Phiếm dị, Đào Nương: Có thật thầy ẩn tu?

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương

@ www.saigonweeklyonline.com Aug 15/2024
Có thật thầy "ẩn" tu?



Thầy đang ở đâu! Thầy đang “tự nguyện” ngừng tu..  Tranh Biếm Họa RFA

Nhạc sĩ Khánh Băng có một bản nhạc ghi lại cuộc chiến tranh Quốc Cộng của Việt Nam một cách vô cùng độc đáo. Đó là bản Giờ Này Anh Ở Đâu? Bản nhạc này đã nhắc đến những địa danh của các vùng chiến địa tại miền Nam cùng tất cả các binh chủng VNCH với nhiều trận đánh nổi tiếng cũng như sự gian lao của người lính trong cuộc chiến. Nhưng lời bài hát Giờ Này Anh Ở Đâu còn nói về tình yêu của người con gái hậu phương gửi đến người tiền tuyến, cho dù anh ở đâu thì em cũng yêu anh hoài và yêu anh suốt đời. Một sáng tác tuyệt vời, gói trọn tất cả mọi cảm xúc vừa anh hùng, vừa can trường, vừa mạnh mẽ vừa bi lụy, vừa đau thương, chỉ trong một câu hỏi bỏ lỡ: “Anh ơi, giờ này anh ở đâu…?”

Nhà sư Thích Minh Tuệ sinh và lớn lên ở miền Bắc chắc chắn là ông không biết về bài hát này. Một bài hát về những chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và những nẻo đường đất nước mà họ đã đi qua để bảo vệ miền Nam tự do trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng. Nhưng khi ngồi viết bài về nhà sư Thích Minh Tuệ thì tôi lại nhớ đến bài hát này. Chỉ khác một điều Việt Nam hiện nay là một quốc gia hòa bình (nhưng độc lập, dân chủ và tự do thì chưa chắc) và ông là một người Việt Nam, ông muốn được đi khắp các nẻo đường đất nước để tu theo lời “chỉ dẫn” của Đức Phật nhưng mà ông cũng không làm được. Câu hỏi “Giờ này thầy ở đâu” tràn đầy trên các mạng xã hội nghe sao mà thảm quá! “Con nghĩ rằng đạo đức của con chưa tới được … tầng giới của một “tu sĩ” Phật giáo, con không thuộc một chùa nào, con chỉ là một “công dân Việt Nam” trên đường học và hành giáo pháp của Đức Phật”. Ông Minh Tuệ nói thế. Tôi cũng không phải là một Phật tử, ông cho biết ông chưa phải là một tu sĩ nên xin được gọi là ông thay vì là “thầy Minh Tuệ.”

Các ông sư trong GHPGVN đã lên tiếng “cảnh giác” Phật tử là Phật giáo có trăm, nghìn pháp tu, sự lựa chọn  tu theo lối khổ hạnh đầu đà của ông Minh Tuệ  chỉ là do cái “duyên” của ông với nhà Phật, chứ không phải là lối tu “hay nhất” hay “bảo đảm” nhất sẽ đến Niết Bàn. Chỉ vì … không thực làm sao vực được đạo. Làm sao sống còn, kéo dài tuổi thọ khi chỉ ăn của bố thí khất thực, một lần một ngày trước ngọ, đầu đội trời, chân đạp đất, ngủ nơi đồng hoang, nghĩa địa, chỉ được ngủ ngồi, mặc “y” tự may bằng vải thu nhặt được ngoài đường … Danh từ Y Phấn Tảo của nhà Phật ám chỉ cho một mảnh vải được khâu may lại từ vải lượm ngoài nghĩa địa mà các nhà sư khổ hạnh ngày xưa khoác lên người. Thời thượng cổ, bên Ấn Độ, người ta dùng vải quấn xác người chết để ngoài đồng trống. Do đó, ngoài nghĩa địa thường có những mụn vải vương vãi khắp nơi. Nhưng ngày nay, nhờ ông Minh Tuệ, người người mới được nhìn thấy thế nào là một “Y Phấn tảo”. Tuy ông không phải nhặt vải từ xác chết ở nghĩa địa mà chỉ nhặt những mảnh vải vụn ngoài đường, trong thùng rác hay của người bố thí rồi tự khâu thành “y” đắp lên người che thân. Hình ảnh ông Minh Tuệ ngồi khâu “y” trong ánh chiều tà đối với tôi là một hình ảnh đẹp nhất của một vị chân tu.

