Đào Nương, Nhật ký tháng 7/2024

Phiếm Dị

Đào Nương

Nhật ký tháng 7/2024

Tháng 7, sau ngày lễ Độc Lập, trận bão Beryl khiến cho nhiều chuyến bay bị hủy bỏ khiến tôi không về lại thành phố Houston như đã dự định được. Những người bạn gọi điện thoại bảo tôi nên ở lại Cali thêm vài ngày vì trận bão khiến nhiều nơi trong thành phố bị mất điện, siêu thị, cây xăng không mở cửa, không có đèn giao thông, nhiều nơi cây đổ chắn ngang đường. Khi tôi về được đến nhà thì một bên hàng rào bị ngã về phía hàng xóm nên họ cũng đang trông chờ tôi về để sửa lại… cho họ khỏi phải nhốt con chó trong nhà cả ngày. Tóm lại, một trận bão không lớn lắm để có thể coi như là một « thiên tai » cho thành phố nhưng lại gây nguy hại kéo dài nhiều ngày vì… vấn đề điện lực. Nhiều nơi trong thành phố Houston phải hai tuần sau mới có điện trở lại. Không có điện thì không có đèn xanh, đèn đỏ khiến giao thông khó khăn, cây xăng, siêu thị không mở cửa được vì Internet không có, không lấy thẻ tín dụng được, việc dọn dẹp cây ngã đổ cũng đình trệ… Hàng rào gỗ ngã đổ khắp mọi nơi nhưng theo mấy ông thợ thì Home Depot không còn … một cây đinh, ai cũng phải chờ thôi. 

Sau bão thì là những ngày mưa liên tục nhưng cũng không làm cho nhiệt độ hạ được là bao nhiêu. Buổi sáng muốn đi bộ thì tôi phải dậy thật sớm vì sau 8 giờ khi nắng đã lên thì bất khả. Trời nóng ngay cả khi mưa đang nặng hạt bên ngoài, thật là kỳ lạ. Houston nổi tiếng là khí hậu nóng bức nhưng nóng ngay cả khi trời đang mưa thì thật là khó tin. Trời nóng khiến công việc dọn dẹp vườn tược của tôi cũng phải đình trệ nhưng những cây bông giấy thì vẫn rực rỡ hoa một cách không cần thiết giữa cảnh hoang tàn. Khiến lại nhớ câu thơ của Vũ Hữu Định: may mà có em đời còn dễ thương..



Năm 2024, Việt Nam có nhiều dữ kiện đoạt kỷ lục thế giới những nổi bật nhất vẫn là sự kiện ông Chủ tịch nước Tô Lâm trở thành tổng bí thư của nước Việt Cộng sau khi ông Nguyễn Phú Trọng từ trần. 




Sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trong hàng loạt sự kiện ngoại giao quan trọng từ cuối tháng 12/2023 làm dấy lên nhiều tin đồn về tình trạng sức khỏe không khả quan của ông. Trong 6 tháng đầu năm 2024 Việt Nam lại có quá nhiều biến động thuộc hàng “kỷ lục” của thế giới tuy nhiên ít người có thể tiên đoán được những thay đổi nhanh đến chóng mặt về nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo của Việt Cộng đến độ ông Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm có thể “đoạt chức” TBT một cách bình yên và nhanh, gọn, lẹ đến thế. 

Trái với thường lệ, đảng CSVN thường giữ kín về bệnh tình của lãnh tụ, một ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Bộ chính trị đảng CSVN đã ra thông báo bổ nhiệm chủ tịch nước Tô Lâm là quyền TBT rồi. 2 tháng trước đó, ngày 22/5, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã được bầu làm chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, một vị trí bị bỏ trống từ ngày 21 tháng 3/2024  sau khi chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị Đảng “đồng ý cho thôi” sau 13 tháng nhậm chức, sau khi kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức chủ tịch nước vào tháng 1 năm 2023 vì… trách nhiệm chính trị. Ông Tô Lâm phải vào "Tứ Trụ",  phải là chủ tịch nước mới có thể trở thành TBT. Nếu không thì ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào 2026, sau khi đã xong hai nhiệm kỳ bộ trưởng Công an vì khi Đại hội Đảng 14 xảy ra vào năm 2026 ông Tô Lâm đã quá 65 tuổi.
Nhưng ngoài chức vị chủ tịch nước (thay đổi 3 lần trong 3 năm, trong đó có 2 người đang tại chức phải ra đi là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng) còn có nhiều nhân vật cao cấp khác trong Bộ Chính Trị bị về vườn như: Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bà Trương Thị Mai Thường trực Ban Bí thư cùng một loạt nhiều bí thư tỉnh ủy khác. Tất cả những ông to bà lớn này đều dính tới các đại án tham nhũng đang bị Công An điều tra và những “sân sau” của họ đã vào tù. 

