Đinh Từ Thức, Sự Thật Về Vụ Án Galilei

Sự Thật Về Vụ Án Galilei

Đinh Từ Thức




Cho đến khi có dịp viếng thành phố Florence bên Ý, tôi đã tới vương cung thánh đường Santa Croce, nơi có mộ Galileo Galilei, rồi tìm hiểu thêm, mới vỡ lẽ những điều nghe nói từ trước về nhà bác học này, chỉ là thứ “đồ thuyết” mà thôi. Vì ông Galilei không bao giờ bị kết án tử hình, và không bao giờ phải lên giàn thiêu.
Ðinh Từ Thức

Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 06/11/2005, trích đăng bài nói chuyện của TS Lê Đăng Doanh với các cán bộ ở Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Uơng. Diễn giả đã khuyên các bạn trẻ:
“Các bạn hãy có dũng khí của nhà khoa học, tìm kiếm sự thật, tôn trọng sự thật, nói lên sự thật. Nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã nói: ‘Khuất phục trước quyền lực là kẻ thù của chân lý’. Nhà bác học Galilei dẫu lên giàn thiêu cũng vẫn nói lên chân lý trái đất quay chứ không nói khác được”. Rồi sau đó, ông khuyên tiếp: “Cần hết sức tránh ‘kiến thức nửa mùa’ theo kiểu các cụ gọi là ‘đạo thính, đồ thuyết’ (học lỏm, nghe trộm), thiếu chính xác, không có hệ thống”.

Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh là kinh tế gia hàng đầu của Việt Nam, từng là cố vấn kinh tế cho nhiều đời tổng bí thư, và là cựu viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Uơng. Ông được dư luận hải ngoại nể trọng do thái độ nói thật, nói thẳng của ông qua những nhận xét về hiện trạng Việt Nam. Qua buổi thuyết trình trước các nhân vật cao cấp của chế độ vào ngày 2-11-04, ông đã nói những điều hầu như chưa có nhân vật cao cấp nào dưới chế độ cộng sản nói ra từ trước. Ví dụ, Đảng Cộng Sản vẫn lấy lý do cần duy trì ổn định để hạn chế tự do, trong khi ông nói: “Cái chuyện ổn định chính trị thì chỉ nơi nào độc đảng, độc tài thì cái ổn định chính trị đối với nó là quan trọng. Chứ còn những nước dân chủ rồi thì nay thằng này lên, mai thằng kia lên, kinh tế vẫn hoạt động bình thường, bởi vì khung khổ pháp luật đã bình thường rồi”. Ông còn nói rằng: “Chúng ta nên biết điều. Ta không nên lớn giọng dạy bảo thiên hạ, không nên xưng là làm đòn bẩy cho thế kỷ, rồi là làm xung kích cho lịch sử, vân vân và vân vân”.

Những gì viết ra trong bài này, chỉ muốn góp phần theo lời kêu gọi của ông để tránh những hiểu biết thiếu chính xác. Ngoài ra, một người hiểu rộng như TS Lê Đăng Doanh còn nghĩ rằng ông Galilei phải lên giàn thiêu, chắc là có nhiều người cũng nghĩ như vậy. Hơn nữa, vụ án Galileo Galilei là một phiên toà điển hình giữa tự do và chuyên quyền, giữa bảo thủ và cấp tiến, giữa thần quyền và thế quyền, giữa tín điều và khoa học, giữa người công chính và nhũng kẻ ghen ghét…, một vụ án tuy đã bốn thế kỷ, nhưng hậu quả vẫn còn dây dưa tới ngày nay, và nhất là vẫn còn vẻ quen thuộc với hiện trạng Việt Nam, nên có dịp nhắc lại, hy vọng cũng không vô ích.

Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam, trong số có người viết bài này, hồi nhỏ học địa dư, đã được thầy giáo kể cho nghe gương bất khuất của nhà bác học Galilei, rằng ông là người đầu tiên đã đưa ra thuyết trái đất xoay quanh mình nó và chuyển động quanh mặt trời, trái ngược với thuyết cũ là mặt trời đi vòng quanh trái đất, khiến ông phải ra toà, bị xử tử vì không chịu từ bỏ lý thuyết của mình. Cho đến khi đứng trên giàn hoả, sắp chết mà vẫn dõng dạc tuyên bố: “Trong khi các người giết tôi, thì trái đất vẫn quay”.

Không thể quên được gương anh hùng sáng ngời trên đây, cho đến khi có dịp viếng thành phố Florence bên Ý, tôi đã tới vương cung thánh đường Santa Croce, nơi có mộ Galileo Galilei, rồi tìm hiểu thêm, mới vỡ lẽ những điều nghe nói từ trước về nhà bác học này, chỉ là thứ “đồ thuyết” mà thôi (theo Hán-Việt từ-điển của Đào Duy Anh, đồ thuyết: những lời nói của người đi đường, nói không lấy gì làm bằng cớ). Vì ông Galilei không bao giờ bị kết án tử hình, và không bao giờ phải lên giàn thiêu. Thành ra, khi nhắc lại việc “nhà bác học Gallilei dẫu lên giàn thiêu cũng vẫn nói lên chân lý”, Tiến sĩ họ Lê đã dựa vào điều không chính xác, để khuyên lớp hậu sinh cố tránh những hiểu biết thiếu chính xác.

Một tháng sau ngày Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh nhắc tới gương can đảm của Galileo, một chính khách nổi tiếng khác ở Á châu, Tổng Trưởng sư (Minister mentor) Lý Quang Diệu của Singapore cũng nhắc tới ông. Trả lời phỏng vấn của tuần báo Time (Ấn bản Á châu), số ngày 5-12-2005, Lý Quang Diệu tuyên bố: “Cần phải có tranh luận, đối chọi về tư tưởng. Nếu Galileo không thách thức Giáo hoàng, chúng ta vẫn tin rằng trái đất phẳng, phải không? Và có thể Christopher Columbus đã không bao giờ tìm ra Mỹ châu” [1] . Lời tuyên bố của họ Lý, ngoài tính cách mỉa mai là dưới quyền cai trị của ông và con ông, đối lập không có cơ hội nào để “tranh luận” với người cầm quyền, cũng chỉ thuộc loại “đồ thuyết”, vì Galileo không bao giờ thách thức Giáo hoàng, và Columbus (1451-1506) tìm ra Mỹ Châu (1492) bảy mươi hai năm trước khi Galileo chào đời (1564).

