Hoàng Ngọc Nguyên, MỘT MÙA GIÁNG SINH BÀNG HOÀNG

Hoàng Ngọc Nguyên

MỘT MÙA GIÁNG SINH BÀNG HOÀNG

 

Người dân Syria chào mừng sự sụp đổ của nhà độc tài Bashar Assad

Sinh viên Đại Hàn xuống đường

43.000 lính Ukraine đã bỏ mình trên chiến địa

 

Chúng ta đang sống trong một thời cực kỳ nhiễu nhương trên toàn cầu. Mùa Giáng Sinh năm nay hiển nhiên vui ít lo nhiều, huy hoàng hiếm thấy nhưng kinh hoàng nơi nơi. Vấn đề là thế giới đang rơi vào một thời điểm chuyển biến rốt ráo, người ta thực khó biết mình đang ở đâu và đi về đâu. Người Việt chúng ta có thể nhớ lại một thời Tết Mậu Thân 1968, khi Việt Cộng mở cuộc tổng tấn công trên toàn Miền Nam khiến cho chúng ta chẳng còn biết được tương lai đất nước sẽ như thế nào.

       Nay hãy nói chuyện thế giới ngày nay, một thời thế giới toàn cầu hóa từng được tưởng rằng người ta sẽ dễ sống nhưng khó khăn, thách đố ngày càng ló dạng và chồng chất.

       Thế giới đã phần nào bàng hoàng trước thắng lợi vang dội của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bầu cử tống thống lần thứ ba của ông, và đang phải chuẩn bị đề “thích nghi” với lãnh đao mới của nước Mỹ - ít nhất trontg bốn năm tới. Đảng Dân Chủ phải bỏ ra hơn 1 tỷ đô la mới hiểu được rằng cử tri Mỹ chưa sẵn sàng với một ứng cử viên phái yếu, nhất là da màu. Và cũng đáng nghi ngờ trình độ của dân Mỹ khi người ta chưa thấy được những gì Tổng thống Joe Biden đã làm để bình thường hóa cuộc sống người dân sau những khủng hoảng về COVID và lạm phát mà ông đã tiếp nhận từ người tiền nhiệm. Nhất là thành tích của ông đưa nước Mỹ trở lại với thế giới đã bị coi nhẹ.

Tổng thống tái đắc cử Donald Trump đương nhiên hiểu được hơn ai hết thời cơ của mình đã đến cho dù trước mắt là tuổi bát tuần, một tuổi không có ngày mai, cho nên đang ra sức bỏ tất cả vào cuộc chơi, vừa cho thỏa chí bình sinh vừa để cho người ta thấy hết ma lực của ông. Cho dù đến ngày 20-1-2025 Trump mới bước chân trở lại Nhà Trắng, ông dã sớm cho bạn cũng như thù biết ông đang mưu định những gì. Trước hết là ơn đền oán trả ngay trong ngày đầu tiên: những người “anh hùng”, “vị Trump vong thân” nay đang bị tù tội vì tham gia biến cố phản loạn ngày 6-1-2021 sẽ được ra tù, trong khi những nhà chính trị (các dân biểu Hạ Viện) từng tham gia vào việc điều tra, luân tội ông Trump về vụ phản loạn ngày 6-1 đó tại Quốc Hội sẽ phải “vào tù” thế chỗ – như ông đã đe dọa hằn học lui tới bấy lâu nay, cụ thể nêu đích danh bà cựu dân biểu Liz Cheney cùng dân biểu Adam Kinzinger.

