MỖI TUẦN MỘT KHUÔN MẶT VĂN HỌC: Nhất Linh


MỖI TUẦN MỘT KHUÔN MẶT VĂN HỌC

Nhất Linh



Tiểu sử Nhất Linh

Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam(1), sinh ngày 25 tháng 7 năm 1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, trong một gia đình sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức không dính líu đến văn nghệ và chính trị, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm, mất tích ở gần Hà Nội, đến Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, Tứ Ly Hoàng Ðạo – Nguyễn Tường Long, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam – Nguyễn Tường Lân và bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều là những người tham dự vào văn chương. Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Tường Bách viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường; và năm anh em Nhất Linh có những đóng góp tích cực trong việc quản trị các cơ sở báo chí và nhà in của Tự Lực Văn Ðoàn.

Thích văn chương từ nhỏ, năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi, có bài Bình Luận Văn Chương Về Truyện Kiều trong Nam Phong Tạp Chí.

Cuối năm 1923 đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ.

1926, Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Ðình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng  nghề vẽ và tìm đường đi du học.

1927 du học Pháp. Ðậu cử nhân khoa học. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản.

1930 trở về nước. Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Ðạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúngTiếng Cười, nhưng thiếu tiền, chưa ra được báo thì giấy phép quá hạn, bị rút.

Từ 30 đến 32, Nguyễn Tường Tam dạy tư ở các trường Thăng Long và Gia Long. Ở đây ông quen với Trần Khánh Giư – Khái Hưng. Sẵn có tờ Phong Hóa của giáo sư Phạm Hữu Ninh vừa đình bản, Nhất Linh mua lại và tục bản tờ Phong Hóa.

Kể từ ngày 22 tháng 9 năm 1932, báo Phong Hóa ra 8 trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.
Tự Lực Văn Ðoàn được thành lập năm 1933 với 7 người: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Ðạo, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí và Thế Lữ. Về vai trò lãnh đạo của Nhất Linh, Tú Mỡ kể lại:

 “Anh Tam thuê một cái nhà nhỏ ở ấp Thái Hà để mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì chớ, về đến đấy bàn bạc về cái tôn chỉ của nhà báo và soạn bài vở dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết, vừa vẽ. Anh đặt ra mục này, mục nọ, giao cho mọi người. Anh có lối làm việc rất khoa học. Anh đã giao cho ai việc gì thì chỉ có chuyên việc ấy. Nhiều lúc tôi muốn viết những bài thuộc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng ta. Tôi có thể nói, anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy.2”

Năm 1936, Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Ðạo viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu.

Tờ Ngày Nay -trước đã ra kèm với Phong Hóa- tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh phát động phong trào Ánh Sáng cùng nhóm Tự Lực, chống lại các nhà ổ chuột ở các khu lao động.

Năm 1939 Nguyễn Tường Tam lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Ðại Việt Dân Chính. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở thành công khai.

Năm 1940, Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đầy lên Sơn La, đến 1943 mới được thả. Trong thời gian này, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay.

Cuối năm 1941, Ngày Nay bị đóng cửa.

1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội vì bệnh lao.

Tại Quảng Châu, Liễu Châu, gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra, Nguyễn Tường Tam cũng bị giam 4 tháng. Trong thời gian từ 42 đến 44, ông học Anh văn và Hán văn, hoạt động trong Cách Mạng Ðồng Minh Hội, rồi về Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Sự tranh chấp, bắt bớ và thủ tiêu giữa hai đảng Việt Minh và Việt Quốc càng ngày càng gia tăng. Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang với quân đội, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Giai đoạn này đã được phản ánh trong Giòng Sông Thanh Thủy.

Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, với Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách.

Biến cố 19 tháng 8 năm 1945 bùng nổ. Việt Minh lên nắm chính quyền. Ngày Nay bị đóng cửa và phân tán.

Sau chiến tranh Việt Pháp ngày 19 tháng 12 năm 1946, Khái Hưng rời Hà Nội, tản cư về quê vợ ở Nam Ðịnh. Tại đây, bị công an Việt Minh bắt, ông bị thủ tiêu năm 1947.

Hoàng Ðạo và Nguyễn Tường Bách sang Trung Quốc. Hoàng Ðạo mất ở Quảng Châu tháng 8 năm 1948.

Thời điểm năm 1946, Việt Minh và Quốc Gia chủ trương hòa hoãn và hợp tác. Ðầu tháng 6 năm 1946, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội. Hợp tác với chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ ghế bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị trù bị Ðà Lạt. Ðược cử làm trưởng phái đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, nhưng ông từ chối và bỏ sang Tầu, gặp cựu hoàng Bảo Ðại, và ở lại Trung Hoa 4 năm.

Năm 1951, ông trở về Hà Nội và tuyên bố không thuộc đảng phái nào, không hoạt động chính trị.

Vài tháng sau, vào Nam, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản những sách Tự Lực Văn Ðoàn.

Năm 1953 lên Ðà Lạt ở ẩn, sống với hoa lan ven suối Ða Mê.

1958 rời Ðà Lạt về Sài Gòn, chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay, phát hành được 11 số thì bị đình bản.

Dính líu đến vụ đảo chính ngày 11 tháng 11 năm 1960, ông bị chính quyền Ngô Ðình Diệm gọi ra xử ngày mùng 8 tháng 7 năm 1963. Nhất Linh uống thuốc độc tự tử ngày mùng 7 tháng 7 năm 1963.

*
 Trong 40 năm hoạt động văn học và chính trị, Nhất Linh đã hoàn thành trên 20 tác phẩm, và những sách sau đây đã được xuất bản:

Nho phong, viết năm 1924
Người quay tơ, 1926
Anh phải sống, viết chung với Khái Hưng  1932-1933
Gánh hàng hoa, viết chung với Khái Hưng  1934
Ðời mưa gió, viết chung với Khái Hưng  1934
Nắng thu, 1934
Ðoạn tuyệt, 1934-1935
Ði Tây, 1935
Lạnh lùng, 1935-1936
Hai buổi chiều vàng, 1934-1937
Thế rồi một buổi chiều, 1934-1937
Ðôi bạn, 1936-1937
Bướm trắng, 1938-1939
Xóm Cầu Mới, 1949-1957
Viết và đọc tiểu thuyết, 1952-1961
Giòng sông Thanh Thủy, 1960-1961

Thụy Khuê Paris 1996

Chú thích:
1 Theo tiểu sử Nhất Linh, Nguyễn Ngu Í, Sống Và Viết Với …, Sàigòn 1966, Xuân Thư in lại, không đề rõ xuất xứ và năm tái bản. Trong phần chú thích, Nguyễn Ngu Í viết: “Tiểu sử này, do chính Nhất Linh đọc cho tôi viết và đã xem lại trước khi in, tôi xin giữ trọn vẹn và không thêm đoạn đời từ thu 1954 đến thu 1963, để giữ chút kỉ niệm về anh. Khi tái bản sẽ in bổ túc.” Và Nguyễn Ngu Í mất tháng 8 năm 1977 tại Sài Gòn. Hình như sách chưa tái bản khi còn sinh thời Nguyễn Ngu Í, cho nên chúng ta không có được phần tiểu sử Nhất Linh từ 54 đến 63, do chính Nhất Linh biên soạn.

