Tưởng nhớ Nhà văn HOÀNG HẢI THỦY: Saigon, Đêm Ba Mươi

Tưởng nhớ Nhà văn HOÀNG HẢI THỦY

Lời Tòa Soạn: Một tang lớn cho văn học Việt Nam hải ngoại những ngày cuối năm 2020 là nhà văn, nhà báo Hoàng Hải Thuỷ đã qua đời ngày 6 Tháng Mười Hai, 2020, tại tiểu bang Virginia hưởng thọ 87 tuổi. Ông là một cộng tác viên lâu năm của hệ thống tuần báo Saigon Nhỏ do bà Hoàng Dược Thảo thành lập và điều hành từ năm 1985 đến 2016. Sau đây là một bài viết của ông đã được đăng trong Giai Phẩm Xuân Saigon Nhỏ 2009.


https://viethaingoai.net/wp-content/uploads/2020/12/hoang-hai-thuy.jpg
Nhà văn Hoàng Hải Thủy. (Hình: Blog Hoàng Hải Thủy)

Nhà văn Hoàng Hải Thuỷ, tên thật là Dương Trọng Hải, sinh năm 1933 tại Hà Đông, Việt Nam. Ngoài bút hiệu Hoàng Hải Thủy, ông còn có các bút hiệu khác như Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn … Ông tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật từ những năm đầu thập niên 1950 tại Hà Nội.

Di cư vào Nam năm 1951, ông từng là phóng viên cho nhật báo Ánh Sáng Sài Gòn, nhật báo Sài Gòn Mới. Ông còn là biên tập viên, chuyên về dịch thuật cho USIS (Sở Thông Tin Hoa Kỳ) ở Sài Gòn. Năm 1952, ông được trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn do nhật báo Tiếng Dội tổ chức. Từ 1956, ông trở thành cây viết phóng sự nổi tiếng và tác giả nhiều bộ tiểu thuyết phóng tác bán chạy hàng đầu tại Miền Nam Việt Nam.
 
  1. Các tác phẩm đã xuất bản trước 1975 là Vũ Nữ Sài Gòn, Tây Đực Tây Cái, Chiếc Hôn Tử Biệt (tái bản với tên Đêm Vĩnh Biệt), Nổ Như Tạc Đạn, Yêu Lắm Cắn Đau, Bạn và Vợ, Môi Thắm Nửa Đời, Người Vợ Mất Trí, Định Mệnh Đã An Bài, Kiều Giang (phóng tác từ tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte), Gái Trọ, Đỉnh Gió Hú (phóng tác từ Wuthering Heights), Như Chuyện Thần Tiên (Scoprion Reef), Điệp Viên 007 (Phóng tác), Thầy Nô (phóng tác từ Dr. No), Máu Đen Vàng Đỏ (phóng tác)…
 
  1. Các tác phẩm đã xuất bản sau 1975 là Công Ty Rửa Tiền (The Firm), Mang Xuống Tuyền Đài (The Chamber), Báo Cáo Bồ Nông (The Pelican Brief), Tiếng Kêu Của Máu (The Red Dragon), Mùa Hạ Hai Mươi, Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, Dữ Hơn Rắn Độc …
 
  1. Năm 1977, ông bị CSVN bắt nhốt hai năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết ra nước ngoài. Tháng Năm,1984, ông bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm.
 
  1. Năm 1990, sau khi được thả, ông trở về Sài Gòn và năm 1994 sang Hoa Kỳ tị nạn, định cư ở Virginia.
*
SÀI GÒN, ĐÊM BA MƯƠI

Hoàng Hải Thủy




“ Ngũ đệ... Anh em ta tình thân hơn cốt nhục!...”

Đó là một câu tôi nhớ trong số những câu tôi nhớ trong tiểu thuyết Đồ Long Ỷ Thiên Kiếm của Kim Dung, tác phẩm tiểu thuyết tôi đọc ở Sài Gòn những năm 1960, thời gian tôi ba mươi tuổi. Đó là câu Dư Liên Châu nói với Trương Thúy Sơn trên chiếc thuyền lênh đênh giữa biển khi hai anh em đồng môn gặp lại nhau sau mười năm xa cách, khi Trương Thúy Sơn đưa vợ con: Ân Tố Tố và Vô Kỵ, từ Băng Hỏa Đảo trở về trung thổ. Thúy Sơn sợ Trương Tam Phong, sư phụ của chàng, không cho chàng kết hôn với con gái của Giáo Chủ Bạch Mi Giáo. Chàng được Dư Liên Châu trấn tĩnh
“Ngũ đệ... Anh em ta tình thân hơn cốt nhục...!”

