• Bùi Qúy Chiến: Những Chữ Làm Đẹp Câu Thơ

Những Chữ Làm Đẹp Câu Thơ

• Bùi Qúy Chiến




Khi 2 chữ hoặc nhiều hơn tạo thành nghĩa khác, ta có một nhóm chữ. Thí dụ: trời đất, cơn gió bụi...

Nhóm chữ là một số chữ kết hợp thành một ý tưởng hoặc một sự kiện nhưng ý tưởng hoặc sự kiện ấy chỉ là thành phần của một câu trọn vẹn .

Trong truyện Kiều, chị em Kiều đi dự hội Thanh Minh gặp Kim Trọng. Vương Quan bước tới chào vì quen biết, nhưng Kiều và Vân lần đầu tiên biết mặt nên tỏ ra ngần ngại: "Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa".

Nhóm chữ "nép vào dưới hoa" có 2 giới từ (preposition) tạo thành 2 ý:

Chị em nép vào nhau và  
Dưới cành hoa.

Có 3 loại nhóm chữ:
• Nhóm danh từ do danh từ đứng đầu nhóm.

Nhóm động từ do động từ đứng đầu.
Và nhóm tính từ.
 

1. Nhóm Danh Từ

Khi nhàn hạ đọc lại truyện Kiều và Chinh phụ ngâm chúng ta gặp lại những nhóm danh từ rất đẹp.

Truyện Kiều:

Sau khi nghe Kim Trọng tỏ tình, Kiều biểu lộ sự ngại ngùng qua ánh mắt: 


"Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng".

Ánh mắt hồ thu được rút gọn thành "nét thu"  để đối với "chiều xuân".

Lần đầu tiên gặp Kim Trọng, Kiều đã tỏ ra "tình trong như đã mặt ngoài còn e" nhưng lúc này "ngại ngùng"  vì "nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha".


Bị tên bán tơ vu cáo, gia đình Kiều kêu oan: "Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây".


Tiếng oan khiến đất phải rung chuyển. Vì án gian trời mây cũng u ám .

Chinh phụ ngâm:
Người vợ mơ tưởng chồng xông pha chiến trận: 


"Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành".

Nhóm chữ "tên reo đầu ngựa" diễn ra cảnh chàng cưỡi ngựa thúc quân xông lên, giương cung bắn qua đầu ngựa, tên bay vun vút.

Nhóm chữ "giáo dan mặt thành" cho thấy cảnh chàng gấp rút dàn quân phòng thủ thành lũy với giáo mác tua tủa ...

Câu thơ gồm 2 vế đối nhau: thế công "tên reo đầu ngựa" / thế thủ "giáo dan mặt thành".


Có khi người vợ mơ tưởng chồng chinh chiến mệt mỏi, ngựa chàng cưỡi cũng ngại lội qua sông: "Dòng nước sâu ngựa nản chân bon".

Người và ngựa là đôi bạn chiến đấu, gian khổ và sống chết có nhau.

 

2. Nhóm Động Từ

Truyện Kiều:
Đang thời kỳ trăng mật với Kiều, Từ Hải chợt nhớ cuộc đời vẫy vùng ngang dọc: "Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương".


Chỉ với nhóm chữ "động lòng bốn phương", tác giả nói lên chí chọc trời khuấy nước của Từ Hải bỗng trỗi dậy giữa lúc "hương lửa đang nồng" cùng giai nhân.

Sau 15 năm khổ nhục, Kiều tái hợp Kim Trọng như: 

"Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời".

 Sương mù từ nhà ra ngõ mờ mịt, khi sương tan cảnh vật rõ ràng. Mây phủ khiến trời u ám, mây tan ánh mặt trời rạng rỡ.

Chinh phụ ngâm:

Tiền đồn phát hiện giặc xâm phạm biên giới, trống báo động theo dây chuyền lan rộng: 

"Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt".

Tiếng trống khẩn cấp khiến rung chuyển cả ánh trăng.
Xa chồng, người vợ thương nhớ và buồn rầu khiến nhan sắc phai lạt: 

"Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai ?".

Chỉ với câu hỏi "điểm phấn trang hồng với ai?" tác giả đủ diễn tả nỗi cô đơn của chinh phụ.
 

3. Nhóm Tính Từ

Truyện Kiều:


Trên đường về sau cuộc du xuân, chị em Kiều men theo một con suối: "nao nao dòng nước uốn quanh". (1)

Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa "nao = cảm thấy có xao động nhẹ về tình cảm: lòng nao nao một nỗi buồn khó tả".

