CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG TỪ ĐÀ NẴNG

PART 1
 
CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG TỪ ĐÀ NẴNG 
 
 
JAN Wollett
 (Nữ Trưởng Tiếp Viên Hàng Không) 
“Tại sao họ bắn? Chúng tôi là những người bạn tốt”
 
Ngày 29/3/1975 đáng lẽ nhân viên khách sạn Sài Gòn phải đánh thức tôi dậy lúc 5 giờ sáng . Tôi là tiếp viên trưởng của một chuyến bay khứ hồi ra Đà Nẵng . Nhưng 5 giờ sáng hôm ấy không có ai đánh thức tôi dậy. Khoảng 6 giờ sáng mới có điện thoại của Val Witherspool, một nữ tiếp viên khác. Cô ấy bảo: “Chị xuống ngay phòng đợi khách sạn trong vòng 5 phút.” Khoác bộ đồng phục, tôi lập tức chạy xuống cầu thang. Ông Ed Daly và Val đang chờ tôi ở dưới nhà. Bruce Dunning, làm việc cho hãng tin CBS cũng đã có mặt. Tôi bảo Bruce: “Bọn này phải ra Đà Nẵng”. Anh ta nói: ’’Có tin thành phố này rơi vào tay Bắc Việt rồi” Tôi nói: “Nếu thành phố này đã mất thì chúng tôi đâu có đi” Bruce yêu cầu được đi theo chuyến bay. Ông Daly bảo: “Muốn đi thì đi. Có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhất trong vòng một giờ đồng hồ nữa.”
Bruce tập họp Mike Marriotte, chuyên viên quay phim và Mai Văn Đức, chuyên viên âm thanh, rồi chở họ ra phi trường. Chúng tôi bước lên chiếc World Airway Boeing 727. Là tiếp viên trưởng, tôi được thông báo là sẽ có một hay hai tiếp viên người Việt đi thông dịch, sẽ có binh sĩ bảo vệ để đương đầu với đám đông. Hôm trước, chúng tôi đã gặp khó khăn ở Đà Nẵng, và chúng tôi cũng sẽ phải mang theo nước ngọt, nước cam, bánh mì săng-uých cho hành khách.
Vừa vào phi cơ, tôi nói với Val và Atsako Okuka, một nữ tiếp viên khác: “Các bạn hãy xem xét ngay mọi thứ.” Chúng tôi thấy không có đồ ăn thức uống. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho biết một cái gì bất thường đang xẩy ra…Không nước ngọt, không nước  cam, không bánh mì, không đồ ăn thức uống trên phi cơ. Cũng không có tiếp viên người Việt, cũng chẳng có binh sĩ bảo vệ nào hết.
Chúng tôi thảo luận xem có nên bay ra hay không. Lúc ấy Daly và phi hành đoàn đã lên phi cơ rồi. Dunning và toán làm tin CBS cũng vậy. Hai nhân viên cơ quan  USAID leo lên. Họ trấn an chúng tôi là mọi việc ở Đà Nẵng cũng tốt thôi, không cần gì đến binh sĩ bảo vệ.
Lúc đó 8 giờ sáng, quá muộn so với giờ ấn định máy bay cất cánh. Ông Daly quyết định cứ đi Đà Nẵng để đón một số người tỵ nạn gồm đàn bà và trẻ em mà khỏi cần đến binh lính hộ tống hay thông dịch viên.
Chuyến bay ra khá êm. Chúng tôi mang theo một nhà báo người Anh và một người nữa của hãng tin UPI. Trong chuyến bay chúng tôi chuyện trò thân mật với nhau.
Phi cơ bắt đầu đổi cao độ để hạ xuống Đà Nẵng. Theo kế hoạch, sau chúng tôi 20 phút sẽ có một chuyến World Airway 727 khác do Don McDaniel lái. Sau anh ta, lại một chuyến 727 nữa do Dave Wanio điều khiển. Chúng tôi dự tính sẽ đậu từ 10 đến 15 phút để lấy khách rồi cất cánh, để chuyến thứ hai, rồi thứ ba đáp xuống. Với cách ấy chúng tôi có thể đem đi được 3 chuyến trong vòng dưới một tiếng đồng hồ.
Nhưng khi hạ cánh có một cái gì rất lạ lùng.
Không hề thấy một bóng người.
Không một ai, cả phi trường hoàn toàn hoang vắng. Đột nhiên trong lúc phi cơ đang “chạy taxi” trên đường vào bến, đoàn người chợt xuất hiện. Họ chạy ào ra từ những nhà chứa máy bay, Hàng ngàn con người-tôi nói đúng nghĩa là hàng ngàn con người đua nhau chạy đến chúng tôi- Họ chạy bộ, chạy xe gắn máy, chạy xe thùng, xe Jeep, xe hơi, xe đạp…Họ chạy đến phía chúng tôi bằng bất cứ phương tiện nào họ kiếm được.
