truyện ngắn Duyên Anh: Chiếc vòng tay của một người

Chiếc vòng tay của một người
Duyên Anh  
image.png
Vũ thao thức mãi chưa ngủ được. Đôi lần Vũ cố khép mắt nhưng hình ảnh Thùy hiện ra rưng rức bờ mi. Đêm khuya. Lạnh. Ngoài hiên, từng giọt nước của trận mưa vừa tạnh, nhỏ đều, buồn thẳm.

Buổi chiều dìu Thùy đi bộ một thôi đường, Vũ vẫn chưa ngỏ cho Thùy biết chuyện Vũ nghĩ đến tương lai của hai đứa. Thùy cũng chẳng nói năng gì. Thùy chỉ cười ngây thơ nhìn Vũ. Khi chia tay Thùy bảo Vũ:

– Thứ sáu tuần sau là ngày sinh nhật của Thùy đấy anh ạ!

Vũ đem câu ấy về suy cảm trắng cả buổi chiều. Vũ liên tưởng nhớ tới những bó hoa, những tặng phẩm, những lời chúc tụng, những bộ mặt điểm tô giả dối trong bữa tiệc sinh nhật của một người. Vũ mường tượng ra những người mà cả đời là con số không to lớn cũng cố níu lấy ngày sinh tháng đẻ để hòng lường gạt chút it kỷ niệm, những người quên cả ngày sinh tháng đẻ, những người không dám thèm khát ngôi vị cuộc đời, một sớm thấy mình được còng kênh lên, bắt đầu quên dĩ vãng, bắt đầu to son thiếp vàng cái ngày sinh nhật tươi đẹp.

Ngày khói lửa bùng nổ ở đất nước này, bao nhiêu trẻ thơ vô tội đã bị quăng vào bờ tre gốc dứa ngay lúc lọt lòng. Không ai nhắc đến chúng, rủi may đứa nào còn sống, sau này làm nên sự nghiệp, chắc chắn có kẻ gò lưng viết hộ chúng trang tiểu sử lộng lẫy quên cả thời thơ ấu. Trong khi ấy, nơi an ninh hơn, những cậu quý tử lần lượt ra đời. Cha mẹ các cậu mời mọc họ hàng, bè bạn ăn uống linh đình như không thèm đếm xỉa sự đau thương bên ngoài. Những cậu quý tử lớn khôn, học giỏi đi làm tiền nuôi vợ con. Mục đích chỉ có thế. Giá ngồi được đỉnh chót của bực thang danh vọng thì mục đích lại vì dân vì nước và ý nghĩa của ngày Sinh nhật, dĩ nhiên, rất thiêng liêng. Cuộc sống thật phức tạp, nham nhở, vô lý. Thế mà Thùy… Nghĩ lại Vũ thấy tội nghiệp Thùy. Biết đâu ngày sinh nhật Thùy chẳng khác, chẳng gói gém chất cay đắng, buồn thương.

Vũ mới quen Thùy gần đây ở khám. Thùy đi tiếp tế cho cha. Nhờ buổi gặp ngượng ngập xách cái làn mây thức ăn khép nép trong phòng đợi, Vũ mỉm cười bâng khuâng. Ngày ấy Vũ cũng phẳi làm công vệc tiếp tế cho một người không thân. Ông ta là chủ nhà Vũ thuê, phạm tội bội tín. Gia đình ông ít người lại sợ nơi tù đầy nên nhờ Vũ. Vũ nhận lời. Mỗi tuần hai lần Vũ mang đồ tiếp tế cho ông ta. Và Vũ quen Thùy, yêu Thùy trong niềm đau đớn, nơi đầy những bộ mặt sầu thảm.

Hơn hai tháng, Vũ chưa dám hứa hẹn với Thùy, nhưng Vũ tin rằng Thùy đã hiểu những tia mắt trìu mến Vũ trao gửi nàng. Yêu nhau chỉ nên nói bằng mắt, mắt là cửa ngõ linh hồn, như thế tình yêu nhiều nghĩa hơn. Vũ cũng chưa dám hỏi chuyện gia đình Thùy. Có lẽ không cần vì đi sâu vào rừng hoang mình dễ gặp rắn độc. Vả chăng, Vũ sợ lần nào đó. Thùy tò mò muốn biết rõ về anh. Thì Vũ sẽ thành thực kể hết. Giá trị là ở hiện tại song nhiều khi nghĩ đến kỷ niệm Vũ nao nao rồi đâm ra tự ti và thấy mình nhút nhát.