Ngoài ra, những chuyện trong nghị trình 100 ngày đầu của ông Trump cũng làm cho nhiều người mất ăn mất ngủ: trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp, đóng cửa biên giới Mỹ-Mễ, thay đổi chế độ an sinh xã hội, giảm thuế cho người giàu (chính sách ông đã áp dụng tám năm trước đây, khi ông bước vào Nhà Trắng lần đầu, bất kể ngân sách thiếu hụt), đánh thuế lên hàng nhập (chủ yếu từ Trung Quốc, bất kể ảnh hưởng đối với ngoại thương và giá cả hàng hóa trong nước)… Đối ngoại, ông muốn lập thành tích bằng cách giải quyết cuộc chiến Ukraine đã  kéo dài gần ba năm (buộc Ukraine phải hòa đàm dù thua thiệt lãnh thổ, cố thuyết phục Nga dừng lại trong tham vọng đế quốc mở rộng lãnh thồ)… Đồng thời, ông cũng muốn làm lịch sử bằng cách cho Mỹ rút khỏi Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO (Nga hẳn phải hài lòng) cũng như liên minh các nưóc Á-Úc ven biển Thái Bình Dương (Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Philippines, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan) là điều không có gì Trung Quốc mong mỏi hơn. Đáng quan tâm hơn cả là cách ông chọn nội các cho ông một cách có tính “thử nghiệm”: dĩ nhiên ông phải lựa chọn những người trung thành bậc nhất đối với ông là ưu tiên hàng đầu, nhưng ông còn có ý chọn những người tai tiếng và không có mấy kinh nghiệm để thử thách dư luận và chính giới trước ý đồ “đổi mới chính phủ”! 

       Bởi thế, không ai dám mộng tưởng những ngày êm ả trước mắt khi chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra dưới triều đại mới.

       Chính trị thời nay đúng là quá phức tạp và người dân ngày càng thấy khó hiểu và phải lựa chọn thế đứng “kính nhi viễn chi”. Hãy xem câu chuyện ở Pháp, khi đầu tháng 12 vừa qua, các nhóm cực tả (đảng Xã hội và đảng cộng sản cùng một số dân biều độc lập) liên kết với đảng đối nghịch Tập hợp Quốc Dân (có khuynh hướng cưc hữu và chống di dân) của bà Marine Le Pen để lật đổ Thủ tướng Michel Barnier và liên minh thiểu số khuynh hữu của ông chỉ sau ba tháng ông được Tổng thống Emmanuel Macron cất nhắc. Với một đa số tại Quốc Hội đang chống lại Macron, người ta cũng kêu gọi ông hãy từ chức. Ông Macron bị cô lập bởi vì Quốc Hội chỉ có hai thế lực đa số cưc hữu hay cực tả, trong khi ông Macron lại chọn thế đứng giữa lẻ loi. Nhưng ông cương quyết không chịu thua, nói rằng ông được người dân bầu lên để gánh vác việc nước cho hết nhiệm kỳ (hai) của ông đến năm 2027 mới chấm dứt, cho nên ông sẽ bổ nhiệm cấp kỳ một thủ tướng mới thay thế. Ông cũng lên tiếng tố cáo bà Le Pen chỉ tìm cách phá ông, tạo sự hỗn loạn, bất ổn chính trị để được việc cho bà. Dĩ nhiên đó là vai trò chính trị đối lập của bà. Vấn đề là đảng do ông thành lập là một đảng thiểu số, trong khi đảng của bà Le Pen, cũng do bà thành lập (ở Pháp, thành lập đảng, giải tán đảng là “chuyện thường ngày ở huyện”) lại thu hút được những người cánh hữu đang chủ trương ngăn chận di dân đến từ các nước châu Phi và ven Địa Trung Hải bằng mọi giá. Hơn nữa, kinh tế của nước Pháp đang bị nạn lạm phát hành. Trong khi đó, những vấn đề quốc tế trong khu vực, chủ yếu là những thách đố đến từ nước Nga của Putin với cuộc chiến Ukraine, cũng làm gia tăng áp lực lên Macron.

