MỖI TUẦN MỘT KHUÔN MẶT VĂN HỌC, Nhà Văn Hà Thúc Sinh

 

MỖI TUẦN MỘT KHUÔN MẶT VĂN HỌC

Nhà Văn Hà Thúc Sinh


Tiểu sử
Tên thật: Phạm Vĩnh Xuân,
Sinh ngày 7.7.1943 tại Thanh Hóa.
Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm
Đại học máu – Trận chiến trong thành phố
Thơ: Chúa xuân và tôi – Con sâu và cái kiến

Vài hàng về tác giả
(Trích “Văn Học Miền Nam” – Võ Phiến )

Sau câu chuyện về Henry Miller, xin nhắc lại câu chuyện của Hà Thúc Sinh, chắc chắn cũng là của đa số anh chị em văn nghệ sĩ Miền Nam sau 1975. Hà quân là sĩ quan lại là thi sĩ, sau 30-4-75 bị cộng sản bắt. Một lần trong cuộc thẩm cung ông bị họ dùng khúc cây vẫn căng đầu giường bố của quân đội Mỹ ngày trước mà quật tới tấp vào người vì ông không chịu nhận là CIA. Tên công an cộng sản tức giận điên người: “Tuổi anh mới 30, đã có hàng chục cuốn sách xuất bản. Nhất định phải nằm trong guồng máy CIA (...) Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngay những nhà văn hàng đầu mà mỗi ba năm mới được in một quyển sách; mà là sách phải đạt yêu cầu của hội nhà văn đấy nhé. Anh làm gì mà mới 30 tuổi ngụy quyền nó cho anh in nhiều sách thế? (...) Bây giờ hỏi tiếp: Thủ trưởng CIA của mày bây giờ ở đâu? (...) Tao bảo thật. Bọn vừa là sĩ quan vừa viết văn như chúng mày không CIA cũng là CIB.” Hà Thúc Sinh bảo: “Nghĩ buồn trong bụng quá. Giải thích chưa xong vụ in sách, bây giờ lại được đội thêm cái mũ CIA nữa!”
Thôi, Phạm quân, đã đến nước này còn buồn trong bụng mà chi. Muộn mất rồi. Hàng triệu người đã chết cho cái ý muốn được vừa là sĩ quan vừa viết văn mà không bắt buộc phải làm CIA, làm công an gì ráo, mà có thể “dạo núi mình ta” tự do, muốn dạo kiểu nào thì dạo; nhưng rốt cuộc rồi thất bại. Người công an Miền Bắc đeo cứng lấy cái quan niệm viết văn phải theo đường lối của thủ trưởng CIA, nhất định không chịu hiểu cái chuyện phi lý, dị thường ở Miền Nam. Bỏ qua cho hắn. Lớn lên trong một xã hội như thế, hắn đã là một kẻ bạc phước rồi.
Như vậy người văn nghệ sĩ trong xã hội mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Ngay đồng bào cùng một nước với nhau mà kẻ Bắc người Nam, kẻ già người trẻ đã có cái nhìn khác nhau đối với người văn nghệ. Vậy trước khi nói về các hoạt động văn nghệ, trước khi nói về chuyện các văn nghệ sĩ họ đã làm gì, xin hãy thử tìm hiểu xem họ là cái gì trong xã hội bấy giờ.(VP)
Chiếu Chăn Còm           

Truyện Hà Thúc Sinh

Xong rồi một cõi u minh,
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi. (*)
Đinh thi sĩ nhẩm nhanh hai câu cuối bài thơ ghi vội rồi nhét mẩu giấy vào túi, gỡ mũ ngước nhìn những ngọn thông cao vút, hít sâu một hơi, rồi thở ra, than thầm, “Thật, chẳng chiều quái nào như cái chiều nay!”
 