Sau đây, người viết xin căn cứ phần lớn vào cuốn Galileo’s Daughter (Con gái của Galileo), do Dava Sobel biên soạn (nxb Walker & Company, New York, 1999), và một số tài liệu khác để ghi lại những nét chính trong diễn tiến vụ án Galileo Galilei, hầu làm sáng tỏ phần nào những truyền thuyết không xác thực về nhà bác học lớn này.
Từ hơn ba trăm năm trước Công Nguyên, nhà hiền triết Hy Lạp Aristotle (384 – 322 B.C.) đã mô tả trái đất là trung tâm của vũ trụ. Đầu thế kỷ thứ nhì sau Thiên Chúa giáng sinh, nhà khoa học Ptolemy đã dựa vào lý thuyết của Aristotle, trình bày trái đất có vị trí cố định, trong khi mặt trời, mặt trăng cùng các hành tinh khác đi quanh hàng ngày. Uy tín của Aristotle quá lớn, khiến trong gần hai ngàn năm, người ta tin những điều ông nói là chân lý.

Mãi đến thế kỷ 16, một nhà tu Công giáo kiêm thầy thuốc người Ba Lan là Nicolaus Copernicus (tên Ba Lan: Niclas Kopernik 1473-1543) mới đưa ra học thuyết trái ngược với quan niệm của Aristotle và Ptolemy. Quê hương của Copernicus, cũng thuộc địa phận Krakow, quê Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lồ Đệ Nhị sau này. Năm 1500, Copernicus đến La Mã, học về giáo luật, y khoa, và nghiên cứu về thiên văn. Thời đó, thầy thuốc thường biết về thiên văn, để có thể đoán số mệnh cho bệnh nhân theo khoa chiêm tinh, rồi dựa vào đó để chữa trị. Không phải một nhà thiên văn chuyên nghiệp, Copernicus đã viết ra những điều suy nghĩ và khám phá của mình về các tinh cầu khi rảnh rỗi, trong một cuốn sách nhan đề De Revolutionibus Orbium Coelestium (On the Revolutions of the Celestial Bodies – cũng có người dịch Orbium Coelestium là Heavenly Spheres, tạm dịch: Luận về sự chuyển động của các Thiên thể). Sách trình bày về những lý luận và quan sát liên hệ tới mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, cho rằng trái đất chuyển động quanh mặt trời. Sách chỉ để bạn bè truyền tay nhau đọc. Copernicus lúc đầu không có ý định xuất bản, có thể vì ngại quan điểm mới mẻ của ông sẽ gặp chống đối, vì trái ngược với những điều người đương thời tin tưởng.

Cuối đời, do bạn bè hối thúc, trong số đó có cả một Hồng y Công giáo, Copernicus đồng ý cho xuất bản cuốn sách của mình. Người phụ trách xuất bản theo Tin Lành, biết là hệ phái Tin Lành chống lại quan điểm của Copernicus, đã làm nhẹ bớt công trình của tác giả bằng cách đặt chữ “Giả thuyết” (Hypothesis) ngoài bìa sách, và thay bài tựa của Copernicus bằng một bài khác, cảnh giác độc giả không nên coi giả thuyết là sự thật. Ngoài ra, nội dung sách vẫn y nguyên, kể cả hàng chữ kính dâng Giáo hoàng Phao Lồ Đệ Tam. Thế là tránh được chống đối tức thì của cả Công giáo và Tin Lành. Sách in xong vào đúng ngày Copernicus qua đời.


Hai mươi mốt năm sau khi Copernicus tạ thế, Galileo Galilei (1564-1642) chào đời tại Pisa (Ý), nơi có tháp nghiêng nổi tiếng. Cho đến khi Galileo trưởng thành, cuốn sách của Copernicus vẫn không bị cấm. Khi Galileo 28 tuổi, bắt đầu dạy môn thiên văn và chỉ cho các sinh viên y khoa biết cách lấy số theo chiêm tinh tại Padua năm 1592, ông vẫn theo quan điểm trái đất là trung tâm. Tuy nhiên, dần dần ông đã thấy quan điểm của Copernicus có vẻ hợp lý hơn lối nhìn của Aristotle và Ptolemy. Cùng thời với Galileo ở Ý, còn có Johannes Kepker (1571-1630) ở Đức, cũng theo quan điểm của Copernicus.

Năm 1609, nghe nói ở Hoà Lan có người chế ra được một loại viễn vọng kính, Galileo bèn theo nguyên lý của phát minh mới này, tự chế được loại kính nhìn xa còn tốt hơn. Nhờ dụng cụ mới, Galileo đã quan sát bầu trời, khám phá được nhiều mới mẻ, thêm tin tưởng rằng quan điểm của Copernicus là đúng. Đối với các triết gia bảo thủ vẫn cố bám vào lý thuyết cũ, ông nói rằng dù Aristotle có sống lại và được nhìn thấy những khám phá mới, ông tin rằng Aristotle cũng phải sửa lại quan điểm của mình. Ông chê môn đệ của Aristotle là những người không bao giờ muốn rời mắt khỏi cuốn sách về vũ trụ của Aristotle, và coi như con mắt của Aristotle đã có sứ mạng nhìn thay cho hậu thế.

Nước Ý ngày nay, vào thế kỷ 17 vẫn còn trong tình trạng phong kiến, mỗi vùng cai trị bởi một quyền lực khác nhau. Một số vùng do Toà Thánh La Mã trực tiếp cai trị, có nơi theo chính thể cộng hoà. Vùng Tuscany, gồm những nơi danh tiếng như Florence, Pisa, Siena… do dòng họ Medici cai trị. Dòng họ này đã được sự cộng tác của rất nhiều người nổi tiếng, như Michelangelo, Leonardo da Vinci, Botticelli lo về nghệ thuật, Niccolò Machiavelli lo về chính trị, và Galileo Galilei là toán học gia và triết gia của vương triều.

