Đoàn Xuân Thu , Đầu dê; thịt chó?

Đoàn Xuân Thu

Đầu dê; thịt chó?

Tiến sĩ Huỳnh Công Tín nguyên là giảng viên bộ môn Ngữ văn ở Đại học Cần Thơ, hiệu trưởng Đại học Võ Trường Toản, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Đó là học vị, học hàm, học tùm lum. Đó là chức danh nghề nghiệp: giảng viên, hiệu trưởng, chức tùm lum.

Tiến sĩ Huỳnh Công Tín là phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam, nói nôm na, ông còn là nhà báo. Nhà báo thì ông báo cái giống gì hè? Thì trong cuốn Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007, ông giải nghĩa cho dân ngu dốt như tui tức cười (cười vì tức) thiếu điều muốn té ghế, như thế nầy nè: Trang 894, ‘nhà báo’ danh từ, nghĩa bóng, là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình. Ông bèn đưa ra một câu thí dụ: “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu”.
Theo thiển ý của tui: Đó là một cách cắt nghĩa bá láp. Nếu cho rằng đùa thì ông nên đem vào từ điển về tiếng lóng (slang). Chớ lượm được bất cứ cái gì trôi nổi ngoài chợ trời, ngoài chợ đời cũng đem nhét vô cuốn từ điển của mình thì đâu có được nè.
Theo tui, khi đã dám học gồng soạn từ điển thì phải chấp nhận sự phê bình của thiên hạ. Phê trật thì mình viết bài tranh luận cho nó rõ ngô khoai. Phê trúng thì mình cám ơn; mình học để lần tái bản mình sửa lại tác phẩm của mình càng lúc càng ít lỗi hơn.



Tiến sĩ Huỳnh Công Tín và Tự điển Từ Ngữ Nam Bộ  

Năn nỉ đừng ‘chơi’ tao, sau khi khiêm tốn, nổ ầm ầm như đẻ ở Trảng Bom? Tui e ‘Ba Ke hai nút’ nó đâu có nín khi thấy ông tiến sĩ giành cái thành ngữ có cầu chứng tại tòa là: “Chúng mầy có biết ông là ai không”? Vậy là đồng chí của tao mà nó chơi tui đem ông Tiến sĩ nhà ta ra dợt cho lên bờ xuống ruộng.
Thấy chúng bề hội đồng ông vui quá xá nên tui cũng nhào vô ké vài ba cái đạp.
Tui thấy trang 433, từ mục ‘dân biểu’, danh từ, người được bầu vào cơ quan dân cử (Quốc hội) thời thực dân Pháp hoặc chánh quyền Sài Gòn trước 1975. “Ngày trước ông có ra ứng cử dân biểu Hạ viện hay Thượng viện gì đó; nhưng mà rớt”.
Tiến sĩ Huỳnh Công Tín không đề trích của ai nên tui cho rằng do chính ổng viết. Hồi thời thực dân Pháp làm gì có Dân biểu? Chỉ có Nghị viên (nghị Hách trong tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng). Làm gì có chánh quyền Sài Gòn? Chỉ có chánh quyền VNCH. Thượng viện thì gọi là Thượng nghị sĩ, ra ứng cử theo liên danh 10 người, chớ Dân biểu bao giờ?
Rồi ở trang 558, ông Tiến sĩ ghi là từ mượn ‘Giấy bu lia’? Lạ quá, tui mới đọc lần đầu. Chớ xưa giờ, tui gặp chữ ‘pơ luya’ gốc tiếng Pháp là ‘pelure’ không hè.

