Hoàng Dược Thảo,Tôi vừa mất đi một người bạn…

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo

Tôi vừa mất đi một người bạn…


Những ngày cuối tháng 7, tôi mất đi một người bạn.

Vào tuổi của tôi, việc mất đi một người bạn, lại là một bạn già tuổi thọ trên 90 thì có gì để mà viết, để mà buồn đến độ không … thở được như mấy hôm nay. Xin đừng gán cho cái tuổi già thêm một “chứng tật” khác là nhạy cảm, chuyện gì cũng có thể nghĩ ngợi hay buồn bã một cách … không cần thiết. Xem lại điện thoại thì thấy lần cuối chúng tôi nói chuyện với nhau là ngày 19 tháng 7, bà mất 5 ngày sau đó, ngày 24.

Cuộc gọi hơi bất ngờ vì trong ba tuần liền chúng tôi không liên lạc được với nhau từ khi bà vào nhà thương để mổ lại cái đầu gối sau khi bị trượt từ trên ghế xuống. Bà cho tôi biết bà chưa về lại “quán trọ” (chúng tôi dùng danh từ này thay cho chữ nursing home) mà vẫn còn ở trong nhà thương. Giọng nói trong trẻo, ráo hoảnh làm tôi thấy mừng vì “người đã khỏe” lại rồi. Nhưng khi tôi hỏi, bác đã bớt đau chưa, câu trả lời bây giờ nhớ lại, thót ruột, thót gan: đau thì có bớt nhưng mà tôi buồn quá, cô ơi. Trời tối rồi, tự dưng lại thấy nhớ cô. Chết thật! Tôi huyên thuyên an ủi, bác ơi, buồn làm chi, bác còn phải đọc truyện Kiều cho cháu nghe mà. Khi ra nhà thương nhớ gọi cho cháu biết nghe.

Tôi không phải là bạn tâm giao của bà vì giữa chúng tôi, khoảng cách tuổi tác khá là lớn nên tôi vẫn gọi bà là bác và xưng là cháu. Dạo ông còn sống, tôi ít lui tới vì lúc nào nhà của họ cũng … dập dìu tài tử giai nhân trong đó không ít người tôi đã … đụng trong cái nghiệp bút của mình. Thường thì có báo Tân Văn mới, tôi mới ghé qua, trên đường về nhà. Ngôi nhà nhiều bóng cây và có trái trĩu cành vì bà có “green thump”. Trong nhà, ngoài vườn luôn có những góc ngồi rất êm ả. Những năm cuối đời, những chuyện thị phi trong nhà, ngoài ngõ khiến ông trầm lặng, ít nói hẳn đi khi có khách đến thăm. Bà giải thích, bác trai quên nhiều rồi. Tôi nghĩ, ông muốn quên đi là phải. Người càng nổi tiếng thì thiên hạ càng thích ngóng chuyện “xì-căng-đan” về mình. Ráng chịu thôi.

Nhưng tôi thân với bà hơn từ khi ông qua đời 9 năm trước đây. Bà bỏ căn nhà có lầu để lui về một cái mobile home dễ thương, mát mẻ gần khu Little Saigon vì cái chân và cái xương bàn tọa bị đau, không lên xuống cầu thang được nữa. Mẹ tôi mất đã lâu, thấy bà nhiều khi như thấy mẹ. Chỉ khác có một điều, mẹ tôi không biết gì xã hội này nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy một bà già Việt Nam 90 tuổi vẫn còn ngồi xem bill, ký trả tiền điện nước, bàn chuyện cộng đồng, chuyện bầu cử, chuyện Việt Nam, chuyện văn chương.

Điều tôi ngạc nhiên là tuy lui tới nhiều lần nhưng tôi … ít khi đụng đầu với thân nhân của bà. Lúc đầu tôi còn nghĩ chắc ông bà không con vì không nghe bà nhắc đến họ bao giờ. Tôi thì càng ngày, càng thân, càng tự nhiên hơn khi đến thăm. Sau khi đặt một chậu lan nhỏ trên bàn thờ của ông, thắp hương “cúng bác trai” là tôi lui về sau bếp, ăn chung với bà món ăn mà tôi mang đến hay ăn một món “đặc sản” do chị P. người giúp việc cho bà làm. Sau đó khi bà mệt thì tôi lại ngồi bên mép giường, vừa nói đủ chuyện Đông Tây Nam Bắc cho bà vui vừa xoa hai cánh tay, hai ống chân “gầy như que củi” (nhạc của ông Vô Thường).

