• Hoàng Long Hải, Về Nước, thấy gì, nghĩ gì? “… xóm học Hàng Me”


• Hoàng Long Hải,
V
Nước, thy gì,
ngh
ĩ gì?
Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa Đủ
Bụi Đường Dài
Gối Mỏi
Đi Quanh
(tuệ sĩ)


Bài 24




“… xóm học Hàng Me”

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Gió theo lối gió, mây đường mây,
    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
    Có chở trăng về kịp tối nay?

    Mơ khách đường xa, khách đường xa
    Áo em trắng quá nhìn không ra...
    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
    Ai biết tình ai có đậm đà?


    Ban đầu, tôi có ý không bàn tới bài thơ “Thôn Vỹ…” bởi như mấy năm còn cầm cục phấn đứng trước bảng, tôi thường nói với bọn học trò của tôi rằng “Thơ Hàn Mặc Tử thì hay, hay lắm, nhưng không có bài nào toàn bích. Những bài tôi trích giảng thường là “Gái Quê”, “Phan Thiết! Phan Thiết!”, “Cô Liêu”… Chỉ có bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết” gần như được toàn bài, còn phần nhiều những bài khác, Hàn Mặc Tử viết được những câu “xuất thần”: “Ai đi lẵng lặng bên làn nước, Với lại ai ngồi khít cạnh tôi. Cớ sao ngậm cứng thơ đầy miệng, Không nói không rằng nín cả hơi! Chao ôi ghê quá trong tư tưởng, Một vũng cô liêu cũ vạn đời.” Ai đi, ai ngồi bên cạnh mà ông ta cũng không biết vì ông đau đớn vì bệnh quá hay chăng? Hay đó là ma! Bệnh nặng lắm rồi, ông có cái cảm tưởng gần với thế giới “âm phần” hơn cõi dương thế? Tại sao không nói gì, trong khi miệng “ngậm cứng” thơ, “ngậm cứng” thơ đến nỗi không thở, “nín cả hơi”. Những chữ “ngậm cứng”, “nín cả hơi” là những tiếng rất thông thường, thông tục, được ông đưa vào thơ một cách tài tình. Và tuồng như có một cái gì đó bất bình thường, gần gũi với một thế giới mộng mị, ma quái.

    Vài người viết lại bài thơ nầy, thay chữ “vũng cô liêu” thành “bãi cô liêu”. Tôi nghĩ rằng viết như thế là không hiểu ý nhà thơ. “Bãi cô liêu” là nói về chiều rộng. “Vũng cô liêu” là nói về chiều sâu. Ngồi bên bờ biển rộng mà ông bị ngập trong chiều sâu của sự cô liêu. Cái đó mới ghê gớm cho một người tật bệnh đã đến lúc biết mình không qua khỏi. Ông có cảm tưởng như ông chìm xuống chiều sâu của một thế giới âm u huyền ảo, sâu xuống, gần xuống với cái ám ảnh thơ ma của Đinh Hùng “Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.” Đinh Hùng thì muốn vào thăm cái thế giới âm u huyền ảo đó. Hàn Mặc Tử thì sợ nó: “Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng.”

    Đây tôi không muốn nói thêm về những nỗi đau đớn của Hàn Mặc Tử khi biết mình sắp chết. Độc giả có muốn nghe, xin hẹn dịp khác vậy. Tôi chỉ muốn sơ về cái hay xuất thần trong thơ Hàn Mặc Tử, cái xuất thần như là một sự mặc khải của Tạo Hóa (Tạo Hóa, không phải cua Chúa hay của Phật, hay của Thánh Alla) mà ai làm thơ, dù muốn có cũng không thể có được.