Bài hát “Giờ này anh ở đâu” của nhạc sĩ Khánh Băng viết về những người lính VNCH gian khổ trong một đất nước chiến tranh tàn phá. Bây giờ, 50 năm sau, một người Việt Nam tự chọn lối tu khổ hạnh của nhà Phật trong một đất nước hòa bình, không còn chiến tranh mà người dân còn phải kêu gào “thầy ơi, thầy đang ở đâu” là tại sao?

Khi ông Minh Tuệ tiến vào thành phố Huế vào ngày 2/6/24  thì “tăng đoàn đột xuất” gồm những nhà sư mặc “y” đủ màu, đủ kiểu, đi theo ông lên đến 60, 70 chục người. Đó là hình ảnh “đẹp nhất” sau cùng của “tăng đoàn” độc nhất vô nhị này vì ngay đêm đó, rạng sáng ngày 3/6 những nhà sư này bị công an ào đến trong đêm, mang về đồn công an. Những thầy đi theo ông Minh Tuệ được lệnh của công an, phải cởi bỏ “y phấn tảo” tìm quần áo thế tục mặc vào và được công an bỏ ra quốc lộ tìm đường trở về nguyên quán. Riêng thầy Minh Tuệ “được” công an lấy dấu tay, làm chứng minh nhân dân, hình ảnh này sau đó được công bố khắp nơi. 

https://www.youtube.com/shorts/bVaOqh4Sra8

Ngay hôm đó, ngày 3/6/24, người được các youtuber gọi "Hộ pháp Kim Cang” (vì có vẻ ngoài hung dữ) tức sư Phúc Giác đã xuất hiện trên một video clip cho biết chi tiết cảnh công an đã “mời” sư Thích Minh Tuệ về đồn như sau: "Một nhà tu đang ngồi thiền mà năm ông đè ra làm gì? Thầy đâu có chống cự đâu? Mà người tu lấy gì mà chống cự. Sao ban ngày không mời thầy lên trụ sở hỏi han mà chờ nửa đêm đến bắt người trói tay dẫn đi thì coi sao được?"



Theo một bản tin của đài RFA thì “Sư Phúc Giác” - tên thật là Đặng Văn Phòng (sinh năm 1983) - đã đi khất thực theo sư Thích Minh Tuệ nhiều tuần lễ cho đến ngày 3/6 vừa qua khi đoàn sư khất thực bị công an giải tán khi họ đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế thì ông trở về nhà.


Về nhà, ông Phòng “được” Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) triệu tập lên ngày 23/6 để ra lệnh cho  ông Phòng không được mặc “y” chấp vá và đi khất thực giống như thầy Minh Tuệ nữa. Công an cho biết họ phải ngăn chặn việc lợi dụng hình ảnh ông Minh Tuệ cho lợi ích cá nhân vì theo báo cáo của công an thì cho đến ngày 19/6 vừa qua, ông Phòng vẫn còn “mặc quần áo giống như người tự tu hành tên Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) ra khu vực chợ Hương ở thị trấn Thanh Hà mua hoa quả, rồi ra nghĩa trang liệt sĩ huyện Thanh Hà thắp hương” khiến nhiều người dân hiếu kỳ, tụ tập, chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng xã hội gây hiểu lầm, gây dư luận xấu và có thể dẫn đến việc gây nguy hại làm mất an ninh trật tự tại địa phương.”

Nhưng sư Phúc Giác tức ông Đặng Văn Phòng khẳng định là khi không được đi theo thầy Minh Tuệ thì ông không đi khất thực nữa nhưng ông tu tại nhà; ông không bán hàng online, không làm youtube để "câu view, like" trên mạng xã hội như lời cáo buộc của công an.