Nay ông đang phải tìm cách nhanh chóng bổ nhiệm một thủ tướng mới trước áp lực từ các đàng cánh hữu ép ông từ chức. Đó là một thử thách nghiêm trọng cho ông trong mùa Giáng Sinh năm nay bởi vì kiếm cho ra một ông thủ tướng mới được lòng các đảng chính trị muốn phá ông chẳng phải là chuyện dễ. Vừa qua, ông có dịp khai trương ngôi nhà thờ lịch sử Notre Dame de Paris vừa được tái thiết sau năm năm đóng cửa; và ông mời một số lĩnh tụ nước ngoài đến tham dự, trong đó có Joe Biden và Donald Trump. Ông đã đón tiếp trọng đãi ông Trump, xem đó là cơ hội chứng tỏ với ngưởi dân Pháp khả năng đối ngoại của ông! Nhưng trước mắt vẫn là bài toán Ukraine!

      Những thử thách đối với ông Macron, thực ra, cũng lan rộng với các nước châu Âu, như Tây Ban Nha, Ý, Đức, Hòa lan, Bỉ… Người dân các nước châu Phi ngày càng mơ tưởng được đến “vùng đất hứa” gần gũi trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, đó là các nước châu Âu. Bởi thế, tin tức thường cho thấy nhiều chiếc tàu vượt biên quá tải chưa đến bờ đã chìm ngoài biển. Hàng ngàn người đã chết giữa biển cả với giấc mơ đến bờ!

      Những câu chuyện chính trị thế giới cuối năm cũng dẫn dắt người quan sát đến châu Á, với ít nhất hai câu chuyện: một ở Nam Triếu Tiên, một ở nước Phi (Luật Tân).

      Người ta đương nhiên biết những câu chuyện điên rồ ngông cuồng của Kim Jong-Ủn, lãnh tụ của Bình Nhưỡng, khi ông ta vui vẻ, hăng hái để cho Bắc Triều Tiên thủ vai đồng minh số 1 của Liên bang Nga của Vladimir Putin trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Có lẽ ông ta đã cho hàng chục ngàn lính Bắc Hàn tham chiến chung với lính Nga cùng yểm trợ cho Nga những vũ khí chiên lược như hỏa tiễn và đạn pháo. Đồng thời, Kim cứ cho phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên  bằng cách bắn hỏa tiễn ra biển như muốn đe doa cả Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Ông cũng tuyên bố không còn nhìn nhận Nam Triều Tiên là nước “cùng cha khác mẹ” với BTT nữa.