***

Đó là một buổi chiều không giống buổi chiều nào thật, và ông Đinh thi sĩ có than như thế chắc cũng không ai nỡ bảo ông thậm xưng để nhân cớ ấy xén bớt tí tính đáng quý vốn có ở ông là tính thận trọng dùng chữ.
Ông Lê nhà văn lục túi tìm gói thuốc, sực nhớ ra chỗ mình đứng lại thôi. Nhìn về phía quan tài ông chắt lưỡi nói như nói với ma:
“Đi lúc nào không đi, nhè ngay lúc cuối năm.”
Ông Lý ký giả khẽ thêm:
“Và cuối thế kỷ.”
Ông Trần nhạc sĩ chưa chịu, thêm tí nữa:
“Cuối luôn một thiên niên kỷ.”
Tất cả yên lặng. Một cụ tiên chỉ vừa đọc xong bài điếu. Câu cuối có bị sự xúc động làm mờ đi nhưng năm ông tai còn thính lắm, họ nghe rõ cả: “... Thôi, chào anh, ngàn thu vĩnh biệt anh!”
Ông Nguyễn diễn viên vốn quen thói giễu giữa đường, chẳng giữ ý tứ nói như thở hắt ra:
“Bảy lăm tiễn tám mươi đào đâu ra ngàn thu. Tạm biệt nghe thật hơn.”
Ông Trần nhạc sĩ lớn tuổi nhất đám, nói:
“Tới nữa phiên ai đây?”
Ông Lý ký giả nói:
“Ưu tiên ấy không ai giành ông.”
Lâu lắm ông Lê nhà văn mới thở dài:
“Chắc cuốn chiếu mất thôi, tiên (**) đi nhanh quá.”
Ông Đinh thi sĩ bảo:
“Luỵ tình mới bịn rịn, thu vén xong rồi thì nhanh.”
Ông Nguyễn diễn viên bảo:
“Ối dào, đời toàn lăm le đì nhau, ù nhau, đi như thế kể đã lề mề. Hồi cụ mới lò dò sang tôi có nhắc đấy. Chẳng ân oán với ai cụ về lại bên đó hay hơn. Tôm lèo dù gì nó cũng tươi cũng ngọt hơn, hành quân nó khí thế hơn mà làm thơ nó cũng hứng hơn. Có nghe đâu!”
Ông Đinh thi sĩ cố giấu cái nhíu mày, bảo:
“Chưa ăn nhạt chưa biết thương đến mèo.”
Ông Nguyễn tính giương cổ cãi nhưng ông Đinh đã vội giơ một ngón tay lên miệng. Không gian thốt im như tờ. Trong nắng ngai ngái, trong gió ngây ngây, những lời thơ như lời cầu siêu bỗng trổi lên qua một giọng ngâm nữ không được xuất sắc:
Vũ trụ thiền hành tiết điều hơi thở
Vũ trụ mỉm cười tiến lên thong thả
Vũ trụ vận hành êm ả thảnh thơi
Chuyện gì rồi cũng bỏ qua thôi (***)

Từ 1975 kẻ trước người sau nối nhau tha hương, sau cùng họ tái ngộ trong một chiếu chắn. Họ hay tụ ở nhà ông Trần nhạc sĩ. Người mình đặt tên nhau đến hay, vừa chính xác lại vừa thực tế. Ông Trần trải chiếu, thu hồ, lo hầu tiếp nhưng không chơi được gọi bưng tô. Cứ thế, theo phong thái hay cá tính ứng với quân bài, ông Đinh có biệt hiệu gàn, ông Lê con cá, ông Lý võ, ông Nguyễn bị gậy hoặc ăn mày. Trừ tiên thi sĩ mà tuổi tác đáng được thông qua mọi chuyện, còn giữa năm ông không thế. Họ có thể giống nhau rất nhiều chỉ trừ tí cỏn con, cái mũi. Không tin cứ quăng ra tí danh lợi mà xem. Cảnh sẽ vui đáo để. Sẽ có kẻ lì lợm xốc tới bảo thơm và có kẻ tháo chạy bảo thối. Lạ thay việc này lại vô phương thoả hiệp. Tại sao? Được cái họ không bỏ nhau. Vả bỏ nhau chơi với ai, với Mỹ ư, Mỹ nó đoái hoài gì đến trò chơi của một nhúm tị nạn lạc loài. Họ vẫn bên nhau. Họ giống những cột đền của Khalil Gibran, dù cùng nhau đội chung một mái đền nhưng không bao giờ đứng sát vào nhau; sự gần gũi thân mật ấy hoạ chăng chỉ để ban cho cái giá móc mũ, chiếc kệ để bản tin hay cái thùng đựng giấy lộn nho nhỏ.