Nói nào ngay, khi sức chưa tới mà dám xăm mình soạn cuốn từ điển này, biết trước sau gì cũng bị búa rìu dư luận nên Tiến sĩ Huỳnh Công Tín xuống nước nhỏ trước: “Tôi ra đời và lớn lên ở Nam Bộ, vốn nặng tình với vùng đất sinh ra ông bà, cha mẹ mình và tiếng nói của người dân quê hương, nên đã làm điều có phần quá khả năng. Xin bạn đọc lượng tình xem đây như một việc thể hiện tấm lòng đối với bà con ruộng vườn sông nước.”
Rồi trang kế, Tiến sĩ Huỳnh Công Tín cho in liền lời giới thiệu của nhà văn Sơn Nam để dựa hơi. Tui thấy từ điển là cuốn sách để tham khảo thì dùng chữ nhà biên khảo nó chánh xác hơn là nhà văn Sơn Nam. Và tui cũng nghĩ đây không phải là lời giới thiệu. Giới thiệu sách là phải nói về cuốn sách đó phải không nào? Đây chỉ là vài suy nghĩ vụn vặt nhà biên khảo Sơn Nam nói về cách soạn một cuốn từ điển mà thôi.
Ông Sơn Nam trích câu hát ru em: “Ru em em théc cho muồi. Để mẹ mua bánh chợ Truồi em ăn.” Ông Sơn Nam kể: Tui nghĩ ‘théc cho muồi’ là ngủ cho say. Nhưng bà ở Huế kế bên nhà giải thích: “Théc là khóc, đứa bé théc là khóc lớn tiếng. Ở Sài Gòn và ở rừng U Minh, đã quen với 2 tiếng ‘khóc théc’.
Dạ tui tự hỏi: “Théc hay thét?” “Thét là: quát, mắng, kêu to, v.v. khi tức tối, căm giận ai’. Thí dụ: sợ quá khóc thét lên; tiếng thét căm hờn. Thú thiệt nhỏ lớn tui chưa thấy ai viết ‘théc lớn’ bao giờ?
Rồi ông Sơn Nam viết: “Lại còn nhiều chữ mà ở trong Nam Bộ rõ ràng là nói sai, viết sai thí dụ như ở trong bài ‘Dạ cổ hoài lang’ của ông Sáu Lầu, Cao Văn Lầu hát bài nghĩa ‘tàu khang’ nhưng trên sách vở thì ghi là ‘tao khang’  (tao khang chi thê bất khả lạc đàng). Nhưng tui lại thấy có tài liệu nói là: “Tao khang chi thê bất khả hạ đường’’. Không có chữ ‘lạc đàng’.
Rồi ca dao cũng có câu: “Ai xui rã chút duyên kim cải. Ai khiến rời chút ngãi tào khang…” Hoặc “Một lời đã hứa tào khang/Trăm năm ghi tạc nghĩa chàng, chàng ơi!” Nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu: “Tin nhà ngày một vắng tin/Mặn tình cát lũy, lạt tình tao khang”.
Tao khang là từ thành ngữ ‘tao khang chi thê’, chỉ người vợ từng chung cảnh nghèo khổ, hai vợ chồng cùng ăn cám bã thuở hàn vi. Tui thấy viết ‘tàu khang’, ‘tào khang’, ‘tao khang’ cũng được tuốt, chả có gì sai. (tùy cách phiên âm qua tiếng Việt).
Cuối bài báo, ông Sơn Nam còn ‘đá khéo’ thằng nhỏ điếc không sợ súng là: “Chữ nghĩa quả thật là gánh nặng dành cho thế hệ trẻ”
Câu nầy thì tui đồng ý với ông Sơn Nam. Muốn soạn một từ điển là phải có hàng trăm chuyên gia về đủ mọi lãnh vực của học thuật. Sức của Tiến sĩ Huỳnh Công Tín vác không nổi ‘Phương ngữ Nam Bộ’ đâu!
Tiến sĩ Huỳnh Công Tín sao nỡ lòng nào đi dụ khị bà con mình (trong đó có cả tui vì trót say mê cái tiếng, cái chữ quê mình nên bỏ ra tới 50 đô Úc mua sách của ông). Mất tiền cũng chưa tức bằng cảm giác mình bị ổng xí gạt bằng cái tựa ‘Từ điển Từ ngữ Nam Bộ’ Đúng là treo đầu dê bán thịt chó đó bà con ơi!
ĐXT
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top