    Nhiều người thích bài thơ “Đây thôn Vỹ…” của Hàn Mặc Tử. Thích là vì hay! Hay ở chỗ nào? Tôi từng tới chơi Thôn Vỹ vì đi theo Hiệp, em gái của Trừng (Phan văn Quả, bạn học, sau ra bác sĩ. Hiệp cũng là chị của Tuyết (Tuyết đen) nổi tiếng đẹp. Vậy mà Hiệp không đẹp, vậy mà tôi vẫn đạp xe theo. Xứ của người mình thương mà không thấy đẹp? Là tại sao? Tại tôi không thấy cái đẹp của thôn Vỹ, thôn của mấy ông Hoàng, bà Chúa. Tôi cũng từng ngủ qua đêm ở đây, với bạn học, anh Nguyễn Văn Hải, để học thi, trong một cái đồn binh bỏ hoang đã mấy năm: đồn Lại Thế. Thành ra, tôi ngạc nhiên khi thấy ai thích bài thơ “Đây thôn Vỹ…”. Ngay chính Hàn Mặc Tử, ông sống ở Huế đâu có lâu để thấy hết cái đẹp của Huế. Đó là nói chung về bài thơ. Nhưng với những câu thơ sau đây thì trác tuyệt: “Thuyền ai đậu bến đêm trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay.” Rồi ông gởi môt chút lòng của ông về cho ai đó: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà.” Ở đây là ở bãi biển Qui Hòa, nơi ông đang sống một mình.

    Nước ta có nhiều sông ngòi nên có nhiều “bến sông”. Tôi từng đi qua nhiều bến sông, trong đời thực như sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Diên Trường, nơi phát sinh của câu hò “Trăm năm nhiều nỗi hẹn hò…” hay “Bến Sông Hương” trong câu thơ của Nguyễn Thị Hoàng, - Có phải đây là “Bến Đò Thừa Phủ -  cho tới Bến Lức, bến Bắc Cần Thơ, bến Thủ, bến Sông Ông Đốc, bến Sò Lưới gần Mũi Ông Trang” và cả Bến Đò Gió, bến My Lăng trong văn chương. Mỗi bến sông có một nét đẹp riêng, nhất là những bến đò trong đêm trăng. “Trăng thì vàng, rơi đầy trên mặt sách” của nhà thơ Yến Lan. Thành ra, bến đò Vỹ Dạ đêm trăng không thể không đẹp được, nhất là có thuyền ai đậu đó để chờ “chở trăng về” cho “kịp tối nay.” Đó chỉ là tưởng tượng, nhưng trí tưởng tượng của Hàn Mặc Tử phong phú quá, làm cho ai nấy đều thích, đều phục.

    Nói đến Huế là nói đến nhiều thứ, phần nhiều buồn, đẹp và buồn. Đẹp của Thôn Vỹ là đẹp và buồn. Huế  còn nhiều cái buồn khác: mắt Huế, tím Huế, trời Huế, sông Huế, núi Huế (?) phố Huế, xóm Huế, cầu Huế, đền đài miếu mạo của Huế. Có cái gì không buồn, ngay cả những chiếc áo trắng khi qua cầu Trường Tiền hay cả “mặt trời từ phía nón em nghiêng qua cầu…”?

    Mắt Huế!
    Mắt Huế thì buồn! Nhà thơ Đinh Trầm Ca có riêng một bài thơ về “Mắt Huế xưa”. Ông mô tả “mắt xưa, chiều áo tím”, “mắt Huế buồn rưng rưng”, mắt Huế “đẹp ai oán”… nhưng ông ta không nói rõ “màu mắt Huế” như thế nào!


    Thu Bồn, cũng “một ông trong Quảng” nói rõ hơn: “Mắt em nâu”. Bạn đọc có gì suy nghĩ không?

    Thông thường, người Việt “mắt đen”. Ca dao mô tả là “mắt đen lay láy”, “mắt hạt na”, “lay láy hạt na” là cách nói của người Bắc, người Nam gọi quả na là mảng cầu, nhưng không ai gọi “mắt hột mảng cầu” cả.

    Mắt đen là người khôn. Gái Huế không thiếu những người mắt đen. Ca dao có câu “Người khôn con mắt đen sì, Người dại con mắt nửa chì nửa thau.” Màu chì và màu đồng (thau) là màu mắt dại.
    Thế tại sao Thu Bồn lại viết “mắt em nâu”, sau bốn câu mở đầu:
    Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
    Chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu
    Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
    Mặt trời vàng và mắt em nâu.


