• Truyện ngắn TRANG CHÂU, NỬA KHUYA

• Truyện ngắn TRANG CHÂU


Trong đời Liêm, anh có hai lần chứng kiến cảnh một người đàn bà hôn tay một người đàn ông. Lần thứ nhất trong một phim Liêm xem vào lúc anh còn trẻ, hai mươi mốt tuổi. Truyện phim nói về cuộc đời và mối tình của một nhạc sĩ viết nhạc cổ điển tây phương. Một hôm nhạc sĩ được mời vào triều để đánh đàn dương cầm. Ông trình bày một hòa khúc do chính ông sáng tác. Liêm không nhớ rõ trong phim ông nhạc sĩ đã đi mua hay đi mướn một áo rơ-đanh-gốt để mặc hôm trình diễn, chỉ nhớ là sau lưng chiếc áo có đuôi của ông còn dính tòn teng cái nhãn hiệu của áo mà ông quên không gỡ nó ra. Vì là lần đầu tiên được vào triều nên ông nhạc sĩ đi đứng lúng túng, vụng về, dáng dấp khá nhà quê. Nhưng khi ngồi xuống trước chiếc dương cầm, ông nhạc sĩ tài ba đã làm say mê cử tọa bằng tiếng đàn và những nốt nhạc tuyệt vời của mình. Đến gần cuối phần trình diễn, bỗng phía cử tọa phát ra tiếng cười khúc khích làm mọi người ngơ ngác. Thì ra một công chúa trông thấy cái nhãn hiệu tòn teng sau lưng áo của ông nhạc sĩ đã không nín được để bật ra tiếng cười. Bị chạm tự ái, ông nhạc sĩ tức giận đứng dậy đóng sập nắp dương cầm, hầm hầm quay lưng bỏ đi. Bây giờ mọi người đều trông thấy cái nhãn hiệu quái ác tòn teng sau lưng chiếc áo của ông. Nhiều người lúc đó cũng không nín được cười.

Ngày hôm sau có người mang đến cho ông nhạc sĩ một lá thư của công chúa. Nàng xin lỗi về cử chỉ thiếu lịch sự của mình hôm qua và yêu cầu được gặp nhạc sĩ. Liêm không còn nhớ rõ diễn tiến cuốn phim, chỉ nhớ sau đó hai người quen rồi yêu nhau. Liêm cũng không nhớ rõ không biết có phải vì giai cấp, vì công chúa là hàng quí tộc còn ông nhạc sĩ là thường dân, nên hai người không tiến tới hôn nhân được.

Sau đó công chúa lấy chồng. Chồng nàng là một chức sắc lớn trong triều. Ông nhạc sĩ được công chúa mời vào đàn trong buổi tiếp tân của nàng. Ngồi trước đàn, lòng buồn rười rượi, ông nhạc sĩ trút hết đau thương qua tiếng dương cầm, trình bày lại bản hòa khúc đã bị bỏ dở lần trước. Đến đúng đoạn nhạc lần trước công chúa cười, ông nhạc sĩ bỗng nghe tiếng khóc nức nở. Cử tọa lại một phen ngơ ngác. Tiếng khóc của chính công chúa. Ông nhạc sĩ ngưng đàn ngồi bất động trước chiếc dương cầm. Sau đó ông được chồng của công chúa đến xin lỗi và nói rằng vợ ông muốn gặp riêng ông. Công chúa nghẹn ngào nói rằng vì nàng mà hai lần ông nhạc sĩ không thể trình bày hết bản hòa tấu của mình. Rồi mắt đẫm lệ, công chúa nâng tay ông nhạc sĩ đặt lên đó một chiếc hôn từ biệt. Về nhà ông nhạc sĩ tự tay xé bỏ đoạn cuối của bản hòa tấu.

Người nhạc sĩ trong phim là nhà soạn nhạc lừng danh Schubert và tác phẩm bất hủ của ông mang tên “Bản hòa tấu dở dang” (Symphonie inachevée). Hình ảnh gây xúc động mãnh liệt cho Liêm là nụ hôn tay từ biệt của công chúa, nụ hôn của một người đàn bà dành cho một người đàn ông. Một cử chỉ hiếm xảy ra ngoài đời. Nếu cử chỉ một người đàn ông hôn tay một người đàn bà được xem như một cử chỉ lịch sự thường tình , thì cử chỉ một người đàn bà hôn tay một người đàn ông, dưới mắt Liêm, trong tâm trí Liêm, nói lên một tình cảm sâu đậm mà khắc nghiệt, tri ân lẫn tuyệt vọng. Rồi anh bỗng có thầm một ao ước vẩn vơ: trong đời anh, một lần nào đó, vào một hoàn cảnh nào đó anh có được một người đàn bà hôn tay anh.