2 Trích Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh, trang 128-129, Ðại Nam tái bản, không đề rõ xuất xứ và năm tái bản, Tú Mỡ trả lời Lê Thanh trong bài “Phỏng vấn các nhà văn”.

 

Đọc Văn Nhất Linh

Những Ngày Diễm Ảo
https://www.vietmessenger.com/books/taptruyen/nhungngaydiemao-1.jpg

I
- Em có thấy lạnh không?
Hiệp vừa hỏi vừa cho ngựa tiến sát bên xe, cái mình với chiếc khăn len, âu yếm quàng lên vai Diên. Diên mỉm cười thu hai tay áp vào ngực, rùng mình một cách nũng nịu :
- Nghe anh hỏi, em mới thấy lạnh. Tiện tay anh buộc khăn cẩn thận lại cho em, kẻo gió bay.
Rồi nàng nghiêng mình về phía Hiệp, ngửa cổ lên cho Hiệp buộc hộ nút khăn. Hai con mắt nàng dưới ánh nắng thu trông lấp lánh sau hai hàng mi đen và dài. Hiệp toan nói :
- Mắt em lúc này đẹp lạ!
Nhưng chàng giữ lại, vì thấy Sơn, người cháu của chàng đã ở phía bên kia đường cầm dây cương bước lên xe. Hiệp buộc vội nút khăn, ngửng hỏi Sơn :
- Cháu cho đi thong thả, kẻo đường xóc, sợ thím mệt.
Chàng giật mạnh dây cương: con ngựa trắng của chàng nhảy chồm hai chân trước ưỡn cổ, hí lên một tiếng dài.
Thấy Diên nhìn một cách tò mò, Hiệp hỏi :
- Nhà có biết cưỡi ngựa không?
Diên lắc đầu, Hiệp tiếp theo :
- Rồi mợ sẽ tập cưỡi. Cũng không khó gì!
Tuy Hiệp thích cưỡi ngựa, nhưng chàng vẫn lấy làm khó chịu vì không có ô-tô ra đón. Chàng hỏi Sơn :
- Tài xế vẫn ốm? Ốm gì mà lâu dữ thế? Cháu đã bảo rửa xe cẩn thận rồi đấy chứ?
Sơn thấy nói đến ô-tô, nét mặt hoạt động hẳn lên, hình như ở đời chỉ có chuyện ô-tô là đáng cho cậu để ý.
- Thưa chú, cháu phải xoay trần rửa mất một ngày mới hết bùn đấy. Cháu toan lái ra đón chú thím, nhưng sợ chưa vững tay, cho ô-tô xuống ruộng. Cái xe êm lạ, đi đường này êm như trên sân đất. Chủ đổi xe cũ phải các bao nhiêu?
Diên hỏi Hiệp :
- Có phải cái xe tôi đi hôm nọ không?
- Không, đấy là xe cũ. Đây là xe mới để thỉnh thoảng đưa nhà về Hà Nội cho tiện.
Diên mỉm cười sung sưóng. Câu chuyện không được tự nhiên của hai người nói trước mặt đứa cháu đã cho Diên cảm tưởng êm ái được là vợ Hiệp một cách chính thức. Tuy không một phút nào nghi ngờ cái tình của Hiệp đối với mình, nhưng vì thói quen, Diên vẫn phập phồng lo sợ: biết bao nhiêu người đã yêu nàng, và nàng đã yêu mà bây giờ đâu? Nàng cũng biết rằng hiện giờ nàng yêu Hiệp một cách thành thực, nhưng nàng vẫn sợ lòng nàng hay thay đổi.
Mới đây lúc nhận làm vợ Hiệp, nàng đã quyết định xóa bỏ cả quãng đời đã qua và lập nên một đời mới. Nhưng chưa chi nàng đã thất vọng vì Hiệp không muốn ngỏ cho cha biết: đám cưới của hai người chỉ có một bữa tiệc mời mươi anh em bạn thân đến chứng kiến. Thế rồi Hiệp đưa nàng về đồn điền nói là để yêu nhau trong một cảnh thần tiên. Nhưng nàng thì nàng cho là đi trốn.
Vì vậy nên những tiếng nhà, tiếng mợ kiểu cách của Hiệp, tiếng kêu nàng là thím đối với đứa cháu đã làm cho nàng vững tâm và tin rằng hôm nay nàng là một cô dâu mới về quê hương nhà chồng, quê hương của nàng từ nay.
Một chiếc lá rơi vụt qua mặt Diên, Diên ngửng lên, nói :
- Rặng cây cao nhỉ.
Hai bên đường, những cây gạo lên thẳng tắp; thân cây to lớn vẫn đứng im trong khi các lá tới tấp rung động, tiếng lá rào rào lẫn với tiếng một đàn chim sáo đen, Diên tẩn mẩn đưa mắt ngắm những chiếc lá rời cành rơi mãi mói xuống tới đất.
Hiệp quay lại nói :
- Mợ làm như cả đời không được thấy cây gạo.
Diên âu yếm nhìn chồng :
- Hôm nay em trông cảnh gì cũng thấy đẹp... Nhà cho em mượn cái mũ đội cho khỏi chói mắt.