Tháng 11 năm 1613, gia đình Medici gồm Chúa công Cosimo II, phu nhân là Công chúa nước Áo Maria Maddalena, và mẫu hậu là Công tước Cristina, rời Florence về thiết triều hàng năm vào mùa Đông tại Pisa. Một trong những người được tiếp kiến trong một bữa ăn sáng là thầy dòng Castelli, vốn là học trò cưng và là người kế vị Galileo ở chức trưởng khoa toán học tại Đại học Pisa. Trong câu chuyện về khoa học, Chúa công hỏi thầy Castelli có viễn vọng kính, là dụng cụ mới phát minh nổi tiếng đương thời không? Thầy trả lời có, và nói thêm về những khám phá mới. Một người khách khác cũng có mặt ở bàn tiệc, là Tiến sĩ Boscaglia, vốn được mẫu hậu Cristina tin tưởng. Ông này công nhận những khám phá mới của Galileo đều có thật, chỉ có điều nói trái đất chuyển động có vẻ khó tin, và không thể xảy ra, vì nó trái với những gì đã dạy trong Thánh Kinh.

Mẫu hậu Cristina tuy rất kính trọng Galileo, và con bà, Chúa công Cosimo II là học trò của ông, nhưng có lẽ bà ít tin tưởng vào khả năng thiên văn của ông. Bốn năm trước, khi chồng bà là Chúa công Ferdinando đau nặng, bà yêu cầu lấy số của ông theo khoa chiêm tinh, Galileo cho biết số ông còn sống lâu, nhưng chỉ ba tuần sau, ông chết. Ngoài ra, bà là người ngoan đạo, đọc Thánh Kinh hàng ngày, nên khi nghe thầy Castelli nói về những khám phá mới của ông, và Tiến sĩ Boscaglia nói rằng trong số đó có điều trái với Thánh Kinh, thì cảm thấy bất ổn. Bà vẫn trầm tĩnh lịch sự cho đến khi bữa điểm tâm chấm dứt, rồi khi thầy Castelli ra về, bà cho người mời ông trở lại để hỏi cho rõ lẽ. Mặc dầu thầy hết sức giãi bày, bà vẫn cho rằng việc trái đất chuyển động là điều không đúng, vì Thánh Kinh đã dạy chính mặt trời chuyển động. Sách Giô-suê trong Cựu ước ghi rõ:
“Bấy giờ, trong ngày Chúa nộp người E-mô-ri cho con cái Ít-ra-en (Israel), ông Giô-suê thưa chuyện với Chúa. Trước mặt con cái Ít-ra-en, ông nói: ‘Hỡi mặt trời, hãy dừng lại trên thành Ghíp-ôn; hỡi mặt trăng, hãy dùng lại trên thung lũng Ai-gia-lôn!’ Mặt trời liền dừng lại, mặt trăng lập tức đứng lại, cho đến khi dân đã trị tội các địch thù. Việc đó đã chẳng được ghi chép trong sách Người Công Chính sao? Mặt trời đứng yên ở giữa trời, không vội lặn, gần một ngày tròn” (Gs 10, 12-13).

Cũng trong Cựu ước, sách Thánh vịnh còn ghi rõ địa vị cố định của trái đất:
“Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!” (Tv 103, 5)

Castelli vội viết thư cho Galileo, kể rõ kinh nghiệm rắc rối của mình. Galileo phúc đáp, bênh vực Castelli, và giải thích thêm về những khám phá mới. Castelli chép lại thư phúc đáp thành nhiều bản, gửi cho bạn bè đọc. Một năm sau ngày Galileo viết cho Castelli, một cha trẻ ((Tommaso Caccini) thuộc Dòng Dominico ở Florence vớ được thư này, đã lên toà giảng ngày 21-12-1614, căn cứ vào Thánh Kinh, tố cáo Galileo và những người theo ông là các nhà toán học thực hành nghệ thuật ma quỷ, là kẻ thù của tôn giáo thật. Mặc dầu cha Caccini đã bị khiển trách, và bề trên Dòng phải viết thư xin lỗi Galileo, nhưng một cha khác (Niccolò Lorini) cũng thuộc Dòng Dominico, đã gửi lá thư của Galileo cho tổng quản toà án dị giáo (inquisitor general) ở La Mã. Sợ lá thư nguyên thuỷ của mình bị “tam sao thất bản”, Galileo đã viết lại một thư khác, gửi cho một người bạn ở La Mã, vị này sao thành nhiều bản, gửi cho các Hồng y để thanh minh. Ngoài ra, Galileo còn viết một thư khác, dài 50 trang, giải thích đầy đủ hơn về quan điểm của mình, gửi cho bà Cristina. Trong lịch sử, thư này mang tên “Thư gửi Đại Công tước Cristina” (Letter to Grand Duchess Cristina). Không nhà in nào dám in thư này, cho đến 20 năm sau.

Một năm sau ngày bị cha Caccini tố cáo trên toà giảng, tháng 12 năm 1615 Galileo tới La Mã, tìm cách thanh minh cho tên tuổi của mình. Trong thời gian ở đây, ngoài những buổi gặp gỡ thảo luận về lý thuyết của Copernicus, ông đã viết Luận thuyết về thuỷ triều (Treatise on the Tides), cố chứng minh vì trái đất quay nên đã tạo ra thuỷ triều. Thật ra, về thuỷ triều, Galileo đã sai, vì ông không đề cập tới sức hút của mặt trăng.

Galileo nhờ một Hồng y trẻ, Alessandro Orsini, đệ trình bản thảo về thuỷ triều của ông lên Giáo hoàng Phao Lồ Đệ Ngũ, nhưng ngài không đọc, và ra lệnh cho các cố vấn của Toà thánh quyết định dứt khoát: Liệu thuyết của Copernicus có bị coi thuộc loại dị giáo không? Hồng y Roberto Bellarmino, một nhà thông thái thuộc Dòng Tên (Jesuit) và sau này được phong thánh, đã được trao nhiệm vụ này. Lý thuyết của Copernicus đã được Toà thánh tóm tắt gồm hai điểm: (1) Mặt trời là trung tâm thế giới, và đứng yên một chỗ; (2) Trái đất không phải là trung tâm thế giới, cũng không bất động.
Toàn thể ban tham vấn gồm 11 nhà thần học đã bỏ phiếu vào ngày 23-2-1616, kết quả thông báo cho Toà án Dị giáo (Inquisition) của Toà thánh vào hôm sau, tất cả đồng ý điểm thứ 1 trên đây chẳng những rõ ràng dị giáo, trái Thánh Kinh mà về phương diện triết lý, còn điên khùng và vô lý. Điểm thứ nhì cũng tệ hại về triết lý và sai lầm về đức tin.