 
Chúng tôi đã có một kế hoạch là ông Daly và Joe Hrezo, trưởng trạm của hãng World Airways sẽ ra khỏi phi cơ. Họ sẽ lo việc sắp hàng hành khách ở lối vào cầu thang phía sau. Tôi sẽ đứng ở phía trước phi cơ, Atsaco ở giữa còn Val đứng ở khoảng sau.
Chúng tôi cho phi cơ chậm lại. Lúc ấy tôi đang đứng trong phòng lái nhìn ra cửa sổ trước, chợt thấy có điều kỳ lạ. Một nhóm người lái chiếc xe vận tải nhỏ đuổi bên cạnh chiếc tàu bay. Một người đàn ông nhảy khỏi xe, chạy đến trước chúng tôi. Tôi nhìn về phía anh ta, lúc ấy chúng tôi đang đi chậm, anh ta rút một khẩu súng lục, bắn vào chúng tôi.
Đột nhiên tôi có cái cảm giác kinh dị y như đang đứng giữa khung cảnh của một phim cao bồi. Tôi đã nghĩ rằng: “Tại sao họ bắn chúng tôi? Chúng tôi là những người bạn tốt!”
Chúng tôi cho tàu chạy khỏi người đàn ông có súng và đi chậm lại ở phía xa. Bây giờ tôi bắt đầu chờ người khách đầu tiên lên phi cơ. Chúng tôi dự tính sẽ cho họ ngồi vào ghế, bắt đầu từ những hàng trước, lần lượt đến phía sau, sẽ sắp đặt họ trong vòng trật tự.
Rồi những người lính bắt đầu lên.
Họ chạy xồng xộc với cặp mắt man dại. Chừng chín người lính đã lên, tôi xếp họ ngồi vào ghế. Rồi người thứ mười lên, nhưng hắn không chịu ngồi. Hắn bị kích động, cứ chạy lên chạy xuống la lớn bằng tiếng Anh: “Bay đi! Bay đi! Bay đi! Chúng nó sắp pháo kích vào phi trường kìa!” Hắn cứ la hét như thế mãi. Tôi nắm lấy hắn, tôi cũng hét lên: “Im mồm, tôi bảo ông ngồi đâu thì ông ngồi xuống đó.” Tôi đẩy hắn xuống ghế.
Nhưng có điều lạ: rất ít người lên phi cơ. Vì vậy tôi nghĩ cần phải ra sau xem có chuyện gì…Tôi thấy Daly dưới chân cầu thang đang bị dằn xé. Áo ông rách vụn. Joe Hrezo biến đâu mất. Val đang cố giúp Daly lôi người lên cầu thang trong lúc tàu bay cứ tiếp tục chạy trên phi đạo. Còn dưới chân thang, hàng tram người tuyệt vọng, điên cuồng, la hét cố bấu víu lấy Val và Daly. Đoàn người tiến đến không ngừng. Họ từ khắp phía, chạy đến cầu thang không ngớt. Tôi leo xuống. Daly ở dưới thang, ông cố lập trật tự bằng khẩu súng lục vung lên trời. Val cố giúp những người đang leo qua cạnh cầu thang. Một gia đình 5 người chạy đến phía tôi cầu cứu. Đó là bà mẹ, ông bố, hai đứa con nhỏ, một trẻ sơ sinh còn ẵm trên tay mẹ. Tôi có thể nhìn rõ nét sợ hãi trên khuôn mặt khi họ cố chạy đến phía tôi. Tôi quay lại định nắm tay người mẹ kéo lên. Trước khi tôi kịp nắm tay bà, một người đàn ông đứng sau đã nổ súng vào 5 người này. Họ ngã gục cả xuống, đám đông đạp ngay lên xác họ. Cái hình ảnh cuối mà tôi thấy là họ biến mất dưới chân đám đông. Chỉ vài tiếng nổ lớn, họ biến mất, tất cả những người ấy. Còn gã đàn ông vừa bắn xong đã đạp ngay lên thân họ để leo tới cầu thang. Hắn đè lên mọi người, chạy vào lòng phi cơ. Tất cả mọi thứ quá sức hỗn loạn điên cuồng. Tôi còn nhớ vào giây phút điên dại ấy, tôi nghĩ: “Chốc nữa sẽ tính chuyện này”, tôi tiếp tục kéo người lên phi cơ. Chợt cảm thấy một người đàn bà đang níu tôi từ phía hông cầu thang, bà nắm cánh tay tôi, cố lọt lên bực thang. Tôi muốn giúp bà ta nhưng cũng sợ bị rơi tuột khỏi thành cầu. Tôi bèn quay lại nắm cánh tay người đàn bà, kéo qua thành cầu. Nhưng một người đàn ông ở phía sau đã níu lấy, giựt bà khỏi tay tôi. Khi bà rơi xuống, người đàn ông kia đạp ngay lên lưng, lên đầu người đàn bà để leo lên thang. Hắn dùng người đàn bà như một hòn đá kê. Daly nhìn thấy chuyện xảy ra. Liền khi gã đàn ông tung được  chân qua thành cầu, Daly nắm khẩu súng đập một cú vào đầu gã. Tôi nhớ lúc ấy đột nhiên tôi thấy vòi máu vọt ra, gã đàn ông rơi xuống, người ta đạp lên hắn. Tôi nhớ tôi đã nghĩ: “Đáng kiếp”. Gã đàn ông này biến mất dưới bàn chân dày xéo của đám đông.
