• Thiên Cầm: Hoa Kỳ lập quốc và  Niềm tin vào Đấng Sáng Thế

Hoa Kỳ lập quốc và 
Niềm tin vào Đấng Sáng Thế

Thiên Cầm
 



Trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, các vị Cha Lập quốc sử dụng rất nhiều từ ngữ thể hiện sự sùng kính Đấng Tối cao, như Luật của Tự nhiên (Laws of Nature), Chúa của Tự nhiên (Nature’s God), Chúa (God), Chúa Sáng Thế hay Sáng Thế Chủ (Creator), được sáng tạo (created), Đấng thẩm phán tối cao của thế giới (Supreme Judge of the world), và lực lượng Thần thánh (Divine Providence). Điều này để nói lên niềm tin lập quốc của Hoa Kỳ rằng Đấng Sáng Thế đã sáng tạo ra con người, và những quyền bất khả xâm phạm của con người là do Đấng Sáng Thế ban cho. Bởi vậy việc bảo vệ chúng, bảo vệ sự tự do này, chính là một việc Thần thánh và thiêng liêng, là bảo vệ ý nguyện của Đấng Sáng Thế.

Rõ ràng những vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ có một niềm tin mạnh mẽ vào Đấng Sáng Thế. Niềm tin này sau đó đã xuất hiện trong mọi mặt của đời sống Hoa Kỳ. “Chúng con tín thác vào Chúa” (In God We Trust) đã xuất hiện trên tất cả các loại tiền tệ của Hoa Kỳ theo luật pháp Hoa Kỳ. Khi người dân Hoa Kỳ xuất hiện tại tòa án, trước các phiên điều trần của Quốc hội và trong lễ nhậm chức của Tổng thống, dù có quyền lựa chọn, họ hầu hết đều tuyên thệ trước Chúa (Xem bài: Tản mạn về lời tuyên thệ nhậm chức của tổng thống Mỹ). Rõ ràng đây không phải là một nghi thức, mà là niềm tin của một quốc gia, là một trong những nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ.
Các học giả sau này thường cho rằng có hai nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới các vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ, đó là John Locke và William Blackston. Những mặc khải của hai ông về Đấng Sáng Thế và về nền tảng của một chính phủ cũng được phản ánh rất rõ vào trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ.

John Locke, một triết gia ở Anh vào thế kỷ XVII, là một nhà tư tưởng khai sáng quan trọng sau thời kỳ Phục hưng. Tư tưởng của ông sau đó đã ảnh hưởng đến Rousseau và Voltaire ở Pháp, cùng nhiều người nổi tiếng khác, bao gồm cả những vị Cha Lập quốc của Hoa Kỳ. Ông được mệnh danh là Cha đẻ của Chủ nghĩa Tự do. Ông cho rằng sự tồn tại của Đấng Sáng Thế là một kết luận đơn giản của tư duy lý tính.




John Locke. 

Những người vô thần thường hỏi: “Chúa có tồn tại không? Vì sao tôi lại không thể nhìn thấy?” Những điều này dường như là một vấn đề quá phức tạp và bí ẩn đối với tư duy của con người hiện đại. Kỳ thực có rất nhiều thứ là không cần phải chứng minh, như Descartes đã nói: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Mọi người đều cảm nhận được về bản thân mình, điều này đủ để biết rằng mình đang tồn tại.

Hãy suy ngẫm về điều này: Bạn cầm cái bút chì, và bạn biết nó là nhân tạo mà không cần phải chứng minh. Vì sao lại như vậy?
John Locke nói rằng tất cả vạn vật trên thế giới này – ví như ngày nay chúng ta nói về sự vận hành của các hành tinh, sự sinh trưởng của tự nhiên, sự kỳ diệu của đôi mắt, đôi tai cùng các cơ quan nội tạng của con người, v.v.. – những thứ đó, liệu chúng có thể chỉ là sự vận hành ngẫu nhiên?

Vũ trụ này chứa đầy những điều đáng kinh ngạc và các cơ chế khác nhau đằng sau chúng. Sự tồn tại và vận hành có trật tự của toàn bộ vũ trụ có thể là sự ngẫu nhiên chăng? Có bao nhiêu khả năng ngẫu nhiên để tạo ra những điều kiện sống cho con người, chẳng hạn như chín đại hành tinh quay quanh mặt trời một cách tuần tự với khoảng cách phù hợp? Có bao nhiêu yếu tố ngẫu nhiên có thể tạo ra một cơ thể người, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là một bông hoa, một chiếc lá?
Bạn cầm cái bút chì, và bạn biết nó là nhân tạo mà không cần phải chứng minh. Cũng như vậy, chỉ cần dùng tư duy lý tính đơn giản cũng đủ để biết tất cả mọi thứ trong thế giới tinh tế, mỹ lệ và đáng kinh ngạc này, đương nhiên là được tạo ra, là được Đấng Sáng Thế tạo dựng.