Nhưng câu chuyện người ta đang bàn tán là hành động bốc đồng điên rồ của Tổng thống NTT Yoon Suk Yeol - nhất là trong một nước nổi bật với quyền dân chủ của đảng phái và người dân. Cảm thấy bế tắc khi Nam Triều Tiên “dân chủ thái quá”, đảng đối lập mạnh và chiếm đa số trong Quốc Hội, đảng của mình thì thiểu số và không mạnh dạn hỗ trợ, khiến cho mình tuy là Tổng thống nhưng không hành động được gì, ngày 3-12 Yoon đã bất ngờ ban hành thiết quân luật trên cả nước với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun, đồng thời âm mưu bắt giam cả chủ tịch đảng của mình cùng chủ tịch đảng đối lập. Chính giới tại Seoul tức thì phản ứng: các dân biểu, nghị sĩ tới tấp lũ lượt đến tòa nhà Quốc Hôi mà cảnh sát không ngăn cản được, và dân chúng cũng nô nức xuống đường. Tổng thống Yoon biết mình hố, ngay tức thì rút lại lệnh thiết quân luật ba giờ sau khi ban hành, nhưng đã muộn. Ông ta ngay tức thì bị một phiên họp Quốc Hội luận tội. Ông tạm thời sống sót (chưa bị truất phế) vì phía luân tội chỉ được 195 phiếu, chưa được 200 là túc số 2/3 cần thiết. Nhưng Quốc Hội sẽ còn luận tội ông tiếp tục ở một phiên khác. Bộ trưởng Quốc phòng cũng ngay tức thì bị bắt giam, ông này tự vẫn ngay trong tù nhưng được cứu sống. Tổng thống Yoon tuy còn tại vị, nhưng được lệnh của Quốc Hội không được đi ra ngoài. Người dân, nhất là giới sinh viên, vẫn tiếp tục xuống đường trong thất vọng vì Yoon vẫn không chịu từ chức. Sinh viên đã nói họ sẽ không đi học cho đến khi câu chuyên này ngã ngũ. Ngày 11-12, cảnh sát được lệnh khám xét văn phòng của ông, tuy nhiên, lực lượng bảo vệ ở đó không để họ vào bên trong. Áp lực vẫn gia tăng buộc Yoon phải từ chức trong khi Quốc Hội mở nhiều cuộc điều tra nhằm vào ông. Ngày sau đó 12-12, ông Yoon đã lên đài truyền hình, biện minh hành động của mình là để giữ gìn, bảo vệ nền dân chủ của đất nước trước sự “chuyên chính” của đảng đối lập tại Quốc Hội. Thế nhưng ngay trước đó, Han Dong Hoon, lãnh tụ của đảng của tổng thống, lại lên truyền hình kêu gọi những người cùng đảng hãy đồng thanh bỏ phiếu truất bãi “đồng chí Yoon” trong ngày thứ bảy tới 14-12.  Tổng thống Yoon chính là người đã từng đứng hát bài “American Pie” trước mặt Tổng thống Biden. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ, nay cũng sắp ra đi, giữ im lặng. Ông hiểu dân chủ kiếu Triếu Tiên khó hiểu, đừng đụng đến!

Mặt khác, nước Philippines đang có một chuyện khôi hài chính trị. Bà Phó Tổng thống Sara Duterte bỗng dưng lên tiếng rằng bà sẽ cho người giết Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nếu ông tổng thống này toan tính chuyện thủ tiêu bà. Đây là chuyện đúng là ly kỳ trên thế giới, vì tổng thống và phó tổng thống ở đâu cũng là người trong một nhà, và phó tổng thống thường là người của tổng thống. Nhưng ở nước Phi này có cái lạ đời: bầu cử tổng thống và phó tổng thống thường là độc lập. Cũng nên biết là Marcos Jr. là con của cố Tổng thống Ferdinand Marcos nổi tiếng là một nhà độc tài vào những năm 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng dân Phi vẫn bầu cho ông vua con này. Trong khi bà Duterte là con của Tổng thống Duterte thuộc nhiệm kỳ trước đây, cho nên bà có sợ ai! Tổng thống Marcos quyết định đưa bà ra tòa, nhưng bà cũng quyết định không ra hầu tòa. Đây đúng là câu chuyện chính trị dân chủ hấp dẫn khiến cho người dân Phi ngày nào cũng phải mở máy theo dõi tin tức. Người ta không thể nào hiểu nổi dân chủ của nước nhiều hoang đảo này.

Nói gì thì nói, trong mùa Giáng Sinh và Tết dương lịch năm nay, người ta không thể nào quên được hai cuộc chiến đang dằn vặt thế giới, dó là cuộc chiến xâm lăng của Putin cho quân Nga đánh vào Ukraine gần ba năm rổi, và cuộc chiến Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đang tiến hành ở vùng Trung Đông.

