Chu Văn, Phú quý và lễ nghĩa

Phú quý và lễ nghĩa

Chu Văn


Cuối tuần qua, cái xóm nhỏ của tôi ồn không chịu nổi: 4 người hàng xóm, trong đó có một bà góa, đua nhau cắt cỏ. Sau trận mưa vừa rồi, cỏ lên như thổi. Mấy cái máy nổ bốn thì mở hết công suất, nghe đinh tai nhức óc. Thỉnh thoảng mấy cái máy cắt cỏ rìa lại tru lên những tiếng não nuột.
Cụ ông Bruce, một người hàng xóm khác của tôi, đứng nhìn một cách thèm thuồng. Đám cỏ trước nhà cụ trồng toàn loại cỏ mịn thường thấy trong các sân cù(Golf). Loại cỏ “nhà giàu” này đòi hỏi một sự chăm bón rất kỹ. Trong những ngày nắng hạn vừa qua, cụ Bruce đã lỡ tay rắc quá nhiều phân nhưng lại không tưới đủ thành ra một phỉnh lớn của đám cỏ cháy nám. Cụ thấy người ta thi nhau cắt cỏ mà thèm là phải! Suýt soát gần cửu thập, cụ ông cụ bà xem đám cỏ trước nhà như một thứ “nhà thờ”: ngày nào cũng tẩn mẩn tỉ mỉ khòm lưng nhổ từng cây cỏ dại. Khổ nỗi, cái giống cỏ dại mà nhiều người Việt đặt cho cái tên là “cỏ cộng sản” không phải là thứ dễ diệt trừ: nhổ ngày hôm trước, ngày hôm sau lại thấy xuất hiện! Cứ nhìn cảnh vợ chồng cụ Bruce chăm sóc đám cỏ trước nhà mà thấy thương!
Trong cái xóm không đầy 20 nóc nhà này, nhà tôi được bạn bè bà con Việt Nam đến thăm cho là chẳng giống ai. Ngoài cái “quê hương bỏ túi” được nhét đầy những cây cối nhiệt đới, vườn nhà tôi chẳng có nơi nào đáng gọi là bãi cỏ cả. Là dân nhà quê thứ thiệt, tôi quý đất hơn vàng. Không có tham vọng “trồng cỏ” để làm giàu một cách bất chính đã đành, nơi nào còn trốnglà tôi trồng cây ăn trái và rau xanh. Có hoa quả để ăn mà cũng chẳng phải quá mất giờ để chăm sóc và cắt cỏ. Cũng may, ở Úc này không có quy định nào về chuyện phải có sân cỏ và chăm sóc cỏ cả!
Nghe nói hồi năm 2016, tại thành phố có tên là Cahokia ở Tiểu bang Illinois bên Mỹ, một người phụ nữ bị cho vào nhà pha bóc lịch.Tội của bà ư? Vì không chịu cắt cỏ. Năm 2019, một người đàn ông ở tiểu bang Florida bị thành phố Dunedin phạt 30 ngàn Mỹ kim vì tội để cho cỏ lên cao quá 10 inches, tức 20.45cm.
Nước Mỹ “vĩ đại” và xem ra cái gì cũng khác người. Một cuộc nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2005 ước tính trên toàn nước Mỹ có trên 40 triệu mẫu Anh (mỗi mẫu Anh rộng khoảng 4000 thước vuông) được dùng làm sân cỏ, công viên, vận động trường v.v. Nhưng đáng nói hơn, người Mỹ bỏ ra mỗi năm 60 tỷ Mỹ kim đểchăm sóc vườn cỏ.
Theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ, các bãi cỏ của các gia đình người Mỹ ngốn hết một nửa lượng nước tiêu dùng và phần lớn lại bị phí phạm. Ngoài ra, mỗi năm người Mỹ còn sử dụng đến 80 triệu cân Anh phân hóa học và thuốc trừ sâu cho các bãi cỏ. Điều đáng quan ngại là phân hóa học và thuốc trừ sâu là nguồn chính của đủ các loại độc tố và chất gây ung thư được thải ra trong nước và bầu khí quyển.
(x.https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-modern-brain/202002/the-strange-psychology-the-american-lawn).
Không hiểu sao mỗi lần nhìn ngắm một bãi cỏ trong các gia đình ở các nước Tây Phương, tôi lại nghĩ đến câu nói quen thuộc của người Việt Nam: “phú quý sinh lễ nghĩa”. Trong tác phẩm Homo Deus (Người-Thượng Đế), sử gia Israel, ông Yuval Noah Harari giải thích rằng “cái ý tưởng trồng một bãi cỏ trước cửa nhà bắt nguồn từ các lâu đài của giới quý tộc ở Pháp và Anh vào thời Trung Cổ”. Điều đó có nghĩa là phải giàu có và quý phái người ta mới trồng một bãi cỏ trước nhà. Như vậy bãi cỏ được xem như biểu tượng của giai cấp và địa vị cao trong xã hội. Chỉ có người giàu mới có đủ điều kiện để trồng và chăm sóc cái biểu tượng của sự giàu sang ấy!

