Trần Văn Tích, Tưởng Niệm Y Sĩ Trung Tá HOÀNG VĂN ĐỨC

Trần Văn Tích

Tưởng Niệm Y Sĩ Trung Tá

HOÀNG VĂN ĐỨC



Trường Quân Y QLVNCH

Tôi gia nhập Trường Quân Y khi theo học năm thứ nhất. Lúc bấy giờ Chỉ huy trưởng là Y sĩ Trung tá Nguyễn Hữu Thư. Khi tôi theo học năm thứ tư y khoa thì Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức thay thế Y sĩ Trung tá Nguyễn Hữu Thư. Thời gian tôi làm việc ở Trường Quân Y, các vị Chỉ huy trưởng kế tiếp sau Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức là Y sĩ Trung tá Nguyễn Quang Huấn, Y sĩ Đại tá Nguyễn Tuấn Phát và Y sĩ Trung tá Trần Minh Tùng (sau này lên Y sĩ Đại tá).



Nay nhìn lại giai đoạn phục vụ tại Trường, tôi nhận thấy Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức là vị chỉ huy có nhiều sáng kiến, có nhiều đóng góp cho Trường.


Thoạt tiên cơ sở huấn luyện này mang tên Trung tâm Huấn luyện Quân Y. Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức đã vận động, tranh đấu cải đổi qui chế Trung tâm Huấn luyện Quân y thành Trường (Đại Học) Quân Y, đặt Trường Quân Y ngang hàng với Trường Võ bị Liên quân Đà lạt. Tôi có cảm tưởng dường như Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức rất tự hào về chuyện cải danh này.



Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức cũng là người khai sinh ra tờ Tập-san Đại-học Quân-y Việt-Nam, Revue de l’École de Santé Militaire du Vietnam, Review of Military Medical School of Vietnam. Tập san đăng bài bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Trực tiếp phụ trách thu góp, tuyển lựa, sửa chữa, bổ túc bài viết; trình bày thành quả trí tuệ của các tác giả góp bài là nhị vị đàn anh thuộc hai khoá trước tôi: Dược sĩ Đại úy Nguyễn Phúc Bửu-Tập và Y sĩ Đại úy Hoàng Ngọc Khôi (sau này đều lên cấp tá). Số đặc biệt tháng mười 1961 xác định lập trường như sau : “Vị thầy thuốc, vì là một người nguyện theo đuổi một nghề nghiệp nhân đạo với đối tượng là chính con người, nên chống lại bất cứ hành động nào vô nhân đạo.


Nghĩ như thế, anh em đã tự xác định một lập trường: Chống Cộng Sản.” “As a physician we must actively oppose any and all inhuman activities. We must, of necessity, declare ourselves completely anti-communist. This is our standpoint.” Thế đứng rõ ràng đó đến nay càng rõ ràng hơn. Tập san Quân Y ấn loát đẹp đẽ, trình bày trang trọng. Về sau, dưới quyền các vị Chỉ huy trưởng kế nhiệm Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức, tập san không còn phát hành theo một nhịp điệu ổn định hàng hai tháng và hình thức thì cũng suy thoái trầm trọng. Không rõ nó có còn tồn tại đến ngày mất nước không hay nó đã bị bức tử sớm hơn.


Khoá tôi, khoá 9 hiện dịch, còn nhờ Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức đấu tranh mà được ở lại học hết năm thứ sáu. Sinh viên y khoa các khoá trước tôi, dù dân y hay quân y, dù trưng tập hay hiện dịch, cũng đều phải rời ghế nhà trường ngay sau khi thi xong kỳ thi cuối năm thứ năm. Năm thứ sáu là năm sinh viên chuẩn bị vào nghề, hằng ngày đến các bệnh viện chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi khám và chữa bệnh gần như độc lập đồng thời hướng dẫn các khoá đàn em và chuẩn bị viết luận án. Không được ở lại trường năm thứ sáu là một thiệt thòi lớn; ngược lại, được ở lại trường năm này là một điều rất quan trọng đối với người y sĩ tương lai. Kể từ khoá 9 hiện dịch (khoá 1955-1962) trở đi cho đến ngày mất Miền Nam, tất cả sinh viên đều có cơ may hoàn tất học trình y khoa sáu năm. Truyền thống này khởi nguyên từ giai đoạn Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức nắm quyền chỉ huy Trường Quân Y.