Một câu nói rất thường trong một truyện kiếm hiệp - truyện kiếm hiệp hay nhất trong đời tôi - làm cho tôi xúc động mãi. Khi ngồi trong Nhà Hàng Pagode đêm cuối năm, quanh chúng tôi chỉ còn những chiếc ghế da nâu không người ngồi và nhà hàng sắp đóng cửa - lúc ấy là 12 giờ đêm 28 Tết, còn đêm mai nữa là đến Đêm Giao Thừa - người ta, những người Sài Gòn đi chơi đêm, giờ này còn ở những  tiệm nhẩy, tôi và Quang còn ngồi buồn ở đây.

Nhìn nét mặt đăm chiêu và những nếp nhăn hằn trên trán Quang, tôi chợt nhớ đến lời Dư Liên Châu nói với Trương Thúy Sơn - “Ngũ đệ... Anh em ta tình thân hơn cốt nhục” và tôi xúc động. Tôi muốn nói một lời để an ủi Quang, nhưng tôi im lặng, vì tôi nghĩ trong lúc này, và trong nhiều trường hợp, yên lặng là tiếng nói của Trái Tim.

Tôi tuổi Dậu, Quang cũng tuổi Dậu, nhưng anh sinh trước tôi mười hai năm, tức là một giáp. Như vậy là tôi “ẩn tuổi” Quang; theo kinh nghiệm, các cụ ngày xưa cho rằng nhũng người ẩn tuổi nhau thường hợp nhau, thương mến nhau. Các cụ nói đúng trong trường hợp “ẩn tuổi nhau” của Quang và tôi. Chúng tôi thân mến nhau, thông cảm nhau. Tôi thường đoán trước, biết trước được những điều Quang sắp nói, những việc Quang sắp làm. Ngược lại, Quang cũng biết trước về tôi như tôi biết về anh.

Quang là luật sư. Năm 1950, tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi đi làm phóng viên nhà báo và tới ngụ tại nhà anh trong một thời gian. Ngày ấy, anh đang kiếm ra tiền. Gia đình anh sống trong một vi-la đường Mayer. Tôi sống nhờ trong nhà anh, với gia đình anh. Vợ chồng anh coi tôi như người trong gia đình. Anh đưa tôi đi ăn chơi, anh là người mở đầu cuộc sống “trăng hoa” của tôi tại Sài Gòn. Vợ anh là gái Hà Nội, hiền, khá đẹp nhưng không có gì xuất sắc. Chị là người không gây thiện cảm mà cũng không gây ác cảm. Năm đó Ngọc lên năm tuổi. Cô bé xinh xắn, nước da hơi nâu, mạnh khỏe, thông minh, có đôi mắt tròn, đen láy, năm ấy cô bắt đầu cắp sách đi học Mẫu giáo. Trường gần nhà, đi bộ qua một con phố. Có những buổi chiều tôi đến trường đón Ngọc về. Thanh niên chưa có vợ, chưa có con thường thích trẻ con và muốn gần bọn trẻ con kháu khỉnh, xinh xắn, sạch sẽ và thông minh. Ngọc là một đứa bé có đủ nết ấy.

Rồi thời gian qua, Quang thành công với nhiều “áp phe” lớn. Địa vị của anh ngày một vững, tên tuổi anh nổi sáng. Rồi chiến tranh Đông Dương kết thúc. Năm 1954, đất nước chia đôi, Quang trở thành một nhân vật lý tài quan trọng, cỡ quốc tế. Đó là những năm tôi sống trong quân ngũ. Xa Sài Gòn, tôi xa gia đình Quang, cho tới ngày tôi được tin anh gặp tai họa. Những nhân vật của chế độ mới - tức chính quyền Ngô Đình Diệm - những người cộng tác mật thiết với ông Diệm, ông Nhu, đã giương một cái bẫy để hại Quang và hất anh ra khỏi cái địa vị chuyên gia kinh tế tài chính quốc gia mà anh đang giữ.
Quang bị tù hai năm. Ở tù ra, anh trắng tay. Những người hại anh đã củng cố được một địa vị và thế lực quá vững. Họ tiếp tục làm hại anh bằng cách ngăn cản không cho anh ra mặt làm bất cứ công việc gì. Họ phá không cho anh hành nghề luật sư. Các công ty ngoại quốc không dám mướn anh. Anh phải kiếm sống bằng cách nhận làm riêng cho vài ông luật sư bạn. Những ông này giúp anh bằng cách giao việc cho anh đem về nhà làm.