Cuộc chiến xâm lược của Nga vẫn được xem bắt đầu từ tháng hai năm 2022, măc dù nó thực sự khởi sự từ năm 2014 khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine. Sự cầm cự của Ukraine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Zellinsky là anh dũng, đến mức Nga cũng kiệt quệ phải lôi kéo Kim Jong Ủn vào cuộc. Ukraine còn tồn tại là nhờ sự yểm trợ vũ lực và kinh tế của các nước phương tây trong khối NATO và chủ yếu là của Mỹ. Thế nhưng Mỹ sắp có tổng thống mới, và ông Trump vừa muốn kết thúc cuộc chiến để giữ quan hệ thỏa hiệp với Putin (người lãnh đạo mà ôngTrump vẫn cực kỳ ngưỡng mộ về sự thông minh, khôn ngoan), chấm dứt viện trợ Mỹ cho Ukraine để nhẹ gánh cho nước Mỹ, vừa muốn kéo Mỹ ra khỏi khối NATO, cho dù quan hệ Mỹ với khối này bắt đầu từ năm 1948 sau Đệ nhị Thế chiến để chống lại âm mưu bành trướng của Cộng Sản quốc tế. Ukraine đã chịu hơn 43.000 lính tử trận và 370.000 bị thương, trong khi số thương vong của Nga được tính cũng lên đến gần 200.000 và hơn 500.000 lính Nga bị thương. Nhưng Putin không màng con số thương vong của lính Nga. Nga cho đến nay đã chiếm đến 1/5 lãnh thổ của Ukraine, tập trung vào vùng phía đông của nước này. Putin vẫn có đủ lý do để đi tới nếu Ukraine theo một nghĩa nào đó có thể đã cùng đường nếu ông Trump vào cuộc. Cho nên Mùa Giáng Sinh năm nay đúng là u ám cho 40 triệu dân Ukraine và bế tắc cho Zellinsky. Ông đang đề nghị khối NATO hãy đứng ra trực tiếp bảo vệ những phần lãnh thổ mà Ukraine đang còn giữ được, rồi sau đó hãy nói chuyện ngưng bắn. 

Cuộc chiến của Do Thái đánh vào các lực lượng đối kháng Palestine và Hồi giáo trên đất Do Thái cũng như bên ngoài (Lebanon và Iran) đã kéo dài cũng hơn một năm bởi vì Thủ tướng Netanyahu hung hăng háo chiến trong khi Joe Biden không nói gì được ngoài chuyện tiếp tục quân viện. Netanyahu đã chuyển thể từ một cuộc chiến phòng vệ và trừng phạt thành một cuộc chiến mở rộng nhằm vào không chỉ dân thường Palestine trên giải Gaza mà còn các lực lượng của các nuớc Hồi giáo bên ngoài chung quanh Do Thái – kể cả Iran. Cho đến giờ chưa có thỏa hiệp hòa bình nào có hiệu lực. Người dân Palestine chạy tứ tán, không nhà không cửa, đói khát, bệnh tật, có đến ít nhất 50.000 người vô tội đã nằm xuống. Những con tin mà lực lượng Hamas bắt giữ vẫn còn là con tin, và Do Thái vẫn thẳng tay tàn sát ngưởi Palestine, cho dù dân Do Thái không muốn…

Tuy nhiên, Mùa Giáng Sinh năm nay vẫn có một thiên anh hùng ca lịch sử cho cả thế giới, đó là chiến thắng của lực lượng nổi dậy tại Syria, chỉ trong vài ngày đã đánh đổ chế độ chuyên chính, độc tài lâu đời (năm thập niên) của dòng họ Bashar Assad. Thực ra, Bashar Assad trước đó chưa bao giờ có ý định tham gia chính trị. Nhưng một khi đã nắm quyền, ma lực đã biến  ông trở thành một trong những nhà độc tài tàn bạo nhất thế giới. Assad nổi tiếng với chuyện giết chóc, bỏ tù, tra tấn, giam đói người dân. Chế độ cai trị côn đồ của ông đã kết thúc đột ngột khi quân nổi dậy xông vào Damascus tối thứ bảy, 7-12, khiến quân đội của ông - và ông - phải bỏ chạy.