Cho tới nay, Vũ vẫn chẳng biết cha mẹ đẻ mình chính là ai. Hồi còn ở Hà-Nội, Vũ sống những ngày đều đều với gia đình. Cha Vũ ít khi hỏi han Vũ. Mẹ Vũ lạnh nhạt đến độc ác. Các em tìm cách xa lánh. Thỉnh thoảng có người đàn bà khoảng 22 tuổi từ Nam-Định lên chơi, cha mẹ bảo là chị họ. Chị Thu quý Vũ lắm, chị, cho Vũ tiền tiêu, đưa Vũ đi xem chiếu bóng, may quần áo đẹp cho Vũ. Chị Thu không nói gì với Vũ nhưng mỗi lần chị về Nam thì chị khóc.

Năm Vũ 18 tuổi, cha mẹ bắt Vũ lấy vợ. Vũ từ chối. Cha mắng mất mặt, mẹ sỉ vả hết lời, các em thi nhau chế diễu. Chỉ có u già thương Vũ. U già nhìn Vũ ái ngại. Hôm cưới, chị Thu cũng lên. Chị ngồi nói chuyện với Vũ, có mẹ bên cạnh. Tự nhiên Vũ buồn.

Đêm tân hôn, Vũ khóc nức nở. Vợ Vũ ngủ say sưa. Cô nàng mới mười lăm tuổi, đáng lẽ còn phải ở nhà làm nũng mẹ, vòi vĩnh anh chị. Vợ Vũ trẻ con, hay cãi lại cha mẹ làm mẹ ghét Vũ thậm tệ. Năm sau vợ Vũ sinh con gái. Cha thở dài, mẹ lãnh đạm. Lòng Vũ trống rỗng một khoảng ghê gớm. Hình như gia đình Vũ đau khổ vì sự có mặt của Vũ. Ai đối với Vũ cũng khe khắt hơn cả người rưng nước lã. Có u già quý Vũ như chị Thu, u già lại sợ sệt. Vợ Vũ sinh nở xong, ốm đau liên miên, được mấy tháng thì chết. Vũ không xúc động. Con Vũ trả lại bà ngoại nuôi. Thiếu mẹ, đứa bé sài đẹn rồi cũng chết nốt. Từ đấy, Vũ sống cô độc.

Vũ bỏ học, chị Thu khuyên thế nào cũng không được. Vũ oán ghét cha mẹ, anh em. Một lần cha mắng Vũ, Vũ cãi lại, bị đuổi khỏi nhà mấy tuần. Vũ tính về Nam-Định sống nhờ chị Thu, mẹ sai người ngăn cản. Vũ phải mò về nhà chịu những hình phạt tinh thần nhức buốt. Hôm Vũ trở lại, u già rình lúc vắng vẻ đến cầm tay Vũ, nước mắt đầm đìa, u già than thở:

– Tội nghiệp cậu quá. U muốn kể hết chuyện cậu nghe. Khốn nỗi u sợ cậu bỏ đi thì chết mất.

Vũ cố van nài u già nói cho Vũ nghe những gì u già hiểu thì u già sợ hãi. Mãi mấy tuần sau u mới rủ Vũ ra bờ sông kể chuyện gia đình Vũ. U già bảo chị Thu là chị ruột Vũ. Cha mẹ Vũ hiện đang nuôi Vũ là bạn thân của cha Vũ. Nhà Vũ xưa ở Thanh Hóa. Cha Vũ bị Tây bắt đầy lên Sơn-La khi mẹ có mang Vũ, ít tháng sau cha Vũ chết trong tù ngục. Mẹ sinh Vũ xong buồn quá mắc bệnh chết theo. Bấy giờ Vũ mới được mấy tháng, bạn cha Vũ đem về nuôi, lấy tên họ của ông đặt cho Vũ, còn chị Thu gửi cho bà ngoại Vũ. Chị Thu lớn lên đi lấy chồng ở Nam-Định.