Và những tai họa theo nhau đến với Quang. Vợ anh bỏ đi - người vợ hiền thục của anh - bỏ chồng con, bỏ nhà đi chung sống với một người đàn ông khác. Hai đứa con được để lại cho Quang nuôi. Quang sống những ngày dài buồn nản trong thất vọng và túng thiếu. Người hào hoa và hào sảng, người tự tin ở tài năng của mình và thành công ngay từ ngày bước vào đời như Quang, nỗi thất vọng và buồn nản càng nặng nề khi anh đã ngoài bốn mươi tuổi, số tuổi mà những người đàn ông có tài bắt buộc phải có địa vị. Không được phép xuất ngoại, Quang đi lén ra ngoại quốc mấy lần, nhưng đều không thoát. Bọn mật vụ theo dõi anh, ngăn cản không cho anh đi. Có lần anh đã trốn được xuống một chiếc tầu buôn của Pháp, khi tầu sắp rời bến Sài Gòn, bọn mật vụ biết tin và ập xuống tầu lùng xét. Chúng không tìm ra chỗ nấp của anh, nhưng sau đó, ông Thuyền Trưởng đích thân gặp anh, xin anh trở lên bờ để tránh cho tầu của ông gặp khó khăn trong những chuyến sau tầu ghé bến Sài Gòn.
Đó là những tin, những chuyện về Quang và gia đình của anh tôi được biết trong những năm tôi sống trong quân ngũ. Rồi một người đàn bà khác xuất hiện trong đời Quang. Người đàn bà này đẹp - rất đẹp, nổi tiếng hoa khôi tại Sài Gòn - Nàng thuộc loại “chơi bời quí phái” và nàng có một tài sản đủ cho nàng sống phong lưu suốt đời.

Người đàn bà ấy yêu Quang, nàng chấm dứt cuộc sống ăn chơi nàng đang sống để chung sống với Quang, để làm vợ Quang. Họ yêu nhau, họ sống đầy đủ về vật chất nhưng không được hạnh phúc lắm về tinh thần, cả hai người cùng yêu nồng nàn và cùng ghen tuông dữ dội. Quang bị cuộc sống cũ của vợ ám ảnh. Vợ Quang biết nỗi ám ảnh ấy của Quang, nàng sợ một ngày nào đó Quang sẽ khinh nàng, sẽ chán nàng, sẽ yêu một người đàn bà khác trẻ, đẹp, có dĩ vãng trong sạch hơn nàng. Nhưng cả hai người cùng cần có nhau để sống. Theo tôi, Quang là người cần vợ hơn và yếu thế hơn vợ. Người vợ thứ hai của anh - đẹp, sang, được đàn ông say mê, giầu tiền - là một bằng chứng thành công của anh. Ít nhất anh cũng còn thành công với đàn bà. Người vợ trước để lại cho Quang hai đứa con. Một gái, một trai. Thằng bé hãy còn nhỏ được anh gửi bà nội nó nuôi. Ngọc, đứa con gái lớn được anh gửi vào một trường Nữ Học.

- Tôi đang bối rối không biết phải làm sao thì cậu đến. Có cậu thay tôi lo cho nó mấy ngàyTết này tôi yên tâm. Chắc nó cũng buồn, cũng giận tôi, nhưng nhẹ thôi. Cậu cố giúp tôi. Nói cho nó hiểu. Tôi biết. Cậu từ xa về đây cần phải du hí mấy ngày Tết. Bị vướng cẳng vì một con bé chắc cậu bực mình lắm.

Người cha khổ sở vì không thể đón được đứa con gái yêu từ nhà nội trú của trường ra ăn Tết với mình nên nhờ tôi lo cho con anh trong mấy ngày Tết. Anh lên Đà Lạt ăn Tết với vợ. Vợ anh muốn thế, anh không đi không được. Nhưng nếu sáng mai anh đi, chiều mai, không có ai đến trường đón Ngọc, con gái anh, ra trường. Mẹ đi lấy chồng khác, bố có vợ, bố lên Đàlạt ăn Tết với bà vơ của bố, người thiếu nữ ấy bị bỏ rơi trong ba ngày Tết. Tôi là người thay mặt bố nó để làm cho nó bớt cô đơn, đỡ tủi thân trong mấy ngày đầu năm.

Trước nét mặt khổ não của Quang tôi phải quay mặt đi. Quanh chúng tôi, nhà hàng vắng tanh chỉ còn một cặp Tây Đầm già đang ngồi như chờ đợi ai ở góc phòng. Tôi cảm thấy thương Quang và lại nhớ đến câu nói của Dư Liên Châu: “Ngũ đệ... Anh em ta tình thân hơn cốt nhục...” Tôi hiểu nỗi khổ tâm của Quang. Anh thương con anh nhưng cùng một lúc, anh cũng yêu vợ. Ngọc là con riêng của anh. Anh không thể “bỏ vợ, hy sinh vợ” trong mấy ngày Tết để gần, để sống với đứa con riêng của anh. Tôi nhận lời giúp anh.

 Tôi đã được nghe nói về những nữ sinh của trường nữ trung học này, những chuyện được xếp vào loại “ly kỳ”, nhưng đó là những chuyện đồn đại, không có bằng chứng. Đại khái cuộc sống của nhiều nữ sinh trong Internat trường này rất loạn, nhiều nàng chơi trò đồng tính ân ái, nhiều nàng đêm đêm vẫn trốn ra thành phố đi chơi, đi nhẩy đầm, bọn vương tôn công tử Sài Gòn đêm đến đậu xe trong một con đường ngách bên trường, đợi các nàng ra, rước đi chơi.. v.v.. Tôi nghe qua những chuyện ấy rồi bỏ ra ngoài tai.