Ông Đinh gàn suốt đời sợ bẩn tay, không muốn dính vào việc gì sâu nên không việc gì thành. Ông Lê con cá luôn mồm ca bài chống chính trị hoá văn học nghệ thuật nhưng lại dám vất vả đi đêm; lâu rồi ông bị chứng hồi hộp, vì cứ đêm đêm đèn sáng lại thấy một cái bóng đen có tác phong lãnh tụ về đứng ngắm nghía ông. Ông Lý võ thời còn thịnh cầm bút như cầm dao, trong ứng xử lộ bản chất hiếu sát, giờ sống vất vưởng như chờ quả nghiệp. Hai ông sau nghệ sĩ trình diễn, pháp thuật tất nhiên cao cường trong đấu trường danh lợi; mấy ông cầm bút bảo họ bạn ngoại vi, mặt tán thưởng hay sửa trị nên dành toàn quyền cho quần chúng. Giờ cả năm đều đã đi vào thời thiếp ngủ trước những pha gay cấn trên máy truyền hình. Họ vui vẻ lấy nguyên một hàng ghế như thế làm mẫu số chung. Cái mẫu số chung này đã ngẫu nhiên tạo thành một lớp vỏ bọc quanh đời họ. Nó bảo vệ được gì cho họ? Không, chỉ giúp họ che bớt phần nào vài đặc tính không nên phát huy của giới gọi là sinh ra đời như văn nghệ sĩ. Hôm nay có vẻ họ gắn bó chứ không như lúc ngồi trên chiếu chắn. Họ đi tiễn một bậc tiền bối đến chỗ rồi họ sẽ đến.

Xong đám họ nhẩn nha thả một vòng. Hai mươi lăm năm không ít bạn bè đã rủ rê nhau về ngủ chốn này. Khi ra tới bãi đậu xe vừa ba giờ chiều. Người cho họ quá giang không còn đó. Có xe buýt về Bolsa nhưng họ không đón. Đã đồng ý sẽ không bao giờ nữa có một chiều như chiều hôm nay, cớ gì họ phải vội vã. Họ quyết định thả bộ nói chuyện cho vui.

Chuyện giữa họ thường lan man và có hậu ý hay không còn tuỳ tạng người. Dù sao nó nhảy như cóc, cứ đang chuyện nọ xọ chuyện kia, tạo dịp cho ông Đinh gàn thở dài, bảo vớ vẩn. Nhưng giá có ngoắt một cái chuyện vớ vẩn biến thành chuyện gay go cũng lại là thường. Óc sáng tạo, tính khôi hài, lòng chủ quan và sự độc đáo là bốn điều xưa nay vốn khó kiểm soát. Họ hay kể về dĩ vãng với chút tưởng tiếc dù khi bị hỏi họ vẫn bảo việc họ làm là một trò chơi. Ấy thế chứ họ lại khó chịu lắm mỗi khi tự kiểm điểm thấy mình chơi vẫn chưa tới.

Và giá bị hỏi thêm tới là tới thế nào, tới để làm gì thì họ đâm ú ớ ngay. Có ai nhập cuộc chơi này mà không từng bị cụ Tiên Điền cấy cho một phát sinh tử phù bất tri tam bách dư niên hậu...!? Chính cái tâm trạng có màu ngổn ngang khi về chiều ấy sẽ có lúc cho họ cái gan cười xoà bảo nhau, “Rõ khỉ, vênh váo cho lắm hoá ra mình chỉ là một bọn từng hăm hở kéo nhau đi săn nai trong sở thú.” Đấy, đấy sẽ là thời sự hăng tiết cáo chung. Sự lăm le làm lại, nếu có, cũng nhấp nhô trồi sụt như kẻ sắp chết đuối. Rồi cái giọng sang sảng vốn có ở họ một ngày thấp hẳn, không quá đáng nhưng đủ thích hợp cho một thông tin bàng hoàng, chẳng hạn, “Ông ơi còn nhớ X. chứ, vừa đi làm về tim nó giật một phát đi luôn mất rồi”; hoặc cho một thông báo hân hoan, đại loại, “Này bạn hiền, thử loại giảm đau nhức Y. mới ra chưa, tuyệt, tuyệt cú mèo.”

Nhưng có thể văn nghệ sĩ hơi khác người ta ở chỗ dễ mủi lòng hơn, dễ cám cảnh hơn, thành thử tuy không quên những đố kỵ (đôi khi tệ hơn) họ vẫn độ lượng với nhau. Cứ xem như ông Lý võ. Ông từng là thảm hoạ cho ngay vài vị trong chiếu, nhưng khi hết thời, đến trước cửa nhà ông Trần bưng tô quy hàng, ông ngửa mặt nhổ lên trời một bãi to tướng rồi lạnh lùng rút khăn lau mặt, thẳng thắn nói, “Xin các ông anh nghĩ đến tôi như kẻ lầm lỗi mà không là kẻ tội lỗi.” Ông được bỏ qua khi tiên thi sĩ thều thào, “Môi sinh thế này chỉ mới cắn nhau đã là quý lắm.” Lại thí dụ khác. Chẳng hạn mươi mười lăm năm trước làm gì có mẩu đối thoại thế này:
Ông Nguyễn bị gậy tâm sự:
“Nhớ lại việc cũ, ngượng lắm.”
Ông Lê con cá gật gù:
“Thế là đã thấy được ngõ trúc xa xa.”
Ông Lý võ giọng vẫn khó hiểu:
“Giễu thua Phi Thoàn việc đếch gì phải ngượng.”

