Truyện Carlos Fuentes, Phạm đức Thân dịch: NỮ HOÀNG BÚP BÊ

 Carlos Fuentes, Phạm đức Thân dịch

NỮ HOÀNG BÚP BÊ

Tặng Maria Pilar và José Donoso



Carlos Fuentes (1928 - 2012) là nhà văn Mexico kiệt xuất, cùng với G. Garcia Marquez (Colombia) Mario Vargas Llosa  (Peru) Julio Cortazar (Argentina) thập niên 1960 tạo nên "bùng nổ" văn học Mỹ Latin khiến thế giới chú ý, với văn phong hiện thực huyền diêu (magic realism) kết hợp hiện thực với huyễn tuởng, huyền thoại phong phú của Mỹ Latin. Ông viết truyện dài, truyện ngắn, kịch, bình luận và đồng thời là nhà báo, nhà ngoại giao, giáo sư đại hoc và nhận được nhiều giải văn học của Mỹ Latin. Tác phẩm nổi tiếng có thể kể: La muerte de Artemio Cruz (Cái Chết của Artemio Cruz) Terra Nostra (Đất Nuớc Chúng Ta). Ông đuợc coi là Balzac của Mexico, nhưng ông cũng chịu ảnh hưởng của M. de Cervantes, F. Dostoevsy, M. Proust, F. Kafka, J. Joyce, W. Faulkner...
.
Nữ Hoàng Búp Bê là truyện ngắn nhưng khó đọc vì chứa đựng nhiều đặc điểm của văn phong truyện dài của C. Fuentes. pha lẫn thực tại và huyễn tuởng, xáo trộn thời gian, độc thoại nội tâm, dòng ý thức, liên tiếp thay đổi cương vị thuật sự, nhiều sử dụng ngũ quan để miêu tả, đôi khi khác lạ bất ngờ (nhìn nhạc, nghe vị, sờ mùi...), 
Chưa kể còn phúng dụ, ẩn dụ...Vd. Nữ Hoàng có thể tuợng trưng Nữ Thần Mặt Trăng (thần của sinh, yêu, chết) - tựa truyện là Nữ Hoàng Búp Bê, không phải Búp Bê Nữ Hoàng. Tên Amilamia do chữ lamia, là ma cà rồng nữ thường quyến rũ thanh niên để hút máu. Những Buổi Chiều trên Nông Trại (Afternoons on the Farm) làm liên tuởng tới  Afternoon of a Faun của S. Mallarmé....
.   
Câu chuyện có đủ cả mọi yếu tố huyền ảo, kinh dị, phỉnh gạt, hồi ức, điều tra trinh thám...buộc độc giả vào một chùm rối rắm và mong đợi thêm chi tiết. Cuối cùng độc giả thắc mắc tác giả có chủ ý gì đặc biệt hay là viết chỉ để độc giả suy nghĩ. Làm chủ đuợc văn phong và ngôn ngữ tác giả có tài xây dựng truyện hấp dẫn như là một tìm kiếm câu trả lời nhưng không bao giờ cho biết kết luận rõ ràng.

(Phạm đức Thân dịch từ bản Anh ngữ The Doll Queen của Margaret Sayers Peden,)

https://www.imdb.com/title/tt0067459/mediaviewer/rm2706937857/?ref_=tt_md_10 
 

 I     

Tôi đi vì cái thẻ đó - một thẻ lạ lùng làm sao - gợi nhớ đến hiện hữu của cô bé. Tôi tìm thấy nó trong một quyển sách bỏ quên mà những trang sách đã làm sống lại ám ảnh của viết chữ đẹp thời trẻ con. Lâu lắm rồi lần đầu tiên tôi thu xếp lại đống sách. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì có quyển đặt trên kệ cao nhất, đã rất lâu không đọc. Lâu đến nỗi các cạnh của trang giấy như nổi hạt, và một trộn lẫn bụi vàng cùng vẩy cáu bẩn xám rơi trên lòng bàn tay tôi mở ra, làm nhớ đến nước sơn phủ bóng trên những thân hình thoáng thấy đầu tiên trong mộng và sau này trong hiện thực giả trang của trình diễn vũ kịch mà chúng tôi được xem lần đầu tiên. Đó là một quyển sách thời nhỏ của tôi - có lẽ thời nhỏ của nhiều đứa trẻ - liên quan ít nhiều đến một chuỗi những câu truyện điển hình hung bạo có đặc tính là xô đẩy chúng tôi vào lòng người lớn để hỏi đi hỏi lại: Tại sao? Những trẻ vô ơn cha mẹ; những thiếu nữ trinh trắng bị bắt cóc bởi những kỵ sĩ dũng cảm và trở về trong xấu hổ - cũng như những người vui vẻ từ bỏ tổ ấm gia đình; những người già, để đổi lấy chuyện tha cho món nợ quá hạn, đòi lấy cho đuợc cô gái đẹp nhất, chịu đau khổ lâu dài nhất của gia đình bị đe dọa..Tại sao? Tôi không nhớ được những câu trả lời. Tôi chỉ biết rằng từ những trang giấy hoen ố đã bay ra chiếc thẻ trắng với chữ viết xấu xí sai chính tả của Amilamia: Amilamia xẽ khôn quên bạn tốt của mìn - hãy den gặp tôi tai day nơi tôi vẽ nó.    

Và trên mặt kia của thẻ là phác họa một lối đi khởi từ dấu X, rõ ràng là cái ghế dài công viên nơi tôi, một thiếu niên chống lại cái giáo dục chán ngấy và áp đặt, đã quên thời khóa biểu lớp học để tiêu nhiều giờ vào đọc sách mà, nếu thật sự không do tôi viết, thì hình như có vẻ đúng là vậy: ai có thể ngờ rằng chỉ từ tưởng tượng của tôi đã nhẩy ra nào những tay cướp biển, nào những người truyền tin của sa hoàng, nào những cậu trai nhỏ tuổi hơn tôi một tí mà đã trôi nổi cả ngày xuôi một con sông lớn ở Mỹ trên một chiếc bè. Nắm chặt cạnh ghế công viên như thể đó là cái mỏm truớc của yên ngựa huyền ảo, thoạt tiên tôi không nghe tiếng bước chân sau khi chạy xuống lối đi công viên lát sỏi đã khe khẽ ngưng lại phía sau tôi. Đó là Amilamia, và tôi không biết trong bao lâu em đã im lặng đánh bạn với tôi, nếu không có một chiều kia do thích tinh nghịch em đã chọn làm nhột tai tôi bằng cách lấy hoa bồ công anh thổi về phía tôi, môi tru ra và trán nhăn thành nếp.