Chiều Ba Mươi Tết, tiếng xe ô tô ngoài đường làm ồn cả phòng đợi. Vào những ngày lễ hội, ngày nghỉ, thủ đô Sài Gòn đông xe hơn ngày thường, đông nhất là buổi chiều gần tối. Ở đây, phụ huynh tấp nập đến đón con ra trường. Nữ sinh người Pháp không còn bao nhiêu. Nhìn quanh tôi chỉ thấy toàn người Việt Nam.

Tôi trình Thẻ Phụ Huynh, giấy phép được nhân lãnh học sinh. Một bà đầm trung niên - có vẻ là giám thị - ghi mấy dòng chữ vào quyển sổ, rồi nhấc điện thoại gọi vào trong. Bà nói tiếng Pháp.
Tôi ra hiên nhà, đứng hút thuốc lá.
- Chú...!
Tôi quay lại. Năm năm đã qua:
- Chú gặp cháu lần cuối năm 1964. Bố cháu bị bắt... chú đang ở lính. Chắc chú đâu có nhớ cháu, gặp nhau ngoài đường chắc chú không nhận ra cháu, phải không chú?
Trong phòng lạnh của Restaurant Choeng Nam, trên bát “consommé chaud”, Ngọc mở rộng đôi mắt đen và trong, nói với tôi câu nói gợi lại kỷ niệm. Nàng hỏi:
- Chú có thấy cháu thay đổi nhiều không? Cháu chóng lớn quá, phải không chú...?

Nàng dơ tay khoát nhẹ nửa vòng trong không khí, điệu bộ nhí nhảnh như cô đào điện ảnh Sandra Dee trong vai thiếu nữ dậy thì, con nhà giàu, ngây thơ, gợi tình, nàng nhắc lại:
- Chú gặp cháu ngoài đường chắc chú không nhận ra cháu. Nếu có ngờ ngợ chắc chú không dám hỏi. Phải không chú? Nhưng cháu nhận ra chú ngay!
Nàng nheo mắt nhìn tôi đăm đăm như cô giáo nhìn anh học trò quấy phá
- Cháu nhận ra chú ngay! Chú có già đi chút chút, nhưng khuôn mặt, nét mặt vẫn không khác.
Ánh mắt nàng long lanh, vành môi nàng cười mỉm.
- Tóc chú bạc nhiều rồi. Tôi nói.