Dưới thời Y sĩ Trung tá Nguyễn Hữu Thư không có các khoá học tập bổ túc về chuyên môn y khoa do Trường Quân Y tổ chức. Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức là người khởi xướng hình thức bồi dưỡng chuyên môn này. Trường Quân Y liên lạc cùng chư vị thuộc thành phần giảng huấn y khoa bên Trường Y khoa Đại học Sàigòn và thỉnh cầu chư vị ra đề thi kiểm tra hằng tam cá nguyệt / lục cá nguyệt. Những buổi kiểm tra này tổ chức vào buổi tối, từ hai mươi giờ đến hai mươi hai giờ. Sinh viên quân y hiện dịch tập trung vào Trường, ngồi theo lớp. Đề bài kiểm tra được quí vị giáo sư y khoa cho sẵn. Gìn giữ trật tự cho sinh viên làm bài kiểm tra là các sĩ quan quân y sĩ đã tốt nghiệp. Bài sinh viên làm xong được thu góp vào phong bì dán kín và mang đến tận tư gia chư vị giáo sư. Khi trả bài, các giáo sư hoặc tự lực di chuyển hoặc được xe Jeep của Trường đưa đón.


Điện lực thủ đô Miền Nam thuở bấy giờ về đêm thường rất yếu. Trường Quân Y phải sử dụng những biện pháp nhằm tập trung năng lượng chiếu sáng cho khu huấn luyện bổ túc : dùng máy biến điện mạnh và lớn, cúp điện ở khu khoá sinh v.v.. Chương trình này tiến hành đều đặn, đầy đủ, không bê trễ, không đứt đoạn suốt trọn thời gian Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức phụ trách chỉ huy Trường Quân Y. Sinh viên đạt điểm thấp sẽ bị Tiểu đoàn Sinh viên Quân y thi hành kỷ luật, thường là lãnh khinh cấm hay trọng cấm. Sĩ quan đặc trách nhiệm vụ này là Y sĩ Trung úy Lê Đình Bình (sau này lên Y sĩ Thiếu tá).


Cũng vẫn thuộc chương trình bổ túc chuyên môn / văn hoá, nhân văn / nghệ thuật dành cho sinh viên quân y hiện dịch, Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức đưa ra sang kiến chủ xướng tổ chức những buổi sinh hoạt hàng tháng ở Câu lạc bộ An Đông hay Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc. Sinh viên quân y được lệnh sử dụng quân phục kaki trắng với cà vạt đen nghiêm chỉnh. Thực đơn thường theo lối Pháp và ăn uống cũng theo lối Pháp, với dao, muỗng, nĩa. Diễn giả được mời thuộc mọi thành phần xem như thượng lưu trong xã hội thuở bấy giờ.


Những khoá quân sự mùa hè đầu tiên tại Trường Võ bị Liên quân Đà lạt trải dài trên sáu năm học y khoa cũng xảy ra dưới “triều” Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức. Mục đích của các khoá học này là nhằm lấy cấp bằng Đại đội trưởng biết bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội và nếu cần thì để chỉ huy. Sinh viên Quân y vốn vẫn có truyền thống tham gia các buổi duyệt binh hay diễn hành của Quân đội. Nhưng riêng năm 1960, dưới quyền chỉ huy của Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức, Tiểu đoàn Sinh viên Quân y ra quân tham dự duyệt binh Lễ Quốc Khánh đã chiếm giải nhất, Trường Võ bị Liên quân Đà lạt với Trung tá Nguyễn Văn Thiệu làm Chỉ huy trưởng chỉ đứng hạng nhì.


Khi tàu bệnh viện Hope của Hoa Kỳ đến đậu ở bến Bạch Đằng thì Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức thấy ngay đây là dịp tốt cho sinh viên quân y hiện dịch tiếp xúc với nên y khoa tân tiến nhất thế giới của Hoa kỳ nên đã tích cực bố trí cho sinh viên quân y năm thứ năm và năm thứ sáu xuống thực tập trên tàu. Vị Chỉ huy trưởng Trường cũng nhiều lần đích thân lên tàu xem hoàn cảnh ăn ở và làm việc của sinh viên, được phân phối đến mọi khu chuyên môn của tàu bệnh viện: nội, ngoại, nhi. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như phía Trường Y khoa không có sinh viên dân y lên tàu Hope thực tập. (Tính từ ngày tàu Hope đậu bến Bạch Đằng đến nay đã tròn năm muơi năm rồi, cho nên thảng hoặc có vì thời gian quá lâu mà tôi ghi lại sai sót thì tôi xin lỗi bạn đọc).