Bởi vậy những người sùng đạo thời xưa, và cả trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, đều sử dụng từ Luật của Tự nhiên với ý nghĩa đó là Luật của Đấng Sáng Thế, là luật được Đấng Sáng Thế quy định. Dùng ngôn ngữ hiện đại ngày nay mà nói, thì chính là những hằng số trong các công thức vật lý học mô tả các sự vật sự việc, từ nhỏ bé như hạt nhân, electron, cho đến lớn lao như hành tinh, lỗ đen, thiên hà, v.v.. là đều được định ra bởi Đấng Sáng Thế. Khoa học của nhân loại không sáng tạo ra được điều gì mới mẻ, nó chỉ là đang phát hiện được quy luật này, hằng số nọ, công thức kia, chỉ đang vận dụng một phần quá nhỏ bé của Luật Tự nhiên mà thôi.

Hãy suy ngẫm sâu xa hơn, bạn biết một cây bút chì là nhân tạo mà không cần phải chứng minh, nhưng đằng sau nó là bao nhiêu quy luật của Tạo Hóa? Vậy mà những người vô thần đều kết luận như đinh đóng cột rằng thế giới thần kỳ này là “tự nhiên” xuất hiện, là kết quả của những sự ngẫu nhiên, dù cho tất cả những kinh nghiệm nhân sinh và tư duy lý tính cực kỳ đơn giản đều nói với chúng ta rằng vũ trụ này cũng giống như cây bút chì kia, không thể nào là ngẫu nhiên được.

Không dừng lại ở đó, John Locke còn suy luận rằng con người là có lý trí, có khả năng suy nghĩ và lý luận, vậy thì Đấng Sáng Thế còn có khả năng tư duy và lý luận mạnh mẽ hơn. Con người là có những tiêu chuẩn đúng và sai, công bằng và bất công rất tự nhiên, thì Đấng Sáng Thế chắc chắn cũng sẽ có những tiêu chuẩn này, chỉ là Ngài cao hơn và chính xác hơn. Khi con người nghe lời thú nhận sai lầm của một ai đó, thường sẽ tha thứ cho họ. Đấng Sáng Thế cũng vậy, chỉ có điều ngài vĩ đại, từ bi và cao thượng hơn. Thậm chí John Locke còn nghĩ rằng Đấng Sáng Thế hẳn phải rất hài hước, bởi vì con người có phẩm chất hài hước, và Ngài là một nghệ thuật gia vĩ đại, bởi vì từ vẻ đẹp của thế giới do Ngài tạo ra, bạn có thể thấy được nghệ thuật của Ngài.

William Blackston, thẩm phán người Anh nổi tiếng, là người đã thành lập trường luật đầu tiên tại Đại học Oxford. William Blackston cũng có ảnh hưởng lớn tới các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Hiến Pháp, các văn bản pháp lý thời đầu của Hoa Kỳ đều thấm đẫm những lời bình luận của William Blackstone về luật của Anh quốc. Nói về các tài liệu gây ảnh hưởng sâu sắc tới việc lập quốc của Hoa Kỳ, “những bình luận của William Blackston chỉ đứng sau Kinh Thánh”.


William Blackston. 

William Blackston nói rằng Chúa tạo ra thế giới, tất nhiên đã ban cho thế giới những quy tắc phải tuân theo. Ông cũng nói rằng Đấng Sáng Thế không thờ ơ và xa vời, rằng Thiên Chúa thực sự đáp lại những lời cầu nguyện. Đấng Sáng Thế không ở nơi cao vời vợi, không thèm quan tâm tới chúng ta, mà luôn ở bên cạnh chúng ta.
Vì vậy, vào thời điểm Hoa Kỳ vẫn còn tôn thờ các giá trị lập quốc, rất nhiều người thường cầu nguyện, thậm chí thường bỏ bữa, tắm rửa và sau đó ăn kiêng. Bởi vì họ cho rằng họ có chuyện gì đó muốn được thưa với Chúa, nên họ phải tẩy tịnh cơ thể và tâm hồn mình để cầu nguyện.

Những vị Cha Lập quốc khác cũng đã ghi lại rất nhiều cảm xúc. Trong toàn bộ quá trình thiết lập Hiến pháp và sau này, nhiều khó khăn chỉ có thể được giải quyết nhờ sự hướng dẫn và bảo vệ của Đấng Sáng Thế. Bởi vậy Tổng thống Abraham Lincoln đã nói: “Tôi đã nhiều lần khuỵu gối [cầu nguyện] bởi tôi tin chắc rằng mình không còn nơi nào khác [để xin được ban ân]” (I have been driven many times to my knees by the overwhelming conviction that I had nowhere else to go).

Thiên Cầm

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top