Đọc TRẦN BÍCH SAN: PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

Đọc TRẦN BÍCH SAN
PHÊ BÌNH
VĂN HỌC VIỆT NAM
DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN



Năm 1946 là thời điểm quan trọng, một khúc quanh trong lịch sử Việt Nam cận đại. Tiếp theo việc Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 09/03/1945, những biến cố dồn dập kế tiếp xảy ra và sau khi hội nghị Fontainebleau tan rã, đã đưa đến chiến tranh Việt - Pháp kéo dài gần 8 năm từ 19/12/1946 đến khi hiệp định Genève được ký kết ngày 10/07/1954 giữa Pháp và Việt Minh chia đôi đất nước. 

Với chính sách chuyên chế, trong thời kỳ chiến tranh 1946 – 1954, giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Bắc, và sau khi thống nhất đất nước 1975 - 1987, văn hóa, văn học, văn nghệ, trong đó có ngành phê bình văn học hoàn toàn bị kiểm soát và chỉ đạo bởi đảng CSVN . Đây là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, giai đoạn này được nhà văn Nguyễn Minh Châu mô tả “như một hành lang hẹp và thấp, xung quanh đầy những nghi ngờ, những lý luận và luật lệ văn học, trong đó nhà văn chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt đường lối, chính sách bằng hình tượng, tức là làm văn học minh họa... Những ai muốn sáng tạo, tìm tòi cái riêng thì cũng phải rào đón, che chắn, có cảm giác phạm tội. Kẻ làm văn học minh họa đã đánh mất cái đầu và tác phẩm, đánh mất tính tư tưởng mới mẻ, độc đáo hoặc chỉ còn cái đầu và tư tưởng được bao cấp!”   Phê bình văn học trong giai đoạn này chỉ có một bên phê phán, một bên hứng chịu, không có sự hiện diện của tranh luận văn học. Từ 1987 đến nay, do đường lối đổi mới gọi là “cởi trói văn nghệ” , sinh hoạt phê bình văn học được nới lỏng một phần, nhưng ảnh hưởng của “chính trị hóa văn học” vẫn còn sâu đậm, cần một thời gian dài mới có hy vọng tẩy xóa được.
 
GIAI ĐOẠN 1946 - 1987

Đề Cương Văn Hóa  năm 1943 của Đảng Cộng Sản Đông Dương (Trường Chinh là tác giả), bản tuyên ngôn văn hóa Marxist ở VN, đã xác định quyền lãnh đạo toàn diện đối với văn hóa của đảng CSVN. Trường Chinh, Tố Hữu , Hà Xuân Trường  là những cột trụ lãnh đạo, quản lý văn nghệ từ phía Đảng và Nhà Nước. Việc thành lập Hội Văn Hóa Cứu Quốc (tháng 04/1943), Hội Văn Nghệ Việt Nam (tháng 07/1948), và bài viết của Trường Chinh với tựa đề: Mấy Nguyên Tắc Lớn Của Cuộc Vận Động Văn Hóa Mới Việt Nam Lúc Này  có thể coi là để cụ thể hóa nội dung của bản Đề Cương.  Với Chủ Nghĩa Mác và Văn Hóa Việt Nam , Trường Chinh trình bày lần đầu tiên hệ thống tư tưởng Marxist và đường lối văn hóa của Đảng Cộng Sản mà học thuyết duy vật biện chứng, duy vật lịch sử được dùng làm gốc về tư tưởng, và chủ nghĩa hiện thực xã hội là nền tảng cho việc sáng tác văn nghệ.  Do đó, Việt Minh (giai đoạn 1946 – 1954), và đảng Lao Động Việt Nam (giai đoạn 1954 – 1975), đã kết hợp văn hóa, văn học, văn nghệ thành một mặt trận dưới sự hoạch định và chỉ đạo toàn diện của đảng CSVN nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp và xâm chiếm miền Nam.  Lý luận văn học Marxist và lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được truyền bá và sử dụng nhằm xây dựng một nền phê bình văn học theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ đầu năm 1956 đến 1958 nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Trần Dần, Phùng Quán, Thụy An, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Hoàng Cầm phản đối đường lối lãnh đạo chuyên chế của Đảng CSVN, đòi hỏi sự độc lập của văn nghệ, trả lại văn nghệ cho văn nghệ.  Kết quả là báo bị đóng của vĩnh viễn và các thành viên của nhóm bị tù đày, sa thải, hạ tầng công tác, thuyên chuyển, và phải học tập cải tạo tư tưởng. Từ đó Bộ Chính Trị càng xiết chặt sự kiểm soát hơn nữa với đường lối lãnh đạo văn nghệ gồm 4 điểm :  văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng nghệ thuật phục tùng chính trị, phục tùng đường lối, chính sách của Đảng; văn nghệ sĩ phải củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Marx  – Lenin ; văn nghệ sĩ phải chống tư tưởng tư sản và tiểu tư sản; và văn nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác của mình trước Đảng và phải phục tùng tổ chức của Đảng.