Hiệp quay lại vứt mũ vào lòng vợ. Diên giơ tay đỡ lấy, đội nghiêng trên đầu. Hiệp nhìn vợ, nói :
- Nhưng không cảnh nào đẹp bằng em lúc này.
Chàng vội để tay lên miệng, trợn mắt nhìn người cháu. Sơn tinh ý, sợ chú ngượng, nên vờ nhìn con ngựa, miệng suỵt suỵt và giật mạnh dây cương để thúc ngựa đi mau hơn. Hiệp vội chữa :
- Chúng mình trẻ con lạ.
Rồi chàng cho ngựa chạy nước kiệu, vượt lên.
Dưới chân ngựa một làn bụi gió thổi tạt ngang bay là là trên ruộng ngô non.
Diên ngồi duỗi thẳng hai tay và giao hai chân lại với nhau, yên lặng để thấy rõ nắng thấm qua mấy lần áo vào làm cho nàng ấm áp trong da thịt. Nàng thấy người dễ chịu, nhẹ nhõm; nàng âu yếm nhìn những đầu ngón tay tròn trắng và những cái móng tay nhuộm hồng bóng loáng in trên nền áo lụa xanh nhạt. Cái gì cũng sáng sủa, sạch sẽ. Lòng nàng lúc đó sung sướng, rạng rỡ như chan hòa ánh sáng thu trong.
Xe ngựa ra khỏi rặng cây, đi ngang qua mấy cái nhà tranh tồi tàn, lụp sụp bên vệ đường. Diên tự nghĩ :
- Ta sẽ khổ sở đến đâu nếu phải sống cái đời khốn nạn trong những gian nhà khốn nạn kia.
Thoáng một lúc nàng nhớ lại cái cảnh trụy lạc, nghèo khổ của nhà nàng năm năm trước đây.
Tiếng gọi của Hiệp làm Diên thôi nghĩ, nhìn Hiệp. Hiệp nói :
- Khỏi cái đồi này là đồn điền.
Diên vui mừng :
- Ồ! Thế ra sắp đến nhà rồi!
Hiệp nói :
- Cũng còn ba cây số nữa.
- Đồn điền rộng nhĩ?
- Rộng. Nhưng mà nhiều rừng ít ruộng. Đồn điền ở dưới Thanh Miện mái tốt. Thầy hiện ở đó với bác cả.
Diên hỏi :
- Đồn điền này bao nhiêu mẫu?
Hiệp nói như người đọc thuộc lòng :
- Ba trăm bốn hai mẫu, sáu sào, hai mươi lăm thước.
- Sao cậu nhớ kỹ thế?
Hiệp nói :
- Mợ cũng phải học thuộc lấy.
- Để làm gì?
Hiệp đáp :
- Đất cát của mợ mà mợ còn hỏi nhớ để làm gì?
Diên cười và nói khôi hài để che cảm động :
- Họa chăng em chỉ nhớ được mấy chữ hai mươi lăm thước, vì đúng với tuổi em hai mươi lăm.
Nàng ngước mắt nhìn Hiệp, nhắc lại :
- Hai mươi lăm... Em già rồi phải không?
Hiệp nói :
- Mợ khéo ỡm ờ lắm!
Son cũng nói chen vào :
- Thế mà cháu trông thím tưởng thím chỉ độ hơn hai mươi.
Diên cười :
- Hơn hai mươi thì khác gì hai mươi lăm.
Nhưng câu nói ngớ ngẩn của người cháu đã làm cho nàng vui sướng vì nàng biết chắc chắn rằng nét mặt nàng còn trẻ.
Xe ngựa vừa lên tới đỉnh một cái dốc. Trên cao gió thổi mạnh hơn. Diên một tay giữ mũ cho khỏi bay, một tay vén mấy mọn tóc tỏa xuống mặt, nhìn về phía tay Hiệp chỉ. Hiệp nói :
- Kia là nhà của chúng ta.
Bên một dải nước trắng lấp lánh ánh sáng, mấy nóc nhà gạch đỏ tươi ẩn hiện sau những chòm cây long não màu xanh vàng. Hiệp ngồi thẳng người lên, tấn hai chân xuống bàn đạp, đưa mắt nhìn bao quát đồn điền một lượt rồi quay lại ngắm vợ. Chàng cho rằng đất ấy và người ấy thuộc về chàng là một sự dĩ nhiên. Chàng không hề tự hỏi tại sao thế và hồn nhiên để hưởng cái thú được là chủ tất cả những thứ đó. Diên nói :
- Bây giờ nghĩ đến Hà Nội thật là xa lơ xa lắc.
Hiền đáp :
- Nghĩ đến làm gì nữa. Suốt đời em sẽ sống ở đây... với anh.
Chàng giơ tay chỉ vòng tròn những đồi ruộng, thôn xóm rải rác trước mặt bảo vợ :
- Tất cả những cái này từ giờ là thuộc về của em.
Chàng nghĩ bụng :
- Còn em thì từ nay thuộc về riêng anh.
Nhưng chàng không nói ra, chỉ mỉm cười và đắm đuối nhìn Diên.
Diên vờ không biết là Hiệp nhìn mình; nàng đưa tay vuốt tóc mai, hai mắt luôn luôn chớp và đôi môi thắm hé mở có vẻ một người đương lặng lẽ ngẫm nghĩ đến một sự sung sướng âm thầm.