Về mặt nghề nghiệp ông Trần bưng tô gần với ông Nguyễn bị gậy, vì thế lời an ủi có nôm na và đầy đặn hơn.
Ông nói:
“Con gà cho trứng con công cho múa. Ngon mồm ngon mắt đều cần. Trên sân khấu đời ông đóng vai ông. Ừ, việc đếch gì phải ngượng.”
Ông Nguyễn bị gậy mát ruột lắm. Và như để đền ơn tri ngộ, lần đầu trong đời ông ban cho bạn tí cảm tưởng ông cũng biết khiêm tốn như ai, biết tự phê tự kiểm như ai.
Ông đáp:
“Tất nhiên là vậy. Trời sinh ra tôi để múa thì tôi múa. Khổ cái, chậc chậc, đôi khi xem lại những thước phim cũ cứ giật bắn cả mình. Chả hiểu vội vã thế đếch nào mà lắm phen ra sân khấu cứ quên kéo phẹc-mơ-tuya.”
Thấy tội, ông Đinh gàn cũng giúp cho đôi chữ:
“Càng mát.”

Đi một lát vừa đói vừa khát, họ đến trước một thánh đường ngồi nghỉ. Ông Trần là người háu đói. Mặc ai chuyện trò ông vẫn thản nhiên mở túi dết lấy ra cặp bánh dầy chả cốm sửa soạn ăn. Những người khác khởi sự một đề tài mới. Lần này nó trở thành nghiêm trọng khá nhanh vì họ đã lôi nhau vào chuyện khôn dại. Vừa liếc nhanh ông Trần đang hộc tốc chạy ra sân sau thánh đường, ông Đinh giơ bàn tay khẽ can mọi người:
“Chuyện khác đi!”
Ông Lý không chịu:
“Sống trên đời cần biết dại khôn, sao lại tránh?”
Ông Đinh chắt lưỡi:
“Người khôn đã thành tổ tiên.”
Ông Nguyễn ngạc nhiên:
“Thế không có hy vọng nào cho đứa còn sống?”

Ông Lê ơ hờ nhìn ông Trần vừa trở lại chỗ ngồi. Cái trán ông ta nhăn nhăn, đôi mắt hấp háy ra chiều đang nghĩ ngợi gì đó, lung lắm. Ông Lê đột ngột hỏi, “Này ông bưng tô, thành thật nhá, ông nghĩ ông khôn hay dại?”
Ôi thôi cả bọn một phen kinh hãi. Ông Trần bất giác thét một tiếng, lần nữa vùng chạy biến ra sân sau. Tất cả lục tục chạy theo và họ thấy ông bạn già đang đứng nhìn một dãy thùng rác vò đầu vò cổ. “Ối cha ối mẹ tôi ơi,” ông ta gào lên. “Thế này thì có khác gì quỷ thần nó vặn răng tôi.” Ra thế. Ban nãy ông Trần đã nhổ vội miếng bánh dầy thiu có dính hai hàm răng giả, và giờ ông không thể nhớ ông đã nhổ nó vào cái thùng nào.

Ông Đinh bảo khẽ vào tai ông Nguyễn, “Bưng tô là người sắp có hy vọng.”

Rốt cuộc như bao giờ họ đành chín bỏ làm mười, ít ra bề ngoài. Cùng chiếu cả đấy thôi. Trừ ông Đinh, tất nhiên, còn thì họ đồng ý ở một mức độ không thống nhất đời người khôn nhiều hơn dại (có thế mới tồn tại được). Và cũng đồng ý luôn chính điều đó là nguyên nhân làm mờ, làm mất đi sự tinh khôi đời nghệ sĩ. Xem, sao càng già càng bết? Tiên thi sĩ nói một đàng làm một nẻo, đi một bước người dìu một bước, ăn ỉ... cứ hiên ngang tại chỗ. Sao thế? Phải chăng trăm sự đều do cái gánh nặng vô hình gồm toàn những món gọi là kinh nghiệm, nôm na là lõi đời, tắt là khôn cụ vác trên lưng?
Chẳng mấy tiếng nữa lịch sử nhân loại sang trang, họ bâng khuâng nghĩ ngợi.