Lúc ấy người đổ ùn ùn vào phi cơ, tôi chạy trở vào xem Atsatko có xếp nổi chỗ ngồi không. Cô nắm lấy tay tôi, bảo: “Đại úy Ken Healy đang cần chị”. Tôi đến phòng lái gõ cửa. Cửa mở, Đại úy Healy bảo: “Joe Hrezo đã lạc khỏi phi cơ. Khi nào hắn trở lại được cho biết .” Tôi đáp: “OK.” Chuyện xảy ra là Joe và thông tín viên người Anh đã bị đám đông kéo tuột khỏi tàu, không trở vào được nữa. Chúng tôi lạc mất cả hai người. Joe tự chạy tới đài kiểm soát không lưu, người kiểm soát viên cho anh ta vào. Sau đó Joe liên lạc được với máy bay. Ken Healy cho biết chúng tôi sẽ “chạy taxi” đi rà trên đường vào bãi và yêu cầu Joe phóng ra khi máy bay tới gần . Chúng tôi sẽ không dừng một giây nào. Liền khi Joe lọt vào phi cơ, chúng tôi sẽ cất cánh. Đại úy Ken Healy bảo: “Khi thấy chắc chắn Joe vào phi cơ rồi, gõ lên cánh cửa cho tôi hay”. Tôi đi sau, bảo Val: ” Val, canh chừng cầu thang, thấy Joe vào thì giơ tay, tôi sẽ ra hiệu cho Ken biết”
 
Trong khi đợi phi cơ chạy qua đài kiểm soát, người ta tiếp tục ào tới. Chúng tôi ấn họ xuống, 5, 6 người một ghế. Trong lúc làm việc, tôi nhớ là đã tự hỏi: “Thế còn đàn bà, trẻ con đâu hết?” Hóa ra, mọi hành khách đều là binh sĩ. Sau đó, tôi đếm chỉ có 11 người đàn bà và trẻ con. Tất cả chỉ có thế! Còn lại đều là binh sĩ…
Mọi người ngồi trên ghế với những bộ mặt căng thẳng. Gã khùng vẫn tiếp tục la lối: “Bay đi! Bay đi! Bay đi!”
Khi tàu đến gần đài kiểm soát. Daly vẫn còn đâu đó dưới cầu thang để kéo người vào. Tàu chạy rà qua đài kiểm soát được một lát, Val quay người lại, giơ tay lên. Tôi gõ vào cửa phòng lái. Phi cơ bắt đầu rồ máy. Chúng tôi gia tăng vận tốc. Gã khùng lúc trước la lối đòi bay, bây giờ sợ hãi thét lên: “Ối! Ối! tàu bay đang cất cánh trên cỏ.”
Thật ra, chúng tôi chạy để cất cánh từ phi đạo, lối vào bãi đậu, và Ken đã rồ máy để cảnh cáo người ta tránh ra, nếu không chúng tôi sẽ cán qua mà chạy.
Phi cơ leo lên cỏ vì đã vào cuối đường bến, không còn cách nào trở lại được. Chúng  tôi cứ tăng tốc lực bay vượt lên, do đó đã đụng phải một chiếc xe và một cọc hàng rào gây hư hỏng cho  cánh phi cơ. Nhưng hư hỏng  trầm trọng nhất là do đạn và lựu đạn ném vào một bên cánh. Ở trong phi cơ, chúng tôi không thấy được hư hại, không rõ tình trạng thế nào. Nhưng đại úy Ken Healy biết rất rõ.
