Đặng Ngọc Thuận, md: Chuyện trầm cảm của tôi.

Đặng Ngọc Thuận, md

Chuyện trầm cảm của tôi.

(Mùa Hè năm 2022)
(Đây là một câu chuyện có thực. Tác giả kể lại với kiến thức y học của mình, mong sao giúp ích được phần nào cho sự hiểu biết phổ thông của căn bệnh khá kỳ dị này)

Trước khi ngã bệnh: Trầm cảm hay suy nhược tâm thần là một căn bệnh rất thông thường. Mọi người ai cũng có lúc mắc phải bệnh này, lý do và nặng nhẹ khác nhau, song tuyệt đại đa số chung cuộc đều qua khỏi. Thí dụ như tang tóc, thi rớt hay thông thường hơn là hình thức trầm cảm vì các mùa trong năm (dépression saisonnière). Ở Canada, hình thức này thường xảy ra trong 2 mùa Thu - Đông với cảnh vật lạnh lẽo, cây cối xác xơ. Đó là nguyên nhân sâu sắc của hiện tượng ‘’Snowbirds’’ khiến một số dân Québécois theo truyền thống bỏ xuống Florida sống, nói là để tránh lạnh.

Song một số bệnh nhân trầm cảm lại kết thúc căn bệnh của mình bằng cách … tự vẫn! Bản thân tôi mắc bệnh trầm cảm ít nhất đã từ 2-3 năm nay trùng hợp với thời gian đại dịch Covid-19. Liệu tôi có thuộc thiểu số bệnh nhân chấm dứt cuộc đời của mình bằng cách tự vẫn hay không?

Theo kinh nghiệm bản thân thì căn bệnh của tôi sẽ diễn biến theo từng giai đoạn, đúng như sách vở Y khoa tôi đã đọc và đã được tái huấn luyện khi nhập cư đến xứ này hồi cuối năm 1979, lúc tôi đã 45 tuổi. Tôi dốc hết tâm lực hành nghề y sĩ đến năm 74 tuổi thì nghỉ hưu vĩnh viễn, vì gia cư đã ổn định và con cái đều đã thành đạt. Vợ chồng chúng tôi (lấy nhau đến nay đã hơn nửa thế kỷ) sau nhiều lúc gian truân nay mới được vui sống một cuộc đời hưu trí thảnh thơi, sung túc và hơn hết là mạnh khỏe.

Chúng tôi đi du lịch nhiều nước bằng máy bay, xe lửa và tầu biển, luôn luôn có mặt trong các buổi hội họp của Cộng Đồng, hội S.A.I.M và hội Rồng Vàng, tham dự thường xuyên các party ca hát, khiêu vũ, chơi bài mạt chược v.v…Ngồi nhà, tôi viết bài cho báo Saigon Nhỏ vì bà chủ nhiệm Hoàng Dược Thảo là bạn thân của nhà tôi. Tôi cũng hay thuyết trình nhiều chủ đề nọ kia tại các hội đoàn. Rảnh rỗi, tôi viết và xuất bản được cuốn Mạt Chược Đánh Lấy Vui và Lấy Được, cũng tổ chức nhiều lớp chỉ dẫn cho bạn bè muốn chơi môn giải trí hữu ích này, khó học song đã biết lại rất ham.

