Chiếc lư đồng ngày Tết tại miền Nam





Theo truyền thống, thời gian trước tết là lúc các gia đình thường sửa soạn nhà cửa, tô điểm cho bàn thờ. Đặc biệt với người dân  miền Nam xưa nay, bàn thờ không thể thiếu chiếc lư hương, cặp chân đèn bằng đồng được lau chùi kỹ lưỡng, sáng choang đặt trang trọng trên nóc tủ thờ.

Bởi thế, năm hết Tết đến, cũng đồng nghĩa với chuyện nghề đúc lư đồng bắt đầu nhộn nhịp, ăn nên làm ra. Và câu chuyện những món đồ đồng có nguồn gốc từ Sài Gòn xưa lại gợi về ký ức những làng nghề đúc đồng nổi tiếng từ cách đây hơn 2 thế kỷ.


Suốt trong chiều dài phát triển của lịch sử đất Việt, từ rất xa xưa thời Phùng Nguyên, rồi Đông Sơn, trải dài qua thời Bắc thuộc... trên khắp đất nước không bao giờ thiếu vắng những trung tâm đúc đồng nổi tiếng.

Riêng với Sài Gòn, một vùng đất "sinh sau đẻ muộn" nhưng cũng đã sớm hình thành nên những khu vực theo nghề đúc đồng, được bắt đầu vào thế kỷ 18.

Khi ấy ở địa bàn Chợ Lớn thuộc Sài Gòn - Gia Định xưa đã xuất hiện các phường thợ đúc đồng nổi tiếng ở khu vực miền Trung di cư và mang theo nghề truyền thống vào Sài Gòn, định cư ở các làng Tân Kiểng, Nhân Giang, Bình Yên, nay thuộc khu vực quận 5. Họ sản xuất các mặt hàng thủ công, gia dụng như nồi, niêu, xoong, chảo, ô đựng trầu, bát nhang, lư hương, chân đèn...

Kế tiếp là sự xuất hiện của những lò đúc đồng khác như khu Tân Hòa Đông (này thuộc địa bàn quận 6), khu Thuận Kiều... chuyên chế tác các dòng đồ mỹ thuật cao cấp như lư hương mắt tre, đỉnh trầm, lư hương được chạm trổ khá tỉ mỉ. Những lò đúc đồng này còn sản xuất cả loại binh khí phục vụ đồ tế tự, thờ cúng

Và riêng với làng An Hội, hay còn gọi khu Thông Tây Hội, nay thuộc phường 12, quận Gò Vấp cũng là nơi tập trung nhiều lò đúc đồng thủ công nhất Sài Gòn - Gia Định xưa.

Làng đúc đồng An Hội nổi tiếng với sản phẩm lư hương, sản xuất hàng loạt theo dạng thủ công và đưa đi khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, xuất sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện...

Có thể nói, nghề đúc đồng ở Sài Gòn xưa một thời vang bóng, với sự hình thành các làng nghề đúc đồng thủ công đã đáp ứng được mọi nhu cầu sử dụng của người dân địa phương, sản phẩm đa dạng từ đồ gia dụng, đồ mỹ thuật đến đồ thờ cúng.

Qua thời gian, các làng nghề đúc đồng truyền thống ở Sài Gòn dần mai một, chỉ còn lại duy nhất làng An Hội với những lớp nghệ nhân kế thừa tiếp tục theo nghề.

Thời đỉnh cao, cả làng có hơn 50 lò đúc lư, nay chỉ còn lại 5 gia đình vẫn theo nghề truyền thống. Tết đến, cũng là lúc các lò lư rộn ràng củi lửa, chuẩn bị cho những bộ lư mới ra lò, đi khắp xứ Nam, ngự trang trọng trên các tủ thờ ngày xuân.

Ngày trước những con đường làng An Hội cứ đến dịp cận Tết là ngập tràn những khuôn đất của các lò đúc lư đồng phơi đầy trên lối đi.

Theo những người già làng kể lại, những thập niên 30 - 50 của thế kỷ trước, nghề đúc lư đồng An Hội nổi tiếng khắp Sài Gòn. Đúc đồng khi đó ăn nên làm ra, cả làng đúc lư cũng không kịp cung ứng cho thị trường cả trong lẫn ngoài nước.

