Danh ca Duy Trác, “đời lập từ những đêm hoang sơ…”

Phạm Anh Dũng

Danh ca Duy Trác, “đời lập từ những đêm hoang sơ…”

Duy Trác cùng với Sĩ Phú, Anh Ngọc là 3 nam danh ca tiêu biểu nhất của dòng nhạc tình ca ở Sài Gòn trong thập niên 1960. Cuộc đời Duy Trác có những khúc gập ghềnh, tủi nhục mà có thể ít người biết tới. Mời bạn đọc 2 bài viết dưới đây của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng và của chính ca sĩ Duy Trác, nói về cuộc đời của ông.
“Đời lập từ những đêm hoang sơ…” là những ca từ rất tuyệt vời trong ca khúc dòng nhạc bán cổ điển mang tính chuẩn mực của nhạc sĩ Cung Tiến, đó là ca khúc “Hương Xưa”. Ít người biết rằng đây cũng là bài hát mà Cung Tiến tặng cho người bạn của mình: danh ca Duy Trác, và có thể nói chính Duy Trác cũng là người trình bày thành công nhất bài này.

Duy Trác thuộc vào thế hệ đàn anh của tôi, độ hơn một thập niên. Ngày xưa và mãi đến lúc gần đây, mỗi lần nghĩ đến Duy Trác, tôi có những cảm nghĩ lẫn lộn về anh, vừa gần gũi và vừa xa vắng.

Giọng hát Duy Trác, tiếng hát tuyệt vời, bất diệt qua mấy thế hệ, đã đi vào lòng người từ bao nhiêu lâu, qua hàng trăm bản nhạc tình ca Việt Nam tuyệt diệu. Có thể nói trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, ít ra theo ý riêng tôi, anh là người hát tình ca nhiều nhất và hay nhất.

Hàng chục năm, hầu như ngày nào tôi cũng nghe Duy Trác hát, không qua những chương trình đài phát thanh như Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn, thì cũng qua rất nhiều băng nhạc phổ biến trước 1975 và còn được lưu lại mãi đến thời gian dài về sau.

Nghe Duy Trác hát mãi thành có cảm giác rất gần gũi, rất quen thuộc, cái cảm giác không rõ rệt và rồi một lúc nào đó chợt nhận thấy như vậy.



Không giống như các ca sĩ Việt Nam nổi tiếng khác xuất hiện thường xuyên trên sân khấu hay đài truyền hình, Duy Trác không trình diễn trước khán giả cho mãi đến đầu thập niên 1990 sau khi anh đã định cư ở Hoa Kỳ. Hình như ngày xưa khi mới nổi tiếng, anh cũng có hát ở những Đại Nhạc Hội do Học Sinh Sinh Viên tổ chức. Nhưng từ ngày thế hệ tôi mới lớn, bắt đầu thích và biết nghe nhạc, không bao giờ thấy hình dáng của “Chàng Ca Sĩ Cấm Cung” (tên của nhà văn Duyên Anh đặt cho Duy Trác). Thành ra mỗi lần nghe Duy Trác hát, tôi cũng có cảm giác vừa gần gũi vừa xa vắng.

Duy Trác là một người thật đặc biệt, vừa là ca sĩ hạng nhất, vừa là luật sư chuyện nghiệp, còn là ký giả và lại còn là dịch giả nữa.
Tôi còn nhớ một chiều thu nắng nhẹ. Ngày đó đang học đệ ngũ hay đệ tứ trường trung học. Ba bốn đứa hứng tình rủ nhau “cúp cua” bỏ học, vào ngồi ở sân quán cà phê Thu Hương ở Tân Định, góc đường Hai Bà Trưng và Hiền Vương. Ngồi nhìn những giọt cà phê phin đen lóng lánh nhỏ xuống, vừa nghe nhạc qua máy phát thanh, vừa chuyện trò. Tình cờ, tất cả cùng tự nhiên yên lặng sửng sốt lắng nghe tiếng hát của một nam ca sĩ trình bày một bản nhạc thật hay:

Sao không thấy em lại
Để cùng anh thẩn thơ
Trước sân trăng vòi vọi
Để rồi cùng ước mơ

Nhưng chưa thấy em lại
Hàng dừa nghiêng thương nhớ
Và khúc ân tình biết đưa về đâu…