Trong năm năm, Ngọc thay đổi nhiều. Lần tôi đến nhà Ngọc lần cuối, Quang đang nằm trong khám Chí Hòa. Hôm ấy tôi chỉ thấy loáng thoáng bóng hai chị em Ngọc rồi tôi đi ngay, cho tới nay cô cháu ngồi trước mặt tôi giờ đây là một thiếu nữ mười sáu, mười bẩy tuổi, tóc để theo kiểu tóc Jacqueline Kennedy, mặt trái soan, mắt to và sáng, môi hồng mỏng với hai bên mép sa xuống. Đôi khi, tôi thoáng thấy Ngọc có vẻ chán đời, ngạo đời – có lẽ vì đôi môi sa xuống hai bên mép. Những người phụ nữ có đôi môi hai bên mép sếch lên, cũng như đuôi mắt sếch lên, thường có vẻ tươi vui - Ngọc bận đầm, đúng thời trang, không hoa hòe, hoa sói mà đẹp, trang trọng và gọn. Áo sơ mi trắng dài tay, váy Tergal xám, có hai dây vắt qua vai, ngực áo thêu hai chữ HN: Hồng Ngọc, bằng chỉ xanh.
Một thiếu nữ đang đứng trên ngưỡng cửa cuộc đời. Đời nàng xấu hay đẹp, mai sau nàng khổ sở hay sung sướng - suốt những năm còn lại, đó mới là cuộc đời, ba mươi năm, bốn mươi năm nữa - tùy thuộc vào vài năm sống sắp tới của nàng. Tôi thấy tôi lo sợ một cách chánh đáng: ai sẽ dẫn dắt cô gái này đi trong mấy năm trời quyết định ấy? Mẹ nàng đi lấy chồng khác, cha nàng có vợ và con riêng, cuộc đời nàng có biết bao nhiêu là cạm bẫy.
 Nàng ngước lên, nét buồn vừa qua biến mất:
- Tóc chú bạc sớm chớ có phải tại nhiều tuổi đâu? Phải không chú?
Hàm răng trắng của nàng lộ ra dưới vành môi mỏng.
- Chú kém ba cháu những mười hai tuổi. Năm nay, chú mới ba mươi ba tuổi. Ba cháu bốn mươi nhăm rồi. Tóc ba cháu đã bạc đâu. Có bạc, nhưng không nhiều bằng tóc chú. Hồi này, không hiểu ba cháu có nhuộm tóc không? Sao chú không nhuộm tóc, chú?
- Chú không thích nhuộm. Chú thích tóc trắng?
- Sao thế?
Tôi nhún vai:
- Tại chú thích.
 Nàng cười thành tiếng:
- Tóc bạc như Jeff Chandler...! Cháu biết tại sao chú lại thích tóc bạc!
- Tại sao?
- Chú muốn đàn bà phải để ý đến chú vì mái tóc của chú, chứ gì? Chú khôn lắm. Cô nào thấy chú hãy còn trẻ măng mà tóc đã bạc trắng thì cũng phải để ý! Chú thấy không... Đến cháu quen với chú là thế mà vẫn còn phải hỏi nữa là..
Tôi làm bộ ngượng vì bị nói trúng tim đen, nàng cười sung sướng.
- Đã có cô nào nói với chú là... yêu chú vì mái tóc của chú chưa!
Tôi cau mày:
- Đừng hỏi bậy!
- Cháu có hỏi gì quá lố đâu?
Mặt nàng cũng nghiêm lại.
- Chú vẫn... cho là cháu còn con nít? Chú là văn sĩ mà chú chẳng biết tâm lý phụ nữ chút nào! Cháu không dám nói là cháu đã yêu nhưng... cháu có đủ tư cách để nói chuyện về Tình Yêu với chú, với bất cứ ai...!
Tôi muốn khuyên nàng vài câu. Tôi biết những điều mà nàng biết về tình yêu đó chỉ là những điều nàng đọc được trong tiểu thuyết, nàng nhìn thấy trên màn bạc xi-nê và nàng nghe vài cô bạn thuật lại. Tôi muốn nói cho nàng biết nàng chưa đủ tư cách để nói về bất cứ một chuyện gì, nhất là về Tình Yêu. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng, nàng đã nói tiếp:
- Cháu học hết năm nay thôi. Sang năm, chú sẽ không còn gặp cháu ở Sài Gòn nữa đâu.
- Ngọc đi đâu?
- Cháu đi xa.
- Xa là tận đâu?
- Bên kia biển.
Đôi mắt nàng mơ màng. Tôi thấy sợ - tôi biết là nàng nói thật - tôi hỏi:
- Ba cháu có biết chuyện cháu sắp đi xa không?
Nàng lắc đầu:
- Ba cháu chưa biết. Nhưng có biết, chắc ba cháu cũng không ngăn cản cháu được, cháu hy vọng ba cháu sẽ không ngăn. Và cháu tin rằng ba cháu sẽ không ngăn cháu đâu.
Giọng nàng chợt đổi khác, rất già dặn, đứng đắn:
- Đến đúng lúc, cháu sẽ cho ba cháu biết chuyện.
- Ngọc đừng có dại!
- Không đâu, chú ơi. Chú sẽ thấy là cháu rất khôn. Cháu sẽ có tiền gửi về cho ba cháu, em cháu và cả mẹ cháu nữa. Ở đời này, tiền trên hết chú ạ! Tiền là tất cả. Chú viết truyện ca ngợi tình yêu, nhưng nếu nhà báo không trả tiền chú, chú ngưng gửi bài cho họ đăng ngay. Chẳng tình yêu thì đừng. Chú có thể viết truyện ca ngợi tình yêu rất hay, rất... ra rít, với điều kiện là truyện đó chú phải bán được tiền.
Tôi cau mày:
- Đừng nói lảm nhảm. Tôi không muốn nghe Ngọc nói nhảm. Ngọc chưa đến tuổi nói đến tiền, đến tình yêu.
Nàng xịu mặt và có vẻ sợ:
- Cháu xin lỗi chú.

Bữa ăn tất niên trôi qua trong tẻ nhạt. Chúng tôi trao đổi với nhau những câu hỏi đáp thông thường. Tôi suy nghĩ về những câu Ngọc vừa nói và thấy nàng có lý. Tôi thắc mắc muốn biết rõ về chuyện sắp đi xa của nàng. Nàng sẽ đi đâu? Đi với ai? Nói thật hay quan trọng hóa một sự việc chưa có gì là quan trọng cả?
Nàng buồn và ủ dột một cách lạ thường. Ăn xong, tôi cảm thấy hối hận nên gượng vui:
- Chú thay ba cháu đưa cháu đi chơi đêm Giao Thừa. Cháu muốn đi đâu, chú đưa đi.
- Cháu muốn chú cho cháu đi coi xi nê, rồi cho vào Dancing nghe nhạc...!
- Cũng được. Nhưng đi Dancing thì khuya quá. Sau đó, cháu về nhà bà nội của cháu có tiện không?”
- Được chú. Nếu không đi quá nửa đêm sao gọi là đi chơi đêm Giao Thừa được! Với lại... cháu thỉnh thoảng vẫn về bà nội cháu khuya quá nửa đêm, không sao đâu. Nhất là có chú đưa về, “suya” quá rồi!

Nàng tươi lên khi tôi nhận lời. Ngồi trong rạp xi-nê, nàng chăm chú theo dõi những hình ảnh trên màn bạc, thỉnh thoảng mới thốt ra một câu phê bình truyện phim và lối đóng của các diễn viên, nàng phê bình rất sành, rất đúng.