II
Xe ngựa rời đường cái đi rẽ vào một con đường dốc đất đỏ, hai bên trồng toàn long não. Sau những chùm lá rung động, thấp thoáng bức tường trắng bao bọc quanh nhà. Sơn vui vẻ luôn tay bóp còi xe ngựa, báo hiệu cho người nhà biết. Nghe tiếng mở cổng, Sơn ghì cương ngựa lại. Hiệp xuống ngựa chạy lại đỡ Diên. Nàng vin vào tay chồng lẹ làng nhảy xuống đất, rồi mỉm cười cầm mũ đội lên đầu chồng. Nàng ngửng mặt nhìn ngang nhìn ngửa, hai con mắt nàng to, lộ vẻ sung sướng, ngây thơ như mắt trẻ con.
Con đường dưới bọng cây như thêu hoa mà bóng ba người đi đến đâu làm mất đến đấy. Hiệp mê man không để ý đến mấy người nhà quê nép mình bên vệ đường, ngả non chào. Thấy hai đứa cháu ở trong nhà chạy ra reo: “Chú Tham đã về” rồi đứng lại ngơ ngác nhìn Diên, Hiệp nói :
- Thủy và Trúc không chào thím đi.
Diên không ngờ lại có một cô dâu về nhà chồng một cách tự nhiên như nàng. Nàng thấy ngay vẻ thân mật, và tưởng mình là chủ nhà này đã từ lâu lắm. Đời đối với nàng trong phút đó giản dị một cách lạ thường. Nàng cúi xuống hôn mỗi đứa cháu một cái, rồi dắt tay chúng nhẹ nhàng bước theo chồng.
Qua khỏi cổng, nàng có cái cảm tưởng rằng trời bỗng nắng to hơn; ánh sáng phản chiếu ở một cái sân gạch rộng thênh thang khiến nàng phải nhíu mắt lại cho khỏi chói. Mấy con chim bồ câu đương ăn, thấy tiếng động vụt bay lên làm tỏa ra trên nong thóc một đám bụi đục lờ, gió thổi tan ngay.
Hiệp đứng lại ngắm nghía cái ô-tô màu xanh để ở dưới gốc cây hoàng lan. Ánh sáng chiếu vào làm nẩy những ngôi sao sáng trên nền sơn và trên những gọng kền bóng loáng, Sơn nhìn chú và sung sướng khi thấy chú ngắm mãi cái ô-tô tỏ vẻ bằng lòng.
Diên vẫn dắt theo hai đứa cháu, bước lên thềm nhà. Nàng vào cái buồng khách cực kỳ sang trọng một cách thản nhiên, vì nàng đã quen sống trong những cảnh đó. Từ ngày cha mẹ nàng mất đi, mấy năm trời sống trơ trọi, nàng không hề biết qua cảnh nghèo, vì một người đẹp như nàng không thể nào nghèo được, nhưng lúc nào nàng cũng phập phồng lo ngại. Mấy năm trời, vì luôn luôn sợ cái nghèo khổ nó đến, nên nàng đã nhắm mắt đắm mình trong một cuộc đời hoan lạc tạm bợ, để khuây những nỗi ghê sợ về mai sau. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên nàng thấy vững tâm, lần đầu tiên nàng không sợ tương lai.
Diên đặt mình xuống cái ghế bành phủ nhung màu tro, với điếu thuốc lá, đánh diêm châm hút. Nàng vòng một tay ra phía sau rồi ngả đầu vào lưng ghế, quay mặt nhìn ra ngoài sân. Trên thềm ánh nắng xiên chếch: bóng cây và bóng những nan dại dàn nho in rõ ràng ; trên nền gạch. Khói thuốc lá bay trong bóng tối thanh khiết có vẻ thanh hơn, nhẹ nhàng hơn, mềm mại lượn vòng ra cửa, rồi lẫn vào ánh nắng. Xa xa có tiếng gáy trong rừng.
Diên lim dim mắt lại thở dài một cái rất nhẹ, bỗng nàng giật mình ngước mắt nhìn lên. Hiệp đứng sát vào lưng tựa ghế, cúi mặt mỉm cười, và khẽ đặt tay vào lòng bàn tay vợ. Chàng nhìn quanh một lượt, rồi nói :
- Mọi lần, khi có công việc phải về đầy trông cảnh buồn tẻ, lạnh lẽo hết sức.
Nói đến hai chữ lạnh lẽo, chàng nghĩ ngay đến cái hơi nóng của hai bàn tay áp vào nhau :
- Mọi lần, chỗ này dùng để chứa thóc. Bộ đồ này, anh mới mua về được mươi hôm. Cứ đặt bừa vào đây, hôm nào thư thả em bày biện lại, tùy ý em muốn...
Hiệp nắm tay Diên kéo dậy :
- Bây giờ lên xem buồng ngủ của chúng ta.
Lúc lên thang gác, sau khi quay lại nhìn không thấy ai theo sau, Hiệp giơ tay quàng vai vợ và đặt một cái hôn nhẹ lên má. Tuy đã biết quãng đời quá khứ của Diên, chàng vẫn coi Diên như một cô gái trong sạch, trong sạch riêng đối với chàng: chàng hôn Diên như hôn một người vợ mới cưới, vừa kính vừa yêu. Chàng sung sướng tự nhủ :
- Nếu cái tình của ta đối với Diên cứ được như thế này mãi.
Khi nhận lấy Diên làm vợ, chàng biết rằng cái tình yêu có thể làm chàng quên được hết cả những điều tiếng xấu về Diên, chàng chỉ coi Diên như một người yêu chàng và chàng cũng hết tâm hồn yêu lại.
Có lẽ vì tại có tư tưởng ấy, nên những cử chỉ của Hiệp có vẻ nhút nhát, khiến Diên cũng phải lấy làm lạ. Nàng không ngờ một người có tiếng là chơi bời đứng riêng với nàng trong một căn buồng ngủ lại bẽn lẽn như vậy. Nàng cũng ngượng nghịu và nắm lấy tay Hiệp một cách vụng về. Bỗng nàng hiểu. Nàng bỗng thấy rõ những ý nghĩ của Hiệp về nàng lúc đó. Nàng cảm động yên lặng nhìn chồng bằng hai con mắt mở to, đã bắt đầu ướt lệ. Nàng thở dài ngẫm nghĩ: “Có thể như thế được mãi không?”
Hiệp ngạc nhiên nói :
- Em khóc đấy à, em Diên?
Diên chớp mắt thật nhanh rồi lắc đầu :
- Không, không sao, em khóc vui đấy, đùa anh một tí thôi.
Hiệp mỉm cười vuốt má vợ :
- Nhưng đừng khóc quá lại hóa khóc thật đấy.
Chàng ngây người nhìn vào cái gương tủ đứng, bóng Diên in vào tấm gương với hai con mắt đen và đôi má hồng tươi, chàng trông như cái hình ảnh hoạt động của hạnh phúc chàng :
- Nhìn bóng em trong gương anh tưởng tượng như nhìn thấy em lần đầu tiên.
Diên mỉm cười lẳng lơ ngắm bóng mình. Nàng giơ tay sửa lại mái tóc: mấy ngón tay mềm mại lùa vào trong tóc đen đã trắng lại trắng hơn. Trên cổ tay tròn trĩnh, chiếc vòng bạch ngọc Hiệp vừa mua tặng nàng hôm trước, nàng thấy trong và mát như nước mưa. Nghe tiếng động dưới vườn, Hiệp chạy ra sân gác. Diên cũng ra theo. Xã Mịch, một người đầy tớ của Hiệp đương phát giậu găng, thấy Hiệp vội đặt dao và chắp tay vái :
- Bẩm quan.
Xã Mịch nhìn Diên và cúi đầu :
- Bẩm bà lớn.