Ngày 26-2, hai viên chức Toà án Dị giáo tới Toà Đại sứ Tuscany, nơi Galileo đang cư ngụ, đưa ông tới dinh Hồng y Bellarmino. Tại đây, ông được đón tiếp lịch sự và đối xử tử tế. Với tư cách đại diện Giáo hoàng, Hồng y Bellarmino cho ông biết quyết định của ban tham vấn Toà thánh về lý thuyết hệ mặt trời, và khuyên ông từ bỏ việc bênh vực quan điểm này như là sự việc có thật. Mười ngày sau, 5-3-1616, Hội đồng Thư mục (Congregation of the Index) đã chính thức công bố lập trường rằng quan điểm về thiên văn của Copernicus là sai lầm và trái với Thánh Kinh. Đồng thời, ra lệnh cấm sách của Copernicus cho đến khi được sửa đổi. Galileo lưu lại La Mã thêm ba tháng trước khi trở về Florence. Trong thời gian này, ông đã gặp lại Hồng y Bellarmino, và được cả Giáo hoàng tiếp kiến.

Trong thời gian 5 năm, từ 1616 đến 1621, Galileo một đằng tuân phục Toà thánh, gạch bỏ những đoạn nói về trái đất quay trong sách của Copernicus, mặt khác, ông vẫn phát biểu những ý kiến mới về thiên văn, gây ra tranh cãi, và bị phe bảo thủ ghen ghét. Năm 1621, cả Giáo hoàng Phao Lồ Đệ Ngũ, và Hồng y Bellarmino đều qua đời. Giáo hoàng mới Gregory 15, trị vì chưa được hai năm. Năm 1923, Hồng y Barberini là người cùng quê Florence, và vốn rất ngưỡng mộ Galileo, từng làm thơ tặng Galileo, lên ngôi Giáo hoàng với danh hiệu Urban Đệ Bát.

Vì bị đau, mãi đầu năm 1624 Galileo mới có thể đi La Mã mừng tân Giáo hoàng. Ông được Giáo hoàng gặp riêng trong vòng thân mật tới sáu lần. Là một người đọc nhiều, hiểu rộng, và cũng đã từng học về thiên văn, Giáo hoàng Urban VIII hãnh diện vì đã không ủng hộ sắc chỉ cấm sách của Copernicus dưới triều giáo hoàng trước.

Ở tuổi 60, Galileo coi như có được một đồng minh vĩ đại, chính là Giáo hoàng Urban VIII, ông bắt đầu viết tác phẩm quan trong nhất đời mình, cuốn Đối thoại về hai hệ thống chính của thế giới. [2] Sách được trình bày như một vở kịch, gồm ba nhân vật, tranh luận với nhau trong bốn ngày về các vấn đề liên hệ tới trái đất, mặt trăng, mặt trời, và các tinh tú. Vai thứ nhất tên là Salviati, phát biểu quan điểm của Galileo; người thứ nhì là Sagredo, về phe với Salviati; Vai thứ ba chống lại hai người này, là Simplicio. Ví dụ, trong cuộc thảo luận vào ngày thứ nhì, trước thắc mắc nếu trái đất xoay theo hướng đông, tại sao lá rụng từ trên cây xuống không bay về hướng tây, và đạn súng thần công bắn về hướng tây không đi xa hơn về hướng đông? Salviati đã giải thích bằng một thí nghiệm tưởng tượng: Trong một căn phòng kín dưới hầm tàu, có mấy con ruồi, bướm, một chậu nước có cá bơi lội… Dù tàu đứng một chỗ, hay tàu đi với một tốc độ đều đặn, tốc độ của ruồi, bướm bay và cá lội vẫn không có gì thay đổi.

Sau hơn 5 năm làm việc, đôi khi bị gián đoạn bởi bệnh tật, Galileo hoàn thành cuốn Đối thoại vào lễ Giáng sinh năm 1629. Muốn chắc ăn, để tránh bị chống đối, Galileo đã cho Salviati (đóng vai Galileo) không xác quyết lý thuyết của Copernicus là đúng, mà nói một cách đầy nghi ngờ là: “Khám phá mới này – hệ mặt trời – có thể chỉ là một ảo tưởng điên rồ và là một nghịch lý uy nghi (majestic paradox)”.

Năm 1515, Giáo hoàng Leo X ra sắc chỉ quy định mọi loại sách trước khi xuất bản đều phải qua kiểm duyệt. Từ năm 1542 toà án dị giáo tại La Mã trông nom việc kiểm duyệt và ấn loát tại Ý. Đầu tháng Năm 1630, Galileo mang bản thảo Đối thoại tới La Mã để xin duyệt. Giữa tháng Sáu, sách được phép xuất bản, với điều kiện sửa lại vài chỗ ở tựa đề, lời mở đầu, và phần kết luận. Gặp đúng lúc nạn dịch hạch hoành hành, giết hại nhiều người, Galileo phải rời La Mã, mang bản thảo về Florence, phải xin duyệt lại, và in ở đây. Hai năm sau mới xong một ngàn ấn bản, mỗi cuốn 500 trang. Tại Florence, sách bán chạy như tôm tươi, nhưng ba tháng sau La Mã mới được đọc, vì bị trở ngại bởi hàng rào phong toả phòng dịch.