Các hoạt động phê bình văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN trong giai đoạn này chỉ có công dụng xác định những thành tựu của văn học vô sản. Một trong những nhiệm vụ chính yếu của phê bình văn học là nâng đỡ, bảo vệ văn học vô sản tức những sáng tác của giới nông, công, binh. Thi ca của bộ đội được ca tụng, còn thi ca tiểu tư sản bị phê phán qua Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến của Hoài Thanh  và những bài bình Tiếng Thơ của Xuân Diệu .  Đến đầu thập niên 1960, phê bình ồn ào hơn nhưng không kém phần tẻ nhạt với những bài viết nịnh bợ, đề cao thơ Tố Hữu, các bài viết về những tác phẩm liên quan đến hợp tác xã nông nghiệp như Vụ Lúa Chiêm, Cái Sân Gạch của Đào Vũ, phê bình tiểu thuyết Vỡ Bờ của Nguyễn Đình Thi, Bão Biển của Chu Văn, Vùng Trời của Hữu Mai, Xung Đột của Nguyễn Khải, Hòn Đất, Sống như Anh, Bất Khuất của Nguyễn Thi, Dấu Chân Người Lính của Nguyễn Minh Châu, thơ của Lê Anh Xuân, truyện ngắn của Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng.  Ngoài ra, các tác phẩm chứa đựng tư tưởng dù chỉ hơi lệch lạc, hoặc thiếu tính Đảng đều bị phê phán như: Con Nai Đen của Nguyễn Đình Thi, Mạch Nước Ngầm của Nguyên Ngọc, Những Người Thợ Mỏ của Võ Huy Tâm, Phá Vây của Phù Thăng, Mở Hầm của Nguyễn Dậu, Cái Gốc của Nguyễn Thành Long, Sương Tan của Hoàng Tiến, Vào Đời của Hà Minh Tuân, Đêm Đợi Tàu của Đỗ Phú, v.v. 

Trong giai đoạn này xuất hiện một số các tiểu luận phê bình văn học gồm các tác phẩm: Phê Bình và Tiểu Luận (3 tập) của Hoài Thanh, Phê Bình Văn Học, Suy Nghĩ và Bình Luận của Chế Lan Viên, Mấy Vấn Đề Văn Học, Công Việc Của Người Viết Tiểu Thuyết của Nguyễn Đình Thi, Bình Luận Văn Học của Như Phong, Đường Vào Thơ của Lê Đình Kỵ, Văn và Người của Phong Lê, Từ Cuộc Đời Vào Tác Phẩm của Nhị Ca, Thời Đại mới, Văn Học Mới của Trịnh Xuân An, Cuộc Sống và Tiếng Nói Nghệ Thuật, Tác Phẩm và Chân Dung của Phan Cự Đệ, v.v. 

Các nhà lý luận phê bình văn học trong giai đoạn này gồm các tác giả thuộc ba thế hệ. Thế hệ tiền chiến và kháng chiến có Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Như Phong, Hà Xuân Trường, Vũ Khiêu, Lưu Quý Kỳ, Nam Mộc, Vũ Đức Phúc, Hoàng Trinh, Lê Xuân Vũ, Hồng Chương, Lê Đình Kỵ, v.v. Thế hệ trưởng thành sau 1954 có Phan Cự Đệ, Nguyễn Khải, Huỳnh Khái Vinh, Ngọc Trai, Nguyên Ngọc, Nhị Ca, Hà Minh Đức, v.v. Và thế hệ 1960/1970 như Đinh Xuân Dũng, Hồng Diệu, Lại Nguyên Ân, Lê Thành Nghị, Ngô Thảo, Thiếu Mai, Từ Sơn, Vương Trí Nhàn, Vũ Quần Phương, v.v.      

KẾT LUẬN VỀ GIAI ĐOẠN 1946 1987

Phê bình văn học trong suốt giai đoạn dài hơn 40 năm này mang tính cách máy móc, hạn hẹp, cứng ngắc và giáo điều.  Việc sử dụng văn học phục vụ cho chính trị đưa đến sự độc tôn, độc đoán tạo nên những nhận thức đánh giá sơ lược, hời hợt, nhạt nhẽo.  Từ đó sản xuất ra loại phê bình xã hội học, chỉ xét tác phẩm theo tư tưởng chính trị một cách dung tục.  Việc tuyệt đối hóa chủ nghĩa hiện thực đem lại sự trói buộc trong sáng tác, nghèo nàn vì vắng bóng các phương pháp sáng tác của các chủ nghĩa khác. Dùng văn hoá làm công cụ cho chính trị, văn nghệ không được coi là một giá trị văn hóa, văn nghệ biến thành tuyên truyền, đánh mất đi tính thẩm mỹ và khả năng tác động của văn học nghệ thuật đối với chính trị. Đây là lối phê bình sử dụng suy diễn một chiều, quy chụp chính trị mù quáng với ngôn ngữ nịnh bợ, sùng bái cá nhân, gạt bỏ những phương pháp phân tích, lý luận khoa học. Điều đáng tiếc là sau thời kỳ đổi mới 1987 vẫn còn một số người sử dụng, đem ra nhai lại, cần thời gian lâu dài mới gột rửa hết được.