Có thật Sư Minh Tuệ "tự nguyện" ẩn tu

Thông báo của Ban Tôn giáo Chính phủ cùng ngày 3/6/24 công an ập đến, bắt ông Minh Tuệ về đồn công an thì từ hôm đó, sư Minh Tuệ sẽ “tự nguyện ẩn tu”. Nhưng sau đó, ông Minh Tuệ và một số nhà sư trẻ tuổi theo ông vẫn xuất hiện khất thực quanh đó và đêm về vẫn tìm nơi hoang vắng để nghỉ chân. Đêm ngày 12/6,  ông Minh Tuệ báo với người thân biết ông sẽ rời nơi ẩn tu trong thời gian 5 đến 7 ngày rồi sẽ quay lại tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy dù hiện nay cách tu tập của ông “bị” dân chúng tìm đến đảnh lễ gây mất an ninh trật tự. Ngày 17/6, thầy Minh Tuệ và vài ba thầy trẻ nhất quyết đi theo ông lại bị công an cưỡng bức đem về trụ sở. Lần bị bắt thứ hai này cũng diễn ra trong đêm khuya.

Tuy nhiên, cho đến ngày 01/7, sau khi sư Minh Tuệ mất tích gần 20 ngày, em trai của ông là ông Lê Anh Thìn đã thay mặt gia đình gửi đơn trình báo đến công an ba nơi, gồm: xã Ia Tô, huyện Ia Grai và tỉnh Gia Lai xin giúp đỡ việc tìm kiếm. Trong một video clip được đăng tải lên kênh Youtube N.S.N ngày 02/7, ông Lê Anh Thìn cho biết công an cũng "không biết thầy ở đâu và nhưng sẽ nhận đơn để giúp đỡ tìm kiếm." 


Người dân vây quanh sư Thích Minh Tuệ ở Hà Tĩnh vào tháng 5/2024

Theo một bài viết trên đài RFA thì những người có mặt đã viết lại cảnh công an “mời” thầy Minh Tuệ lần thứ 2 này như sau:

(Trích bài của ông Nguyễn Nhơn-RFA)
Hiện trường để lại là chiếc dây vải cuốn y vứt trên mặt cát, một chiếc sạc sử dụng năng lượng lăn lóc, hai manh chiếu trải châu đầu vào với nhau gần một đống củi đốt sưởi qua đêm vẫn còn ngun ngún cháy. Một chiếc quần và một chiếc áo vừa giặt còn đang phơi trên que tre gác trên hai thanh gỗ ven bờ suối. Vỏ chai nhựa đựng nước lăn lóc rải rác. Cách đó một quãng ngắn, trong bụi cỏ có một tấm vải màu trắng xô lệch. Một quãng ngắn nữa, lại là tấm vải nhỏ màu đen, vẫn vứt lẫn trong bụi cỏ. Trắng và đen, màu của tang tóc, dường như được cố ý ném lại để báo có một sự biến xấu vừa diễn ra.

Chiếc dây cuốn y, chiếc sạc, hai mảnh chiếu, hai đống lửa ngún cháy trên mặt cát ướt đẫm nằm trong một bãi đất hoang giáp với đường Trường Sơn mới. Bộ quần áo đang phơi, hai tấm vải bị vứt vội cũng ở một bãi đất hoang ven bờ suối. Hai điểm cách nhau vài km, cùng ở tỉnh Kon Tum.

Trước đó chỉ ít tiếng đồng hồ, đó là quang cảnh thật thanh bình. Bên này một nhóm năm tu sĩ đang tập tu theo sư Thích Minh Tuệ ngồi thiền, may y trên bãi cát. Bên bờ một dòng suối lặng lờ, một tu sĩ trẻ khác và hai người mới – là người tự nguyện xuất gia tu hạnh đầu đà cũng ngồi thiền, may y, thỉnh thoảng trò chuyện đôi câu với nhau và với người dân đến thăm nom, cúng dường.