Ngã bệnh : Cho đến cuối năm 2019 thì bỗng nhiên một lần thử máu phát hiện tôi bị suy thận thời kỳ chót rồi, hậu quả của bệnh cao áp huyết mãn tính mà tôi cứ đinh ninh đã cân bằng (stabilized) được bằng cách uống thuốc hạ huyết áp đều đặn và đầy đủ. Thật đúng là một căn bệnh ‘’giết người thầm lặng’’(silent killer). Tôi biết ngay là cuộc chiến với tử thần đã bắt đầu song cũng là một cú choc tâm thần rất nặng cho tôi. Mất ăn mất ngủ vì những ý nghĩ tiêu cực mông lung, tôi ngồi hàng giờ bất động,‘’nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt’’ với hình bóng của những người thân thương trong gia đình đã khuất từ lâu năm như cha mẹ tôi và người em trai tôi thương nhớ nhất. Họ yên lặng nhìn tôi với những cặp mắt u sầu rồi hễ tôi mở mắt ra là họ biến mất. Ảo ảnh, ảo ảnh…tôi lặng lẽ tự nhẩm !
Vậy là tôi bị trầm cảm dạng psychotique với ảo ảnh, nặng hơn dạng névrotique nhiều. Dạng sau này không cần uống thuốc cũng khỏi, như tang tóc sau 1-2 năm cũng quên đi và hết buồn; thi rớt rồi cũng có ngày thi đậu hoặc yên phận với công ăn việc làm nào đó. Cùng lắm là uống mấy viên thuốc an thần như Valium, Sérax, Xanax v.v… Tôi thì phải uống thuốc như của người điên khùng schizophréniques. Bác sĩ tâm thần (psychiâtre) cho tôi uống thử đến nửa chục thứ thuốc anti-psychotiques chẳng có hiệu quả gì mà chỉ thấy công phạt rất khó chịu, thậm chí khiếp sợ, nên tôi dứt khoát từ bỏ mà chỉ chú trọng đến việc điều trị căn bệnh gốc là suy thận…

Tôi được giới thiệu tới một bác sĩ chuyên khoa Thận Học là BS Isabelle Chapdelaine ở Hôpital du Sacré-Cœur-de-Montréal. Không nói trắng ra nhưng chắc vì tuổi tác của tôi, bà BS Chapdelaine dự trù cho tôi lọc máu bằng màng bụng (Dialyse Péritonéale hay gọi tắt là DP). Phương pháp này nhẹ nhàng có thể tự làm lấy tại gia và như thế tôi luôn luôn được ở gần vợ con, sống nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại. Trong lúc chờ đợi, người tôi sa sút thấy rõ. Tôi mất 10 kg, mặt mũi xanh xao phờ phạc vì bần huyết. Luôn luôn yếu mệt, tôi phải di chuyển bằng marchette. Tôi sinh ra buồn bã vì cái già sồng sộc nó đã theo tôi trong khi mới đây thôi, tôi không hề nghĩ đến nó và cứ tưởng là mình còn trẻ trung, sức lực tràn đầy, khó mà bị chứng này bệnh kia. Tôi cảm thấy như người ngã ngựa và đó là bước đầu của câu chuyện trầm cảm của tôi.

Đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành tại Montreal khiến tôi càng xuống tinh thần. Tôi không ra khỏi nhà mà tìm góc nào trong nhà tối tăm nhất mà ngồi cho thuận tiện với những ý tưởng không kém đen tối của tôi. Cùng lắm tôi chỉ ngồi trước cửa nhà, lặng buồn ngắm nhìn mảnh vườn hoa nhỏ nhà tôi mới trồng, song như đại thi hào Nguyễn Du diễn tả ngắn gọn chỉ trong một câu thơ ‘’Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !’’, giống như nhà thơ trứ danh người Pháp Alphonse de Lamartine ở thế kỷ thứ XIX đã để lại cho hậu thế bài thơ về nỗi buồn La Tristesse. Bạn đọc nào muốn xem toàn bài thơ, xin coi Addendum ở cuối bài tự thuật này.