Tóm lại, phê bình văn học thời kỳ này tuy đạt được mục tiêu do Đảng CSVN đề ra, góp phần vào việc xác định thành tựu của nền văn học vô sản, nhưng sự thành công của Đảng CSVN cũng chính là bước thụt lùi của văn học, đã kìm hãm sức sáng tạo của văn nghệ sĩ và là một vết nhơ trong lịch sử văn học Việt Nam.
 
GIAI ĐOẠN 1987 – HIỆN TẠI

Trước viễn tượng sụp đổ của Nga Sô và các nuớc Cộng Sản Đông Âu, trước tình hình biến chuyển của thế giới, để tồn tại Đại Hội Đảng CSVN lần thứ VI phải đi đến quyết định đổi mới.  Trong hai ngày 06 và 07/10/1987, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ thân mật với gần 100 văn nghệ sĩ đại diện cho các ngành sáng tạo, và sau đó, ngày 29/11/1987 Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng CSVN “cởi trói văn nghệ” bằng nghị quyết số 05 “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Nhờ thế, một luồng sinh khí mới được thổi vào nền văn học đang nghẹt thở, èo uột.  

Trong giai đoạn này, việc tái lượng giá lại văn học giai đọan 1946 – 1987 được các nhà phê bình quan tâm và thực hiện gồm có các tác phẩm Bốn Mươi Năm Văn Học (nxb Văn Học, 1985), Một Thời Đại Văn Học Mới , các cuộc hội thảo 50 Văn Học VN Sau Cách Mạng Tháng Tám , Việt Nam Nửa Thế kỷ Văn Học , Nhìn Lại Văn Học VN Thế Kỷ XX  là những nỗ lực tái đánh giá các thành tựu văn học của thời kỳ trước.  Cùng với những công trình chung có những tác phẩm viết về từng tác giả như: Tố Hữu, Thơ và Cách Mạng (1996), Chế Lan Viên, Người Làm Vườn Vĩnh Cửu, Nguyễn Huy Tưởng, Một Sự Nghiệp Còn Dang Dở, Nguyễn Tuân, Người Đi Tìm Cái Đẹp, v.v. Ngoài ra, phải kể đến những tác phẩm nghiên cứu về Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Huy Cận, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải, Tố Hữu, Trần Đăng Khoa, Xuân Diệu, v.v. 

Một nhu cầu khác của phê bình văn học là công việc xét lại các thành tựu văn học tiền chiến đã bị đánh giá khắt khe, thiếu công bằng, vô tư nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị trước đây. Công trình Nhìn Lại Một Cuộc Cách Mạng Trong Thi Ca  (1963), cuộc hội thảo về Thi Nhân Việt Nam , các tác phẩm Con Mắt Thơ (1992) của Đỗ Lai Thúy, Thơ Mới, Bình Minh Thơ Việt Nam Hiện Đại (1994) của Nguyễn Quốc Túy, Tinh Hoa Thơ Mới, Thẩm Bình và Suy Ngẫm (1998) của Lê Bá Hán, Lê Quang Hưng, Chu Văn Sơn, v.v. đã góp phần vào việc trả lại giá trị đích thực cho Thơ Mới.

Các tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Tuân (tiền chiến), Vũ Trọng Phụng, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký cũng được đem ra xét lại. Công lao mở đường, xây dựng nền móng và phát triển văn học chữ quốc ngữ của các nhà văn này được giới phê bình phục hồi.  Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá, Lại Nguyên Ân nhận định lại về những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng  mà trong giai đoạn trước từng bị lên án là đồi trụy và bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên và Cộng Sản Đệ Tứ .  Phan Cự Đệ, Vương Trí Nhàn, Ngọc Trai, Nguyễn Đăng Mạnh là những nhà biên khảo đã nghiên cứu công phu lại toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Tuân  thời tiền chiến từng bị đánh giá tiêu biểu văn chương cá nhân chủ nghĩa, ăn chơi vị kỷ. Về nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngoài buổi hội thảo về Văn Chương Tự Lực Văn Đoàn  còn có các tác phẩm như Tự Lực Văn Đoàn, Con Người và Văn Chương (1990) của Phan Cự Đệ, Quan Niệm Con Người Trong Tiểu Thuyết Tự Lực Văn Đoàn (1996) của Lê Dục Tú.  Ngoài ra, tác phẩm của Nguyễn Thành Thi nghiên cứu về Thạch Lam, Hà Minh Đức viết nhiều bài nhìn lại tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng, Vu Gia có nhiều công trình giá trị về Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo.