Em hỏi tên tôi, và sau khi coi đây như là chuyện rất nghiêm túc em nói tên mình kèm với mỉm cười nếu không thành thực thì cũng không có vẻ gì là đã quá luyện tập. Nhanh chóng tôi nhận thấy Amilamia đã khám phá ra, nếu chữ đó là đúng, một kiểu biểu thị nằm giữa chân thật ngây thơ của tuổi em vả những hình thức bắt chước người lớn mà những trẻ được giáo dục đàng hoàng phải biết, đặc biệt là cho những lúc giới thiệu hoặc chia tay. Cái nghiêm túc của Amilamia đúng hơn là quà tặng của tự nhiên, trong khi những bộc phát nổi hứng của em, trái lại, hình như có vẻ giả tạo. Tôi thích nhớ lại em, chiều này qua chiều khác, trong một liên tiếp những hình ảnh gộp chung lại tổng kết thành một Amilamia đầy đủ trọn vẹn. Và tôi không thể ngừng ngạc nhiên thấy rằng tôi không tài nào nghĩ về em thực sự ra sao, hoặc nhớ lại em đã thực sự di chuyển thế nào - nhẹ nhàng, dò hỏi, luôn luôn nhìn chung quanh, Tôi đành phải nhớ em cố định vĩnh viễn trong thời gian, như trong một quyển album. Amilamia ở đằng xa, tại một điểm nơi ngọn đồi bắt đầu thoai thoải từ một hồ nước và cây cỏ ba lá, xuống cánh đống phẳng nơi tôi đang ngồi quen đọc sách: một điểm chuyển đổi không ngừng của bóng cây vá ánh nắng, và một bàn tay vẫy vẫy về phía tôi từ trên đồi cao. Amilamia ngưng đọng đông cứng trong khi bay xuống đồi, váy trắng căng phồng, quần trong vải hoa buộc vào cẳng bằng giải cao su, miệng mở, mắt nhắm ti hí để chống lại luồng không khí, em kêu lên thích thú. Amilamia ngồi dưới cây bạch đàn, giả vờ khóc để tôi phải lại gần. Amilamia nằm sấp tay cầm một bông hoa: những cánh hoa sau này tôi khám phá ra không trồng trong công viên mà tại đâu đó chỗ khác, có lẽ trong vườn nhà Amilamia, vì túi tạp dề xanh lam sọc vuông của em thường đầy những hoa trắng này. Amilamia quan sát tôi đọc, hai tay nắm vào thanh ghế xanh lục, dò hỏi bằng đôi mắt xám: tôi nhớ lại em không bao giờ hỏi tôi đang đọc gì, như thể em có thể thần đoán trong mắt tôi những hình ảnh xuất phát từ trang sách. Amilamia cuời thích thú khi tôi nắm eo nhấc bổng em lên xoay quanh đầu tôi; em hình như khám phá ra một phối cảnh mới về thế giới trong khi bay vòng vòng chậm rãi. Amilamia quay lưng lại tôi và vẫy tay tạm biệt, cánh tay giơ cao, các ngón tay ngọ ngoạy phấn khích. Và Amilamia trong cả ngàn dáng điệu em thực hiện chung quanh chiếc ghế tôi ngồi, treo lộn ngược, quần thụng căng phồng, ngồi trên sỏi đá khoanh chân lại và cằm chống trên nắm tay; nằm ngửa trên cỏ, phơi rốn dưới mặt trời; đan dệt các nhánh cây, vẽ hình thú trên bùn bằng một cành cây, liếm những thanh ghế, trốn phía dưới ghế, tước vỏ đã hơi bong ra của thân cây cổ thụ, chăm chú ngó chân trời xa ngoài đồi, ầm ừ mắt nhắm lại, bắt chước tiếng chim, chó, mèo, gà mái, ngựa. Tất cả cho tôi và tuy nhiên không có gì hết. Chính cái cách thức em hiện hữu bên tôi, tất cả những điều này tôi nhớ, nhưng tôi cũng nhớ cả cách em một mình trong công viên. Phải, có lẽ ký ức của tôi về em rời rạc, chắp vá vì đọc sách xen kẽ với ngắm nhìn cô bé má bầu bĩnh, tóc mượt thay đổi trong phản chiếu của ánh sáng: khi thì mầu lúa mì, khi thì mầu hạt dẻ nướng. Và chỉ hôm nay tôi mới nhận ra rằng tại thời điểm đó bằng cách nào đó Amilamia đã thiết lập nên một cái điểm khác hỗ trợ  cho đời tôi, cái điểm đã tạo nên căng thẳng, giằng co giữa tuổi thơ ngập ngừng bất quyết và thế giới rộng lớn, miền đất hứa đang bắt đầu là của tôi qua đọc sách.

     Hồi đó không. Hồi đó tôi mơ tưởng về những phụ nữ trong sách, về một phụ nữ toàn hảo - chữ này đã làm phiền tôi, không hiểu thực sự nghĩa thế nào - đã cải trang thành Nữ Hoàng để bí mật mua cái vòng cổ, về những nhân vật tưởng tượng của huyền thoại - một nửa người nhận ra được, một nửa như kỳ nhông bụng ướt, ngực trắng - nằm đợi vua chúa trên giuờng. Và như vậy, dần dà không hề nhận ra, tôi đã chuyển từ thờ ơ lãnh đạm với cô bạn nhỏ thiếu thời sang chấp nhận cái duyên dáng và nghiêm túc của em, để rồi từ đó đi tới chối bỏ không ngờ một hiện diện đã trở nên không ích gì cho tôi. Cuối cùng em làm tôi bực mình, tôi 14 tuổi bực mình bởi cô bé 7 tuổi, chuyện này chưa thành ký ức hay hoài niệm, nhưng đúng hơn chỉ là quá khứ và hiện thực của nó. Tôi đã để mình bị lôi đi bởi yếu kém. Chúng tôi đã nắm tay nhau cùng chạy qua cánh đồng. Chúng tôi đã cùng nhau rung lắc những cây thông và nhặt những quả thông mà Amilamia ghen tỵ cất giữ trong túi tạp dề. Chúng tôi đã cùng nhau gấp giấy làm thuyền và vui tươi sung sướng dõi theo chúng tới tận rìa rãnh nuớc. và buổi chiều hôm đó, giữa la hét của hân hoan vui thích, khi chúng tôi cùng nhau ngã xuống đối và lăn tới chân đồi mới ngưng lại. Amilamia nằm trên ngực tôi, tóc em lọt giữa hai môi tôi; nhưng khi tôi cảm thấy em thở hổn hển vào tai tôi và cánh tay dính kẹo ôm quanh cổ tôi thì tôi giận dữ hất cánh tay em ra và để em ngã tiếp. Amilamia khóc, xoa xoa đầu gối và khuỷu tay xây xát, còn tôi trở lại ghế. Rồi Amilamia bỏ đi và hôm sau trở lại, đưa tôi cái thẻ không nói một lời, và ầm ừ, biến mất vào rừng cây. Tôi do dự không biết xé cái thẻ hay kẹp nó vào trang sách quyển: Những Buổi Chiều trên Nông Trại. Ngay cả đọc sách của tôi cũng trở nên trẻ con vì Amilamia. Em đã không trở lại công viên. Vài ngày sau đó tôi rời công viên đi nghỉ mát và khi trở về thì là lúc bận rộn bổn phận của năm đầu trường dự bị. Tôi không bao giờ gặp lại em.