Ý định tự vẫn (suicidal idea) : Thêm vào bệnh trầm cảm vì suy thận, tôi còn nơm nớp lo sợ bị lây Covid-19 mặc dầu đã được chích ngừa đủ 4 liều (vì người lớn tuổi suy thận rất dễ là nạn nhân của đại dịch Covid-19). Rồi trong bối cảnh tiêu điều của một thành phố Montreal bị ‘’cấm cửa’’ và giới nghiêm, tôi mong mỏi chờ đợi được kêu đi học tập phương pháp lọc máu bằng màng bụng. Hẹn tới hẹn lui khiến tôi chán nản đến vô vọng rồi tuyệt vọng. Đấy là lúc tôi nẩy ra ý định tự vẫn cho xong mọi chuyện, cho nhà tôi hết vất vả săn sóc tôi, cho con cháu khỏi lo nghĩ thăm nom … Thế nhưng, tôi lại sợ chết tham sống vì thương vợ xót con, không muốn gia đình mang tiếng có người quyên sinh. Ý định tự vẫn vì thế lúc có lúc không, tùy theo biến chuyển của bệnh trạng tôi lúc nặng lúc nhẹ.

Rồi bỗng nhiên đúng ngày 20 tháng 02 năm 2020, tôi lên cơn sốt cao độ mê man bất tỉnh. Giữa đêm khuya, nhà tôi hấp tấp kêu 911 xin xe cứu thương chở gấp tôi vô bệnh viện Sacré-Cœur. Bác sĩ ở phòng cấp cứu sau khi đo tim, chụp hình phổi, thử nghiệm máu me đủ thứ hầm bà làng, quả quyết tôi không mắc dịch Covid-19. Ông nghi tình huống hấp hối gần đất xa trời của tôi là do suy thận thời kỳ chót và khẩn cầu bác sĩ chuyên khoa Thận Học đến hội chẩn. Ông này đồng thuận ngay và quyết định cho tôi khẩn cấp lọc máu bằng máy thận nhân tạo (hémodyalyse hay HD).

Cái máy thận nhân tạo khổng lồ này tuy rất hữu hiệu trong nhiệm vụ cứu tử con người song lại rất mãnh liệt và gây hấn (forceful and aggressive). Ít ai xong một lần lọc máu mà không choáng váng mệt lừ cò bợ. Rồi cô y tá cho paramètre thải nước ra quá độ khiến bệnh nhân bị đột xuất thiếu nước (déshydratation aïgue) bị bất tỉnh như chơi. Tôi chết đi sống lạỉ 3-4 lần vì nguyên nhân này. Song ghê gớm nhất là cái lạnh rét mướt đến tận xương tủy như trường hợp cá biệt của tôi. Nguyên do là ai đó đã để nồng độ của cái Dialysat quá thấp mà quên không điều chỉnh lại khi tôi đã qua thời kỳ hấp hối.
Dialysat là bộ phận chính của thận nhân tạo lọc máu qua một cái màng, nhờ một dung dịch có tích cách thu hút chất créatinine, cặn bã của chất đạm bình thường được đào thải qua đường tiểu. Creatinine đọng lại trong máu biến thể thành urée (xin đừng lầm với acide urique, nguyên nhân của bệnh gout) khiến bệnh nhân suy thận bị những cơn ngứa ngáy ‘’phát điên lên được’’ Tôi đã từng trải nghiệm nhiều lần những cơn ngứa ngáy này song nhờ bà BS Isabelle Chapdelaine kê toa cho uống Neurontin mới đỡ. Với tôi, Neurontin như một loại thuốc tiên nhưng lại rất độc cho não bộ nên tôi chỉ dám dùng một liều tối thiểu, khi tối cần thiết