Vào Dancing, nàng đòi uống Champagne. Đêm Tất Niên, Grand Monde chật người, k6 thêm bàn, không khí vui, sang. Tiếng nhạc và người nhẩy thật hào hứng. Nhìn quanh thấy những bộ mặt thỏa mãn ẩn hiện trong bóng tối lờ mờ, tôi chợt nghĩ lẩm cẩm rằng trong số những người ở đây, chắc không có một ai nhớ rằng đất nước này đang có chiến tranh, đang bị tấn công ngày đêm, giờ này, đang có những đồng bào của họ đổ máu và chết.
Tôi gọi Champagne. Chị Cai Gà thấy tôi vào, nhân lúc bồi đến mời uống, chị ghé đến bàn chúng tôi. Chị tủm tỉm cười, ra cái điều thông cảm và ngầm nói với tôi :“Đêm nay ông anh đưa trẻ đi ăn, đi chơi”, chị kín đáo hỏi nhỏ tôi:
- Anh có cần em nào ngồi bàn, để gọi?
Tôi lắc đầu:
- Đêm nay tôi đi với cô cháu, chỉ đến nghe nhạc thôi, cám ơn chị.
Chị ta nhắc lại:
- Dạ... anh đi mí cô cháu...!
Không nhìn theo chị Cai Gà, Ngọc hỏi tôi:
- Bà nào đấy chú? Có phải bà “Chef-Taxi-girl” không chú?
Tôi gật đầu.
- Bà ấy có vẻ... bồ với chú lắm? Chắc là chú đi nhẩy nhiều nên bà ấy thân với chú chứ gì?

Thời gian càng trôi qua, đêm cuối cùng của năm nay càng gần giờ Giao Thừa, tôi càng thấy khó khăn trong việc trò chuyện với Ngọc. Nàng không còn trẻ con, nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Nàng không thuộc loại Nymphet, nữ nhân vật Lolita của Vladimir Nabokov. Tiểu thuyết Lolita của Vladimir Nabokov được người đọc khắp thế giới nhắc đến và đọc từ cả năm, bẩy năm trước  nhưngđến giữa năm nay, một vài cuốn Lolita chữ Anh, chữ Pháp mới lọt vào Việt Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm giữa thời cực thịnh, kiểm soát và cấm đoán gắt gao các loại sách báo và phim ảnh ngoại quốc bi mang tiếng là khiêu dâm. Ngọc không giống Lolita vì thân thể nàng nẩy nở, tròn và đầy hơn là Lolita thon và dài.

Khi nhận lời đến trường đón Ngọc cho đến lúc gặp Ngọc trong trường, tôi vẫn nghĩ rằng Ngọc hãy còn nhỏ, hãy còn là một đứa con gái sợ sệt mà tôi có thể đưa đi ăn kem, đi mua sách vở, mua quà búp bê. Tôi nghĩ việc tôi đưa cô cháu ấy đi chơi sẽ không gây ra một sự hiểu lầm nào, kể cả những tên bạn lưu manh nhất của tôi cũng không có lý do để nghĩ bậy khi thấy tôi đi với cô cháu. Nhưng trong bữa ăn ở Choeng-Nam tôi thấy tôi nghĩ lầm. Nhìn tôi với Ngọc, chắc không ai cho rằng nàng là cháu tôi.

Và giờ đây, trong vầng ánh sáng mờ mờ của Dancing, rượu Champagne làm đôi mắt Ngọc sáng long lanh, tôi thấy nàng hoàn toàn khác hẳn với cái hình ảnh cháu Hồng Ngọc mà tôi vẫn có. Nhìn nàng, tôi hiểu tại sao cõi đời này có những người con gái thích lấy chồng có tuổi và chỉ có thể lấy - hoặc chung sống - được với những người đàn ông gấp đôi - hoặc gần gấp đôi tuổi các nàng - như người thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi đang ngồi trước mặt tôi đây chẳng hạn. Bọn con trai mười sáu, mười bẩy, kể cả hai mươi tuổi, ngộc nghệch như gà tồ, chưa biết tý gì về đời, chưa biết suy nghĩ - như tôi năm tôi mười bẩy tuổi chẳng hạn. Nếu đem xếp Ngọc đứng gần một anh hai mươi tuổi, nàng sẽ phải khóc thét lên vì bực mình.