II

Và bây giờ hầu như đã từ bỏ cái hình ảnh xa lạ không còn ảo tưởng, nhưng cảm thấy xót xa hơn bởi sao mà nó thực tiễn thế, tôi trở lại cái công viên đã quên, và đứng truớc lùm cây thông và bạch đàn tôi nhận ra cái nhỏ hẹp của chu vi đám cây con lởm chởm mà ký ức của tôi khăng khăng vẽ ra thành độ lớn đủ chỗ cho tưởng tượng phình to rộng. Dẫu sao Michel Strogoff và Huckleberry Finn, Milady de Winter và Geneviève de Brabant đã sinh ra, sống và chết tại đây: trong một vườn nhỏ bao quanh bởi những đường ray sắt bám rêu, trồng thưa thớt những cây cổ lỗ bỏ hoang, chẳng tô điểm đẹp thêm bởi một chiếc ghế dài bằng xi măng sơn trông giống gỗ, buộc tôi phải nghĩ rằng cái ghế dài đẹp đẽ thanh sắt xanh lục chẳng bao giờ hiện hữu, hoặc chỉ là một phần của mê sảng hồi tưởng cho có trật tự đâu ra đấy. 

Và ngọn đồi...Làm sao có thể tin rằng cái mỏm đất Amilamia lên và xuống khi tới và đi hàng ngày, cái dốc chúng tôi cùng nhau lăn xuống, lại là thế này. Một khu đất hơi cao những bụi cây sẫm mầu không cao hơn và dốc hơn cái mà ký ức tôi đã tạo ra.

      Hãy den gặp tôi tai day nơi tôi vẽ nó. Vậy thì tôi sẽ phải đi qua vườn, bỏ lại đằng sau rừng cây, xuống đồi qua ba bực dốc, xuyên qua khu nhỏ đám cây hạt dẻ - nhất định đây là chỗ em đã thu lượm những cánh hoa trắng - mở cánh cổng công viên kêu cót két và liền ngay đó nhớ lại...biết...thấy mình đang đứng truớc một con đường, nhận ra rằng mỗi chiều của thời niên thiếu, như thể nhờ phép lạ, tôi đã thành công làm ngưng đọng được nhịp thở của thành phố chung quanh, hư vô hóa luồng thủy triều âm thanh của tiếng còi, tiếng chuông, tiéng người, tiếng khóc, tiếng máy, tiếng radio, tiếng chửi thề. Đâu là cái hấp dẫn đích thực, công viên yên tĩnh hay thành phố sôi động?

     Tôi đợi cho đèn đường thay đổi, và băng qua phía bên kia, mắt không rời cái đèn hoa diên vĩ đỏ ngăn lại xe cộ. Tôi xem lại cái thẻ của Amilamia. Dẫu sao cái phác đồ thô sơ này là cái hấp dẫn đích thực của tôi đang sống lúc đó, và chỉ nghĩ đến nó làm tôi băn khuăn áy náy. Sau những buổi chiều mất mát của tuổi 14 tôi đã bắt buộc phải tuân theo kỷ luật; bây giờ tôi thấy mình, ở tuổi 29, được chứng nhận bằng cấp thích đáng đàng hoàng, làm chủ một văn phòng, lợi tức trung bình được bảo đảm, vẫn còn độc thân, không có gia đình để phải trợ cấp, hơi chán ngủ với những thư ký, hiếm khi sốt sắng thỉnh thoảng về quê hay ra biển, bỗng cảm thấy thiếu một cái gì hấp dẫn quan trọng như sách, công viên, và Amilamia đã từng một lần tôi có được. Tôi bước xuống đường của khu ngoại ô xám. Những nhà một tầng, khung cửa tróc sơn, nối tiếp nhau đơn điệu. Âm thanh yếu ớt của khu vực không phá vỡ tính đồng dạng chung: đây tiếng sè sè của thợ mài dao, kia tiếng gõ búa của người sửa giầy. Trẻ em khu vực đang chơi đùa tại những đường cụt. Tiếng nhạc của người quay đàn hộp đi rong lọt vào tai tôi, hòa lẫn với tiếng trẻ ồn ào trong các hiệp chơi. Tôi ngừng một lát để xem chúng, với cảm giác thoáng qua rằng Amilamia hẳn phải trong số những nhóm trẻ này, thiếu ý tứ phô ra cái quần trong vải hoa, treo chỗ đầu gối trên một ban công nào đó, hãy còn thích trò nhào lộn, túi tạp dề đầy những cánh hoa trắng. Tôi mỉm cười và lần đầu tiên tôi có thể tưởng tượng cô thiếu nữ 22 tuổi, ngay nếu cô vẫn còn ở địa chỉ này, sẽ cười nhạo ký ức của tôi, hoặc có lẽ đã quên những buổi chiều ở công viên.

     Căn nhà giống hệt như những căn nhà khác. Cửa vào nặng dầy, hai cửa sổ chấn song với các cánh cửa sổ đóng kín. Một căn nhà một tầng, phía trên có bao lơn xây giả kiểu tân cổ điển có thể che dấu những sự kiện thực tế của sân thượng: quần áo treo trên giây, những thùng nước, chỗ ờ của người làm, lồng gà. Truớc khi tôi rung chuông, tôi muốn rũ bỏ bất cứ ảo tưởng nào. Amilamia không còn sống ở đây. Tại sao em lại ở 15 năm trong cùng một căn nhà? Hơn nữa, mặc dù em cô đơn và độc lập sớm, em hình như là một trẻ được nuôi dậy đàng hoàng, có tư cách tốt, và khu vực này thì không còn khang trang; nhất định là cha mẹ Amilamia đã chuyển đi nơi khác. Nhưng người ở mới có lẽ biết họ ở đâu.