Nguyễn Du đã nhân cách hóa dòng suối bằng nhóm tính từ "nao nao dòng nước uốn quanh"  = dòng nước nao nao nỗi niềm riêng.

Các nhà thơ thường nhân cách hóa thiên nhiên để thiên nhiên gần gũi với con người. Tản Dà cũng có câu:
               Lá sen tàn tạ trong đầm
               Nỉ non dòng lệ âm thầm khóc hoa.



Sau khi ủy thác em thay mình giữ vẹn lời thề với Kim Trọng, Kiều than khóc:
               Trăm ngàn gửi lạy tình quân
               Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Nhóm tính từ "ngắn ngủi có ngần ấy thôi" nghe thật thống thiết.

Sau này Tản Đà có câu thơ phỏng theo nhóm chữ này: "Công danh phù thế có ngần ấy thôi".
Nhà thơ Phạm thiên Thư cũng có câu: "Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi".


Chinh phụ ngâm:

Khi bóng cờ tiếng trống xa dần, người chồng cũng khuất dạng, người vợ trở về nhà mới cảm thấy: 
"sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng".

Không còn lời nào sầu oán hơn hai nhóm tính từ này.
Có lẽ nhóm chữ "sầu lên ngọn ải" đã gợi ý cho Cù huy Cận viết: 

"vạn lý sầu lên núi tiếp mây".


Sầu oán khiến người chinh phụ sao lãng việc trang điểm và ăn mặc để đến nỗi:
"lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo".

Vì thờ ơ gương lược nên tóc nàng vừa rối vừa xô lệch. Vóc dáng tiều tụy khiến áo quần buông lỏng không còn bó sát lưng eo.

Câu thơ này cũng có 2 vế đối nhau: "lệch làn tóc rối / lỏng vòng lưng eo".

Phần lớn những câu gồm 2 nhóm chữ là những câu có 2 vế đối nhau:
   Tiếng oan dậy đất / án ngờ lòa mây.
   Tan sương đầu ngõ / vén mây giữa trời.


 

5. Những Nhóm Chữ Có Tính Sáng Tạo.

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du sáng tạo 2 loại nhóm chữ bằng cách dùng chữ "điều" và "nỗi" như loại từ.

Nhóm chữ với chữ điều

"Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" = cảnh hiện ra trước mắt .
"Lấy điều du học hỏi thuê" = lấy cớ du học .
"Phải điều ăn xổi ở thì" = phải thói ăn ở tạm bợ .
"Đủ điều nạp thái vu quy" = đủ lễ cưới hỏi .
"Đừng điều nguyệt nọ hoa kia" = đừng thói sàm sỡ .
"Đến điều sống đục sao bằng chết trong" = đến tình thế phải sống nhục chẳng thà chết vinh  .
"Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi" = khỏi nỗi nhục làm điếm . 

Nhóm chữ với chữ nỗi 
          "Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây" 

"Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi"
"Nỗi mình thêm tức nỗi nhà"
"Nỗi nhà gấp bước, nỗi thân lạc loài"
"Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen"
"Nỗi nàng tai nạn đã đầy"

Tất cả chữ "nỗi" trên đây đều có nghĩa là "tình cảnh" hoặc "tâm trạng".

Theo Việt nam Văn phạm  của các đồng tác giả Trần trọng Kim - Phạm duy Khiêm - Bùi Kỷ, chữ "điều" và "nỗi" được coi là loại từ.

Nguyễn Du đã làm giàu tiếng Việt bằng 2 loại nhóm chữ này .



Bùi Qúy Chiến

Cước chú

(1) Dòng nước được suy ra là con suối vì 2 lẽ: thế đất ở đây là 2 sườn đồi giao nhau tạo thành một "tiểu khê" (khe nhỏ) và dòng nước chảy qua một "ghềnh" đá. Con suối không lớn, suy ra từ "nhịp cầu nho nhỏ". 
Cho nên những thuyết cho rằng "nao nao" có nghĩa như "cuồn cuộn" là không hợp lý
Nhịp cầu nhỏ chứng tỏ suối đã xa nguồn nên chảy không mạnh. Tuy nhiên dòng nước trượt trên sỏi đá ở lòng suối nên bị xao động, tạo nên âm điệu rì rào như "nao nao" một nỗi niềm.

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top