III
Quả Diên đoán không sai, ông giáo Thái chính là người nàng quen; tuy vậy lúc ông giáo đứng dậy cúi đầu chào, nàng cũng cúi đầu chào lại một cách rất nghiêm trang, như đối với người chưa quen biết bao giờ. Hiệp giới thiệu vợ mình với Thái bằng tiếng Pháp. Thái cúi đầu một lần nữa. Trước cái vẻ đẹp lộng lẫy tươi thắm của Diên, chàng bối rối và thấy quả tim đập mạnh.
Diên hơi khó chịu vì Thái là người có biết nàng và có lẽ cũng không lạ gì quãng đời quá khứ của nàng; nhưng cái khó chịu ấy chỉ thoảng qua nhường chỗ cho cái cảm giác thú vị rằng sắc đẹp của mình đã làm một người luống cuống, và từ nay trở đi, cái tình của mình với Hiệp ở chốn quê hẻo lánh này có được một người thứ ba chứng kiến.
Diên tinh nghịch liếc mắt nhìn hai cô gái nhà quê xinh xắn đứng nép sau một cái cột, vừa ngắm Diên từ đầu đến chân vừa thì thầm bàn tán. Diên chỉ nghe lõm bõm một vài tiếng nhưng nàng cũng đoán ra được lời nói của hai cô gái quê :
- Người đâu mà đẹp như hoa.
Mấy người đàn bà chăm chú nhìn đôi dép quai và những móng chân nhuộm đỏ của nàng, có lẽ cho là một cảnh lạ từ thuở bé chưa được thấy.
Hiệp nhìn những người nhà quê rồi ngắm và có cái cảm tưởng rằng Diên không phải người cùng giống với họ; Diên thuộc về một nhân loại cao quý, trên nhữngngười kia xa lắm.
Diên thấy ai cũng nhìn nàng và cho nàng đẹp, nên vừa nói vừa cười để lộ hai hàm răng trắng nhỏ và đều. Nàng nũng nịu đứng sát vào Hiệp, ngước mắt nhìn Hiệp và hỏi chuyện vẩn vơ. Nàng thấy tiếng nàng trong trẻo, đài các. Tuy hai cô gái xinh xắn đã thôi không nói chuyện, chỉ đứng yên dương mắt nhìn nàng và Hiệp, nhưng bên tai nàng như văng vẳng câu :
- Rõ thật là tốt đôi quá, sung sướng như tiên.
Thái từ lúc nãy vẫn cúi đầu giở sổ, vờ tìm tòi để khỏi ngượng. Diên hỏi, lấy giọng thân mật :
- Bác giáo đã xong công việc chưa? Mời bác sang xơi chén nước.
Thái mỉm cười cảm ơn. Hiệp giục :
- Thì bác cử để đấy. Cho họ đợi.
Một người đàn bà nhà quê có vẻ sợ hãi tiến lại gần Thái nói van lơn :
- Bẩm ông thương cho.
Thái xua tay :
- Thương gì? Hãy trả nốt chỗ cũ đi đã.
Thái gập sổ lại. Người đàn bà mếu máo :
- Ông không thương thì cả nhà năm mẹ con nhịn đói. Từ sáng ngày chưa có hột cơm trong bụng. Xin ông nghĩ lại.
Thái mỉm cười :
- A thế ra chị đi vay về để ăn. Đẻ vừa vừa chứ!
Hiệp và Diên lấy làm khó chịu, đi lảng ra ngoài. Thái cũng ra theo. Hiệp vừa đi vừa bứt những lá ở giậu dâm bụt, có vẻ nghĩ ngợi. Chàng bỗng lẳc đầu mấy cái khẽ rồi đứng lại rút thuốc lá mời Thái và lấy một điếu hút. Chàng nhìn bóng những cành hoàng lan lướt thướt đưa qua lại trên bức tường trắng, thở dài một cái và thấy mình nhẹ nhõm như người vừa xua đuổi được một ý nghĩ nặng nề.
Thái đi lùi lại và vô tình ngắm Diên bước một cách chậm rãi trước mặt, Thái ít khi về Hà Nội nên hình dáng người thiếu nữ tân thời và mùi nước hơa thơm bay trong gió đem lại cho chàng cái hương vị thanh thú của chốn phồn hoa bấy lâu xa cách. Chàng thờ thẫn ngắm mái tóc đen quấn lỏng rơi lệch xuống một bên cổ, những nét tà áo rung chuyển trước gió nhịp nhàng rủ xuống chiếc quần lụa bạch mỏng, nhẹ và gót chân xinh xắn mỗi lần ấn lên ; trên đế giầy lại ửng hồng như thẹn. Diên không quay lại, nhưng có cái cảm giác rằng Thái đương nhìn mình. Đột ngột nàng nói :
- Quái lạ, trông ông giáo quen quen như đã có gặp ở đâu một lần mà không nhớ ra.
Thái đáp :
- Thưa bà, đã lâu lắm. Hồi mười năm về trước, khi cụ nhà còn làm Tri phủ ở Xuân Trường là quê chúng tôi.
Tuy hai năm trước đây, Thái vẫn luôn luôn gặp Diên, nhưng chàng vờ không biết để Diên khỏi ngượng.
Diên như cất được một gánh nặng, tươi cười mời Thái ngồi vào bàn nước :
- Bác uống nước trà với đường? Một viên hay hai?
Diên vừa hỏi vừa gắp đường bỏ vào chén của Thái. Nàng ân cần hỏi :
- Bác vừa đi đâu về?
- Tôi lên trên ấp Hạ trông coi họ vỡ mấy mẫu đồi để trồng cà phê.
Hiệp ngẫm nghĩ: “Vỡ mấy cái đồi mà đi vắng gần tuần lễ. Thôi chắc là lên trên ấp với cô nào đấy chứ gì?”
Thái vừa khuấy đường vừa thẫn thờ nói như người kể lể :
- Ở đây những khi nào buồn quá, tôi đánh ngựa rồi vác súng đi. Có khi đi vài ba ngày, gặp đâu thì ngủ đấy... Bây giờ có hai bác về ở đây thì còn gì vui bằng.
Chàng nhìn vào trong buồng khách rồi lại nhìn ra vườn.
- Vườn mùa thu trông tiều tụy quá. Bác thích cây gì để tôi về dưới tỉnh mua?
Diên mỉm cười cám ơn :
- Tôi thích nhất hồng, nhưng về mùa thu, hồng lại không có hoa.
Nàng quay lai phía chồng nói :
- Vườn mà không hoa thì tẻ ngắt.
Hai người nhìn nhau và cùng nghĩ đến cảnh trơ trọi của Thái.
Trong lòng tràn ngâp tình yêu, Hiệp và Diên không hiểu sao trước kia trong bao năm đã sống nổi những ngày lẻ loi và cùng bùi ngùi thương cho thân phận Thái, ý tưởng thương hại ấy đã làm cho Hiệp và Diên êm ả, ấm áp trong lòng vì đã nhắc Hiệp và Diên nghĩ đến cái sung sướng hiện thời của riêng hai người.
Hiệp duỗi thẳng hai chân và ngả đầu vào lưng ghế. Qua khung lá nho đen, chàng thấy lộ ra một khu vườn cảnh với con đường viền tóc tiên, trên rải đá cuội trắng toát. Trong ánh sáng thu, một sợi tơ trời nhẹ lướt qua.
Hiệp thốt ra một câu bằng tiếng Pháp :
- Đời đẹp lạ thường!
Diên ngửng mặt, cầm một viên đường đưa lên miệng, vô cớ mỉm cười, Thái nhìn Diên và thấy có một sức mạnh vô hình bắt chàng chăm chú vào đôi môi đương âu yếm ngậm lấy viên đường trắng. Thái nói tiếp câu của Hiệp.
- Có lẽ vì cảnh đẹp.
Ngoài sân những người nhà quê gánh thóc đi qua từng lũ, nói chuyện ồn ào. Ánh nắng thu trong càng làm rõ vẻ bẩn thỉu của những bộ quần áo rách rưới đã bạc màu, càng làm tăng vẻ khốn nạn của những bộ mặt tiều tụy, hốc hác vì nghèo đói.