     Tôi rung chuông và đợi. Tôi rung lần nữa. Đây là một chuyện bất ngờ khác: không có ai ở nhà. Và tôi có nên cảm thấy cần phải xem lại chuyện tìm cô bạn thiếu thời không? Không. Vì sẽ không xẩy ra lần thứ hai chuyện tôi mở quyển sách thời nhỏ và tìm thấy cái thẻ của Amilimia. Tôi sẽ quay trở lại cái thường ngày của mình, Tôi sẽ quên đi cái khoảnh khắc mà quan trọng của nó nằm ở chỗ là một ngạc nhiên thoáng qua bất ngờ.

     Tôi rung chuông một lần nữa. Tôi áp tai vào cửa và tôi giật mình: tôi có thể nghe tiếng thở không đều, khò khè phía bên kia cửa; âm thanh của thở khó nhọc, kèm theo mùi khó chịu của thuốc lá mốc, lọt qua khe cửa

     "Chào ông. Xin ông làm ơn cho biết...?"

     Khi ông ta nghe tiếng tôi, người đàn ông lùi xa, bước chân nặng nề chập choạng. Tôi lại rung chuông và lần này la to: "Hê! Mở cửa! Chuyện gì vậy? Nghe tôi nói không?"

     Không có trả lời. Tôi tiếp tục rung chuông, nhưng không kết quả. Tôi lùi lại khỏi cửa, vẫn còn ngó chăm chăm vào cái khe cửa bé tí, như thể khoảng cách có thể cho tôi nhìn rõ phối cảnh, hoặc ngay cả xuyên thủng. Chú ý chăm chăm vào cái cửa chết tiệt, tôi đã lùi lại xuống tới lòng đưởng. Một tiếng thét lớn, theo sau là một tiếng còi giận dữ kéo dài đã cứu tôi kịp thời. Choáng váng tôi tìm người đã vừa kêu lên cứu tôi. Tôi chỉ thấy chiếc xe hơi đang chạy xuôi trên đường, và tôi bám vào cái trụ đèn, còn hơn cả an toàn, đã hỗ trợ tôi trong khi máu lạnh cóng chạy ào qua da nóng bừng toát mồ hôi, Tôi nhìn về phía cái nhà đã từng là, đã là, hẳn phải là nhà của Amilamia. Kia, đằng sau cái bao lơn, như tôi đã biết truớc sẽ có, quần áo treo phơi khô đang bay phấp phới. Tôi không  biết có gì khác treo ở đó - váy, đồ ngủ, áo bờ lu - tôi không biết. Tất cả gì tôi thấy là cái tạp dề nhỏ xanh lam sọc vuông hồ cứng, kẹp bằng mấy cái kẹp áo vào sợi dây dài đong đưa giữa một song sắt và một đinh ở tường trắng của sân thuợng.


 

III

Trong Phòng Hồ Sơ tôi được bảo chủ tài sản tên là R. Valdivia, nguời cho mướn căn nhà. Cho ai mướn? Họ không biết. Valdivia là ai? Ông ta khai trên giấy tờ là doanh nhân. Ông hiện sống ở đâu? Anh là ai? người phụ nữ trẻ tò mò  cao giọng hỏi tôi. Tôi đã không thể giữ bình tĩnh và tự tin. Giấc ngủ đã không làm giảm mệt mỏi căng thẳng. Valdivia. Khi tôi rời văn phòng, mặt trời làm tôi khó chịu. Tôi liên kết cái ác cảm gây ra bởi mặt trời nóng bốc hơi đang rọi chiếu qua mây - như thế càng làm cho mạnh hơn - với ham muốn trở về cái công viên râm mát, ẩm thấp. Không. Chính chỉ là cái khao khát muốn biết Amilamia có còn sống trong căn nhà đó không và tại sao họ không cho tôi vào. Nhưng tôi phải từ bỏ cái ý tưởng phi lý làm tôi thức suốt đêm. Đã nhìn thấy cái tạp dề phơi trên sân thượng, cái tạp dề em dùng để giữ hoa, tôi bắt đầu tin rằng trong căn nhà đó có sống cô bé 7 tuổi tôi đã biết 14, 15 năm truớc..Cô hẳn phải có con gái nhỏ! Phải. Amilamia ở tuổi 22 là mẹ một em bé có lẽ cũng ăn mặc như mẹ, trông giống như mẹ, lập lại các trò chơi như mẹ, và - ai biết đấy -  có thể ngay cả cũng tới cùng cái công viên. Chìm trong suy nghĩ, tôi một lần nữa lại đã tới cửa căn nhà. Tôi rung chuông và chờ đợi tiếng thở nặng nhọc bên kia cửa. Tôi đã lầm. Cửa mở ra bởi một phụ nữ, không thể nào quá 50. Nhưng quấn trong một khăn choàng, mặc đồ đen và giầy thấp đen, không trang điểm và tóc muối tiêu thắt nút thành búi, bà hình như đã chối bỏ mọi ảo tuởng hay bề ngoài của tuổi trẻ. Bà quan sát tôi bằng cặp mắt lãnh đạm đến độ gần như độc ác.

     "Cậu muốn gì?"

     "Ông Valdivia phái tôi đến." Tôi ho và tay đưa lên luồn vào tóc. Tôi lẽ ra nên cầm theo cái cặp ở sở. Tôi nhận ra rằng không có nó tôi không thể thủ vai thật giỏi được.

     "Valdivia?" bà ta hỏi không ngạc nhiên, không quan tâm.

     "Phải. Chủ căn nhà này."

     Một điều rõ ràng. Nguời đàn bà không để lộ gì trên nét mặt. Bà nhìn tôi, hờ hững.

     "Ờ, phải. Chủ căn nhà,"

     "Tôi vào được không?"
"Tôi liên kết cái ác cảm gây ra bởi mặt trời nóng bốc hơi đang rọi chiếu qua 
mây - như thế càng làm cho MẠNH hơn - với ham muốn trở về cái công viên
râm mát, ẩm thấp"

     Trong những hài kịch rẻ tiền, tôi nghĩ, người chào hàng rong thường thò một chân vào trong chẹn cửa để thiên hạ không thể đóng cửa vào mặt mình. Tôi cũng làm vậy, nhưng người đàn bà đã bước lui lại và lấy tay ra hiệu mời tôi vào cái có thể là nhà xe. Một cạnh nhà là cánh cửa gắn ô kính, sơn đã nhạt mầu. Tôi bước về phía cửa qua lối đi lát ngói vàng và quay vế phía người đàn bà đang bước những bước ngắn theo sau, hỏi lại: "Lối này?"