    “Bởi vì”. Tại sao lại “bởi vì”. Nếu em không “dắt anh lên những ngôi đền cổ” thì anh làm sao biết đến một triều đại nay chỉ còn lại những ngôi đền cổ, tức là lăng tẩm đền đại miếu mạo thành quách, của một thời kỳ quân chủ “phong kiến” trong lịch sử. Thời kỳ huy hoàng ấy đã qua rồi, như “chén ngọc chìm dưới đáy sông sâu”. Sông Hương của Huế đã chôn vùi vẻ huy hoàng của Huế dưới lòng sông của mình? Nó có nghĩa là Huế tự triệt tiêu Huế vì thời gian, vì lịch sử mà không phải vì ai? Không phải vì người Huế theo “đà cách mạng” mà vùi dập những gì hay đẹp của chính quê hương mình. Ai lại bạc bẻo dến thế!!!???

    Chính thời gian đã tàn phá Huế, làm cho Huế “rơi vào quên lãng”, mà những lăng tẩm cũ kỷ đang cố chống lại một cách yếu ớt như nắng “hoàng hôn”. Đôi mắt màu nâu “của em” phản ảnh sự chống chỏi những tàn tạ ấy. Trong ý nghĩa ấy, mắt em không là màu chì, - em không dại -, mắt em mầu nâu là màu của gạch đá, rêu phong lăng tẩm, thành quách Huế. Than ôi! điều đó cho ta thấy em yêu Huế biết chừng nào! Lòng trung trinh với Huế “của em”, chứng tỏ em sẽ không bào giờ “cải tạo” được. Thành ra, nhà  “cách mạng vô sản” Thu Bồn đành phải chia tay mãi mãi: “Tạm biệt Huế, với em là vĩnh biệt!” và “Xin đừng lầm em với cố đô!” Nhạc sĩ Xuân An, không hiểu ý của nhà thơ, không hiểu “lập trường cách mạng vô sản” của Thu Bồn, cho rằng viết như thế: “với em là vĩnh biêt” là tàn nhẫn, là độc ác, nên sửa lại thành: “Tạm biệt nhau mà trong lòng còn Huế” để còn lại một chút gì với nhau. Mỗi người một nét: Thu Bồn là một người Quảng Nam, năm 1945, theo “cách mạng” khi chưa tới 18 tuổi, tập kết năm 1954, sau 1975, khi đến Huế thì ông đã già, tâm hồn già cỗi, làm sao hiểu được Huế là gì. Xuân An trẻ hơn, một người Huế chính cống, một nhạc sĩ chính cống, với “một tấm lòng” của người Huế, hiểu Huế, yêu Huế khác hơn.

    Tím Huế
    Có nhiều màu tím khác nhau. Màu tím thiên nhiên được nhiều người thôn quê yêu thích và chọn để may áo là tím hoa sim, - tương tự hoa sim là hoa mua -, hoa cà, hoa bèo Nhựt Bổn… Thường những màu tím nầy hơi lạt (nhạt). Trong bài hát “Trang Thư Xanh” của Anh Bằng, Hoàng Oanh, Trang Thanh Lan thường hát, có câu: “Trang thư xanh, em viết trao anh, màu hoa tím, tím bông hoa cà…” Còn như “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan, nhiều người biết và yêu thích, ngoài Tố Hữu. Đó là những màu tím thôn quê, có khi bị chê là “nhà quê” (?). Còn như “Tím Huế” là khác đấy. Tím Huế sang hơn, buồn hơn, đậm hơn, thường gọi là “tím than” - pha màu đen. Đó là màu của “Tử Cấm Thành”, của triều đình, của vua chúa, của nơi vua làm việc: điện Cần Chánh, nơi thiết triều: điện Thái Hòa, nơi vua ở: điện Càn Thành)...