Dầu thế, chúng tôi vẫn phải bay lên. Phải thoát khỏi Đà Nẵng. Chưa một giây phút nào tôi nghĩ là không thể thoát. Không ai có thì giờ để nghĩ những điều như vậy giữa cơn rối loạn. Sau  này tôi khám phá được suýt chút nữa chúng tôi đã không thoát. Đáng lẽ chúng tôi đã mất mạng vì các hư hỏng của phi cơ. Với 358 con người ở lòng tàu, còn lại 60 người khác trong khoang chở hàng, có cả người mắc trên bánh xe. Chiếc máy bay này thật sự chỉ dùng để chở có 133 hành khách thôi.
Sau này Ken Healy gởi cho hãng Boeing những con số thống kê liên hệ đến chuyến bay. Người ta cho chạy điện toán rồi bảo chúng tôi: Theo cách tính của họ, phi cơ chẳng thể nào cất cánh. Vậy mà chúng tôi đã cất cánh được. Sau Ken cũng gởi cho Boeing một điện tín khác, nói: “Quý ông quả đã chế được một cái tàu bay tốt hết xảy.”
Sau khi cất cánh, tôi bắt đầu đếm hành khách. Tôi chú ý một người ngồi ghế trước, mặt tái xanh, bị thương nặng, ruột đổ lòng thòng. Tôi dùng tay nhét đại ruột vào, giật cái khăn trên cổ một người nào đó quấn quanh bụng ông ta lại. Tôi kéo thùng cứu thương xuống. Thuốc men mất đâu cả từ Sài Gòn. Chúng tôi không có bất cứ một vật dụng y khoa nào trên tàu. Trống trơn. Không thuốc men bông băng gì. Sau khi tạm ổn thỏa với người đàn ông ghế trước, tôi nhìn ra lối đi, thấy một người khác đang bò lết đến bên tôi. Tôi nhận ra gã, đầu bê bết máu. Máu vấy đầy mặt. Chính là gã đàn ông đã kéo người đàn bà ra khỏi tay tôi. Đó là gã đàn ông bị Daly nện với khẩu súng lục. Lần sau chót tôi thấy hình ảnh người đàn bà bị nghiến trên mặt đất. Cũng lần sau chót tôi thấy gã đàn ông này bị đám đông đạp lên. Vậy mà sao gã cũng lết được vào phi cơ? Bây giờ gã đang bò. Tôi nhớ đó là lần duy nhất trong ngày tôi đã cầu nguyện, tôi cầu: “Lạy chúa. Xin đừng để cho gã này tiến lại gần con”. Gã cứ lồm cồm lết đến. Gã nắm lấy ống quần tôi. Gã nhìn lên tôi. Gã chỉ nói: “Xin cứu tôi”
Thế là tôi nắm đại một người, kéo khỏi ghế, tôi giúp gã ngồi vào ghế. Đầu gã nứt, tôi có thể nhìn thấy bên trong máu lầy nhầy. Không có gì để cầm máu cả. Tôi biết nếu tôi không giúp cho máu cầm lại, gã sẽ chết ngay trên tay tôi. Một người lính ngồi bên cạnh mặc cái áo tác xạ. Tôi xé toạc cái áo, bốc một nắm mạt cưa  nhét vào vết thương. Tôi cứ nhồi mãi mạt cưa vào để chận vòi máu. Chắc chắn giới Y khoa Mỹ sẽ giật mình với phương pháp này, nhưng nó đã tỏ ra hữu hiệu. Tôi giật lấy cái sơ mi của một người khác, buộc quanh đầu gã để giữ mạt cưa lại…
Gã được bình yên suốt chuyến bay. Gã thật mạnh, không bị bất tỉnh lần nào. Tôi đi về phía sau lần nữa, thấy Val, Daly và Joe Hrezo đang cố kéo một người đàn ông mắc kẹt trong cầu thang sau. Cửa máy bay sau không đóng được. Người ấy bị kẹt trong thang, gẫy chân. Sau cùng họ lôi được người này ra, mang vào trong phi cơ. Val và tôi cố bó cái chân gẫy với một miếng gỗ – Lúc ấy Joe bảo tôi rằng thông tín viên người Anh không trở lại được. Anh ta bước ra phi đạo Đà Nẵng để thu hình đám đông, rồi vô phương trở vào phi cơ trong lúc rối loạn. Anh ta còn ở trong đài kiểm soát. Ken Healy hứa sẽ có một chiếc trực thăng Air America đến đón. Về sau, anh ta cũng đã trở vào được Cam Ranh. Val, Atsako và tôi tiếp tục cấp cứu cho mọi người trên tàu. Việc này chiếm hết thì giờ và tôi đoán là khi đã bay được một giờ đồng hồ thì chúng tôi mới bắt đầu nhìn đến các hành khách khác không bị thương. Tôi thấy vẻ kinh sợ trên mặt họ. Cuối cùng, họ nhận thức được họ đã làm những gì. Họ bắt đầu hỏi “Còn những chuyến bay khác nữa không?”