Đối thoại gây ra tranh cãi lớn tại La Mã. Thầy Castelli trước kia đã từng gặp rắc rối tại bàn tiệc trước mẫu hậu Cristina, bây giờ là nhà toán học của Đức thánh Cha, đã hết lời ca tụng tác phẩm của Galileo. Học trò của Castelli là Torricelli, sau này phát minh ra phong vũ biểu mà học trò tiểu học khắp nơi đều biết, qua môn khoa học thường thức, thú nhận rằng ông đã cải hoá thành môn đệ theo chủ thuyết Copernicus vì được đọc Đối thoại. Nhưng phe bảo thủ đã chống đối kịch liệt. Vào mùa Hè 1632, phe này đã cố vấn cho Giáo hoàng Urban VIII rằng Galileo đã dùng Đối thoại cổ võ lý thuyết của Copernicus, cố tình vi phạm điều Toà thánh đã nghiêm cấm vào năm 1616.

Trước khi thành Giáo hoàng Urban VIII, Hồng y Barberini vốn là một học giả quý trọng khoa học, và văn chương, Nhưng sau mười năm ở ngôi “Vua của các vua”, ngài đã thay đổi, và nổi giận với bất cứ ai bị coi như kẻ dám “giỡn mặt” ngài, dù kẻ đó là Galileo, người đã từng được ngài làm thơ ca tụng [3] , và ban cho nhiều bổng lộc. Nhất là vào đúng thời gian ngài đang gặp khó khăn vì cuộc chiến chống phe Tin Lành ly khai ở Đức. Dù sách Đối thoại đã được kiểm duyệt tới hai lần và xuất bản đúng quy luật, vào tháng Tám, Giáo hoàng đã trao cho một uỷ ban ba người tái xét toàn bộ văn bản. Một tháng sau, uỷ ban báo cáo: “Chúng tôi nghĩ rằng Galileo có thể đã vượt quá chỉ thị bằng cách tuyệt đối khẳng định về sự chuyển động của trái đất và sự bất động của mặt trời, như vậy đã lạc hướng từ giả thuyết”.

Cuối tháng Chín 1632, Đối thoại đã bán hết ở Florence, trong khi Toà Dị giáo ở đây được lệnh chính thức từ La Mã không cho bán cuốn sách này nữa, và tác giả của nó phải trình diện Toà án Dị giáo Toà thánh vào tháng Mười. Galileo gửi thư cầu cứu qua người bạn đồng hương thân thiết vốn là học trò cũ của mình, là Hồng y Francesco Barberini, cháu gọi Giáo hoàng bằng chú ruột, yêu cầu cho được miễn trình diện tại Toà vì quá yếu, và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi bằng thư. Giáo hoàng bác bỏ lời yêu cầu miễn trình diện, tuy nhiên, cũng nhân nhượng, cho từ từ. Nhưng đến tháng Mười Hai, Galileo vẫn chưa trình diện, khiến Toà Dị giáo Florence phái người tới nhà tìm hiểu tình hình. Một nhóm ba y sĩ chứng nhận Galileo có rất nhiều thứ bệnh, nếu phải đi La Mã có thể nguy hiểm tới tính mệnh. Nhưng Toà bác y chứng, ra lệnh: Một là tự ý trình diện, hai là bị bắt giải toà. Chúa công Ferdinando đành cho mượn xe, để ông già đầy bệnh tật 69 tuổi lên đường vào ngày 20-01-1633.
Tới La Mã ngày 13-2 [4] , thay vì bị tống giam ngay, Galileo được Giáo hoàng cho ngụ tại Biệt thự Medici, Đại Sứ quán Tuscany, đợi ngày hầu toà. Trong khi đó, ông Đại sứ Nicolini mở cuộc vận động khắp nơi để dàn xếp nội vụ. Hai tháng sau, ngày 12-4, cuộc thẩm vấn Galileo bắt đầu tại Văn phòng Toà thánh, do hai viên chức và một thư ký phụ trách.
Trong lần thẩm vấn đầu tiên này, Galileo bị hỏi về việc Toà thánh đã cảnh giác ông năm 1616 liên can tới cuốn sách của Copernicus. Theo hồ sơ, Galileo đã được Toà thánh thông báo phải từ bỏ hoàn toàn quan niệm về mặt trời là trung tâm vũ trụ và trái đất chuyển động, không được giữ, dạy, hay bảo vệ nó bằng lời nói hay văn tự; nếu không, Toà thánh sẽ có biện pháp trừng phạt. Theo Galileo, ông chỉ được cảnh báo không được coi lý thuyết của Copernicus là sự thật, nhưng vẫn có thể thảo luận về nó như giả thuyết.

Toà còn hỏi Galileo có xin phép trước khi viết và trước khi xuất bản Đối thoại không? Ông nói đã không xin phép trước khi viết, vì nghĩ ông không bắt buộc phải làm như vậy. Về việc xuất bản, ông đã làm đúng thủ tục kiểm duyệt. Hơn nữa, ông đã từ chối nhiều nhà xuất bản ở Pháp, Đức, và Venice với những đề nghị lợi lộc để đặt sách của ông dưới sự toàn quyền định đoạt của Toà thánh. Sau khi thẩm vấn, thay vì bị giam trong tù, Galileo được chỉ định nơi ở ngay khu các viên chức Toà thánh cư ngụ.

Sau cuộc thẩm vấn đầu tiên, tình trạng có vẻ bế tắc: Bị cáo không nhận tội cố tình vi phạm chỉ thị của Toà thánh, trong khi bên cáo buộc giữ vững quan điểm là rõ ràng Galileo đã cổ võ thuyết của Copernicus và ngạo mạn chê những người khác là bọn tối dạ. Trước tình thế khó xử, “Hồng y cháu” Barberini đã cố dàn xếp để Galileo khỏi phải chịu các biện pháp mạnh. Cuối cùng, Galileo chịu nhượng bộ.

Cuộc thẩm vấn thứ nhì diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng Tư. Galileo nhìn nhận là sau khi đọc lại Đối thoại, ông có cảm tưởng xa lạ như người khác viết, và nhận thấy quả thật có những chỗ có thể làm cho người đọc nghĩ rằng ông ủng hộ những luận cứ sai lầm. “Tôi thú nhận là sai lầm của tôi đã bắt nguồn từ tham vọng tự đắc hoàn toàn do thiếu hiểu biết và sơ xuất”. Toà có vẻ hài lòng, cho Galileo về nghỉ tại Sứ quán Tuscany.