    Tử là màu đó tía, trong khoa học gọi là “tia tử ngoại”. Cung điện u trầm, lặng lẽ, làm cho màu tím Huế buồn hơn, thành ra màu tím Huế là nguồn hứng cho biết bao thi nhân, nhạc sĩ… như Hoàng Nguyên “Một chiều lang thang bên bờ sông Hương, Tôi gặp một tà áo tím”, “như mắt xưa, chiều áo tím”, Vậy là gái Huế thường mặc áo tím để đi dạo. Chỉ mấy cô da trắng thôi nhé. Mấy cô có màu da đen, hơi đen, da bánh mật… thì không mặc áo tím bao giờ. Màu tím phản ánh làm cho màu da đen hơn mà máy cô ngày xưa, chỉ là xưa thôi, lại ưa da trắng!

    Chiều mùa hạ… là “Chiều vàng. “Chiều mây vàng nhớ tiếng em ca, Mây lang thang trong nắng hanh vàng” thì mấy cô mặc áo màu hoàng yến.  Chiều mùa thu, trời không nắng, âm u nhiều mây, thì mấy cô mặc áo tím đi dạo phố. Đó là áo, là màu áo của Huế một thời.

    Hỏi đùa độc giả, thời gian màu gì?

    “Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngắt
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh…”


    Lý Phu nhân đời Hán Vũ Đế là một cung phi (Đoàn Phú Tứ viết là Tần Phi), sau khi chết được phong làm “hoàng hậu”, là một người “đẹp não nề”, được nhà vua vô cùng yêu. Cung phi qua đời khi còn trẻ. Khi trở bệnh, vua đến thăm, cung phi lấy chăn trùm đầu, không cho vua nhìn. Cung phi không muốn nhà vua nhìn thấy nhan sắc tàn tạ vì bệnh của mình. Dù vua có năn nỉ như thế nào, cung phi vẫn không cho vua thấy mặt: “Trăm năm tình cũ lìa khôn hận, Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng.” (1)

    Nhà thơ lại đem câu chuyện Dương Quí Phi ví với tâm tình cung nữ: “Tóc mây một món chiếc dao vàng, Nghìn trùng e lệ phụng quân vương”

    Dương Quí Phi khi mới vào cung, tính thường hay ghen, Đường Minh Hoàng sai đem giam vào lãnh cung. Nhớ Quý Phi, vua sai Cao Lực Sĩ đến thăm. Dương Quí Phi cắt một món tóc, gởi Cao Lực Sĩ đem về dâng vua. Vua thương tình, lại cho vào cung trở lại.

    Vậy thì màu thời gian là màu gì? Có chút gì triết học đây chăng?

        Duyên trăm năm dứt đoạn
        Tình một thuở còn vương
        Hương thời gian thanh thanh
        Màu thời gian tím ngắt


    Đọc đầu đề bài thơ: “Màu thời gian”, người đọc cứ tưởng đây là một bài thơ có “màu sắc” triết học. Khi đọc hết và đọc kỹ, người đọc nhận ra một điều thích thú hơn. Đoàn Phú Thứ nói tới một chuyện tình vương giả, giữa một ông vua đa tình và một tuyệt thế giai nhân. Một giai nhân mang một nhãn quan sâu sắc về thân phận con người, lại là một người đẹp trong cuộc đời vương giả, cung vàng điện ngọc. Có lẽ cung phi không tiếc một cuộc đời sung sướng sang trọng ở cung đình, mà tiếc một nhan sắc sớm tàn tạ trong cõi trần ai. Ngọc vàng châu báu, cung điện nguy nga, dù có mất đi, người ta có thể xây dựng lại được. Sắc đẹp là của Trời, của bàn tay siêu nhiên Tạo Hóa dựng nên. Con người, dù có tài tình, phép tắc biến hóa như thế nào cũng không làm sao có được. Hơn thế nữa, cái ấn tượng thuở ban đầu là một điều nên gìn giữ lâu dài, không thể để cho một điều xấu xí nào làm phai mờ, xóa nhòa ấn tượng đó được. Với ý nghĩ sâu sắc đó, cung phi nhất định không cho nhà vua thấy mặt “nàng” một lần nữa, khi nhan sắc đã phai tàn. Tuy nhiên, lòng của cung phi yêu nhà vua, vẫn còn đó: “Duyên trăm năm đứt đoạn, Tình một thuở còn vương”. Trong cuộc đời vương giả, người ta vẫn giữ trọn một tình yêu chung thủy, như vua Tự Dức (Ôn Như Hầu?) từng than thở: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi.”