Tranh đấu cho thủ khoa các khoá y sĩ và y tá ở lại phục vụ Trường Quân Y cũng là một thành quả của Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức. Major de promotion khoá 9 quân y sĩ hiện dịch là người viết những dòng này. Tôi được chọn vì nhận code d’amour cao. Chắc Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức đã căn cứ vào học bạ / quân bạ của tôi, đã dựa vào tinh thần tôn trọng quân kỷ của tôi, đã theo dõi thái độ tham gia các buổi thảo luận tại Trường của tôi v.v.. Tôi không phải là trưởng lớp (trưởng lớp là Y sĩ Trung úy Lê Đình Cao), tôi cũng không chịu thi nội trú, nhưng tôi vẫn được Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức lựa chọn. Cùng được hưởng chế độ thủ khoa ở lại Trường còn có Trung sĩ nhất Nguyễn Ngọc Diệp, đỗ nhất khoá thi B1 Y tá năm 1962.


Tiếp thu một cơ sở nguyên được xây cất để chăn nuôi chiến mã, Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức đã cố gắng tu bổ chỉnh trang nhằm tạo tiện nghi tối thiểu hầu cung cấp nơi ăn ở cho sinh viên cùng khoá sinh và văn phòng làm việc cho nhân viên. Nhưng Y sĩ Trung tá lại còn nuôi hoài bão phải có một trụ sở xứng đáng cho ngôi trường lãnh trọng trách đào tạo y tá, sĩ quan trợ y, sĩ quan hành chánh và nhất là sĩ quan quân y hiện dịch cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Để đạt mục đích này, Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức đã gặp Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đặc trách Quân Y Smith tại Ngũ Giác Đài. Kết quả, Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức thuyết phục được phía Mỹ cấp ngân khoản xây dựng cho Quân đội Việt Nam Tự do ngôi trường khang trang rộng rãi tọa lạc tại khu Trần Quốc Toản. Khu vực doanh trại này không những đủ thiết bị nhà ở, văn phòng, sân cờ, bãi đáp v.v.. cho Trường Quân Y mà còn được Cục Quân Y chiếu cố trưng dụng một phần để thiết lập bệnh viện Trần Ngọc Minh.


Trong chế độ quốc gia, từ ngày thành lập với vị Chỉ huy trưởng đầu tiên là Y sĩ Trung tá Trừ bị Phạm Biểu Tâm cho đến vị Chỉ huy trưởng cuối cùng là Y sĩ Đại tá Hiện dịch Hoàng Cơ Lân, Trường Quân Y đã có tất cả mười ba vị Chỉ huy trưởng. Liên quan đến chư vị Chỉ huy trưởng Trường, Khoá 20 Y Nha Dược sĩ Hiện dịch đã nêu ra với cụ Hoàng Viết Khánh một câu hỏi. Cụ Hoàng Viết Khánh, sinh ngày 29.12.1919 tại làng Bích Chi tỉnh Hà Nam, là nhân viên (dân sự) duy nhất làm việc tại Trường Quân Y có mặt từ ngày Trường mới thành lập tại Hà Nội năm 1951.


Câu hỏi như sau: Trong tổng số mười ba vị Chỉ huy trưởng Trường Quân y, vị nào đã để lại nơi cụ ấn tượng sâu xa nhất? Và sau đây là nhận định của Cụ Hoàng Viết Khánh: “Theo thiển ý, bác sĩ Hoàng Văn Đức đã để lại một ấn tượng sâu xa nhất. Bác sĩ Đức là người có tài và rất thích hoạt động. Tôi còn nhớ dưới thời bác sĩ Đức hàng tháng có tổ chức những buổi tiệc với sự tham dự của toàn thể sinh viên Quân y. Lúc cơm tây lúc cơm ta, sinh viên vừa ăn vừa được nghe những nhân vật danh tiếng nói chuyện. Phó Tổng Thống thời bấy giờ cũng có đến một lần.” Cụ Khánh thì không sinh viên Quân y nào không biết. Cụ phục vụ tại Tiểu đoàn Sinh viên Quân Y dưới tất cả các vị Chỉ huy trưởng, từ vị đầu tiên Phạm Biểu Tâm đến vị cuối cùng Hoàng Cơ Lân. Tôi xin muợn lời Cụ để kết thúc bài viết ngắn tưởng niệm Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức với hy vọng trình bày được một tiếng nói khách quan, trung thực, đáng tin, đáng kính.


Phần tôi thì chỉ xin làm công việc liệt kê một số hành động, chủ trương do Y sĩ Trung tá Hoàng Văn Đức thực hiện suốt thời gian phục vụ quân trường mà tôi đã được biết nhằm tưởng nhớ một vị đàn anh trong nghề.

Trích Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top