Nguyễn thị Cỏ May, Một người Pháp bỏ ra 28 triệu cá Trump thắng cử.

Thư Paris

Nguyễn thị Cỏ May

Một người Pháp bỏ ra 28 triệu cá Trump thắng cử.

 

Còn vài ngày nữa tới bầu cử Tổng thống Huê kỳ, ai thắng ai, chưa thấy rõ. Dự đoán, người cho Trump thắng là chắc, kẻ quả quyết cửa chánh Nhà Trắng đang mở chờ đón Harris vào.

Nhưng Polymarket báo Trump sẽ thắng vì có tới 65% cử tri muốn bầu Trump, chỉ có 35% bầu cho ứng cử viên Dân chủ.

Xin nói thêm Polymarket không phải là một cơ quan thăm dò dư luận có thẩm quyền mà chỉ là một Site đánh cá trên mạng.

Ngay lúc này, tại Pháp, có một người đưa ra 28 triệu US$ đặt cá cho Trump thắng cử và thách người khác bắt cá độ (Félix Pennel, 27/10/24).  Đã có hơn 2, 5 tỷ US$ đánh cá về bầu cử ở Huê kỳ trên Site này.

Theo báo chí về cá độ cho biết có tất cả 4 chương mục cùng bỏ ra 28 triệu US$ bằng tiền cryptomonnaie để đặt cá cho Trump thắng.

Vụ cá với số tiền quá lớn như vầy liệu có làm đảo lộn tính trung thực của kết quả bầu cử hay không?

 

Một cuộc điều tra vừa mở ra. Kết quả làm cho mọi người yên tâm vì 4 chương mục đều thuộc về một người làm chủ. Vấn đề khuấy nhiễu chánh trị không có, mà chỉ là vấn đề cờ bạc với bạc triệu mà thôi. Và người thách cá là một người Pháp giàu kinh nghiệm trong giới làm ăn may rủi.

 

Tới nay, chưa ai biết danh tánh của hắn, chỉ biết hắn dám cá số tiền lớn như vậy vì hắn tin vào sự nhận xét và phán đoán riêng của hắn mà thôi. Cứ theo Polymarket, thì người Pháp này cũng chỉ nhắm đánh cá kiếm tiền, hoàn toàn không để ý làm như vậy là thổi phòng thế giúp Trump dễ đắc cử.

Rủi Trump không thắng, không biết người đánh cá 28 triệu US$ có bị mất hết tiền hay không ?

 

Tại sao người Hoa Kỳ đi bầu vào ngày thứ Ba ?

Không biết khi đi bầu, cử tri Hoa Kỳ đều biết tại sao mình đi bầu vào ngày thứ Ba, mà không vào cuối tuần hay không?

Trong lúc ở Pháp, ngày bầu cử luôn luôn tổ chức đúng vào ngày chủ nhựt, thì ở Huê kỳ, từ năm 1845, ngày bầu cử vẫn tổ chức vào ngày thứ Ba, sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11.

Có lẽ điều này là thường định trong lịch sử bầu cử Tổng thống huê kỳ.

Nhưng tại sao có sự chọn lựa như vậy?

Chúng ta hãy trở về năm 1792 có một đạo luật qui định về Ngày Bầu cử kêu gọi các Tiểu bang hãy tổ chức bầu cử vào 34 ngày trước thứ Tư đầu tiên của tháng 12. Vấn đề là các Tiểu bang không bầu cùng thời điểm với nhau nên những kết quả bầu cử đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới cử tri đi bầu sau đó. Nên tránh điều này.

Để điều chỉnh lại, năm 1845, một đạo luật qui định một ngày duy nhứt để cả nước bầu cử, « Uniform Tuesday Act », tức ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11.

Đạo luật này được áp dụng luôn cho bầu cử Quốc hội.

 

Chọn ngày bầu cử vào ngày thứ Ba trong tuần cũng nhằm tránh ngày Chủ nhựt là ngày của Chúa, dành cho dân chúng đi lễ. Và cũng để nghỉ ngơi.

Vả lại, vào thế kỷ XIX, không phải dễ kêu gọi dân chúng đi bầu vào ngày thứ Hai vì nhiều người ở xa, đi bầu vào ngày thứ Ba, họ phải đi khỏi nhà từ hôm chủ nhựt. Còn ngày thứ Tư là ngày phiên chợ.

Chọn tháng 11 còn để tránh thời gian làm mùa. Mùa xuân gieo hạt, mùa hè gặt hái.

 

Kết quả bầu cử Huê kỳ: Âu châu sẽ tự lo thân ?

Theo dõi 2 ứng cử viên Tổng thống vận động thì việc Huê kỳ, với chánh phủ mới, sẽ tiếp tục ủng hộ Âu châu, chống lại những hăm dọa hay khiêu khích của Nga, Tàu, Iran hay không, phải nói là không thấy có gì rõ ràng và chắc chắn, đáng tin cậy hết cả.

Vậy Âu châu sẽ một mình tự lo thân là hơn?