     Tôi chú ý lần đầu tiên, trong bàn tay nhợt nhạt, bà cầm một chuỗi hạt và không ngừng mân mê. Từ hồi nhỏ tôi đã chưa từng thấy một chuỗi hạt cổ lỗ nào như vầy và tôi muốn nói điều này, nhưng thái độ thiếu lịch sự thẳng thừng của bà khi mở cửa làm tôi không muốn cho không, bắt chuyện. Chúng tôi vào một phòng dài hẹp. Người đàn bà mau chóng mở toang các cánh cửa sổ. Nhưng do bốn cái chậu sứ bao kính trồng những cây vạn niên nên căn phòng vẫn chìm trong bóng tối. Đồ vật khác duy nhất trong phòng là một sofa bằng mây với lưng ghế cao và một ghế bập bênh. Nhưng cây trồng và đồ đạc thưa thớt chẳng phải là những thứ tôi chu ý.

     Người đàn bà bảo tôi ngồi xuống sofa rồi bà ngồi vào chiếc ghế bập bênh. Cạnh tôi trên tay ghế mở ngỏ một sách giống như tạp chí.

     "Ông Valdivia gừi lời xin lỗi vì đã không đích thân đến,"

     Nguời đàn bà đong đưa ghế, mắt không chớp. Qua khóe mắt tôi liếc nhìn quyển sách khôi hài.

     "Ông gửi lời thăm hỏi và..."

     Tôi ngừng chờ đợi phản ứng của người phụ nữ. Bà tiếp tục đong đưa ghế.

     Sách tạp chí viết nguệch ngoạc những chữ đỏ.

     "...và bảo tôi tin bà biết rằng ông sẽ phải làm phiền bà trong vài ngày..."

     Mắt tôi nhanh chóng lục lọi căn phòng.

     "...Cần phải lượng giá lại căn nhà để tính thuế. Hình như việc này đã không được làm trong...Bà đã sống ở đây từ..."

     Phải. Đó là một thỏi son ngắn nằm dưới ghế. Nếu người đàn bà mỉm cười thì đó là trong khi tay bà vẫn chậm rãi mân mê chuỗi hạt. Tôi thoáng cảm thấy một ánh diễu cợt không làm hiện chút khó chịu nào trên mặt bà. Bà vẫn không trả lời.

     "...từ ít nhất 15 năm, đúng không?"

     Bà không thừa nhận. Bà không bác bỏ. Và trên cặp môi mỏng nhợt nhạt không có chút son nào.

     "...Bà, chồng bà, và...?"

     Bà ngó chăm chăm tôi, không hề thay đổi nét mặt, hầu như thách thức tôi tiếp tục. Chúng tôi ngồi yên lặng một lúc, bà mân mê chuỗi hạt, tôi dợm người tới truớc, tay đặt trên đầu gối, đứng dậy.
     "Thôi đuợc, chiều nay tôi sẽ trở lại với các giấy tờ..."     


Người đàn bà gật đầu và lặng lẽ nhặt thỏi son và sách khôi hài, dấu chúng trong khăn choàng..
 

 IV


Quang cảnh không thay đổi. Chiều nay trong khi tôi viết những con số giả mạo vào quyển sổ và giả vờ chú ý đến  lượng định giá trị cái sàn gỗ xám xịt và chiều dài phòng khách, người đàn bà đong đưa ghế, ba thập niên của chuỗi hạt thì thầm qua những ngón tay bà. Tôi thở phào khi hoàn tất cái giả định là kiểm kê của phòng khách và xin phép xem phần còn lại của căn nhà. Người đàn bà vừa nhỏm dậy vừa tựa cánh tay áo đen dài xuống mặt ghế, sửa lại khăn choàng trên đôi vai nhỏ gầy guộc. 

Bà mở cánh cửa thủy tinh mờ và chúng tôi bước vào phòng ăn có thêm rất ít đồ đạc. Nhưng cái bàn có chân bằng nhôm và bốn ghế dựa bằng nhôm với nhựa, chẳng cho thấy chúng phân biệt gì với đồ đạc phòng khách. Cửa sổ khác, với chấn song sắt và cánh cửa sổ đóng kín, hẳn đôi khi được mở ra làm sáng phòng ăn với các bức tường trống trơn, và không có kệ hoặc tủ bát đĩa. Vật duy nhất trên bàn là một đĩa nhựa đựng trái cây gồm một chùm nho đen, hai quả đào, với đám ruồi vo ve phía trên. Người phụ nữ, khoanh tay, mặt không chút biểu lộ, ngừng lại sau tôi. Tôi mạo hiểm phá vỡ cái trật tự của sự việc: rõ ràng những phòng này sẽ không cho tôi biết điều thực sự tôi muốn biết.

     "Chúng ta có thể lên sân thượng được không?" Tôi hỏi. "Đó có thể là cách tốt nhất để đo lường toàn khu vực."

     Cặp mắt người đàn bà sáng lên khi bà nhìn tôi, hoặc có lẽ chỉ là do tương phản với tối tăm của phòng ăn,

     "Để làm gì?" sau cùng bà nói. "Ông...Valdivia...biết kích thước rất rõ."

     Những ngập ngừng này, truớc và sau tên chủ nhà, là chỉ dấu cho thấy có cái gì đó sau củng đã bắt đầu làm phiền bà, buộc bà để tự vệ phải dựa vào một kiểu diễu nhại nào đó.

     "Tôi không biết," tôi cố cười gượng. "Có lẽ tôi thích đi từ trên xuống dưới và không phải" - nụ cười gỉa tạo của tôi  biến mất - "từ dưới lên trên"

    "Cậu sẽ đi theo cách tôi chỉ cậu." người đàn bà nói, cánh tay khoanh truớc ngực, cây thánh giá bạc đong đưa chỗ áo đen truớc bụng.