Ngày 10 tháng Năm, Galileo trở lại toà lần thứ ba, nộp bản viết tay lời tự bào chữa. Sau khi nhắc lại những điều đã được cảnh giác 16 năm trước, Galileo “cầu xin các quan toà cao cả và khôn ngoan” nhìn nhận rằng ông không cố ý bất tuân chỉ thị, “những khuyết điểm rải rác trong sách của tôi không được đề xuất do ma lực của một dụng tâm gian trá mà thật ra chỉ là một hoài bão vô vọng để thoả mãn ước muốn tỏ ra mình thông minh hơn mức bình thường trong số các tác giả nổi tiếng”. Galileo lại được về nghỉ tại Biệt thự Medici để đợi toà báo cáo lên Giáo Hoàng, trước khi tuyên án.
Sáng 21 tháng Sáu, Galileo trở lại toà lần thứ tư để bị thẩm vấn lần cuối cùng. Toà hỏi có bao giờ và trong bao lâu, ông cho rằng Mặt trời là trung tâm của thế giới và Trái đất không phải trung tâm của thế giới nhưng chuyển động và xoay quanh mình. Ông trả lời: “Từ lâu rồi, nghĩa là từ trước khi Hội đồng Thư mục Toà thánh quyết định và ra lệnh cho tôi, tôi đã không dứt khoát trước hai quan niệm gây tranh cãi của Ptolemy và Copernicus, vì không quan niệm nào thực sự hợp với thiên nhiên. Nhưng từ khi có quyết định trên (cấm cổ võ thuyết của Copernicus), được bảo đảm bởi sự khôn ngoan của giới thẩm quyền, mọi sự lưỡng lự của tôi đã chấm dứt, và tôi đã, cũng như vẫn cho rằng quan điểm của Ptolemy là đúng nhất và không thể tranh cãi, đó là sự ổn định của trái đất và sự chuyển động của mặt trời”. [5]

Toà tuyên án vào ngày 22-6-1633 [6] : “Chúng tôi lên tiếng tuyên xử rằng ông, Galileo, vì những lý do đã nêu rõ trong phiên xử mà ông từng thú tội là đã phạm tới phán xét của Toà thánh về hành vi đáng ngờ có tính cách dị giáo như là bảo lưu và tin tưởng vào chủ thuyết sai lầm và trái với Thánh Kinh, rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và không chuyển động từ đông sang tây và rằng trái đất chuyển động và không phải trung tâm của thế giới…”. Sách Đối thoại bị cấm, Galileo bị phạt tù tại Toà thánh, phải đọc bảy Thánh vịnh ăn năn, mỗi tuần một lần trong ba năm. Toà dành quyền thay đổi hình phạt sau này, tuỳ theo hạnh kiểm của tội nhân. Chỉ có bảy thẩm phán ký tên vào phán quyết. Ba người không đồng ý, trong đó có “Hồng y cháu” Francesco Barberini.
Toà thảo sẵn một bản phản tỉnh (abjuration) cho Galileo đọc. Trước khi đọc, ông yêu cầu sửa lại hai chi tiết không đúng: một, ông không phải là giáo dân xấu [7] ; hai, ông không hề thiếu ngay thẳng trong việc xin giấy phép kiểm duyệt sách [8] . Sau khi sửa, ông quỳ trước toà, đọc:

Tôi, Galileo, con của cố Vincenzio Galilei, người Florence, 70 tuổi, bản thân bị giữ trước toà này, và quỳ trước mặt các ngài, những Hồng y cao cả cực trọng của Toà Dị giáo chống lại tình trạng dị giáo đồi trụy trong toàn thể cộng đồng Thiên chúa giáo, hiện có trước mắt tôi và tay tôi chạm vào cuốn Thánh Kinh, thề rằng tôi vẫn tin, tôi tin bây giờ, và với Chúa giúp sức tôi sẽ tin trong tương lai tất cả những gì được giữ gìn, rao giảng, và dạy dỗ bởi Hội thánh Công giáo và Giáo tông. Nhưng xét rằng – sau khi đã được khuyên răn bởi Toà thánh phải từ bỏ hoàn toàn quan niệm sai lầm rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và không chuyển động, và trái đất không phải là trung tâm và nó chuyển động, và rằng tôi không được giữ, bảo vệ hay dạy dưới mọi hình thức, dù bằng lời nói hay văn tự, chủ thuyết sai lầm đó, và sau khi tôi đã được thông báo là chủ thuyết đó trái với Thánh Kinh – tôi đã viết và cho in một cuốn sách trong đó tôi đã xử sự với chủ thuyết đã bị lên án và viện dẫn những lý lẽ hữu hiệu để ủng hộ nó, không đưa tới một giải pháp nào: Tôi đã bị xử là hiển nhiên khả nghi dị giáo, nghĩa là đã lưu giữ và từng tin rằng mặt trời là trung tâm của thế giới và bất động, và rằng trái đất không phải là trung tâm và di động.

Bởi đó, với ước muốn xoá đi khỏi trí não các ngài và của mọi giáo hữu sùng tín bản án hợp lý đã dành cho tôi, tôi xin từ bỏ với lòng thành và chân thật, tôi nguyền rủa và ghê tởm những sai lầm và dị giáo đã kể và một cách đại cương tất cả và mỗi sai lầm và phe nhóm trái với Giáo hội Công giáo. Tôi xin thề và hứa rằng trong tương lai sẽ không bao giờ nói hay khẳng định qua lời nói hay chữ viết những chuyện như vậy mà nó có thể khiến tôi bị nghi ngờ tương tự; và nếu tôi biết một kẻ dị giáo nào, hay một phần tử đáng nghi là dị giáo, tôi sẽ tố cáo hắn với Toà thánh, hay Toà Dị giáo hay với Giáo quyền sở tại. Tôi cũng thề và xin hứa sẽ chấp nhận và thi hành toàn thể mọi sự đền tội Toà thánh đã hay có thể sẽ dành cho tôi. Và nếu tôi vi phạm bất cứ điều nào đã hứa, phản đối hay thề bồi, tôi sẽ phải chịu tất cả mọi sự đau đớn và hình phạt dành cho tôi và đã được công bố bởi Giáo luật và các luật lệ khác, nói chung và cách riêng, chống lại các vi phạm đó. Xin Chúa và Thánh Kinh của Người mà tay tôi đang chạm vào hãy giúp tôi.
Tôi, Galileo Galilei, kẻ nói tới trên đây, đã từ bỏ, thề, hứa, và tự ràng buộc bởi những điều trên đây; và sự thật làm chứng, bằng chính tay tôi đã ký vào văn kiện phản tỉnh này, và đã đọc nó từng chữ một ở La Mã, tại Tu viện Minerva, ngày 22 tháng Sáu năm 1633.
Tôi là Galileo Galilei, đã phản tỉnh như trên, bằng chính tay tôi.