Thảo nào chị Thụ thương Vũ thế, cha nuôi Vũ cố giấu dĩ vãng thảm sầu của Vũ. U già đã nói lại. U già trông coi Vũ tự những ngày ở Thanh-Hóa lẽ nào u nói dối. Vũ nghe xong khóc tấm tửc, u già khóc theo. U bắt Vũ đừng nói cho ai biết. Vũ định gặp chị Thu lần này sẽ hỏi nhiều, nhưng lần chị Thu từ Nam lên, xe hàng bị mìn nổ tan tành gần Phủ-Lý. Chị Thu chết nữa. Vũ bỏ ăn mấy ngày. Chuyện Vũ vẫn còn bí mật. Bây giờ Vũ tạm hiểu sự lãnh đạm có duyên cớ của gia đình Vũ đang sống. Vũ biết ơn chứ không kính trọng. Lấy vợ cho Vũ, cha mẹ Vũ muốn làm tròn bổn phận với người quá cố, cha mẹ nuôi muốn Vũ có con trai để nối dõi tông đường. Chính vì vậy mà cha mẹ nuôi đã hủy hoại quãng đời hoa mộng của Vũ và ươm trong hồn Vũ ý nghĩ oán ghét mọi người. Vũ bị hắt hủi tự ngưỡng cửa gia đình. Đau khổ, Vũ chưa biết tính sao thì hội nghị Genève chia đôi Nam, Bắc. Vũ bỏ nhà ra đi.

Vào Sài-gòn, thoạt đầu Vũ sống tạm nhà chú. Chú tốt. Thím lắm điều, đàn bà thường hay chấp nhặt những chuyện vô lý. Một đêm Vũ nghe lỏm thím thì thầm vời chồng. Thím tỏ vẻ khó chịu về Vũ. Chú mắng thím, thương Vũ côi cút. Thím bù lu bù loa. Thím bảo chú bênh vực người dưng nước lã. Vũ lạnh toát cả người. Đúng rồi. Vũ mồ côi cha mẹ. Sáng sau không cần chào hỏi, Vũ bỏ đi lang thang đây đó. Vũ làm đủ mọi nghề lương thiện. Lòng Vũ trắng trinh. Hồn Vũ nảy nở đóa hoa mà cha ươm trồng thủa nọ. Con người trong sạch, Vũ tin mình sẽ thoát khỏi cạm bẫy cuộc đời giăng muôn nẽo. Trong sự đau khổ. Vũ thấy mình cao thượng và rung động sâu xa. Hiện giờ Vũ ở nhờ Tuấn trên căn gác hẹp tồi tàn, suy nghĩ đến sự cô độc của cuộc đời và ngày kỹ niệm của người yêu dấu.

Vũ nghèo quá. Vũ không có lấy một vật gì đáng tiền để bán đi mua tặng phẩm trao Thùy. Có những bận đi ô tô buýt đưa Thùy về, Vũ luôn luôn hết tiền xe chuyến về, phải cuốc bộ. Gặp mưa ướt đến da, Vũ ốm mấy ngày. Những bận như thế Vũ định hỏi tiền Thùy rồi nghĩ sao Vũ lại thôi. Nhiều khi mình cũng không nên tính toán chuyện danh dự trong tình yêu vì danh dự gò bó tâm hồn và mình đâm ra giả dối. Tuy nghĩ vậy song chưa lần nào Vũ hạ mình đón nhận tiền của Thùy. Tự ái con trai cấm Vũ làm điều nhục nhã.

Từ ngày Vũ lớn. Vũ chỉ nhận vào đời mình những buồn đau thương tiếc, những chết chóc hãi hùng. Cuộc đời hắt hủi Vũ bằng kỷ niệm êm đẹp nên đón Thùy vào hồn Vũ vẫn e ngại. Vũ muốn kể hết cho Thùy những gì Vũ chở chất trong lòng… Thùy chưa thành thực. Thùy còn nhỏ quả, biết đâu chuyện yêu Vũ mai mốt không trở thành chuyện trót lỡ. Lần đầu đưa Thùy về, Thùy bắt Vũ xuống trước một trạm. Vũ hỏi tại Sao thì Thùy đáp gọn: “Như thế tiện anh ạ!” Vũ rất sợ những hành động lén lút nhất là chuyện yêu đương nên đã van nài Thùy cho biết địa chỉ để đến thăm má Thùy. Thùy từ chối bằng lời quen thuộc: “Đừng, như thế không tiện anh ạ!”