Tóm lại, văn học Việt Nam trước 1945 đã được các nhà nghiên cứu, phê bình duyệt xét lại, tuy chưa thực sự đầy đủ, nhưng cũng đã phục hồi được giá trị một số tác phẩm và trả lại chỗ đứng đích thực trong văn học sử cho các nhà văn tiền chiến.

Ngoài ra, việc phê bình một số tác phẩm mới trong thời kỳ này đã tạo nên những cuộc tranh luận văn học sôi nổi. Các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu như Bức Tranh, Bến Quê, Người Đàn Bà Trên Chuyến Tàu Tốc Hành vượt ra ngoài khuôn khổ phương pháp sáng tác hiện thực xã hội, tạo khó hiểu, bối rối cho những nhà phê bình có lối suy nghĩ cũ, còn mang tiêu chuẩn đánh giá của thời kỳ quản lý văn nghệ trước.  Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học mới lạ.  Những truyện ngắn như Phẩm Tiết, Vàng Lửa, Không Có Vua, Cún, Những Bài Học Nông Thôn, Sang Sông... gây nên các cuộc tranh luận văn học hào hứng về văn phong, về cách đọc, về cách đánh giá Nguyễn Huy Thiệp.

Tưởng cũng nên đề cập đến trong thời kỳ này, từ 1988 xuất hiện phong trào thơ theo hướng hiện đại chủ nghiã. Thơ Việt Nam mang tính hiện đại có thể kể Ngựa Biển, Người Đi Tìm Mặt của Hoàng Hưng, Ba Mươi Sáu Bài Tình, Bóng Chữ của Lê Đạt, Ô Mai của Đặng Đình Hưng, Sự Mất Ngủ của Lửa của Nguyễn Quang Thiều, Mưa Ban Mai của Nguyễn Quyến, v.v. Lời khen tiếng chê không ít, nhưng chưa thay đổi được quan niệm và tiêu chuẩn phê bình cổ điển về thi ca đã có. 

Những hiện tượng văn học mới lạ và có thể nói là táo bạo về cả văn lẫn thơ trong thời kỳ này đã tạo nên sự phân hóa khá sâu sắc trong giới phê bình, nảy sinh ra nhiều khuynh hướng khác nhau dẫn đến một kỷ nguyên mới đa dạng cho ngành phê bình văn học Việt Nam thế kỷ 21.    

Sự tham gia vào lãnh vực nghiên cứu phê bình văn học trong thời kỳ này thật đông đảo (khoảng 40 tác gia và 50 giáo sư Đại Học), tiêu biểu và đáng kể có Đỗ Đức Hiểu , Đỗ Lai Thúy , Lê Trí Viễn , Nguyễn Đăng Mạnh , Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Phạm Hùng ,
Phan Cự Đệ , Phan Ngọc , Phong Lê,  Phương Lựu , Trần Đình Hượu, Trần Đình Sử, , Văn Tâm , Vương Trí Nhàn .    

KẾT LUẬN VỀ GIAI ĐOẠN 1987 HIỆN TẠI

Sau 40 năm dài dưới sự kìm kẹp của Đảng và Nhà Nước, đây là giai đoạn đổi mới của ngành phê bình văn học Việt Nam.  Việc tái lượng giá các thành tựu văn học quá khứ được thực hiện, phê bình văn học trở nên sôi nổi với sự xuất hiện của các tác phẩm mới của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo v.v.  Tuy đổi mới nhưng trên căn bản vẫn lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm nền tảng, chỉ mở rộng tầm nhìn, không khép kín, biệt lập như trước nữa mà thôi. Không khí hào hứng chỉ được 10 năm, từ 1995 đến nay hoạt động phê bình văn học đứng sững lại với những cuộc tranh luận thiếu phẩm chất cả về ngôn ngữ lẫn nội dung. Phê Bình như ngừng lại chờ đợi một bàu không khí mới đáp ứng đúng mức nhu cầu phát triển văn học của thế kỷ mới.

Đổi mới tự bản chất là sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới, do đó, tất nhiên phải có một giai đoạn giao thời, bất ổn, cái cũ xen cái mới, sau đó mới lắng xuống, định hình.  Trong lãnh vực phê bình văn học, những đánh giá trong giai đoạn này cần có thời gian đãi lọc như nhà biên khảo văn học Trần Đình Sử nhận định: “Tất cả những gì làm được đều đang ở trong quá trình vận động và biến đổi, và có lẽ phải đến giữa thế kỷ 21 người ta mới có thể đánh giá một cách khách quan, đầy đủ và sáng tỏ hơn những thành tựu lý luận phê bình văn học thế kỷ 20. Chỉ đến lúc đó người ta mới biết những gì sẽ mất đi và những gì còn lại” .   
 

