Vũ Lưu Xuân, ​​​​​​​ĐÔI MẮT 

Vũ Lưu Xuân 

ĐÔI MẮT 


Tranh Thomas Lương

Bố cục bức tranh như thế nào, đó là điều khiến tôi băn khoăn suốt đoạn đường dài, vắng vẻ và ánh sáng bị che khuất bởi những vòm cây. Tôi hình dung ra một khuôn mặt cam đành, lạc lõng, dưới vỏ bọc hoàn toàn vô cảm, bất cần, lãng đãng lẩn khuất giữa các gam màu tím, đan xen với vàng đất, xanh lam, hòa sắc thể hiện chiều kích thứ tư của những dằn vặt nội tâm. Trong lúc đang nghĩ cách diễn tả đôi mắt, tôi chợt giật mình vì một cô gái lao ra ngay trước mũi xe. Tôi thắng gấp, chưa kịp phản ứng, cô đã nhảy lên yên sau, cuống quýt :
      - Chạy lẹ lên anh, lẹ lên.
Và tôi vọt xe một cách hoàn toàn vô thức. Sau khi quẹo tới khu đông người, tôi dừng lại :
      - Xuống đi

Trong vùng ánh sáng, xuất hiện hình ảnh một cô gái, khoảng trên dưới ba mươi, hơi bèo nhèo, phờ phạc. Khuôn mặt chai cứng, vô cảm. Điều đặc biệt, chìm khuất sau thứ nhan sắc bình thường, nhợt nhạt, đột nhiên tôi bắt gặp đôi mắt, đôi mắt tôi đang tìm cho bức tranh. Dưới lớp quầng đen, đôi mắt có vẻ to và sâu hơn. Đôi mắt nữa phần dại dột, ngu ngơ trong cách nhìn đời, nữa phần sâu kín, ảm đạm, chán chường, ẩn hiện dưới những vết chân chim, đôi mắt đó hầu như tương phản với vẻ trân tráo sau lớp phấn son nhòe nhoẹt . Cô nhìn tôi, chờ đợi, mà vẫn lúng túng không nói nên lời. Đột nhiên tôi nảy ra một ý định.
      - Có đói không ? Đi ăn tối nhá.
Cô không trả lời, chỉ gật đầu.
Khi tôi chưa chuẩn bị xong chanh ớt, cô gái hầu như đã gục đầu vào bát phở nghi ngút khói, nóng đến phỏng lưỡi. Nhìn sững cô, có chút bàng hoàng, tôi chợt nhận ra sự tàn nhẫn của cái đói, cũng như cái giá con người phải trả cho bản năng sinh tồn, thứ bản năng đôi lúc thực sự khốn kiếp.
      - Tôi còn hơi no, cô ăn giúp một nửa nhá.
Và cô lại gật đầu. Chờ cô ăn xong, tôi hỏi nhỏ :
      - Cô làm nghề gì?
Cô ngước nhìn, khuôn mặt nghiêng nghiêng, trâng tráo, đôi mắt lộ vẻ thách thức :
      - Tôi làm gái.
Câu trả lời không ngoài dự liệu. Nhưng cách trả lời, cùng với tia nhìn khiến tôi nổi gai ốc. Vẫn bằng giọng nhát gừng, cô tiếp :
      - Đi không ?
Tôi lắc đầu :
      - Quả thật hôm nay không có hứng thú.
     - Nếu vậy làm ơn chở tôi về chỗ cũ.
      - Chi vậy ?
      - Kiếm khách. Từ tối tới giờ lốc. Hôm qua lốc, hôm nay lốc.
      - Sao vậy ?
      - Quá đát rồi
Giọng nói đầy vẻ cay đắng. Tôi đột ngột hỏi :
      - Hồi nãy cô bỏ chạy, gì thế ?
      - Công an bố.
      - Vậy không sợ hay sao mà dám quay lại ?
Cô lạnh nhạt :
      - Sợ, nhưng không thể nhịn ăn.
      - Tôi có một đề nghị.
      - Đề nghị gì, lẹ lên, tôi chỉ cần tiền.
      - Làm người mẫu cho tôi vẽ. Tôi trả theo giá thị trường, hai chục ngàn một giờ.
      - Tôi làm người mẫu à ? Anh có ấm đầu không ?
Có lẽ hơi khó để giải thích, tôi chậm rãi :
      - Tôi không thích những khuôn mặt đẹp, hoàn chỉnh như hoa hậu, mà vô hồn. Xấu, đẹp với tôi không thành vấn đề, tôi cần những góc cạnh độc đáo, nói chung là cái hồn. Chính cái hồn của đối tượng hướng dẫn nét cọ. Thế này nhé. Tôi ứng trước cho cô một trăm, bù vào một đêm lốc. Đây là địa chỉ của tôi. Rất dễ kiếm. Sáng mai đến nhá.
Cầm vội tờ giấy bạc, gần như cướp giựt, ánh mắt cô vẫn không mất vẻ thách thức, tuy dịu lại đôi phần.
      - Anh không sợ tôi xù độ à ? Sáng mai tôi không đến, làm gì tôi ?
      - Cũng sợ đó, nhưng còn nhiều cái mất đáng sợ hơn mất tiền. Thôi về đi.
Nét mặt cô phần nào dãn ra. Và cô leo lên xe, để tôi chở về khu ổ chuột.
*
Sáng hôm sau, cô đến, không còn là cô gái đêm qua, áo quần giản dị, lớp phấn nhẹ làm nổi bật làn da xanh xao. Vành mắt không tô quầng, lộ chút ánh sáng, ánh sáng như đến từ một vùng rất xa, có thể từ quá khứ, khi còn hồn nhiên. Đó chính là cái tôi muốn tìm. Tôi hỏi đùa :
      - Bộ không tính xù độ à ?
Cô cười, nụ cười có vị ấm, tôi mới thấy ở cô lần đầu.
      - Nửa muốn xù, nửa muốn tìm một cảm giác mới.
      - Tôi định vẽ khỏa thân, chịu không.
Giọng cô trở lại thách thức :
      - Chuyện nhỏ, với một con đĩ, có gì để ngượng.