Cứ nghĩ đến Thùy, đến người con gái mỏng manh như bóng chiều, răng khểnh, tóc rối bù, mắt buồn như đám ma đã làm tâm hồn mình nổi sóng, Vũ hoang mang. Vì tiếng nói buổi chiều cấu xé lòng. Vũ không chịu nổi, tung màn ra ngoài hiên đứng nhìn phố vắng đìu hiu, nghe tiếng xe bò nghiến đường ngoại ô heo hút.

***

Mấy hôm liền, Vũ thơ thẩn trên đường phố Sài-gòn, mắt để ý đó đây xem có dịp nào may mắn thì chỉ gặp những tấm vé số vô duyên, trơ trẻn nằm đợi chân người dẵm lên. Vũ chán nản nhìn cái hình hài tiều tụy của mình, Vũ đi vào cuộc sống bằng đôi giầy há mõm bằng bộ quần áo nát nhầu. Phong trần từ mái tóc bồng bềnh, chỉ còn lại đôi mắt long lanh sáng lên niềm tin tưởng và tấm lòng thơm tho nguyên vẹn. Vũ không tuyệt vọng. Trong tuyệt vọng nẩy nở nhiều hy vọng. Vũ tin thế và bước xuống đời, kiêu hãnh, ngạo mạn.

Khi ngang tòa soạn báo nọ. Vũ thấy người ta viết giấy cần mua cuốn “Thi nhân Việt-Nam” giá cao. Vũ chợt nhớ đến Cận, đến Thùy, đến ngày sinh nhật tuần sau. Cận là bạn của Vũ. Hồi ở Hà-Nội Vũ có nhiều bạn thân lắm. Bây giờ họ học hành đỗ đạt, xa dần Vũ. Trong người họ đầy ứ chất tự tôn. Vũ không ghen tuông địa vị nhưng Vũ rất khinh họ. Bỏ sách vở đi, họ chẳng khác gì người tỉnh nhỏ mở bản đồ dò đường mỗi khi tới phố lạ kinh thành. Điều đáng ghét là họ tưởng mình hiển hách rồi. Thực ra ăn bám cha mẹ mà đỗ đạt tú tài, cử nhân thì có gì là vẻ vang. Nên Vũ chả cần giao thiệp với họ. Riêng Cận. Cận biết điều, vả lại Vũ cần Cận lúc này để mượn cuốn “Thi nhân Việt-Nam”. Bất đắc dĩ, Vũ phải đến nhà Cận. Trước đây Vũ đã vài lần thăm Cận. Vũ có nhận xét buồn cười là Cận sống trong sự chiều chuộng của gia đình nên bé nhỏ làm sao. Vũ so sánh Cận với hoàn cảnh mình thì thấy tê tê ở tim nhưng rạo rực ở lòng. Gặp Cận, Vũ hỏi ngay cuốn sách. Cận đưa Cho Vũ và dặn Vũ giữ cẩn thận hộ. Vũ cám ơn qua loa rồi từ biệt Cận.

Ở nhà Cận, Vũ tới thẳng tòa soạn nọ. Vũ gặp ngay người cần mua sách, Ông ta trả 500. Vũ bằng lòng. Vũ đem 500 lên hẻm Eden tìm mua kỷ vật. Vũ để ý nhiều thứ. Vũ định mua cái bóp nhưng không đủ tiền. Mua lược gương thì chắc Thùy đã có và Thùy cũng chẳng thích vì tóc Thùy luôn luôn rối bù. Mua son phấn thì Vũ ngại Thùy còn trẻ. Vũ lại thù son phấn… Cuối cùng Vũ bỏ những quán bán đồ trang sức, Vũ tới hiệu bán đĩa hát. Vũ thích bài “Secret love” do Doris Day hát và bài “An affair to remember” do Nat King trình bày.