TRẦN BÍCH SAN


Tài Liệu Tham Khảo

Đỗ Lai Thúy, Phê Bình Văn Học: Chòng Chành Mà Tiến Tới, tạp chí Văn Học số 6, 2000.
Hà Minh Đức (Chủ Biên), Nhìn Lại Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hànội, VN, 2002.
Irving Howe, Modern Literary Criticism, Beacon Press, Boston, USA, 1958.
Nguyễn Ngọc Thiện (Chủ Biên), Tuyển Tập Phê Bình Văn Học Việt Nam, (5 quyển), nxb Văn Học, Hànội, VN, 1997.
Nguyễn Ngọc Thiện (Chủ Biên), Tranh Luận Văn Nghệ Thế Kỷ XX (2 quyển), nxb Lao Động, Hànội, VN, 2001.
Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (bộ mới), nxb Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, Sàigòn, VN, 2006.
Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hànội, 1999.
Nhiều Tác Giả, 50 Năm Văn Học Việt Nam Sau Cách Mạng Tháng Tám, nxb Đại Học Quốc Gia, Hànội, VN, 1996.
Nhiêu Tác Giả, Lý Luận Phê Bình Văn Học Miền Trung Thế Kỷ XX, nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, VN, 2001.
Nhiều Tác Giả, Việt Nam, Nửa Thế Kỷ Văn Học, nxb Hội Nhà Văn, Hànội, VN, 1997.
Phan Cự Đệ (chủ biên), Trần Đình Sử, Đinh Văn Đức, Mã Giang Lân, Phan Trọng Thưởng, Tất Thắng, Bùi Việt Thắng, Hà Văn Đức, Bích Thu, Lê Dục Tú, Văn Học Việt Nam
Thế Kỷ XX, nxb Giáo Dục, Hànội, VN, 2005.
Phương Lựu, Lý Luận Phê Bình Văn Học, nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, VN, 2004.
Thanh Lãng, 13 Năm Tranh Luận Văn Học Việt Nam (3 quyển), nxb Văn Học, TP Hồ Chí Minh, VN, 1995.
Tố Hữu, Xây Dựng Một Nền Văn Nghệ Lớn Xứng Đáng Với Nhân Dân Ta, Với Thời Đại Ta, nxb Văn Học, Hànội, VN, 1973.
Trần Đìng Sử, Lý Luận, Phê Bình văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, nxb Giáo Dục, Hànội, VN, 2005.
Trần Văn Giáp, Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Học, Hànội, VN, 2000.
Trịnh Bá Đĩnh, Phê Bình Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, tạp chí Nhà Văn, số 3, 2001.
Trường Chinh, Về Văn Hóa và Nghệ Thuật (2 quyển), nxb Văn Học, Hànội, VN, 1986.
 
Đọc Thêm 

Từ 1951 đến 1975 Đảng CSVN có tên gọi là Đảng Lao Động Việt Nam.    
Chính sách của Đảng CS tạo nên sự hèn nhát và nỗi sợ hãi của nhà văn.  Hoài Thanh phải chối bỏ giá trị tác phẩm của mình, xem những bài thơ trong Thi Nhân Việt Nam là “những vần thơ có tội” của những kẻ bạc nhược không dám làm người. Nguyễn Minh Châu tả lại về nhà văn Nguyễn Tuân: “nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống đến bây giờ là nhờ biết sợ”. Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng”. 
  Nguyễn Minh Châu (1930  – 1989): Hãy Đọc Lời Ai Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Họa, tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà Văn, tháng 10/1987.
 
Đề Cương Văn Hóa xác định văn hóa không thể tách rời với cách mạng giải phóng dân tộc và có nhiệm vụ:
1. Chống các học thuyết Khổng, Mạnh, Descartes, Bergson, Kant, Nietzsche “làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”
2. Chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trưng, v.v. “làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”.  Tuy các tư tưởng này còn rất sơ lược và khiếm khuyết, nhưng là buớc khởi đầu đưa chủ nghĩa Marx thành tư tưởng thống trị, Marxist hóa toàn bộ văn hóa Việt Nam.   

  Tố Hữu (1920 – 2002): tên thật Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 04/10/1920 quê làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình nhà Nho nghèo. Học và tập làm thơ từ năm 6, 7 tuổi. Đỗ bằng Thành Chung, lãnh đạo Đoàn Thanh Niên Dân Chủ ở Huế. Tháng 04/1939 bị Pháp bắt, giam ở nhà lao miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 03/1942 vượt ngục. 1945 Chủ Tịch Ủy Ban Khởi Nghĩa Thừa Thiên – Huế. 1951 Ủy Viên Dự Khuyết Trung Ương Đảng. 1958 – 1980: Ủy Viên Ban Bí Thư. 1976 – 1986: Ủy Viên Bộ Chính Trị. Có lúc giữ chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng (Phó Thủ Tướng). Tác phẩm: Từ Ấy (thơ, 1946), Việt Bắc (thơ, 1954), Gió Lộng (thơ, 1961), Ra Trận (thơ, 1972), Máu Và Hoa (thơ, 1977), Một Tiếng Đờn (thơ, 1992), Xây Dựng Một Nền Văn Nghệ Lớn Xứng Đáng Với Nhân Dân Ta, Thời Đại Ta (tiểu luận, 1973), Cuộc Sống Cách Mạng và Văn Học Nghệ Thuật (tiểu luận, 1981). 