 

Trump đã nhiều lần lên tiếng cảnh cáo những nước Âu châu chưa đóng góp đủ cho quỉ phòng thủ thì Huê kỳ sẽ không có bổn phận phải giúp.

Thật ra, Trump hay Harris, ai thắng cử thì Âu châu vẫn lo ngại. Từ sau thế chiến, nhiều nước Âu châu không mấy lo lắng về vấn đề quốc phòng vì tin tưởng có cây dù Huê kỳ che chở, xuyên qua Otan. Cứ thế mà tà tà lo ăn no, ngủ kỷ.

Nhưng khi xuất hiện Trump và Trump liên tục hăm dọa sẽ bỏ Âu châu một mình tự lo liệu, thi Âu châu bắt đầu thấy việc chia tay với Huê kỳ không còn là viển ảnh nữa.

Đồng thời, nếu Harris thắng cử, Quốc hội sẽ không thiếu đa số Đại biểu Cộng hòa muốn chỉ biết từ nay lo cho nước Mỹ và dân Mỹ, sẽ ngưng giúp Ukraine, trả Âu châu về cho Âu châu, để kịp xoay qua Á châu-Thái Bình dương, điểm nóng mới về địa chánh của thế giới vì hiện tình đang căng thẳng với Tàu cộng.

Vậy liệu Âu châu tự mình đủ sức lo thân hay không?

 

Về mặt quân sự, lực lượng Âu châu không yếu kém  nhưng thiếu sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nước Âu châu, mà thường mâu thuẩn với nhau. Riêng Tây xưa nay có tiếng nói nhiều, đủ làm cho nhiều nước khác khó chịu. Trong số quốc gia thành viên Otan, về sức mạnh quân sự, có 3 nước có hơn 150 000 quân chiến đấu: Pháp có 200,000 quân, Đức có 181,600, Ý có 165,500 quân. Riêng Huê kỳ có 1,3 triệu quân.

 

Tái tổ chức hệ thống phòng thủ Âu châu

Khả năng phòng thủ của Âu châu thật sự không suy yếu lắm. Theo Cơ quan Âu châu phòng vệ (AED = Agence Européenne de défense), chi phí quân sự của Âu châu tăng trung bình 6% năm 2022. Riêng Thụy điển chi phí quốc phòng lên tới 30%. Otan thường đề xuất nhiều sáng kiến chung, như « Quỹ Âu châu phòng vệ » ra đời năm 2021 và thâu được 8 tỷ euros cho thời hạn 2021 – 2027 dùng để yểm trợ những dự án xuyên quốc gia, kích thích hợp tác kỷ nghệ với nhau.

Khi Nga xâm lăng Ukraine, nhiều sáng kiến khác xuất hiện như cùng nhau tài trợ võ khí giúp Ukraine. Tất cả chi phí lên tới 143 tỷ euros.

Tuy nhiên điều quan trọng là tương  quan lực lượng mới đủ làm thay đổi ý muốn xâm lăng của địch. Nếu mai này Nga chiếm lấy một phần Âu châu thì cái giá để đẩy lui Nga sẽ không nhỏ. Thật vậy. Theo « International Institute for Strategic Studies », ít lắm Âu châu phải có ngay 300 tỷ euros. Mà liệu Âu châu sẽ sẳn sàng đóng góp chăng?

 

Còn đưa võ khí nguyên tử ra để làm cho địch ngán thì Pháp và Anh hợp lại chỉ có 515 quả trong lúc đó Nga có tới 4.380 quả (Huê kỳ có 3.708 quả). Vậy có chắc Pháp và Anh sẽ đủ sức bảo vệ Âu châu hay không?

 

Nhưng một vài người chuyên về quân sự quốc phòng nghỉ rằng Pháp và Anh, với khả năng quân sự của mình, sẽ có thể giữ một vai trò then chốt, như hai nước cùng tổ chức một « quân đội thống nhứt » để ngăn chặn hăm dọa võ trang của Nga và liên kết các nước Âu châu theo một qui ước an ninh mới. Trong lịch sử, Pháp và Anh đã từng hợp tác trong nhiều trận chiến và lực lượng của họ bổ sung cho nhau. Nổ lực của họ lôi kéo các nước khác tham gia như Bỉ, Hi-lạp, Hòa-lan.

Nhưng Đức, Ba-lan và Ý, đầu tư rất nhiều cho quốc phòng, lại không mặn mòi cho lắm với cặp Pháp-Anh giữ vai trò liên kết các nước khác làm thành một lực lượng lớn, hùng hậu để bảo vệ Âu châu. Họ chỉ muốn và tin vai trò nồng cốt qui tụ các nước Âu châu đối đầu với Nga phải là Huê kỳ vì sức mạnh nguyên tử của Huê kỳ mới đủ làm cho Nga ngao ngán.

Có khả năng quân sự không phải kém nhưng Âu châu vẫn nhìn về Huê kỳ khi cần chống ngoại xâm chỉ vì Âu châu thiếu ý chí chánh trị. Xưa nay, tuy là « Liên Hiệp Âu châu » nhưng thành viên vẫn trong cảnh đồng sàn dị mộng!

Nguyễn thị Cỏ May

 

 

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top