Câu hỏi được đặt ra là bây giờ ông Tô Lâm đã thâu tóm được tất cả quyền binh trong tay thì ông Tô Lâm sẽ làm gì trong những ngày kế tiếp ngoài chuyện thanh toán nội bộ? “Tội nhân” quan trọng kế tiếp là ông bà cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mà tin tức ngoài luồng cho biết đó là “trùm cuối”, chủ của 80% công ty Việt Á, bán que thử Covid dỏm cho đồng bào trong mùa dịch cùng tin ông Phúc nhận 100 triệu đô la tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan. Nhân vật trung gian giữa ông Phúc và bà Lan là Vũ Tiến Lộc, nguyên chủ tịch Phòng Thương Mại va công nghiệp Việt Nam vừa uống thuộc độc tự tử ngày 5 tháng 8, sau khi đi ăn trư với vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phúc.   
Chuyện dài đảng Vẹm thì … coi như hết vui từ lâu. Cũng hết hào hứng luôn những chuyện được coi là động trời, khó tin mà có thật ở xứ Vẹm. Khi ông Nguyễn Phú Trọng chết, trong khi báo đảng sụt sùi kể chuyện “kẻ sĩ Bắc Hà” liêm khiết, ở nhà cũ, đi xe cũ, xài vợ cũ, tư cách không hơn thì cũng chẳng kém gì cha già “dân tộc” HCM thì tin ngoài luồng cho biết trước khi rời Việt Nam đi trốn, Trịnh Xuân Thanh đã dâng 2 căn nhà ở Hà Nội cho bà già và Tô Lâm dùng chuyện này để “bức tử” cái ghế TBT?

Chuyện hạ cánh an toàn của anh Ba với thỏa thuận 4/6 của ông Trọng ra sao thì chắc chắn là anh Ba phải biết ràng hơn ai hết? Do đó đừng hỏi tại sao anh Ba lại có nụ cười “bí ẩn” như Mona Lisa trong đám tang của “kẻ sĩ Bắc Hà” gây ra nhiều tranh cãi? Vợ chồng NXP thì đang “chạy án” từ lâu nhưng đã muộn. Tin giờ chót cho hay tỷ lệ kỳ này Tô Lâm đưa ra là 100% chứ không còn là 4/6 hay 8/2 nữa? Ông NXP chắc chưa quên chuyện Trần Bắc Hà? Có vợ đẹp mà … giỏi nhiều thứ như ông NXP nhiều khi cũng là đại họa?


*

Viết về tháng 7/ 2024 thì cũng không thể quên chuyện Thế Vận Hội tại Paris. Trước đây thế giới đã thắc mắc không biết thủ đô Paris sẽ tổ chức TVH ra sao khi đất hẹp, người đông, tình trạng an ninh kém như hiện nay. Tin tức về việc tổ chức TVH được chính phủ Pháp giữ kín như tin bí mật của quốc gia. Lễ khai mạc trên sông Seine vừa xong thì lời chê, lời chỉ trích cũng lắm nhưng theo tôi thì người Pháp đã rất thông minh khi sử dụng ngay cái đẹp độc nhất, vô nhị của thành phố Paris làm show khai mạc thay vì tổ chức trong vận động trường. Kiến trúc của thành phố Paris với dòng sông Seine quả thật là quá đẹp. Để ý làm gì quyền “tự do phát biểu” của người Pháp khi cho những người mẫu dị hợm “trình diễn” lại bức tranh “Bữa ăn cuối cùng” mà gọi là … nghệ thuật? Lãng mạn nhiều khi thành lãng xẹt là vì vậy.