IV
Từ hôm về quê, Hiệp và Diên lần đầu tiên dậy trước khi mặt trời mọc. Lúc hai người xuống đến chuồng ngựa thì Thái đã đứng đó sai bảo người nhà đóng yên ngựa.
Diên rét run đứng sát vào chồng, hai tay bưng lấy má và miệng xuýt xoa. Thái cầm cương dắt một con ngựa trắng nói với Diên :
- Con ngựa này chạy khỏe và êm nhưng phải cái hơi dữ.
Chàng cười và nói tiếp :
- Nhưng bà chị tôi bây giờ đã cưỡi ngựa thạo rồi không sợ ngã như hôm nào.
Diên cũng cười theo :
- Tôi cưỡi ngựa lại có phần giỏi hơn cả nhà tôi đấy.
Nhìn vào bếp thấy có lửa đỏ, Diên hỏi :
- Quay gà đấy phải không?
- Không, đấy là đun nước. Đồ ăn và các thứ tôi đã buộc vào yên ngựa, đủ hết rồi. Hai bác cứ việc yên tâm đi.
Được biết Diên và Hiệp muốn vào rừng săn, Thái dậy từ ba giờ sáng để bảo người nhà sắp sửa. Chàng làm những công việc đó vì thích, chứ không phải vì bổn phận hay vì muốn chiều lòng Hiệp. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, chàng vẫn sống một đời hiu quạnh, thiếu thốn tình yêu thương dịu dàng. Từ hôm có Diên về đến nay, chàng thấy công việc của chàng làm có thú vị hơn, chàng thấy cần có một người để chàng chiều chuộng và hết lòng săn sóc đến. Diên đối với chàng không phải là người thiếu nữ tân thời, có vẻ đẹp lộng lẫy làm chàng ngây ngất nữa; hơn hai tháng trời sống gần nhau, cảm vì lòng tử tế của Diên, chàng bắt đầu coi Diên như một người bạn gái, như một ngươi chị mà chàng kính mến.
Dĩên khoan khoái và hơi lấy làm lạ rằng ai cũng tìm cách chiều mình, ai cũng kính trọng mình nữa. Nàng cầm lấy dây cương, giơ tay đập vào cổ con ngựa mấy cái, rồi lẹ làng nhảy thoắt lên mình ngựa.
Ngồi trên mình ngựa cảm thấy cái khỏe mạnh của mình, nàng đưa mắt nhìn ra chân trời điểm sao thưa và mơ màng nhớ lại những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo ở Hà Nội, mỏi mệt trở về nhà sau một đêm mê man với những thứ nhục dục. Nàng như còn trông thấy rõ trước mặt cái cảnh những đầu phố vẳng với một, hai người phu xe đứng ủ rũ đợi khách chơi đêm.
Thấy Hiệp đã nhảy lên ngựa giục đi, nàng hỏi Thái :
- Bác không đi cho vui?
Thái đáp :
- Tôi bận lên coi đẵn gỗ trên rừng chàm.
Một lát sau chàng nói tiếp :
- May ra gặp hai bác cũng chưa biết chừng.
Chàng từ chối vì biết rằng Hiệp và Diên chỉ mượn cớ đi săn để vào rừng, chàng đi sẽ bất tiện cho hai người.
Hiệp và Diên qua khỏi một cái suối đến một khu rừng cây cao vút. Diên ngửng mặt lên hỏi :
- Rừng gì mà đẹp thế này? Lá cây to quá nhỉ!
Hiệp đáp :
- Rừng “teck”.
Diên cắm đầu thúc ngựa phóng nước đại, chân ngựa dẫm lên những đám lá khô nghe rào rào khiến Diên quay lại bảo Hiệp :
- Em tưởng như là ngựa dẫm lên những chiếc bánh đa nướng giòn.
Hiệp không đáp, mải ngắm ánh sáng trên cao rọi xuống lướt mau trên tấm áo hồng của Diên và trên mình con ngựa trắng, về phía xa, in lên nền cây xanh sẫm những chiếc lá nhỏ lăn tăn rơi xuống không ngớt như một trận mưa vàng.
Diên bỗng ghì cương ngựa đứng dừng lại đợi Hiệp tiến lên. Hiệp cho ngựa mình đứng sát cạnh ngựa Diên rồi giữ chắc lấy dây cương nghiêng mình giơ tay phải nhẹ ôm lấy Diên kéo về phía mình. Diên nghiêng nón, vừa giơ ra đôi má đỏ ửng, lẳng lơ đợi chồng hôn. Nàng mỉm cười nói :
- Mệt nhưng mà thú quá.
Hai ngươi cố ghìm cưong cho ngựa đứng yên kề má nhau, yên lặng nhìn xuống một cái thung lũng nhỏ. Bên một dòng suối, mấy nóc nhà tranh ẩn trong nương sắn trông êm đềm như một bức tranh vẽ cảnh đời xưa. Diên nói :
- Giá chung mình được ở trong cái nhà tranh kia mà yêu nhau suốt đời thì thú biết bao.
Hiệp cười nhạt, đáp :
- Mình vẫn hay có tính đứng núi này trông núi nọ. Đó là nhà ông khóa Điền trước kia giàu có nhưng bây giờ nghèo xơ nghèo xác.
- Ta vào chơi đấy đi... để hưởng cảnh nghèo trong ít lâu cho nó lạ.
Hiệp lắc đầu nói :
- Không thể nào chiều ý em được, vả lại anh đã thấy đói, chứng mình sang bên kia, có một chỗ thú lắm.
Hai người phải xuống dắt ngựa lần theo một con đường nhỏ. Đi được một quãng, bỗng Diên kêu lên một tiếng :
- Có lẽ em dẫm phải gai.
Hiệp vội vàng quỳ xuống cỏ, nhấc chân vợ lên và tháo quai dép ra xem.
- Không việc gì, em ạ. Chắc em dẫm phải hòn sỏi nhọn. Em đã hết đau chưa?
Diên nũng nịu :
- Hết đau rồi. Anh lồng giầy vào cho em.
Hiệp vẫn gìữ bàn chân Diên, lấy tay xoa nhẹ để phủi sạch những hồn sỏi nhỏ bám vào da.