Vậy mà lúc cởi bỏ y phục, cô như vẫn còn chút dùng dằng. Tôi thuê phòng vẽ ở ngoại thành, trên lầu hai. Hai mặt đông, tây đều có cửa sổ. Đối với dạng người mẫu không chuyên, việc ngồi bất động cả tiếng đồng hồ sẽ là cực hình. Tôi chọn cho cô một tư thế tương đối thoải mái, có điểm tựa, sát cửa sổ hướng đông. Ánh sáng ban mai lùa vào căn phòng, chan hòa. Cô ngồi ngược sáng, toàn bộ thân hình rực lên, mái tóc như bốc lửa, ánh sáng đỏ pha cam xuyên qua từng thớ thịt, từng đường cong, óng mượt như chất mật ong trong suốt, chảy dài. Điều đặc biệt, ánh sáng dường như đã thiêu cháy mọi thứ bụi bặm của đời, tôi chỉ còn thấy ở cô nét thanh khiết, mượt mà, không chút gợi dục. Mở đĩa nhạc Khánh Ly, châm một tẩu thuốc, tôi trầm ngâm chiêm nghiệm vẻ đẹp thiêng liêng thoát ra từ thân xác cô gái giang hồ, cho dù thân xác ấy đã bị thực tế cuộc sống làm cho nhàu nát, biến dạng.