Tôi ở xa nhưng ít nhất chúng tôi cũng nói chuyện với nhau qua điện thoại một tuần một lần. Mỗi lần đến thăm bà, tôi thường rủ theo một bà bạn ở gần nhà bà hơn tôi rồi giao “nhiệm vụ” cho các bà này là mỗi lần đi chợ khu Bolsa hay nấu món gì ngon ở nhà thì nhớ ghé qua thăm bà cho bà vui và cho nhà đỡ quạnh. Những “bà già” này dễ thương quá chừng khi họ báo cáo thường xuyên với tôi về tình trạng đi thăm nhau này. Họ nấu cho nhau những món Bắc, món Trung, món Nam rồi kể cho “bà già” độc thân ở xa nghe khiến bà này nhiều khi thèm muốn chết. Nhưng vui vì biết bà vui khi ngôi nhà có tiếng người cười nói lao xao.

Như đã nói ở trên, tôi không phải là bạn “tâm giao” đồng trang lứa nên tôi không biết gì về gia cảnh của bà. Thấy bà sống lặng lẽ thì “tào lao” làm đủ chuyện cho bà vui. Cho đến ngày lễ Tạ Ơn năm ngoái khi tôi đến thăm, bà cho tôi xem giấy tờ của một nhà dưỡng lão mà bà đã chọn để chuyển vào đó trong nay mai. Khi nhìn số tiền bà phải lo hàng tháng, tôi lại “ngây thơ” hỏi : bác ơi sao mắc quá vậy. Sao bác không ở lại đây rồi chị P. vẫn tiếp tục lo cho bác thì có phải tiện hơn không ? Nhưng bà không trả lời tôi và tôi cũng không tiện hỏi thêm.

Bắt đầu năm ngoái, sau khi phải vào bệnh viện vì sưng phổi trở về, bà cần thêm người ở lại ban đêm vì đã không còn có thể tự lo cho mình việc đi lại nửa rồi. Mùa lễ Giáng Sinh tôi đến thăm và được cho biết năm nay, ngày Tết tôi không cần phải mua hoa cúng “bác trai” vì bà sẽ dọn vào nhà dưỡng lão vào ngày Tết. Theo thói quen về phong tục ngày Tết của người Việt tôi hỏi sao bác lại chọn ngày Tết để dọn đi. Bà bảo, ngày đó, phải giao nhà cho chủ mới. Bà rất kiệm lời khi nói về mình. “Hoàn cảnh thôi, tôi cũng muốn ở lại đây cho đến khi đi theo ổng nhưng mà không được”. Bà hỏi tôi có muốn có thêm một quyển sách nào của ông không. Tôi bảo không vì tôi đã có đủ. Trong chuyến đi cuối đời này, trong số hành trang có một cái thùng giấy trong đó có mấy cuốn sách, một bức ảnh của ông và những hạt nước mắt. Nhưng khi tôi vào thăm bà ở nơi nhà già thì tôi không thấy bức ảnh này trong phòng của bà.

Hôm nay, tôi đọc cáo phó của gia đình  thì mới biết bà có đến 4 người con thành đạt, có trai có gái, có dâu, có cháu. Thật tình, bà đã có những ngày tháng cuối đời “lý tưởng” của một người Mỹ cao niên, có một nơi ở riêng, có người hầu hạ, cơm nước cho đến những tháng sau cùng mới phải di chuyển vào một nơi chăm sóc cho người già (assisted living) trong khi đại đa số người già Việt Nam phải ở trong những nhà hưu dưỡng của chánh phủ, 3 người một phòng, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, bệnh nặng hay nhẹ khổ hơn biết bao. Nhưng tại sao tôi lại thấy buồn và thương bà đến thế. Hay tại vì tất cả người già đều giống nhau ở chỗ an phận và buồn rầu vì nơi nào thì cũng là nơi sống để … chờ được rước đi. Dù đó là “ông” ấy, ông Phật hay ông Chúa? Thời gian chờ đợi sẽ là bao lâu, những ngày dài, những đêm thâu, những bữa cơm nuốt vội một mình, những cơn đau nhức không dám chia sẻ với ai vì những đứa con đã dặn dò: má không được than, má phải nghĩ đến thể diện của tụi con, hoàn cảnh của tụi con không thể đem má về nhà lo cho má được, chuyện trong nhà chưa tường ngoài ngõ đã hay?

Người đàn bà sống bằng sự nghiệp của chồng, khi ông ra đi là coi như tất cả đã theo ông mà đi. Bằng hữu đa số đã quá vãng, đàn em văn nghệ mấy ai còn nhớ… Những đứa con làm sao biết rằng khi nhìn cái bóng nắng nhảy múa trước bàn thờ có di ảnh của cha chúng lại khiến bà nhớ những ngày ông đón tiếp bằng hữu khắp nơi, những nụ cười, những câu nói đi vào văn học sử xuất phát ở đây! Những bức ảnh ghi lại còn đó thôi trong nhiều bài báo do nhiều người viết lại. Nhưng thời gian chờ “để được ông ấy về rước đi này” bà cần nhiều thứ hơn cái bóng nắng đó. Bà cần những bữa cơm có tiếng người cười, nói, bà cần sự hiện diện ân cần của những đứa con, ước gì chúng nó có thể ân cần với bà hơn một chút, ước gì khi cái TV không bắt được sóng, sẽ có ai đó giúp bà chỉnh lại, ước gì chúng nó có thể quên đi những khó khăn của chúng một chút mà nghĩ về những ”khó khăn” của bà trong những ngày chờ đợi “được rước đi” này. Nhưng bà chỉ là một bà mẹ Việt Nam, đối với con chỉ có sự chịu đựng mà không có sự đòi hỏi.