Thấy tôi không trả lời câu nàng hỏi về chị Cai Gà, nàng mỉm cười.
- Chú có muốn gọi Cave thì cứ gọi, chú nhá - Nhưng nếu chú gọi thì chú gọi cô nào trông “élégante” một chút, nghe chú. Và chú phải nhẩy với cô ấy. Chia ra, với cháu một bản, với người ta một bản..
Tiếng trống vang rền, đèn điện mờ dần rồi tắt. Giờ Giao Thừa. Năm mới đã đến. Trong bóng tối người ta ôm nhau, hôn nhau, chúc tụng nhau năm mới. Tiếng cười, tiếng í e xen tiếng trống rền. Tiếng những trai bong bóng nổ bốp bốp. Sau một phút như vậy, đèn sáng trở lại; Ngọc lấy được một trái bong bóng màu xanh. Nàng buộc dây bóng vào thành ghế rồi vỗ nhẹ hai bàn tay vào nhau:
- Vui quá. Năm nay, cháu sẽ được sống những ngày thật đẹp và có nhiều thay đổi.

Tôi đứng dậy đưa nàng ra “pít”.
- Cháu chúc chú năm nay viết được truyện hay, kiếm được nhiều tiền và... chú gặp một người đàn bà yêu chú đủ để chú yêu lại và lấy làm vợ.
Ban nhạc trình tấu bốn bản liền. Tango rồi Rumba rồi Mambo và Cha Cha Cha. Nhiều cặp phải bỏ cuộc đi vào lúc tiếng nhạc chưa ngừng. Ngọc nhẩy giỏi và đẹp như một vũ nữ nhà nghề. Nàng học nhẩy từ bao giờ? Nàng học nhẩy ở đâu? Với ai? Những câu hỏi ấy chỉ thoáng đến với tôi rồi biến đi ngay. Tôi không còn ngạc nhiên nữa. Tôi biết Ngọc còn dành cho tôi nhiều ngạc nhiên khác nếu tôi muốn tìm ngạc nhiên và việc tập nhẩy đầm không phải là một việc làm lén lút của nàng. Có lẽ trong cái trường Nữ Học nổi tiếng ấy, chỉ có Dì Phước và những nữ sinh thọt chân mới không biết nhẩy đầm. Hai nữa, chất rượu đã bắt đầu ngấm trong cơ thể tôi. Tôi chưa say, nhưng tôi đã nhìn đời bằng một đôi mắt khác.

- Chú với cháu đẹp đôi nhất Dancing đêm nay. .
Nàng nói bằng một giọng nghiêm trang, đôi mắt nàng nhìn vào mắt tôi. Nếu lúc đó, tôi mỉm cười và gật đầu đồng ý cũng chẳng sao nhưng vì một mặc cảm, tôi nhíu mày:
- Đừng nói thế.
Nàng dẩu môi :
- Nếu không biết rõ chú, cháu nghĩ chú là đạo đức giả và... giả dối nữa là khác!
Như người đàn bà trưởng thành nói chuyện với tất cả sự bình tĩnh, nàng tiếp:

- Nếu chú với cháu đẹp đôi, và chúng ta biết là chúng ta đẹp đôi, có gì là xấu?... Chúng ta kiêu hãnh vì chúng ta hơn người . Nếu chú lờ khờ, nhà quê, cháu không được hãnh diện vì chú. Cũng như nếu cháu luộm thuộm bê bối, chú cũng không hăng hái lắm khi phải đưa cháu đến những nơi đông người.
Nàng nói tiếp:
- Cháu không thích những người con trai ngang tuổi cháu hoặc hơn cháu chút ít, cả tụi bạn của cháu cũng vậy. Cháu chỉ có thể yêu được những người đàn ông nhiều tuổi hơn cháu.
Tôi hỏi:
- Cháu đã yêu bao giờ chưa?
Nàng cười, đôi mắt sáng lộ rõ vẻ tinh anh, tình tứ, hàm răng trắng lấp lánh. Trong bóng tối mờ tôi chỉ trông thấy rõ đôi mắt và hàm răng của nàng:
- Nếu chú thấy cháu có thể nói chuyện với chú về Tình Yêu, cháu sẽ kể chú nghe truỵên tình của cháu, người sắp mang cháu đi... đi xa, là một người bằng tuổi chú...
Tôi nhớ lời nàng nói với tôi khi chúng tôi ăn ở Nhà Hàng Choeng Nam - “Cháu chỉ học hết năm nay thôi. Sang năm cháu sẽ đi xa...” Bây giờ nàng không nói hết lời tôi cũng biết người đàn ông bằng tuổi tôi mà nàng nói là người sẽ mang nàng đi đó là một người Hoa Kỳ.