- Một người có bàn chân xinh như em không thể nào vất vả nghèo khổ được.
Diên cười :
- Anh lại biết xem cả tướng chân nữa kia à?
Bỗng nàng ngừng bặt, chau mày nhìn chăm chú; trong cỏ có để một cái rổ rách đựng một bát cơm đầy nén chặt mấy quả cà héo đen, bữa ăn của người đàn bà đang bắt cua dưới ruộng. Thoáng trong một giây nàng nhớ đến những bữa cơm khoai nàng phải ăn cho khỏi chết đói, hồi cha mẹ nàng mới mất. Nàng ngẫm nghĩ từ bấy đến nay mình không nghèo nữa là chỉ nhờ ợ cái sắc đẹp, song cái sắc đẹp một ngày kia sẽ tàn. Nàng vội xua đuổi ngay cái ý tưởng ngờ vực mà lần đầu tiên, từ hôm về với Hiệp, nàng mới thấy vụt qua trong óc.
- Cái gì thế, mình?
Diên tươi cười đáp :
- Không. Anh xem tướng thế mà đúng đấy. Em không bao giờ phải khổ sở nếu...
Nàng xô chân vào giầy, ngửng lên và cầm tay chồng kéo dây :
- ... Nếu anh cứ mãi mãi yêu em như thế này.
Qua khỏi mấy khu ruộng, hai người lại lên ngựa. Đi được một quãng, Diên hỏi chồng :
- Sắp đến chưa? Em mệt quá rồi.
- Sắp đến nơi.
Trèo qua một cái đèo, hai người thả ngựa cho ăn cỏ, rồi tháo túi đựng các thức ăn. Diên ngả nón. sửa lại mái tóc và lắng tai nghe :
- Róc rách có tiếng suối chảy đâu đây mà nhìn không thấy.
Hiệp xách túi đồ ăn bảo Diên :
- Thôi ta ra suối mà rửa mặt rồi ăn cơm.
Đến nơi Hiệp chọn một chỗ có bóng cây bên bờ suối và trải trên cỏ một tấm vải trắng trong lúc Diên ra suối vốc nước rửa mặt.
- Nước lạnh buốt cả tay, mình ạ.
Hiệp nhìn ra nói đùa :
- Và trôi cả phấn.
Diên tháo giầy lội xuống suối. Nàng cúi nhìn nước gợn bọt và vẩn cát bên cổ chân, rồi đứng yên đợi cát lắng dần, bàn chân nàng lai lộ rõ ra dưới làn nước trở lại trong. Một con cào cào xòe cánh xanh đỏ bay bám vào áo Diên.
Nàng vồ lấy và bắt chước hồi còn nhỏ cầm hai càng con cào cào giơ lên và hát nghêu ngao:
Cào cào giã gạo cho nhanh,
Tao may quần đỏ áo xanh cho mày.
Nàng xắn cao hai ống quần, lội ra giữa dòng nước suối, quay lại hỏi Hiệp :
- Ở chỗ này hay có người qua lại không?
- Không có ai đâu, tha hồ. Để tôi nhắm mắt lại cho mình khỏi thẹn.
Bỗng có tiếng ngựa hí và tiếng sột soạt trong lá cây, Hiệp hỏi :
- Ai đấy?
Có tiếng hỏi lại :
- Ai đấy?
Diên luống cuốn kêu :
- Chết!... Ai như anh Thái.
Nàng vội quay trở lên bờ, nhưng không kịp. Thái đã đến nơi và dừng ngựa bên suối. Chàng cố giữ vẻ tự nhiên, nói với Diên :
- Chị đừng ra quá. Ở đây có cái vực sâu lắm.
Diên vẫn đứng yên dưới suối đáp lại :
- Chỗ nào ở vùng này, anh cũng thuộc cả?
- Nhất là chỗ này. Vì mùa hè tôi vẫn tắm ở đây luôn.
Diên đăm đăm nhìn Thái ngồi trên mình ngựa; không biết tại sao lúc đó, nàng thấy Thái giống một tình nhân cũ của nàng, một tình nhân đã vì quá yêu nàng mà tự tử ba năm trước đây, nay như đột ngột hiện ra với nàng giữa cảnh núi rừng hùng vĩ. Trong một lúc nàng quên cả Hiệp, nhìn Thái bằng hai con mắt thèm thuồng và thấy Thái ngồi vững trên lưng ngựa có một vẻ đẹp cứng cáp khỏe mạnh khác thường. Nàng lấy làm thẹn với ý nghĩ của mình, vội lấy giọng thân mật như chị nói với em, hỏi Thái :
- Anh coi đẵn gỗ chưa?
Thái đáp :
- Tôi vừa ở trên rừng chàm về. Toan vào đây nghĩ, lại gặp ngay được anh chị, tình cờ quá.
Thái đã nói dối: Chàng không lên rừng chàm coi đẵn gỗ bao giờ.
Sau khi Hiệp và Diên đi, thì chàng cũng cưỡi ngựa vào rừng. Chàng muốn gặp mặt hai người, nhưng lại sợ; từ sáng đi lang thang khắp các rừng, chàng thấy việc đi tìm Diên là một cái thú lạ, nhưng chàng không đám phân tích lòng mình để xem vì sao lại là một cái thú.
Diên bảo Thái :
- Anh ở đây ăn luôn thể. Có đủ ba người ăn.
Thái buộc ngựa và đến giúp Hỉệp bầy các thức ăn lên tấm vải. Diên lại gần nói :
- Hai ngài làm giúp hộ, tôi mệt quá.
Rồi nàng đặt mình xuống bãi cỏ, nằm ngửa nhìn trời, hai tay quặt ra phía sau đặt dưới đầu làm gối. Nàng lim dim mắt, thở mạnh một cái, nói :
- Cỏ ngoài nắng thơm la.
Mấy cây cẩm lai cành lá xòe ra ngay trên chỗ Diên nằm, nhưng vì cao quá mà lá lại thưa, nên Diên tưởng như bóng cây không chiếu được tới đất. Lá nhỏ lăn tăn và xếp đều in lên nền trời trông tựa như một bức thêu hoa trên nền lụa xanh màu lam nhạt. Một con bướm trắng bay lăng quăng trong cành cây rồi bỗng như chiếc lá rụng là là rơi xuống chỗ Diên nằm.
Hiệp xếp xong gọi vợ :