Làm việc khoảng gần một tiếng, cô ngọ nguậy, có vẻ mệt. Tôi ngừng cọ, khoác cho cô tấm khăn mỏng, rồi ngồi đối diện, nhìn sâu vào mắt cô. Cô chợt hỏi :
       - Cho xem chút đi.
      - Không được đâu. Cô chỉ có thể xem sau khi tác phẩm hoàn tất. Buổi đầu mệt không ?
      - Căng thẳng và hơi mỏi.
      - Rồi dần dần sẽ quen.
Công việc ngày đầu kết thúc khoảng năm giờ chiều. Tôi gật gù :
      - Đi uống bia nhá. Cô uống được chứ ?
      - Chuyện nhỏ, có điều uống hai chai không tài nào ngủ được.
      - Sao vậy ?
      - Chưa say hay suy nghĩ lung tung.
      - Được, hôm nay không say không về.
Tôi dẫn cô tới quán bình dân bờ kè. Quán vắng, gió thoảng lạnh từ dòng kinh. Câu chuyện lan man, tôi muốn nhìn sâu vào những khoảng tối trong tâm hồn cô. Việc ấy thực sự giúp ích cho nét vẽ.
      - Cô có chồng con gì chưa ?
      - Hai chồng một con. Đúng ra là hai đời chồng.
      - Họ đâu cả rồi ? Sao không đỡ đần cô ?
      - Chồng trước bỏ theo vợ bé, chồng sau chết rồi. Con gửi bên nội.
      - Còn ba má ruột đâu ?
      - Cũng chết hết cả rồi.
      - Tệ thật.
Tôi thay đổi đề tài :
      - Tối nay có tính ra đứng đường không ?
      - Tạm nghỉ một thời gian.
      - Sao vậy ?
Giọng cô nhỏ giọt, như vị đắng cà phê :
      - Thực ra chín mươi phần trăm các cô gái đứng đường không cam tâm làm đĩ. Anh có tin không ?
Cô dốc cạn ly bia, rồi đột nhiên gục xuống bàn, bờ vai rung lên, tức tưởi.
      - Tôi làm cô buồn à ?
      - Không phải đâu. Mỗi lần hơi men bốc lên đầu, tôi đều khóc. Chuyện nhỏ, anh chú ý làm gì.
Tôi đưa chiếc khăn giấy. Cô ngước lên, đôi mắt ướt sũng, đầy vẻ cam phận. Cô đột nhiên đổi giọng :
      - Thôi về đi.
      - Mới có hai chai mà, làm sao ngủ được.
Cô cười gượng gạo.
      - Đôi khi cũng cần suy nghĩ lung tung một chút, cho đời không quá tẻ nhạt, nhàm chán.

Tôi dự tính vẽ khoảng bốn buổi, vậy mà công việc kéo dài hơn hai tuần, một sự kéo dài cố ý. Tôi vẽ hết tranh này tới tranh khác, phần lớn dưới dạng phác thảo. Bức cuối tôi chỉ vẽ duy nhất đôi mắt. Trên đầu cô đội chiếc mũ vải rộng vành, che khuất vừng trán và nửa chân mày, từ mũi trở xuống phủ kín bởi một chiếc khăn ren xanh rêu, giống như khẩu trang. Tất cả đều nhập nhòe, ánh sáng nhập nhòe, không gian cũng nhập nhòe, lạnh. Và đôi mắt hiện ra theo lối tả thực, hun hút, buồn và đẹp vô cùng. Chính ở đôi mắt người ta phát hiện ra con người thật của cô, một cô gái giang hồ, về chiều, nửa đời trôi nổi. Phải chăng đó là vẻ đẹp, vẻ đẹp ngẫu nhiên tôi bắt gặp ở phần chìm khuất bên trong xác thân bèo bọt, một ngẫu nhiên có phần may mắn.