 
Chúng tôi trấn an bằng cách nói thác: “Còn chứ, còn nhiều chuyến nữa.” Những người này bây giờ đã hiểu ý nghĩa việc bắn giết đồng bào để leo vào chuyến bay. Bây giờ họ ân hận. Đành nói dối thôi, chứ chúng tôi cũng biết sẽ không còn chuyến nào ra Đà Nẵng nữa. Đây là chuyến chót. Những người đi sau không ra nữa. Ken Healy đã liên lạc với Don McDaniel của chuyến 727 kế, bảo anh ta đợi chúng tôi ở Phan Rang, và bảo anh ta điện cho Dave Wanio quay lại Sàigòn để sửa soạn việc hạ cánh khẩn cấp. Tàu chúng tôi hư hỏng nặng, Ken không dám chắc bánh xe buông xuống được khi chúng tôi xuống Sàigòn. Tôi hiểu điều đó có nghĩa gì.
Trong lúc ấy, phi cơ nóng kinh khủng mặc dù thang máy bay phía sau vẫn hạ xuống, cửa sau vẫn mở trống hốc. Người ta không thể thở nổi trong máy bay với chừng ấy con người – chúng tôi nhờ Đức, chuyên viên âm thanh của CBS luôn luôn nhắc nhở bằng tiếng Việt trên máy phát thanh là “Yêu cầu đừng hút thuốc.” Hành khách tuyệt đối cấm hút thuốc, và nếu có người hút thuốc là hỏa hoạn sẽ xảy ra lập tức.
Sau công tác cứu thương cho hành khách, tôi nhận ra trên máy bay không có gì cho họ uống. Nhưng có một ngăn nước đá đã chảy, bây giờ đầy nước lạnh. Tôi bảo Bruce Dunning xé tấm màn ra từng miếng vải vuông nhỏ, nhúng nước. Tôi lấy những mảnh vải ướt, đi lên đi xuống chuyển cho hành khách tạm thời lau mặt. Người nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Tôi bảo Val và Atsako làm một cái gì để nâng tinh thần những người này. Sau những gì họ đã làm với chính các bè bạn, chiến hữu họ, sự xúc động đang chậm chạp kéo đến dày vò họ. Họ đã bỏ gia đình. Họ đã giành giật, bắn giết nhau để lấn vào tàu. Bây giờ cơn náo loạn biến mất, nhận thức về cái ghê tởm đã xảy ra đang ngấm dần.
Vì thế, chúng tôi đi quanh, nói chuyện, vỗ vai, chùi mặt mày, lau tay, cố làm một vài điều giúp họ thoải mái đôi chút.
Lúc ấy, tôi cũng chết khát. Daly đến bên, mở áo sơ mi ló ra cho thấy một chai coca. Ông bảo “ra phòng lái.” Tôi đi ra phòng lái, ngồi xuống ghế quan sát viên, Daly tiến đến với một chai coca. Ông mở nút đưa tôi. Tôi nhớ tôi đưa chai coca lên miệng, nhưng nước cứ trào khỏi cằm, chảy xuống bộ đồng phục. Tôi không nuốt nổi. Chúng tôi chuyền cái chai coca độc nhất quanh phòng lái. Một lần nữa, Ken Healy nói với tôi về các hư hỏng của chiếc tàu bay. Ông bảo không dám chắc cái bánh xe mũi có thể buông xuống được, nếu nó xuống được, chưa chắc sẽ chịu đựng được thân tàu. Ông báo động: phải sẵn sàng đối phó bất cứ điều gì khi hạ cánh xuống Sàigòn.
Tôi trở lại khoang hành khách, phục vụ loanh quanh. Chợt mọi người đều xúc động nhìn qua phía trái. Chúng tôi đã bay đến Phan Rang. Don McDaniel và phi hành đoàn đang bay ở cao độ 35,000 bộ, họ đang chờ chúng tôi. Cuối cùng họ thấy một chấm đen ở phía dưới, họ nhận ra chúng tôi và đang bay xuống phía chúng tôi. Chúng tôi nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia, tương phản với bầu trời xanh tuyệt vời, trên đám mây trắng nõn là chiếc tàu bay World 727 xinh đẹp màu đỏ và trắng. Một cảm giác sảng khoái đột nhiên chạy qua khắp chiếc tàu, và lúc ấy tôi biết cái cảm giác này cũng đi suốt qua tôi. Chúng tôi biết một chiếc phi cơ chị em đã tìm ra chúng tôi. Chúng tôi sẽ an toàn vì cô chị chúng tôi nay đang hộ tống chúng tôi trở về bình an.