Khi sắp đẩy cửa bước vào, Vũ rụt rè e ngại, Vũ nghĩ đến sự lường gạt Cận một cách bỉ ổi. Thà Vũ lợi dụng lúc Cận đi vắng ăn cắp sách của Cận cũng được. Xã hội Vũ đang sống thiếu những thằng ăn cắp. Cuộc đời đã lừa lọc, móc túi ít nhiều rung cảm của Vũ thì lúc này Vũ có quyền, lấy lại để đổi sự êm ấm cho tâm hồn. Như thế, Vũ lừa bịp bạn rồi lừa người yêu và lừa bịp ai nữa? Vũ lang thang trong ngõ ngách tình cảm. Vũ thấy mình hèn hạ không đáng làm người. Mi mắt cay cay, Vũ bỏ đi, xua đuổi hình ảnh những đĩa hát, những son phấn, nước hoa.

Vũ đến tòa soạn nọ trả lại tiền. Người mua từ chối. Đau khổ, Vũ chậm rãi về nhà trọ. Vũ muốn xin lỗi Cận, đưa tiền bán sách cho Cận nhưng sự gì vô hình níu lấy ý định của Vũ. Vũ mường tượng Thùy và Vũ khóc.

Lối về, Vũ ước mong con đường dài vò tận để Vũ cứ đi mãi cho thoát khỏi cõi đời đen tối hiện tại cõi đời đen tối chỉ dậy người ta lường gạt nhau, cõi đời đen tối đầy dẫy những tấm bi kịch thiếu đạo diễn nên biến tất cả thành hài kịch kệch cỡm. Thượng đế cứ hay đầy đọa kẻ có lòng, biết Vũ còn niềm tin đợi một ân huệ?

Vũ thả hồn trong chuyện cổ tích, ước mong được khóc như trẻ thơ. Những kẻ nghèo khổ đi trên đường dài phần nhiều là những kẻ lãng mạn, ước mơ dịp may không thể xẩy ra. Như cái cặp đựng tiền của ai để quên bờ dậu, như tấm vé số một triệu chưa kịp lĩnh phơi mình dưới nắng.

Vũ thì chỉ nhìn xuống, nhìn xuống cái xấu xa phức tạp của cuộc sống tranh giành. Bỗng mắt Vũ gặp thanh sắt dài chừng hai gang tay lấp lánh dưới ánh mặt trời. Lại gần, đó là miếng sắt tầu bay. Vớ vẩn, Vũ nhặt lên gõ vào cột đèn.

Tiếng sắt kêu leng keng mai mỉa. Vũ toan liệng đi. Tự nhiên Vũ nghĩ tới những chiếc vòng tay bằng nhóm nhiều cô gái thích đeo.

Ở Ban-mê-thuột, người ta bán nhiều vòng tay bằng nhóm bảo là của đồng bào Rhadé làm. Vòng ấy quý lắm. Tuy không phải trèo đèo lặn suối nhưng phải ngồi mấy trăm cây số đường rừng mới mang về được thành phố. Thực ra vòng bán làm quà chỉ lạ chứ không quý. Vòng Thượng thiêng liêng hơn nhiều, dễ gì ai cũng được đeo. Người Rhadé thành thực và cầu kỳ. Được đeo vòng của họ phải là bạn thân, phải làm lễ thề bồi để họ tháo vòng của họ đeo sang tay mình. Sự thành kính ẩy nầy nở trong lòng Vũ một ý tưởng lạ lùng. Vũ sẽ biến miếng sắt tầu bay thành chiếc vòng làm quà sinh nlật tặng Thùy. Vũ sung sướng, mỉm cười. Vũ về nhà gặp Tuấn. Tuấn hỏi mượn tiền giúp vợ một người bạn mới đẻ. Vũ trao hết tiền bán cuốn “Thi nhân Việt-Nam” cho Tuấn. Vũ thấy lòng mình hết bị đay nghiến.

Khi Tuấn đi khỏi, Vũ xuống nhà đem thanh sắt ra mài cho bóng. Vũ ngây thơ ước mình như Aladin mài cây đèn thần. Giá ông thần hiện lên, Vũ sẽ xin ông ta căn nhà êm ấm, cuộc sống đầy đủ, tình yêu thoải mái và tặng phẩm tặng Thùy. Vũ sẽ van ông thần hóa phép để tóc Thùy thôi rối, mắt Thùy thôi buồn, răng Thùy thôi khểnh. Ông thần không hiện lên. Cõi đời nhiều tên phù thủy gian ác cao tay quá, thần thánh chịu quy hàng cả. Vũ thở dài. Cô độc. Buồn tênh. Vắng. Không ai ngồi xem Vũ mơ ước, chỉ có hồn Vũ quyện lấy đất quê hương đánh bóng miếng sắt như đời Vũ bám lấy cuộc sống đánh bóng linh hồn.

