn còn nghe được cái giọng người đàn bà sắc như vỏ mía. “Con cái nhà nào mà mắt trước mắt sau, như quạ vào chuồng lợn.”
Giáng Sinh năm ấy, lần đầu tiên tôi bỏ lễ nữa đêm. Con ngõ dẫn vào nhà người ấy khóm hoa giấy xào xạc. Trời trong, lấp lánh ánh sao. Những chiếc đèn ngôi sao đu đưa trong gió nhẹ. Đèn mầu chớp tắt quanh những hang đá xinh xinh trong những ngôi nhà xóm nhỏ. Tôi ngồi hoài trên bậc thềm xi măng lạnh lẽo. Cái lạnh bò trên da, lòng lâng lâng cánh diều bồng bềnh trong gió. Tôi làm người canh gác đêm sương, tôi giữ nhà cho niềm vui của người ta trọn vẹn; cho Đêm Thánh vô cùng.
Đêm Thánh ấy vô cùng, bởi đám đầu trộm đuôi cướp ôm bình xăng lảng vảng trước nhà cô gái tôi yêu thầm, nhớ trộm, lần nào cũng thấy một chiếc bóng ngồi bó gối trên bậc thềm.
Đầu mùa xuân, tôi khăn gói vào Sài Gòn trọ học. Lần đầu tiên xa nhà, tôi quay mặt giấu đi những giọt nước mắt con trai. Mẹ dựa sát vai bố, âm thầm lau nước mắt. Những đứa em mất hết cái vẻ hồn nhiên, lí lắc hằng ngày. Những con mắt ướt mèm, những bờ má hoen nước mắt. Những đứa bạn ấu thời bỗng dưng khôn lớn. Nghiêm trang, lặng lẽ. Bao nhiêu lời dặn dò, bao nhiêu ánh mắt thân yêu.
Chỉ thiếu một người.
Chiến tranh kéo lũ bạn cùng trang lứa vào cái vòng lửa đạn. Tôi lớn cùng với chiến tranh. Chiến tranh và tôi đuổi bắt nhau. Tôi sống sót, hai mươi mấy năm sau. Bao nhiêu bạn bè tôi bị chiến tranh bắt kịp.
Bao nhiêu năm tháng qua đi, sao tôi vẫn nhớ hoài mùa Giáng sinh xưa, khi tôi mười sáu tuổi, cái thời phép lạ còn xảy ra, một đôi lần.

Hoàng Chính


 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top