    Ý tưởng kết thúc của bài thơ, không hẳn ở sắc đẹp, ở tình yêu… Đoàn Phú Tứ muốn đi sâu một chút hơn nữa: Thời gian. Thời gian làm cho tất cả phai tàn, tàn tạ, chết theo thời gian bởi vì thời gian, dù trong cung cấm cũng là nỗi buồn bất tận. Thời gian của vương giả, của hoàng thành, của Huế, của tím Huế chính là “Màu thời gian tím ngắt.”

    Tím Huế không mang một màu vô tư. Đó là màu của ngây thơ “Huế nên thơ bỗng buồn bơ vơ”, màu của buồn bã: “Màu mắt Huế, buồn rưng rưng”, màu của suy tư, màu của chiều sâu, của “thâm trầm”, của trầm tư, của “Con sông dùng dằng con sông không chảy, Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. Màu tím là  màu của yêu đương, của đa tình, chung thủy “Hải Vân ơi đừng tắt ngọn sao khuya”.  Anh và em là sao hôm, sao mai, là Sâm Thương, một đời theo nhau không bao giờ mệt mỏi, ngừng nghỉ. Màu tím là màu của thủy chung, dù xa nhau, anh sẽ “hóa đá ở bên tê” để dợi chờ. Màu tím là màu của giận hờn, của tủi thân, của “Giận anh nên bước đi ngoài mưa” màu của nhung nhớ, đợi chờ, của “pha mực (tím) cho vừa màu nhớ thương”…

    Huế có Đại Nội, nhưng có mấy ai biết, Đại Nội là nơi phát sinh của những nỗi buồn: “Thu từ Thành Nội, Mang buồn gieo, Ngơ ngác bến sông Hương. Sông Hương buồn vì sông Hương là nơi mang nỗi buồn của ai đó hay của cung phi mỹ nữ trong nội thành?

    Huế là quê hương của nhớ nhung, không hẳn “đi xa để mà nhớ”. Ngay khi sống ở Huế cũng đã nhớ Huế rồi. “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viện”, là nhớ những gì Huế đã mất, không còn, là cái “Huế xưa”. Ở đâu chẳng có cái còn cái mất, nhưng tại sao người Huế lại nhớ cái mất nhiều quá vậy? Mất thành quách, đền đài miếu mạo, mất đại nội, mất vua, mất hoàng hậu, mất cung nữ… Cái mất đó đâu phải của ta mà tiếc thương hoài vậy?! Không những người ta mất “hồn cung nữ”, mất những ông vua bị lưu đày, mất áo mão cân đai của một triều đại xưa cũ. Cái mất đau đớn nhất chính là người ta mất “hồn Tổ Quốc” đấy. Người ta nghe tiếng than “vua tôi đâu rồi” của năm Thất thủ Kinh đô”, là khi nghe “Hồn Thục Đế” của những buổi trưa hè trên Nền Xã Tắc. Vậy thì cái tiếc cái thương ấy bao giờ chấm dứt, khi Tô Quốc “chưa về…” với dân tộc.

    Huế mất những tà áo trắng trên cầu Trường Tiền khi học trò tan học, mất những chiếc nón bài thơ “che mặt trời nghiêng từ phía nón em che”, mất tiếng guốc lóc cóc của những cô nữ sinh đi về “xóm học Hàng Me.” Hàng Me mà không phải đường Chu Văn An của những người đẹp cùng tên “mi”.