Miếng vải buộc chân của một vị sư đi bộ hành bị bỏ lại trong đêm do YouTuber quay lại. Hải Đăng Vlog

Chuyện xảy ra trong đêm, khi những vị tu sĩ đang ngủ say sau chặng đường bộ hành gian truân. Không biết điều gì đã xảy ra trong đêm, chỉ biết khi trời chạng vạng sáng, những Phật tử mang thức ăn đến để cúng dường thì tất cả các thầy đã biến mất, chỉ còn những tấm chiếu trải trên cát. 
….
Vài tiếng sau người dân đã tìm thấy các vị tu sĩ bị bắt lên xe trong đêm buộc trở về nguyên quán. Một nhóm năm vị được người dân tìm thấy khi đang ở một cánh rừng phòng hộ đầu địa giới tỉnh Bình Định cách đó cả trăm km, vào khoảng 3 giờ sáng do người dân thông báo. Hầu hết phải mặc đồ thường, những tấm y phấn tảo đại diện cho hạnh tu và quyết tâm tu hành của họ đã mất đâu hết. Đêm rừng lạnh lẽo, không còn tấm y rộng để quấn che thân, có người phải mặc chiếc áo mưa giấy vào người cho đỡ lạnh. Họ ngồi thừ trên thảm lá khô ướt đẫm, gương mặt đóng băng trong nỗi mệt mỏi và u uất. Không chỉ là lạnh lẽo, với người đã xuất gia tu hành, bị bắt cởi bỏ y áo chính là một nỗi sỉ nhục.

Một vài tu sĩ khác được bắt gặp đang đi bộ giữa dòng người chạy xe máy cuồn cuộn chờ đèn đỏ tại một thị tứ lao xao, cũng cách nơi ngủ đêm qua rất xa. Một nhóm người khác bình thản ngồi may y dưới bóng râm của mấy chiếc xe tải. Một YouTuber cùng đồng hành với nhóm tu sĩ này - và cũng bị bắt lên xe trong đêm khuya - kể công khai rằng họ bị “lực lượng chức năng” ập đến, đưa lên xe chạy về trụ sở Công an tỉnh Kon Tum. Họ bị hỏi giấy tờ nhân thân, chất vấn đang đi đâu, muốn đi đâu, đồng thời yêu cầu không được đến hoặc phải rời khỏi địa phận tỉnh Gia Lai. Sau đó họ được chở thẳng ra bến xe Kon Tum để buộc phải đi khỏi nơi này.
(Ngưng trích (bài của nhà báo Việt Nam Nguyễn Nhơn. RFA 2024.06.14))

Đài truyền hình nhà nước VTV trong hai ngày 8 và 9/6 liên tiếp đưa hai phóng sự phỏng vấn sư Thích Minh Tuệ, nói vị tu hành này ẩn tu và không rõ thời gian ông sẽ tiếp tục cuộc du hành. Nhưng sáng ngày 10/6, sau khi nhận được căn cước công dân, ông được phép đi khất thực ở gần nhà cha mẹ nhưng lúc nào cũng có công an theo sau không cho Phật tử tiếp cận khiến nhiều người cho rằng ông Minh Tuệ đang bị giam lỏng.

Hiện nay, dư luận rất lo cho tính mạng của thầy Minh Tuệ. Không phải về phía chính quyền mà về phía những ông chân tu nhưng tay … không tu vì bận đếm tiền. Cả cái GHPGVNTN quốc doanh đang bị «hiện tượng thầy Minh Tuệ» làm bể nồi cơm nên khó để ông yên. Không phải chỉ riêng trong nước mà ngay ở hải ngoại số người lui tới chùa chiền giảm đi rất nhiều. Giáo Hội PG Quốc Doanh đang ra chỉ tiêu là những chùa nào không nộp đủ tiền «bảo ngân» hàng tháng thì sẽ bị đưa sang Giáo Hội Bà Đanh. Coi như “ánh đạo vàng” của một vị chân tu cũng có thể khiến cho cả cái GH Phật Giáo «tu chân không tu tay» vài chục ngàn người  được nhà nước Cộng sản nuôi dưỡng bấy lâu nay … tan hàng rã ngũ, để gió cuốn đi (nhạc TCS) không kèn, không trống, không phanh, không đau mới là chuyện lạ. Nhưng xin quý vị đừng lo cho ông Minh Tuệ. Ông đã nói «Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc nuối, cần phải sống để giữ nó. Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội». 


Đối với một người dũng cảm, kiên nhẫn, khiêm tốn, thật thà như ông thì nói theo cách của nhà Phật, đủ nhân duyên mới thành! Chúng ta, người trần mắt thịt không cần phải lo cho ông!

Đào Nương 



 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top