- Xin mời nàng tiên dưới suối lại uống rượu vang.
Diên vừa cười vừa lại ngồi sát cạnh chồng. Nàng nhìn đồ ăn nuốt nước bọt và cầm cốc để lên môi :
- Mời hai ngài.
Vì mặt Diên vừa rửa xong không có phấn nên Thái thấy nàng lộ vẻ đẹp riêng khác mọi ngày thường - có cái hương vị mát mẻ của rau nguồn mới hái. Hiệp lấy làm khó chịu về dáng điệu lả lơi của Diên khi đưa cốc lên môi khiến chàng nghĩ đến rằng trước kia với những người khác, nàng đã có cái dáng điệu đó. Chàng không trách gì Diên cử chỉ của nàng rất tự nhiên, thẳng thắn, chàng khó chịu chỉ vì có Thái ngồi đó.
Suốt bữa cơm, Diên luôn luôn cười đùa: hơi rượu bốc lên làm nàng đỏ bừng má và quên cả giữ gìn trước mặt Thái. Hiệp ngồi yên không nói gì Diên tinh nghịch nhìn chồng :
- Hôm nay nhà ít lời nhỉ?
Hiệp đáp lại vắn tắt :
- Tôi uống rượu vào không hay nói lôi thôi.
Thái hiểu ý, ăn vội vàng cho xong rồi đứng dậy cáo từ :
- Xin lỗi hai anh chị, tôi phải về sớm, còn bận việc ở nhà.
Khi Thái đi rồi, sau một lúc yên lặng khó chịu, Diên nói :
- Tính nết mình lạ quá.
Hiệp đáp :
- Mình bây giờ trách cả tôi đấy à?
Câu trả lời có vẻ trịch thượng làm Diên tủi thân.
Nàng nén giận, dịu dàng nói :
- Mình không nên thế. Mình không nên để anh Thái anh ấy giận,
- Nhưng tôi có làm gì đâu. Anh ấy giận thì tôi cần gì.
- Không phải thế. Nhưng không nên làm mất lòng một người đã chịu ơn mình. Nên thương người ta thì mới phải.
Hiệp nhìn vợ nói thong thả :
- Thương, mình thì ai cũng thương.
Diên rơm rớm nước mắt, cười nhạt, nói :
- Ra mình nghi cả cái tình yêu của em. Sao mình nỡ nói những câu tàn ác như thế. Em đã muốn quên...
Hiệp biết mình đã nói quá lời :
- Anh trót lỡ lời, xin lỗi em. Em yêu anh, tin ở anh thì em đừng nghĩ xa gần, tranh lòng vì một câu nói lỡ...
Chàng âu yếm đặt đầu Diên vào vai mình, rút khăn lau nước mắt, nói như van lơn :
- Anh xin lỗi em... Khổ quá! Chứng mình hóa điên hay sao? Em đã biết anh không có em thì anh không sống nổi.
Diên giơ hai tay ôm vòng lấy cổ Hiệp :
- Em cũng vậy.
Nàng nhìn thẳng ra trước mặt, thì thầm kể lể :
- Có anh thì em mới sống được đến bây giờ, em mới thấy sống là vui. Nếu một ngày kia, anh không yêu em thì em không biết sống ở trên đời này làm gì nữa... Em sợ lắm, anh ạ.
- Không, em không sợ...
Hiệp nhìn Diên ngạc nhiên vì chưa thấy lúc nào nàng đẹp như lúc đó. Chàng mê man nói :
- Trời, em đẹp quá. Yêu em quá không biết nói làm sao nữa!
Diên và Hiệp đều lấy làm lạ rằng câu chuyện vừa xảy ra như đã kích thích hai người yêu nhau đằm thắm hơn lên.
Hiệp cầm lấy tay Diên lẩm bẩm :
- Anh không sao tưởng tượng lại có thể sung sướng được đến như thế này!
Diên nhắm mắt lại gục đầu vào cổ Hiệp, nói tiếp :
- Những lúc sung sướng em cứ nhắm mắt lại để nhận thấy rõ cái sung sướng của mình hơn.
Hiệp lay cho Diên mở mắt ra và mỉm cười nói :
- Em nên mở mắt ra nhìn kỹ lấy cảnh chỗ này, để sau dễ nhớ lại một kỷ niệm êm đềm nhất trong đời chúng mình.
Lúc bấy giờ đã quá trưa. Trời im gió, ánh nắng lấp lánh trên dòng suối như những ngôi sao sáng trôi sau cỏ thưa.
Hiệp và Diên lắng tai nghe: trong bài cỏ trước mặt có tiếng chim hót ríu rít. Đưa mắt nhìn mãi, Diên thấy lộ ra trên cỏ cái đầu một con chim sơn ca rung động thật nhanh, lông bờm và lông cổ sù ra. Con chim đột nhiên bay vụt lên cao, vừa bay vừa hót. Hai người đưa mắt nhìn theo; con chim mỗi lúc một nhỏ, nhỏ dần chỉ còn là một chấm đen lớn lên trời, song tiếng hót ríu rít trên cao nghe vẫn rõ. Một con chim nữa ở trong đám cỏ cũng vụt bay lên, trong khi khắp các nơi tiếng của những con chim khác cùng nổi ran một loạt như khúc hòa nhạc để tiễn đưa. Bỗng chim ở trên không rơi thẳng xuống, như một hòn đất ném từ trên cao; khi gặp con bay sau thì hai con dìu cánh vào nhau, rồi là là xuống cạnh suối. Chim đã khuất trong cỏ nhưng tiếng hót vẫn còn ríu rít mãi chưa thôi.
Diên ngây thơ nhìn chồng hỏi :
- Chúng nó làm gì thế, mình?
Hiệp đáp se sẽ :
- Đó là hai vợ chồng con chim sơn ca...
- Chỉ có tình yêu làm mình thấy đời là qúy và sống ở đời là vui

*

Quí đọc giả có thể vào:
Những Ngày Diễm Ảo - Tháng Ngày Qua - Nhất Linh - Tập Truyện Ngắn - Vietnamese Ebooks EPUB PDF (vietmessenger.com)
Để đọc toàn bộ tuyển tập truyện ngắn Những Ngày Diễm Ảo.
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top