(Thuở Ban Đầu / nhạc và lời Phạm Đình Chương)
Duy Trác – Thuở Ban Đầu – Thu Âm Trước 1975
https://www.youtube.com/watch?v=KQ_H8q6-hl0

Tiếng hát sao mà truyền cảm, đầm ấm, tha thiết, nồng nàn, ân cần… Thời gian như muốn ngừng lại trong giây phút đó. Bản nhạc chấm dứt, mấy đứa ngơ ngác nhìn nhau!
Đó là kỷ niệm lần đầu tiên nghe Duy Trác hát. Kể từ đó tôi say mê giọng hát này, và kể từ đó tôi đi tìm nghe cho bằng được những bài Duy Trác hát.
Duy Trác hát thật hay, không chỉ những loại nhạc đòi hỏi kỹ thuật trình diễn của người hát và trình độ thưởng thức của người nghe như Nguyệt Cầm (thơ Xuân Diệu, nhạc Cung Tiến), Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương), Đường Em Đi (nhạc và lời Phạm Duy)… mà ngay cả những bản nhạc giản dị, nhạy cảm như Người Em Nhỏ (thơ Thiệu Giang, nhạc Nguyễn Hiền), Tôi Sẽ Đưa Em Về (nhạc và lời Y Vân), Áo Lụa Hà Đông (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên)… Duy Trác cũng làm người nghe rung động một cách kỳ lạ.

Duy Trác hát ca khúc Gọi Mùa Thu Mơ của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng
Gọi Mùa Thu Mơ (Phạm Anh Dũng) Duy Trác
https://www.youtube.com/watch?v=hIg72xZepZM
Tôi Xa Người [nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Du Tử Lê] Duy Trác hát
https://www.youtube.com/watch?v=Y295sK7I4BU&t=5s

Kỷ niệm đáng nhớ thứ hai với Duy Trác là sau khi tôi đã định cư ở Hoa Kỳ khá lâu, bất ngờ đọc một tờ báo tiếng Việt thấy tin anh đã qua đời, tôi đã lặng người đi một lúc khá lâu. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác xót xa, nhạt nhòa của mình, tưởng như vừa mất đi một cái gì quý giá nhất trong đời. Dĩ nhiên, về sau, tôi được biết đó là một tin không đúng sự thật.
Mùa Thu năm 1992, anh Duy Trác đến được Hoa Kỳ và ở Houston, Texas. Tôi nghĩ sau 17 năm cực khổ kể cả 6 năm trong các trại cải tạo và 4 năm lao tù, anh không còn giọng hát ngày xưa. Nhưng tôi đã lầm. Thật không còn gì hạnh phúc hơn được nghe lại tiếng hát Duy Trác, không có gì khác ngày trước, qua một băng nhạc anh gửi đến.
Gặp anh Duy Trác ở California, cảm động vì lần đầu trong đời gặp anh. Đưa anh đi phòng thu thanh hát:
Tôi xa người, như xa núi sông
Em bên kia suối – Bên kia rừng
Em bên kia nắng? – Bên kia gió
Tôi một giòng: sương lên mênh mông

Tôi xa người, như xa biển Đông
Chiều dâng lênh láng, chiều giăng hàng
Những cây ghi dấu ngày em đến
Đã chết từ đêm mưa không sang…

(Tôi Xa Người / thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Anh Dũng)

Và vẫn tiếng hát ngày xưa, vẫn truyền cảm, đầm ấm, tha thiết, nồng nàn, ân cần…

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng (1993)

*
Ca sĩ Duy Trác tự thuật về cuộc đời của mình


Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị giam cầm và cấm hát suốt 17 năm ở trong nước, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những băng nhạc nghệ thuật.

Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi, một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng: “Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả, chỉ già đi nhiều thôi”.

Ồ! Tôi đã già đi! chắc chắn rồi. Nhưng tôi đã không có thì giờ nghĩ đến. Làm sao có thì giờ nghĩ đến khi không biết ngày nào hết cảnh lao tù để về chung sức với vợ nuôi nấng 6 đứa con, 5 đứa cháu và một mẹ già đau yếu. Nhất là nỗi đau mất 3 đứa con và 7 đứa cháu trên biển cả. Nỗi đau quá lớn khiến mẹ đã té ngã và trở thành phế nhân với nửa người bất động.

Trong đời sống của mỗi con người, ai cũng có 3 giai đoạn: tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi già. Riêng tôi tuổi thơ hầu như không có. Cha mẹ mất sớm, bị những người lớn tuổi trong đại gia đình hành hạ; năm 12 tuổi tôi đã bỏ đi sống một mình.