    Cho dù ngày nay, người ta cố dựng lại ngai vàng, vua quan, hoàng hậu, chụp hình, đăng báo, thì đó cũng chỉ là những thứ hàng giả, hang dổm, mang tính thương mại hơn là tìm lại “hồn thu thảo” của những năm tháng xa rồi./

hoànglonghải

(ký tới: Bạch Mã, núi thiêng của triều đại)


(1)-Theo Hán thư, Lý phu nhân người ở Trung Sơn, nay là Định Châu, tỉnh Hà Bắc. Không rõ tên thật là gì, nhưng dã sử tương truyền cái tên Lý Nghiên, không rõ gia thế của bà ra sao, chỉ biết bà có người anh là Lý Diên Niên, Lý Quảng Lợi cùng em là Lý Quý.
    Khi đó là ở triều đại của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Hoàng hậu Vệ Tử Phu được Vũ Đế sủng ái, song đến tuổi già thì sắc đẹp suy giảm, Hoàng đế muốn chọn một người đẹp vào cung. Anh của Lý thị là Lý Diên Niên, một người giỏi âm nhạc nổi tiếng đời Hán được hầu trong nội điện. Có một bận, Lý Diên Niên nghe được Vũ Đế than thở:"Trẫm lập đền Minh Quang, kén hai ngàn mỹ nhân ở vùng Yên Triệu. Nhỏ nhất 15 tuổi, quá 30 tuổi sa thải cho lấy chồng. Thế mà, trong chốn dịch đình có trên 10 ngàn mỹ nhân vẫn chưa thấy ai đẹp cho vừa lòng trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc".
    Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 TCN), Lý Diên Niên nhân dịp múa hát chầu Vũ Đế, Lý Diên Niên bèn biểu diễn tiết mục "Bắc Quốc giai nhân"[1]. Khi âm nhạc trỗi lên du dương, Lý Diên Niên hát:
...
Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc,
Giai nhân nan tái đắc
(Phương Bắc có mỹ nhân,
Vẻ đẹp tuyệt thế không ai sánh bằng.
Một cái nhìn làm ngả nghiêng thành quách,
Nhìn lại lần nữa làm đất nước suy vong.
Thà là không biết cái đẹp khuynh thành khuynh quốc,
Người đẹp như vậy khó lòng gặp đến hai lần)


Sau đó từ “Khuynh thành khuynh quốc” trở thành điển cố để hình dung người đẹp. Hán Vũ Đế xem tiết mục ấy, và bị thu hút, mới hỏi Lý Diên Niên: "Thế gian có người đẹp đến như thế chăng ?". Chị của Hán Vũ Đế là Bình Dương công chúa nói: "Lý Diên Niên có người em gái đẹp tuyệt trần, là một người đẹp khuynh thành khuynh quốc như thế". Lý Diên Niên qua biểu diễn ca múa, đã khéo léo đem em gái mình là một thiếu nữ da trắng như ngọc, mặt đẹp như hoa, kiều diễm hơn người, tiến cử vào cung, phong làm Phu nhân, thuộc hàng phi tần chỉ sau Hoàng hậu. Lý thị tinh thông âm luật, giỏi đàn ca thi phú, đặc biệt cũng rất giỏi ca múa nên Hoàng đế rất thích. Bà hạ sinh duy nhất một con trai, là Hoàng tử Lưu Bác.

    Về năm mất của bà, sử gia ước đoán rằng bà mất khoảng giữa năm Thái Sơ nguyên niên (năm 104 TCN) đến năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN). Sử ký nói là Lý phu nhân mất sớm  (tảo tuất), Hán thư nói là trẻ mà mất sớm (thiếu nhi tảo tuất), chứng tỏ khi mất Lý phu nhân còn rất trẻ.

    Khi Lý phu nhân bị bệnh, Hán Vũ Đế rất quan tâm, thường xuyên tới tận nơi thăm nom. Lý phu nhân dùng chăn che lấy mặt nói: "Thần thiếp bị bệnh đã lâu, dung mạo đã xấu xí, không còn như trước nên không muốn để hoàng thượng nhìn thấy. Tâm nguyện duy nhất của thần thiếp là giao phó người anh và em trai của mình cho hoàng thượng". Hoàng đế nói: "Phu nhân bệnh đã lâu, có thể đây là lần gặp cuối giữa trẫm và nàng". Ý của Vũ Đế là muốn nhìn mặt Lý phu nhân lần cuối, tuy nhiên bà vẫn quyết từ chối, nói: "Thần thiếp chưa trang điểm, không dám gặp hoàng thượng". Ông một lần nữa muốn gặp mặt nhưng Lý phu nhân nhất định không cho. Không còn cách nào khác, Hán Vũ Đế đành phải thở dài ra về.