Bức tranh đôi mắt hoàn tất, và công việc cuối cùng cũng phải kết thúc. Tôi không đủ tiền để có thể mướn cô làm mẫu dài hạn. Buổi tối cả hai chúng tôi uống bia đến say mèm. Cô lại khóc, còn tôi cười. Cô khóc trong cơn say, còn tôi thích cười trong cơn say, cười để cố làm ra vẻ cuộc đời chẳng có gì quan trọng. Và đêm ấy, lần đầu chúng tôi cùng nhau lên giường, trần trụi. Cô đáp ứng sôi nổi. Tôi cảm nhận được những rung động rất thật trong từng thớ thịt, từng hơi thở. Đó là điều xa lạ đối với một cô gái phải bán thân nuôi miệng. Lúc đã nằm yên bên nhau, cô dụi đầu vào lòng tôi, thì thầm :
      - Em là một con đĩ, nhưng em cảm thấy chưa bao giờ anh đôi xử với em như với một con đĩ. Cám ơn anh.
Tôi muốn nói thật nhiều, nhưng cuối cùng chỉ ấp úng :
      - Thật vậy à ?
Và cô lại khóc. Và tôi lại cười, có phần gượng gạo. Buổi sáng, ngoài tiền công, tôi đưa thêm hai trăm.
      - Tiền gì đây ?
Quả thật rất khó trả lời. Sau một lúc suy nghĩ, cô như chợt hiểu ra, thảng thốt :
      - Té ra tôi lầm, cuối cùng anh cũng chỉ coi tôi là một con đĩ, không hơn không kém.
Cô chạy một mạch xuống cầu thang, không hề ngoảnh lại. Từ đó chúng tôi xa nhau. Và tôi biết, cô không thể sống mà không ra đứng đường. Tôi ân hận, thực sự ân hận. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản: ngày mai công việc chấm dứt, tôi muốn giúp cô một khoản nhỏ. Tôi thực sự ân hận. Tôi tìm đến khu ổ chuột của cô, nhưng cô đi rồi, tôi tìm tới những nơi có gái đứng đường, nhưng cô vắng bóng, có thể cô cố tình tránh mặt sau những gốc cây, tăm tối. Về nhà, tôi ngồi vào giá vẽ, và khuôn mặt cô gái giang hồ hiện ra, và đôi mắt cô gái giang hồ hiện ra, không chút bụi vẩn.

Thế rồi tôi gặp lại cô, sáng ba mươi Tết. Có lẽ niềm vui của tôi lộ ra nét mặt. Đi cùng với cô là một bé gái khoảng sáu, bẩy tuổi.
      - Con gái tôi đó, con chào bác đi.
      - Cháu tên gì ?
      - Con tên Ngọc.
Tôi xoa đầu con bé, nó thực sự dễ thương, đặc biệt đôi mắt rất giống mẹ, đen, to và sâu. Hình ảnh hai mẹ con ríu rít bên nhau thoát ra sự ấm áp của cuộc sống, sự ấm áp bình dị mà ta luôn mong chờ. Cô có vẻ ngượng ngùng:
      - Có việc này, tôi không thể nhờ ai khác ngoài anh. Tôi không có bạn.
      - Sẵn sàng, chúng mình là bạn mà, đúng không ? Nếu giúp được, tôi không bao giờ tiếc công.
      - Sáng nay nếu anh rảnh, ráng đi với tôi một buổi.