Tôi còn nhớ, hồi đó ở vùng kháng chiến Việt Bắc tôi thi vào trường Sư Phạm; với học bổng 18 kg gạo, 180 đồng tiền thức ăn, và 1 chai dầu dùng để thắp đèn học đêm. Nghỉ hè, trường không phát học bổng, tôi phải đi hái trà và đạp trà thuê. Cuối ngày lãnh tiền đủ đong được chút gạo, hái rau rừng làm thức ăn. Với đủ mọi hình thức kiếm tiền lương thiện, tôi đã phấn đấu học hành, làm việc với châm ngôn do mình đặt ra: không hận thù những người đã hành hạ mình và phải cố gắng học cho thành tài. Cả hai châm ngôn này tôi đã thực hiện đầy đủ và chân thành. Bỏ vùng Việt Bắc, trở về Hà Nội rồi di cư vào Nam, tôi đã cố gắng hoàn tất việc học, trở thành luật sư đồng thời lập gia đình năm 1961.

Ngẫm nghĩ lại, tuổi thơ không có, tuổi thanh xuân cũng không được bao nhiêu. Sau khi gia nhập Luật Sư Đoàn được 2 năm và lập gia đình được hơn 1 năm, vào năm 1962 tôi được gọi nhập ngũ. Dĩ nhiên, phục vụ đất nước trong thời chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng của con dân một nước. Nhưng rời bỏ gia đình mới được hơn một tuổi, bỏ lại vợ và con thơ để làm nghĩa vụ người trai trong 13 năm rưỡi rồi tiếp theo là 11 năm tù đày; thì hỡi ôi tuổi thanh xuân của tôi đã mất hút tự bao giờ tôi cũng không còn nhớ được nữa.

Ra tù và sang đến Mỹ năm 1992 thì tôi đã ở vào tuổi 56. Các thính giả có bảo là già đi nhiều thì cũng phải thôi. Tiếp tục vật lộn với đời sống để nuôi gia đình nên mối ưu tư về tuổi già, về những chăm sóc cho tuổi già được sống hợp lý, tốt đẹp cũng không phải là điều dễ dàng. André Maurois đã viết:

“Năm, sáu chục năm trời nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn có thể giữ được nguyên vẹn những điểm sung mãn thời trẻ? Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh sáng đã điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Và như vậy già là một tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tính tuổi, cớ sao phải lãng tránh? Có trẻ thì có già, đó là nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già? Trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc.”

Trong thời gian tôi theo học tại trường Luật, có một người bạn đã gửi cho tôi một tấm thiệp giáng sinh trên đó có ghi toàn văn bản dịch của bài thơ “TUỔI TRẺ (YOUTH)” của Samuel Ullman. Lời lẽ bài thơ thật là sâu sắc, đầy tinh thần lạc quan, nó ảnh hưởng sâu xa đến tôi trong mấy chục năm nay.

Mặc dầu nó được viết ra từ năm 1918, lúc tác giả đã 78 tuổi nhưng ý tưởng thật mới mẻ. Xin trích một vài câu tiêu biểu:
“Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt.”
Tướng Douglas Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ này và ông đã cho trưng bày bài thơ ngay tại phòng làm việc của ông ở Tokyo khi ông đang là Tư Lệnh Quân Đội Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh. Rồi vào năm 1946, tạp chí Reader’s Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến toàn văn bài thơ bất hủ này bằng Nhật ngữ. Nhân dân Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đầy lạc quan, tích cực và năng động của bài thơ không vần này. Cũng từ đó họ đã hăng say dấn thân vào việc tái thiết đất nước, khiến nước Nhật lấy lại được vị thế cường quốc về kinh tế, chính trị cũng như văn hoá như ta thấy ngày nay.

Năm 1992 tôi tới Mỹ với một tấm thân tàn vì bệnh hoạn, đói khổ, và tù đày. Nếu không nhờ nền y tế tối tân và siêu việt của quốc gia này, tôi không còn sống tới ngày hôm nay.

Duy Trác

 
Kiều Mỹ Duyên, Một Chuyến Đi Đầy Nước Mắt: Thăm Viếng Người Cùi Ở Việt Nam
  Ngày 26/11/2024, phái đoàn "Hội Bạn Người Cùi" lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quân Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.          Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top