  Hà Xuân Trường (1924 - XXXX): tên thật Hà Nghệ, Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa, Tổng Biên Tập tạp chí Cộng sản, sát cánh cùng Trường Chinh, Tố Hữu trong việc lãnh đạo, quản lý văn nghệ. Tác phẩm: Đường Lối Văn Nghệ của Đảng: Vũ Khí, Trí Tuệ, Ánh Sáng (1974), Sự Nghiệp Văn Hóa, Văn Nghệ Dưới Ánh Sáng Đại Hội V (1983), Trên Một Chặng Đường (1984), Văn Học, Cuộc Sống, Thời Đại (1984).

  Trường Chinh (1907 – 1988): tên thật Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường (nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy) tỉnh Nam Định. 1926 bị đuổi học vì là một trong những học sinh lãnh đạo bãi khóa để truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh tại Nam Định. Lên Hà Nội học trường Cao đẳng Thương Mại. 1927 một trong những người đầu tiên gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. 1930 được chỉ định vào ban tuyên truyền cổ động Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương, cuối năm bị bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La. Cuối 1936 được thả, sau đó tham gia Xứ Ủy Bắc Kỳ. 1940 Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương.  1941 Tổng Bí Thư Đảng và chủ bút các báo Giải Phóng, Cờ Giải Phóng, tạp chí Cộng Sản. 1981 Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước và Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Phòng. 1987 Tổng Bí Thư Đảng CSVN. Chết ngày 30/09/1988. Tác phẩm: Vấn Đề Dân Cày (1940), Đề Cương Văn Hóa (1943), Chủ Nghĩa Mác và Văn Hóa Việt Nam (1948), Tập Thơ Sông Hồng I & II (1966).  
  Trường Chinh, tạp chí Tiên Phong, số 2, 1945.
  Trường Chinh, Báo Cáo tại Hội Nghị Văn Hóa lần thứ hai, tháng 07, 1948.
  Trường Chinh, Văn nghệ phải góp phần giải phóng Miền Nam, bảo vệ Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, tiến tới thống nhất nước nhà (Báo Cáo tại Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quốc lần thứ IV, 1968)

  Marx, Karl (1818 – 1883): triết gia Đức, tác giả của hai cuộc biến động lớn nhất trong lịch sử: Dân Chủ Xã Hội (Democratic Socialism) và Cách Mạng Cộng Sản (Revolutionary Communism).  Chủ thuyết Marx thường được gọi là Biện Chứng Pháp Duy Vật (Dialectical Materialism) và một phần của chủ thuyết thường được dùng là Duy Vật Sử Quan (Historical Materialism).

  Lenin, V.I. (1870 – 1924): sáng lập đảng Cộng Sản Nga, đảng Cộng Sản độc tài đầu tiên trên thế giới. Cùng Trotsky lãnh đạo thành công cách mạng tháng 10 năm 1917 và trở thành chủ tịch Nga cho đến khi chết năm 1924. Căn bản lý thuyết của Lenin là dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt tự do kinh doanh (quyền sở hữu) và tạo một xã hội vô giai cấp (không có người giàu và kẻ nghèo). 