     Truớc khi mỉm cười yếu ớt, tôi tự bắt mình phải nhận thức rằng trong bóng tối này, điệu bộ cử chỉ của tôi vô dụng, ngay cả chỉ tượng trưng cũng không. Tôi mở quyển sổ, bìa cứng kêu sột soạt, và tiếp tục ghi chú thật nhanh, không hề ngó lên, viết xuống những con số và lượng giá cho một công việc mà tính hư cấu của nó - má tôi hơi đỏ và lưỡi khô khốc bảo tôi - đang chẳng đánh lừa được ai, Và khi tôi phủ đầy tờ phác đồ với những con số phi lý, những căn bậc hai và công thức đại số, tôi tự hỏi cái gì đã khiến tôi không đi thẳng vào đề, không hỏi về Amilamia và ra khỏi đây với một trả lời thỏa mãn. Không có gì cả. Tuy nhiên tôi chắc chắn, ngay dù tôi có câu trả lời, tôi sẽ không biết được sự thật. Người đồng hành với tôi nhỏ thó, im lặng là người tôi sẽ không nhìn lần thứ hai khi gặp ngoài đường, nhưng trong căn nhà hầu như không ai ở với đồ đạc thưa thớt, bà không còn là một khuôn mặt vô danh trong đám đông và biến thành một nhân vật bí hiểm trong các truyện muôn thuở cũ mèm. Nghịch lý là ở chỗ đó, và nếu ký ức về Amilamia đã có lần được khơi dậy lại bởi ham thích tưởng tượng của tôi, tôi sẽ theo đúng luật chơi. Tôi sẽ đào tận gốc mọi vẻ bên ngoài, và không ngừng nghỉ cho tới khi có được câu trả lời - có lẽ đơn giản và rõ ràng, trực tiếp và hiển nhiên - nằm ngoài những che đậy mà bà có chuỗi hạt bất ngờ đưa ra cản đường. Tôi có ban khống cho người chủ miễn cưỡng một ngạc nhiên lạ lùng nào không? Nếu có, tôi sẽ chỉ thích thú hơn trong những mê cung chính tôi nghĩ ra. Và các con ruồi vẫn đang vo ve trên đĩa trái cây, thỉnh thoảng đậu xuống chỗ bị hao hụt của trái đào, một miếng cắn nhỏ - lấy cớ phải ghi chú tôi nghiêng người gần hơn - chỗ răng nhỏ đã để lại vết cắn trên vỏ mịn và thịt trái đào. Tôi không nhìn về phía bà. Tôi giả vờ đang ghi chú. Trái cây hình như bị cắn, không cần phải cầm lên. Tôi khom người xuống để nhìn rõ hơn, đặt hai tay trên bàn, đưa môi gần hơn như thể muốn tái diễn hành động cắn đào mà không cần phải cầm nó. Tôi nhìn xuống và thấy dấu hiệu khác gần chân tôi: vết xe của hai lốp cao su trông như của xe đạp, vết in của hai lốp kéo dài tới cạnh bàn và rời đi, nhạt dần theo chiều dài căn phòng, về phía bà ....  

     Tôi gấp quyển sổ lại

     "Thưa bà, chúng ta tiếp tục."

     Khi tôi quay về phía bà, tôi thấy bà đứng hai tay chống trên lưng một ghế dựa. Ngồi truớc bà, ho vì khói thuốc lá đen, là một ông to con vai rộng và cặp mắt như bị che dấu mất: cặp mắt này, hầu như không nhìn thấy sau mí mắt phồng to nhăn nhúm, dày và rủ xuống như cổ con rùa lâu đời, tuy nhiên đang theo dõi mọi cử chỉ của tôi. Má cạo không sạch, ngang dọc cả ngàn nếp nhăn xám, trũng xuống từ xương gò má nhô cao, bàn tay hơi xanh lục gấp lại dưới cánh tay. Ông mặc áo sơ mi vải thô xanh lam, mái tóc rối quăn tít trông như đáy con tàu bám đầy sò nhỏ. Ông không cử động, dấu hiệu duy nhất hiện diện của ông là thở khó khăn như rít lên mà tôi đã từng nghe qua khe hở của cửa căn nhà (như thể mỗi hơi thở phải phá vỡ cửa chặn của đờm, khó chịu và lạm dụng thuốc lá).

     Lạ thật, ông lẩm bẩm: "Chào cậu..." và tôi bỗng sẵn sàng quên hết mọi sự: cái bí mật, Amilamia, chuyện lượng giá, dấu vết lốp xe đạp. Xuất hiện của con gấu già hen suyễn này biện minh cho một rút lui nhanh chóng. Tôi đáp lại "Chào ông," giọng điệu cho thấy tôi đang chào từ giã. Mặt nạ con rùa chuyển thành nụ cười xấu xí: mỗi lỗ chân lông của thịt hình như làm bằng cao su giòn dễ vỡ, bằng vải dầu với sơn đang tróc ra. Cánh tay vươn ra ngăn tôi lại.

     "Valdivia chết cách đây bốn năm," người đàn ông nói giọng tắc nghẹn, xa vắng phát xuất từ bụng hơn là từ thanh quản: một giọng cao, rít lên yếu ớt.

     Bị nắm chặt mạnh, hầu như đau đớn, tôi tự nhủ giả vờ chẳng ích lợi gì. Nhưng khuôn mặt cao su như sáp đang quan sát tôi không nói gì, và vì thế, mặc dù mọi sự, tôi còn có thể giả vờ một lần nữa, giả vờ như đang tự bảo với mình khi tôi nói: "Amilamia..."

     Phải; không ai phải giả vờ nữa. Nắm tay chụp cánh tay tôi chỉ trong thoáng chốc cho thấy sức mạnh của nó, liền nơi lỏng ngay kìm kẹp, rồi thõng xuống, yếu ớt và run rẩy, truớc khi nhấc lên lại, đưa bàn tay như sáp lên vai ông: người đàn bà, thoạt tiên bối rối, giờ nhìn tôi bằng cặp mắt của con chim bị thuơng và rên lên khô khan, sụt sùi nhưng không làm đổi chút nào vẻ mặt kinh ngạc cứng đờ. Đột nhiên hai người độc ác trong tưởng tượng của tôi lại là hai người già cô đơn, bị bỏ mặc, bị thuơng tổn, hầu như không thể tự an ủi, và cái siết tay rùng mình này đã làm tôi thật xấu hổ. Mơ tưởng quái dị đã đưa tôi tới cái phòng ăn cứng đơ này để xâm phạm riêng tư và bí mật của hai con người lưu đầy khỏi đời sống bởi một cái gì đó tôi không có quyền được chia sẻ. Tôi chưa bao giờ tự khinh mình nhiều như vầy. Chưa bao giờ tôi thấy lời nói của mình lại thất bại vụng về như vầy. Cử chỉ nào của tôi cũng sẽ vô ích: nên chăng tôi lại gần hơn, chạm vào họ, vuốt ve đầu người đàn bà, và xin họ tha thứ cho chuyện xâm nhập của tôi? Tôi nhét quyển sổ vào túi áo jacket, Tôi vứt bỏ vào quên lãng những đầu mối trong câu truyện trinh thám của tôi: sách khôi hài,  thỏi son, trái cây bị cắn, những vết lốp xe đạp, cái tạp dề xanh lục sọc vuông...tôi quyết định rời căn nhà không nói gì thêm. Ông già, từ sau cặp mí mắt dày hẳn đã chú ý thấy thế.