“Hồng y cháu” Barberini đã mau chóng can thiệp để thay vì bị tù tại khám đường toà thánh, Galileo bị quản thúc tại Đại sứ quán Tuscany, trong khi Đại sứ Niccolini vận động để ông được ân xá. Giáo hoàng không cho ân xá, nhưng cho phép rời La Mã. “Hồng y cháu” lại can thiệp, Giám mục Siena cho xe tới đón Galileo về, gọi là chịu quản thúc tại địa phận của mình trong năm tháng. Theo lệnh của Giáo hoàng, bản án dành cho Galileo được phổ biến mau chóng đi khắp nơi, có nhiều nơi còn tổ chức học tập, giống như đấu tố vắng mặt, để làm gương cho giới trí thức và khoa học gia. Trong khi ấy, Đối thoại bán rất chạy qua chợ đen, với giá đắt gấp mười hay mười hai lần giá chính thức. Ngoài nước Ý, Đối thoại được dịch ra tiếng Latinh năm 1635, và tiếng Anh năm 1661.
Bản liệt kê sách bị cấm của Hội đồng Thư mục Toà thánh có tên Đối thoại lần đầu trong kỳ phát hành năm 1664, hơn hai chục năm sau khi Galileo đã qua đời, và tồn tại gần hai trăm năm. Năm 1757, Hội đồng Thư mục thôi cấm sách giảng dạy chủ thuyết Copernicus, nhưng vẫn duy trì lệnh cấm Đối thoại cho đến năm 1822. Thư mục sách cấm ấn hành năm 1835 mới không còn tên Đối thoại.
Rời Đại sứ quán Tuscany ở La Mã ngày 6-7, về tới Siena ngày 9-7-1633, tù nhân Galileo được Tổng Giám mục Piccolomini đối xử như thượng khách. Bị toà Dị giáo kết án, uy tín của Galileo chẳng những không bị suy giảm, còn tăng lên. Khắp nơi tại Âu châu, đều có các nhân vật danh tiếng bênh vực Galileo, ví dụ Đại sứ Pháp tại La mã, triết gia René Descartes tại Hoà Lan… Ngay cả hàng giáo phẩm Công giáo, cũng có những người lên tiếng chỉ trích bản án dành cho Galileo, như Tổng Giám mục Piccolomini, và Micanzio, nhà thần học của Cộng hoà Venice. Tổng Giám mục Siena suýt bị truy tố truất quyền, chỉ vì bênh vực Galileo quá hăng hái.

Trong thời gian bị quản thúc tại Siena, Galileo bắt đầu viết cuốn sách khác, tựa là Hai khoa học mới (Two New Sciences) [9] . Về hình thức, sách này cũng giống cuốn Đối thoại trước. Ba nhân vật Salviati, Sagredo va Simplicio gặp lại, thảo luận về hai chủ đề mới, là: (a) Tương đối giữa tầm vóc (size) và sức mạnh của vật liệu (materials), và (b) Chuyển động (motion) của sự vật. Tư tưởng của Galileo về chuyển động là khởi điểm cho các công trình vật lý của Newton sau này [10] . Chính Galileo nghĩ rằng cuốn Hai khoa học mới của ông quan trọng hơn cả Đối thoại. Ba thế kỷ sau, Einstein cũng thừa nhận Galileo là cha đẻ của nền vật lý hiện đại, nếu không nói là của cả nền khoa học hiện đại.

Cuối năm 1633, Galileo được Giáo hoàng Urban VIII cho phép rời Siena, về chịu quản thúc tại gia ở Arcetri, coi nhà mình như nhà tù. Ông tiếp tục làm việc để hoàn thành tác phẩm mới, tuy không có hy vọng xuất bản ở Ý. Nhiều cố gắng đưa lén bản thảo ra ngoài nước để in ở Pháp hay Đức. Cuối cùng, sách được xuất bản tại Hoà Lan vào đầu năm 1638, và bán rất chạy. Khi một ấn bản đến được tay Galileo vào giữa năm 1638, ông đã bị mù. Chúa công Ferdinando cho Viviani, một thiếu niên 16 tuổi có thiên tài về toán học tới ở cạnh ông, vừa để giúp đỡ, vừa học hỏi. Ông coi cậu này như con trai thứ hai của mình. Sau này, Viviani là tác giả cuốn tiểu sử đầy đủ nhất về Galileo.

Galileo mất trên giường bệnh vào ngày 8-1-1642, bên cạnh có con trai Vincenzio, một học trò lớn là Torricelli, và học trò nhỏ là Viviani. Quản thủ thư viện của “Hồng Y cháu” Barberini ở La Mã ra tuyên bố: “Tin hôm nay cho biết sự ra đi của ông Galilei đã gây xúc động chẳng những cho Florence mà còn cho khắp thế giới. Cả thế kỷ chúng ta đã nhận được từ con người siêu phàm này nhiều vinh quang hơn hầu hết các triết gia bình thường khác. Giờ đây, ghen tị chấm dứt, sự cao cả của nhà trí thức này bắt đầu được thừa nhận và sẽ phục vụ sự thịnh vượng của toàn thể trong việc hướng dẫn tìm chân lý”.