Nắng oải ra trên hoa cỏ. Bóng chiều đã lấp ló đâu đó từ những chân mây trên trời quận Cam. Các ngả đường gió Thái Bình Dương thơm dậy. Bóng người bộ hành vội vã. Lá khô chạy lao xao. Một chiều cuối năm như thế gây chấn động lớn trong hồn kẻ tha hương. Năm người bạn bất giác nhìn nhau, rồi như cám cảnh, lần đầu họ nghĩ đến nhau cách đằm thắm không ngờ. Ồ, nhớ bao năm qua họ đâu hề có tâm trạng xiêu xiêu như thế. Rồi họ lẩn thẩn bàn cách giải trừ cái khôn, cách cứu lấy sự tinh khôi của tâm hồn dù là vớt vát. Liệu có muộn quá chăng?

Ông Đinh muốn chữa cái bầu khí bi luỵ và bồng bột hơi bất thường do các bạn ông gây ra. Đấy, cứ đòi khôn đến khi có khôn lại hoảng lên vì nó. Dù sao ông thâm cảm. Ông hiểu chẳng qua các bạn đang cơn rối trí. Ở mỗi người giờ mới thực có thêm một đám ma lữ thứ, thêm một mất mát xứ người. Nhưng làm sao giúp họ dịu xuống? Có tiếng chuông bán kem. Ông chận thằng bé tính mua đưa mỗi bạn một cây, khi lục túi mới biết không đem ví theo. Ông Nguyễn nhanh nhẩu bảo để tôi, rồi quay hỏi thằng bé:
“Kem hả, mấy một cây?”
“Dạ một đô.”
“Không đi học à?”
“Dạ Mễ lậu.”
“Bốn đô năm cây được không?”
Thằng bé nhăn nhó:
“Dạ không.”
Ông Nguyễn moi ra tờ hai chục:
“Có tiền thối?”

Thằng bé hơi bối rối nhưng cười ngay. Tự nhiên ông thích nụ cười của nó. Chỉ trẻ con biết lao động kiếm sống khi thấy đồng bạc mới có nụ cười thế này. Nó đặt thùng kem xuống, chỉ tiệm tạp hoá 7-Eleven bên kia đường, đề nghị:
“Ông coi giùm cháu thùng kem, cháu đi đổi.”

Rồi nó cầm tờ hai chục mau mắn băng qua đường. Nhưng nó không trở lại. Mãi không trở lại. Ông Đinh tò mò nhẹ mở nắp thùng kem -- một cái thùng ép bằng bấc nhựa đã khá sứt mẻ.
Lần đầu tiên các bạn thấy ông Đinh mất biến nét chừng mực cố hữu. Ông cứ rú lên cười, từng cơn.

Vào chiều cuối thế kỷ XX chẳng ai biết có năm ông văn nghệ văn gừng từng trôi dạt đến Mỹ từ xứ An Nam lòng rỗng toác (như cái thùng kem rỗng) vừa được hoá sinh trở thành con trẻ. Họ khoác vai nhau đi hàng ngang trên phố Bolsa, cười nói rần rần, bất cần người đồng hương có thể mắng thầm, “Mấy anh già mất nết!” hay bọn Mỹ qua đường hỉnh mũi nghĩ bụng, “Mấy thằng gay da vàng!” Họ hoá sinh vì họ vừa cùng ngộ ra rằng đời chẳng có quái gì là tuyệt đối, là hết sức, là cực kỳ, là vô cùng quan trọng cả. Giờ này tháng sau, năm sau, vài năm sau nữa, ngay trong đám họ còn ai nhớ tới tiên thi sĩ với trọn vẹn tinh anh thể phách như cụ vốn là? Một ngày mọi người đều mỏi mệt. Ngay thứ gọi là tình cũng có lúc đầy lưng và sẽ thành gánh nặng; sẽ có lúc người ta phải ngồi lại bên đường, lựa lọc và ném bỏ dần cho nhẹ hành trang.

Một xe rác tấp tới nâng một kiện rác lớn đổ vào lòng xe. Tiếng sắt thép va chạm gây một chấn động đau ngắn.

Ông Lý chợt hỏi, khơi khơi:
“Còn ông anh nào ngủ hay mơ không nhỉ? Lạ, giấc mơ tôi lâu rồi cứ như vượt biên mất tiêu.”