Tôi  sống ở Paris vài năm trước khi sang Hoa Kỳ và đã trở lại Paris nhiều lần vì anh chị em tôi ở đó. Tôi vẫn thích những buổi chiều đầu mùa xuân hay mùa thu ở Paris, đi dọc bờ sông Seine nghĩ ngợi về mình, về những người bạn đã ra đi, về những cơn cuồng nộ thời tuổi trẻ. Bánh mì ở đâu cũng có, bơ và jambon ở đâu cũng có nhưng khi ăn những thứ này ở Paris là ngon nhất. Nhưng lần nào cũng vậy được vài ba tuần là tôi lại nhớ đời sống bình an của tôi ở Hoa Kỳ. Một đời sống không phải tranh nhau chỗ đậu xe, không bị tiếng động của nhà hàng xóm làm phiền, đi 10’ là có thể ăn một bát phở, đi chợ thì cách nhà chừng 5’ và nhất là không phải lái xe ra vào những cái hầm đậu xe quanh co phát sợ. 

Paris mùa hè thường đầy du khách Tàu huống chi năm nay còn có thêm cái TVH nên theo hãng tin AP thì TVH Paris 2024 đã bán một số vé kỷ lục là 9.7 triệu vé. Vượt qua số 8.3 triệu của TVH Atlanta năm 1996. Đó cũng là lý do mà dân Paris không ở lại Paris trong mùa hè. Nước Mỹ vẫn là quốc gia thắng nhiều huy chương nhất, 103 (30 vàng, 38 bạc và 35 đồng) thứ hai là Trung Hoa 73 (29 vàng, 25 bạc và 19 đồng). Nước chủ nhà, Pháp, năm nay cũng khởi sắc về thứ 3 với 54 huy chương (14 vàng, 19 bạc, 21 đồng). Riêng nước Úc thì có số mề đai vàng nhiều hơn nước Pháp là 18 nhưng tổng số mề đay thì chỉ có 45. (tính đến ngày 7 tháng 8)

Nhìn kết quả của TVH Paris thì có thể suy luận ra sự suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến các cường quốc Âu Châu sâu đậm khi các quốc gia thường dẫn đầu trong các kỳ thi TVH như  Đức, Hòa Lan, Ý lần này đều kém hẳn. Ngay cả Nhật và Đại Hàn cũng vậy. Năm nay không khí tranh đua không được hào hứng như những lần trước. Có thể vì hai cuộc chiến chưa thấy ngày chấm dứt… Chưa ai biết ông Iran sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để trả thù cho những lãnh tụ Hamas bị Do Thái hạ sát trên lãnh thổ Iran?

*
Đất trời thay đổi khiến cỏ cây cũng đổi thay sau những ngày nắng nóng. Khắp trong nước và ngoài nước đều xôn xao việc Cam Bốt sẽ xây một con kinh đài 180 km sâu 50 mét có tên là Funam Techo để phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa của họ từ sông ra biển mà không cần “quá giang” qua đường sông của Việt Nam. Con kinh này sẽ lấy đi một lượng nước lớn của sông Mekong trước khi chảy vào Tiền Giang và Hậu Giang. Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã khốn khổ hàng chục năm nay vì hạn hán và vì nạn nhiễm mặn, ảnh hưởng nặng nề lên đời sống kinh tế của người dân Việt ở nơi đây.

Nói về vấn nạn đồng bằng Sông Cửu Long thì nhà văn y sĩ Ngô Thế Vinh đã viết rất nhiều sách về vấn nạn này rồi. Có một câu kết của ông trong một bài viết về dòng sông Cửu Long, dòng sông huyết mạch nuôi sống không chỉ người dân miền Nam mà còn là kho thực phẩm cho cả Việt Nam như sau:

Người dân Việt Nam đang phải chứng kiến một kịch bản ảm đạm, như một cuốn phim quay chậm, một “Đồng Bằng Sông Cửu Long” còn rất non trẻ đang  từ từ tan rã – cùng với cả một nền Văn Minh Miệt Vườn cũng chỉ mới hơn 300 năm tuổi”.  
https://www.saigonweeklyonline.com/lich-su-nnv/ngo-the-vinh-buoc-qua-loi-nguyen-tien-hanh-du-an-dap-stung-treng-la-huy-diet-moi-sinh--ecocide.html


Hiện nay, vào thế kỷ 21, Trung Cộng đã dùng nước như một vũ khí địa chính trị mà họ đang ở thế thượng phong để “đô hộ” các quốc gia hạ lưu của những con sông phát xuất từ đất nước họ.