    Giọng cao khó thở hỏi: "Cậu đã có biết nó?"

    Thì quá khứ, tự nhiên thôi, quen sử dụng bởi họ hàng ngày, sau cùng đập tan ảo tưởng của tôi. Câu trả lời là đây. Cậu đã có biết nó? Đã bao lâu? Đã bao lâu thế giới sống không có Amilamia, bị ám sát thoạt tiên bởi quên lãng của tôi, và rồi sống lại, hầu như từ hôm qua, bởi một ký ức u buồn, bất lực? Từ khi nào đôi mắt xám nghiêm túc này đã thôi ngạc nhiên bởi hân hoan truớc một vườn luôn luôn hiu quạnh? Từ khi nào đôi môi này đã thôi tru ra hay mím lại trong cái vẻ nghiêm túc kiểu cách mà, bây giờ tôi mới nhận ra, Amilimia hẳn phải đã khám phá và thánh hóa vật dụng và biến chuyển của một cuộc đời mà có lẽ em trực giác là mong manh thoáng qua?

    "Vâng, chúng tôi đã cùng nhau chơi đùa ở công viên. Cách đây lâu lắm rồi."

    "Khi đó nó mấy tuổi?" ông già nói, giọng còn bị tắc nghẹt hơn truớc.

     "Em hẳn phải 7 tuổi. Không, già hơn thế."

     Người đàn bà cao giọng khi bà dơ tay lên như thể nài nỉ: "Nó trông thế nào, cậu.? Làm ơn cho chúng tôi biết nó trông thế nào?"

     Tôi nhắm mắt lại. "Amilamia cũng là một ký ức của tôi. Tôi chỉ có thể hình dung em qua những vật em đã chạm vào, những vật em đã mang lại, những gì em đã khám phá trong công viên. Phải. Bây giờ tôi thấy em, đi xuống ngọn đồi. Không. Bảo đó là khu chẳng cao mấy với những gốc cây con lởm chởm là không đúng. Đó là một ngọn đồi, có cỏ, và Amilamia đến và đi đã vạch thành một lối mòn, và em đã vẫy tay chào tôi trên đỉnh đồi truớc khi bắt đầu xuống, kèm theo có nhạc, phải, nhạc tôi đã nhìn thấy, sơn tôi đã ngửi thấy, vị tôi đã nghe thấy, mùi tôi đã sờ thấy...huyễn tưởng của tôi..." Họ có nghe tôi nói không? "Em đi xuống vẫy tay, mặc đồ trắng, trong tạp dề xanh lam sọc vuông...cái tạp dề ông bà đang treo trên sân thượng..."

     Họ nắm cánh tay tôi và tôi vẫn không mở mắt.

     "Nó trông sao, cậu/"

     "Mắt em xám và mầu tóc thay đổi trong phản chiếu của mặt trời và bóng cây..."

     Họ nhẹ nhàng dắt tôi đi, cả hai người. Tôi nghe tiếng thở nặng nhọc của người đàn ông, và tiếng va chạm của cây thánh giá chuỗi hạt vào thân người đàn bà.

     "Làm ơn cho chúng tôi biết..."

     "Không khí đã làm em chảy nước mắt khi em chạy; lúc em tới ghế tôi ngồi, má em long lanh bạc những giọt lệ vui sướng..."

     Tôi vẫn không mở mắt. Bây giờ chúng tôi đang đi lên cầu thang. Hai, năm, tám, chín, mười hai bậc. Bốn bàn tay dẫn dắt người tôi.

     "Nó trông sao, nó trông sao?"

     "Em đã ngồi dưới cây bạch đàn, và bện cành cây thành vòng hoa lá, và giả vờ khóc khiến tôi phải ngừng đọc để tới em..."

     Bản lề cửa kêu cọt kẹt. Mùi tỏa ra đánh bạt mọi thứ: nó làm tán loạn các giác quan khác, nó ngự trị như người Mông Cổ da vàng trên ngôi báu trong huyễn tưởng của tôi; nặng nề như quan tài, luồn lách như trơn trượt của lụa rủ, tô điểm chạm trổ như cây trượng Thổ Nhĩ Kỳ, tối mờ như mạch quặng sâu hun hút, chói sáng như ngôi sao chết. Mấy bàn tay không còn giữ tôi. Hơn cả sụt sùi, đó là run rẩy của người già đang bao phủ quanh tôi. 

     Từ từ tôi mở mắt: truớc hết còn choáng váng qua giác mạc ươn ướt, rối qua mạng mi mắt, nhìn thấy căn phòng ngộp thở trong trận chiến khổng lồ giữa các hương thơm, nồng nặc và mờ đục, những cánh hoa hầu như giống da thịt; hiện diện của hoa mạnh đến nỗi ở đây chúng hình như mang tính chất của da thịt sống - ngọt ngào của hoa nhài, nôn nao của hoa huệ trắng, hoa loa kèn của huyệt mộ, hoa dành dành của đền đài. Chiếu sáng qua môi sáp sáng chói của những ngon nến to cháy xèo xèo, phòng ngủ nhỏ không cửa sổ với hào quang của sáp và hoa ẩm thấp, tấn công vào ngay trung tâm mạng lưới thần kinh của tôi và từ đó, chỉ ở đan điền, trung tâm thần kinh của cuộc sống, tôi mới có thể tỉnh trí lại và nhận biết ngoài các cây nến, giữa những hoa rải rác, là cơ man đồ chơi cũ: các vòng đủ mầu sắc và những quả bóng nhăn nhúm thiếu hơi, anh đào khô trong, ngựa gỗ bờm trông thô không đều, xe máy, búp bê mù không tóc, gấu nhồi lòi cả mạt cưa, vịt bằng vải dầu bị chọc thủng, chó bị mối mọt, dây nhảy mòn bung cả sợi, lọ thủy tinh đựng kẹo khô khốc, giầy cũ mòn sờn, xe ba bánh (có ba bánh? không, hai, và không phải là bánh của xe đạp hai bánh - cặp bánh song song phía dưới), giầy nhỏ bằng da với len; và, đối diện tôi, trong tầm tay, cái quan tài nhỏ đặt trên những thùng xanh lam trang trí với hoa giấy, lần này hoa của đời sống, cẩm chướng và hướng dương, anh túc và tu líp, nhưng giống như những hoa khác, hoa của sự chết, tất cả gom thành một sưu tập góp nhặt tạo bởi bầu khí của cái nhà quàn nóng nực trong đó, an nghỉ giữa quan tài bằng bạc, giữa những tấm lụa đen, trên gối satin trắng, khuôn mặt bất động điềm tĩnh được viền quanh bởi đăng ten, nổi bật nhờ các sắc mầu hồng, lông mày kẻ bằng bút chì lợt nét, mi mắt khép, lông mi thật, dày, hắt bóng mảnh mai trên đôi má khỏe mạnh như ngày nào ở công viên. Đôi môi đỏ nghiêm túc, tạc dưới dạng hầu như trề ra giận dữ mà Amilamia giả vờ để cho tôi phải đến chơi. Tay khoanh vào nhau truớc ngực, Một chuỗi hạt, giống của mẹ em, quấn quanh cổ bằng sáp. Vải liệm trắng nhỏ phủ trên thân hình dễ thuơng, sạch sẽ, của tuổi truớc dậy thì.