 
Thế là anh chàng Don McDaniel lái chiếc tàu bay của anh ta lượn quanh chiếc tàu bay chúng tôi để lượng giá những hư hỏng. Anh ta gọi Ken Healy, bảo “’Hình như có một xác chết lủng lẳng trên bánh xe của bạn.” Ken đã hỏi anh ta về việc đó. Một người bị cán khi bánh xe lùi lại. Nhưng cái chết của người này đã cứu mạng sống của tám người khác dưới guồng bánh xe vì xác chết đã cản cần máy lại, không làm cho bánh xe lùi thêm nữa.
 
Như vậy lúc đó chúng tôi biết sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề gây ra bởi bánh xe. Các cửa khoang chở đồ mở toang, cầu thang sau còn treo thòng xuống, cửa sau cũng mở trống, vành xếp của cánh máy bay bị đạn bắn sẽ không hoạt động khi hạ cánh. Chúng tôi đang ở tình trạng khó khăn nghiêm trọng.
 
Phi cơ tiếp tục bay về Sàigòn.
 
Tôi nói với Val “vào phòng rửa mặt,” ở đây tôi nói cho Val biết những cái trục trặc của tàu bay. Lúc hạ cánh, tôi sẽ ngồi hàng ghế trên, Val sẽ ngồi sau khoang phi cơ. Tôi bảo không biết chúng tôi thoát được không. Tôi dặn dò vài điều nhắn cho gia đình tôi trong trường hợp Val sống sót và nếu tôi không thoát được. Tôi bảo “Hãy cho gia đình tôi biết mọi sự cũng ổn thôi. Tôi đã không hề sợ hãi gì. “Tôi không khóc. Cô cũng vậy. Người ta không có thì giờ dành cho xúc cảm, mà hiển nhiên đây là lúc đầy cảm xúc, nhưng người ta đành phải giấu đi thôi.
Thế rồi phút cuối cùng của chuyến bay phải đến. Từ sau thân tàu, tôi bắt đầu đi lên, và đây là lúc một hành động tự phát xuất hiện. Một người đàn ông trao vào tay tôi khẩu M.16. Anh không nói tiếng Anh, tôi không nói được tiếng Việt, tôi không rõ anh ta muốn gì. Nhưng rồi tôi hiểu: anh muốn tôi hãy nhận lấy khẩu súng của anh. Vì thế tôi khoác cái khẩu súng khốn nạn lên vai, trong lúc bước đi, người ta bắt đầu trao thêm cho tôi mọi thứ khác. Khi đến phòng lái, trên vai tôi đã có vài khẩu M.16 lủng lẳng, một băng đầy đạn, một nắm đạn rời. Một vài người đã trao một hay hai viên, vài người khác trao cho tôi nhiều hơn, tôi còn có hai khẩu súng lục treo trên ngón tay. Chính lúc ấy – khi tôi đang nắm những viên đạn nhỏ và những thứ vũ khí trong tay – đột nhiên một cảm giác rõ rệt bừng ra – cuộc chiến của những người này đã chấm dứt. Họ không muốn súng đạn hay bất cứ gì nữa. Điều ấy thực chua chát: chính họ cũng đã ở cuối đường.
Khi tôi gần đến phòng lái, một gã khùng đặt một quả lựu đạn lên trên các thứ trong tay tôi. Tôi nhìn xuống, tự nghĩ “Trời ơi – một quả lựu đạn!” Phản ứng bản năng tôi là định xoay người, ném xuống phía sau máy bay. Nhưng tôi sợ nó đụng cầu thang phát nổ, tôi nghĩ “Chúa-ơi-tôi-sẽ-làm-gì-với- những-thứ-này?” Tôi đi về phòng lái, đá cửa. Charlie Stewart, kỹ sư chuyến bay mở ra. Tôi nói với anh: “Charlie, cầm lấy mấy cái này!” Tôi chưa bao giờ từng chạm tay đến một quả lựu đạn. Charlie cầm lấy. Anh ta và Mike Marriott vội tìm băng keo quấn lại. Họ quấn băng keo quanh quả lựu đạn, và mọi thứ tôi mang vào. Nếu lỡ có gì phát nổ, họ muốn bọc bớt lại càng nhiều càng tốt.