 Đất nước Trung Hoa có một nền văn minh, văn hóa thần quyền trọng thiên địa, trời đất nhưng đảng Cộng sản Trung Hoa lại giải quyết những vấn đề địa chính trị ngược lại với triết lý Thiên Nhân Hợp Nhất, con người sống chung hòa bình với thiên nhiên. Từ năm 1960 đến nay, Trung Cộng xây 4,800 đập thủy điện trong đó có 20 siêu đập. Nhiều khoa hoc gia đã chống đối việc xây dựng những đập thủy điện càng ngày càng lớn trên thế giới ngày nay. Họ ví trái đất như một cơ thể con người mà mỗi dòng sông lớn là những động mạch và những con sông, con lạch là những tỉnh mạch dẫn máu đi nuôi khắp nơi trong cơ thể. Những con đập thủy điện là những chướng ngại đã cắt ngang huyết mạch không làm cho trái đất chết ngay như cơ thể con người nhưng cũng không tồn tại được. Họ cho rằng chính sách xây đập thủy điện để kiểm soát nguồn nước của Trung Cộng hiện nay là chống trời, chống đất, chống nhân loại nên sẽ phải đi đến tình trạng hủy diệt lẫn nhau. 


Trong khi từ ngàn xưa, Âu Châu luôn hành xử những vấn đề địa lý thuận theo thiên nhiên. Toàn thể Âu Châu không có đập thủy điện, họ xử lý nguồn nước theo thiên nhiên. Như nước Hòa Lan thấp hơn mực nước biển, họ xử lý nước theo thiên nhiên bằng cách tập trung các thành phố dân cư ở trên cao và dùng các quạt gió khắp nơi vừa tạo ra điện vừa đẩy nước về các vùng đồng bằng thấp hơn vừa để có nước canh tác vừa để tránh nạn ngập lụt. Triết lý Đông Tây trong trường hợp này lại giống nhau. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo thiên nhiên. Những người Cộng sản vô thần lại nghĩ rằng họ có thể thay trời hành đạo, hậu quả là từ khi có sự hiện diện của chủ thuyết Cộng sản, con người khó có một ngày bình an.

Và cũng thương thay cho những quốc gia nằm ở hạ lưu của một dòng sông huyết mạch mà nước Tàu lại ở thượng nguồn như Việt Nam. Các chuyên viên về thủy lợi thế giới cho rằng hai con sông Trường Giang và Dương Tử có một khối lượng nước khổng lồ mà nếu Trung Cộng “xử lý” đúng, họ sẽ không vướng vào những “nhân tai” ghê gớm do hệ thống đập thủy điện mà họ đã xây dựng 20 năm nay. Trong khi đó thì chính phủ Cộng sản Việt Nam đang tiếp tục thanh trừng nội bộ để củng cố quyền lực. Để trả lời cho việc Cam Bốt động thổ xây kênh Funam Techno chỉ là những kế hoạch mơ hồ, không quyết đoán: xây hồ to để chứa nước dự trử, to đến đâu, xây ở đâu để lấy nước khi Funam Techno đã chặn ở đầu con nước chảy vào Tiền Giang và Hậu Giang?

30% hàng hóa xuất khẩu của Cam Bốt hiện nay vẫn phải chuyển vận qua đường thủy của Việt Nam. Thế thì tại sao nhà nước Việt Nam lại phải chờ 5 năm sau, khi nhà Cam xây xong Funam Techno để họ “phụ” mình và vẫn bao dung cho họ nhà Cam đi qua ngõ nhà mình trong thời gian này? Thu tiền mãi lộ thêm một thời gian thì sau đó hai bên cùng chết, sao không cho đứa đang đi nhờ ngõ nhà mình chết trước? Anh Trung, anh Nhật gì thì thời buổi khó khăn cũng không dễ nới hầu cho cha con ông Hun Sen, Hun Net đâu.

Tin sau cùng là các đỉnh cao trí tuệ ở Hà Nội đã vào lăng Ba Đình xin ý kiến Bác Hồ thì Bác bảo “thằng Cam” lấy hết nước thì các đồng chí cứ bom nước sông Hồng vào cứu đồng bằng sông Cửu Long là xong. Thế là các anh hùng dân tộc  đang “đốt lò” cứu nước hồ hỡi ra về … lượm củi. Lò bác Lâm bảo đảm còn nóng ơn lò bác Trọng là vì vậy.

Đào Nương 



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top