Chúa công Ferdinando định mai táng trọng thể Galileo, nhưng bị Giáo hoàng Urban VIII ngăn cấm, nên phải chôn ông tại một nơi kín đáo: Dưới chân toà giảng tại Nhà nguỵện Tập sinh trong Thánh đường Santa Croce. Năm 1737, một thế kỷ sau khi chết, Galileo mới được cải táng, chôn tại một nơi xứng đáng, gần cửa chính Santa Croce, đối diện mộ của nghệ sĩ thiên tài Michelangelo.
Như vậy, hoàn toàn không có chuyện Galileo Galilei phải lên giàn thiêu, và tất nhiên, cũng không có chuyện trước khi chết vì lửa thiêu vẫn hiên ngang nói rằng trái đất vẫn quay. Có truyền thuyết cho rằng, sau khi quỳ đọc xong lời phản tỉnh tại Toà Dị giáo, trong khi đứng dậy, Galileo đã lẩm bẩm mấy chữ “eppur si muove”, nghĩa là “nhưng nó vẫn quay”. Tuy nhiên, không có tài liệu khả tín nào xác nhận điều này. Rất có thể, do vô tình hay cố ý, truyền thuyết tô vẽ Galileo như một tử tội anh hùng trên giàn thiêu đã bắt nguồn từ cái chết của một người khác cùng thời, là Giordano Bruno.
Bruno sinh 1548 (6 năm trước Galileo) tại Nola, thuộc vương quốc Naples, đi tu Dòng Dominico, làm linh mục năm 1572, và là một triết gia nắm được nghệ thuật luyện trí nhớ. Không phải người đóng góp nhiều cho khoa học như Galileo, nhưng ông đã không ngừng đề cao tư tưởng của Copernicus. Để tránh bị Toà Dị giáo bắt, ông bỏ dòng tu, bỏ Ý đi chu du khắp nơi như Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Anh… và được trong dụng tại nhiều nơi. Sau khi bị “rút phép thông công”, ông kịch liệt chống lại Giáo hội Công giáo La Mã, gọi Chúa Giêsu là một nhà ảo thuật tài ba. Ông bị Toà Dị giáo bắt năm 1592 khi trở lại Venice dạy thuật luyện trí nhớ, bị giam 8 năm tại khám đường Toà thánh ở La Mã. Sẽ được tha nếu chịu cam kết cải tà quy chính, nhưng cuối cùng, ông thà chịu chết chứ không chịu khuất phục. Ngày 9-2-1600, khi nghe toà tuyên án tử hình trên giàn thiêu, ông nói: “Khi tuyên án xử tôi, có lẽ quý vị quan toà sợ hãi nhiều hơn tôi”. Toà cho 8 ngày để phản tỉnh, ông vẫn nhất định không thay đổi, và hiên ngang lên giàn thiêu ngày 17-2-1600 tại Campo dei Fiori ở La Mã. Phe vô thần ngày nay coi ông là một người tử vì đạo.
Phải chăng gương anh hùng của Giordano Bruno đã được gán cho Galileo Galilei?

Những người sùng bái anh hùng có thể thất vọng khi biết Galileo đã chịu khất phục trước Toà Dị giáo. Thật ra, so sánh giữa Bruno và Galileo, thái độ chịu khuất phục mang nhiều ý nghĩa hơn. Hình ảnh một người bất khuất chết trên giàn thiêu như Bruno chỉ vẽ ra nét anh hùng của một cá nhân. Hình ảnh một học giả 70 tuổi chịu quỳ gối khuất phục trước cường quyền, vẽ ra sự thô bạo của cả một hệ thống cai trị. Cường quyền có thể bắt người ta nhận những tội không hề phạm, nhưng ngay cả thần quyền cũng không thể thay đổi được sự thật. Bốn thế kỷ sau, mấy ai còn nhớ tới anh hùng Giordano Bruno, nhưng Giáo hoàng John Paul II đã phải nhân danh Giáo hội, lên tiếng xin lỗi Galileo Galilei.
Một năm sau ngày lên ngôi, Giáo hoàng John Paul II vào năm 1979 đã kêu gọi các nhà thần học, sử gia và học giả xét lại vụ án Galileo. Năm 1982 Giáo hoàng John Paul II thành lập Ủy ban Galileo gồm bốn nhóm nghiên cứu tái cứu xét vụ Galileo. Năm 1992, Giáo hoàng John Paul II chính thức ủng hộ và ca tụng tư tưởng cùng công nghiệp của Galileo. Bản tin của hãng Reuters từ La Mã, phổ biến vào ngày 1-11-1992, viết:

ROME, Oct.31 – Để chính thức sửa sai, qua một diễn văn đọc hôm nay, Giáo hoàng John Paul II công nhận rằng Giáo hội Công giáo La Mã đã sai lầm khi kết án Galileo 359 năm trước về việc cho rằng trái đất chuyển động quanh mặt trời.
Buổi nói chuyện của Giáo hoàng tại Hàn lâm Viện Khoa học Giáo hoàng đã kết thúc cuộc điều tra 13 năm về việc Giáo hội đã kết án Galileo năm 1633, một trong những xung khắc nổi bật trong lịch sử giũa đức tin và khoa học. Galileo đã bị buộc phải chối bỏ những khám phá khoa học của mình để khỏi bị đốt trên giàn thiêu và trải qua tám năm còn lại của đời mình bị quản thúc tại gia…
Mặc dầu Giáo hoàng thừa nhận Giáo hội đã sai lầm đối với Galileo, ngài nói rằng các nhà thần học vào thế kỷ 17 đã làm việc với những sự hiểu biết có được vào thời đó.
Thật ra, không phải các nhà thần học thế kỷ 17 thiếu những tài liệu cần thiết có thể giúp họ sáng suốt hơn. Những công trình của Copernicus và Galileo chính là những hiểu biết quý giá, nhưng đã bị các nhà thần học của Toà thánh ra lệnh cấm. Phủ nhận hiểu biết và thiếu hiểu biết là hai điều khác nhau.

Tài liệu tham khảo:
Galileo’s Daughter, A Historical Memoir of Science, Faith, and Love của Dava Sobel, Walker Publishing Company, Inc. 1999;
Catholic Encyclopedia; Tài liệu của University of St Andrews, Scotland, School of Mathematics and Statistics;
Thánh Kinh trọn bộ Cựu Uớc và Tân Oớc, nhiều dịch giả, nxb. TP/ Sai Gon, 1998.


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top