Và cô dẫn tôi ra ngoại thành, vùng Thủ Đức. Nằm cuối con hẻm ngoằn ngoèo là một khu nhà có vườn cây bao quanh, Nhà nuôi người già neo đơn. Tôi cười đùa :
      - Bộ cô tính đi làm công tác từ thiện à ?
Cô không trả lời, chỉ cúi đầu thật sâu, có vẻ suy nghĩ mung lung.
Vào gần tới cửa, tôi chợt nghe nhiều tiếng gọi ríu rít, tiếng ngọng nghịu, trong như giọng trẻ thơ: Ngọc ơi, vô ngoại biểu. Con bé giật tay mẹ, chạy ùa vào phòng. Căn phòng kê khoảng mười chiếc giường đơn. Không có trẻ thơ, chỉ có các cụ già, móm mém, bệnh hoạn. Tiếng trẻ thơ phát ra từ những con cưỡng, treo trên đầu mỗi giường, cưỡng luôn miệng gọi tên những người thân của các bà cụ gần đất xa trời, gọi tên để thấy gần, gọi tên để bớt nhớ.
Cô dẫn tôi tới giường một cụ già, cụ nằm mặt ngửa lên trời, mắt như đứng tròng, bất động.
     - Má tôi đó.
Tôi hỏi nhỏ:
      - Sao cô nói ba má cô chết cả rồi.
Cô nhìn tôi, im lặng. Bà cụ như choàng tỉnh, cố chống tay ngồi dậy :
      - Loan đó hả ? Ngọc đâu ?
      - Con nè ngoại. Con đem quà tết đến cho ngoại nè.
Bà cụ nắm chặt bàn tay con bé :
      - Ngoại nhớ con muốn chết. Càng gần tết càng nhớ. Gặp con, ngoại mừng hết biết.
      - Mẹ con mắc làm, con mắc học, không lên thăm ngoại được.
Bà cụ quay sang tôi :
      - Ai vậy con ?
Cô vụt nói, đầu cúi thấp, âm sắc có phần gượng gạo :
      - Bạn trai con đó. Tụi con tính ra tết làm đám cưới. Ráng sống nghe má.
Tôi đỏ mặt ấp úng :
      - Bác cố giữ gìn sức khỏe.
Cô chợt ngước nhìn tôi, đôi mắt muôn vàn khẩn khoản, tha thiết. Tôi hiểu, và nói thật nhanh :
      - Má đừng lo, con sẽ quan tâm chăm sóc em Loan và bé Ngọc thay má.
Tôi nghe tiếng thở dài của cô, tiếng thở như trút đi muôn vàn gánh nặng.
Bà cụ nắm tay, vít đầu tôi xuống, nhìn chăm chú, đôi mắt đục như ruột nhãn.
      - Cảm ơn Trời Phật, má yên tâm rồi.
Bà cụ lại nhìn lên trần nhà, nín lặng, nước mắt ứa ra, chảy dọc thái dương. Tự nhiên tôi ao ước có một luồng gió mát, một mùi hương nhẹ của hoa ngọc lan, gió và hương rất hiếm khi tỏa ra từ cuộc sống vốn dĩ ngột ngạt. Bé Ngọc leo lên giường nằm với bà ngoại, chẳng bao lâu cả hai chìm vào giấc ngủ, yên lành. Tôi thấy ở đó sự sống đang vươn lên từ cõi chết. Loan nắm tay tôi, nhẹ nhàng dắt ra vườn.
      - Xin lỗi anh ngàn lần, em đã xúc phạm anh, em cũng cám ơn anh ngàn lần.
      - Em nói gì lạ vậy, chúng ta là bạn mà.
      - Anh có thấy xấu hổ không, bạn với một con đĩ ?
Tôi nắm chặt tay cô, đó chính là câu trả lời. Cô tiếp :
      - Má em được gởi vào đây lúc em bị bắt đưa lên trung tâm phục hồi. Không nuôi nổi má, em thực sự khổ tâm, bởi thế mỗi khi ai hỏi, em đều bảo má đã chết. Em nói dối anh, còn dối trá anh nhiều điều. Giận không ?
Tôi thở dài :
      - Con người cư xử với nhau, có bao nhiêu phần là thật. Sự bất lực trước cuộc sống khiến chúng ta thường xuyên phải chọn giải pháp nói dối, chính vì thế từ lâu anh đã đánh mất thói quen lên án người khác.
Cô nhìn tôi rưng rưng :
      - Cám ơn anh. Anh có thể về. Em làm phiền anh như thế đã đủ. Anh có thể về rồi.

      VŨ LƯU XUÂN

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top