Vũ yêu Thùy, sợ mất Thùy. Vũ đã mất mát bao người thân yêu. Vũ tưởng niềm rung động trong anh bị thôi chột. Vũ tưởng Vũ đã ghét cả mọi người. Ai ngờ gặp Thùy mới thấy đời đáng sống để thương yêu nhau. Thùy tế nhị, hay khóc lắm. Đôi lần Vũ rủ Thùy lang thang phố vắng. Thùy nể Vũ đi nhưng bắt hứa nhiều điều kỳ cục. Vũ nhớ lời Thùy nhỏ nhẹ:

– Anh Vũ ạ! Theo Thùy hôn nhau không phải là yêu đâu. Nếu anh thấy cảm giác lạ khi hôn Thùy thì đừng nên. Thùy sẽ giải thích sau này.

– Thùy bảo thế nào mới là yêu?

– Yêu thường thường ích kỷ anh ạ! Thương mới hy sinh. Thùy chỉ mnốn anh thương Thùy. Mà thương Thùy thì van anh chớ hôn Thùy đấy nhé!

– Bao giờ anh chả thương Thùy.

– Thương nhau chưa đủ đâu anh Vũ a! Phải kính trọng nhau nữa chứ. Thùy chẳng biết đã trọng anh chưa?

– Tuy nhiên…

– Đừng, anh đừng nịnh Thùy, Thùy chả đáng để anh kính trọng vì Thùy hiểu anh sẽ nghĩ gì về cuộc tình duyên ngoài phố.

– Thùy chỉ nghĩ vớ vẩn!

– Cõi đời mình sống ít vĩnnh cửu và nhiều đổi thay, anh đừng hứa gì với Thùy cả. Hứa rồi anh hối hận đấy.

Tình yêu của Vũ đối với Thùy mong manh như năng lụa.

Vũ hy vọng có ngày Thùy hiểu anh hơn và kính trọng anh. Nếu Thùy đã đi vào giấc Vũ ngủ, nếu Thùy đã ngồi xem Vũ mài thanh sắt tầu bay. Thùy sẽ hết nghĩ sánh Vũ với bất cứ gã con trai nào. Thùy phải có nhiều chiếc vòng đeo tay, chiếc vòng duy nhất Vũ tạo ra bằng tủi hờn, mộng ước, ái ân…

Ở hẻm Eden Vũ thấy vô số vòng đeo tay đắt tiền, ở những hiệu kim hoàn cũng có vòng pha vàng. Vòng đó là kim loại, đổi lấy tiền, đổi lấy tình yêu. Nhiều cô mua 7 chiếc, sợi nhỏ, theo thứ tự thứ hai đeo hai chiếc thứ ba đeo ba chiếc… Chủ nhật tháo ra lau chùi ướp nước hoa thơm nức. Nếu là vòng kỷ niệm thì có thể nhiều việc sẽ xẩy ra ngày chủ nhật. Vũ không có 7 sợi vòng vàng tặng Thùy. Bây giờ, Vũ không thèm nghĩ đến sợi vàng nữa. Vũ chỉ có chiếc vòng sắt tầu bay mộng bằng hồn và ướp bằng chuyện cổ tích. Thùy sẽ cảm động. Bởi vì, vật tầm thường vẫn là vật vô giá.

Vũ đem miếng sắt vào nhà ông thợ bạc trong xóm nhờ ông uốn hộ. Ông ta cười hóm hỉnh hỏi chuyện. Vũ thuật lại, bảo để tặng người con gái mới quen. Ông ta làm dùm không lấy tiền. Vũ tặng ông số báo văn nghệ có bài thơ Vũ mong nhớ Thùy. Chiếc vòng bóng loáng. đẹp như mắt mẹ hiền lúc giăng dối. Cầm trong tay, Vũ tưởng tượng thấy linh hồn chiếc vòng xúc động. Vũ sung sướng. Anh vừa gặp lại tình thương trong nụ cười của chị Thu những ngày ở Hà-Nội.