  Hoài Thanh (1909 – 1982): tên thật Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/07/1909, quê ở Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Học ở Nghệ An, Huế, tốt nghiệp trung học, dạy học và làm việc ở Huế. Mất ngày 14/03/1982 tại Sàigòn.  Tác phẩm: Văn Chương và Hành Động (1936), Thi Nhân Việt Nam (hợp soạn với Hoài Chân 1941), Có Một Nền Văn Hóa Việt Nam (1946), Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến (1951), Nam Bộ Mến Yêu (1955), Phê Bình & Tiểu Luận (3 tập, 1960, 1965, 1971), Chuyện Thơ (1978). Hoài Thanh là nhà phê bình theo phái ấn tượng, sau 1945 đổi sang phê bình văn học theo quan điểm Marx – Lenin. Theo Nói Chuyện Thơ Kháng Chiến thì Xuân Diệu là người đầu tiên khởi xướng những tiêu chuẩn phê bình thơ cách mạng.  
  Xuân Diệu (1916 – 1985): tên thật Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 02/02/1916 tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, gốc người làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đậu bằng Tú Tài, làm sở Thương Chính, Hà Nội. Kiện tướng của phong trào Thơ Mới. 1946: thành viên đầu tiên của Hội Văn Hóa Cứu Quốc. 1946 – 1960: Ủy Viên Ủy Ban Trung Ương Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật. Mất ngày 18/12/1985. Tác phẩm: Thơ: Phấn Thông Vàng, Thơ Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Tiểu Luận & Phê Bình: Tiếng Thơ (1951), Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi (1958), Dao Có Mài Mới Sắc (1963), Đi Trên Đường Lớn (1968), Và Cây Đời Mãi Mãi Xanh Tươi (1971), Mài Sắt Nên Kim (1977), Lượng Thông Tin và Những Kỹ Sư Tâm Hồn Ấy (1978), Các Nhà Thơ Cổ Điển Việt Nam (2 tập 1981  - 1982). 
  Xuất bản năm 1987 gồm các tác giả: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn.  Năm 1995 tái bản đổi là Một Thời Đại Mới Trong Văn Học. 
  Đại Học Sư Phạm I, Đại Học Tổng hợp, Trường Viết Văn Nguyễn Du, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội phối hợp tổ chức năm 1995, có hơn 50 bản tham luận do Đại Học Quốc Gia xuất bản năm 1997, tái bản năm 1999.
  Do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức năm 1995.
  Do Viện Văn Học tổ chức.
  Do Huy Cận và Hà Minh Đức chủ biên nhân dịp kỷ niệm 60 năm phong trào Thơ Mới.
  Do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức ở Viện Văn Học để kỷ niệm ngày sinh nhật thứ 90 của Hoài Thanh.

  Vũ Trọng Phụng (1911 – 1939): quê ở ngoại ô Hànội, gia đình nghèo, cha mất lúc mới 7 tháng, vào đời mưu sinh sớm. Thư ký hãng buôn Godard, rồi nhà in IDEO. Tự trau dồi, viết cho các báo Công Dân, Ngọ Báo, Tân Thiếu Niên, Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tạp Chí Đông Dương, Sông Hương, Tao Đàn, v.v. Mắc bệnh lao, từ trần ngày 13/10/1939. Tác phẩm: Chống Nạng Lên Đường (truyện ngắn, nxb Tân Dân 1932), Cạm Bẫy Người (phóng sự, nxb An Nam 1934), Không Một Tiếng Vang (kịch, nxb Đông Tây, 1934), Giông Tố (tiểu thuyết, nxb Văn Thanh, 1936), Cơm Thày Cơm Cô (1936), Lục Sì (phóng sự, nxb Minh Phương, 1937), Số Đỏ (tiểu thuyết, nxb Lê Cường, 1938), Làm Đĩ (nxb Mai Lĩnh, 1939), Trúng Số Độc Đắc (tiểu thuyết, 1939), Dứt Tình (tiểu thuyết, Phổ Thông Bán Nguyệt San 1941), Vỡ Đê (tiểu thuyết, nxb Minh Đức, 1941), Lấy Nhau Vì Tình (tiểu thuyết, nxb Minh Phương, 1941), Người Tù Được Tha (di cảo). 
 
  Trotsky, Leon (1879 – 1940): cùng Lenin lãnh đạo cuộc cách mạng Bolshevik 1917 ở Nga. Cách mạng thành công, Trotsky giữ chức Ủy Viên Ngoại Giao, và sau đó, Ủy Viên Chiến Tranh. Nhân vật số 2 của Cộng sản Nga khi Lenin còn sống và được coi là người sẽ kế vị Lenin. Stalin chiếm được quyền sau khi Lenin chết, Trotsky bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản năm 1927, và đưa đi đày ở Trung Á năm 1928. Bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ năm 1929, Trotsky lưu vong đến Na Uy rồi Mễ Tây Cơ, chống Stalin từ hải ngoại. Hối hận vì đã “khoan dung”, Stalin gửi điệp viên đến Mễ Tây Cơ giết Trosky ngày 21 tháng 8, 1940.     
   
  Nguyễn Tuân (1910 – 1987): sinh ngày 10/07/1910, quê xã Nhân Mục, huyện Từ Liêm, Hànội, nguyên quán tỉnh Thanh Hóa. Cộng tác với các báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tao Đàn, Hà Nội Tân Văn, Thanh Nghị, Trung Bắc Chủ Nhật, v.v. Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Việt Nam, Ủy Viên Ủy Ban Trung Ương Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, Ủy Viên Thưòng vụ, Cố Vấn Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam. Mất ngày 28/07/1987. Tác phẩm: Ngọn Đèn Dầu Lạc (1939), Nhà Bác Nguyễn (Tân Việt, 1940), Vang Bóng Một Thời (Tân Dân, 1940), Một Chuyến Đi (Tân Dân, 1941), Tùy Bút (Cộng Lực, 1941), Tàn Đèn Dầu Lạc (Mai Lĩnh, 1941), Chiếc Lư Đồng Mắt Cua (Hàn Thuyên, 1941), Thiếu Quê Hương (1943), Quê Hương (1943), Tóc Chị Hoài (1943), Chùa Đàn (1944), Nguyễn (1945), Đường Vui (1949), Thằng Càn (1953), Tình Chiến Dịch (1950), Tùy Bút Kháng Chiến (1955), Truyện Một Cái Thuyền Đất (1958), Sông Đà (1960), Hà Nội Ta Đánh Mĩ Giỏi (1972), Chuyên Nghề (1986).