Nếu bạn hỏi tôi nhớ gì về những lần chúng tôi gặp nhau, tôi có thể kể cho bạn nghe nhiều thứ lắm: tôi nhớ bà hay vuốt cái lai áo bà ba của tôi mà trầm ngâm không nói gì khi tôi ngồi ghé lại bên mép giường bóp dầu cho hai ống chân khẳng khiu đang … làm loạn. Tôi nhớ những buổi chiều vài chục năm trước đây chỉ dẫn bà tập yoga khi bà bắt đầu bị đau chân, đau xương bàn tọa khiến bây giờ mỗi lần ngồi xuống tập yoga là lại nhớ đến bà và hai lòng bàn tay nóng rực vì dầu. Tôi nhớ món bánh cuốn làm bằng nước lá mơ.  Bà dạy tôi làm dưa khổ qua, phơi khô bầu bí khi vườn nhà có quá nhiều để chế biến thành những món chay ngon không thể tả…

Như đã nói ở trên, tôi với bà không phải là bạn đồng tuế hay tâm giao, chúng tôi chỉ thân nhau trong những năm sau cùng của đời bà, khi bà đang sống những ngày mà khi ghé thăm tôi nhận thấy bà buồn bã quá. Tôi bây giờ về hưu cũng rỗi rảnh hơn xưa nên bất cứ khi nào có dịp là tôi đến thăm, hàng tuần thì ít nhất cũng gọi điện thoại cho nhau một lần. Có nhiều lần bà gọi cho tôi khi thấy tôi quên. Lần nào cũng kết thúc bằng câu: không thấy cháu gọi nên bác nhớ. Tôi “truyền” cho chị P., người trông coi bà những kinh nghiệm thực tiễn mà tôi có được qua việc lo cho mẹ tôi trước đây. Không biết là những điều này có giúp công việc của chị dễ dàng hơn không nhưng chị P. trở thành người  tâm đắc của tôi, bất cứ khi nào chị có việc gì khổ tâm thì chị đều gọi cho tôi.

Tin bà qua đời cũng là do chị P. báo cho tôi biết, vài ngày trước khi bạn bè truyền nhau cái cáo phó của gia đình. Cuộc đời vô thường thật. Có thật là bà đã nhớ tôi như lời bà nói trong lần điện thoại sau cùng? Tôi không biết được nhưng tôi thì tôi rất nhớ bà dù biết rằng khi bà ra đi thì cái sợi chỉ mong manh như tơ trời là mối liên hệ bằng hữu giữa hai chúng tôi cũng đã theo bà đi về cõi khác. Chị P. nói với tôi là chị sẽ không tham dự đám tang. Tôi cũng đồng ý với chị như thế. Cái thế giới của bà, tôi và chị P là ở trong căn nhà mát lạnh, nhiều bóng cây và những chia sẻ, cộng hưởng nhằm  xoa dịu nỗi đau của thân xác, định mệnh cô đơn của một người lúc cuối đời. Nó không có chỗ nơi rực rỡ ánh đèn tưởng niệm những điều chỉ có tên mà không có thực. Nhưng tôi sẽ nhìn vào đời sống tuổi già của bà để lấy kinh nghiệm cho tôi. Chuẩn bị như thế nào để được một tuổi già toàn bị nếu những đứa con, những đứa cháu quay lưng, chúng nó không cần chờ đến ngày mẹ mất, bà mất mới quên đi sự hiện diện của mình? Hãy thản nhiên mà sống dù không cần an ủi mình mỗi ngày là “sống để chờ ai đó rước đi".

Tháng 7 vì thế mà đã qua đi trong những cơn mưa tầm tã và trong khí nóng khắc nghiệt của thành phố này. Đến nỗi tôi suýt quên đi những cơn cháy rừng dữ dội ở California, ở Colorado. Cái buồn ray rức của tôi khi bị …cắt đứt thình lình với người bạn già có phải là nên quên đi không? Như chúng ta đã phải cố quên những bản tin bi thảm xảy ra cho người nhưng không cho mình mỗi ngày để mà sống tiếp.

Hoàng Dược Thảo






 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top