Assad con trai thứ hai của cựu lãnh đạo Syria Hafez Assad, ôntg vốn có dự định trở thành bác sĩ nhãn khoa. Ông ta học ở Syria và sau đó là London, nhưng sự nghiệp bác sĩ nhãn khoa của ông bị gián đoạn do vụ tai nạn xe hơi chết người của anh trai Bassel vào năm 1994. Trong ba thập kỷ kể từ năm đó, sự chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới ngày càng gia tăng khi ông giết chết hàng nghìn người dân của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ của Iran và Nga để chống lại những nỗ lực của Hoa Kỳ, các đồng minh và thậm chí một số nhóm khủng bố nhằm lật đổ ông. Cuộc chiến đã phát triển qua năm giai đoạn, trong đó có sự lôi kéo của các nhân vật và dân quân nước ngoài (thường thuộc các phe khác nhau) từ hàng chục quốc gia, chính quyền khu vực và các cường quốc toàn cầu. Theo thời gian, các nhóm đối lập được hỗ trợ bởi các lữ đoàn nổi dậy và sau đó là những người bảo trợ nước ngoài. Để hỗ trợ chính phủ Assad, Iran đã cử các chiến binh Hezbollah và cố vấn quân sự từ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tới. Sau đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo tiến vào và tạo ra một vương quốc chiếm khoảng 1/3 lãnh thổ Syria. Điều đó đã thúc đẩy Mỹ hỗ trợ và gửi máy bay chiến đấu tới khu vực. Vào năm 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi các hệ thống vũ khí và phòng không tinh vi để đánh bại phe nổi dậy.

Vai trò của Hezbollah và Iran cũng ngày càng sâu sắc hơn. Được sự hậu thuẫn ngày càng tăng của Iran và Nga, Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước. Nhưng cuộc chiến ở Syria đã vang dội khắp Trung Đông và âm thanh dội vào châu Âu, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Các nhóm phiến quân vẫn duy trì quyền kiểm soát một thành trì ở tây bắc Syria và nhóm thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham, hay HTS, đã nổi lên, từ chi nhánh al-Qaida ở Syria và được gọi là Mặt trận Nusra, nhưng sau đó tách ra khỏi al-Qaida và tìm cách tiếp thị bản thân như một tổ chức ôn hòa hơn. Hoa Kỳ và Liên hợp quốc đã liệt nhóm này vào danh sách khủng bố. Vào cuối tháng 11, khi Nga bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine và Iran gặp khó khăn vì xung đột với Israel, phe nổi dậy – do HTS lãnh đạo – đã ra tay. Trong vòng hơn một tuần, họ đã chiếm được các thành phố Aleppo, Hama, Homs và vào thứ Bảy là Damascus. Vào Chủ nhật, Assad đã trốn sang Nga.

Một chế độ độc tài tàn bạo khét tiếng cuối cùng cũng đã bị lật đổ sau nửa thế kỷ thống trị hành hạ người dân. Cứ xem hình ảnh hàng trăm ngàn người dân Damacus đổ ra đường chào đón lực lượng “phiến quân” và hân hoan reo mừng mới biết được tính cách lịch sử của cuộc giải phóng này - đối với không chỉ Syria mà cả Trung Đông và thế giới.

Cũng đáng nói chính là sự rút lui của Nga. Từng xem Syria như là một căn cứ địa cho Nga đi vào Trung Đông, nay Nga đã phải rút ra khỏi nơi này và chẳng hiểu làm sao đế quốc Nga có thể trở lại vùng đất Hồi giáo này. Thất bại của Nga ê chề cũng không thể không đi vào lịch sử.

      Một trật tự mới đã thực sự nổi lên ở Trung Đông. Khối Shiite hầu như đã tơi tả, và khối Sunny thêm mạnh. Bởi thế, Saudi Arabia đã được chọn tổ chức Giải vô địch bóng tròn thế giới năm 2034. Trong khi ba nước Tây Ban Nha, Bổ Đào Nha và Morocco sẽ đồng tổ chức World Cup năm 2030. Và Hoa Kỳ, Mexico và Canada sẽ là nơi hội ngộ của World Cup 2026!

 

 

 

 

 

Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top