Hoàng Dược Thảo, Trần Cao Lĩnh (1927- 1989)  như tre, như dừa, như làng xóm quê hương...

Hoàng Dược Thảo
Trần Cao Lĩnh (1927- 1989) 

như tre, như dừa, như làng xóm quê hương...




Ấn bản Sài Gòn Nhỏ đầu tiên tại Orange county, California số 6, tháng 9 năm 1985, tôi viết một bài tùy bút về tiếng mưa. Trong đó tôi nhắc đến một người bạn lớn tuổi nói về tiếng mưa. Anh bảo: Tiếng mưa phải dội vào tàu lá chuối mới là tiếng mưa quê nhà. Người bạn lớn tuổi đó là ông Trần Cao Lĩnh.
Có thể nói đời sống rất ư là... không văn nghệ, văn gừng của tôi lúc nào cũng có sự hiện diện rất vô hình của hai “ông thần nước mặn”: ông Trần Cao Lĩnh và ông Mai Thảo. Hai ông đồng tuế, đồng hương, hai ông công tử thành Nam Định. Khi mới được gặp các ông, tôi còn là cô bé mới xong trung học. Hình ảnh ông Trần Cao Lĩnh lần đầu tôi được gặp là một “ông quan” rất ư là kiểu cách, quí phái mặc dù ông cố tình làm ra vẻ bình dân cho con bé học trò là tôi đỡ sợ. Ngôi nhà nhỏ ở Chợ Cũ có chiếc ghế bành nhung đỏ quyến rũ tôi đến nổi từ đó tôi luôn nghĩ khi … lớn, có nhà riêng, tôi cũng sẽ có cho tôi một chiếc ghế bành nhung đỏ như thế.
Sau 75, gặp lại nơi xứ người, tôi rất hân hạnh được gần gũi các ông  như một người em gái nhỏ. Tôi đau đớn không hạnh phúc, các ông an ủi. Tôi giận hờn, tủi thân, ỉu xìu, các ông chê bai, un đúc tinh thần. Dạo mới sang Hoa Kỳ, ông Trần Cao Lĩnh ở thành phố Olympia, miền Tây Bắc Hoa Kỳ, mỗi lần về Cali, ông thường ở lại với gia đình tôi. Tôi thành tài xế trẻ tuổi tương đắc của ông. Tôi đưa ông đi gặp ông Cao Tiêu, ông Thái Lân… Hai anh  em đi Disneyland cho ông chụp ảnh. Chúng  tôi nói đủ chuyện trên trời, dưới đất. Tôi ghét đời nghệ sĩ, văn chương báo chí. Tôi đi học, về nhà nấu cơm, cố tách bạch tôi ra khỏi cái đời nghệ sĩ của ông bạn đời. Vậy mà đôi khi cũng phải...dây vào. Có lần thấy tôi loay hoay cắt dán một quảng cáo băng nhạc của nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, ông Trần Cao Lĩnh đứng cạnh ngắm nghía rồi lắc đầu: Cô bé nầy không biết một tí gì là lay-out. Phải có điểm tới, phải có điểm dứt. Tôi dụi đầu vào người ông cười: Em cho điểm dứt nhập cùng điểm tới là tiện nhất.
Căn nhà nhỏ của tôi, ông Lĩnh chê cái khiếu mỹ thuật trang hoàng hạng bét của tôi. Ngày thứ bảy, tôi nghỉ học, ông bắt tôi treo lại tranh, treo lại ảnh. Hai anh em đi chợ mua mắm tôm chua về đãi khách buổi chiều, mua thêm khô bò để ông  mang về cho chị Quế Hương. Ông khen tôi biết làm món ăn Bắc Kỳ như dâu người Bắc. Mấy lần sau về, ông cho biết không cần mua mắm tôm chua mang về vì chị Quế Hương đã biết làm mắm tôm chua ngon hơn bất cứ một cửa tiệm nào hiện diện trên xứ người.
Ông hay nói với tôi về chị Quế Hương, về người vợ mà đời sống đồng nghĩa với sự nghiệp của chồng. Tôi nhắc ông về căn nhà của ông bên làng báo chí Thủ Đức với ao bèo, với hoa giấy giăng giăng. Ngôi nhà như một động hoa vàng nho nhỏ, một giấc mộng khác của tôi lúc bấy giờ. Ông giảng cho tôi nghe từng vệt sáng, vệt tối trên ảnh, về bố cục, về cách tạo một “side effect”. Tôi nghe, lắc đầu nguầy nguậy. Tôi bảo anh: để em đi nấu cơm cho anh ăn đỡ làm anh bực mình hơn là anh giảng về nghệ thuật cho một con vịt đực là em.