***

Vũ sốt mê man hai hôm liền. Chiếc vòng tay bằng sắt tầu bay luôn luôn bên mình Vũ. Khi tỉnh dậy, Vũ nâng niu ngắm nghía. Có lúc Vũ ấp vào ngực. truyền vào đầy nhịp thở của trái tim Vũ để tặng Thùy. Mai là ngày sinh nhật Thùy. Mai cũng là ngày Thùy đi tiếp tế mà nay Vũ còn nằm liệt giường. Trong cơn sốt. Vũ gọi tên Thùy nũng nịu, tên Vũ gay gắt và nhắc đến cái vòng làm Tuấn khó chịu. Tuấn có hiểu gì đâu… Lúc Vũ tỉnh, Tuấn gượng hỏi Thùy là ai, Vũ mỉm cười lấy ngón tay vẽ trong khoảng không người con gái vô hình rồi cười như nắc nẻ. Tuấn lo ngại, sợ Vũ bị thương hàn. Mấy hôm Vũ chẳng ăn gì, chỉ đòi uống nước. Người Vũ nóng ran.

Vũ ốm vì vài hôm trước Vũ đi tìm nhà Thùy. Khi về gặp mưa, Vũ không uống thuốc nên bị sốt. Cơn sốt kéo dài sang hôm sau vào buổi trưa đúng lúc đáng lẽ Vũ gặp Thùy để tặng người yêu chiếc vòng. Vũ như chết, quên hết mọi sự kiện bên ngoài. Vũ vẫn gọi Thùy, vẫn nhắc chiếc vòng. Thùy biết Vũ ở đâu mà đến bây giờ. Buổi tối, Vũ tỉnh. Cuộc đời vô nghĩa theo bóng đêm. Vũ chẳng còn tin tưởng ân huệ cuối cùng của đất trời nữa. Vũ mong được yêu Thùy, được trao Thùy chiếc vòng. Vũ ốm, Vũ không đi được, Thùy đã nghĩ ngợi gì về Vũ.

Thùy nói: “Cõi đời mình sống ít vĩnh cửu và nhiều đổi thay, anh đừng hứa gì vớí Thùy cả. Hứa rồi anh hối hận đấy.” Vũ chưa hứa nên chưa hối hận, chỉ buồn vời vợi. Vũ linh cảm rằng Thùy đến bên Vũ như một bóng râm giữa hè. Bóng râm chưa gây được cơn mát thì ánh nắng đã soi xuống nóng bỏng.

Tuần lễ sau Vũ khỏi. Vào ngày thứ sáu, Vũ tới khám tìm Thùy. Đợi mãi không thấy bóng Thùy. Vũ hỏi rất nhiều, chẳng thấy ai trả Iời. Cô độc. Những bộ mặt cũ sầu thảm hơn. Gần chiều, cô bạn cùng đi tiếp tế nói cho Vũ biết ba Thùy được tha rồi, thứ sáu tuần trước Thùy không đến đây. Thùy không đến, thế mà Vũ cứ tưởng Thùy yêu Vũ ghê lắm. Chán nản, Vũ về.

Nửa tháng liền, ngày nào Vũ cũng đến khám tìm Thùy mỏng manh. Thùy quên Vũ rồi. Vũ cũng hay đi lang thang trên con đường đưa Thùy về. Không có Vũ chắc Thùy không đi ô tô buýt nữa. Vũ thất vọng.

Chiếc vòng Vũ vẫn còn giữ. Khi đi tìm Thùy. Vũ bỏ trên túi ngực. Vũ đi trọn mùa mưa. Đường xưa heo hút, không một khuôn mặt giống Thùy. Có thể Thùy chưa xứng đáng nhận chiếc vòng sắt tầu bay mộng bằng hồn, ướp bằng chuyện cổ tích của Vũ. Thùy như các cô gái tầm thường khác, chưa học cách nhìn vào chiều sâu tâm hồn kẻ thương yêu mình tha thiết. Chiếc vòng kỷ niệm, Vũ cất kỹ. Vũ sẽ tặng một người nào đó khi cuộc sống hết dè xẻn tình yêu.

Duyên Anh   
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top