Chống dịch như chống giặc’  và làn sóng miệt thị người nhiễm bệnh thiếu ý thức

Chống dịch như chống giặc’ 

và làn sóng miệt thị người nhiễm bệnh thiếu ý thức
https://ci4.googleusercontent.com/proxy/N2Lt1uIII45WGRH7mIUeN9C1oH8jGDdj3w_USRgj2PMCfnHMr1k0XSW5q96hR5qQ-AhFT5eAbsA79N9fWyDaT2mQs67hVZTtft_QVviHUZeu66Ri-1NcwQ=s0-d-e1-ft#https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2020/03/pjimage-2-3-700x366.jpg
Sức mạnh của ngôn từ là điều đã được khẳng định, nhưng đôi khi chúng ta vẫn vô tình sử dụng những cách diễn đạt tưởng chừng rất bình thường, mà không biết nó ẩn chứa những nguy cơ vô hình nhưng đáng sợ.

“Chống dịch như chống giặc” là một ví dụ.
Có thể bởi một lịch sử được viết lên bằng những cuộc chiến đau thương, nên chúng ta thấy bình thường khi luôn phân rõ lằn ranh địch – ta, quân mình – quân nó trong những vấn đề đời sống. Ngoài giặc ngoại xâm, chúng ta có “giặc dốt”, “giặc đói”… và giờ là “giặc dịch”.
Đó là một cách thể hiện quyết tâm đẩy lùi những vấn nạn trong xã hội, những điều ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Nhưng khi coi dịch bệnh là giặc, chúng ta đã đang vô tình vướng vào một cái bẫy tâm lý.

Một khi coi dịch bệnh là giặc, là kẻ thù, chúng ta đang phân rõ chiến tuyến, đẩy những người bị nhiễm bệnh sang phần bên kia lằn ranh an toàn của xã hội. Một tâm lý sợ hãi, kỳ thị, nghi ngờ, cảnh giác được tạo nên. Một tâm lý “kháng chiến” được hình thành. Và một khi đã ở trong một “cuộc chiến”, người ta sẽ làm mọi cách để tự vệ, để tiêu diệt kẻ địch, mà cách làm dễ dàng nhất là đổ lỗi, phán xét, đấu tố, miệt thị những người ta cho là đang gây nguy hiểm cho ta.
Những việc như tung tin đồn thất thiệt, nghe phong thanh tin lẻ tẻ rồi suy diễn, đồn thổi, thậm chí thêu dệt để thu hút sự chút ý, như một kiểu ham muốn lập thành tích trên tuyến đầu khiến người ta trở nên hưng phấn đến đáng sợ.

Bên cạnh đó, tâm lý kháng chiến khiến người ta dồn hận thù, ghét bỏ vào kẻ địch tạm thời mà quên đi mất những vấn nạn, sai lầm, nguyên nhân khác đang hủy hoại xã hội còn nguy hiểm hơn.
Được hỗ trợ bởi học thuyết tiến hóa đang bị các nhà khoa học chân chính trên thế giới phê phán và kêu gọi xóa bỏ khỏi các chương trình đào tạo, việc coi dịch như giặc càng khiến cái lý sinh tồn, “mạnh được yếu thua” được phản ánh vào xã hội một cách tiêu cực. Chúng ta đã vô tình tôn sùng luật rừng xanh của động vật. Đúng sai, thiện ác không còn quan trọng, quan trọng là không từ thủ đoạn giành chiến thắng, và để số đông được sinh tồn, thì kẻ yếu trong bầy đàn sẽ phải ra đi trước. Tính chất lang sói có thể âm thầm được đề cao, và nếu trong điều kiện đủ kích động, nó sẽ phản ánh ra khiến những người lương thiện nhất phải giật mình khiếp sợ.

Hình ảnh về một kẻ địch COVID-19 được xây dựng lên, một cuộc kháng chiến chuẩn bị bắt đầu, có thể đã góp phần cho tâm lý uất hận khi thấy “kẻ bên kia chiến tuyến” reo rắc nguy hiểm cho xã hội. Đứng trước nguy hiểm, nếu đám đông có một “kẻ tội đồ”, đó chính sẽ nơi trút giận, giải tỏa nỗi sợ hãi để họ thỏa mãn cảm giác bất an, tìm lại cân bằng. Có một “tên địch” để đối phó, người ta bỗng nhiên đoàn kết với nhau hơn, tập hợp lại bất chấp đúng sai, dễ dàng bỏ qua cho những sai lầm thật sự nguy hiểm khác và cùng nhau hành động dựa trên sự hoang mang, căm hận, chứ không phải là lý trí suy xét.
Trong khi chia lằn ranh ta – địch đó, những kẻ nham hiểm với dã tâm dễ dàng len lỏi vào “hàng ngũ” những người đang cho rằng mình chống giặc. Người ta dễ dàng chấp nhận những “người cùng chiến tuyến” và không cảnh giác với những dẫn dắt vô hình của kẻ miệng lưỡi ác độc. 