Hạnh phúc gia đình riêng của tôi gãy đổ, tôi không còn có dịp gặp lại ông thường nữa. Tuy nhiên, khi ông và chị Quế Hương về San Jose, tôi và cha tôi có đến thăm. Khu vườn nhỏ phía sau vào tay anh đã có cho nó một chút hình ảnh quê hương, xóm làng. Cây chanh bên góc phải, khóm trúc bên tay trái, bụi cỏ Nhật nằm chênh vênh bên cạnh cây tùng nhỏ. Tủ sách có một chiếc xích lô đạp nhỏ xíu, bánh xe quay được, dây sên, bàn đạp anh tặng cho một người ái mộ từ Pháp về thăm anh tại Sài Gòn.  Sau 75, khi ông qua Pháp, người nầy tặng lại cho anh.
Sau lần gặp đó, tháng 5, 1989, tôi được gặp lại ông một lần nữa khi ông về Orange County chấm giải nhiếp ảnh cùng nhà báo Trương Trọng Trác và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung. Lần gặp đó, ông hơi xanh nhưng tinh thần rất tráng kiện. Giã từ, anh Lĩnh hứa hẹn: Tháng 10, anh lại về thăm em và các cụ...
Tháng mười chưa đến, ông Lĩnh đã ra đi. Mối liên hệ giữa tôi và thế giới văn nghệ đầy nhiêu khê, phiền toái trước đó đã mong manh nay lại còn mong manh hơn. Tính tôi cần mẫn, siêng năng, nghiêm túc, ù lì không thích hợp với những đam mê, phá lệ của đời nghệ sĩ. Tuy vậy, ông  Lĩnh hay khen tôi bằng cách nói của anh: Cô cứ theo đường cô, đừng nghe lời ”cố vấn tối tăm” của các ông trời văn nghệ có mà thác sớm. "Những lời cố vấn tối tăm" của ông, tôi ghi nhớ hoài. Cũng nhớ luôn những điểm tới, điểm dứt mỗi khi ngồi xuống làm một trang quảng cáo.
 Sáng hôm nay, thứ hai, ngày lễ lao động Hoa Kỳ, chỉ có tôi một mình loay hoay trong căn nhà rộng vắng. Anh Trương Trọng Trác gọi điện thoại từ thứ tư cho biết sẽ về San Jose dự đám tang. Anh Mai Thảo cũng đã lên đường. Nhiều bạn bè khác cũng tìm về thăm ông lần cuối. Đi thăm nhau lần cuối, tuy nghĩa tử là nghĩa tận cũng không dễ làm cho nhau ở quê người. Nhưng với ông Trần Cao Lĩnh, nhiều người đã lên đường. Vì nhớ hoài những câu nói dí dỏm của anh. Nhớ cái nón be-rêt che cái đầu hói. Nhớ nụ cười hơi móm đầy hăng say khi ông trở về từ Death Valley sau chuyến đi từ rạng đông để săn ảnh. Nhớ những câu chuyện vui ông kể. Chuyện đệ nhất Cộng Hòa. Chuyện đệ nhị cộng hòa. Chuyện tham quan Hà Nội. Chuyện vượt biên. Chuyện đi triển lãm, bán ảnh nhưng chỉ thu được tên mà không thu được tiền.
Ông Trần Cao Lĩnh đã ra đi. Tôi nhớ tới anh, tới cái danh đệ nhất nhiếp ảnh gia của  mà thấy rằng được sống đời vô danh là đại phước. Người nằm xuống, lời phê bình, khen hay chê không nghĩa lý gì. Cái còn lại là những tấm lòng. Như sự bâng khâng của tôi khi nhớ ra rằng văn hóa VN đã mất đi một vầng trăng. Vầng trăng đó đã soi sáng nhiều danh lam thắng cảnh của quê hương. Từ Tam Quan cho đến Hà Tiên. Từ Vịnh Hạ Long cho đến Hòn Phu Tử. Qua nhiều bức ảnh, qua nhiều buổi thân già khệ nệ mang ảnh đi truyền thuyết khắp năm châu. Biết đâu chừng nhờ vậy mà quê hương ta còn hoài, thắng cảnh của quê hương còn đẹp mãi. Dù trong tâm tưởng. Dù thân xác anh Trần Cao Lĩnh đã thành tro than. Đã xong một đời công tử thành Nam Định. Lại nhớ lần đưa anh ra phi trường, hai anh em chúng tôi bàn luận về thân bại danh liệt, về sự sống chết của con người. Ông đùa:  liêm sĩ còn, thân xác còn. Để sự nghiệp thác vào tay kẻ gian, thân xác dù còn cũng như không.
Và như thế anh Lĩnh ơi, anh đâu có ra đi? Vì anh đã như tre, như dừa, như làng xóm quê hương...

Hoàng Dược Thảo

Viết khi được tin anh Trần Cao Lĩnh từ trần, 29 tháng 8, 1989

Tác Phẩm của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lỉnh





Người mẫu trong ảnh trên là bà Quế Hương, hiền thê của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lỉnh.
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top