Ngày nay, bãi cỏ trước hay sau nhà đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng và thước đo của sự thành công, giàu có và ổn định. Càng giàu sang phú quý thì bãi cỏ càng lớn! Nếu như “phú quý sinh lễ nghĩa” thì trong một ý nghĩa nào đó, bãi cỏ cũng là một thứ “lễ nghĩa” xem ra không thể thiếu được trong xã hội văn minh và giàu có.
Ở Việt Nam, do điều kiện đất hẹp người đông, bãi cỏ chưa được xem là một thứ “lễ nghĩa” cần phải có. Nhưng kể từ khi mở cửa đi theo “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, có biết bao nhiêu thứ “lễ nghĩa”mới được du nhập từ nước ngoài hay hồi sinh. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, lần đầu tiên về Việt Nam để làm một chuyến gọi là “xâm nhập thực tế” từ Nam ra Bắc, trên con đường từ Hà Nội ra Vịnh Hạ Long, ở một ngôi làng nào đó tôi thấy nhà cửa khang trang mọc lên như nấm và điều đập vào mắt tôi nhiều nhứt là hầu như trên nóc nhà nào cũng có một cái tháp y chang như trong các lâu đài cổ bên Pháp hay Âu Châu. Kể từ đó, đi khắp nước, tôi mới thấy quả thật “phú quý sinh lễ nghĩa”. Người ta bày ra hay làm sống lại mọi thứ “lễ nghĩa”. Không riêng đám cưới, mà ma chay cũng được tổ chức một cách rình rang với đủ mọi thứ “lễ nghĩa”. Mà đâu có riêng trong nước, cứ thử quan sát một đám cưới hay đám ma của người Việt Nam ở hải ngoại chẳng hạn, người ta cũng sẽ thấy đủ mọi thứ “lễ nghĩa”.

Những cái tháp trên các nóc nhà ở một số địa phương miền Bắc Việt Nam dĩ nhiên gợi lên tính biểu tượng của kiến trúc “mà các nhà cai trị độc đoán cũng sử dụng để tạo nên ánh hào quang của sự vĩ đại”.Theo giáo sư Nina L.Khrushcheva, giáo sư về ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học The New School, New York, “kiến trúc là một trong những công cụ như vậy. Từ các pharaoh Ai Cập đến các hoàng đế La Mã hay các nhà độc tài đương thời như Kim Jong Un của Triều Tiên, tất cả các nhà lãnh đạo độc đoán thường sử dụng (hoặc lạm dụng) kiến trúc để thao túng nhận thức của công chúng, bằng cách tạo ra những không gian công cộng hùng vĩ phản ảnh hình ảnh lộng lẫy của họ”.
Giáo sư Khrushcheva cũng nhắc đến sự kiện “chính quyền của Tổng thống Trump đang cho lưu hành một dự thảo sắc lệnh hành pháp có tên là “Làm cho các tòa nhà liên bang đẹp trở lại”. Dự thảo sắc lệnh này yêu cầu các kiến trúc sư tuân thủ các thiết kế kiến trúc “cổ điển”, lấy cảm hứng từ truyền thống Hy Lạp và La Mã”. Theo giáo sư Khrushcheva, “có lẽ điều này không gây ngạc nhiên. Rất lâu trước khi trở thành tổng thống, Trump đã sử dụng kiến trúc để khẳng định quyền lực và đặc quyền của mình. Chẳng hạn, các công trình mạ vàng lòe loẹt đặc trưng cho nhiều tòa nhà của ông có nhiều điểm tương đồng với cách bài trí xa hoa được lựa chọn bởi những nhà lãnh dạo chuyên quyền hiện tại như Tập Cận Bình của Trung Quốc, Vladimir Putin của Nga hay Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỹ”
(x.https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/16318-d-ng-chi-trump).

Tôi không rành chữ Hán. Nhưng trong ngũ thường “nhân nghĩa lễ trí tín”, tôi thường được ông bà cha mẹ dạy rằng lễ và nghĩa được xem là hai “nhân đức” quan trọng làm nên nhân cách. Lễ là phải cư xử hòa nhã với mọi người. Còn nghĩa đòi hỏi phải biết tôn trọng công bình theo lẽ phải. Tôi cũng được dạy rằng không cần phải chờ cho đến lúc “phú quý” mới thực thi hai “nhân đức” nghĩa và lễ. Đã là nhân đức thì giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay ngu dốt, lãnh tụ hay dân đen…ở bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng phải “tu nhân” và sửa tánh để biết đối nhân xử thế và sống cho ra người tử tế.

Chu Văn


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top