Sức mạnh của đám đông khi có cùng một nỗi sợ là sức mạnh khủng khiếp, và nó càng khủng khiếp hơn khi người ta có cái lý lẽ chính đáng, cái lẽ phải của phe “chính” đang chống lại phe “tà”. “Địch”, “giặc” trong tiềm thức của con người đương nhiên là phe tà ác, xấu xa, và chống lại những thứ xấu xa là cái lý đúng đắn của thế giới này. Được hậu thuẫn và yên tâm với cái lý đó, người ta có thể việc gì cũng dám làm, dù có xấu tệ thì cũng là một lần hy sinh vì “chính nghĩa”, một lần làm người hùng. Thế nên mới có những “anh hùng bàn phím” sẵn sàng miệt thị, trù người khác chết đi khi có thông tin về một người có nguy cơ siêu lây nhiễm không ý thức bảo hộ cho cộng đồng.

Với cái lẽ phải của những chiến binh chống giặc, chúng ta đã bỏ qua việc cân nhắc lựa chọn đúng sai, Thiện ác khi nhấn một nút yêu thích, thả một biểu tượng cảm xúc tức giận lên tin tức bệnh dịch lan truyền vì một người nhiễm bệnh vô ý nào đó. 

Người xưa khuyên nhủ con người hãy luôn “ẩn ác dương Thiện”, cái “tốt khoe, xấu che” này không phải ý nói rằng cái gì của mình tốt thì khoe ra cho bàn dân thiên hạ thấy, cái gì của mình xấu thì giấu đi. Mà có ý nói rằng hãy làm như thế cho người khác, biết giúp người ta giữ cái thể diện, tự ái của mình để dần hoàn thiện nhân cách. “Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân), vậy có ai muốn bị người ta miệt thị, xúc xiểm, trù ẻo không? Thế thì sao mình lại làm điều đó cho người khác? Hạ nhục người, lấn át người, tin rằng “dìm người là nâng được mình lên, chê cái dở của người thì đem được cái hay của mình ra”… Như cụ Nguyễn Duy Cần nói, thì đó là chuyện “thật không gì vụng về bằng”.
Năm 2018, để ủng hộ phong trào chống bắt nạt, hãng nội thất nổi tiếng thế giới IKEA đã thực hiện một thí nghiệm, cho hai cây thiết mộc lan khỏe mạnh, có cùng điều kiện chăm sóc như nhau tham gia. Một cây sẽ được nghe những lời nói yêu thương, khen ngợi, một cây sẽ bị nghe những lời chế giễu, hận thù. Kết quả sau 30 ngày, cây được nghe lời tích cực vẫn phát triển mạnh mẽ, còn cây nghe lời nói tiêu cực phát triển khó khăn hơn và lá của nó cũng chuyển màu ủ rũ.

Sau đó, IKEA đã chia sẻ: “Ở IKEA chúng tôi tin rằng hạnh phúc được lan tỏa thông qua cách mà chúng ta đối xử với người khác. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiến thêm một bước để lan tỏa một điều tích cực”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ thực tiễn về tác động của những hành động thiện ác mà chúng ta vô tình hay hữu ý thực hiện trong đời. Muốn người có thể đối tốt với mình, bản thân mình hãy luôn cố gắng đối tốt với người. Đừng để những cái bẫy nguy hiểm của sự sợ hãi vô lý dẫn dắt chúng ta trở thành kẻ hành ác trong khi vẫn tưởng mình đang theo chính đạo.

Khi ta phóng lời không cần suy nghĩ thiệt hại cho người khác, đó là bất Nhân. Khi ta lan tỏa cái xấu để tạo thành trào lưu không hay trong xã hội đó là bất Nghĩa (Nghĩa cũng là có trách nhiệm với cộng đồng). Cái lý của “phe chính nghĩa” trong cuộc chiến với kẻ địch đã che mờ chân tướng, khiến chúng ta dễ dàng đi vào con đường bất Nhân, bất Nghĩa. Một xã hội nuôi dưỡng những điều bất Nhân bất Nghĩa thì có đáng sợ không?

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top