Lên kế hoạch tự vẫn (Planning) : Sau gần 6 tháng chiến đấu với tử thần và cái máy thận nhân tạo đã đươc điều chỉnh, tôi đã quen quen với cái máy dù phải trang bị một cái mền điện to tướng và một cái headphone nho nhỏ để nghe nhạc cho chóng qua thời gian mỗi kỳ đi lọc máu dài như một thế kỷ. Vẫn trong tinh thần nhân đạo cho tôi tuổi tác đã cao có nhiều thời giờ gần gia đình hơn, tôi được bà BS Isabelle Chapdelaine cho phép chỉ phải đi lọc máu một tuần 2 kỳ, lâu 3 tiếng rưỡi đồng hồ (thay vì 3 lần như mọi người). Thế nhưng mấy ngày trong tuần nhàn rỗi căn bệnh trầm cảm lại trỗi dạy, ghê gớm hơn bao giờ hết. Người trầm cảm rất cần sự hỗ trợ, an ủi và khuyến khích của thân quyến và bạn bè. Tôi như trở lại thời con nít, luôn luôn muốn có nhà tôi bên cạnh với những lời nói dịu dàng, mền mỏng. Hễ bà ấy cao giọng một chút là tôi kết tội bà ấy lên ton làm phách. “Hội chứng ngã ngựa’’quay lại lởn vởn trong đầu khiến tôi vô cùng hoảng sợ. Nhà tôi phải huy động bạn bè và con cháu điện thoại thăm hỏi. Riêng con cái mặc dầu ở xa cũng phải thu xếp một tuần về thăm bố 1 lần.

Nhưng tôi vẫn như một cái xác không hồn bị ảo ảnh ám ảnh và giờ đây lại thêm ảo thính nữa. Tôi nghe trong đầu tiếng nói thì thầm:’’Vợ mày có đời sống riêng tư đấy!’’ Thật ra đó chỉ là cái laptop bà ấy dùng để liên lạc tâm sự với bạn bè và con cháu. Song tôi vẫn sợ một ngày nào đó tiếng nói ấy sẽ xúi giục tôi giết người như trường hợp những người bị điên thực sự (schizophrénie). Thế là tôi lại có ý tuởng tự vẫn, không phải lý tưởng xuông mà có kế hoạch đàng hoàng. Song thực sự tôi sợ chết, chết trong đau đớn, khốn khổ. Tôi muốn có một cái chết nhẹ nhàng êm xuôi. Tôi nhớ đến một loại thuốc an thần tên bắt đầu bằng chữ R. Uống một viên 1/2mg là một liều thông dụng cho ta một giấc ngủ êm đềm, sáng dậy không bị bần thần choáng váng (hangover). Vậy nếu ta uống nguyên một chai thì chắc chắn sẽ ra đi một cách êm ả không chút đớn đau!

Yếu tố gây động thái (triggering factor) : Yếu tố đó trong trường hợp tôi có thể ví dụ như nhà tôi bỗng xa tôi vì lý do này nọ, tôi mắc thêm bệnh Covid-19, lá xanh rụng trước lá vàng …Song đó chỉ là những giả thuyết tiêu cực mà trong những lúc bị trầm cảm ám ảnh, tôi thường có những ý tưởng đen tối như vậy. Nhà tôi như đoán được trạng thái bi quan của tôi. Bà ấy lúc nào cũng phập phồng lo sợ một biến cố (catastrophe) xảy ra như trời xập xuống gia đình tôi.

Chữa Trị : Nhà tôi quyết tâm cứu tôi ra khỏi cái đầm lầy trầm cảm và lôi kéo bằng được tôi đi khám bệnh tâm thần, song thuốc men anti-psychotiques chẳng giúp được gì, như đã nói ở trên. Bà xoay sang tâm lý học (psychologie) để tìm một phương thức tâm lý trị liệu (psychothérapie) không cần đến thuốc men. Không ngờ trong thời buổi hậu đại dịch này, quá nhiều người bị trầm cảm khiến các ông bà psychologues bận bịu quá đỗi. Xin một cái hẹn có khi phải chờ từ 6 tháng đến 1 năm. Giá biểu tổn phí cho mỗi dịch vụ (honoraires) không nhất định song thường là rất cao và nhà nước không bao cho một cắc nào.

Bấy giờ nhà tôi mới sực nhớ ra môn hobby giải trí được tôi ưu chuộng nhất là mạt chược 4 bộ khung. Tôi đồng ý là môn bài này có thể là một thứ tâm lý trị liệu cho bệnh trầm cảm của tôi, với điều kiện là đánh nhỏ cho vui chứ không đánh lớn ăn thua đủ.
Chúng tôi đã sẵn mấy cỗ bài, bàn ghế và đèn đuốc. Chỉ cần kiếm đủ bạn hiền cũng là dân nghiền chơi mạt chược như chúng tôi. Thật đúng với câu nói ‘’Rượu ngon phải có bạn hiền’’.
 