Mười tám năm sau Liêm chứng kiến cảnh một người đàn bà hôn tay một người đàn ông lần thứ hai. Người đàn ông được nhận cái hôn tay lại chính là Liêm. Liêm còn nhớ lúc ấy vào cuối năm học, chỉ còn hai tuần nữa là Liêm thi ra trường. Một vấn đề sinh tử đối với Liêm, một người Việt tỵ nạn ở tuổi 38 là thi lấy lại bằng hành nghề tại xứ người. Mỗi đêm Liêm chỉ ngủ chừng bốn tiếng đồng hồ. Anh làm ra một thời khóa biểu học nước rút rất khắt khe: 6 giờ chiều ăn tối xong, nghỉ nửa giờ, sau đó học cho đến 10 giờ, nghỉ một tiếng rồi học tiếp cho đến 2 giờ sáng. 6 giờ sáng thức dậy, học cho đến 8 giờ, sau đó ăn vội sáng rồi đến sở làm cho đến 4 giờ chiều.
Càng đến gần ngày thi đầu óc Liêm càng căng thẳng, anh phải rút ngắn giờ học và kéo dài giờ nghỉ. Một tối, quá nhức đầu Liêm ngưng học, quyết định thay quần áo đi ra ngoài hóng gió. Thời tiết vào tháng 5 về đêm vẫn còn lạnh. Liêm mặc áo len, khoác thêm chiếc áo da rồi khóa cửa phòng trọ đi bộ ra phía chiếc cầu nhỏ cách chỗ ở của Liêm không xa.

11 giờ đêm đường phố ở tỉnh nhỏ thưa thớt xe cộ và bộ hành. Liêm thả bộ qua cầu, đến giữa cầu anh đứng lại tì tay lên thành cầu nhìn xuống giòng nước đục loang loáng ánh sáng từ mấy bóng đèn trên cầu hắt xuống. Gió trên cầu lành lạnh. Liêm ưỡn người, hít sâu rồi chầm chậm thở ra nhiều lần. Không khí mát lạnh chạy vào buồng phổi làm Liêm cảm thấy khoan khoái, đầu óc nghe nhẹ nhõm.

– Ông có lửa cho tôi châm nhờ điếu thuốc.
Liêm giật mình nhìn qua bên phải thì thấy một người đàn bà da trắng không biết từ đâu ra đang đứng cạnh anh, tay cầm điếu thuốc.
– Xin lỗi bà, tôi không hút thuốc nên… nên không có…
Người đàn bà trả lời “không sao” nhưng không bỏ đi mà hỏi tiếp Liêm như muốn gợi chuyện:
– Ông hóng mát hay vì khó ngủ?

Nghe nhắc đến chữ ngủ là Liêm thấy thèm ngủ. Anh đang thiếu ngủ, không dám ngủ chứ không phải khó ngủ. Liêm thành thật trả lời:
– Tôi ra hóng mát, thở khí trời một lúc cho nhẹ cái đầu vì tôi đang học thi.
– A, có phải ông thuộc nhóm người tỵ nạn mà báo chí ở đây nói tới nhiều từ 2, 3 năm nay không?
– Đúng vậy.
Người đàn bà da trắng cũng tâm sự:
– Tôi cũng không phải người sinh ra ở đây. Gia đình tôi cũng là di dân nhưng sang đây lâu rồi.
Nghe người đàn bà nói mình là di dân, Liêm có cảm nghĩ như bà ta gián tiếp cảm thông cảnh ngộ khó khăn của những người mới nhập cư như Liêm. Anh thấy thoải mái hơn để tiếp tục nói chuyện:
– Bà gốc xứ nào?
– Tôi gốc Ý.
– Tôi nghe nói cộng đồng người Ý ở đây mạnh và thành công lắm.
Người đàn bà lắc lư đầu như muốn phân bua:
– Mạnh thì có mạnh, nhưng không phải ai cũng thành công ở xứ nầy đâu ông.
Nói xong người đàn bà đổi hướng câu chuyện:
– Ông ở đây một mình?
– Vâng, tôi ở trọ. Thi xong nếu đậu tôi sẽ trở về Montréal kiếm việc, còn rớt thì phải vừa học vừa đi làm chờ sang năm thi lại.
Người đàn bà da trắng bỗng nhích sát người vào Liêm, ngước nhìn anh nói nhỏ:
– Tôi tên Ana, nhà tôi gần đây, anh ghé nhà tôi chơi đi. Tôi đang một mình.
Liêm giật mình trước lời mời mọc đột ngột. Anh chưa kịp có câu trả lời, người đàn bà tiếp, giọng khẩn khoản:
– Ghé nhà tôi đi! Vì tôi có cháu bé rất nhỏ nên không bỏ nó đi lâu được. Chồng tôi hiện đang “ở trong” một năm nữa mới được ra. Mấy tháng nay tôi không gần đàn ông. Ông đến nhà tôi đi, giúp tôi đi!