Đến những năm 70, làng An Hội chỉ còn lại khoảng 30 lò đúc lư đồng. Và hiện nay, những lò đúc đồng cuối cùng của làng còn sót lại đếm vừa đủ năm đầu ngón tay, với những tên gọi nghe rặt miền  Nam  Hai Thắng, Ba Cồ, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Úc Kiểng.

Vừa vào đến sân lò đúc lư đồng Ba Cồ, hình ảnh từng tốp thợ vẫn lặng lẽ vào khuôn, tiếng kỳ cạch cẩn trọng chạm khắc từng hoa văn chi tiết trên lư đồng đã thành hình, đang chất ngập cả một góc sân để chuẩn bị cho đợt hàng bán Tết.

Chủ nhân xưởng đúc lư Ba Cồ cho biết: "Những tháng cuối năm đơn hàng các tỉnh dồn về nhiều, tháng đổ khuôn hơn trăm cái lư là chuyện thường. Cả khu làng nghề đúc đồng ở An Hội vẫn giữ lối sản xuất sản phẩm từ thời cha ông để lại, chuyên đúc lư, chân đèn, đồ thờ cúng chứ không sản xuất mấy mặt hàng khác".Có thể nói nghề đúc đồng thủ công là một nghề phải vận dụng kỹ thuật khá cao.

Người thợ cả chịu trách nhiệm chính cho mỗi mẻ khuôn, phải nắm được toàn bộ cách gia công trên đồ đồng từ việc pha chế nguyên liệu đến việc làm khuôn, đúc, cho đến kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí.

Người thợ cả của lò lư mang yếu tố sống còn cho thương hiệu lò lư, thường là người đa tài biết các nghề phụ như hội họa, điêu khắc, nặn tượng, kim hoàn... và có con mắt của một nhà tạo dáng công nghiệp.

Về mặt kỹ thuật, các khu vực đúc đồng ở Sài Gòn xưa đến nay đều thực hiện ba công đoạn: đổ khuôn, đúc và làm nguội.

Cư dân Nguyễn Đức Phát, sinh ra và lớn lên ở làng An Hội, nay đã ngoài 40 tuổi, kể về kỷ niệm với những chiếc lư đồng trên bàn thờ nhà mình: "Chiếc lư đồng của nhà do thợ làng An Hội đúc tính ra cũng hơn trăm năm rồi, mỗi khi nhìn thấy nó là gợi lại nhiều kỷ niệm ngày xưa lắm. Nhất là khi Tết đến, mỗi lần dọn bàn thờ, chùi rửa bộ lư là bao ký ức thời gian từ thủa bé dồn về. Nhớ hoài hồi nhỏ nhìn ông nội chùi bộ lư, rồi đến ba, lúc đó nhỏ chỉ được xem người lớn lau chùi bộ lư thấy cẩn trọng lắm, con nít không cho xớ rớ vào đâu, và bao nhiêu năm rồi, giờ thì đến lượt mình chăm chút cho bộ lư.

Những bộ lư ngày xưa tuy nó hơi cũ kỹ, xài qua năm là xỉn màu u trầm, nhưng nhìn có hồn. Còn những cặp lư bây giờ, mới quá, sáng quá, nhìn bóng bẩy vô hồn chứ không mộc mạc, đơn sơ như chiếc lư ngày xưa. Nhiều người đi ngang cũng hay nhìn lên bàn thờ dò hỏi mua lại bộ lư, nhưng ai đời lại bán".

Có lẽ, chính nhờ những ký ức nhỏ nhoi, giản dị, gần gũi thân thương ấy mà tên tuổi của làng nghề đúc đồng thủ công An Hội vẫn còn tồn tại, vẫn còn có cho mình những khách hàng rất riêng, rất  Nam bộ. Cũng giống như tên gọi của những lò lư nổi danh một thời, nay vẫn hoạt động rộn ràng giữ nguyên nếp sống một làng nghề Sài Gòn xưa giữa phố thị nhộn nhịp hôm nay.

(Theo Nguyễn Đình/Tạp chí Heritage)


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top