    Sau khi Hán Vũ Đế ra về, chị gái của Lý phu nhân có ý trách bà đã làm phật lòng Hán Vũ Đế. Lý phu nhân trả lời: “Đàn bà là kẻ chỉ hay lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình duyên sẽ phai nhạt. Nhà vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc khỏe mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ, ta là kẻ xấu hơn. Nhìn mặt ta, nhà vua sẽ chán, thì nào đâu còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa”.

    Lý phu nhân qua đời, Hán thư ghi rằng bà được Hán Vũ Đế dùng lễ Hoàng hậu hạ táng.

    Sau khi Lý phu nhân qua đời, Hán Vũ Đế ra lệnh các hoạ sư vẽ di tượng Lý phu nhân treo ở Cam Tuyền cung.

Một thời gian dài vẫn không quên được bà, Hán Vũ Đế còn làm một bài phú để bày tỏ sự thương xót của mình dành cho Lý phu nhân. Nhớ lời dặn dò của Lý phu nhân, nên sau bà qua đời, anh trai của bà là Lý Diên Niên nhờ tinh thông âm nhạc nên được phong làm "Hiệp luật đô úy”, phụ trách quản lý những người nghệ nhân ca múa trong cả nước. Người anh cả của Lý phu nhân là Lý Quảng Lợi cũng được phong làm Nhị Sư tướng quân. Sau đó, Lý Diên Niên cùng Lý Quý dâm loạn trong cung, nhà họ Lý bị diệt. Lý Quảng Lợi khi ấy đang chinh phạt Đại Uyên, chưa bị tội.
Năm Thái Sơ thứ 4 (101 TCN), nhờ có công, Lý Quảng Lợi được phong làm Hải Tây hầu. Năm Chinh Hòa thứ 3 (90 TCN), Hán Vũ Đế chất tử Thừa tướng Lưu Khuất Li cùng Lý Quảng Lợi âm mưu lập Lưu Bác làm Thái tử. Sự tình bị phát giác, Lưu Khuất Li bị xử tử, còn Lý Quảng Lợi sang đầu hàng quân Hung Nô, nên nhà họ Lý bị diệt vong.
 Sau khi Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng đăng vị, do Trần Hoàng hậu, Vệ Hoàng hậu cùng mẹ đẻ Câu Dặc phu nhân sinh thời đều bị hoạch tội, không xứng hợp táng cùng Hán Vũ Đế, quyền thần Hoắc Quang quyết định truy tặng Lý phu nhân làm Hiếu Vũ Hoàng hậu, mộ táng của bà gọi Anh lăng, cách 1 dăm phía Tây Bắc so với mộ táng Mậu lăng của Hán Vũ Đế.

    Cuộc đời của Lý phu nhân để lại rất ít trong sử liệu, nhưng những câu chuyện xoay quanh bà, về nhan sắc cũng như sự sủng ái của Hán Vũ Đế đối với bà đặc biệt khá nhiều.

    Thời Tây Hán, có một thực vật gọi là Mộng thảo, còn gọi Hoài mộng, bộ dáng giống cây xương bồ, sắc đỏ, ban ngày thì ở lỳ trong lòng đất, khi tối mới từ từ bò ra.

    Truyền rằng, chỉ cần mang một chiếc lá của cỏ này đi vào giấc mộng, thì có thể nằm mộng bói ra điều cát hoặc điều hung, hơn nữa có thể lập tức được ứng nghiệm. Lý phu nhân sau khi chết, Hán Vũ Đế thập phần tưởng niệm, rất muốn tìm lại dáng vẻ năm xưa của bà nhưng hoàn toàn không có khả năng. Đông Phương Sóc vì thế dâng lên một chi “Mộng thảo” đến Hán Vũ Đế. Ngày đó, Hán Vũ Đế quả nhiên mơ thấy Lý phu nhân. Bởi vậy đem loại thảo này cải tên là “Hoài mộng thảo”.
 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top