  Hội thảo do trường Đại Học Tổng Hợp tổ chức vào tháng 05/1989.
  Đỗ Đức Hiểu (1924 – 2002): trước là nhà lý luận phê bình Marxist nhiệt thành. Sau 1985 đi vào Thi Pháp Học, phân tích các giá trị văn học qua nghệ thuật ngôn từ, chiều sâu vô thức. Tích cực đánh giá lại các hiện tượng văn học lớn trước 1945. Tác phẩm: Phê Phán Chủ Nghĩa Hiện Sinh (1979), Đổi Mới Phê Bình Văn Học (1993), Đổi Mới Đọc và Bình Văn (1998), Thi Pháp Hiện Đại (2000). 
  Đỗ Lai Thúy (1948 – XXXX): Sử dụng Thi Pháp Học phân tích thơ của các tác giả chính trong phong trào Thơ Mới tiền chiến. Tác phẩm: Con mắt Thơ (1992), Hồ Xuân Hương, Hoài Niệm Phồn Thực (1998). 
  Lê Trí Viễn (1919 – XXXX): tác phẩm: Tổng Quan Văn Chương Việt Nam (1994), Đặc Trưng Văn Học Trung Đại Việt Nam (1996), Quy Luật Phát Triển Lịch Sử Văn Học Việt Nam (1998).
  Nguyễn Đăng Mạnh (1930 – XXXX): nghiên cứu tương quan phong cách văn học với tư tưởng nhà văn, viết chân dung văn học. Tác phẩm: Nhà Văn, Tư Tưởng và Phong Cách (1983), Con Đường Đi Vào Thế Giới Nghệ Thuật của Nhà Văn (1994), Chân Dung và Phong Cách (2000). 
  Nguyễn Phạm Hùng: tác phẩm: Về Một Hiện Tượng Phê Bình (1998), Văn học Cổ, Cách Nhìn Mới (1995), Trên Hành Trình Văn Học Trung Đại (2001).
  Phan Cự Đệ (1933 – XXX): nhà phê bình hàng đầu về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.  Tác phẩm: Phong Trào Thơ Mới (1966), Cuộc Sống và Tiếng Nói Nghệ Thuật (1971), Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Đại (2 tập 1974, 1975), Nhà Văn Việt Nam (viết chung 1979, 1983), Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX (viết chung 2005).
  Phan Ngọc (1925 – XXXX): sử dụng phương pháp ngôn ngữ học giải thích phong cách thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện Kiều.
  Phong Lê (1938 – XXXX): tên thật Lê Phong Sừ, góp phần nhìn lại các hiện tượng văn học trước 1945. Tác phẩm: Văn Học Việt Nam Hiện Đại, Những Chân Dung Tiêu Biểu (2001), Văn Học Việt Nam Hiện Đại, Lịch Sử và Lý Luận (2003).
  Phương Lựu (1936 – XXXX): tên thật Bùi Văn Ba, giới thiệu lý luận phê bình văn học Tây Phương thế kỷ 20, thi học so sánh. Tác phẩm: Tìm Hiểu Một Nguyên Lý Văn Chương (1983), Góp Phần Xác Lập Hệ Thống Quan Niệm Văn Học Trung Đại Việt Nam (1996), Lí Luận Văn Học (viết chung 1997), Lý Luận Phê Bình Văn Học (2004).
  Trần Đình Sử (1940 – XXXX): Đi sâu vào lãnh vực Thi Pháp Học. Tác phẩm: Lý Luận và Phê Bình Văn Học (1976), Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam (1998), Thi Pháp Thơ Tố Hữu (2001), Thi Pháp Truyện Kiều (2003).   
  Văn Tâm (1933 – 2004): tên thật Nguyễn Văn Tâm. Tác phẩm: Vũ Trọng Phụng, Nhà Văn Hiện Đại (1957), Tản Đà, Khối Mâu Thuẫn Lớn (1964), Giảng Văn Văn Học Lãng Mạn (1991), Góp Lời Thiên Cổ Sự (1992), Đoàn Phú Tứ, Con Người và Tác Phẩm (1995), Vườn Khuya Một Mình (2001).  
  Vương Trí Nhàn (1942 – XXXX): quê Thuận Thành, Bắc Ninh, vừa là nhà văn vừa là nhà phê bình văn học.
  Trần Đình Sử, Lý Luận, Phê Bình Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, nxb Giáo Dục, 2005
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top