Chúng tôi trở lại bàn, Ngọc nâng ly chạm ly tôi, nàng nhắc lại:
- Năm mới, chúc chú vạn sự như ý, chúc chú gặp người yêu chú đủ để chú cưới về làm vợ.
Tôi đáp:
- Năm mới, chúc Ngọc vui vẻ, học giỏi và không làm điều gì để những người thương yêu Ngọc phải buồn.
Nàng uống hết ly rượu:
- Cháu chỉ có ba và em cháu. Má cháu đã đi lấy chồng. Nếu thương cháu, bà đã chẳng bỏ đi như thế, nhất là bỏ đi trong lúc ba cháu gặp tai họa. Ba cháu đã làm lại cuộc đời. Em cháu còn nhỏ chưa biết gì, cháu ra đi nhẹ nhàng. Chú yên trí đi, cuộc đời của cháu - ít nhất trong năm nay - đã được sắp đặt sẵn rồi, chú khỏi phải chúc.
Tôi gợi chuyện:
- Chú đoán người đàn ông bằng tuổi chú Ngọc nói đó là một người Mỹ?
Nàng gật đầu:
- Vâng. Chú noi đúng. “
- Cháu yêu người đó?
- Cháu chưa biết, phải mười năm nữa cháu mới trả lời được chú câu hỏi ấy. Nghĩa là phải mười năm nữa cháu mới biết chắc là cháu có yêu anh ấy hay không. Tình yêu phải được thời gian thử thách.
- Tên hắn là gì?
- Sang đến Mỹ, cháu sẽ cho chú sẽ biết tên chồng cháu. Cháu không sợ chú phá cháu đâu, nhưng chú cũng chẳng nên biết sớm.
Tôi cười:
- Ngọc quên là Ngọc mới mười bẩy tuổi, người Mỹ trọng pháp luật.
- Chú muốn nói cháu hãy còn là gái vị thành niên và có yêu cháu đến điên cuồng người ta cũng không dám mang cháu đi chứ gì?
Nàng ngắt lời tôi :
- Chú chưa biết cháu đi sang Mỹ học, cháu có học bổng, hai chánh phủ Mỹ-Việt bằng lòng cho cháu sang bên đó du học, cháu đi do chánh phủ và nhân dân Mỹ quốc đài thọ! Anh ấy là người giúp chau có được học bổng ấy.

Tôi nhìn nàng và tôi nhớ tới lời nói của một anh bạn. Anh bạn tôi bốn mươi nhăm tuổi, dược sĩ, có tiền, vẫn còn độc thân mặc dầu đã nhiều lần yêu. Mới đây anh nói với tôi :
- Toa phải viết về tình trạng: những cô gái Việt thích lấy chồng Mỹ. Những cuộc nhân duyên ấy không thể bền đẹp. Hiện giờ có quá nhiều gái Việt Nam con nhà tử tế, lấy Mỹ, đi theo chồng sang Hoa Kỳ. Toa nên nhớ trước kia thời Pháp... đa số Me Tây là bọn gái hạ cấp. Nhưng bây giờ khác, bây giờ có cả con gái nhà tử tế, có thể nói là thượng lưu... cũng ham lấy chồng Mỹ.
Anh bạn tôi cho rằng người Mỹ gần gái Việt chỉ để chơi, để giải sầu. Nhưng tôi thấy đa số người Mỹ đến đây khi giao thiệp với gái bản xứ đều yêu và cố kết. Họ kết hôn cả với những cô gái điếm hạ cấp nhất. Tôi thấy tận mắt nhiều em điếm một trăm, sáu chục, hành nghề ở An Nhơn, Gò Vấp trở thành những cô vợ Mỹ rồi thành công dân Hoa Kỳ. Những cuộc hôn nhân ấy có bền và có hạnh phúc hay không ? Đó là một chuyện khác. Những chuyện đã xảy ra sau Thế Chiền ở Đức, ở Nam Hàn, ở Nhật Bản, giờ đây không có gì lạ, đang xẩy ra ở Việt Nam.
Bỗng dưng tôi thấy buồn. Buồn và nản lạ thường. Tôi nghĩ đến Quang. Anh sẽ nghĩ sao, sẽ nói gì khi con gái anh báo tin nó lấy chồng Mỹ, nó sắp sang sống luôn bên Mỹ? Tôi sẽ không biết nói sao nếu con gái tôi nói với tôi như vậy.

- Nhẩy với cháu nữa đi chú. Sao chú buồn thế? Cháu đã đi mất ngay đâu. Cháu còn ở đây những gần mười hai tháng nữa kia mà!
 Hai giờ sáng, chúng tôi ra khỏi Grand Monde. Nàng say và yêu cầu tôi lái xe đưa nàng ra Cấp. Tôi không thể đưa nàng về nhà bà nội nàng trong lúc nàng say rượu.
Đêm Ba Mươi Tết trên xa lộ, trời tối om. Nhiều chiếc xe,  như xe chúng tôi, vun vút chạy xa Sài Gòn. Gần như trên xe nào cũng có một cặp nhân tình.
Gần hết xa lộ, tôi dừng xe bên một vườn cao su. Tôi xuống xe theo nàng, sương đêm xuống lạnh hai vai áo. Nàng đi vài bước trên con đường vắng, rộng thênh thang, rồi nàng dơ tay thả trái bong bóng bay lên trời. Nàng đứng nghiêng nghiêng, trong chiếc áo lạnh màu trắng cà-phê sữa, ngửa mặt nhìn theo trái bong bóng bay lên trời cao.

* Truyên viết để tưởng nhớ năm 1966 ở Sài Gòn.
HOÀNG HẢI THỦY



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top