Mãi mới có giọng ông Trần:
“Tiếc gì cái nguồn gốc phù hư. Thực tế là ta cần duy trì cái chiếu chắn đây này, cho vui, được ngày nào hay ngày nấy. Nhưng làm sao trải chiếu khi thiếu một tay?”

Ông Lê bảo:
“Ông tập chơi là vừa.”
Ông Trần đáp:
“Nhiều quân quá, mãi không nhớ.”
Ông Nguyễn bảo:
“Trước tôi cũng thế.”
Ông Trần nhăn nhó:
“Khổ cái tứ đổ tường riêng món này tôi lại đếch mê.”
Ông Lý bảo:
“Chưa mê thuê trăm bạc cầm hộ một ván lắc ngay, mê rồi trả năm trăm bảo hoàn còn lắc dữ.”
Ông Trần bảo:
“Thế à, thế nhắc lại coi.”
Giọng ông Đinh bấy giờ mới trổi lên, dặn dò y một ông giáo tận tuỵ:
“Nhớ nhá. Cỗ bài một trăm hai mươi quân, có ba hàng văn, sách, vạn...”
___

(*) thơ Viên Linh;
(**) tên các quân bài được gọi dựa theo hình vẽ: tiên (nhất văn), múa võ (nhất vạn), bị gậy hay ăn mày (nhị sách), bưng tô (tứ văn), gàn (bát sách), con cá (bát vạn);
(***) thơ Võ Phiến.

Thơ Hà Thúc Sinh


ngồi nhìn mưa
trên biển thái bình dương
xa như một kỷ niệm đời
mù cơn mưa đổ giữa trời tà huy
mắt nào hóa kiếp vô tri
khói sương nghe cũng hồ nghi đất trời
dẫu lòng sâu đáy biển khơi
đôi khi úp mặt bùi ngùi thanh niên
mưa đây.chết lặng.ngồi nhìn
hồn ta quằn quại tựa nghìn năm đau

lễ lao động ở hàm tân
Rắc trấu lưng người mặt trời lửa
Mây sà xuống suối vướng cành buông
Tiếng cuốc tiếng búa im một cõi
Hai ngàn tù đội nắng giữa sân

Anh cán bộ đôi giầy khập khiễng
Chui khỏi mồm lời như bầy giun
Lao động là thước đo yêu nước
Tù ngu ngơ uống lấy vinh quang

Bài diễn văn giữa trại tù lao động
Là tặng phú ông thêm một đồng xèng
Chới với có thằng đổ sập xuống
Thêm bộ xương bị chứng nắng ăn

Chen giữa kẻng tù tiếng trống lễ
Buồn như hạ huyệt kẻ đồng hành
Lao xao khói bếp chuyển mùi mỡ
Lễ vào thấm thía trong tâm can

quán bên đường
Nằm chui khóm lá chiếc bàn thấp
Lề đường một lũ tụm quanh nhau
Ếm sâu hơi thuốc vào gan mật
Bất giác phà ra nỗi dãi dầu

Trung tá xích lô thầm hỏi bạn
Chợ trời dược sĩ sao về không
Cười như nước mắt nói như bỡn
Nó bố trưa nay còn cái quần

Ông giáo sử mấy năm vá lốp
Đồ nghề lỉnh kỉnh nặng trên lưng
Một anh văn sĩ ngồi lê hỏi
Thời xưa phong kiến kém hơn chăng

Gió chiều thổi tốc người nghi ngại
Mỗi hồn hiện một nét công an
Lá khô thôi chạy cây thôi động
Vừa lúc đêm lên khắp Sài Gòn

thủy nguyệt
Đêm yểu điệu trên hàng dương liễu
Lời hẹn hò những lối chưa đi
Sóng bạc đầu mối sầu trăng tuổi
Mây lang thang buồn lạc lối về
Em không đến hay em sẽ đến
Nhạc lòng anh sóng cũng tràn trề
Một chén rượu làm nên giấc mộng
Quá đủ rồi biển nói anh nghe

Chẳng cùng ai ngồi nơi cuối núi
Quán cà phê có điệu nhạc buồn
Sống những phút cát bồi lặng lẽ
Hạnh phúc nào bằng nỗi cô đơn

Sung sướng quá trời ơi nguyệt hiện
Chìm sâu anh một hạt cát vàng
Trăng vướng núi rơi chìm đáy nước
Anh khóc mùi đúng lúc hân hoan



 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top