Duy có điều khó khăn là trong cộng đồng người Việt ở Montreal, các bậc cao niên biết chơi mạt chược còn lại chẳng là bao nhiêu mà con cháu thế hệ sau thì ít giải trí bằng mạt chược, có biết chơi thì cũng là mạt chược đánh theo kiểu Mỹ hay Tầu, không thể nào so sánh với cái hay và cái khó của Mahjong Vietnamese-Style.

Vậy mà nhà tôi cũng tập hợp đủ một số bạn hiền đủ tiêu chuẩn ‘’đánh giỏi và tốt tính’’ chia làm 3 toán cho 3 ngày rảnh rang sầu muộn của tôi. Club chúng tôi đánh cốt lấy vui, nếu được thì vui hơn còn nếu thua thì cũng chỉ 10-20 đồng bạc. Cái hay của Mahjong come psychothérapie là làm người trầm cảm quên đi mọi nỗi ưu phiền lo lắng lại còn duy trì được trí nhớ, thậm chí khả năng lý luận nữa. Ấy là chưa kể khi đánh bài, người chơi hay giỡn cợt cười đùa làm cho người bệnh quên hết mọi buồn phiền bực bội hay ít ra cũng nhận thức được xung quanh mình có nhiều bạn hữu không quên mình và luôn hỗ trợ mình để mà tiếp tục sống vui sống khỏe.

Sau hết phải kể là gần đây một số bạn hiền (ngoài vòng mạt chược) đã có hảo ý tổ chức 3-4 cặp ăn uống tại mấy nhà hàng quen thuộc. Các bà tâm tư hàn huyên thân mật. Các ông nói chuyện thời sự hàng giờ không hết. Cả đôi bên đều có đầu óc trào phúng khá phong phú và đôi khi … tiếu lâm nữa. Song những buổi họp mặt cười đùa vui vẻ như thế mang lại niềm lạc quan cho tôi, sau mấy năm trời sống trong địa ngục trầm cảm.

Giờ đây, tôi thể hiện mình đang trở lại với xã hội bình thường, thoát khỏi cái bẫy trầm cảm (tưởng là tầm thường mà đôi khi nguy hiểm chết người) Tôi không tin cũng chẳng sợ cái yếu tố gây động thái tự vẫn sẽ đến với tôi. Và tôi có thể yên tâm sống nốt một cách bình thản quãng đời còn lại bên vợ thảo, con ngoan và các bạn hiền.
Đặng Ngọc Thuận, md

 

Addendum :

La tristesse
Alphonse de Lamartine (1790-1869)

L’âme triste est pareille
Au doux ciel de la nuit,

Quand l’astre qui sommeille
De la voûte vermeille

A fait tomber le bruit.

Plus pure et plus sonore
On y voit sur ses pas
Mille étoiles éclore,
Qu’à l’éclatante aurore

On n’y soupçonnait pas !

Des îles de lumière
Plus brillante qu’ ici,

Et des mondes derrière,
Et des flots de poussière
Qui sont mondes aussi


On entend dans l’espace
Les chœurs mystérieux
Ou du ciel qui rend grâce,
Ou de l’ange qui passe,
Ou de l’homme pieux !


Et pures étincelles
De nos âmes de feu,
Les prières mortelles

Sur leurs brûlantes ailes
Nous soulèvent un peu


Tristesse qui m’inonde,
Coule donc de mes yeux,
Coule comme cette onde
Où la terre féconde

Voit un présent des cieux !

Et n’accuse point l’heure
Qui te ramène à Dieu !

Soit qu’il naisse ou q’il meure
Il faut que l’homme pleure

Ou l’exil, ou l’adieu !


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top