Chủ đích mời mọc thật rõ ràng, Liêm chỉ có việc ưng thuận hay từ chối. Cảm giác đầu tiên là sợ. Nghe người đàn bà nói chồng bà ta đang ở tù Liêm nghĩ ngay hắn ta thuộc một băng đảng nào đó, một tên giết người, đụng vào vợ hắn có ngày tiêu mạng. Mặt khác Liêm thấy lời khẩn khoản của người đàn bà có vẻ chân thật, có vẻ con người. Một thoáng cân nhắc chạy qua đầu Liêm: xem người ngợm bà ta có đáng cho anh liều lĩnh không. Người đàn bà khoảng ngoài ba mươi, thân hình đẫy đà như phần đông đàn bà Ý, mặt mày tròn trịa, không mấy hấp dẫn. Duy đôi mắt bà ta tỏa ra một sự thành khẩn làm Liêm thấy thương hại. Anh hỏi trổng:
– Nhà có xa không? Đi bộ chừng bao lâu? Tôi còn phải trở về để học.
Người đàn bà mừng rỡ:
– Chừng 10 phút đi bộ thôi. Ông đi theo tôi nhé?
Liêm bước theo Ana, vừa đi vừa nhìn trước sau xem có người đi bộ nào khác vào giờ nầy. Đường vắng tanh và yên lặng, nên dù bước nhẹ, tiếng giày của hai người vẫn gây nên những tiếng động nho nhỏ trên mặt đường.
Ana rẽ vào một con đường đất ngắn. Cuối con đường hiện ra bóng một ngôi nhà nằm sát bờ sông. Trời tối nhưng Liêm cũng nhận ra một ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Vào bên trong Ana bật đèn rồi dẫn Liêm vào phòng ngủ. Bên cạnh chiếc giường là cái nôi, trong đó một đứa bé không biết trai hay gái, chừng 7, 8 tháng đang ngủ. Ana ghé tai Liêm nói nhỏ:
– Vì không thể bỏ cháu một mình lâu nên tôi phải mời ông về nhà. Ông cảm thông cho.
Nói xong Ana lặng lẽ cởi quần áo rồi lên giường nằm chờ. Liêm cũng lặng lẽ cởi quần áo. Anh làm tình vội vã không mấy hứng thú. Như cho xong. Như một ban bố. Ana thì cứ ôm chặt lấy Liêm rên hừ hừ qua mỗi động tác của anh. Xong, Liêm lại vội vã mặc lại quần áo. Ana lặng lẽ đứng nhìn, hai tay nắm chặt cái khăn ướt nàng vừa đưa cho Liêm lau.
– Ông có bằng lòng trở lại nữa không?
– Chắc không. Tôi bận học thi. Ana cần thì đến chỗ tôi trọ. Ở đây bất tiện lắm.
Liêm không dám nói đến nhà Ana nguy hiểm cho anh nên dùng hai tiếng “bất tiện”.
– Tôi hiểu. Nhưng mong ông cũng hiểu tôi không thể bỏ cháu nhỏ đi lâu cũng không thể mang cháu đi theo. Bây giờ chắc ông tin lời tôi nói.

Liêm gật đầu. Anh không hôn từ giã Ana, chỉ choàng tay ôm nàng, vỗ vỗ vào vai Ana trong một cử chỉ thân thiện. Ana hai tay bóp chặt bàn tay Liêm đưa lên môi hôn rất lâu rồi nói khẽ:
– Cám ơn rất nhiều. Cám ơn những gì ông vừa mang đến cho tôi.
Trên đường về, Liêm suy nghĩ miên man. Anh tự hỏi việc làm của anh vừa rồi là một hành động theo bản năng của một con đực bị một con cái kích thích hay là một hạnh động từ tâm của một người có lòng vị tha mang niềm vui nho nhỏ cho một người đang cần? Liêm nghĩ nếu anh mang chuyện nầy ra kể cho thiên hạ nghe và nói rằng mình làm chuyện đó như làm một việc thiện thì khối người cho Liêm là một tên đạo đức giả. Nhưng tận đáy lòng Liêm, Liêm biết rất rõ, chính ánh mắt tỏa ra sự thành khẩn của người đàn bà không hề quen biết kia đã đưa đến hành động liều lĩnh của anh.

Trang Châu


 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top