Đã đến lúc hạ xuống Sàigòn. Tôi gọi Mike Marriott tới bên cửa hông, chỉ cho anh cách mở cửa khẩn cấp và cách bung cầu tuột. Thông thường, đó là việc của Atsako, nhưng cô là tiếp viên mới, tiếng Anh không thạo, không chắc cô sẽ đối phó được trường họp khẩn cấp. Cho nên tôi muốn có một người đàn ông ngồi đấy.
Lúc tôi đang ngồi ở ghế trên với Bruce Dunning thì Daly từ phòng lái bước ra, ông yêu cầu Bruce xuống phía sau tàu. Ông muốn Bruce mang các phim ảnh quay được ở Đà Nẵng ra phía sau, nếu không ai sống sót thì các phim ảnh vẫn phải được bảo toàn. Tất cả đều cảm thấy mãnh liệt: Nếu chúng tôi không thoát, thế giới vẫn cần phải biết những gì xảy ra hôm ấy.
Daly đến, ngồi xuống cạnh tôi. Ông hỏi tôi có biết gì tình trạng chiếc máy bay không. Tôi nói biết. Ông hỏi tôi có sợ không. Tôi nói “Không, tôi không sợ chết.” Ông choàng cánh tay ôm tôi, nói “Cô bảnh lắm. Tôi sẽ đãi cô nhậu một chầu nếu mình thoát ở Sàigòn.” Tôi nói “Ông Daly, nếu sống sót, xin ông mua cho tôi một két bia.” Ông ta cười.
Rồi Daly lại bảo tôi “Những người này không hề biết súng của tôi trống rỗng.” Ông đã bắn hết đạn trong lúc cố duy trì trật tự ở cầu thang máy bay tại Đà Nẵng. Ông bảo “Tôi sẽ giữ khẩu súng để kiểm soát họ khi hạ cánh, như thế cô sẽ có thì giờ mở cửa và bung cầu tuột.” Tôi đáp “Tốt lắm.”
Chúng tôi bắt đầu một cuộc hạ cánh khá dài để xuống Sàigòn. Phi cơ bay hơi nhanh, tất nhiên không nên bay nhanh như vậy để hạ cánh, nhưng chúng tôi không điều chỉnh được vành xếp ở cánh. Và tôi ngồi ở cái ghế đặt ngay vị trí bánh xe mũi, ngồi đấy, tôi có thể cảm thấy bánh mũi có hạ xuống không? Có chống được thân tàu hay không? Rồi tôi cảm thấy bánh xe chính chạm phi đạo, tôi thấy phi trường bay vượt qua. Tôi cố chờ để cảm thấy cái bánh xe mũi hạ xuống mặt đường. Nhưng Ken đã giữ cho mũi máy bay cách khoảng mặt đất thật lâu. Tôi không hiểu làm thế nào anh đã giữ được như thế. Bỗng tôi thấy các toà nhà vút qua. Tàu chúng tôi đang chạy ngay trên phi đạo. Tôi hiểu bánh mũi đã hạ và chịu đựng được. Thế mà tôi không cảm thấy nó hạ xuống lúc nào. Ken đã khéo léo điều khiển chiếc 727 đáp xuống Sàigòn một cách nhẹ nhàng như thế. Rồi phi cơ cứ vùn vụt chạy trên phi đạo, vì chúng tôi không thể ngừng. Cảm ơn Thượng Đế, Sàigòn có được cái phi đạo dài 14,000 bộ! Bốn chiếc xe cứu hỏa chạy nhanh, kèm bên chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi quẹo qua đường vào bến. Phi cơ ngừng, không tỏ dấu hiệu rõ rệt nào là có sự nguy khốn cả. Tôi nhảy ra, mở cửa, nhưng không bung cầu cấp cứu. Joe Hrezo đã đứng trên mặt đất, hẳn anh ta đã chạy xuống bằng thang sau. Cùng một lúc, Joe và tôi la lên: “Xe tải thương, cáng cứu thương! Chúng tôi cần xe tải thương, cáng cứu thương.”
Người ta mang cầu thang đến cửa trước. Mọi người bên trong ngồi im lặng. Qua máy phóng thanh, Đức nhắc đi nhắc lại: “Ngồi yên, đừng di chuyển.” Không ai nhúc nhích. Sau đó chúng tôi bắt đầu chuyển người ra. Tôi nhớ có một người đàn ông châm một điếu thuốc. Ngay khi anh ta tới cửa trước, tôi yêu cầu anh không được hút thuốc vì có xăng. Anh ta ném điếu thuốc, dí chân lên điếu thuốc cháy đỏ. Tôi thấy anh ta đi chân không. Tôi nghĩ “Chúa ơi, thế thì đau lắm.” Nhưng anh không cảm thấy. Không ai trên tàu còn cảm thấy gì nữa.