     Hai người già đang quỳ gối sụt sùi.

     Tôi vươn tay ra và lướt ngón tay trên khuôn mặt bằng gốm của cô bạn nhỏ. Tôi cảm thấy cái lạnh của những nét sơn phết này, cái lạnh của nữ hoàng búp bê chủ trì cái phù hoa hoành tráng của phòng chết hoàng gia. Gốm, sáp, vải. Amilamia xẽ khôn quên ban tốt của mìn - hãy den gặp tôi tai day nơi tôi vẽ nó.

     Tôi rút ngón tay khỏi cái xác giả mạo. Dấu vết của vân tay lưu lại chỗ tôi sờ vào da búp bê.

     Và một nôn nao bò vào dạ dày nơi khói nến và mùi hơi khó ngửi của hoa huệ trắng trong căn phòng đóng kín đã đến tụ ở đó. Tôi quay lưng về phía mộ Amilamia. Tay người phụ nữ nắm cánh tay tôi. Cặp mắt chăm chăm ngây dại không có vẻ gì liên hệ với giọng đều đều bình tĩnh nói khẽ.

     "Đừng trở lại, cậu. Nếu cậu thực yêu nó, đừng trở lại nữa,"

     Tôi cầm tay mẹ Amilamia. Tôi nhìn qua đôi mắt choáng váng, thấy đầu ông già đang chôn giữa hai đầu gối, và tôi ra khỏi phòng, tới cầu thang, tới phòng khách, tới sân trong, tới ngoài đường.        
 

V

  Nếu không phải một năm thì chín hay mười tháng đã trôi qua. Hồi ức về cái sùng bái ngẫu tượng đó không còn làm tôi sợ. Tôi đã quên mùi hoa và hình ảnh của búp bê hóa thạch. Amilamia người thật đã trở lại trong ký ức tôi và tôi cảm thấy, nếu không phải là hài lòng, lành mạnh trở lại: công viên, cô bé sinh động, những giờ đọc sách thời niên thiếu, đã thắng những ám ảnh của một sùng bái bệnh hoạn. hình ảnh cuộc sống có sức mạnh hơn. Tôi tự nhủ sẽ sống mãi với Amilamia đích thực của tôi, kẻ chiến thắng cái hoạt kê của sự chết. Và một hôm tôi dám ngó lại cái quyển sổ ghi chú với tờ phác đồ, trên đó tôi viết những dữ kiện của một lượng giá giả mạo. Và từ những trang này, lần nữa, thẻ của Amilamia lại rơi ra, với chữ viết nguệch ngoạc trẻ con kinh khủng, và cái phác đồ từ công viên đến nhà em. Tôi mỉm cười khi nhặt nó lên. Tôi cắn một cạnh thẻ, nghĩ rằng, mặc dù mọi chuyện, hai người già tội nghiệp có thể chấp nhận món quà này.

 Tôi vừa huýt sáo vừa mặc jacket và vuốt thẳng cà vạt. Tại sao không tới gặp họ và tặng cái thẻ này có chữ viết của chính cô bé?

     Khi tới gần căn nhà một tầng tôi hầu như chạy. Mưa bắt đầu rơi lác đác nặng hột, đem khỏi mặt đất, bằng huyền diệu tức thì, cái mùi của mưa ướt phúc lành, khuấy động đất mùn và làm tăng nhanh mọi sức sống có gốc rễ trong bụi đất.

     Tôi rung chuông. Mưa trở nên nặng hơn và tôi cũng nôn nóng sốt ruột rung tiếp. Một giọng chát chúa vang lên: 

"Tôi ra đây!" và tôi chờ đợi bà mẹ với chuỗi hạt muôn thuở mở cửa cho tôi. Tôi lật cao cổ áo jacket. Quần áo, nguời tôi ngửi cũng khác trong mưa nữa. Cửa mở.

     "Anh cần chi? Anh đã đến, thật tuyệt vời!"

     Cô gái dị dạng ngồi trong xe lăn đặt một tay trên núm cửa và mỉm cười với tôi  gượng gạo, không thể hiểu ý nghĩa là thế nào. Cái bướu trên ngực cô khiến cho cái váy biến thành miếng vải trùm lên người, tuy nhiên là một miếng vải trắng tạo một vẻ làm dáng đối với cái tạp dề xanh lam sọc vuông. Cô thiếu nữ nhỏ nhắn lấy một gói thuốc lá từ túi tạp dề và nhanh chóng mồi một điếu, môi sơn mầu vàng cam để lại vết trên đầu điếu thuốc. Cô sửa lại mái tóc lúc nào cũng quăn mầu lúa mì vàng như đồng, và trong suốt thời khắc đó không ngừng chăm chăm nhìn tôi với vẻ hi vọng, dò hỏi, đau buồn - đồng thời pha lẫn sợ hãi.

     "Đừng, Carlos. Đi đi. Đừng trở lại."

     Và từ trong nhà, ngay lúc đó, tôi nghe tiếng thở lớn khó nhọc của ông già, đang tới gần.

     "Mày đâu? Mày há chẳng biết rằng mày không được trả lời gọi cửa? Vào ngay! Đồ quỷ cái! Tao lại phải đập mày nữa sao?"

     Mưa nhỏ giọt xuống trán tôi, má tôi và vào miệng tôi; và hai bàn tay nhỏ bé sợ sệt đánh rơi sách khôi hài xuống  vỉa hè đá sỏi ướt mưa.
 

 Phạm đức Thân dịch



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top