Hầu hết hành khách được lùa sang một bên. Cáng tải thương mang vào tàu, họ khiêng người đàn ông với vết thương nặng trên đầu, rồi khiêng người đàn ông bị đổ ruột. Khi mọi người ra hết, chúng tôi bắt đầu kiểm điểm. Val và tôi bước qua lối đi, nhặt nhạnh súng, đạn, những quả lựu đạn bỏ lại trên ghế. Tôi nhận ra chúng nặng quá sức. Tôi bảo Val “Thôi kệ – Bỏ lại – sẽ có người khác đến lo chuyện ấy.”
Tôi và Val rời tàu. Chúng tôi là hai người cuối cùng rời tàu. Nhìn những chỗ hư hỏng của chiếc máy bay, chúng tôi sợ hãi khi thấy những mảng kim khí đã toác ra. Chúng tôi cũng sợ hãi nhìn những lỗ đạn trên cánh. Lúc ấy tôi nói với Val “Thật đáng ngạc nhiên là chiếc phi cơ này đã có thể bay được.”
Val và tôi được đón đến ban phi vụ, rồi đến khách sạn Caravelle. Người ta đưa chúng tôi tới văn phòng ông Daly, nơi đây thông tín viên NBC đang phỏng vấn tất cả mọi người. Tôi ngồi trên chiếc ghế dài uống bia trong lúc họ quay phim.
 
Trong phòng bên, vài chục phóng viên khác đang chờ. Họ đều muốn phỏng vấn chúng tôi. Tôi hỏi Daly “Chúng ta nên nói gì?” Ông ấy bảo: “Cứ nói sự thật.”
Daly đưa tất cả chúng tôi đi ăn tối hôm ấy. Khi về lại khách sạn, tôi tắm rất lâu. Tôi nằm xuống giường, nhưng không ngủ được. Tôi cứ nhìn thấy mãi hình ảnh những người buổi sáng hôm ấy ở Đà Nẵng. Tôi thấy người đàn bà bị đẩy đạp đến chết. Tôi có thể thấy cả quần áo của bà ta và cái xác máu me nát bấy. Tôi thấy gia đình năm mạng người bị bắn từ sau lưng ngã gục xuống. Rồi người đàn ông bò lồm cồm ở lối đi trên máy bay, lết đến bên tôi. Tôi nhận ra suốt đêm tôi sẽ không thể ngủ được. Tôi nhỏm dậy, ra ngồi ở bàn viết. Tôi nghĩ có lẽ tôi có thể viết lại. Tôi đã cố. Tôi viết được đôi chút. Nhưng thật khổ, chuyện ấy quá lớn đối với chữ nghĩa. Tôi không biết viết thế nào về câu chuyện đã xảy ra.
Thời gian trôi. Tôi mất ý niệm về thời gian. Chợt chuông điện thoại reo. Tôi bốc máy trả lời. Điện thoại viên bảo có một cú điện thoại viễn liên quốc tế. Tôi nhìn đồng hồ, nhận ra đã 7 giờ sáng. Rồi giọng một người đàn bà, nói trong điện thoại từ một đài phát thanh ở Los Angeles. Bà ta muốn phỏng vấn tôi. Bà đã xem cuốn phim CBS về chuyến bay Đà Nẵng trong mục tin tức. Thế là tôi kể cho bà nghe tất cả những gì đã xảy ra. Cuối cuộc phỏng vấn, bà ta nói một câu ngu ngốc nhất. Chưa bao giờ trong suốt đời tôi nghe ai có thể nói một câu ngu ngốc thế. Bà ta bảo: “Cô Wollett, nghe chừng cô còn buồn bực lắm!” Tôi không thể tin được sự ngây ngô như thế trong nhận xét của bà ta. Lúc ấy, biết bao ý nghĩ diễn ra trong trí. Nhưng tôi chỉ còn có thể nói: “Thưa bà, hãy đặt vấn đề như thế này: Đây không phải là câu chuyện mà người ta có thể chứng kiến mỗi ngày.”
Bà ta nói “Thôi, cảm ơn, cô Wollett. Nhân tiện, xin chúc cô một lễ Phục sinh vui vẻ.” Đến lúc ấy, tôi mới nhận ra: đó là ngày chủ nhật mùa lễ Phục sinh.
 
“…Đây không phải là câu chuyện mà người ta có thể chứng kiến mỗi ngày…”
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top